Trang chính » Biên Khảo, Chuyên Đề, Dịch Thuật, Màu Da và Ngôn Ngữ, Sang Việt ngữ, Tiểu luận Email bài này

Đọc Fake House của Đinh Linh

Chân Phương dịch

Đọc Fake House của Đinh Linh: Tự Sự Về Những Vỡ Vụn Xuyên Quốc Gia (1)

Văn chương người Mỹ gốc Việt nằm bên rìa xã hội Hoa Kỳ. Mối quan hệ của nó với một trung tâm quyền lực khó phủ nhận chi phối cách đọc, bình luận và thu nhận nó (2). Trong hai thập niên sau 1975, dòng văn chương này hầu như hoàn toàn bị lơ đi, phần lớn vì các lý do chính trị. Cả hai phe hữu cũng như tả phái Hoa Kỳ đều không ham nghe kể những câu chuyện người Mỹ gốc Việt vì chúng nhắc lại một cách sinh động mặc cảm phạm tội của nước Mỹ hoặc những chà đạp bức hiếp mà các chế độ tả khuynh đã tiến hành. Tương tự văn chương thế giới thứ Ba, những trang thơ văn ấy phóng rọi “một chiều kích chính trị dưới dạng dụ ngôn quốc gia” bất kể mức độ riêng tư của nội dung đề tài (3). Tuy nhiên trong thập niên cuối cùng này khi chiến tranh lạnh kết thúc kèm theo sự giải tỏa cấm vận kinh tế đối với VN từ 1994 cộng thêm sự trưởng thành của dân Mỹ gốc Việt được giáo dục tại Hoa Kỳ đã tạo ra một chuyển biến trong sự tiếp nhận, và dòng văn chương Mỹ gốc Việt đã đạt được mức ăn khách tương đối, đặc biệt khi nó đề cập đến chiến tranh VN và kinh nghiệm tị nạn. Các chuyến đào thoát của thuyền nhân (4) và gần đây loại truyện mà tôi gọi là “Trở Về Quê Nhà” của người Mỹ gốc Việt đã tạo nên một sự thu hút đặc biệt (5). Hồi ký của Andrew X. Phạm về chuyến lữ hành ở VN chẳng hạn đã nhận được nhiều giải thưởng và có lẽ đây là bản văn của người Mỹ gốc Việt được giảng dạy nhiều nhất tại các đại học Hoa Kỳ (6). Công ty Levi Strauss trả tiền cho Trương Trần du lịch VN viết về “đồng bào” của ông (7). Cũng có mối thu hút tương tự đối với những truyện kể Việt Kiều ở Mỹ trở về VN trong lĩnh vực truyền thông. Thí dụ đài PBS truyền hình Andrew Lâm trong phim tư liệu mang tên “Tôi trở lại quê nhà”, rồi mướn Nguyễn Quí Đức tường thuật tư liệu khác tựa đề “Việt Nam: Đi tìm quê nhà” (8). Các tiếng nói người Mỹ gốc Việt trẻ tuổi đã được các tờ báo lưu tâm và đặt hàng cho những dự án tương tự (9). Qua các mẫu truyện ấy, chất người của dân VN đã hiện lên và cùng với tính chất ấy có lẽ được phục hồi cái cảm giác cho phép Hoa Kỳ lấy lại quyền hạn đối với đất nước này.

Tuy nhiên không phải tất cả các truyện qui cố hương đều được hoan nghênh như nhau. Các bản văn chương của người Việt gốc Mỹ ăn khách nhất là do những kẻ đích thân quay về VN thuật kể, ghi rõ cuộc hành trình in đậm các cảm xúc mãnh liệt với kỷ niệm thống khổ, một nhu cầu chưa lành nỗi đau và niềm ham muốn tìm được bản sắc của mình. Fake House (Ngụy Cư), tập truyện ngắn đầy chất khiêu khích của Đinh Linh đi lạc hướng kết cấu chủ đề nêu trên và như thế mở ra một không gian xuyên phá (trangressive space) mới, cho thấy những điều què quặt do các hoàn cảnh hậu thuộc địa và xuyên quốc gia sản sinh ra, qua phái tính, giai cấp, màu da, chủng tộc, tính dục, và địa dư (10).

Đinh Linh là một nhà văn quan tâm đến những người Việt và Mỹ gốc Việt sống vất vưởng ở nơi gọi là bên lề. Mới gần đây ông về sống ở VN trong hai năm rưỡi, khoảng thời gian lâu hơn nhiều so với các ngòi bút Mỹ gốc Việt được truyền thông chủ lực mời mọc phát biểu như những tiếng nói uy tín về đất nước này. Tiếp theo kinh nghiệm đó ông viết Fake House (2000), cuốn sách một nửa lấy Hoa Kỳ và một nửa lấy Việt Nam làm bối cảnh. (11) Cuốn sách này đẩy bật đặc tính Hoa Kỳ khỏi vị trí trung tâm cùng với bản sắc quốc gia đi kèm với nó. Cuốn truyện cố tình phơi bày những hệ quả thô bạo do tư bản xuyên quốc gia gây ra đối với xã hội, tương tự như một ngọn đèn nê-ông chiếu rọi mấy góc bề bộn bẩn thỉu của một gian phòng. Bố cục và các vấn đề cũng như cách sử dụng ngôn ngữ phản kháng lại thuyết hệ phổ biến về Chiến tranh VN, về ý niệm coi VN là “biên cương cuối cùng của Hoa Kỳ”, cùng với sự nảy sinh gần đây của loại truyện “Trở Lại Quê Nhà”. Đề tặng “Những kẻ không được chọn”, Fake House đan chéo nhiều tự sự về bọn sống bên lề xã hội và đảo ngược cách soi rọi bằng ngôn ngữ và hình ảnh biến đám dân Việt tha phương thành những nạn nhân bi thảm và những lữ khách bị trục xuất nay lại quay về VN. (12) Được chụp bắt dưới nhiều trạng huống của những kẻ bị tước đoạt hết thế lực và quyền làm người, các chủ thể trong Fake House được mô tả như bọn người có động cơ chủ yếu là sự sống sót cá nhân, thường thường hy sinh kẻ khác khi cần. Bọn “không được chọn” này là những kẻ bị xã hội ruồng bỏ và theo lời Đinh Linh là “bọn thua cuộc và bọn thất bại, những kẻ bị tống khứ và hạ nhục bởi một thứ văn hóa hào nhoáng, chỉ tôn vinh người thắng cuộc (13). Đó thí dụ là anh chàng VN thuyền nhân bỏ trốn nhưng không đi thoát hoặc chị đàn bà Mỹ Trắng thua kém về nhan sắc nên du lịch Á châu với hy vọng được đoái hoài. Fake House nằm vào chỗ mà Michel Foucalt gọi là không gian dị hóa (heterotopia), một vị thế được kỷ luật hóa qua những thứ xã hội định danh là mang tha tính, có nghĩa là sự hiện diện của các thao tác xã hội với thiết chế đã mã hóa một số không gian nào đó thành công cộng hoặc riêng tư, hợp pháp hay bất hợp pháp. Đó là các không gian của khủng hoảng mang dấu ấn của nạn mù chữ, tà đạo (deviance), và nghịch loạn. Những vị thế ấy nhắc tôi nhớ đến các phân tích trong loạt bài viết do Lisa Louse và David Lloyd biên tập trong cuốn The Politics of Culture in the Shadow of Capital (1997) trong đó họ lập luận rằng chủ nghĩa thực dân và tiền thực dân ngày nay vẫn tiếp tục được tiến hành, do đó sản sinh ra những địa hạt mâu thuẫn khiến cho nạn phân cực giai cấp càng thêm trầm trọng mà không thể quy góp sự phân cực ấy vào mối lôgíc giản đơn của sự thương phẩm hóa (logic of commodification) (15). Như Cynthia Enloe đã chỉ ra cái giá phải trả cho những mâu thuẫn ấy trong các hoàn cảnh hậu thuộc địa thường đè lên người phụ nữ. Nếu họ thường được đề cao như những biểu tượng của tinh thần dân tộc, thì là để đàn ông bản xứ trả đũa “sự lăng nhục nam tính,” vì quá trình xâm chiếm thuộc địa và hậu thuộc địa đã dùng toàn đàn bà là đồ vật nhục dục đồng thời là cái cớ để can thiệp (16).

Xẻ ngang và chuyển dịch một cách có hệ thống mọi đối lập cố định, Fake House chỉ ra một cách hữu hiệu rằng chính các dị biệt được cấu tạo bởi xã hội và lịch sử không chỉ ở các cựu thuộc địa mà cả ở Hoa Kỳ nơi nhập cư của các chủ thể hậu thuộc địa đã sản sinh và làm nghiêm trọng thêm các thứ phản tác dụng. Các tự sự ấy mở ra một không gian trong đó dân Việt có thu nhập thấp và phụ nữ Mỹ gốc Việt chia nhau chỗ ngồi dưới đáy địa ngục của nền kinh tế xuyên quốc gia “cá lớn nuốt cá bé” [food chain: vòng quay thực vật – động vật ăn lẫn nhau trên quả đất – CP].

Những truyện ngắn trong Fake House soi rọi vấn đề tha hóa, sự truyền đạt giữa con người và các cố gắng đạt đến chủ thể tính đối với những di dân mới đến Hoa Kỳ, dân quê ở nông thôn Việt Nam cùng các nhân vật da trắng sống bên lề xã hội. Chúng đề cập đến tính trớ trêu buồn cười nếu không nói là đạo đức giả của chế độ phụ quyền của người Việt và người Mỹ gốc Việt đồng thời bàn luận về các thứ khủng hoảng nam tính đang tiếp tục in dấu trên chủ thể tính của người Việt và Mỹ gốc Việt (17). Những truyện ấy ngụ ý rằng lời nói do ai cất lên và từ vị thế nào sẽ làm biến đổi ý nghĩa do những kinh nghiệm tương tự cung ứng và chứng minh thêm rằng tư bản xuyên quốc gia đã gây ra những lệch lạc nhân tính như thế nào. Chẳng hạn trong “555”, Thanh là di dân Việt mới đến Hoa Kỳ đi chơi đĩ để giải quyết sinh lý để tìm quan hệ với đồng hương và tạo dựng lại một diện mạo đã bị chiến tranh nhà tù cải tạo sau 75, và quá trình tái định cư phá hủy. Thanh cho rằng anh ta tìm đĩ vì nhu cầu hơn là vì “ảo vọng nhục dục”. Bắt gặp gã Mỹ trắng “không xấu trai” đang ngồi chờ gái, anh ta tự hỏi: “tại sao thằng nhóc bảnh như thế lại phải vô động trả bạc trăm để chơi đĩ? Bộ nó không cua đào được sao?” (18) Mấy cái răng cửa của Thanh đã bị Việt Cộng “đấm văng mất” anh ta không nói được tiếng Anh và cảm thấy mình không có chỗ đứng ở Bắc Mỹ. Trong lúc được một “gái chơi” chà xát xà phòng trên lưng, anh ta nhớ lại đêm qua “có ai đó lái xe ngang đã ném quả trứng vào người mình” (19). Ở Hoa Kỳ anh ta là mục tiêu của sự kỳ thị chủng tộc. Như nhân vật Old Pete trong truyện ngắn “Jackrabit” (Thỏ tai dài) của Jeffery Paul Chan, Thanh muốn kề cận một con điếm Đại Hàn hoặc Trung Hoa để xoa dịu kiếp độc thân tất yếu, số phận của nhiều người di dân mới đến nước Mỹ như anh ta (20). Khác với lão Old Pete, Thanh không đến với gái điếm Á đông để tìm người đồng thanh khí với bản sắc dân tộc của mình (21). Trái lại Thanh chọn một động đĩ ở Phố Tàu chứa phần lớn gái điếm Đại Hàn bởi lẽ ở cái xứ Hoa Kỳ phân biệt màu da thành đẳng trật này họ rẻ tiền hơn và cũng đủ khác biệt để anh ta nhìn họ như vật thể (22). Khi anh ta nhận ra con điếm mình chọn là một người đàn bà Việt, “dương vật của anh ta đột ngột mềm xìu” (23). Dựa vào gốc gác chung, cô gái điếm hỏi Thanh bằng tiếng Việt: “Anh tên gì?” Thanh tức khắc cắt ngang mọi khả năng liên đới và thân mật: “Cô làm gì ở cái chỗ như vầy?” Mất thoải mái vì gặp phải đồng hương, Thanh không nhìn thấy được mối tương quan giữa hai cuộc đời sa đọa của họ. Để tránh né hình ảnh của mình bị phản chiếu như một tấm gương từ sự hiện diện của người đàn bà trẻ tuổi, Thanh tìm nơi ẩn náu trong thói phụ quyền.

Cuối cùng anh ta rộng rãi chi tiền cho cô điếm nhưng không ngủ với cô ta. Bù lại anh ta yêu cầu ả chia động từ “être” bằng tiếng Pháp. Trong một khoảnh khắc, Thanh sống lại ảo tưởng anh ta vẫn còn ở trong cái hệ thống nơi phụ quyền vẫn lấn át vị thế chủng tộc hoặc di dân. Bằng cách không ngủ với người đàn bà Việt, Thanh thi hành một động tác dân tộc chủ nghĩa qua trung gian của các chủ thể tính hậu thuộc địa từ đó anh ta rút ra được một uy thế ngắn hạn. Sự phát ngôn mấy chữ: “Je suis. Tu es. Il est. Elle est. Nous sommes. Vous êtes. Ils sont. Elles sont,” đưa ra cái thông điệp cho rằng “là” một di dân nghèo mới đến Hoa Kỳ không phải là sự chọn lựa mà là một tình cảm nằm trong tính liên tục của quá trình thuộc địa hóa (24). Cách chia động từ với âm điệu Việt Nam ấy có thể quen thuộc và dễ chịu đối với Thanh. Bị cầm tù trong một trại cải tạo cộng sản sau 1975, có thể trước đây anh ta là sĩ quan trong quân đội miền Nam và đã từng học trường Tây vào thời niên thiếu. Có những từ ngữ Pháp cho phép anh ta phá vỡ sự thân mật do nền văn hóa chung tạo ra đồng thời đưa anh ta trở về cái thời hòa bình khi mà trường Tây là chìa khóa của thăng tiến xã hội. Trong khoảnh khắc phù du ấy, ngôn ngữ có công dụng đánh thức ký ức, dân tộc tính cùng phái tính. Nó cũng nhắc lại một cách sinh động rằng khác với thời thuộc địa, sự kháng cự chống lại một kẻ thù chung vào ngày hôm nay gần như là một điều không thể thực hiện.

Cuộc đối thoại giữa “555” (Ba Số Năm) và “Hope and Standard” (Hy Vọng và Tiêu Chuẩn) mở thêm một không gian xuyên phá ở đấy chính trị, văn hóa và kinh tế rõ ràng tạo nên một trường năng động chằng chéo đầy mâu thuẫn. “Hy Vọng và Tiêu Chuẩn” đối chất cái ý kiến cho rằng hôn nhân cưỡng ép với Việt kiều hoặc ngoại kiều đã trở thành một sách lược của dân Việt thấp hèn để trốn khỏi sự nghèo túng. Trong “Hy Vọng và Tiêu Chuẩn”, những phụ nữ VN có nhan sắc sinh ra từ các gia đình nghèo được khắc họa thành các nhân vật vừa mắc kẹt trong ảo vọng của đàn ông Mỹ trắng vừa lệ thuộc vào chế độ phụ quyền ở Việt Nam. Trong truyện ngắn này, một người cha Việt Nam vừa gả con gái cho người nước ngoài, nhờ đó ông ta có thể hưu trí và “xây cất ngôi nhà gạch nhỏ” (26). Gặp một tay bán rượu, ông bố đó kể lể như sau:

Con gái tôi đâu có lấy người Đài Loan! Tiêu chuẩn chúng tôi cao hơn thế nhiều! Nó cũng chẳng lấy Việt kiều mà lấy Mỹ. Mỹ thứ thiệt! Nó sẽ hy sinh tuổi trẻ để vắt cạn tên này! Trong vòng năm năm chúng tôi sẽ làm ly dị. Sau đó con gái tôi sẽ nhập tịch Hoa Kỳ rồi mang tôi qua Mỹ. Tôi đâu ngu dại gì! (27)

Thế giới quan của người bố dựa vào ý hệ cho rằng sự hơn kém giữa các dân tộc và quốc gia. Đối với ông, đàn ông Mỹ trắng chiếm địa vị trên cùng còn đàn ông Việt thì nằm dưới đáy. “Nạn nhân” là người con gái Việt phải lấy một người mình không yêu để làm tròn chữ hiếu, và người đàn ông Mỹ đã hơi ngây thơ khi tin vào huyền thoại về người phụ nữ Á đông phục tùng chồng. Hy sinh phần mình để việc bảo lãnh người cha sang Mỹ được thuận lợi, cô dâu Việt Nam có vẻ hiện thân cho biểu tượng dân tộc là Kiều, nàng điếm được đề cao như hình mẫu quốc gia về trinh tiết vì đã hy sinh thân xác của mình để cứu giúp cha và em trai. Tuy nhiên mọi chủ nghĩa lãng mạn, anh hùng và suy tôn đức hy sinh của phụ nữ trong truyện “Hy Vọng và Tiêu Chuẩn” tan biến trong giọng kể trần trụi không tô vẽ bên cạnh các tình huống đời thường. Điều duy nhất sót lại dưới chủ nghĩa tư bản hậu thuộc địa là hành động hy sinh thô kệch tách khỏi mọi luân lý và đạo đức. Không giống nàng Kiều trong huyền thoại, việc bán mình trong Fake House không được thể hiện như tình cốt nhục mà như một sự thúc bách do bạo lực phụ quyền. Theo lời người kể, hình như người bố đã “đánh đập” đứa con gái ép cô ta “phải đi đến quyết định ấy” (28). Nằm theo tuyến liên tục của một lôgíc tiềm tàng do hoàn cảnh hậu thuộc địa và xuyên quốc gia, câu chuyện này gợi ý một điều: thân phận phụ nữ ngày nay về một số mặt có thể còn tệ hơn so với thời tiền thuộc địa.

Việc cưỡng bức phụ nữ trong truyện “Hy Vọng và Tiêu Chuẩn” có liên quan mật thiết với sự tước đoạt nam tính và quyền chính trị của đàn ông Việt Nam. Chẳng giống Thanh trong “555” không chỉ giai cấp và phái tính quyết định ý thức về nam tính ở đàn ông Việt mà còn phải kể đến quốc tịch. Không như phụ nữ Việt, đàn ông Việt Nam không có sự chọn lựa “bán mình” cho các hôn phu có triển vọng đến từ những nước thịnh vượng hơn. Kể cả một kẻ bại hoại như Thanh trong “555”, vừa nghèo vừa sún răng, vẫn có vẻ hấp dẫn hơn một người đàn ông Việt khỏe mạnh vì anh ta mang quốc tịch Hoa Kỳ. Theo lời người kể trong “Hy Vọng và Tiêu Chuẩn”, đàn bà con gái Việt Nam người nào cũng “chờ cơ hội làm quen với Việt kiều” (29). Chưa từng có chị Việt kiều hay đàn bà ngoại quốc ghé đến làng của bọn này để nhận lãnh bất cứ một tên đàn ông nào,” ông ta thở dài kể tiếp. Theo cách nhìn ấy, đàn ông nghèo ở Việt Nam, trai tráng miền Nam cũng như miền Bắc, đều thua thiệt như nhau. Dưới con mắt người kể, trai tráng nghèo hèn ở Việt Nam bị tước quyền đến hai lần do không có khả năng cạnh tranh với đàn ông Việt Kiều và ngoại quốc được bao quanh bởi ánh hào quang của đặc quyền mà họ không với tới được và cũng do không có khả năng bán mình làm món hàng viễn xứ cho đàn ông ngoại quốc như các phụ nữ đồng cảnh ngộ với họ. Truyện này ngụ ý rằng tình trạng như hư hoại nam tính (emasculation) ấy làm xấu thêm cách đối xử với đàn bà hoặc như biểu tượng dân tộc trong chiếc áo dài trắng hoặc thường khi như những đối tượng của dục vọng khó chiếm đoạt nên bị hờn oán.

Do đề tài nhưng cũng do ngôn ngữ sống sượng Fake House phản chiếu các bộ phận xã hội có chiều hướng được lãng mạn hóa một cách đáng lo ngại cho phép duy trì những tệ nạn (30). Cách dùng ngôn ngữ thô nhám của Đinh Linh khiến cho một vài người điểm sách phê bình tác phẩm của ông là kỳ thị giới tính (sexist) (31). Cộng vào đó, người ta có thể nêu vấn đề tại sao viết về đĩ điếm hoặc những người con gái bị bán đi trong khi loại truyện về gái điếm Việt Nam và “Đàn Bà Việt Đàn Ông Mỹ” đã bão hòa cách thức biểu hiện chiến tranh ở VN. Các cộng đồng Việt và Á đông ở Hoa Kỳ đã kiên quyết lên án mối tương quan trên, kết tội nó thể hiện sai lệch văn hóa và phụ nữ Việt Nam cũng như đã giới thiệu đất nước Việt Nam như một nạn nhân thụ động. Nhiều cảnh huống trong Fake House vẽ chân dung bọn đàn bà thành đồ vật nhục dục trong tình trạng băng hoại. Khi Thanh gặp người kể truyện trong một quán bar, anh ta nói: “Hôm nay tôi xuống phố để đụ đĩ” (32). Chữ “đụ” được lặp đi lặp lại làm sáng rõ bản chất của cuộc trao đổi. Khác với nhạc kịch Miss Saigon trình diễn ở Broadway, ở đây hoàn toàn không có khả năng hình thành tình yêu giữa gái điếm và khách làng chơi (33). Người đàn bà anh ta gặp hôm đó được mô tả là “thấp người, vú nhỏ, có một gương mặt hồn nhiên yêu đời”, biết làm vừa lòng người khách của mình như đã chứng tỏ trong cảnh cô ta dìu anh ta vào tắm dưới búp sen rồi xoa vuốt sau lưng (34). Cũng vậy cô đàn bà trẻ trong truyện ngắn “Hy Vọng và Tiêu Chuẩn” được phác họa với “cái mũi hếch và khuôn mặt trái soan” (35).

Người kể lưu ý sự kiện cô nàng có hàm răng “thật”. Ông ta thêm, “Chỉ có khuyết điểm là cô ấy thiếu cặp ngực và phải mặc áo độn vú” (36). Chữ “gái” dùng để nói đến những đàn bà trẻ bộc lộ cương vị của kẻ cấp trên mà các đàn ông kể chuyện tự gán cho mình. Việc nhìn ngắm bộ răng của người đàn bà gợi lại chuyện người chủ nô quan sát tên nô lệ ông ta dự định mua về, trong trường hợp này cách quan sát đã kinh qua trung gian của mỹ học thuộc địa khi đánh giá cao “cái mũi hếch” và sự thèm muốn vú to của nam giới. Có thể so sánh cách mô tả gái điếm Mỹ gốc Việt và người phụ nữ VN trong những truyện ngắn ấy với cách lột tả một nhân vật gái điếm trong quyển A Good Scent from a Strange Mountain (1993) [Hương thơm từ núi lạ] của tác giả Robert Olen Butter, từng đoạt giải Pulitzer. Trong truyện ngắn “Fairy Tale” (cổ tích) từ tác phẩm vừa kể, nhân vật chính tự mô tả như sau:

Tôi hai mươi lăm tuổi và có cặp vú nhỏ, nhất là so với Mỹ, nhưng tôi vẫn là loại gái hạng nhất… Tôi mang tình yêu đến với người đàn ông khi anh ta đang cô đơn khiếp sợ và mong muốn được kề cận sự mềm dịu… Tôi không phải loại đĩ gợi cảm, lắc vú lắc mông, oh boy oh boy, sướng quá đi thôi… Buổi sáng anh ta trong bồn tắm, tôi đi vào quì xuống bên cạnh nắm hai bàn tay rồi kỳ cọ sạch mở dần với cây giũa nhỏ. Khi rời nhà anh ta hôn đôi tay tôi. (37)

Người đàn bà trẻ này dịu dàng, tính nết trẻ con và sẵn sàng làm vừa lòng khách, các tính nết ấy được tô đậm bởi giọng nói thoáng nhẹ và không dọa nạt của cô ta. Chân dung tự họa này giống bức biếm họa của Tony Rivers nhạo các ảo tưởng về phụ nữ Á châu của đàn ông da trắng:

Nàng không có vú… Nàng dĩ nhiên bao giờ cũng trẻ, rất giống trẻ con, một đứa con gái ngoan ngoãn… Nàng săn sóc anh và bao giờ cũng tha thứ, cho anh chỗ trú náu và xoa dịu anh với phần yên tĩnh nhất của tâm hồn phụ nữ trong nàng… Khi anh về nhà sau một ngày nặng nhọc khác trên quả hành tinh, nàng hiện ra, cởi áo quần cho anh, tắm rửa anh và trần truồng dẫm chân trên lưng anh để giúp anh thư giãn. Sau đó là nhục dục… Nàng là lạc thú, bạn biết không, và nàng chẳng có gì rắc rối… (38).

Như cô gái điếm xuất hiện trong A Good Scent, nhiệm vụ của người đàn bà này xoay quanh việc phục vụ người đàn ông của mình như một người mẹ, như đứa con gái và như đồ chơi nhục dục. Cũng nên thông báo cho rõ là giới điểm sách đã có phản ứng rất trái ngược đối với tác phẩm của Robert Butler và của Đinh Linh. Ngôn ngữ các nhân vật Mỹ gốc Việt trong truyện Butler được quan niệm là “mất chữ trật cú một cách dễ thương” (39). Khi ngôn ngữ trong truyện ngắn Đinh Linh được mô tả là mang dấu ấn của “đối thoại đầy mánh khóe, tràn ngập thông tin sai lạc mang tính kỳ thị màu da, nhiều câu chữ rối rắm tối nghĩa, nhiều chỗ tục tĩu khó chịu…” (40). Trong A Good Scent, Butler sử dụng tiếng Anh vụng về ráp nối cho đến “những câu cực kỳ trữ tình nhịp nhàng êm tai như thơ” khiến độc giả có cảm tưởng rằng những người gốc gác từ VN đều “tốt vô cùng” (41). Không giống cách Butler thể hiện cô gái điếm Mỹ gốc Việt, nét dịu hiền, tính phục tùng và sự hồn nhiên trẻ thơ không ngự trị những trang viết Đinh Linh. Trong truyện “555” sau khi xoa bóp lưng Thanh xong, Hương gái điếm bảo người khách chơi đang hứng tình đợi cô ta chợp mắt năm phút. Khi anh ta lột quần lót của cô ta mà không có sự thỏa thuận “ả mạnh tay kéo quần lên” và gắt gỏng, “Lạnh đít quá” (42). Nếu đúng là thô tục, sử dụng chữ “đít” lôi độc giả khỏi cái thế giới ảo tưởng, để lộ cho thấy cái đồ vật giống búp bê có nụ cười nhựa dẻo sơn đỏ sẵn sàng phục vụ đàn ông thật ra là một con người mệt mỏi, chai sạn và hung tợn đã quen bị đàn ông bức hiếp. Khi nhận ra khách hàng mình là người Việt cô gái trẻ liền đổi thái độ. Do liên hệ dân tộc, cô ta chuyển qua tiếng Việt và hỏi: “Anh tên gì?” dùng đúng cách xưng hô khi nói năng với người đàn ông lớn tuổi hơn mình. (43) Khi Thanh nói chuyện với cô gái anh ta chỉ gọi tên “Hương mấy tuổi?” do đó vạch rõ nét địa vị xã hội thấp hơn của cô ta. (44)

Thoạt đầu tò mò và cởi mở Hương nhanh chóng hiểu ra một điều: người đồng bào có thể phán xét và nhục mạ mình trong khi đàn ông các nước khác thì không thể. Mặc dù cô gái “hồ hởi” thoáng chốc khi nghe anh ta bảo rằng anh ta không còn muốn “đụ” nữa và cho anh ta biết cô cũng là sinh viên, khi anh ta yêu cầu cô ta chia động từ “être” bằng tiếng Pháp, cô gái lập tức thu mình lại. “Bộ anh tưởng tôi ngu à!” cô ta thốt to để tự vệ (45). Cô ta chỉ nhận lời trả bài chia động từ, không phải để tỏ vẻ phục tùng khách hàng hoặc kính trọng một người cùng dân tộc, mà với điều kiện là anh ta sẽ không bao giờ trở lại tìm gặp cô ta. Qua yêu cầu của mình, bên cạnh việc mở ra cho anh ta một không gian tiếc nuối, người khách chơi là Thanh có thể còn hiện ra trước mắt Hương như một kẻ mượn lại mặt nạ ông thày Pháp để đánh giá khả năng ngôn ngữ của thổ dân và khả năng cô gái phản chiếu hình bóng anh ta với sự đồng ý rằng cô ta sẽ khó thành công do địa vị thấp kém của mình. Trong tình huống đặc thù khi những kẻ sống bên lề trong một cộng đồng ngoại vi gặp nhau như thế, và chỉ cần mối tương quan giữa ngôn ngữ và sự hiện diện của Ông Thầy thuộc địa để tạo ra địa vị kẻ trên người dưới, có cùng gốc gác dân tộc không đưa đến sự đoàn kết mà trái lại gây xung đột không như cách thể hiện gái điếm của Butler, bị vật thể hóa đến hai lần thành gái làng chơi và cô em gái gặp người đồng bào nói cùng thứ tiếng, Hương không trả bài chia động từ một cách ngoan ngoãn như làm phận sự mà lại “hằn học” gằn giọng “từng âm tiết”.

Tràng phát ngôn ấy khiến độc giả không còn cảm thấy tò mò thích thú như lúc đọc A Good Scent mà mơ hồ ý thức rằng họ đang chứng kiến một hành vi bạo lực, tinh tế, phức tạp và nhắc gợi hiện thực.

Fake House phản bác các tự sự đề cao phát triển và tiến bộ. Đinh Linh xuyên phá các tín điều bản chất chủ nghĩa (essentialist assumptions) và chối bỏ các tự sự bình thường về dân tị nạn, nói theo chữ của triết gia Althusser, ông là một “kẻ xấu” (mauvais sujet). Fake House cống hiến một lăng kính quyết liệt và có lúc méo lệch về thế giới để đối chất các tác động thô bạo của chủ nghĩa xuyên quốc gia, một không gian ít được đề cập qua ngôn ngữ dân tộc. Đáp lại những người phê bình mình, Đinh Linh nói: “Tôi ý thức cao độ về mọi quan hệ quyền lực không bao giờ đứng chung với những kẻ có quyền… Tôi viết về bọn tớ gái người hầu đàn bà bị chà đạp; tôi nhạo báng văn hóa về đĩ điếm ở Việt Nam, và nam tính (machismo) Việt Nam nói chung” (46). Mục tiêu của Đinh Linh trong Fake House là gọi tên cái xấu bốc lên từ các góc thế giới, cái xấu không dễ gì đối diện với rất nhiều người, để biết đâu gây ra chuyển biến xã hội. Đặt bên cạnh nhau tiếng nói từ những vị thế quốc gia, chủng tộc, giai cấp, giới phái và địa lý đa dạng cho thấy những cá nhân bị mắc bẫy trong những cõi miền và chu kỳ của khổ đau. Ở đây mọi khả năng liên đới giữa các con người, đàn ông và đàn bà, đều bị cắt ngang hoặc chặt đứt một cách thô bạo và không thích nghi được với các thiết chế hiện đại của bộ máy nhà nước. Những dời đổi do chiến tranh, chính sách thực dân và chủ nghĩa xuyên quốc gia tạo ra các thứ mâu thuẫn như được gợi lên trong cuốn truyện, khiến những con người theo cá nhân chủ nghĩa cực đoan đánh mất quan hệ giữa người và người, kết quả là họ bị chà đạp ức hiếp và trở thành những kẻ chà đạp người khác. Các nhân vật trong Fake House là những vỡ vụn, nạn nhân vừa kẻ thù chống hệ thống xuyên quốc gia mà bạn và tôi đang thủ lợi trong đó. Trong sách The Politics of Culture in the Shadow of Capital (các chính sách văn hóa dưới bóng tư sản) Lisa Lowe và David Lloyd viết rằng “thời điểm của chúng ta không phải là thời kỳ tuyệt vọng do số mệnh an bài; các gương mặt quay nhìn về quá khứ”. Mục tiêu của họ không phải “hàn gắn nguyên vẹn những gì đã bị đập nát mà là xuyên qua bão tố đi vào tương lai ở đó những vỡ vụn không phải chỉ là tàn tích”. Họ lập luận rằng “Những vỡ vụn ấy chứa đựng sự chọn lựa khác” (47). Các tự sự về vỡ vụn trong Fake House tự chúng không đề xuất những chọn lựa đáng mơ ước mà chỉ biểu hiện những không gian bão hòa bởi sự phô trương quyền lực sắt máu không còn thấy dấu vết gì của hy vọng. Đối với Đinh Linh, hy vọng không ở trong các truyện mà ở trong quá trình kể truyện. Nếu không gọi đích danh và dựng một tấm gương, dù méo lệch hay không, trước mặt cái xấu, cái xấu sẽ tồn tại mãi. Đó là lời báo động của tập truyện.

Chú Thích

1. Tôi (Isabelle Thuy Pelaud) xin cảm ơn Russell Leong, người điểm sách nặc danh trên Amerasia Journal, và Yuki Obayashi vì các góp ý phê bình của họ. Tôi cũng cảm ơn Antoine St. Pierre đã giúp tôi về mặt biên tập.

2. Bàn về ký ức và dân Mỹ gốc Á đông, xem Marita Sturken “Absent Images of Memory…”, trong Positions (1997).

3. Frederic Jamerson, “Third World Literature in the Era of Multinational Capitalism”, Social Text (15,1986), 69.

4. Xem Thomas A.Dubois, “Construction Construed…” in Amerasia Journal 19:3 (1993), 1-25

5. Michelle Janette phân chia văn chương Mỹ gốc Việt thành ba loại: “Truyện của chứng nhân”, “Truyện Học tập cải tạo”, và “Truyện Đời Sống ở Hoa Kỳ”. Bà lập luận rằng cảm giác chiến thắng mới được hồi phục khi chấm dứt chiến tranh lạnh cho phép Hoa Kỳ chuyển từ chính sách cấm vận chống VN với sự bôi xóa khỏi ý thức đối với dân Mỹ gốc Việt sang thái độ công nhận rộng lượng một cách tai quái” Michelle Janette, “Vietnamese American Literature in English, 1963-1994”, Ameriasia Journal 29:1 (2003). Trong loại truyện “Trở Về Quê Nhà” tôi bao gồm cả hai dạng trở về cụ thể (thí dụ: Andrew Phạm Catfish and Mandala (1999) và trở về ẩn dụ, như trong các hồi ký (thí dụ: Lan Cao, Monkey Bridge (1997)

6. Andrew X. Pham, Catfish and Mandala (New York, 1999). Tác phẩm này đã được trao nhiều giải thưởng dành cho loại sách không hư cấu.

7. Xem Isabelle Pelaud “Difference in Truong Tran’s dust art concience” Michigan quarterly Review, VN: Beyond the Frame (Fall 2004), 720-727.

8. Năm 1994, Giáo sư Hiền Đỗ cũng được mời làm người tường thuật phim tư liệu “VN: at the crossroads” do KTEH sản xuất cho các đài PBS, SJ, tiếp theo chuyến đi của ông không bao lâu sau khi Tổng thống Clinton hủy bỏ cấm vận. Phim tư liệu này tìm hiểu về những chuyển biến xã hội, chính trị và văn hóa đã xảy ra ở VN.

9. Hai tờ Nhật báo Seattle Post Intelligence (6-2-2000) và San Francisco Examiner (4-24-2000) đã đăng bài “A Daughter’s Journey” của Phuong Le. Truyện “A Child of Two Worlds” của Andrew Lam được đăng trên báo San Francisco Examiner (23-4-2000)

10. Cảm ơn người điểm sách nặc danh đã nêu lên những nhận xét liên quan đến tập truyện này (16-5-2005)

11. Đinh Linh, Fake House (NY: 2000) sách đã in của Đinh Linh gồm có Drunkard Boxing (1998) và Blood and Soap (2004).

Năm 1996 Đinh Linh dịch và biên tập một tập truyện từ tiếng Việt mang tên Night Again: Contemporary Fiction from VN, gồm cả sáng tác của các tác giả VN hải ngoại. Khi được yêu cầu giải thích về tên sách, Đinh Linh trả lời như sau: “Đặt tên sách là “Contemporary Vietnamese Fiction” thì chính xác hơn” nhưng nhà xuất bản đã từng in hai truyện khác có tên là “Contemporary Fiction from Central America” và “Contemporary Fiction from Cuba”. Họ muốn thể hiện tính trước sau như một trong cách đặt tên sách… Dĩ nhiên không phải ngôn ngữ cũng không phải không gian làm ra một dòng văn học. Khi nào còn viết bằng tiếng Việt thì nó vẫn còn là Văn Học Việt Nam (trao đổi qua e-mail, Đinh Linh, 11-2-2005).

12. Cảm ơn người điểm sách nặc danh (May 16, 2005).

13. Trao đổi qua e-mail, Đinh Linh, 7-12-2000.

14. Xem M.Foucault, Language, Counter-Memory, Practice (NY, 1969).

15. Luận điểm của Lowe và Lloyd nhằm đáp lại cách lĩnh hội chủ nghĩa xuyên quốc gia như là “sự triển khai khắp trái đất một phương thức sản xuất khác biệt dựa vào tích lũy luôn chuyển dịch và sản xuất pha tạp để thâu gộp mọi khu vực của kinh tế toàn cầu vào lôgic thương phẩm hóa (commodification).” Họ lập luận rằng cách hiểu như trên “thiên về sự thừa nhận tính đồng bộ hóa của nền văn hóa toàn cầu, giảm trừ một cách triệt để các khả năng sáng tạo những chọn lựa khác.”

16. Enloe viết thế này: “Như vấn đề vệ sinh và Thiên Chúa Giáo, phẩm giá phụ nữ được nêu ra để thuyết phục dân chúng ở các nước thuộc địa cũng như ở các nước đi chiếm thuộc địa rằng sự xâm lăng của ngoại bang là đúng đắn và cần thiết… Giới chức thực dân Anh lên án các ý hệ của đàn ông ở các xã hội thuộc địa đã làm đồi trụy phụ nữ,… nếu ý thức về nam tính của bọn đàn ông này không bao gồm sự tôn trọng phụ nữ thì họ không đủ tư cách để cai trị xã hội của chính họ”. Cynthia Enloe, Bananas, Beaches and Bases (Univ of Calif, Press, 1997), 48.

17. Cảm ơn người điểm sách nặc danh (16-5-2005).

18. Đinh Linh, Fake House (NY: 2000). 106.

19. Như trên, 107.

20. Jeffery Paul Chan “Jackrabbit” trong Frank Chin & Shawn, eds, Yardbird Reader (NY. 3,1974).

21. Elaine Kim, Asian American Literature (Philadephia: 1982), 190.

22. Joe Feagin, Racial Ethnic Relations (Pratice Hall, 1989), chương Hai có bài tóm lược các lý thuyết liên quan đến các đẳng trật sắc tộc và màu da ở Hoa Kỳ.

23. Đinh Linh, Fake House, 108.

24. Như trên, 109.

25. Truyện này ra đời sau khi tác giả trở về VN, khi ở VN trong cuộc phỏng vấn với Leakthina Chau-Pech Ollier, tác giả nói: “Người ta hỏi tôi: Chắc Anh có quen người này người kia, tôi có đứa con gái đẹp lắm. Tội nghiệp, nhưng không trách họ được!… Tôi cũng nghe những chuyện kinh hoàng nhất: chẳng hạn người Đài Loan sang đây kiếm vợ. Có những người mối làm việc móc nối. Anh Đài Loan trả chi phí cho người mối đâu khoảng 10 nghìn đô, và người mối về làng tìm một cô gái mang lên Sàigòn”. Winston & Ollier, eds, Of Vietnam: Identities & Dialogue (NY: 2001), 163.

26. Đinh Linh, Fake House, 145.

27. Như trên, 146.

28. Như trên, 146.

29. Như trên, 144.

30. Xuyên qua ngôn ngữ Đinh Linh liên kết nhục dục với quyền lực, điều đặc biệt có ý nghĩa đối với nam giới Mỹ gốc Việt, những kẻ từng có lịch sử bị vùi dập nam tính. Hơn nữa đàn ông Mỹ gốc Việt không quen viết về nhục dục. Như vậy có thể Fake House đã cố ý xuyên phá sự hợp nhất giữa bản sắc và địa phương trên cả hai bình diện sắc tộc và màu da.

31. Xem http://www.talawas.org/talaDB/showFile.php?res=4199&rb=0102

32. D.Linh, Fake House, 105.

33. Miss Saigon là nhạc kịch cải biên từ Madame Butterfly, của Pucccini, lấy chiến tranh VN làm bối cảnh. Trong vở kịch, Kim nhân vật chính là người đàn bà trẻ đẹp, trong trắng, đài các và lãng mạn phải đi làm điếm vì những biến động do chiến tranh gây ra. Khách chơi đầu tiên của nàng, một anh lính Mỹ trẻ, yêu nàng và “cứu” nàng khỏi chốn lầu xanh. Bị chia ly do sự hỗn loạn vào những ngày kết thúc chiến tranh VN về sau nàng tự tử để bảo vệ người tình cũ đã lấy vợ mới và cũng để bảo đảm cho đứa con của họ có một tương lai tốt đẹp hơn. Có lập luận cho rằng loại truyện ảo tưởng ấy gánh một phần trách nhiệm trong tệ nạn bóc lột đàn bà Mỹ gốc Việt ở các phòng tắm hơi, hay doanh nghiệp cưới gả qua bưu điện và kỹ nghệ du lịch Á châu buôn bán phụ nữ như những món hàng.

34. Đinh Linh, Fake House, 107.

35. Như trên, 144-145.5

36. Như trên, 145.

37. Robert Olen Butter, A Good Scent from a Strange Mountain (NY: 1992, 47-50).

38. Tony Rivers “Oriental Girls…”, GQ British Edition (10/1990), 160.

39. Robert Towers, “From Saigon” The NY Review of Books (8-12-1993), 41.

40. Trích dẫn trọn câu: “Những truyện đầy khổ đau của Đinh Linh đưa ra phong cách đối thoại đầy mánh khóe, tràn ngập thông tin sai lạc mang tính kỳ thị màu da, nhiều câu chữ rối rắm tối nghĩa nhiều chỗ tục tĩu khó chịu, gợi lên một cách nhìn người đa nghi nhưng trìu mến, về tinh thần nếu không nói về nghệ thuật văn chương tương tự với truyện của Sherman Alexie và Aleksandar Hemon” (2001, 216), trong Donna Seaman, Booklist (97-2, 9-15-2000), 215-216.

41. Monique Truong, “The Reception of Robert Olen Butler’s A Good Scent from Strange Mountain…” VN Forum 16 (1997), 75-94.

42. Đinh Linh, Fake House, 108.

43. Như trên, 108.

44. Trao đổi qua e-mail, Đinh Linh giải thích: “Trong tình cảnh đó, bởi vì cô ta trẻ hơn, tuy nhiên nói tiếng Việt thì anh ta phải gọi “em” không ai gọi đĩ là “chị”. Tôi dùng từ “brother” để ngụ ý “anh” “bigger brother”, vì đó là cách xưng hô của gái điếm, hay một phụ nữ đang yêu, với người đàn ông. “Sister” trong trường hợp này nghe công thức quá. Một độc giả VN sẽ nghĩ đến chữ “chị” làm cho đoạn văn mất tính chân thực, thậm chí trở thành khôi hài”. (3-6-2005).

45. Đinh Linh, Fake House (NY: 2000), 109.

46. Trao đổi qua e-mail với Đinh Linh (7-4-2005).

47. Lisa Lowe and David Lloyd eds. The Politics of Culture in the Shadow of Capital (Durham 1997), 27.

bài đã đăng của Isabelle Thuy Pelaud

@2006-2023 damau.org ♦ Tạp Chí Văn Chương Da Màu
Log in | Entries (RSS) | Comments (RSS)