Trang chính » Chuyên Đề, Dịch Thuật, Màu Da và Ngôn Ngữ, Sáng Tác, Sang Việt ngữ, Truyện ngắn Email bài này

Bảy

Trịnh Thanh Thủy chuyển ngữ 

 

Edwidge Danticat sinh năm 1969 tại Port-au-Prince, Haiti. Năm 12 tuổi cô định cư tại Brooklyn, thành phố New York trong một cộng đồng đa phần là người Mỹ gốc Haiti. Tốt nghiệp cử nhân văn chương Pháp tại Barnard College và lấy MFA tại Brown University. Đã xuất bản một tuyển tập truyện ngắn Krik? Krak! và hai tiểu thuyết nhan đề Breath, Eyes, Memory và The Farming of the Bones. Tác phẩm đã được dịch qua các thứ tiếng Đại Hàn, Ý, Đức, Pháp, Tây Ban Nha, và Thụy Điển. Hiện giảng dạy văn chương và sáng tác tại đại học New York. Đề tài nổi trội trong các tác phẩm của Danticat là di dân, lịch sử, tình dục và giới tính, những vấn đề hậu-thuộc-địa thường trực ám ảnh tâm thức người lưu vong, di dân hay trong một chính quyền vừa được tự do. Hậu quả của chuyện di dân hậu- thuộc-địa, giao cắt với những vấn đề chủng tộc, giai cấp, ngôn ngữ, giới tính – chồng chéo trong bối cảnh xuyên quốc gia, trong đời sống những người Haiti phân tán – có tác dụng như lời kêu cứu trong các tác phẩm của cô. Với một thái độ tiêu biểu của thị trường văn chương dòng chính, Paule Marshall đã nhận xét như sau về văn nghiệp Danticat: “Một đất nước Haiti câm lặng đã tìm được tiếng nói của mình – qua văn chương.”Có phải Haiti đã tìm ra tiếng nói hay những người da trắng chỉ thoát ra khỏi hội chứng điếc bẩm sinh khi có những tiếng nói được đào tạo từ những trường ốc Âu Mỹ?

Nguyên tác: SEVEN (from THE NEW YORKER)

Một tháng nữa sẽ đúng 7 năm tròn từ ngày anh quen vợ anh. Con số 7, con số anh vẫn xem thường, bây giờ nghiệm ra, lại mang ý nghĩa sâu đậm. Có 7 ngày ở giữa những phiếu lương. Ngày làm việc của anh dài 7 tiếng, không kể giờ ăn trưa. Ban đêm, anh làm thêm việc khác, 7 tiếng nữa. Với tuổi tác của anh, 7 ở vị trí cuối, ba mươi bảy.
Và bây giờ, chỉ còn 7 tiếng đồng hồ, vợ anh sẽ tới. Nhưng có lẽ lâu hơn vì hải quan phải khám hành lý của cô theo thủ tục. Cô ắt lẫn vào đám đông chờ anh phía bên kia cửa kính của phi trường JKF. Đó chỉ là giả thuyết nếu chuyến bay đến từ Port-au-Prince không bị trễ như thông lệ hay bị hủy bỏ.
Anh sống dưới tầng hầm một căn nhà cho thuê vùng East Flatbush, Brooklyn và trọ chung với hai người đàn ông khác. Anh dọn phòng mình sạch sẽ để đón vợ. Chiếc áo sơ mi màu đỏ đã bị anh quăng vào sọt rác vì anh biết cô rất ghét nó. Anh lên lầu một báo cho bà chủ nhà biết vợ anh sắp đến. Bà là một kế toán viên người Haiti. Bà bảovới anh
“Tôi nghĩ việc vợ anh đến, không thành vấn đề”. Bà đang hâm nóng thức ăn đông lạnh
“ Tôi hy vọng cô ta là người sạch sẽ”
“ Cô ấy sạch lắm”. Anh trả lời.
Trong nhà này, anh mới chỉ được thấy căn bếp. Bà giữ nó rất sạch, không một vết bẩn. Bát đĩa nằm ngăn nắp trong tủ chè. Căn phòng lúc nào cũng thơm ngát mùi nhựa thông.
“ Anh đã báo cho mấy anh kia biết chưa?”. Bà hỏi.
Bà mở lò nướng và mang ra hai đĩa nhỏ bánh phó mát dâu tây.
Anh nói “Tôi đã bảo họ rồi.”
Anh chờ câu nói bà sẽ tính thêm tiền nhà, vì trong hợp đồng cho thuê ghi, chỉ một người(không phải hai), một người đàn ông độc thân.
Bà thêm. “ Tôi không biết phải sắp xếp thế nào nếu ai cũng có vợ đến ở chung.”
Anh không dám tiết lộ với bà Michel và Dany cũng có vợ. Tuy nhiên anh không rõ vợ họ có tới đây ở không.
“ Một người phụ nữ sống giữa 3 người đàn ông”. Bà nói. “ Có lẽ vợ anh sẽ cảm thấy bất tiện” .
Anh muốn nói với bà, vợ anh không phiền hà điều đó, cho hay không cho, ở quyết định của bà. Anh đã chuẩn bị sẵn câu trả lời, khi thấy bà tỏ ra không hài lòng lắm về sự hiện diện sắp đến của vợ anh. Anh sẽ dọn ra riêng và tìm phòng trọ khác.
Bà mở ngăn tủ lấy muỗng, nĩa, bảo.
“Được rồi, bây giờ là đầu tháng, anh phải trả nguyên tháng nhé”
“ Cám ơn bà nhiều, Madame”. Anh nói.
Lúc bước xuống thang lầu, anh tự trách mình sao gọi bà là Madame, sao hành động như một tên đầy tớ sau lời phán của chủ vậy. Thật ra, anh tỏ ra tôn trọng bà không phải vì bà ở tầng lớp xã hội cao hơn, vì bà nói được tiếng Pháp hay vì anh ở đó 5 năm và chỉ phải trả 350 đô mỗi tháng mà vì vợ, anh đã tỏ ra lịch sự với bà.
Sau khi nói chuyện với bà chủ nhà, anh thấy có điều cần phải nói thêm với hai người bạn trọ chung. Một ngày trước khi vợ tới, anh gặp họ. Anh thấy họ chỉ mặc chiếc quần đùi lỏng lẻo, không đồ lót và đảo đôi mắt lờ đờ thiếu ngủ về phía anh.
“Tụi bay hiểu mà, cô ta là phụ nữ”. Anh nói với họ.
Anh không lo cô ta sẽ nổi giận khi thấy họ như vậy(họ chỉ có xương và da). Tuy nhiên sự ăn mặc gần như loã thể của họ sẽ làm cô khó chịu vì anh còn nhớ cô rất nhạy cảm.
Hai người bạn tỏ ra cảm thông. Michel nói “Nếu là vợ tao …..” Dany gật đầu nói theo “Tao cũng cảm thấy vậy thôi”. Họ sẽ khoác thêm áo choàng như Michel hứa.
Thực ra, họ không có cái áo choàng nào cả – cả ba đều rõ điều này. Nhưng Michel sẽ mua để tỏ ra tôn trọng vợ anh. Michel, 40 tuổi, người lớn tuổi nhất trong bọn đã khuyên anh nên trang trí lại căn phòng. Anh nên mua hoa lụa, giấy dán tường(không phải tranh khoả thân) và hương liệu làm thơm căn phòng, thứ mùi Vanila sẽ dễ chịu hơn mùi nhựa thông của bà chủ nhà.
Dany nhắc lại kỷ niệm những buổi tối họ hay đi chơi với nhau. Những đêm đi khiêu vũ ở Rendez-Vous(bây giờ là hộp đêm Cenegal) . Tuy nhiên họ không thường đi nữa từ ngày nơi này trở nên nổi tiếng vì Abner Louima bị bắt ở đấỵ, bị hành hung và cưỡng dâm trong một trạm cảnh sát gần bên. Anh bảo Dany đừng nhắc gì đến chuyện vui chơi này. Vợ anh không biết gì và cứ đinh ninh anh là một người chân chỉ hạt bột chỉ biết làm việc.
Ban ngày anh làm lao công cho trường đại học Medgar Evers College, đêm lau chùi quét dọn cho bệnh viện Kings County Hospital. Anh cũng dấu nhẹm chuyện lâu lâu anh đem phụ nữ về phòng những buổi sớm trời còn nhá nhem tối. Các người đàn bà này phần lớn đã có gia đình, bạn trai, fiancé hay người yêu. Họ đối với anh không có nghĩa gì.
Michel, người đã trở thành mục sư ở một nhà thờ nhỏ gần Rendez-Vous và chưa bao giờ từng khiêu vũ ở đó, cười lớn nhạo anh.
“ Con gà trống thôi không còn gáy sướng nữa”
Michel thêm “ Nửa cuộc đời còn lại mày dành cho chúa là vừa”.
Dany khôi hài “ Tội quá, chúa cũng không biết làm gì với nửa đời còn lại của mày”.
Không còn nữa những trò chơi Domino về khuya. Số điện thoại của những phụ nữ mà anh có từ năm năm qua sẽ đi vào quá khứ (anh cũng không cần họ gọi anh làm gì).
Bây giờ chỉ còn nỗi lo lắng không nhận diện ra vẻ mặt vợ mình khi anh đứng giữa đám đông những người đợi chuyến bay đến từ Kingston, Santo Domingo và Port-au-Prince.
Nghĩ đến đó anh thấy vui và tự dưng muốn nhẩy cẫng lên chụp lấy bất cứ người đàn bà nào có nét hao hao như bức hình mới nhất cô vừa gởi cho anh.
Họ đang kiểm soát hành lý của cô. Tai sao lại phải khám? Cô chỉ có cái túi vơi gồm vài món quà cho chồng và những món mà người thân cô không chận lại kịp sau khi giải thích cho cô biết bên đó cái gì cũng có, đừng “chở củi về rừng”. Riêng cô, vài bộ đồ lót, áo ngủ, chiếc jumper đỏ và cái áo đầm màu xanh công chúa cô đang mặc trên người. Cô đã nghe theo kinh nghiệm những người đi trước gói cẩn thận tất cả như quà tặng để tránh hải quan mở ra ở phi trường New York. Bây giờ nhìn nhân viên hải quan đang xé toạc từng món quà, những mảnh giấy gói bay tả tơi, cô thấy hỡi ơi cho công trình của mình.
“Ki sa l ye?”. Viên chức hải quan giơ cao một món quà trước khi mở và quát hỏi cô bằng thứ tiếng Creole ngọng nghịu.
“Cái này là cái gì?”. Cô cuống lên không còn biết nó là cái gì nữa. Cô chỉ còn biết đoán theo hình dạng và kích thước thôi. Ông ta mở hết các gói quà. Nào là xoài, mía, cam, mứt vỏ bưởi, đậu phộng, hạt điều, mứt dừa, trái bơ, cà phê. A lê hấp, tất cả đi vào cái thùng rác xanh có vẽ hình rau cỏ, trái cây bị một vạch đỏ to tướng vạch ngang.
Dường như chỉ có một món duy nhất có thể thoát cửa hải quan là cái gói nhỏ đựng lông gà mà chồng cô thường dùng để ngoáy tai. Lúc trước, ngay từ khi anh đi, cô đã từng thử ngoáy những cọng lông này vào tai như anh và khám phá ra chúng tạo được khoái cảm gọi là jwisans tức khoái lạc hay một thứ tuyệt đỉnh ái ân. Cô tự nhủ có lẽ những chương trình TV ngoại quốc nói đúng khi có câu “Tình dục hầu như nằm giữa hai tai*”.
Khi nhân viên hải quan cầm đến gói lông gà, ông nhìn chăm bẳm rồi quay qua cô. Ánh mắt ông lướt chậm trên mặt rồi đến tai cô. Dĩ nhiên, ông đã từng thấy những cọng lông
gà này. Rồi chúng cũng đi vào thùng rác, chung số phận với những món kia.
Khi ông thi hành xong nhiệm vụ, cô chỉ còn một ít đồ. Hành lý giờ nhẹ tênh làm cô đi nhanh hơn.
Cô theo sau một người đàn ông đang đẩy xe, chiếc xe dềnh dàng dưới sức nặng của ba cái hộp lớn. Thình lình cô thấy mình đứng trước một cửa kiếng tự động. Cô đứng, thì nó đóng, cô nhích tới trước nó mở và cô đã nhìn thấy anh. Anh ôm chầm và bồng cô lên hổng mặt đất. Lúc anh thả cô xuống, cô mới thực sự tin cô đang ở một nơi khác, mặt đất khác, trong một quốc gia khác.
Anh có thể cảm được cô hạnh phúc như những bức hình cô gởi cho anh mà anh đang treo trên tường ở đầu giường. Trên đường lái xe về nhà anh suýt đụng xe hai lần. Anh cũng không rõ tại sao anh lái xe nhanh như thế. Họ lượt sơ những mẩu chuyện nhỏ, kiểm kê lại tình trạng sức khoẻ gia đình, bạn bè và người thân. Cô không đi sâu vào chi tiết chuyện của bất cứ ai. Người thì chết, người còn sống. Anh cũng không nhớ hết. Cô có vẻ mập hơn lúc anh đi, ở đây người ta thường gọi là có da, có thịt. Điều có thể nhận rõ là cô đã vào tiệm làm tóc vì tóc cô được chải khéo và săn sóc cẩn thận, cộng thêm một búi tóc giả kết phía sau đầu. Cô thơm phức mùi nước hoa chanh. Anh chỉ muốn mau mau đưa cô về nhà, về phòng mình(nếu căn phòng đó được xem như nhà anh) . Anh còn muốn thâu ngắn khoảng cách giữa hai người, hôn cô cho đến khi cô không còn không khí để thở và anh cũng vậy, khỏi thở luôn.
Chuyến đi đón vừa rồi gợi anh nhớ hôm chú anh lái đưa hai người đi hưởng đêm trăng mật ở khách sạn Ifé Hotel, anh đã năn nỉ ông lái nhanh hơn vì sáng hôm sau anh phải lên máy bay về New York. Đêm đó anh không biết rằng, bảy năm sau anh mới gặp cô lần nữa. Anh dự trù tất cả. Anh biết anh không thể hợp thức hoá tình trạng di trú của hai người ngay được vì anh chỉ được lưu lại với một chiếu khán du khách. Nhưng anh đã làm việc cực nhọc để có tiền, tìm một luật sư lo thẻ xanh cho hai người. Thẻ xanh mất 6 năm 9 tháng mới xong. Tuy nhiên, giờ cô đã ở đây, đang ngắm những bức ảnh treo tường mà tưởng như người trong ảnh không phải là cô.
“Em nhớ bức đó không?”. Anh hỏi để xác định và chỉ vào một tấm ảnh được lồng khung 8×12. Cô đang nằm trên tấm thảm đỏ trải gần cây giáng sinh bé tí trong phòng chụp ảnh. “ Em gởi cho anh Noel năm rồi?”. Cô nói nhớ. Trong ảnh, cô nhìn giống như đang tuyệt vọng, cố tìm đủ cách để gợi anh nhớ đến cô.
Anh bảo “ Anh không bao giờ quên em, dù một giây”
Cô kêu khát.
“ Em muốn uống gì?”. Anh liệt kê các thức uống trái cây anh mua ngoài chợ của người Cuba dưới đường. Có đủ thứ, anh chắc là cô thích, đu đủ, xoài, ổi, thơm và mãng cầu.
“Một chút nước lã thôi” Cô thêm “ Lạnh nhé anh”
Anh không muốn bỏ cô một mình khi anh đi ra bếp lấy nước. Nếu anh có thể gọi xuyên tường nhờ lũ bạn lấy dùm anh đã gọi rồi. Tuy nhiên có lẽ chúng ẩn trong phòng khóa kín cửa dành cho tự do cho anh. Khi anh trở lại với ly nước, cô xem có bụi bặm gì không và nốc cạn. Dường như cô chưa uống gì từ sáng tới giờ.
“ Em uống nữa không?”. Anh hỏi. Cô lắc đầu.
Anh nghĩ thật khó để diễn tả bằng tiếng Creole chữ yêu, renmen, vì thế khi nói yêu cô, anh cố gắng dùng tất cả mọi từ ngữ để diễn tả cường độ mãnh liệt của nó. Tình yêu đó, ngày càng sâu đậm từ ngày xa cô, mênh mông và bát ngát hơn đại dương cô mới bay qua. Để tránh phải lập lại những câu tình yêu lẩm cẩm ướt át, anh nhảy chồm lên người cô và đè cô xuống giường. Cô không còn vẻ nhút nhát, e thẹn đêm tân hôn nữa. Cô kéo mạnh chiếc cà vạt đen của anh đến nỗi cần cổ ắt phải sưng vù lên. Anh hăm hở cởi nút áo đầm, ném qua một bên, trong khi cô nhanh tay cởi chiếc sơ mi trắng được hồ cứng và ủi thẳng nếp kỹ lưỡng của anh.
Anh đã không bịt miệng ngăn tiếng rên của cô như đã dự tính. Anh mặc kệ lũ bạn có nghe tiếng rên hay không. Anh thoáng nghĩ thật tiếc cho họ nếu họ chưa được trải qua những giây phút tuyệt vời như vậy.
Anh mệt rũ người khi cô khoác tấm khăn trải giường quấn quanh người đi vào phòng tắm.
“Anh đưa em đi nhé” Anh bảo.
“No No” cô nói “ Em tìm ra mà”
Anh không thể ngăn được không ngắm cô đang quay người, biến đi. Anh nghe tiếng động dưới bếp, cô nói chuyện với bạn anh, giới thiệu chính mình. Anh bật dậy bước ngay ra khỏi giường khi nghĩ đến cô không có gì trên người ngoài tấm khăn trải giường. Khi anh vừa tới cửa, anh đụng cô đang bước trở vào.
Cô nói với anh có hai người đàn ông chơi Dominoes trong bếp mặc áo choàng hồng bằng Satin bóng.
Anh đi làm lại ngày hôm sau cùng với hai người bạn và không quên đưa cô chìa khoá cửa với lời dặn đừng mở cửa cho ai vào.
Anh chỉ cho cô cách xử dụng lò nướng và phương pháp dò tìm các đài phát thanh Haiti trên chiếc Radio AM/FM đầu giường.
Cô dậy trễ, nằm nướng, nhớ lại đêm qua và trận cười của hai người khi anh cho cô biết lũ bạn anh vì muốn tôn trọng cô đã vội vã đi mua trúng hai chiếc áo choàng phụ nữ.
Họ làm tình lần nữa và lần nữa. Họ gắng bảo nhau cố giữ im lặng tuyệt đối. Tất cả 7 lần, anh đếm- mỗi cái tượng trưng cho một năm hai đứa xa nhau- nhưng theo cô đếm thì ít hơn.
Anh nhắc cô mình đã lấy nhau, làm phép cưới trước cha, trước chúa, không việc gì phải mắc cở. Điều anh nhắc thật quan trọng vì nó tượng trưng cho sự gắn bó hợp pháp giữa hai người hơn là một lời hứa suông. Vì thế cho dù nếu họ có là nạn nhân của sự chờ đợi cũng không dễ để họ bỏ nhau. Họ đã ký giấy, rời nhau, viết thư, nói chuyện điện thoại về việc này. Anh không muốn rời cô lần nữa dù là một giây. Anh đã xin chủ cho anh nghỉ một ngày nhưng ông từ chối. Ít ra họ cũng có những ngày cuối tuần, thứ bảy và chủ nhật, để làm những điều họ muốn làm như đi khiêu vũ ngắm cảnh, dạo phố và tìm chỗ trọ mới. Chắc hẳn cô phải thích một căn hộ riêng để tha hồ làm tình bao nhiêu cũng được mà không lo lắng về việc những người đàn ông mặc áo choàng đàn bà nghe thấy.
Buổi trưa điện thoại reo vang. Anh gọi. Anh hỏi cô đang làm gì. Cô nằm và kể anh nghe cô đã nấu nướng và ăn xong rồi. Anh hỏi cô ăn gì. Cô bảo trứng vì cô đoán trong tủ lạnh thế nào chẳng có trứng. Anh lo cô ở nhà một mình sẽ phát ngấy. Cô nói không đâu, cô đang nghe đài và viết thư về nhà. Sau khi cúp điện thoại, cô vặn radio lên. Cô dò tìm những đài mà anh đã chỉ cho cô. Cô mừng rỡ khi nghe được họ nói tiếng Creole. Có cả âm nhạc nữa, một ban nhạc tên Top Vice đã hát bài “ konpa”. Cô đổi qua đài khác có mục đối thoại với thính giả. Họ điện thoại vào đài bàn luận về một người có hai giòng máu Mỹ và Haiti tên Patrick Dorismond bị giết chết. Cảnh sát đã bắn anh ta ở Manhattan. Bỗng dưng cô muốn gọi cho anh nhưng anh không để số lại điện thoại. Cô nằm xuống trùm khăn trải giường qua đầu và chăm chú lắng nghe những thính giả thay phiên nhau phát biểu ý kiến, hết người này tới người kia. Sự phẫn uất mỗi lúc tăng dần.
Lúc anh về tới nhà, anh thấy cô đã dùng hết tất cả những gì cô lục được trong tủ lạnh để sửa soạn một bữa ăn đủ cho 4 người. Cô nhấn mạnh, chúng ta phải đợi bạn anh ăn cùng, mặc dù anh chỉ có vài tiếng đồng hồ trước khi đi làm ca đêm. Lúc ăn cơm, bạn anh khen ngợi lòng nhiệt thành của cô. Anh cảm nhận được bữa ăn đã cho họ cái cảm giác ấm cúng gia đình mà họ là một thành phần. Họ trông hạnh phúc, ăn uống thoái mái và nhai chậm hơn mọi lần. Thường thường họ đứng để ăn ở quầy thực phẩm ăn liền của tiệm Tàu hay Jamaica dưới đường. Đêm nay họ nói chuyện một chút trước khi bắt đầu thủ tục cầu nguyện thượng đế trong bữa cơm. Bạn anh đòi rửa chén sau khi ăn. Anh nghĩ, họ đã liếm sạch trước khi rửa.
Anh và cô về phòng, lên giường ngơi nghỉ. Anh cắt nghĩa tại sao anh làm 2 ca. Một phần để khoả lấp nỗi trống trải thiếu cô, nhưng phần chính để nuôi thân và giúp đỡ cô ở Port-au-prince. Bây giờ thì phải dành dụm tiền để dọn ra riêng, bước kế tiếp là một cái nhà. Cô tỏ ý muốn đi làm giúp anh. Cô đã học xong lớp thư ký có lẽ sẽ dùng được ở đây. Anh báo trước cho cô biết vì không nói được tiếng Anh, có thể cô phải bắt đầu như một người may gia công ở một xưởng may và anh thiếp ngủ. Cô đánh thức anh dậy khoảng 9 giờ sáng trước giờ đi làm. Anh chạy vội vào phòng tắm rửa mặt, trở ra thay đồ, miệng thì nguyền rủa chính mình ngu quá ngủ quên đến trễ làm. Anh hôn cô và chạy mất. Anh ghét đi làm trễ, ghét bị người quản lý quở mắng câu “ có hàng tấn người giống như anh trong thành phố này, phân nửa cần việc làm”. Cả tuần cô ở trong nhà, lo lắng bước ra đường sẽ bị lạc không tìm được đường về. Công việc thường nhật biến thành thói quen. Sáng cô dậy nghe tin tức ở đây và nơi quê nhà. Ở một nơi nào đó không xa chỗ cô ở, người ta xuống đường, biểu tình phản đối cái chết của Dorismond, vết thương dân tộc này xem ra còn lan rộng hơn sự nổi tiếng trước kia của cậu ca sĩ lai Mỹ này. Cô nghe trong radio tiếng hét to lồng lộng “ Không có luật pháp, không có hoà bình” . Cô hát trong khi hầm gà và chiên cá. Buổi chiều cô viết thư về nhà, cô kể về những món ăn cô nấu, tranh treo trên tường, các bài hát và chuyện biểu tình trong radio. Cô viết cho gia đình, bạn gái thân thiết đã chia vui với cô khi cô đi đoàn tụ, các người bạn quen ưa ganh tị ở trường dạy nghề thư ký. Cô cũng viết cho bạn trai và một người hàng xóm tốt bụng đã đến han hỏi cô tại sao khoá trái cửa ở trong nhà ba ngày sau khi anh xa cô.
Anh gõ cửa lâu lắm, cô mới mở. Cô vẫn mặc chiếc áo lúc anh đi làm. Khi cô ngả vào vòng tay anh, anh hôn lên trán và mang cho cô ly nước. Cô uống vội, nhanh đến nỗi muốn sặc. Đêm đó anh nằm gần cô, trong bóng tối anh thì thầm đây là tình yêu em ạ. Khi yêu, người ta có thể can đảm đánh đổi hiện tại lấy tương lai mà người ta tưởng tượng, ước muốn. Anh khẳng định với cô rằng chồng cô yêu cô lắm.
Buổi chiều khi cô viết thư, cô nghe tiếng chân người đi lại trên lầu. Cô đếm từng bước chân người đó và ngồi đợi chồng về. Cô muốn kể với anh về người hàng xóm đã đến ngủ bên cô sau ngày anh đi. Và cô đã ngủ nhiều đêm như thế. Cô mong trong tương lai ước mơ thành sự thật. Người ta nói khi mới quen nhau người ta thường nói dối, sau đó là sự thật phũ phàng. Nhưng giữa anh và cô sẽ không có kết cuộc như vậy. Tất cả sẽ là một khởi đầu đẹp và kết thúc có hậu.
Anh gặp cô trong một lễ hội trên núi vùng Jacmel. Anh thích nhất phần cuối của lễ hội được tổ chức một ngày trước ngày Lễ Tro. Khi đám đông thấm mệt, những người tham dự tụ họp lại ở bờ biển và ngồi đốt những chiếc mặt nạ, lễ phục, và các tàng tích của cuộc vui chơi say sưa mấy ngày qua. Cô là một trong những tình nguyên viên đóng vai những kẻ thương vay khóc mướn của buổi lễ. Cô đứng than khóc thảm thương khi nhìn những vật tưởng niệm lễ hội từ từ cháy tan thành tro trong đống lửa lớn trên bãi biển.
“Papa Kanaval ou ale?”. Cô gào to trong khi những giọt nước mắt lả tả rơi trên mặt.
“Cha Lễ ơi, cha đi đâu rồi?”. Anh chợt nghĩ nếu cô có thể cảm nhận được nỗi đau khổ của một vai trò mà khóc than được như thế có lẽ khi yêu cô cuồng nhiệt hơn nữa.
Sau khi những người khóc muớn ra về, cô ngồi lại cho tới khi từng đốm lửa lụi dần. Thật khó chọc cười hay kéo cô ra khỏi cơn cảm xúc. Cô bảo anh cô không bao giờ khóc giả. Mỗi lần khóc cho một điều gì bao giờ cô cũng khóc luôn cho những điều khác đã từng làm cô đau.
Anh đã phải đi lại giữa Jacmel và Port-au-prince trong thời gian anh đợi chiếu khán được chấp nhận. Đến lúc có ngày đi, anh hỏi cưới cô.
Một chiều khi đi làm về, anh bắt gặp cô đang ngồi thừ ở mép giường căn phòng nhỏ, nhìn những bức hình của cô trên tường như thôi miên. Khi anh hôn lên tóc cô, cô bất động. Anh không nói gì, anh không muốn phiền nhiễu suy tưởng của cô. Anh những muốn dập tắt những đóm lửa lễ hội đang rực cháy trong đầu cô.
Cô thấy thật vui vì cuối cùng thì ngày cuối tuần cũng đến. Mặc dù anh ngủ nướng cho tới trưa, cô thức từ sớm và chạy vội vào phòng tắm trước khi những người bạn anh dậy dành chỗ. Cô mặc một chiếc áo đỏ lồng vào chiếc áo thung và ngồi ngắm anh trên giường đợi anh mở mắt. Cô hỏi anh khi anh thức.
“ Chúng ta sẽ làm gì hôm nay?”.
Anh nói, gì cũng được tùy cô.
Cô ngỏ cô muốn xuống đường dạo phố. Cô muốn ăn cái gì đó, táo hay đùi gà, muốn ra ngoài cho khuây khỏa, cho ánh mặt trời chan hoà phả xuống mặt cô.
Khi họ rời nhà, họ chạm trán người đàn bà có những bước chân đi lại ở tầng trên cô đã nghe suốt tuần qua. Bà cười lặng lẽ và nói “ Bienvenue” . Cô lịch sự gật đầu chào và đưa tay lôi anh đi.
Họ hòa nhập vào khu phố chật ních người đi dạo ngày thứ bảy. Có người mua thực phẩm ở quầy bán trái cây và rau cải.
Anh hỏi cô có muốn đi xe bus không. Cô hỏi “Đi đâu?”. Anh bảo “ Bất cứ đâu”
Trên xe bus, cô ngồi đếm những dãy nhà, biển quảng cáo, nhà thờ, trạm xăng. Cô dán mắt vào cửa sổ đến nỗi hơi thở phả mờ cửa kính che phong cảnh bên đường. Bây giờ cô quay lại nhìn anh và thấy nét ngái ngủ còn vương trên mặt. Anh ngồi ngắm cô, đặt mình vào địa vị cô như một người chân ướt chân ráo, mới nhìn thấy nơi đây lần đầu nhưng anh chịu thua không tưởng tượng được.
Anh dẫn cô đến công viên Prospect Park ngay giữa Brooklyn nơi có bóng mát, cây cối và đường mòn. Họ hút sâu trong công viên cho đến khi chỉ còn thấy nóc của vài căn nhà bao bọc chung quanh như ngọn núi ngất ngưởng trên đồng bằng. Ban ngày khi ngồi mơ mộng, cô chưa bao giờ nghĩ đến một nơi như thế này. Anh kể cô nghe, khuôn viên bao la này là nơi anh thường đến để trầm tư những gì được, mất trong đời và nghĩ về tương lai bất định đang diễn biến không ngừng.
Lúc họ rời công viên đi xuống con đường Parkside Avenue, đã quá 7 giờ chiều. Cô nắm tay anh từ 5 giờ 10 chiều đến giờ không rời(anh ghi nhận). Và bây giờ, khi họ dẫn nhau đi trên con đường nhập nhoà ánh sáng, cô vẫn giữ mắt mở lớn, ngước nhìn lên cửa sổ những căn apartment lấp lánh phản chiếu ánh sáng màu xanh của màn truyền hình.
Cô than đói, họ quay về đường Flatbush Avenue, để kiếm gì lót bụng.
Tay trong tay, anh dẫn cô xuyên đám đông theo đuôi những người lạ mà đi. Một cô dâu, chú rể trang phục áo cưới trông rất rườm rà, đang đứng chặn đường khách bộ hành, chọn người nào có bộ mặt lạnh lùng nhất để hỏi “Bạn có muốn lấy tôi không?”. hay “ Bạn có muốn cặp đôi với tôi không?”. Và “Bạn có muốn thắt một cái nơ tình yêu quanh cổ tôi và bạn không?”. Trò đùa lộ ra khi một người tới gần họ tháo nhanh đồ hoá trang và khám phá ra cô dâu là đàn ông và chú rể là đàn bà. Họ trang điểm thật khéo, chỉ người tinh mắt lắm mới phát hiện được.
Trên chuyến xe bus trống về nhà, anh ngồi đối diện, không gần cô như ban sáng. Cô giả vờ nhìn bóng đêm đang lướt qua cửa sổ phía sau anh. Anh nhìn cô lần nữa, lần này anh cố tưởng tượng như hai người mới gặp nhau lần đầu nhưng anh chịu thua. Cô cũng vậy, cô ngồi nghĩ miên man về quá khứ, đến buổi lễ hội ngày xưa, đến ngày thành hôn anh và cô đã mặc áo cưới đưa nhau xuống đường hỏi người qua lại có chịu lấy họ không. Tuy nhiên họ làm trái với trò đùa là cô mặc áo cô dâu và anh, trang phục chú rể. Cuối buổi lễ, anh và cô đã đốt hết áo cưới bên đống lửa. Cô ước gì mình vẫn còn giữ chúng để hai người có thể mặc lại và lang thang trên con đường lạ, tái diễn cuộc vui năm nào. Nhưng cô không biết tiếng Anh, không thể hỏi những bộ mặt lạnh lùng có lấy mình hay không. Anh và cô sẽ đi trong yên lặng. Yên lặng như một đám cưới đang âm thầm diễn ra trong lòng họ bây giờ.

Chú thích
** Đây là một thành ngữ “ Sex was mostly between the ears” hay “The most important sex organ is between the ears”. Ý ám chỉ, những hình ảnh, âm thanh, ngoại cảnh, rung cảm của sự khích dục do nhìn thấy, nghe được, hình dung hay tưởng tượng đều được truyền tới bộ óc. Bộ óc là trung tâm tình dục nằm giữa hai tai.

@2006-2023 damau.org ♦ Tạp Chí Văn Chương Da Màu
Log in | Entries (RSS) | Comments (RSS)