Trang chính » Chuyên Đề, Nhận Định, Tự Lực Văn Đoàn- Phong Hóa- Ngày Nay Email bài này

Triển lãm và hội thảo báo Phong Hóa – Ngày Nay và Tự LựcVăn Đoàn

1 bình luận ♦ 16.07.2013
clip_image004_thumb.jpg

 

clip_image004clip_image002

Vào cuối tuần vừa qua, ngày 6 và 7 tháng 7, cuộc triển lãm và hội thảo về báo Phong Hóa – Ngày Nayvà Tự LựcVăn Đoàn đã diễn ra ở Hội trường của Tòa Soạn Báo Người Việt tại Quận Cam. Chương trình này do Diễn Đàn Thế Kỷ 21 Online tổ chức, nhằm vào đúng ngày giỗ của Nguyễn Tường Tam, với bút hiệu nổi tiếng nhất là Nhất Linh trong nhiều bút hiệu khác, Giám Đốc của tờ Phong Hóa, một trong những người thành lập Tự LựcVăn Đoàn và cũng là cây bút chính của nhóm.

Ban tổ chức, điều hành và diễn giả của buổi hội thảo là những tên tuổi quen thuộc của giới văn nghệ sĩ hải ngoại, từ những người ở Quận Cam như Phạm Phú Minh, Bùi Bích Hà, Đỗ Quý Toàn, đến những người ở tiểu bang khác như Trần Doãn Nho, Trần Mộng Tú, và có người đến từ nước khác như Giáo Sư Nguyễn Hưng Quốc từ Melbourne, Úc, và Giáo Sư Kawaguchi Kenichi từ Tokyo, Nhật Bản. Quan khách cũng có nhiều khuôn mặt văn nghệ, nhiều thành viên của gia đình họ Nguyễn Tường và đại diện của những gia đình Tự Lực Văn Đoàn khác.

Phần triển lãm gồm những tấm áp phích lớn trên tường của Hội trường, là những tập hợp bìa, tranh, và những trang trong báo Phong Hóa, Ngày Nay, và những tác phẩm của Tự Lực Văn Đoàn. Ảnh của những thành viên trong nhóm Tự Lực Văn Đoàn xuất hiện trên một hai áp phích. Đặc biệt thú vị là những bức tranh do nhóm Tự Lực Văn Đoàn và hai họa sĩ cộng tác nhiều với nhóm là Nguyễn Gia trí và Tô Ngọc Vân vẽ, trong số đó có một bức do Nhất Linh vẽ cảnh họp chợ rất đẹp, và áp phích có hình những trang truyện Hồn Bướm Mơ Tiên trong ấn bản đầu tiên với những hình minh họa do Nhất linh vẽ. Những trang truyện ấy khiến người xem cảm động, vì chúng tiêu biểu cho tình bạn thân thiết và sự cộng tác hài hòa giữa hai người tài hoa đồng chí hướng, gợi nhớ đến một tình bạn văn nghệ khác là Văn Cao và Phạm Duy. Cũng đáng ngạc nhiên là công trình lưu trữ của những người tha thiết với Tự Lực Văn Đoàn. Từng ấy năm từ khi Tự Lực Văn Đoàn thành lập, nở rộ, rồi lụi tàn, những bản in nguyên thủy của những tác phẩm họ đánh cuộc cả mạng sống để viết ra vẫn còn được trân trọng giữ gìn, in lại trên áp phích, tuy hơi ố màu thời gian nhưng nét mực chừng như vẫn còn tươi thắm.

Phần hội thảo có những bài viết công phu, những ký ức, chi tiết thú vị về Tự Lực Văn Đoàn, và những nhận xét, phân tích, đối chiếu khác nhau về bố cục, đề tài, văn phong của Tự Lực Văn Đoàn cũng như lý do tại sao đến ngày nay, 90 năm lẻ sau ngày Tự Lực Văn Đoàn được thành lập và hơn 70 năm sau ngày nhóm tan rã, người ta vẫn muốn nhắc đến Tự Lực Văn Đoàn, vẫn nhìn ra những điều đáng nói trong những tác phẩm của Tự Lực Văn Đoàn. Nếu có điều gì đáng bươi móc, ấy chính là Tự Lực Văn Đoàn trong những bài nói chuyện hoàn hảo quá, tuyệt vời quá. Những bài nói chuyện ấy dường như không hẳn là tài liệu cho một cuộc hội thào, mà là những lời vinh danh và ca ngợi Tự Lực Văn Đoàn. Lắng tai nghe, khán giả không khỏi liên tưởng đến sự tương đồng giữa sự lãng mạn hóa Tự Lực Văn Đoàn đang được hùng hồn biện luận bởi những diễn giả danh tiếng trên sân khấu, và sự lãng mạn hóa ái tình và đôi khi cả những thực tế tàn nhẫn trong truyện Tự Lực Văn Đoàn. Không ai có thể phủ nhận giá trị và tính tiền phong về tư tưởng cũng như nghệ thuật của những tác phẩm ấy, không ai có thể không thán phục sự can đảm và hy sinh của những thành viên trong nhóm để bảo vệ tiếng nói và lòng tin của mình. Nhưng họ, và những tác phẩm của họ, không ít thì nhiều vẫn là những sản phẩm của thời đại họ phê bình và tố cáo, với tất cả những sự hạn hẹp, bất lực và rối rắm của một xã hội phong kiến trong một nước bị Tây phương đô hộ. Đa số diễn giả là những người chân gắn chặt vào thế kỷ 20, nhưng nếu hội thảo xảy ra vào thế kỷ 21, có lẽ cũng nên nhìn lại với một tầm nhìn “mới” hơn, thay vì chỉ tìm kiếm những lời khen “mới” hơn?

Hai ngày triển lãm và hội thảo đã thành công lớn. Hội trường báo Người Việt có sức chứa tối đa là 250 người, nhưng vẫn còn nhiều người đứng phía sau và dọc bên tường, cho thấy sự thu hút mạnh mẽ của buổi triển lãm và hội thảo. Khán giả chăm chú nghe, vỗ tay nhiệt liệt khi đến những đoạn dỉ dỏm hoặc thú vị. Lẽ ra phải là điều đáng mừng khi giá trị của những tác phẩm Tự Lực Văn Đoàn vẫn còn nhiều người ái mộ đến thế, nhưng nhìn quanh hội trường thì thấy rõ mặt trái của vấn đề. Khán giả đại đa số thuộc thành phần lớn tuổi, gần hoặc quá tuổi về hưu, những người rõ ràng đã trải qua thời mới lớn với văn Tự Lực Văn Đoàn và quyến luyến với những tác phẩm ấy cũng như người ta nhớ đến mối tình đầu. Nếu có lác đác những người trẻ hơn tuổi 50, có vẻ như họ “bị” lôi đến nhiều hơn. Khoảng trống thế hệ phía sau những khán giả có mặt báo trước rằng, cho dù trong hai ngày cuối tuần qua Tự Lực Văn Đoàn đã là trung tâm của bao nhiêu hào quang và ngưỡng mộ, trong tương lai không xa lắm, những vẻ đẹp và giá trị vượt thời gian của nhóm sẽ dễ dàng bị quên lãng. Nếu thế, đấy là sự mất mát lẫn thiệt thòi của nền văn chương và văn hóa Việt Nam trong tương lai, và cũng là sự thiếu sót buổi triển lãm và hội thảo này dường như không chú ý đến và không đạt được thành quả nào trong việc trao lại sự bảo tồn di sản Tự Lực Văn Đoàn cho những thế hệ tương lai.

bài đã đăng của Tiểu Thư

Phần Góp Ý/Bình Luận


Xin vui lòng bày tỏ trách nhiệm và sự tương kính trong việc sử dụng ngôn ngữ khi đóng góp ý kiến. Da Màu dành quyền từ chối những ý kiến cực đoan, thiếu tôn trọng bạn đọc hoặc không sử dụng email thật. Chúng tôi sẽ liên lạc trực tiếp với tác giả nếu ý kiến cần được biên tập.

Lưu ý: Xin vui lòng bỏ dấu tiếng Việt để giúp tránh những hiểu lầm đáng tiếc từ độc giả trong việc diễn dịch ý kiến đóng góp. Bài không bỏ dấu sẽ không được hiển thị. Xin chân thành cám ơn.

1 Bình luận

1 Pingbacks »

@2006-2023 damau.org ♦ Tạp Chí Văn Chương Da Màu
Log in | Entries (RSS) | Comments (RSS)