CHƯƠNG XIII: MỘT TẬP ĐOÀN THÂN TỘC KHU VỰC – RỒI MỘT NƯỚC
Những người Tống Sơn: Năng lực mới trên những vùng đất xưa cũ
Sử quan Nguyễn nói về ngày ra đi của những người dựng nước ở Đàng Trong như sau: “… Mùa đông, tháng 10 (1558), chúa bắt đầu vào trấn Thuận Hoá… Những người bộ khúc ở Tống Sơn và những người nghĩa dũng xứ Thanh Hoá đều vui lòng theo đi…” Tất nhiên không phải toàn là những người trung thành vì đến cả thế kỉ sau, ngay từ bên trong dòng họ cầm quyền ta vẫn gặp những người trở cờ. Ấy thế mà riêng biệt có ba người được kể ra (1559) trong “buổi đầu dựng nghiệp Đế” ấy: Nguyễn Ư Dĩ, Tống Phúc Trị và Mạc Cảnh Huống. Nếu ta lưu ý đến sự nhấn mạnh ở tính chất khởi đầu thì nhận ra ba nhân vật trên là đại diện cho tập đoàn người đơn lẻ trên vùng đất Thuận Hoá mà họ còn phải chứng minh và phát triển quyền lực. Nguyễn Ư Dĩ là ông cậu với vai trò truyền thống quan trọng, với chứng tích như đã thấy, là đại diện cho họ Nguyễn được trao quyền từ trung ương. Chính con cháu ông này đã bình định hai đầu nam (Quảng Nam 1571), bắc (Bắc Bố Chính 1630) cho họ chúa. Một họ Nguyễn gom lại chung cho cả hai phía nội ngoại đã mở rộng vây cánh dòng họ cầm quyền khiến cho những người họ Nguyễn khác dễ dàng chịu nhận lãnh quyền lực được chia sớt và chen vào vòng thân thuộc.
Trong mối liên hệ với họ Nguyễn chúa, họ Tống có vẻ đã có địa vị đặc biệt quan trọng hơn là tính chất hợp tác, đồng hương khiến ta tưởng lầm. Tống Phúc Trị được ghi là đã trấn đất Thuận Hoá với tước Quận công, nghĩa là ngang hàng với Nguyễn Hoàng khi ông này đến nơi. Huyện Tống Sơn của nơi phát xuất được mệnh danh là “Quý Huyện,” “Quý Hương,” nơi của những “bộ khúc” đi theo – phân biệt với những “nghĩa dũng” của khu vực Thanh Hoá rộng hơn. Và họ Tống này đã liên kết thông gia với họ Nguyễn nhiều lần liên tiếp, rõ ràng với mục đích để sinh ra người nối nghiệp cho dòng chúa, mà nếu dự tính không thành thì vẫn có những biện pháp ngoắt ngoéo để trở về địa vị chỉ định. Bà Tống đầu tiên lấy con cả Nguyễn Phúc Nguyên, rủi ro chồng chết, ông cha thấy không còn làm ông nhạc của chúa liền bỏ đi đầu hàng Trịnh (1632), bà ta ở lại không sao cả, còn len được (1639) vào cung ông em chồng (chúa Thượng, Phúc Lan 1601-1648,) giữ liên hệ với họ Trịnh (1648), quyến rũ ông chú của Phúc Tần (Phúc Trung 1654) làm đảo chính. Đến lúc này, tập đoàn nhà chúa thấy ở trên bờ nguy cấp mới “sai quân dân phá nhà, lấy hết của cải,” giết bà đi – nghĩa là bà Tống kia không phải chỉ có một góc ở trong nhà chúa! Thế mà chúa Hiền Phúc Tần đó lại có vợ họ Tống sinh ra chúa Nghĩa Phúc Trăn (1649-1691) và ông này vẫn có vợ họ Tống (1651-1696) sinh ra Quốc chúa Phúc Chu. Điều kì lạ khác là với bước ngoặt đổi đời xưng Đại Việt Quốc Vương (1694), ông có bà vợ họ Hồ liền ban họ Tống cho ông cha vợ để có bà vợ họ Tống khác (1680-1716) sinh ra thêm một ông chúa khác có dáng thuộc dòng Tống! Khi vị hoàng hậu kế tiếp của ông Quốc Vương thực thụ ở Đàng Trong (Nguyễn Phúc Khoát 1738-1765) mang họ Trương, thêm một bà Tả cung tần cùng họ thì gây nên sự gãy đổ của dòng này tuy rằng ông vua cũng còn kèm thêm một bà vợ họ Tống nữa – ở địa vị Hữu cung tần, nghĩa là kém thế hẳn.
Có vẻ như họ Tống là bắt nguồn từ tên Tống Sơn theo cách lấy họ từ nơi cư trú – cũng lại một dấu vết khác như họ Trịnh của dòng Thái đã thấy. Nguồn gốc xa hơn có thể là từ một tập đoàn thờ thần núi Tống Thiên vương / Tống Sơn có vị Thầy Mo / Thiên sư xưng tên như thế. Họ Tống là họ chính ở vùng “Quý Hương,” tất là có tay chân thân thuộc tạo thành lực lượng đa số trong những người theo Nguyễn Hoàng, lại thêm ông Tống Trị tại chỗ, khiến cho dòng chúa này phải tìm cách liên kết chặt chẽ. Các công nương con Quốc chúa, nghĩa là vào thời kì muốn mở “nước” đã được tặng phong là Tống Sơn Quận quân / Quận chúa. Có nhiều người họ Tống khác làm các chức rõ ràng là chỉ dành riêng cho lớp người theo Nguyễn Hoàng: Tống Đức Minh, Cai cơ trong trận 1672, Nội tả (một trong Tứ trụ đại thần) 1680, Tống Hữu Thanh Chưởng cơ 1689, Tống Hữu Thận Trấn thủ 1687, riêng Tống Hữu Đại coi dinh Cựu 1635, được ghi rõ là người Quý Hương, chắc vì vậy nên sử mới nhớ cả tên người cha. Lại vẫn có những người họ Tống gốc Tống Sơn nữa mang chữ lót khác, có những người xuất hiện rất muộn, lúc quân Trịnh vào Phú Xuân, có người chỉ được sai trông coi làm kho đụn, hẳn không phải là danh giá gì lắm! Và tình trạng có bà hoàng họ Hồ đổi sang họ Tống chứng tỏ một chừng mực cố gượng uy danh của tập đoàn này trước khi họ Trương nổi lên khuynh đảo.
Tiếng là vào trấn Thuận Hoá để đề phòng họ Mạc nhưng Nguyễn Hoàng trở thành kẻ thu nhận tập đoàn thù nghịch với họ Trịnh, theo tình hình “kẻ thù của kẻ thù ta là bạn ta.” Cho nên ta có tên Mạc Cảnh Huống “đem gia quyến đi theo” Nguyễn Hoàng, là em Mạc Kính Điển (+1580), nhân vật trụ cột của nhà Mạc. Thế là những liên hệ thân cận cứ kéo nhau nối kết để mở rộng quyền lực: Nguyễn Hoàng và Mạc (Kính?) Cảnh Huống cùng lấy hai con gái của một người họ Nguyễn nào đó để bà vợ Cảnh Huống làm mối con gái Mạc Kính Điển (Mạc Thị Giai 1578-1630) cho Nguyễn Phúc Nguyên / chúa Sãi lúc còn là hoàng tử, theo lời sử là cô gái đã theo chú lánh nạn vào Nam khi Mạc bại vong (1593?). Lại cũng có thể thấy toán hàng quân của Lập Bạo (1572) đã được đưa lên khai thác vùng Cồn Tiên sát với con đường giao thương qua ngả Lào (Lao Bảo) mà lòng trung thành với Nguyễn Hoàng thể hiện trong việc lập Chùa Vua (1695) đi theo với tên tổng Bái Trời / Bái Ân. Không còn là thù địch mà chỉ còn ân nghĩa vì họ Mạc có được một người cháu ngoại lên làm chúa Đàng Trong: chúa Thượng Phúc Lan.
Sự chia xẻ quyền lực rồi cũng phải trở nên rành rẽ, cho nên với ý thức phân li bắt đầu lập chữ “phúc” riêng cho họ nhà chúa với chúa Sãi thì những người được ghép vào vòng thân cận cũng được mang chữ “phúc”. Con Mạc Cảnh Huống có tên Nguyễn Phúc Vinh; một người thân cận với Ngọc Tú (vợ Trịnh Tráng) trốn từ Bắc về được ban “quốc tính,” mang tên Nguyễn Phúc Kiều. Chữ lót “phúc” dành cho Tống Phúc Trị hay các ông cha vợ chúa và con cháu của họ, cũng chỉ là danh xưng được ban cấp. Người mở đầu, Tống Phúc Trị, có ngay chữ lót “phúc” ở phần đầu Thực lục chỉ là do sử quan viết theo lối hồi tố mà thôi.
Chữ lót quốc tính khiến ta còn suy ra gốc của một dòng họ khuynh đảo triều chính về sau nhưng không thấy sử quan nêu rõ lúc khởi đầu, đó là họ Trương Phúc. Người họ Trương thấy đầu tiên là Phó tướng Trương Trà, tử trận trong cuộc chiến 1571, người được bà vợ họ Trần điều khiển quân tướng riêng trả thù nhà, mà lập công lớn với Nguyễn Hoàng. Lời sử Nguyễn ghi rằng Trương Trà “xưng là Trà Quạn công,” mà “không rõ quê quán, ông cha là ai” có vẻ cho thấy ông ta có uy thế độc lập, khác biệt với Tống (Phúc) Trị, được ghi: “Bấy giờ gọi là Luân Quận công,” đúng với danh vị một ông quan chính thức. Có hai người họ Trương Triều… tham gia chiến trận 1648, Trương Văn Vân 1660, 1672, cả người cha vợ Phúc Khoát vẫn là Trương Văn Sáng – trong lúc còn người họ Tống trong cung đình. Người họ Trương có chữ “phúc” lót khởi đầu là Trương Phúc Phấn, “người Quý Huyện, trước là họ Trương Công, sau được cho đổi làm chữ Phúc.” Cha ông, Trương Công Da/Gia, được ghi hồi tố là Trương Phúc Da, trong trận 1627 mới chỉ là mưu sĩ dưới tay Nguyễn Hữu Dật. Sử không nói rõ nhưng ta đoán chừng đặc ân kia là do ông Phấn chống giữ lũy Trường Dục 1648, nổi danh là “Phấn cố trì,” và là người mở đầu cho dòng Trương Phúc được ghi vào Liệt truyện, Vậy thì chỉ có một dòng họ Trương và một dòng họ Tống đi vào vòng thân cận hôn nhân với nhà chúa mới giữ được chữ lót “phúc” mà thôi.
Đến khi quyền lực vững chắc thêm, họ chúa lại muốn giữ sự tôn vinh riêng biệt hơn một bậc nữa nên đặt thêm hệ-tính với chữ lót “hữu”, “cửu”: Nguyễn Phúc Kiều trở thành Nguyễn Cửu Kiều, Nguyễn Phúc Vinh thành Nguyễn Hữu Vinh. Cứ thế mà lan rộng: Nguyễn Triều Văn có con mang tên Nguyễn Hữu Dật, điều đó chứng tỏ con cháu ông ta dù sau này lấy cớ dân Gia Miêu Ngoại trang, vẫn không phải là chính dòng Nguyễn chúa. Con rể Đào Duy Từ cũng mang chữ lót hệ tính, không phải dân Tống Sơn mà chỉ là Thanh Hoá nói chung, chưa kể là di cư từ trước, hẳn vì lẽ đó mà con cháu không nổi bật như của dòng Nguyễn Hữu Dật nổi danh đồng thời.
Vòng tay họ Nguyễn rộng ra, thu tóm những họ khác như sẽ thấy rất nhiều về sau, mà khuất lấp, nếu ta không tò mò để ý: Nguyễn Cư Trinh vốn họ Trịnh, chắc tiên tổ tuy cũng là đi theo từ đất Thanh Hoá nhưng lại lận đận với cái họ Trịnh thù nghịch, khiến ông cùng với ông bác, Nguyễn Đăng Thịnh, rõ ràng chỉ nổi lên nhờ ông cha chuyển sang họ Nguyễn! Thế rồi từ sự đồng tộc của tập đoàn chung văn hoá lại lan thêm qua những tộc đoàn văn hoá khác với những chứng tích muọn màng nhưng làm bằng cớ cho các sự kiện khuất lấp về trước. Phe Nguyễn Ánh, trong cuộc tranh chiến với Tây Sơn có người Miên làm sai dịch trong làng, trở thành tướng trấn thủ Bà Rịa (1795): Nguyễn Văn Tồn. Những người quản lí nhóm Chàm Bình Thuận với các tên được phiên âm là Môn-lai-phù-tử, Thôn-ba-hú (Thuận Thành Vương của Nguyễn 1764), Bô-kha-đáo lại mang họ Nguyễn, chỉ dấu của dòng Kinh Cựu về sau. Có “thổ nhân” xứ Vĩnh Long Sa Đec, bắt cóc người bỏ vào bao bố, đòi tiền chuộc, gây nên cả một phong trào ăn cướp thành “giặc Du bao,” người đó cũng mang họ Nguyễn Văn, Nguyễn Văn Ngữ! Tất cả hình như mở đường (hay nằm trong dòng) Nguyễn-Văn đầy dẫy thời bây giờ. Một họ tôn quý, riêng lẻ như thế đã trở thành một họ bình dân, của quần chúng, là kết quả của một giai đoạn xáo trộn ở một vùng đất tứ chiếng đòi hỏi sự thoả hợp quyền lực kể cả từ những người có ưu thế.
Nhóm người khởi đầu nhỏ bé đó tuy rằng sẽ lập thành một nước từ một tập thể dân có sẵn, một hệ thống điều hành đã thành nếp một chừng mực nhưng các yếu tố đó cũng không đủ để đi đến thành công nếu tâp đoàn họ Nguyễn không điều hành xứ sở họ có dưới tay – và phát triển ra, bằng một ý chí kiên quyết thấy rõ, từ những người cầm đầu đến tay chân thân thuộc. Tướng như Nguyễn Hữu Tiến, chức vụ mới là Đội trưởng mà luyện tập quân lính thấy không theo lệnh liền chém người cầm đầu. Còn chúa Sãi biết chuyện cũng tán thành: “Binh không đều thì giết có tội gì?” Đến ông chúa thứ hai, Phúc Lan, mới vừa chơi vui yến tiệc, thu nhận bà chị dâu vào cung, xây cất nhà cửa hẳn là để cho xứng với địa vị, khi bị kẻ dưới can ngăn, liền đình chỉ ngay. Người sắp kế nghiệp, Phúc Tần, không nghĩ tới địa vị cao đón chờ, vẫn bắt chước ông nội dẫn thuyền ra đánh giặc ngoài biển. Tính khắc kỉ lên đến cao độ khi Phúc Tần nhận một người con hát xinh đẹp vào cung, chợt nhận ra mối nguy hiểm mềm yếu bên cạnh, liền cho người giết chết (1652). Hành vi có vẻ bất nhân nhưng có lẽ với tính cách đó mà chúa Hiền mới vượt qua được sự e dè của phản ứng từ họ Tống để trừ khử bà dì ghẻ, vợ của ông cha và ông bác. Tất cả tập nhóm cầm quyền đó đã cố sức khai thác các tài nguyên trong vùng theo một mức độ hẳn là chưa từng thấy dưới các chính quyền về trước, dù là khác chủng tộc nhưng cũng không phải là đã nhẹ tay.
Tổ chức công trình chiếm đoạt sâu sát và vươn xa
Nhiều năm dài trống vắng sự kiện trong khoảng đời Nguyễn Hoàng trên đất Thuận Hoá chứng tỏ ông còn phải loay hoay giữ mình trong một thời gian, và có vẻ ông cũng an phận làm một ông quan trấn nhậm cõi xa, tránh được họ Trịnh nếu tình thế không khiến ông phải gắng công thêm. Được trao thêm đất Quảng Nam, vùng đất trọng điểm quyền lực về sau, ông không cần phải động đến đám quan lại co rút của triều đình như Dương Văn An đã nêu vài chứng cớ. Đám thổ hào địa phương có người ngoi lên chức lớn như Bùi Tá Hán, dân Quảng Ngãi, đúng là “chân thổ quan” làm đến chức tổng trấn Quảng Nam, nên thật dễ dàng hợp tác với đại diện triều đình. Nhưng ở cấp dưới, nơi quyền lực trung ương khó vói tới này vẫn còn rất nhiều kẻ mà chức chưởng nào trên cao cũng phải cần tới họ. Cho nên họ Nguyễn đã phải sống thoả hợp với đám thổ hào địa phương đó như dấu vết về sau nơi chuyện ông Khám lí Trần Đức Hoà ở phủ Hoài Nhơn (cũng là một thổ hào khác đã vào quan trường) giao thiệp với nhà hào phú nuôi (và đề cử) anh xướng ca lưu lạc Đào Duy Từ làm công thần nhà Nguyễn. Nguyễn Hoàng, lúc nhận đất Quảng Nam (1570) cũng vẫn là khuôn mặt lạ với đám cường hào đó nên gây xung đột ngay sau khi được trao quyền, bị tấn công ngay chính nơi trú đóng, phải phái tướng đi bình trị bên kia đèo Hải Vân (1571) và còn chịu đựng sự nội ứng của nhóm địa phương với quân Mạc đến tấn công nữa. Thêm một thời gian dẫn quân ra Bắc để có điều kiện so sánh với các thế lực đang tranh giành, Nguyễn Hoàng nhận ra thực lực của mình mà quay về đất cũ, truyền lại cho con ý thức li khai như ta đã thấy. Cứ thế mà, khởi đầu là Nguyễn Phúc Nguyên, họ Nguyễn tràn lấn chiếm đoạt để giữ mình, để phát triển mãi đến khi hết sinh lực.
Tình hình tổ chức cai trị tiến triển theo với nhu cầu tồn tại và đà mở rộng đất đai. Với chúa Sãi Phúc Nguyên là bắt đầu (1614) sắp xếp một cơ cấu hành chính trung ương theo mẫu hình quản trị cũng từng thấy có ở vùng Trịnh Tây Việt nhỏ hẹp (1564). Đó là việc đặt ra Tam ti (Xá sai, Tướng thần lại, Lệnh sử) mà những công việc văn án, xử kiện, lễ tiết đều mang dáng lu mờ trước việc thu thuế, cung cấp lương hướng cho quân binh khiến vai trò các nhân viên tướng thần nổi bật khi ta thấy họ có mặt đến tận cấp bực đơn vị làng xã, thuộc, nậu… Khía cạnh thu tóm tiền tài vật lực là quan trọng khiến ta lại thấy đặt thêm các ti Nội lẹnh sử và Lệnh sử đồ gia riêng cho nhà chúa – Nội phủ.
Các đơn vị phụ thuộc dưới Dinh vẫn là phủ, huyện như cơ cấu của Lê nhưng thành phần cơ sở lại phức tạp hơn nhiều, không những mang tính cách riêng biệt hay pha trộn chủng tộc mà còn mang tính chuyên nghiệp khác nhau nữa. Có vẻ Xã có sự thuần nhất một chừng mực về người Việt (di dân hay đồng hoá) nhưng các Thuộc được nói đến nhiều, có nguồn gốc là tập họp các thôn, man, nậu lẻ tẻ họp lại, nghĩa là thành phần dân chúng ở đấy, “các nơi gần núi rừng, dọc sông biển,” không hẳn là Việt dù có thể nói được tiếng Việt. Không phải chỉ là những người bây giờ ta gọi là “Thượng” mà còn là tập họp Chàm, thương nhân, phần lớn là Hoa. Trên bản đồ 1774, cả vùng nửa nam Bình Định được ghi tên 3 thuộc mà dấu vết ngày nay là bao gồm gần trọn vùng đồng bằng trù phú. Còn dõi theo tổng số “thuộc” từng vùng do sử quan ghi năm 1726, về “hồi quốc sơ” thì càng về nam số thuộc càng lớn: Quảng Nam nơi có kinh đô Chàm còn để lại tên dinh “Chàm”, Kẻ Chiêm, và phố Hội An buôn bán phồn thịnh, có tất cả 19 thuộc, trong khi Quảng Ngãi chỉ có 4 thuộc, Quy Ninh (Vijaya cũ) lên 13, vào đến Phú Yên mà nửa sau thế kỉ XVIII còn nữ chúa Chàm, lại vọt lên 36 thuộc. Khánh Hoà gần đây, phía đồng biển còn thấy tập họp người Hạ / Mọi Hạ – “mọi” nhưng mang dấu vết sinh hoạt Chàm – vùng hai phủ Bình Khang, Diên Ninh đó có đến 34 thuộc, cho nên không lấy làm lạ là Bình Thuận có 30 thuộc. Cuộc sống xen kẽ như thế không làm ta ngạc nhiên khi thấy Ch. Borri nói rằng có dân Việt sống nhiều trên nhà sàn! Không hẳn là tất cả nhưng dấu vết nhà sàn dài ở Hội An còn thấy trên một bản đồ thời kì “thuyền Châu ấn” đồng thời với Ch. Borri, và lại còn dấu vết bằng chứng khảo cổ ngay trên đất Quảng Nam (2001).
Đã đặt kho riêng “Nhà Đồ” năm trước thì phải tính đến chuyện thu cái gì chứa vào đó cho nên năm 1618 có việc “đạc ruộng (của) dân hai xứ” Thuận Quảng, lấy lí do “bọn hương lí, hào hữu xâm chiếm mất nhiều ruộng công để làm của riêng,” nay triều đình thu lại để lấy thuế. Lấy thuế thì phải rồi nhưng coi đó nguyên là ruộng công – nhất là ruộng của công xã, bị chiếm đoạt thì không gì sai hơn. Sự chiếm đoạt chắc cũng từng xảy ra theo tình thế thay đổi quyền lực cụ thể trong vùng nhưng ruộng đó là tư điền do những “tiền hiền” mang nông cụ, tay chân đến khai khẩn trên những vùng hoang hoá lâu ngày nên có thu hoạch lớn lao mà lại không phải nạp thuế nhiều cho những quan chức vốn nằm trong tình trạng nay dời mai đổi chức quyền trung ương nên cũng không phải hạch sách quá quắt. Dấu vết cụ thể xưa thì thấy nơi lưu bút Thuỷ thiên tự (1384) của ông thuỷ tổ họ Bùi làng Câu Lãm (?), Quảng Trị và cũng có thể thấy qua lời tán tụng sự giàu có ở đất Ô Châu của Dương Văn An: “Lúa ngoài ruộng, quá kì vẫn chưa thu hoạch.” Chưa kể khi ta nhìn vào đất Gia Định ở thế kỉ sau. Cho nên việc đạc ruộng năm 1618 là chuyện tịch thu ruộng tư làm ruộng công để thu thuế, phân chia cho quan, dân để nắm người, chứng cớ rõ ràng muộn màng là chuyện lấy ruộng tư làm ruộng công ở Bình Định dưới thời Minh Mạng mà vào những năm 1950 nhiều người sống ở thành phố đã tưởng đó là một cuộc cải cách ruộng đất, lấy của nhà giàu chia cho người nghèo, đang diễn ra trên vùng bưng biền mơ ước. Việc “đo ruộng dân để định tô thuế” năm 1669 được nói rõ hơn, là “đạc những ruộng thực canh làm ruộng công… (vì) dân gian nhiều người chiếm canh ruộng lậu mà không chịu nộp thuế.”
Đánh thuế trên ruộng đất cày cấy thì có mẫu hình lấy từ đất Đàng Ngoài nhưng họ Nguyễn còn có dưới tay một tập họp hỗn độn dân chúng khác chủng loại, khác nguồn gốc mà họ chiếm đoạt hoặc thu nhận. Từ đó có các nguồn lợi khai thác từ khối rừng núi phía tây mà họ thu thuế (thân, sản vật, lực dịch) trực tiếp từ những người, nhóm dân sống gần khối dân đồng bằng. Thuế đánh khá nặng, theo nhận xét của Li Tana lấy từ tài liệu Lê Quý Đôn. Tuy nhiên phải công nhận rằng tình trạng chịu thuế nặng cùng chịu đựng những hạch sách khác không phải chỉ dành cho dân Thượng. Người dân đồng bằng phải chịu thuế theo quy định còn có thêm những loại “phụ thu” theo lối cung phụng truyền thống cho cấp trên như đã thấy ở Đàng Ngoài, lại còn phải cung đốn những thứ lặt vặt đến không ngờ như sợi mây, sợi lạt làm nhà, tiền may bao (đựng gạo)… Cả người về hưu cũng phải nạp thuế, điều không thấy ở Đàng Ngoài. Có lẽ vì khởi đầu là một tập đoàn chiếm đoạt trên những đám dân thất thế, trong tình hình bức thiết phải tồn tại trước một lực lượng Trịnh đông, mạnh hơn gấp bội nên họ Nguyễn đã thi hành một chính sách có thể gọi là “thực dân” trên vùng đất họ quản trị, may mắn thay lại chưa có giới hạn cạn kiệt vì còn một vùng đất lớn trống trải quyền lực ở phía nam để dân chúng trốn chạy mà người cầm quyền sẽ đi theo thu thập tiếp.
Tất cả những cố gắng của tập đoàn Nguyễn trước tiên là để dành cho sự tồn tại của mình cho nên tính chất quân sự của Đàng Trong là điểm nổi bật có mang những dấu hiệu ràng buộc của địa phương. Trên cao là Dinh (quân đội) như đã thấy. Các phủ huyện trung gian chỉ có những người cầm đầu làm việc xử đoán kiện tụng, cần đến văn từ mà thôi. Thuế má tận vét là để nuôi quân lính cho nên các Ti đặt ra là thu chi lương hướng cho các Dinh. Việc thu thuế, bắt lính thường trực đã được quy định từ Lê sơ qua các tổ chức tuyển trường, ở Đàng Trong là 6 năm một lần cho việc kiểm tra lớn, 3 năm một lần cho kiểm tra nhỏ để điều chỉnh sự thay đổi trong khoảng thời gian nhà nước không để ý tới. Vẫn có hạng Lánh sẵn sàng thành Lính., hạng Quân dự bị tiếp theo, hạng Dân sau rốt, với những hạng khác, tất cả nếu không nằm trong quy định miễn giảm thì chỉ có một việc là nạp thuế, đi xâu. Ngoài chính binh của nhà nước còn có lực lượng địa phương, gọi là thổ binh hay thuộc binh, trong đó có cả người miền núi, người Chàm (quân Côn Man [Mọi Gậy? Mọi Con?] của Nguyễn Cư Trinh.) Vớí ghi chép còn lại thì nhà nước không phải trả lương, họ chỉ khỏi đóng thuế mà thôi. Họ được sử dụng vào việc bảo vệ an ninh ở địa phương, có tác dụng rất mạnh ở địa phương xa, nơi chính quyền trung ương còn lỏng lẻo như ở đất Gia Định. Tuy nhiên với vị trí mù mờ dân/lính như thế thì họ cũng có thể vừa là người giữ trị an vừa là mầm mống của nổi loạn khi quyền bính bên trên trở nên bất lực.
Tất nhiên vẫn có cảnh lùng bắt lính nghiệt ngã như mọi chuyện xảy ra thời xưa nhưng thân phận người lính Đàng Trong so ra sáng sủa hơn lính Đàng Ngoài. Một tấm hình để lại của phái đoàn J. Crawfurd cho thấy họ áo quần lành lặn, bịt khăn trùm đầu, giống như một người dân Chàm/Ấn ngày nay, còn sử quan Nguyễn thì ghi rằng họ có đến 4 bộ quân phục. Từ người ngoại quốc đến Lê Quý Đôn đều nhận rằng họ ăn mặc sang trọng (lính mặc áo đỏ, áo xanh – B. Vachet sống ở Đàng Trong 1673-83,) thứ kiểu cách bề ngoài đó đã khiến cho quan tướng Thuận Hoá năm 1774 khinh thường quân Trịnh vì thấy kẻ thù ăn mặc rách rưới, dáng vẻ đói khổ. Họ thuộc vào các đội chính binh tuy gồm cả thuỷ lẫn bộ nhưng đơn vị bộ binh vẫn có tên “thuyền” chứng tỏ khuynh hướng vận chuyển bằng đường thuỷ là nổi trội. Đây là dấu vết rõ nhất về tính chất địa vực đã ràng buộc trong quá khứ Chàm còn lưu lại ở Đàng Trong: Các vùng đất bị ngăn bằng những dãy núi nên chính các con sông ra biển Đông là trục lộ nối liền thuận tiện nhất như Thích Đại Sán đã chứng kiến khi từ Hội An đi triều kiến chúa ở Phú Xuân. Cũng từ quá khứ thời đại cũ mà số quân tượng của Nguyễn đã nổi trội hơn của Trịnh và còn là ưu thế kéo dài khi Tây Sơn ra Bắc.
Dù sao thì với một vùng quản trị càng lúc càng lớn với những yêu cầu tồn tại càng lúc càng phức tạp, họ Nguyễn không thể chỉ bằng lòng với đám thân thuộc tay chân làng xóm của mình. Việc quản lí phải cần cả đến những văn quan cao cấp, chuyên nghiệp mà họ không có đủ nên phải mượn bên ngoài. Đã có sẵn là lớp người Hoa đồng văn đến buôn bán nên thương nhân Âu Tây nhận ra các ông Cai tàu đến kiểm kê tàu của họ, hướng dẫn họ qua các quan lớn khác, vào gặp Chúa, là những người Hoa tại chỗ đã lên quan chức. Chu Thuấn Thuỷ đến Đàng Trong năm 1657 chứng kiến một cuộc “chiêu mộ người biết chữ (Hán)” của chúa Hiền do một ông Cai tàu người Triều Châu thi hành ở Hội An, bắt lầm phải một người Hoa không biết chữ mà khiến ông này lúc ra đi phải trối chết với vợ con. Chu Thuấn Thuỷ viết kí sự chứng tỏ sự gan lì của mình không chịu phục vụ Nguyễn, chính vì nỗi đau mất nước còn nóng hổi hơn là từ sự cương cường hãnh diện làm một “trưng sĩ” (theo chế độ vua vời người có danh vọng) của nhà Minh.
Ở cấp dưới, chúa Nguyễn lại cần số đông biết chữ nên đã mở những cuộc khảo hạch nhân dịp lập tuyển trường, chắc là cho đỡ tổn phí. Sử sách chính thức cho biết năm 1646 có mở khoa thi lấy người biết chữ làm lại thuộc (thi Hoa văn), với số lượng đông gấp 5 lần lớp người có khả năng hơn để bổ làm quan (thi Chính đồ.) Tuy Chu Thuấn Thuỷ huênh hoang với sở học của mình cùng sự kiêu ngạo làm thần dân nước lớn nhưng qua những đối đáp với quan Đàng Trong, ta thấy những người này ham hiểu biết, không thiếu kinh sách Nho học. Có lẽ vì vị trí thông thoáng của Hội An đã khiến Đàng Trong không những có Kinh Sử uyên áo mà cả tiểu thuyết “truyện Tàu:” Tam quốc chí diễn nghĩa, Phong thần. Ngay từ thời gian đầu đã thấy Phúc Nguyên đọc Chiến quốc sách. Vì thế không lấy làm lạ là Nguyễn Hữu Dât có tập Hoa văn cáo thị (1650), và người con, Nguyễn Hữu Hào tiếp theo có truyện dài nôm Song tinh, bắt chước theo tiểu thuyết Minh Thanh cùng thời xuất hiện ở Đàng Trong mà không chờ đợi thời gian lâu xa. Tầm mức kiến thức chung là như thế cho nên tuy Đàng Trong chưa mở khoa thi Tiến sĩ, người đương thời vẫn gọi các văn chức trong triều, ở địa phương là ông Nghè – qua nghe ngóng của người Tây phương là các Omgne (Ch. Borri 1621,) Unghe chieu (ở Nước Mặn, Gaspar Luis 1626,) on ghe bo, oũ nghe bo (ông nghè Bộ, A. de Rhodes 1647…) cả đến Bà Nghè của cây cầu Thị Nghè (Sài Gòn) được nhắc nhở chỉ vì ông chồng làm chức Thư kí ở phủ Tân Bình (Trịnh Hoài Đức.) Dấu vết kiến thức sách vở tạp nhạp hấp dẫn đã chuyển dạng thành sử kí ở phía Bắc trong Toàn thư bây giờ cũng thấy ở Đàng Trong, vì cũng theo Chu Thuấn Thuỷ, văn chức nơi này có người tin rằng các chuyện ở tiểu thuyết Minh Thanh là chuyện thật. Quyển “chí” của Nguyễn Khoa Chiêm có dáng lẫn lộn của tuồng “diễn nghĩa.” Còn câu chuyện Văn Khuông đem trả sắc phong cho Trịnh (1629) tuy chắc cũng trót lọt qua một âm mưu lén lút nào đó nhưng lại được diễn tả như một màn đấu trí có hồi “thiệt chiến quần nho” của Khổng Minh. Đây hẳn bắt nguồn từ lối giương danh tự xưng Ngoạ Long của ông quân sư mới về phục vụ (1627).
Tất nhiên về tình hình quan chức cấp dưới thì người ta có thể tiến thân bằng cách nạp tiền cho chúa. Dù sao đây cũng là dịp cho dân Thuận Quảng (và ở các vùng xa hơn về phía Nam theo tình hình mở rộng quyền lực) được đi vào hệ thống cầm quyền để đợi có biến động lớn là xuất hiện trên chính trường. May mắn vượt thường là gả con cho chúa từ những gia đình khuất lấp nhưng nhìn kĩ thì đúng là thuộc những khu vực mang tính cách thế lực, như người đất Thế Lại phồn vinh cung cấp Ngô Ngọc Lâm xinh đẹp giúp Nguyễn Hoàng thắng Lập Bạo. Người vợ họ Đoàn của Phúc Lan tuy được ghi kết hợp với chúa theo kiểu lãng mạn nhưng suy từ đấy thì cũng là người của chốn phóng túng vùng đồng bằng Quảng Nam. Không rõ những con cháu người dân Thuận Quảng thuộc loại “bách tính” kia có được ngoi đầu lên khỏi vị trí thấp kém mà toán người Tống Sơn kềm kẹp không nhưng Hồ Văn Mai của đất Thừa Thiên có con gái làm vợ chúa, được chuyển qua họ Tống, rồi được ông cháu ngoại Phúc Chú ban lệnh cho con cháu họ Tống-mới này được miễn dao dịch (1726). Sự chia sớt quyền hành tuy chậm chạp nhưng cũng là điều bắt buộc cho cả người có ưu thế khiến tình hình xã hội càng lúc càng phức tạp hơn để đến cuối cùng, nhà chúa thấy ra mối đe doạ đến với cơ nghiệp của mình qua những người dân khuất lấp từ một vùng núi xa.
Các tập đoàn bên lề quyền lực Nguyễn uốn nắn hội nhập
Tập đoàn Nguyễn đem sức mạnh của mình từ đất Thuận Quảng lấn tràn về phía nam theo một tiến trình vươn lên phức tạp, vừa như một cố gắng vượt thoát áp lực của Trịnh, vừa như bởi chính sự thừa mứa năng lực tích trữ trong cuộc chống đối với thế lực Đàng Ngoài nên phải tìm nơi trút bỏ.
Phủ Phú Yên được chính thức thiết lập năm 1611 đến lúc này mới đi vào vòng quyền bính của họ Nguyễn tuy đã thấy sự hiện diện của quyền bính mới từ 1578 với vai trò của Lương Văn Chánh vượt qua đèo Cù Mông chiếm thành Hồ (thành An Nghiệp, Tuy Hoà,) lấy đất khai khẩn vùng đồng bằng gần đèo. Tình hình vẫn còn bấp bênh nên năm 1629 phải trải qua một cuộc bình định khác để từ đây bắt đầu một ý thức Nam tiến rõ rệt với việc đặt tên dinh Trấn Biên cứ mang cái tên ấy mà đi xa dần theo đà tăng tiến quyền lực, cuối cùng dừng lại trên đất Biên Hoà ngày nay. Ba ngàn tù binh Trịnh bắt được trong trận chiến 1648 đem rải ra từ Quảng Nam đến Phú Yên theo từng 50 người làm thành ấp, sinh sống buổi đầu nhờ trợ cấp của chúa, từ tiền của nhà giàu trong vùng bị buộc cho vay, đã làm tăng thêm thế lực họ Nguyễn, và cũng gây nên mâu thuẫn với dân bản xứ còn lại, lấn át chút quyền uy lay lắt của các ông chúa Chàm. Một công nữ của Nguyễn được gả cho Po Romé mang tên Chàm: Bia Út (1631?) đã không giúp được sự hoà hoãn mà còn phải chịu tiếng làm mất nước với truyện tích xúi chồng chặt cây Krek thần thánh khiến xứ Bình Thuận đến gần đây còn truyền tụng tên Vua Mê để chê cười ông vua “dại gái” kia. Thế là có thêm những cuộc chinh phục mới được gọi là chống gây rối, xâm lấn, kết quả Nguyễn đặt thêm dinh Thái Khang (1653) đến tận sông Phan Rang. Vùng đất khô cằn còn lại giúp cho các chúa Chiêm an tâm một thời gian nữa vì Nguyễn bận nhìn vào vùng đất trù phú ở xa hơn về phía nam.
Lúa gạo là cần thiết nuôi người nhưng nguồn vật dụng trao đổi trong giao thương mang lại sự trù phú lại là ở trên rừng núi, thuộc vào những tập đoàn người khác. Nói chung thì trên văn từ vẫn dùng chữ “man” để chỉ những người này nhưng với chi tiết tiếp xúc càng lúc càng sâu nên có sự phân biệt nhóm người ở xa, nhóm người ở gần (với dân Việt), người ở trên núi cao: Man Cao, Man Thượng / “Mọi hoang,” Man Hạ / “Mọi thuộc.” Tuy nhiên với chỉ danh Mọi đã dẫn, thấy sớm nhất ở từ “Kẻ Mọi” (Ch. Borri 1621) còn sử dụng đến gần đây thì ta biết rằng tập đoàn Nguyễn đã đem tiếng tự gọi của người Mường Thanh Hoá: “món”/”mọi”/”người” để chỉ chung các tập đoàn vùng rừng núi mới mà họ đến tiếp xúc. Chi tiết được biết về những người này là dân phía tây Thuận Hoá (nói chung) với các tên có dáng chủng loại không rõ rệt, lẫn với tên khu vực thuần Việt hay đã chuyển âm Việt Hán. Tên nguồn Viên Kiệu cho thấy tên tập họp dân tộc Vân Kiều ngày nay. Ta nhận ra một tên Tồi Ôi là sách “lậu” lúc bấy giờ, nay vẫn còn nằm trong xếp hạng dân tộc học. Cũng thuộc loại này là người Sách, không hiểu vì cớ gì mà có liên hệ sít sao với Nguyễn đến mức đã mang họ Phan, được chỉ định đóng thuế khá nặng cho từng người, từng cụm người (“ngũ”) trong khi tên Sách hẳn không phải chỉ một tập đoàn dân tộc theo chủng loại mà chỉ là từ tên đơn vị hành chính rừng núi đã có từ xưa: “sách”.
Những người này liên lạc với nhau trong sinh hoạt buôn bán trao đổi được thể hiện qua những truyện kể truyền thuyết về những chuyến du hành đến các bộ tộc khác trong khu vực rừng núi. Chuyến đi từ phía đồng biển, ngược qua những dòng sông suối sâu vào trong núi, tuy có khi vượt qua biên giới nhưng thường chỉ là nơi xuất phát của dòng chảy nằm ở thượng lưu nên được gọi chung là “nguồn”, và thành tên những vùng kinh tế tài chính nhỏ dưới mắt chính quyền. Thuế công đánh vào dân nguồn nặng đã đành nhưng vẫn còn thuế gọi là “tư” dành cho quan tại chỗ, là một hình thức mua ép giá, mua trước trả sau. Lại còn hình thức đánh thuế trên những dân buôn qua lại. Chúng ta đã thấy mối liên hệ nguồn biển từ Lí Trần qua đèo Lao Bảo, đến nay lúc đầu cũng vẫn là nơi khai thác nguồn lợi giao thương của Nguyễn cho nên chúa Sãi phải giành quyền gìn giữ an ninh cho con đường này (1621) và lập dinh Lao Bảo để trấn giữ. Có điều phía biển của khu vực này lại không thuận tiện cho việc lập hải cảng, dù là cảng nhỏ của ngày xưa. Cảng Hồ Xá bị bùn cát lấp nhiều lần (1668), còn Mai Xá khi thành công (1681) có ghi luôn tên người đào cảng chứng tỏ việc mở mang phía biển ở vùng này thật khó khăn, không thể nào vượt trên ưu thế của Hội An được.
Trong sự giao tiếp, thường người ta hay nghĩ tới những ảnh hưởng về phía đồng bằng, về sự thay đổi ở các nơi này mà không quan tâm đến sự thay đổi trên rừng núi. Trong tiềm thức người ta vẫn cho dân rừng núi muôn đời cứ như cũ, chỉ là lớp người chịu đựng bóc lột chứ không biết thừa hưởng những thành quả văn minh của thế giới ngoài vùng. Thật ra chức việc Đàng Trong đã báo cáo với Lê Quý Đôn là các dân Man thượng/hạ/cao phía tây Thừa Thiên trong tế lễ hay dùng trâu, heo, cùng thanh la, đồ đồng, “các thứ (của dân miền xuôi mang lên) này bán chạy lắm!” Chưa kể những vật phẩm khuất lấp đi từ phía Miên, Lào lại. Vậy là cái mà ngày nay gọi là “văn hoá Cồng chiêng” không phải được biểu diễn bằng các vật phẩm tự chế! Cũng như có thể hiểu được một chừng mực hưởng thụ ít ra là của tầng lớp khá giả, khi người ta khai quật được các vật dụng sành sứ cao cấp ở Lâm Đồng, không biết trong ấy có bao nhiêu là của chúa Nguyễn “ban” cho vua Lửa, vua Nước.
Vì cách xa vùng thủ phủ nên trên đất Quảng Nam, Gia Định chỉ ghi tên các nguồn mà hiếm thấy tên tập đoàn người. Vùng Quảng Ngãi một thời được gọi là “tiểu Đồng Nai” vì họ Nguyễn chiêu tập dân miền núi và lưu dân khai khẩn làm ruộng, tổng số đến 72 trại. Có lẽ dấu vết phồn thịnh, liên hệ với vùng bắc Bình Định, là các công trình tưới tiêu bằng xe-nước mang tính chất tổ chức thật hoàn bị, chặt chịa còn mãi đến gần đây. Những xung đột với các tập họp phía tây Quảng Ngãi từ thế kỉ XVII, nổi bật qua thế kỉ sau với Nguyễn Cư Trinh, lưu lại tên “Mọi Đá Vách” chung chung mà không có xác định dân tộc học. Có vẻ chỉ thấy xác định khi gặp những tập đoàn lớn: người Đê/Rađê/Êđê phía nam La Hai (Phú Yên – Lê Quý Đôn), người Trà Lai (Jarai) khi nhắc đến Nam Bàn. Danh xưng này có liên quan đến sự chia cắt của Lê Thánh Tông năm1471. Lê Quý Đôn coi đây là khu vực xưa nay bao gồm hai “nước” Thuỷ Xá và Hoả Xá với hai “vua” Nước và “vua” Lửa. Chính vì hai nhân vật nổi bật này mà ta có chứng dẫn đương thời độc nhất về hai tổ chức chính trị xã hội liên làng “chừng hơn 50 thôn” trên một vùng Tây Nguyên ngày xưa. Dân Jarai nơi vùng có vua Lửa vua Nước vẫn tự phụ là Jarai “gốc”. Thường hay có sự lẫn lộn giữa tên hai vua như sử quan Nguyễn ghi hai tên khác: Đôn vương (vua Nước?) và Nga vương (vua Lửa?) với sự phân vân “hình như thuộc về Hỏa quốc.” Nhưng nhiều bằng cớ cho thấy Vua Lửa ở vị thế nổi trội hơn vì liên hệ đến việc gìn giữ một cây kiếm, về mặt thần thuyết là có quyền năng bách chiến bách thắng, về mặt thế tục là vật tượng trưng cho vương quyền khiến cho các bộ tộc trong vùng phải thần phục, cung phụng cho sinh hoạt của hai Vua. Họ Nguyễn cũng không động đến tổ chức này, chỉ phái quan đến liên lạc, thu thuế, nhận chịu sự thần phục mà không can thiệp vào tin tưởng của họ, không như Odend’hal vì đòi xem kiếm của vua Lửa Euil At mà bị người Êđê giết năm 1904. Họ Nguyễn không cần biết đến cây kiếm đó nhưng lại không ngờ rằng sau rốt nó có phần tác động vào sự điên đảo của triều đình bậc Thiên vương ở Phú Xuân chỉ vì tiếng đồn nó được trao vào tay anh biện lại thu thuế nơi góc đất Tây Sơn của họ.
Tên Nam Bàn liên hệ với Lê Thánh Tông khiến đương thời đồng hoá người Đê là người Chàm và cho thấy mối liên hệ của những người Tây Nguyên với vương quốc Chàm thật sâu sắc. Vợ của hai vua Lửa, Nước “mặc áo Chiêm Thành sặc sỡ,” hai vua ngự trên một vùng “điện vua Hồ” có voi đá, ngựa đá – có thể là khu tháp Chàm Yang Mun ở Buôn Chu (Cheo Reo) đã nói. Danh xưng chung cho hai vua: pơtao / botao là một tước hiệu Chàm, có nghĩa là “ngài”, “thầy” hay cũng có thể là “vua”. Đường liên lạc với Nam Bàn được chức việc đương thời kể lại với Lê Quý Đôn là dọc theo lối thượng đạo từ Bình Định đi về phía nam đến Phú Yên cho nên Hoa Anh của sau năm 1471 hẳn là vùng Phú Yên, Khánh Hoà với người Hạ ngày nay. Không nên lấy làm lạ vì trên vùng “(cánh) đồng (của) Dàng/Yang,” di tích Đồng Dương bây giờ, vẫn còn người “Việt” họ Trà, cũng thấy có ở Bình Định, còn chủ một số nhà lá-mái sang trọng ở Phú Yên có họ Ma… Cho nên năm 1578, Lương Văn Chánh phản công, đánh lấy thành Hồ, có thể là địa điểm chính của Hoa Anh, là thành còn có nữ chúa Thị Hoả theo Tây Sơn ngày sau. Ông mộ dân khai thác vùng Cù Mông (giáp giới Bình Định), Xuân Đài (bắc Phú Yên), có sử dụng ngườì “Xiêm”, chữ của khu vực Nam Đông Dương chỉ người nô lệ. Tướng Văn Phong trấn thủ phủ Phú Yên mới thành lập (1611) lại ra mặt chống đối (1629). Sử nói là “dùng quân Chiêm Thành để làm phản” chứng tỏ có sự liên kết với bộ phận dân Chàm – điều cũng là khả thể nếu ta nhìn ngược lại về thành phần các “thuộc”.
Phần đất còn lại co dãn sau 1471 được gọi là Chiêm Thành, hình như có một “kinh đô” là Bal Debare (Plei Bocon / Caklin / Chung Mĩ, An Phước, Ninh Thuận,) thừa hưởng sự chính thống cũ, có thể giữ được sự an bình tương đối để phát triển bình thường như một thực thể chính trị có chứng thực của người ngoại quốc. Một nhân vật Tây Ban Nha bị người Chàm bắt (1592) vì tội “xâm nhập lãnh thổ,” đã tả về một vưong quốc có hải phận mà tàu thuyền bên ngoài xuôi nam bắc đều phải ghé vào mua sản vật quý. Đến giữa thế kỉ XVII thì có nhân vật Po Romé (1627-1651) nổi bật qua những công trình phục hồi kinh tế, xây dựng thuỷ lợi, cố gắng vươn ra tìm viện trợ phía vùng hải đảo để hòng quân bình lại với áp lực họ Nguyễn. Các công tích đó khiến cho nhân vật này đã trở thành huyền thoại với dân Chàm tuy nhiên lại có dáng đe doạ họ Nguyễn, gây phản ứng mà kết cục câu chuyện chặt cây krek là bằng cớ đi vào truyền thuyết. Họ Nguyễn cho rằng trạn chiến chiếm và thành lập tỉnh Khánh Hoà ngày nay là do Bà Tấm (Po Nrop) gây hấn nhưng người Hoà Lan bị bão dạt vào Quảng Nam (1661) nghe chuyện mười năm trước, họ Nguyễn đã nhốt một ông Dairo Thầy Cả của Chiêm Thành trong một cái đình, điều đó chứng tỏ Po Romé có thể đã bị bắt thực sự như xác nhận của truyền thuyết, bị bắt vì các công trình kinh dinh của ông, và việc tiến chiếm năm 1653 chỉ là hồi kết của một giai đoạn xung đột mà thôi. Ta thấy Po Romé đã mở rộng mối liên lạc nhiều đến các tộc người Tây Nguyên bằng hôn nhân, tăng tiến giao tiếp hơn trước kia, liên hệ đậm nét đến mức sau khi nước Chàm mất hẳn lại có nhiều bộ tộc Tây Nguyên giữ các “kho tàng vua Chàm” gồm có áo mão, kiếm gươm, tiền đồng…
Ngôi tháp mang tên Po Romé ở Palei Thươn (Hậu Sanh, Ninh Thuận) tuy chứng tỏ là dấu vết của một thời đại suy đồi nhưng cũng là ngôi tháp to lớn của truyền thống cũ. Ngôi tháp cũng là bằng chứng bộc lộ một sự khủng hoảng tiếp theo khủng hoảng suy yếu. Ông đi tìm hiểu sức mạnh ở vùng hải đảo vốn dựa vào Hồi Giáo (“đi học Kabar rup / gồng” ở Kelantan, Mã Lai,) tất có mang về một ít hơi hướng chính thống, chưa kể đã làm cho hệ phái Hồi Giáo cũ trong nước có đà hưng khởi. Tuy nhiên ông lại vẫn giữ lại tính chính thống Bà la môn, điều đó đã khiến sự xung khắc của hai hệ phái vươn lên đến một mức độ mới. Tháp thì theo khuôn khổ Ấn Giáo như thế nhưng tượng của ông lại chứng tỏ một sự phối hợp pha trộn lạ lùng: có 4 tay như tượng Ấn, mắt xếch, nhưng có râu ngạnh trê, đầu đội mụ chụp (fez) của người Hồi, còn cúng tế thì dưới sự điều khiển của một ông Khù / Guru, pháp sư Ấn, cũng là Sư cả của Chăm Bà-ni. Chiếc tàu Pháp Galathée năm 1720 ghé vào Phan Rí nhận ra có nhiều dân Hồi Giáo nơi này. Xung đột dữ dội ở cấp độ triều đình biểu hiện trong akayet (tráng ca) Um Mưrup. Bên dưới, phái Bà ni / Bini của Hồi Giáo địa phương hoá từ lâu, được tiêm thêm lí thuyết chính thống nên không còn dáng thoả hiệp như trước mà mang tính cách tông đồ, lấn lướt phái Chăm Bà la môn lúc này rõ ràng đã nhận ra sự tàn tạ của quyền bính trên cao nên trong cung cách tự bảo vệ cũng trở nên cứng rắn hơn. Có vẻ như vật liệu “giấy” lá buông đã khiến cho việc ghi chép không còn chỉ là của tầng lớp cao như khi dùng bia đá cho nên đã thấy có những bản văn thơ dài của thế kỉ XVII, XVIII còn giữ lại về sau. Và trong tình hình khủng hoảng tôn giáo như đã kể thì các ariya (lục bát Chàm) Căm Bini, hay Bini Căm vừa mang tính cách lịch sử xã hội vừa là những áng văn trữ tình không tìm thấy được cả trong đám người chiến thắng Việt vốn cứ bị vướng mắc với các tín điều Nho cứng nhắc, khô khan đến mức giả dối.
Với triều đình Chân Lạp thì đã có dấu vết liên hệ của Nguyễn từ những năm 1620. Ở đấy vì có tiếp xúc trực tiếp nên không còn chữ Chân Lạp xưa cũ nữa mà thay vào đó là tên của lớp dân chúng: Khmer, chuyển âm thành Cao Miên (hay về sau là Cao Man vì kị huý Thiệu Trị.) Còn đất nước, triều đình thì đã có tên Cambodia/Kambujâs mà Lê Tắc ghi nhận từ xưa với tên chuyển âm là Giản Phố Trại, còn người Âu đến sau thì ghi là Camboye. Tên Hán Việt kia bị quên lãng đến khi một toán lưu dân Minh tấp vào một cù lao ở thành phố Biên Hoà ngày nay, gọi tắt là Cù lao Phố, sau này tiếp qua một tầng sai lạc “chữ tác đánh chữ tộ,” nó trở thành Đông Phố một cách tự nhiên! Mối liên hệ lúc đầu của Nguyễn thì chỉ có tính cầu thân nên lại cũng có công nữ Nguyễn (Ngọc Vạn, suy đoán theo Thái Văn Kiểm) lấy Chey Chettha (II).
Người ta vẫn thắc mắc về chủ quyền nơi vùng rìa giáp giới Chân Lạp / Cao Miên và Chiêm Thành nhưng có thể thấy đó là vùng ảnh hưởng lúc này lúc khác của hai vương quốc lên những tập đoàn dân riêng biệt. Vùng Bà Rịa đến thế kỉ XX còn có nhiều người Mọi, và nơi được ghi có người Việt đầu tiên đến: Mỗi Xuy (Hán Việt) / Mô Xoài (thông thường) đã được nhìn ra là Mọi Xoài không phải gây nghi ngờ gì lắm. Toán Trần Thượng Xuyên đến cù lao Phố năm 1679 trong một vùng, gần đây còn giữ được các tên rạch Mọi, mả Mọi, núi Gò Mọi của tập nhóm nay nhận ra là Mạ với các tên Đạ Đờng cho Đồng Nai, Đạ Glung cho sông Bé. Tập họp này có vẻ thuần nhất nên người Tây Phương từng nhắc đến một “Vương quốc Mạ” ở vùng này. Tên xứ Bàn Lân ghi bằng chữ Hán, nơi quan binh Minh đến đóng, có dáng chữ blaang (cây gòn) và tên Sài Gòn sát âm, gần với một trong hai tên Khmer cho là phát xuất ra tên Việt (Prey Kor: rừng cây gòn) tồn tại lâu dài hơn, chứng tỏ về một vùng khá rộng mọc loại cây còn được dùng trong lễ đâm trâu ngày nay. Đây cũng là một bằng chứng cho thấy một khu vực nếu không là nơi cư thú thường xuyên thì cũng là vùng du canh rộng lớn của bộ tộc người Mạ thời xưa. Cho nên danh xưng kia không chắc là cường điệu, ít ra thì cũng mang cùng tầm mức của “nước Stiêng” phía bắc đó, với nơi tập trung lớn: “thủ đô” Tinh Xương trong bản đồ Taberd 1858.
Các dân tộc Tây Nguyên giữ được mối liên lạc với người Lào, người Khmer không những qua vật phẩm trao đổi mà theo đó còn cả những tin tưởng thần bí như cùng chia xẻ về sự thiêng liêng của cây kiếm thần khiến có lúc vua Lửa đòi Cao Miên phải triều cống! Tuy nhiên có vẻ người Khmer chính tông làm lúa nước đã xây đền Angkor vẫn cứ coi các vùng đồng bằng là nơi cư trú chính của mình. Sự lấn lướt của người Thái thành lập nước Xiêm La tiến chiếm Angkor 1431 khiến Cao Miên phải dời đô xuống “đồi Bà Pênh” / Phnom Penh 1434. Sự dời đô không hẳn chỉ là kết quả tràn lấn của quân Xiêm nhưng có thể sự cạn kiệt khai thác vùng Angkor đã là nguyên nhân suy yếu của họ và con đường tiến xuống vùng Ngã Tư, với các nơi đóng đô quanh đó, là một lối thoát đi tìm sự phồn thịnh giao thương của thời đại mới đem lại. Chey Chettha lấy vợ Việt, vợ Lào, đã mời người Hoà Lan đến buôn bán ở Phnom Penh và con ông ta, Riamiathipdei, Nặc Ông Chân của sử Việt, thì chuyển theo đạo Hồi, rõ ràng là tiếp tục khuynh hướng mở rộng giao thương. Thomas Bowyear lúc ở Phú Xuân (1695) được sứ giả Cambodge đưa đề nghị giao thương rông rãi hơn Đàng Trong. Nhưng đến lúc này thì họ đã gặp sự bành trướng không cản nổi của chúa Nguyễn.
Nguyễn Phúc Nguyên khi gả con cho Chey Chettha chắc cũng chỉ làm một công việc tìm vây cánh phía nam nhưng rốt lại nhóm người đi theo vị công nương Nguyễn (bà Hoàng Ang Cuv / Dam Sat) đã vận động cho chúa được lập nơi thu thuế quan ở Prei Kor và Kas Krobei (1623 – Sài Gòn và Bến Nghé). Sử quan Nguyễn im lặng về sự kiện chỉ được dẫn xuất từ phía Cao Miên này chứng tỏ đây chỉ là “sáng kiến” riêng theo kiểu lấy “thuế tư” của toán người kia muốn hưởng lợi từ lớp người Việt, hẳn đã đến làm ăn vững vàng trong vùng trong khi chúa của họ vẫn còn đang loay hoay ở Thuận Quảng. Tuy nhiên chính quyền Nguyễn đã đặt ở Khánh Hoà 1653 thì miền hạ lưu Mekong tất phải nằm trong tầm mắt của họ. Chiến công chiếm một phần Nghệ An của Trịnh giúp quân Nguyễn đủ tự tin đem quân can thiệp vào nội tình phân rã của Cao Miên, nói là chống đánh sự xâm lấn của Nạc Ông Chân mà thật ra là đứng về phía hai người con bà hoàng Việt trong tranh chấp, đem ngôi vị cho con bà Việt: Batumriachia (1660-1672). Đó là điểm khởi đầu Nguyễn can thiệp vào triều chính Cao Miên, có tiếng nói trong sự phế lập ở đây, xếp đặt vua chính là Sô / Ang Sor ở Vũng Long (Neak Luông –Trịnh Hoài Đức), vua thứ là Nặc Nộn / Ang Non ở Sài Gòn. Con của Sô, Nặc Ông Đài (Bô Tâm – Trịnh Hoài Đức) giết cha, đuổi Năc Nọn lấn quân đến vùng Mọi Xoài khiến Nguyễn phải phái quân Bình Khang chiếm lại rồi tuần tự chiếm Sài Gòn, lấn sâu vào đất Miên chiếm Lovek, Phnom Penh, xếp đặt thứ tự lại, cho Nặc Thu đóng ở Oudong, Nặc Nộn ở Sài Gòn. Sự can thiệp rồi sẽ tiếp tục bằng những cuộc tiến quân về sau với một tình thế phức tạp hơn vì có thêm sự trợ lực của nhứng nhóm người Trung Hoa bỏ chạy từ đất họ.
Dân tại chỗ trên đồng bằng đúng là người Khmer, quần tụ trên các “giồng” là những địa thế cao do tác động kiến tạo của sông, biển. Đây là vùng Miệt Dưới vẫn thường được gọi là Khmer Krom. Tuy nhiên ta vẫn thấy những chứng cứ cho biết di dân không phải chỉ từ những người chuyển vùng nội địa mà còn là người từ biển khơi vào. Dấu vết dân hải đảo chỉ thấy loáng thoáng nơi lời của Trịnh Hoài Đức nói qua trên đất Gia Định về sau. Đó là những người Đồ Bà, được giải thích cạn kẽ là “giống người ở biển, ở núi theo đạo Bái Nhật ở trong 36 cửa biển Mãn Thích Gia (Malacca).” Nơi chốn xuất phát và tên đạo cho ta đoán là dân Hồi Giáo nhưng con số 36 đơn vị và tên tổng Bái Trời cũng thấy nơi Nguyễn Hoàng đày quân Mạc năm 1572 khiến ta phải tự hỏi: Trên vùng Cồn Tiên kia có dấu vết Hồi Giáo nào không? Còn con số 36 đơn vị trong bia Tuý Tiên Đường Minh Hương ở Hội An nữa? Nên nhắc: Nặc Ông Chân, người nhường Biên Hoà cho chúa Nguyễn, là một người theo đạo Hồi.
Nhưng lớp người đến ở đông đúc mà có tầm quan trọng cho sự phát triển, là từ phương bắc với tên Đường Nhân. Sự tụ tập thành khu vực của người Hoa thấy trên sách vở (1621) là của Ch. Borri ở Hội An, nhận ra họ chia vùng quản trị với người Nhật. Tuy nhiên rõ ràng là họ còn ở rất đông trên các vùng khác nên chúa Nguyễn phải lo quản lí họ bằng cách cho lập các “xã” mà hai tên thấy đầu tiên là Thanh Hà và Minh Hương quanh thủ đô, khoảng 1645. Sự hiện hữu đồng thời hai tên cho thấy tên Minh Hương không phải là một trường hợp đặc biệt như ta tưởng về sau. Chữ “hương” lúc đầu với nghĩa “mùi thơm” chứng tỏ các người sáng lập đã thiên về ý nghĩa giá trị tinh thần hơn là gốc gác cư trú nguyên thuỷ. Điều này cũng tương hợp với chữ “thanh” trong tên làng kia vì hai tên xã mới này cũng thấy trên vùng Quảng Nam. Và lặp lại nửa thế kỉ sau trên đất Gia Định với tập nhóm Minh dân chính thức lưu vong, những người vẫn thường được coi là nguồn gốc của tên Minh Hương với chữ “hương” có nghĩa là “làng xóm, quê quán.” Những người Hoa đó (theo cách gọi ngày nay) vẫn tự xưng và được gọi là Đường Nhân, Hán Nhân nhưng từ khi có một chính quyền không phải Hán mà theo văn hoá Hán đến ngự trị thì họ giành tên Hán Nhân cho người đồng chủng, chỉ để gọi người phương Bắc đến cư trú là Đường Nhân khi đã gom về mình đám dân Minh Hương kia.
Như đã thấy, người phương Tây thì tuy cần thiết nhưng xa lạ, chưa kể lối sinh hoạt, tôn giáo mới đã đem lại dị ứng, gây nghi ngờ tổn hại cho chính quyền khiến phát sinh những lệnh bài đạo gắt gao khi tình hình chiến tranh với Đàng Ngoài không còn thấy cấp thiết nữa. Cần Joan da Cruz, chúa Hiền phải để ông này lập nhà thờ Đức Bà Vô Nhiễm trong khuôn viên Thợ Đúc, cho chứa chấp các giáo sĩ dòng Tên, lưu giữ hài cốt người tử vì đạo… LM. d’Arnedo, Koffler thoát nạn dữ vì làm Khâm thiên giám, người cho chúa Hiền, người cho Võ Vương. Tuy nhiên những người khác không tránh khỏi vì chúa Hiền được báo cáo rằng người bị đóng đinh là vua Bồ, cải đạo là phải mặc y phục Tây, còn Võ Vương thì hoảng hốt vì lời sấm đổi thay. Người Nhật đã có một thời liên lạc mật thiết với các thuyền Châu ấn, còn để lại cây cầu Nhật Bản / Lai Viễn Kiều (1714) nhưng lại bị cắt đứt vì các lệnh cấm của chính quyền Shogun (1636) chỉ còn một số người không chịu trở về nước mà Chu Thuấn Thuỷ còn gặp gỡ nhờ cạy năm 1657. Chỉ có người Đường vẫn liên tục buôn bán như từ thuở nào dù có những vấp váp giai đoạn vì biến động chiến tranh. Lại còn tính cách đồng văn khiến họ dễ dàng xâm nhập vào quan trường qua các cuộc thi cử từ thấp đến cao ở Đàng Ngoài, không chỉ lẩn khuất theo danh vị “ông nghè” ở Đàng Trong mà lại còn làm chức sắc cho Chúa, trực tiếp qua các danh vị trung gian buôn bán lớn cấp là các quan Cai tàu vụ nơi các cảng lớn hay làm Cai đội, Tướng lại thu thập sản phẩm người biển, núi rừng nơi các địa phương.
Một triều đại vươn lên trong vướng mắc mang tính hệ thống văn hoá
Sự thiết lập các chức vụ Tứ trụ đại thần: nội tả, ngoại tả, nội hữu, ngoại hữu năm 1638 là dấu hiệu rõ nét về sự phân chia quyền lực cho các tộc họ có thế lực đương thời như chứng cớ của Thomas Bowyear (1695) nói về việc Quốc chúa chịu ảnh hưởng rất mạnh của 4 ông cậu/chú/bác. Tuy nhiên sự cải cách đó cũng mang lại một hình dáng tổ chức chính quyền trung ương sơ khởi cho họ Nguyễn. Bản thân quyền lực phát triển đưa đến sự tự tín nhưng ý thức thành vua một cõi hình như cũng được khích động thêm bởi một vong thần nhà Minh, Chu Thuấn Thuỷ, người muốn xúi Nguyễn trợ giúp nên làm thay thư của chúa Hiền kêu gọi khích động quân dân Nam Bắc trong trận tiến chiếm Nghệ An, mà trong tờ có thể gọi là Chiếu đó, để chúa xưng là “An Nam Quốc vương.” Chu còn hé mở cho chúa thấy nếu giúp ông một chỗ trú để phục hồi nhà Minh thì khi thành công sẽ xin phong vương cho Nguyễn, không nệ gì việc có mặt vua Lê! Tất nhiên là tác động các lời ấy không mạnh, không những vì Nguyễn còn đang đối đầu với Trịnh ở Nghệ An mà còn chính sự kiêu ngạo của Chu cũng khiến ông không được trọng nể nhiều, nơi ông đến ẩn trú.
Tình hình sẽ khác đi khi sự ngưng chiến với Trịnh giúp Nguyễn rảnh tay phát triển cương vực, chứng tỏ uy lực của mình trên một phần đất rộng lớn, trù phú đem lại sự sung túc cho bản thân, nâng cao ước vọng đến mức thấy mình đủ làm chủ một nước riêng. Người ngoại quốc đến giao thương đã nhận ra quyền lực đó nên gọi “nước Quảng Nam” theo với tên trung tâm trú đóng của vùng buôn bán phồn thịnh nhất mà không quan tâm tới thủ đô chính trị phía bắc đèo Hải Vân. Tất nhiên điều đó không hợp với ý thức của người cầm đầu đã nhận ra nhiều nguồn gốc ý hướng tập họp thành vị thế thực tế của mình. Nguyễn Hoàng đến nơi, thấy cần có sự phối hợp với quyền lực siêu nhiên nơi mình cai trị nên chịu hoà nhập vào đó, nhận sự che chở của Bà Chúa Xứ, chịu làm một ông deva-raja mới. Tuy nhiên ông, và lớp người theo ông, vốn xuất phát từ một vùng chịu ảnh hưởng Hán Việt từ lâu nên sự suy nghĩ cũng phải chuyển hoá đi. Danh hiệu người trong xứ gọi ông được biểu hiện bằng nền văn hoá đó nên được ghi nhận là “Thiên Vương,” và việc xây chùa mới lên trên một nền tháp Chàm cũ mà còn mang tên vướng víu “Thiên Mụ” chứng tỏ sự nối kết cũ mới đó. Sự xác nhận gốc rễ về sau “Nhà nước ta phát tích tự Ô Châu” là một bằng cớ tìm cội nguồn tại chỗ. Và sự lôi kéo về phía địa phương vẫn còn rất mạnh: Người dưới quyền ông tuy cùng xuất phát tộc đoàn, cùng văn hoá vẫn dùng chữ Thiên Vương để gọi chúa (chuyện năm 1689 với quân Mai Vạn Long) như chúa vẫn xưng với các “thuộc quốc.” Nhưng ưu thế văn hoá hướng dẫn quyền lực của chúa vào tương lai còn mạnh hơn. Chúa phải mở khoa thi lấy người làm việc biên chép sổ sách, thu thuế, thâu thái kiến thức trị nước, mà những điều này thì chỉ có trong Kinh Sử, kể cả Tam quốc chí diễn nghĩa! Cho nên cầu luỵ Chu Thuấn Thuỷ về giúp mà không nề hà cả chuyện ép buộc – mắng chửi, gông cùm, doạ giết! Người thợ Bồ lai Ấn Joan da Cruz đúc súng cho chúa, thì ghi rõ ràng là làm cho vị vua (bao gồm) “Cochinchine, Champa và Cambodge.” Nguyễn Phúc Trăn đã là Thiên vương với các tập đoàn phía nam thì cũng thấy mình có thể tiếp tục lấy danh nghĩa “An Nam Quốc vương” để viết thư (1688) cho “Nhật Bản Đại Quốc vương.” Bước tiếp là để dành cho người kế nghiệp.
Sự xoá bỏ nước Chiêm Thành đem lại cho Nguyễn Phúc Chu một giải đất liền lạc lớn rộng, cùng lúc tang lễ đã hết, cho thấy một sự đoạn tuyệt với quá khứ và một viễn vọng về tương lai, đủ cho ông nghĩ đến một “nước”. Cho nên không có tên mang danh nghĩa cá nhân chúa kèm theo như thường lệ mà chỉ còn một tên bao trùm: Quốc chúa (1693). Thế mà vướng víu vẫn còn. Ông không thể lấy cấp bực lớn hơn vị trí kề cận giúp vua (Lê): Thái phó Quốc công. Tên An Nam là từ phong cấp của Thiên triều phương Bắc mà ông thì chưa từng được như vậy, không có danh nghĩa nào để tuyên xưng cả. Chỉ còn một quốc danh bản xứ, được Thiên triều ngó lơ nhưng sử dụng từ lâu nên cũng trở thành có giá trị thực tế. Thế là xưng Đại Việt Quốc vương ghi trên bia đá, trong thư gửi mời Thạch Liêm Hoà thượng (1694), tiếng là cầu hiền nhưng chính là để qua các đồ đệ của ông này, làm mối liên lạc cầu phong Trung Quốc. Quả nhiên trong tờ trình hiến kế qua loa đáp ơn cầu thỉnh của Quốc chúa, ông hoà thượng pháp sư đã đề nghị chúa “tiến cống Trung triều để chính danh hiệu.” Theo lời đó, năm 1702, đồ đệ Thích Đại Sán cầm đầu đi Trung Quốc cầu phong. Tất nhiên là không được vì sự tách biệt với Đông Kinh (Lê), ngay trong nội bộ, đã không có tính dứt khoát. Quốc chúa tiếp Thích Đại Sán còn nhắc chuyện nhớ về Đông Kinh, ám ảnh này mở rộng đến thành cả lời sấm “tám đời sẽ trở về…” Còn quan chức có danh như Nguyễn Quang Tiền, cả sau sự đổi thay mạnh mẽ của Võ Vương (1744) khi viết thư cho chúa gửi trả người Thanh về nước (1756) cũng không chịu dùng danh hiệu An Nam Quốc vương. Và quan dưới quyền ông chúa này cũng vẫn “dâng” tôn hiệu Thái phó quốc công (1740). Cho nên chỉ có những bước tiến ngập ngừng. Năm 1709, Quốc chúa đúc ấn Đại Việt Nguyễn chúa Vĩnh trấn chi bảo.
Vấn đề có lẽ vẫn sẽ dằng dai nếu không có những đe doạ dẫn đến những quyết định mạnh mẽ. Không biết từ đâu lại có lời sấm “Đến 8 đời thì trở về Trung đô (Đông Kinh).” Không thể hiểu theo nghĩa lạc quan là thắng Trịnh thì điều phải hiểu, và phải lo sợ là Nguyễn sẽ mất ngôi cho Trịnh! Các giáo sĩ (Đức ông de la Baume ở Huế 1740) và thương gia hiẹn diện thì cho rằng đó là do phản ứng của các ông sãi đối với tôn giáo mới, muốn nêu lên sự đe doạ là từ phía này. Nhưng chính đạo Phật cũng gặp sự bài bác từ lớp văn quan đang có đà trọng dụng khi đất nước càng phát triển, như trường hợp Nguyễn Cư Trinh với tác phẩm Sãi vãi. Một thầy sãi bị bắt đem chém vì cho rằng các hiện tượng núi sập, chuột phá đồng, cửa biển Tư Dung bị lấp chỉ là những cảnh báo cho các điều sắp xảy ra còn tệ hại hơn nhiều: lửa cháy khắp nước, loạn lạc, dân chết vì dịch lệ, đao binh… Sự huỷ diệt đó chỉ tránh khỏi khi chính chúa Nguyễn chịu lên giàn hoả để cứu vớt dân chúng. Vấn đề đúng có lẽ là ảnh hưởng từ sự lấn chiếm đất Cao Miên đã khiến nổi lên mối tin tưởng thần thuyết từ phía nam đi ra, nói về sự tuần hoàn thượng/hạ nguơn qua những cuộc đảo lộn kinh hồn. Rõ rệt là ghi nhận của J. Koffler (1754) về lời ông đạo sĩ 80 tuổi được vời từ núi vùng phía nam, đã quả quyết: “ Chỉ có đến 8 đời chúa thôi, không hơn, cho đến khi núi biến thành đồng, cửa biển bị lấp, người quanh ta chết tiệt để cho một lớp người mới đến thay thế, và vương quốc sẽ chuyền sang tay người khác…”
Chuyện ấy thì chẳng thể nào để xảy ra nên hệ thống đương quyền tìm cách phản ứng tích cực hơn: Lập thời mới trước khi định mệnh buộc thay đổi. Thế là năm 1744 “bầy tôi… dâng biểu xin chúa lên ngôi vương…” để có những đổi thay triệt để, không có bước lùi đảo ngược. Chúa trở thành Võ Vương, đúc ấn (?), ra “chiếu” xác nhận gốc tích mới: “Nhà nước ta phát xuất từ Ô Châu..,” bên trong nâng cấp phong tặng cho cha ông, dựng tông miếu, đảo lộn danh xưng giới tính để đánh lừa thần thánh, bên ngoài đưa hệ thống điều hành trung ương lên đến cấp Bộ, hoàn bị tổ chức lãnh thổ lên đến 12 dinh, 1 trấn (Hà Tiên) với Đô thành ở trung tâm. Công cuộc cải cách y phục để dân Đàng Trong khác với Đàng Ngoài đưa đến sự cách biệt dứt khoát bên dưới, “bỏ hết tục xấu, lạc hậu ở Bắc Hà để thành một nước với áo mũ văn vật rỡ ràng (Trịnh Hoài Đức).” Nhưng rõ ràng là bên trên đã không thành công với một tổ chức Lê-không-có-vua-Lê, cho nên rốt lại nhà Lê vẫn hiện diện với niên hiệu của ông vua đang ở Đông Kinh. Điểm dứt khoát cuối cùng đó phải đợi qua cuộc tranh chiến gian khổ của ông cháu lên ngôi năm 1802, và chờ vua Thanh chuẩn nhận.
Sự phát triển quyền lực và khủng hoảng ẩn tàng
Chính thức thì người ta biết rằng hai toán bại binh của nhà Minh dẫn đầu bởi Dương Ngạn Địch và Trần Thắng Tài / Thượng Xuyên, đầu năm 1679 dẫn 3000 quân, 50 chiến thuyền đến cửa Tư Dung xin làm thần dân đất Nguyễn. Điều dễ hiểu là Nguyễn không thể cho ở sát bên mình một lực lượng to tớn như thế nên đã đẩy tất cả vào đất Đồng Nai xa xôi mà họ từng thấy ruộng đồng phì nhiêu, trong lúc quyền bính “Giản Phố Trại” hơ hỏng khiến chính Nguyễn cũng từng xoay chuyển được hơn hai mươi năm trước. Vậy là binh Long Môn họ Dương vào ở vùng Mĩ Tho sâu trong đất Miên, còn binh Cao Lôi Liêm họ Trần thì án ngữ khối dân Mạ ở cù lao (Giản/Đại) Phố, Biên Hoà. Khối họ Trần được ghi nhận nhiều biến chuyển hơn không những trong sử sách Nguyễn mà cả trong ghi chép riêng của Trịnh Hoài Đức. Điều đó một phần có lẽ vì nhờ vị trí tiếp giáp với khối đông dân Việt có sẵn, phải chịu sự lưu tâm của chính quyền Nguyễn nhiều hơn nơi vùng sau này sẽ là thủ phủ của toàn đất đồng bằng phương Nam. Khối họ Dương khuất lấp hơn vì ở xa hơn nhưng chính qua biến động năm 1688 mà ta thấy họ vừa làm công việc buôn bán vừa là cướp đường sông, giành giật quyền lợi, dẫn đến việc giết chủ tướng với lí do “ăn mặc đều nhờ sản vật của Chân Lạp.” Sự can thiệp của Nguyễn tuy đưa quân lấn sâu vào đất Miên (Lovek) nhưng vẫn dùng dằng khiến hai viên tướng cầm quân phải bị cách chức, chứng tỏ ý thức xâm chiếm vẫn chưa thành hình mạnh mẽ. Tuy nhiên các đoàn quân mang đi chinh phục ấy lại có thời gian khai khẩn đất mới (Mai Vạn Long, ruộng Châu phê của Nguyễn Cửu Vân được công nhận năm 1715,) cùng với đám dân đã có sẵn sẽ khuyến khích những cuộc lấn chiếm sâu rộng hơn.
Sự tăng tiến quyền lực của Nguyễn trên đất Đồng Nai lại có tác động ngược đến vùng đất Chiêm Thành. Tuy chỉ là sự sống còn lay lắt nhưng quyền bính trên rẻo đất ấy cũng là một cản trở mà Nguyễn phải dẹp bỏ để giữ gìn an toàn cho đám quân, dân về phía trước càng lúc càng đông, càng tiến xa. Cho nên năm 1693 Bà Tranh (Po Thot) bị bắt, Chiêm Thành trở thành trấn Thuận Thành cùng lúc với sự xuất hiện của tướng Nguyễn Hữu Cảnh/Kính với những công tích lấn chiếm, mở mang trên đất Gia Định về sau.
Chúng ta thấy trong đời Quốc chúa tổ chức đã nhặt nhiệm hơn, việc tuyển lựa nhân viên phồn tạp hơn qua những cuộc duyệt tuyển lớn tiếp tục thời trước, thường xuyên hơn, có kèm những lần thi Chính đồ, Hoa văn, hay khảo sát văn chức tổ chức riêng rẽ (1689, 1695 “thi Đình bắt đầu từ đấy,” rồi 1698, thi 1701, 1703, lệnh năm1707 thật chi tiết cho duyệt tuyển năm sau, thi 1713). Di dân Việt, Hoa và những trận chiến lấn chiếm đã khiến vùng trung châu Đồng Nai thành đương nhiên là của Đàng Trong nên rốt lại cuộc kinh lí của Nguyễn Hữu Cảnh (1689) để thành lập hai dinh Trấn Biên (Biên Hoà) và Phiên Trấn (Gia Định) chỉ là chuyện xếp đặt nội bộ với việc phân chia các khu hành chính, mộ người tăng tốc cư dân, tổ chức quân đội, thu thuế, lập nên một vùng phồn thịnh qua bao biến chuyển chiến tranh, thay đổi triều đại mãi cho đến ngày nay. Quyền lực ở địa phương được nối kết với trung ương qua việc tổ chức vận tải đường biển, chia khu vực trách nhiệm (1700), thành lập bản đồ có thưởng tiền rất lớn mà cách đo đường đất lại nhờ vào phương tiện mới: Dùng đồng hồ để tính độ xa gần. Sự thành lập các dinh đã chận con đường ra biển của Cao Miên. Trần Thượng Xuyên đã đóng quân sắp vượt sông Tiền (1699) cho nên lại gây mâu thuẫn với triều đình Cao Miên, trong đó những cuộc tranh giành nội bộ dẫn đến sự cầu viện người Xiêm mở rộng tham vọng của họ, càng làm cho Cao Miên thất thế hơn.
Nguyễn chưa kịp đi xa hơn nữa thì một nhóm Minh lưu vong khác lại đặt một đầu cầu cho Nguyễn bước qua đến bờ vịnh Thái Lan. Mạc Cửu (1655-1735), một tay giang hồ người Lôi Châu mới 16 tuổi đã trôi dạt đến đất Cao Miên, khéo léo được trọng dụng rồi tìm cách kinh dinh riêng vùng Hà Tiên theo cung cách của một dân tứ chiếng mang tham vọng lớn: Gá bạc, chiêu tập lưu dân khai khẩn ruọng đất, trao đổi sản vật nội địa ở vùng núi Tượng kề phía sau. Tiếng là Mạc lúc đầu chỉ lập thành 7 thôn xã nhưng trong thực tế theo các địa danh nêu ra, rõ là ảnh hưởng cả bờ biển phía đông vịnh Thái Lan như được xác dịnh về sau trong những cuộc xung đột của Nguyễn và Cao Miên được Mạc đứng làm trung gian. Dù sao thì Mạc Cửu cũng không thể nào đủ sức đương cự với hai thế lực mang tầm vóc quốc gia đang lên như Đàng Trong và Xiêm La. Đất nước Cao Miên mà ông nhờ cậy, làm quan thì quá yếu ớt, chưa đủ khiến ông tránh được tai vạ bị vua Xiêm bắt đi (1706). Lần trốn về căn cứ cũ, ông nhìn ra được hướng liên minh phải có. Ông hẳn thấy rõ những người đồng hương với ông đang phục vụ chính quyền Nguyễn ở bên kia các nhánh sông lớn. Không rõ việc kết nối hôn nhân với Trần Thượng Xuyên xảy ra vào lúc nào nhưng rõ ràng toán Minh dân 1679 và chính quyền Đàng Trong mang tính cách đồng văn hoá đã khiến cho sự đầu phục của ông cựu Ốc nha / Okya của Cao Miên năm 1708 là thuận chiều của tình thế. Với Hà Tiên ở cuối đường đất, với Trần Thượng Xuyên đã từng đóng quân phía đông sông Hậu, đương nhiên năm 1731 Nguyễn đặt dinh Điều khiển ở Gia Định như một bộ tư lệnh phương Nam, lập châu Định Viễn, đăt dinh Long Hồ. Thêm một lần can thiệp các năm 1756-57, Nguyễn đẩy dinh Long Hồ xa thêm đến địa điểm Vĩnh Long ngày nay, đặt các đạo Tân Châu, Châu Đốc, cắt đứt khối người Miên vùng Bạc Liêu, Sóc Trăng cách biệt với chính quốc của họ trước khi bị sáp nhập vào thế kỉ XIX theo triều đại mới. Nhưng không phải Nguyễn đã không chịu hệ luỵ vì sự bành trướng này.
Lê Quý Đôn làm việc tổ chức hành chính cho đoàn quân Trịnh trên đất Thuận Hoá vừa chinh phục được (1776) nên hầu hết những chi chép về công cuộc kinh dinh của họ Nguyễn ở đất Đàng Trong đều là những số liệu gần với thời ông, nghĩa là thuộc vào thời kì phát triển nhất của xứ này, thuộc vào thời kì các ông chúa muốn, và mới xưng vương. Đó là kết quả của hàng trăm năm thu xếp cho nên ta không lấy làm lạ với những con số chi tiết đến mức độ kinh ngạc về tổ chức ngụ lộc cho các quan, về số lượng binh lính (1753), về thu chi tài chính chính xác (kiểm kê năm 1744), về tình trạng thuế khóa, phân phối chi li… những con số tương đương không thể thấy ở Đàng Ngoài nhiều “chữ nghĩa” hơn. Tiếp cận được với thực tế nên Lê Quý Đôn vừa khen tổ chức hoàn bị của Đàng Trong (sổ sách thuế má các phủ, dinh “rất là kĩ lưỡng” 1769), vừa than thở giùm cho dân chúng “chịu sao cho thấu!” Chẳng có gì là mâu thuẫn ở đây cả. Chính quyền Nguyễn, như bất cứ chính quyền nào khác, phải cố sức tận vét không những chỉ cho bản thân mà còn cho nhu cầu cai trị. Càng phát triển, nhu cầu càng lớn trong tình thế càng phức tạp hơn như thời gian họ Nguyễn tiến đến giai đoạn xưng vương, lập nước. Sự cố kết qua thân tộc, địa phương “Quý Huyện” rõ ràng là cần thiết nhưng không đủ nên phải nhường quyền lợi cho những người khác, cho “bách tính,” cho dân lưu vong, kể cả cho dân phiên thuộc, “man mọi” mới về. Vì thế có những cuộc mua quan bán tước với giá rõ ràng rất cao nhưng vẫn có người mua vì lợi lộc thoát ra ngoài quyền thu của chúa cũng không ít. “Thuế khoá xứ Thuận Hoá, pháp lệnh rất phiền, nhân viên thu thúc rất nhiều… dân cùng nhà nghèo thường khổ gấp bội mà quan lại bớt xén không thể kiểm xét được” – Lê Quý Đôn. Người ta hay dẫn lời ông nói về một xã mà có tới 16, 17 Tướng thần, 20 xã trưởng nhưng đó là điều cũng khiến Lê Quý Đôn khen Nguyễn “lấy dân tra xét dân.” Kết quả còn lưu lại đến gần đây, khi người Pháp tổ chức Nam Kì, rõ ràng số nhân viên hương chức vẫn cho thấy vừa rối loạn vừa phức tạp, và thời Nguyễn, mỗi thôn (làng xã) của Cù lao Phố có đến 37 hương chức, nghĩa là toàn thể 13 thôn của vùng này có khoảng 481 người cai quản, tỉ lệ quan/dân như thế có thể lên đến 1/10!
Thu hoạch nhiều từ ruộng đất thì đủ để nuôi dân, nuôi lính, nuôi quan nhưng nguồn lợi tức rừng núi làm phát triển cả một dòng lưu thông nguồn-đồng-biển, và ngược lại, mới chính là nguồn tài lực mang lại sản phẩm kĩ thuật cao như đã thấy về súng đồng, về đồng hồ trên các trạm đường… Với tình trạng giao thương đó thì nhu cầu tiền tệ cũng phải cao mà Nguyễn dù cố gắng cũng không giải quyết được. Dương Văn An từng than lúa thóc tràn đầy mà tiền “mắt ngỗng” – thường vẫn bị loại bỏ, cũng không có lấy một đồng! Đàng Trong không có đồng, Hà Tiên nhỏ bé quyền bính nhưng vì nhu cầu kinh doanh nên vẫn ráng đúc tiền (1736), mà cho ra loại nhỏ để bớt hao hụt nguyên liệu! Khả năng Đàng Trong cũng không đáp ứng được yêu cầu, như được thú nhận trong thư năm 1688 của “An Nam Quốc vương” gửi cho Đại Quốc vương Nhật Bản. Chúa Nghĩa biết Nhật đã cấm dân nước ra ngoài, không bán đồng, nhưng chịu chia sẻ mối lợi để Hà Lan đúc tiền từ cảng Trường Kì bán đi, nên thúc đẩy Nhật “chế thật nhiều tiền đồng để cứu nước nghèo tiền tệ.” Công ti VOC của Hà Lan tuy đúc súng bán nhưng có lúc cũng thấy chỉ còn có việc buôn tiền là có lợi chắc chắn mà thôi. Quốc chúa không giải quyết được gì nhưng người kế nghiệp ra lệnh đúc tiền (1725), cũng không đủ. Do đó, tình trạng “đói tiền” đã khiến Võ Vương đúc tiền kẽm (1746), cứ tưởng giải quyết được vấn đề mà không ngờ là nguyên cớ lớn suýt làm tiêu tan sự nghiệp của dòng họ.
Đất nước rộng lớn chứa nhiều chủng loại người, nhất là dân phiêu lưu không chịu vào khuôn khổ trên một vùng còn rất nhiều sơ hở về quyền bính ràng buộc nên rối loạn cũng là điều xảy ra thường xuyên. Những người Hoa lưu lạc là yếu tố nhân lực chính khai thác vùng của các chính quyền cũ yếu thế, đồng thời lại cũng là yếu tố gây đảo lộn lớn. Chúa Nguyễn xoá vương quốc Chiêm Thành (1693) vì thấy cản trở trên con đường liên hệ với vùng đất mới phương Nam nhưng sự chống đối của người Chàm khiến cho vương triều lay lắt này trở lại như cũ (1594) một thời gian để năm 1695 T. Bowyear còn được mời đến giao thương. Sự nới lỏng này là do sự xúi giục và tham gia của lớp người Thanh – người Hoa của triều đại mới, đến muộn phải kèn cựa giành chỗ, và thường là thất bại. Khách buôn Lí Văn Quang tụ đảng đến hơn 300 người, xưng là Đông Phố (phải là Giản Phố thì đúng hơn) Đại vương, mưu đánh úp dinh Trấn biên (1747). Trên vùng Hà Tiên lại cũng thấy một âm mưu lạc loài của những người đến muộn như nhóm Trần Thái quấy rối Mạc Thiên Tứ (1768), dây dưa đến sự can thiệp của quân Xiêm. Trần Liên, quan Xiêm mà rõ là gốc Thanh., đã thay mặt Xiêm cai trị, tàn phá ải địa đầu này của Nguyễn (1773). Và rồi tiếp tục lại vẫn thấy dân phiêu lưu trong cuộc đảo lộn cuối đời với Trung nghĩa quân Tập Đình vắn số và Hoà nghĩa quân Lí Tài hơi bền dai hơn.
Lại cũng thấy nhân vật của tình thế mới gây chống đối như năm 1695 ngườì lái buôn tên Linh, xưng Linh Vương, ở Quảng Ngãi phối hợp với người Quy Ninh (Quy Nhơn) “ra vào núi rừng” họp đảng chống đối. Họ không thành công nhưng rõ ràng đó là kẻ mở đường cho tập họp Tây Sơn gần một thế kỉ sau, lớp người đầy đủ cơ sở để nổi dậy thành công hơn. Lê Quý Đôn đã thấy lí do tại sao đám “giặc” làm điên đảo họ Nguyễn lại xuất phát nơi vùng chịu áp bức nặng nhất. Còn riêng chúng ta lại phải ngạc nhiên tại sao một đám cướp nhỏ cũng của vùng Tây Sơn chỉ còn tên một người: Lía (một người Thanh?), không được ghi trong sử sách, cướp bóc trên một địa điểm mà người địa phương cũng không thể chỉ rõ nơi đâu:
Chiều chiều én liệng Truông Mây,
Cảm thương chú Lía bị vây trong thành.
thế mà Vè chàng Lía lại lưu truyền và cải biến thành Thơ Văn Doan đến tận xứ Gia Định xa lạ, lưu giữ cả qua thời họ Nguyễn phục hưng.
Tất cả những phức tạp đó là biểu hiện của một “nước” Đàng Trong đang thành hình với những khuyết điểm nội tại, còn phải vượt qua hơn phần tư thế kỉ rối loạn để chuyển biến thành một nước Việt Nam càng phải đương cự với nhiều vấn đề của thế giới vốn chỉ mới len lén bước vào trong thời gian này.
Phụ lục 1
MÂU THUẪN CHĂM – BÀ NI
Khi nói về vương quốc Champa người ta chú trọng nhiều đến dấu vết ảnh hưởng Ấn Độ trong tổ chức chính trị, tín ngưỡng dẫn đến các công trình xây cất, tạo tác còn để lại sau khi vương quốc đã sụp đổ. Tuy nhiên trong tiến trình phát triển mà sự hưng thịnh phải dựa vào hoạt động thương mại thì Hồi Giáo tuy đến sau, chưa đủ để lên địa vị chính thống nhưng cũng đã để lại dấu vết trên vương quốc Chàm, và nhất là trên cuộc sống của người dân Chàm, càng đậm nét hơn khi chính quyền trên cao đã sụp đổ. Chẳng nói đâu xa, trước năm 1975 người ta còn thấy những ông thầy Chàm ngồi trên các đường phố, mang giỏ thuốc mời mọc người qua đường…
Những dấu vết bia đá, truyền thuyết cho thấy Hồi Giáo đã có mặt rất sớm trên vùng phía nam, ít ra là trong thế kỉ XI cho nên lại có suy đoán theo truyền thuyết là chính Hồi Giáo ở Java vốn xuất phát từ Champa. Thế rồi gần đây người ta lại dựa vào truyền thuyết Po Rome, cho rằng ít ra là có một đợt xâm nhập của Hồi Giáo – mà thất bại, do chính ông vua này mang từ Kelantan (Mã Lai) về. Nhưng xét lời văn ở Chiếu Bình Chiêm năm 1470 của Lê Thánh Tông thì chắc chắn là Trà Toàn (khoảng 1449-1471) đã cho thi hành một số luật tục Hồi Giáo như cấm nấu (uống) rượu, cấm giết (ăn thịt) heo trên đất nước mình, không hẳn là chăm chú riêng để chống đối tập đoàn người Việt sống lẫn lộn nơi ấy như lời Hịch kia kể tội để lấy danh nghĩa tiến quân. Và do đó chúng ta có căn cứ ngược về trước, rằng Chế Bồng Nga đã có khuynh hướng theo Hồi Giáo nên đã hùng mạnh mà không xây tháp, dựng bia kỉ niệm theo như truyền thống Ấn cũ. Năm 1607, một đô đốc Hà Lan ghé cảng Chiêm Thành mua thực phẩm, lấy nước đã gặp ông thượng quan phụ trách nghi lễ, là dân Hồi Giáo.
Như thế trong dân chúng Chàm đã thành hình hai tập đoàn mang hai tín ngưỡng khác nhau mà sự sụp đổ trên tầng lớp cao đã dồn những mâu thuẫn đi xuống trong sinh hoạt xóm làng, hàng ngày, riêng biệt trong hôn nhân, lãnh vực lúc nào cũng là nơi khuấy động tình cảm bức thiết nhất. Chăm Bà la môn tự gọi là Cam Jat (Chăm thuần, gốc), được nhìn theo tục lệ, gọi là Cam Cuh ( Chăm thiêu), hay giản dị chỉ là Cam/Chăm khi liên hệ đến tập đoàn kia: Chăm Bà ni / Cam Bini, với nghĩa “con trai của Đấng Tiên tri.” (Tuy nhiên Dohamide giải thích Bà ni chỉ có nghĩa giản dị là “đạo”.) Bà ni có dấu vết dòng Shiite vì trong lễ cưới Bà ni, chú rể đóng vai Po Aly – Ali là rể của Mahomed, chủ phái Shiite. Trong khi đó nhóm Hồi Giáo mới ở Châu Đốc lại thuộc dòng Sunni. Bà ni lại làm mất lòng người anh em Islam chính thống vì không tuân thủ nghiêm ngặt quy luật Hồi Giáo, thờ kính thần linh lẫn lộn đến mức cùng tham gia vào các lễ tiết của người phái Cam. Tuy nhiên họ lại ý thức rõ rệt về sự phân biệt “Cam, Bini khác nước,” gọi người phái Cam là Cam Kaphir (vô đạo.) Sự xung đột tôn giáo làm xuất hiện từ thế kỉ XVII các bài thơ dài được lưu giữ trong các gia đình và xuất hiện trên sách vở ngày nay qua các công trình khảo cứu của học giả ngoại quốc cũng như từ chính các trí thức Chàm ý thức được sự cần thiết phải hiện diện.
Liên quan đến vấn đề đang bàn là akayat (sử thi / tráng ca) Um Mưrup, trong đó nhân vật hoàng tử Chăm Um Mưrup được thuyết phục theo Hồi Giáo, quay trở lại chống vua cha, làm một thứ nhiệm vụ “tông đồ” nên chịu tử vì Đạo, cuối cùng được đồng đạo trả thù, tàn phá đất Chàm. Có hai bài thơ trữ tình dài (ariya) kể chuyện xung đột tôn giáo lại mang tính nhân bản hơn, dễ thấm vào lòng người hơn. Đó là ariya Bini-Cam (khoảng cuối thế kỉ XVII, đầu thế kỉ XVIII) kể chuyện hoàng tử Chăm mê công chúa Islam, say đắm đi tìm người yêu trên những vùng nay không còn là của vương quốc huy hoàng ngày xưa nữa. Chuyện tình giống như vang vọng lịch sử của công trình Po Rome đi tìm viện trợ Hồi Giáo mà không kết quả: Công chúa Islam về lại Mưkah/Mecca, “Nàng mang chi chiến tranh, Quê hương anh tan tành, đám dân đen khốn khổ.”
Ariya Cam-Bini (khoảng đầu thế kỉ XIX) càng gần gũi nhân tình hơn. Đó là chuyện đôi trai gái yêu nhau, không lấy được nhau, cô gái không những bị cản trở mà còn bị hành hạ đến chết. Một điểm lạ đối với những người lầm lạc nghĩ về chế độ mẫu hệ, cứ tưởng phái nữ phải có chút quyền hành nào, té ra cũng vẫn sống cuộc đời phụ thuộc (“Phận đàn bà giữ nhà,”) cực nhọc cung phụng đàn ông hưởng thụ, với ý tưởng đàn ông là của cuộc sống chinh chiến, to rộng bên ngoài xã hội, nhưng có khi thật sự chỉ là rong chơi! Nghịch lí xã hội này lại được lí tưởng hoá trong văn chương, ở ariya Xak Pakei (cũng cuối thế kỉ XVII, đầu thế kỉ XVIII) kể chuyện một người con gái đeo đuổi người con trai đến tuyệt vọng.
Sự mâu thuẫn Chăm/Bàni trong hiện tại, qua thơ văn lại làm nổi bật vấn đề nhân vật Ngoạ Triều trong quá khứ xa. Chúng ta đã thấy Ngoạ Triều, ông vua Chàm trên đất Việt đó (nếu nhìn sự truyền dòng qua người mẹ Chàm) rất thích ăn thịt giông, theo như ta suy đoán từ Toàn thư. Ấy thế mà con giông, xuất hiện trong “ca dao” Chăm, lại là chứng vật trung tâm của mâu thuẫn Chăm/Bà-ni:
Chăm đào giông miệng cười khì,
Giông chạy đi Chăm đấm ngực.
Chăm lại đào trong căm tức,
Ôi trời đất! Tội lắm thân con!
Inrasara giải thích hơi mâu thuẫn trong cách nhìn của người Chăm Bà ni về con giông, theo đó, giông là “con vật được thờ phượng” (1992) / là “con bò sát xấu xa” (2006). Tuy nhiên chỉ riêng với chứng cớ trên thì chúng ta cũng hiểu rằng người Bà ni đã nhạo báng một sinh hoạt thông thường của người Chăm, còn lí do xung đột cho là bắt nguồn từ sự tin tưởng kia thì chỉ là một biện minh đến sau mà thôi.
Phụ lục 2
NGƯỜI TRÊN ĐẤT GIA ĐỊNH, NHƯ DẤU VẾT CHƯA ĐƯỢC QUAN TÂM ĐÚNG MỨC
Ngày nay, khi muốn tìm hiểu về đất Đàng Trong, học giả thường lục tìm trong Phủ biên tạp lục, nhưng muốn tìm hiểu về phần cuối của đất nước thì phải đọc Gia Định thành thông chí của người địa phương Trịnh Hoài Đức vì Lê Quý Đôn chỉ ngồi ở Phú Xuân nghe ngóng mà thôi. Tuy nhiên vì những cấm kị không thành lời, người ta lại chỉ nhìn sự phát triển ở nơi này chủ yếu là do sự điều đọng quân binh Nguyễn đi theo với đông đảo người Việt di dân tràn vào – và hẳn nhiên cũng nhắc qua loa đến đám Minh dân lưu vong một chút. Bức tranh thô giản được nhìn trong hiện tại đó sẽ khác đi nếu ta chăm chút thêm vào những lời kể của Trịnh Hoài Đức. Tất nhiên ở đây không phải là chỗ để chép lại mọi lời của ông quan triều Nguyễn, gốc Minh Hương mà đã trở thành “người nước ta” như ông đã tự xưng.
Tập họp “người Gia Định” theo Trịnh cho thấy, bao gồm nhiều chủng loại: Hán nhân “lưu dân nước ta,” người Thanh được gọi là người Đường; người phương Tây có: Phú Lãng Sa, Hồng Mao, Mã Cao (Bồ?); ngoài biển vào có Đồ Bà theo đạo Bái Nhật – hẳn là Trịnh có thấy họ rạp người quỳ lạy hướng về Mecca. “Người các nước ấy đến kiều ngụ đông đảo chung lộn mà y phục, khí dụng đều theo quốc hoá của họ.” Như thế Gia Định của thế kỉ XVII, XVIII đã mang tính chất tứ chiếng giang hồ – quốc tế, nếu muốn nói nghiêm chỉnh hơn. Còn phải kể những người Khmer vẫn có mặt để ta không ngạc nhiên về tình trạng Nặc Nọn chẳng hạn làm Phó Vuơng ở Sài Gòn, địa điểm theo danh xưng cũ là vùng Chợ Quán (Quận 5, TP. HCM), nơi đó cả gần trăm năm trước đã đặt một trạm thuế của Đàng Trong, cũng như lại một trạm khác nữa ở gần bên, vùng bến Bạch Đằng ngày nay. Chính vì vậy mà khi nói chuyện với nhau, có tiếng “Đường” tiếng Miên lẫn lộn, rõ là nhiều hơn bình thường như gần đây nên Trịnh bảo là “người ở hạt khác đều không biết.”
“Người Việt ta… theo tục cũ Giao Chỉ”, chắc là được tả theo trước khi có cải cách 1744 thì đáng chú ý riêng biệt, là đi chân đất, “không có quần,” đàn bà mặc váy, đàn ông đóng khố, tuy không phải là rách rưới. Đọc Trịnh mới hiểu tại sao vùng Nam Bộ gần đây lại làm lễ đưa ông bà vào ngày mồng 4, mồng 5 Tết: Dân chúng tiễn đưa ông bà sau ngày quan làm lễ (mồng 3) là để ông bà họ ở cõi u minh khỏi bị bắt đi khuân vác vật dụng nhà quan! Lại thấy đã có tục Sắc bùa / ”nậu sắc bùa” trong lễ Tết của Nguyễn đem từ vùng Mường phía Bắc đi vào Gia Định, như các nghiên cứu gần đây chứng minh rằng nó đã theo các chặn đường bành trướng của Nguyễn: Nghệ Tĩnh, Thuận Hoá, Ngãi Bình, Bến Tre… Không hiểu từ đâu có việc lễ Tết bày mâm ngũ quả lại có thêm cây mía đủ cả gốc ngọn, nói là để ông bà làm gậy chống đi… Tuy nhiên người đời nay thấy trò thi đua ăn hot dog trên tivi thì không ngạc nhiên khi nghe kể chuyện dân Gia Định đánh đố uống trà Huế từng bát lớn, mồ hôi đổ ra như tắm, hay ăn mắm mặn chát, người xuất sắc ăn “hết 2 ống mắm, độ 20 cân .” Không có chứng cớ nào rõ ràng hơn về một xứ sở phồn thịnh, sung túc. Tính chất quốc tế, nhân bản trong sinh hoạt khiến ta ngờ rằng một tục lệ khác cũng mang tầm mức nguồn gốc xa rộng hơn. Đó là tục mở cuộc cầu đảo hát xướng, mời người đem tiền bạc đến tham dự chia xẻ tổn phí nhưng đến khi người kia mời lại thì phải đáp lễ, mà phải trội hơn lần thụ nhận. Cứ qua lại theo cách gấp bội như thế nên cuối cùng tiền “phiên lễ” đó lên đến cả 100 quan tiền, “có người phải cầm cố vay mượn để trả..,” có người nghèo không đủ để đi trả lễ liền bị “chủ nợ” đến tận nhà hạch hỏi, lạ lùng là có thưa kiện đến tận cửa quan! Tất nhiên sự kiện lan truyền có méo mó theo với đướng đất xa cách nhưng tục Phiên lễ này hình như có vướng vất lễ tục potlatch của vùng tây bắc Thái Bình Dương thì phải. Cho nên không lấy làm lạ rằng lại cũng trên đất Gia Định / Nam Kì trước Thế chiến II có dấu vết tin tưởng cargocult của dân hải đảo ngoài xa.
Như thế, giở lại Gia Định thành thông chí, đọc một cách chăm chú cũng sẽ thấy ra nhiều điều mới mẻ hơn là các thứ do thói quen, thành kiến dắt dẫn.