Trang chính » Các Số Da Màu định kỳ, Da Màu số 23, Sáng Tác, Truyện ngắn Email bài này

Hành trình Văn Lang

Theo như Sáng Thế Ký, Giavê Thiên Chúa tạo dựng nên trời và đất trong vòng sáu ngày. Vào ngày thứ Sáu, Ngài tạo nên con người…

ngày thứ nhất,

lạc nhà ngàn dặm
Chiều tháng Một người xuất gia lái xe số tay đến trung tâm cấm phòng nằm sâu trong rặng núi Santa Cruz.
Gió lạnh mùa đông lười biếng người xuất gia. Địa danh xa lạ ngần ngại cuộc hành trình. Lười biếng này đong đầy ngần ngại kia bởi con đường trước mặt mịt mờ trắng xóa dưới cơn mưa bão bất ngờ kéo về vùng thung lũng. Gió lạnh tiếp tục cuồn cuộn thổi xám đen bầu trời trong xanh. Gió trời quẳng ném cát bụi đá sỏi. Mưa trời tung tóe nhạt nhòe hơi nước. Lờ mờ trước mặt vài đốm sáng đỏ thoáng hiện thoáng mất. Đường đi tới hiểm trở với dốc và đồi. Một thoáng lơ đãng, một phút sẩy tay, xe hơi cũ rỉ sẽ tạm biệt cõi đời chúi đầu đâm xuống vực sâu dốc thẳm. Màn đêm buông rơi ươm mầm lo lắng. Người xuất gia tiếp tục hoang mang hụt hẫng với đoạn đường quanh co uốn khúc từ từ thu hẹp. Trước mặt, không một bóng người. Sau lưng, màn đêm dầy đặc. Nhìn lên, trời cao đen thẫm. Nhìn xuống, bóng tối buông rơi. Người xuất gia thở dài mơ ước mặt trời vung vãi tung tóe bình minh. Chàng ước chi ánh sáng vàng bạc ngập tràn như buổi sáng nay,


Sáng nay bước chân ra khỏi quán café,

Lòng bồi hồi xao xuyến.

Bởi hương vị café,

hay bởi những tia nắng sớm?
Sáng nay sau khi bước chân ra khỏi quán café vùng thung lũng, bước đi dưới tia nắng bình minh chiếu xiên xiên, bỗng dưng người xuất gia thấy lại café Củ Chi. Người xuất gia thấy lại quán café nằm lẻ loi trước cửa nông trường Phạm Văn Cội 2 xanh tươi màu xanh trúc non. Chàng thấy lại đàn bò hiền lành chậm chạp nhịp nhàng nối đuôi đi tới dưới nhịp roi rung của những chú mục đồng da đen cháy. Chàng thấy lại vùng đất hoen ố mảnh bom rỉ sét; vùng đất cỏ dại gai góc xé rách da người; vùng đất điểm chấm hố bom rộng miệng; vùng đất bọ cạp, hang động rắn rết. Chàng thấy lại cô hàng café quấn khăn rằn ri đang len lén nhìn. Chàng nhìn ra khung cửa. Trời Củ Chi xanh lơ, mây trắng hạnh phúc. Chàng nhìn xuống đất đen. Đất Củ Chi lởm chởm, sỏi đá cằn cỗi. Người xuất gia cúi xuống vân vê cỏ xanh điểm chấm lưa thưa nền quán café độc nhất nằm giữa trung tâm chợ làng đìu hiu vắng vẻ. Chàng hít sâu vào buồng ngực, đẩy ra nơi cửa miệng tia sáng trong lành bình minh quê hương. Nắng bình minh loang loáng chui xuyên qua lỗ hổng mái nhà lợp tre cũ kỹ. Nắng bình minh đọng lại trên đầu chàng, trên ly café, và trên cả đôi má rám nắng của cô chủ quán. Bi ai lạc đàn từ bụi tre mọc um tùm trước cửa quán, nỉ non rên rỉ từ bụi cỏ gai góc không gieo vào tâm hồn người xuất gia cảm giác vắng vẻ và cô độc giữa ngôi chợ làng đìu hiu, bởi vì nắng đẹp quê hương đang lung linh nhảy múa trên mảnh đất một thời hoang dại, một thời hận thù, một thời chết chóc cho người bản xứ và người ngoại quốc. Nhìn lên bầu trời trong xanh, người xuất gia lan man nghĩ ngợi về bình minh quay cuồng nhảy múa của Đống Đa 1789; bình minh Mồng 4 Tết Kỷ Dậu thúc dục kinh thành Thăng Long vươn vai đứng dậy bước vào vận hội mới. Người xuất gia thả hồn trôi xa về bình minh Việt Nam. Khi bình minh Việt Nam tới, người người từ Ải Nam Quan cho tới Mũi Cà Mâu đều tỉnh giấc cùng một lúc; người người vỗ trán đấm ngực ăn năn; người người nhận ra chân lý Việt Nam bị màng nhện bám che phủ mờ: “Từ trong bụng Mẹ Âu Cơ, chúng mình là những anh chị em ruột thịt, thân thiết của nhau”.
— Chào bác Năm. Bác Năm khỏe không?
— Hê! Ông thầy. Mần chi mà mò ra đây sớm rứa?
Vừa đáp lại lời thăm hỏi của người quen, người xuất gia vừa tiến ra ngoài cửa quán café. Nắng quê hương chan hòa mời gọi bầu nhiệt huyết tuổi hai mươi. Nắng quê hương nhắc nhở về bình minh Việt Nam của thời Bố Lộc Tục Kinh Dương Vương truyền ngôi lại cho con trai Sùng Lãm Lạc Long Quân; Sùng Lãm của tóc đen nhánh, mắt nâu đậm; Lạc Long Quân của thời tự hào làm người Việt Nam gốc Văn Lang.
Cuối cùng trung tâm cấm phòng lờ mờ xuất hiện dưới bóng đèn đêm. Người xuất gia lái vào bãi đậu xe vàng đục không một bóng người. Liếc nhìn tấm bảng nhỏ đề chữ “Welcome…” mập mờ sáng tỏ, người xuất gia bước vào căn phòng thăm hỏi thủ tục ghi danh. Người đàn bà với mái tóc hung hung đỏ, tàn nhang điểm mặt đang lui cui lau chùi những bộ bàn ghế trắng toát ngước đầu nhìn lên. Ánh mắt người đàn bà xa lạ. Giọng nói người phụ nữ hững hờ,
— Sáu giờ mới ăn tối!
— Không, tôi chỉ hỏi thăm thủ tục ghi danh.
— Đi sâu vào trong khoảng nửa dặm. Chỗ này là phòng ăn.
Người xuất gia lái xe vào sâu hơn. Thấp thoáng xa xa trong làn sương trắng mờ ảo đồi núi, người xuất gia nhận ra những bóng dáng xuất gia thân quen. Chàng vui mừng hân hoan bởi vừa vượt qua được đoạn đường dài chông gai. Nhìn lên bầu trời mênh mông, chàng nghĩ đến những con người đang lạc loài tiến lên đoạn đường vừa bỏ lại sau lưng.

“Một buổi chiều, và một buổi sáng. Ngày thứ Nhất” (Sáng Thế Ký 1—2:4a).

ngày thứ hai,

bình an và công lý
Mùa Ánh Sáng vừa chìm vào quá khứ. Những tấp nập nhộn nhịp chờ đón mùa bình an dưới thế dần dần tan biến theo xác thông đang nằm ngơ ngác dọc theo hai bên đường. Những bản thánh ca vang vang trong đêm thánh rồi cũng mất dạng. Dòng thời gian hăm hở tiến tới. Thêm một ngày, thêm một khoảng kèn cựa, bóp chết, chém giết, lừa gạt, gian dối, và hận thù lẫn nhau. Bởi thế, cách đây gần hai ngàn năm, Ông Trời đã nhập thế dưới thân xác trẻ thơ để hồi sinh và để cứu rỗi.
Bụt biết thêm một ngày lại thêm bao nhiêu thanh niên Việt Nam đang nằm chết thối rữa trên hoang vu đổ nát của lân bang xa lạ sau chiến trận giao tranh! Chúa biết thêm một ngày lại thêm vỡ vụn tung tóe trong từng mảnh tâm hồn vỡ nát Việt Nam! Còn chi sót lại trên quê hương Việt Nam khi chiến tranh khốc liệt tiếp tục kéo dài? Còn chi sót lại khi tương tàn thay phiên cày phá tung tóe từng tấc đất tang thương, từng nắm đất gai góc, từng cục sỏi phiền muộn của mảnh đất nhỏ bé mà Ông Trời dành riêng cho dân tộc chim trắng Lạc Việt gõ nhịp trống đồng từ năm 2879 trước Tây Lịch? Thêm một ngày, lại thêm Việt Nam hai mươi với mơ ước ngập tràn ánh mắt đang chết dập dụi, chết tan nát, chết phi lý tại bờ đê hẻo lánh bởi mưa đạn hận thù. Từng tấc đất tái chiếm, từng miếng thịt Âu Cơ, từng dòng máu Sùng Lãm lại có dịp vung vãi và phí phạm. Còn chi cho người Việt Nam hy vọng và mộng mơ trong khi ngày lại ngày, đêm lại đêm, bóng dáng con thuyền nhỏ bé lại đang vun vút lao ra mặt đại dương đen thẫm, bất chấp tù tội chết chóc, bất chấp đại dương sóng thần, bất chấp hải tặc điên dại? Còn chi cho người Việt Nam hy vọng khi những tràng đạn tuôn vãi từ những bàn tay Việt Nam lên những thân xác Việt Nam trên khoang thuyền nhỏ bé chen chúc những kiếp người? Đêm kỷ niệm Con Trời vào đời, bao nhiêu người bạn đồng hành của người xuất gia nằm xuống. Họ chết tức tưởi, chết nghẹn ngào, chết tan nát, chết loang lổ với máu đỏ nóng rực vươn cao vọt thẳng lên bầu trời lung linh sao bạc! Đêm đó là đêm nhiệm mầu. Đêm này là đêm bắn chết! Trên trời cao, ngôi sao lấp lánh vũ khúc thiên đàng chào mừng giây phút vào đời. Dưới trần thế, mưa đạn đỏ rực thù hận ghi dấu giây phút ra đời. Thêm một người, hai người, và rồi ba người đã gục xuống đè nặng lên khoang thuyền mỏng manh, ọp ẹp. Giờ này họ đang ở đâu, những người Việt Nam bầy nhầy máu tươi đã được chôn vùi nông cạn bên bờ biển hoang vắng bóng người? Còn chi cho người Việt Nam hy vọng trong đêm an bình trong khi hải tặc đang nhảy múa điên cuồng trên những khoang thuyền nhỏ bé đã tả tơi vì giông bão, đã tan nát vì sóng thần? Bụt hiểu và Chúa biết, có còn chi cho người Việt Nam hy vọng nữa hay không?
Nếu vào đời để chết lãng phí như vậy, vào đời để làm chi?
Từng ngày rồi lại từng ngày, lại thêm bao nhiêu người nằm xuống và họ vẫn không hiểu con người được mang đến hay bị ném vào trong cuộc đời? Con người từ đâu đến? Con người sẽ đi về đâu? Ai sẽ cứu rỗi chúng ta? Bụt? Phật? Chúa? Ông Trời? Mẹ Đất? Khổng Tử? Lão Tử? Tăng Tử? Mạnh Tử? Lạc Long Quân và Âu Cơ của Văn Lang? Ai sẽ lấp đầy hố bom rộng miệng, xây dựng lại mảnh đất rỉ sét bom đạn Củ Chi? Ai sẽ trả lại trinh tiết cho thiếu nữ Việt Nam chìm sâu lòng biển? Ai sẽ hồi sinh thân xác hai mươi rữa nát bên dòng sông Bến Hải, bên đất Chùa Tháp, dọc theo biên giới Lạng Sơn?
Tại sao lại có quá nhiều cái chết phi lý như vậy? Tại Lạc Long Quân quyết định chia tay Âu Cơ? Tại Ađam và tại Evà nghe lời xúi dại của con rắn?
Lời thuở xưa không phải là lời hoang đường: “Ăn đi! Ăn đi rồi sẽ biết sự lành sự dữ”. Người đàn bà ăn và đưa cho người đàn ông. Cả hai ăn. Cả hai biết. Người đàn bà biết mình phải mang nặng đẻ đau, sinh ra người con Cain và con cháu một đời lang thang mặt đất. Người đàn ông biết mình phải cày sâu cuốc bẫm, vứt bỏ mảnh bom rỉ sét, lấp đầy hố bom rộng miệng để nương đồng lại xanh non màu mạ mới. Bởi biết, người con trưởng Cain giết chết người con thứ Abel. Cuộc chiến của biết đã xảy ra giữa hai anh em người Á Châu, vàng tươi một màu da, đỏ thắm một màu máu, con của một bố, được cưu mang trong cung lòng của một mẹ. Bởi biết, bóng tối đen kịt, dầy đặc, và sâu thẳm buông rơi phủ kín mặt quả địa cầu. Bởi hành động đòi biết của con người, Ông Trời không còn chọn lựa nào khác ngoài vào đời. Ngài vào đời, trời cao hân hoan vui mừng hát vang, “Bình an dưới thế”. Ngài đồng hành, chuyện trò, lắng nghe từng mảnh tâm hồn vỡ vụn để chia xẻ khổ sầu kiếp người; kiếp người trở nên lầm than và đoạn trường bởi hành động đòi biết của cặp vợ chồng anh chàng Cả Đất.[1] Nhưng tiếc quá! Lời chúc bình an năm vẫn chưa đến với người Việt Nam. Bây giờ là thế kỷ siêu điện toán. Bây giờ người ta đã chán, thôi, không thường xuyên ghé lên Mặt Trăng nữa. Bây giờ người ta hăm hở dẫn nhau đi lên sao Hỏa. Bây giờ người ta dự tính nối những nhịp cầu đi lên đi xuống giữa địa cầu xanh lơ và mặt trăng vàng dịu. Nhưng tiếc quá! Bao nhiêu năm rồi, người Việt Nam tiếp tục với củ khoai, cái sắn. Tiếc quá! Trong khi bao nhiêu người trên thế gian đang cố gắng trút bỏ lớp mỡ dư thừa trên thân xác, thì con cái Văn Lang vẫn tiếp tục gầy gò trơ xương, thấp bé hình hài vì thiếu dinh dưỡng. Tiếc quá! Bao nhiêu năm rồi, người Việt Nam vẫn chưa kiếm ra đủ khoai đủ sắn để mà ăn. Bao nhiêu năm rồi, câu cơm no áo ấm vẫn là giấc mơ hão huyền trong đầu người Việt Nam. Nếu vậy, ăn ngon mặc đẹp là chuyện của thiên đàng. Tiếc quá! Tiếc quá cho người Việt Nam! Người Việt Nam tiếp tục đi lang thang trên khắp mặt đất, giống như người Việt Nam chính là hậu duệ của Cain, người trưởng nam của vợ chồng Cả Đất (Sáng Thế Ký 4). Người Việt Nam tiếp tục bỏ nước ra đi. Người bên ngoài trở thành vô gia cư, không tổ quốc. Người bên trong tiếp tục bán mình cho thương gia Đài Loan, cho hang động thủ đô Băng Cốc. Người bên ngoài tiếp tục nhìn vô ngậm ngùi. Người bên trong tiếp tục nhìn ra, nhấp nhổm chờ ngày lên phi cơ bước đi khỏi.
Người ta tiếp tục bàn thảo về bình an và công lý cho thế giới toàn cầu. Nhưng bình an ở đâu? Công lý ở chỗ nào? Từng ngày tiếp tục trôi qua với tiếp tục dầy đạp lên nhau, lường gạt lẫn nhau. Gần hai ngàn năm trôi qua, những lời hứa hẹn bình an của trời cao năm xưa chưa xuất hiện trên quả địa cầu, bởi vì người ta tiếp tục nhân danh tôn giáo để giết nhau; bởi vì người ta tiếp tục gọi tên công lý để bắn gục nhau trên đường phố què cụt của nghèo nàn Nam Mỹ và nắng cháy Phi Châu; bởi vì người ta tiếp tục giơ cao ngọn đuốc thần bên bờ biển Bắc Mỹ đốt cháy những người chậm chân đến sau. Một ngày chưa qua; mặt trời hoàng hôn lấp ló phương xa; đêm đen nhân loại, đe dọa chết chóc, đã đổ ập xuống. Tà dương biến mất; lại thêm vật vờ còm cõi Đông Âu lục lọi tìm kiếm trong đống tro tàn hình ảnh kỷ niệm. Hoàng hôn nhạt nhòe tàn lụi; lại thêm nghèo đói Nam Phi vươn dài năm ngón tay xám, nằm chết sõng soài trên vũng máu đỏ tươi cạnh hoa cúc vàng dại giữa tiếng cười khoái trá của màu da xa lạ với phụ nữ Phi Châu.


Ngủ đi, nhắm mắt lại ngủ đi hỡi người thiếu phụ. Than van làm chi? Quằn quại đau đớn trong vũng máu đỏ làm gì? Kiếp làm người không phải là đặc quyền ưu tiên cho bà. Quyền được sống và quyền làm người có lẽ chỉ dành riêng cho một số người nào đó mà thôi! Ngủ đi! Ngủ yên cho xong một kiếp đọa đầy. Đừng vươn tay dài ngắt hoa cúc dại! Nhắm mắt lại ngủ say! Thôi quằn quại trong đau đớn. Hãy ngủ yên hỡi người thiếu phụ Nam Phi.

“Một buổi chiều, và một buổi sáng. Ngày thứ Hai” (Sáng Thế Ký 1—2:4a).

ngày thứ ba,

trống vắng
Sáng thứ Ba kéo đến với bình minh nắng ấm. Một vài tia sáng thập thò kín đáo len qua khe cửa. Người xuất gia nhắm mắt lại. Hãy ngủ yên cho xong một đời người. Bao nhiêu năm dài trôi qua. Là con cháu của biết, nhưng chàng vẫn chưa biết tại sao mình lạc nhà xa ngàn dặm, tại sao mình xuất hiện trong cuộc đời này, mà xuất hiện để làm chi?
Giờ linh hướng tới, người xuất gia gõ nhẹ cánh cửa căn phòng có cố đạo Bắc Mỹ đang ngồi yên lặng chờ đợi,
— Have you ever thought about the meaning of your life?
— Yes.
— Vậy rồi cha đã kiếm ra được “nó” hay chưa?
— Hiện giờ thì chưa.
— Cha có nghĩ…cuối cùng cha cũng sẽ kiếm ra được “nó” hay không?
— Cha không biết. Nhưng có thể vào giờ phút cuối cùng của cuộc đời, nếu còn tỉnh táo, còn suy nghĩ được, cha hy vọng sẽ kiếm được “nó”.
— Con… Con nhớ tới câu chuyện của một chú tiểu. Đêm đêm trốn sư phụ, với cây tre dài, chú trèo lên mái chùa chọc rụng những ngôi sao bạc.
— ???
— Đã có vài lần, con mơ thấy mình hóa thành chú tiểu…
— Con muốn nói chi qua câu chuyện này?
— Con cũng không biết. Có lẽ… Con nghĩ… Có lẽ con đang muốn đi tìm tiên, tìm chân lý.
Người xuất gia Tây Phương vẫn hiền hòa, khuôn mặt điểm thoáng nụ cười chờ đợi. Người xuất gia Đông Phương tiếp tục lúng túng,
— Con nghĩ chắc con đi tìm một-cái-chi-đó để lấp vào một khoảng trống vắng trong tâm hồn Văn Lang lạc nhà xa ngàn dặm.
Yên lặng.
Tây Phương ngó mặt Đông Phương. Tây Phương lắc đầu cười nhẹ. Đông Phương nhìn ra cửa sổ.

Yên lặng. Tiếp tục yên lặng.
— Rồi con đã hái được những chi mà con muốn chưa?
— Hiện giờ thì chưa.
— Cha không hiểu tại sao con lại phải leo lên nóc chùa để hái sao? Đứng dưới sân, với cây tre dài hơn con cũng sẽ hái được những chi con tìm kiếm.
— Con cảm thấy lao xao xiêu té khi đứng trên mặt đất.
— Thiên Chúa của người Do Thái hoặc Ông Trời của người Việt Nam sinh ra con người với hai chân để đi đứng trên mặt đất. Ông Trời không sinh ra con người với hai chân để sống dưới nước hoặc đi trên mây.
Lại yên lặng. Lại hoàn toàn yên lặng.
Người xuất gia Tây Phương tiếp tục,
— Tại sao con lại muốn đi tìm tiên?


Chiều tối, trong góc quán café vắng vẻ đối diện sân trường Nguyễn Thượng Hiền, thằng nhỏ đang nói chuyện với người bạn. Mặc dù ánh đèn màu tím hắt hiu không soi rõ khuôn mặt cả hai, tà áo dài trắng toát con gái và chiếc áo ngắn tay con trai bắt ánh đèn màu tím sáng lung linh trong đêm tối. Bên ngoài, lá khô vật vã, trăn trở, lăn lộn với đêm đông phố thị. Bên trong, người nữ sinh cất tiếng, “Má nói với em là xe của phi trường sẽ đến đón cả nhà vào khoảng bốn giờ sáng”. Ngày mai, sáng ngày mai, có người ở lại, có người đi xa. Ngày mai, sáng sớm ngày mai, có hai người bị tách xa nhau. Ngày mai, buổi sáng sớm ngày mai, thế giới chấm dứt không còn hẹn hò, vũ trụ ngưng thôi gặp gỡ. Có làm cho nỗi cay đắng của người ra đi và người ở lại dịu bớt phần nào hay không hỡi những hạt nước mắt tuôn rơi của người ra đi? Ngày mai sẽ tới, ai sẽ là người có khả năng điền vào chỗ trống vắng? Ngài mai sẽ tới, sẽ có người một mình một bóng đi lại với nhân gian. Ngày mai sẽ tới, trên con đường dẫn tới cổng trường và trong bất cứ khoảng không gian nào chứa đựng hình ảnh thằng nhỏ, thằng nhỏ chỉ còn sót lại một khoảng trống vắng. Ngày mai sẽ tới, ai sẽ có đủ khả năng để chia xẻ, để xoa dịu, để lấp đầy được khoảng trống vắng trong tâm hồn?

Người xuất gia phương Đông nhìn ra ngoài khung cửa sổ. Chàng trả lời cố đạo Bắc Mỹ, âm giọng nho nhỏ, vừa đủ mình nghe.
I’m incomplete![2]

“Một buổi chiều và một buổi tối. Ngày thứ Ba” (Sáng Thế Ký 1—2:4a)


ngày thứ tư,

đoạn trường và hạnh phúc
Một buổi sáng người xuất gia bước chân đến lớp Triết trong ngây ngô, khờ dại, và gật gù chỉ vì đêm qua thức trắng. Người xuất gia lo sợ bài thi cuối khóa sẽ được đền bù lại bằng con D to tướng chỉ vì lỡ dại ham chơi. Cả hơn bốn tháng vừa qua, có bao giờ chàng để dành cho riêng mình và Lớp Đạo Đức Học những tiếng đồng hồ trọn vẹn. Bài vở Đạo Đức, người xuất gia quẳng vào một góc. Từ lớp học về tới căn phòng cư xá, người xuất gia ăn, ngủ, và uống café tại quán café đông đảo của Thung Lũng Chợ Phiên. Cho nên bây giờ nhọc nhằn. Giờ này lo sợ. Chân trước nối chân sau, người xuất gia mệt nhọc buông mình xuống ghế sắt nằm lăn lóc ngay cửa lớp. Với một chút nghiêm nghị trong ánh mắt, vị linh mục giáo sư tiến lại gần người sinh viên xuất hiện trễ nhất. Những ngón tay to hồng hào phương Tây thò ra đặt xuống trước khuôn mặt nhỏ xanh lét phương Đông đề thi Triết.


Tại sao bạn buồn và tại sao bạn vui? Giải thích bằng những liên hệ trong cuộc sống?

Người xuất gia nhìn linh mục giáo sư. Ngài giả tảng lơ. Có lẽ phương Tây chán phương Đông rồi. Cả bốn tháng trời, có bao giờ phương Đông từ trong xó kẹt cất tiếng. Họa hoằn đôi khi phương Đông ghé vào văn phòng than phiền với phương Tây về điểm C- và D+ của bài thi Triết.
Phương Đông ngẩng mặt nhìn lên. Bây giờ phương Đông mới nhận ra phương Tây xanh biếc và hung đỏ. Phương Đông nhìn lại chính mình, thằng tuổi trẻ Văn Lang lạc nhà xa ngàn dặm.

Bầu trời ba mươi tháng tư tối xầm vào lúc nó với quần đùi áo ngắn chạy lon ton ra ngoài đầu đường Lê Văn Duyệt xem mặt người chủ mới nửa mảnh đất còn lại. Thấp thoáng trong dòng người trước mặt, nó nhìn thấy một người,


— Chị Thảo!


Cô gái quay đầu lại. Người thiếu nữ nhận ra thằng nhỏ. Nó thở. Nó xanh mét vì mệt. Nó tiếp tục chạy tới. Người con gái dừng lại. Nàng nghiêm nghị. Nàng hét lên,


— Mày theo tao làm chi? Về nhà ngay!


Nó đứng lại. Miệng phụng phịu. Mặt chảy dài,


— Cho em đi theo với!


Nó vừa dứt lời, sấm nổ vang rền bầu trời tháng tư. Đại bác bay ngang. Khói trắng mịt mù. Cỏ cây ngã rạp. Nó té lăn xuống mặt đường nhựa.

Nó ngẩng mặt lên, chị Thảo đã hoàn toàn biến mất nơi làn nước xanh đậm đặc của vịnh Thái Lan. Nó vươn vai đứng dậy biến thành người phương Đông lạc loài. Chiều về, hoàng hạc phương Nam tiếp tục gọi đàn giữa tiếng khàn khan đối chọi xa lạ của thiên nga phương Bắc.


Chiều chiều ra đứng ngõ sau,

Trông về quê mẹ ruột đau chín chiều.
Cuộc sống vẫn là tổng hợp của buồn và vui, khóc và cười, mất và được. Cuối tuần, người xuất gia đi dạy học với những người bạn, thầy cô trường Việt Ngữ. Tuy rằng những người bạn này đều là sinh viên nghèo, nghèo xác xơ, họ vẫn dám bỏ hết ngày thứ Bẩy cuối tuần cho công việc “chùa”, không một đồng lương.
Bước chân vào Lớp Mẫu Giáo, nhìn những cái miệng o tròn của học sinh đang nhịp nhàng lên xuống theo vần vỡ lòng với cô giáo trẻ măng, người xuất gia nhớ lại tâm trạng xôn xao vào những sáng sớm bình minh. Người xuất gia thấy lại thằng nhỏ đen như cột nhà cháy đang mặc quần đùi, áo ngắn, ngồi ê a những vần quốc ngữ dưới nhịp roi rung của cô giáo tỉnh lẻ. Mới ngày nào đó, sau khi bóng dáng của mẹ đang dần dần khuất dạng sau khung cửa sổ, người xuất gia ngồi mếu máo trong lớp Mẫu Giáo. Mặc dù cái roi của cô giáo vẫn nhịp nhàng lên xuống đe dọa, chàng vẫn không hề bớt đi những giọt ngắn giọt dài trên hai gò má cháy đen. Thế đó, hơn hai mươi năm trời đã trôi qua. Đâu mất rồi thằng bé xa lạ ngồi cạnh trong lớp học, trong khi thấy chàng đang ngồi khóc, đã móc ra trong túi áo mốc đen bao nhiêu kẹo dừa, cho hết? Đâu rồi cô bé tóc ngắn tới vai, hai mắt tròn xoe, lặng ngắm nhìn chàng, thằng bé nức nở giọt ngắn giọt dài? Đâu mất rồi cành lá xanh, ngọn gió mát đong đưa thổi ngang qua khung cửa sổ lớp học ru người xuất gia chìm sâu vào giấc ngủ trưa hè trên bàn học loang lổ mực tím?
Thời gian tiếp tục lăn tới, chuyện buồn chuyện vui luân phiên đuổi bắt. Và người xuất gia tiếp tục bước tới tìm kiếm.

“Một buổi chiều, và một buổi sáng. Ngày thứ Tư” (Sáng Thế Ký 1—2:4a)

ngày thứ năm,

chân lý
Ngày thứ năm đã tới với nắng ban mai đang dần dần xuất hiện trên bầu trời bao la.
Bạn thân,
— Làm sao bạn biết là bạn đang hiện diện trên trái đất? Làm sao bạn biết đó là sự thật, đây là chân lý?
Đúng là một câu hỏi ngớ ngẩn trong những câu hỏi ngớ ngẩn nhất mà người ta có thể nghĩ tới.
— Nếu tôi không có mặt trên cõi đời ô trọc này thì làm sao tôi có thể đọc được câu hỏi ngớ ngẩn của người xuất gia?
Nếu bạn nói như vậy, bạn cũng đang có những ý nghĩ tương tự như một nhà triết học Tây Phương đó. Bạn có nhớ ai đã sáng chế ra trục tọa độ (x, y) với trục tung, x, và trục hoành, y, hay không? Cái trục mà bạn đã từng phải toát mồ hôi ngồi gò gẫm từng đường đồ thị cho bài toán đại số đầy dẫy những ẩn số (x) và (y) đó.
Thế nào? Sao rồi? Bạn đã thấy được tia sáng nơi cuối đường hầm chưa?
— Descartes???
— Đúng rồi. Tên ông ta là Descartes.
Descartes nói, Cogito, ergo sum. Dịch sang tiếng An Nam, câu này có nghĩa là: Tôi đang suy nghĩ, nên tôi biết tôi là thực thể (đang sống). Hơi dài dòng một chút nhưng phải dài dòng như vậy thì mới có thể nói ra hết ý nghĩa của câu nói vớ vẩn nhưng lại không hề vớ vẩn này. Ông tổ vớ vẩn Descartes vào một ngày đẹp trời, quyết định lên đường đi tìm chân lý. Nhà hiền triết nhớ rằng đã rất nhiều lần trong cõi đời ô trọc của riêng mình, ông mặc quần áo ngủ, ngồi trước lò sưởi cháy bập bùng ấm áp trong đêm đông băng giá tìm kiếm chân lý. Nhưng cũng đã rất nhiều lần, ông lại mơ thấy mình cũng lại đang mặc quần áo ngủ, cũng lại đang ngồi trước lò sưởi, cũng lại nghĩ ngợi về sự thật và về chân lý trong giấc mơ. Trang Tử của Đông Phương cũng đã hơn một lần ngủ và mơ thấy mình hóa bướm. Tỉnh giấc kê vàng, Trang Tử không biết mình mơ hóa thành bướm, hay bướm mơ mình hóa ra Trang Tử? Mơ mà không phải là mơ, không mơ mà lại là mơ. Tương tự như Trang Tử, Descartes thắc mắc, một cái thắc mắc rất ư là lẩm cẩm,
— Làm sao mà có thể tin tưởng được rằng mình không nằm ngủ mơ về sự xuất hiện của chính mình đây? Lỡ may ta đang hái trái cấm trong mơ? Lỡ may đôi tay hái trái cấm cũng không phải là của mình? Lỡ may…
Cả trăm ngàn cái lỡ may mà Descartes có thể hình dung ra được. Cuối cùng ngài mới chợt nhớ ra rằng dù cuộc đời vẫn chỉ là cơn mơ dài, “hai cộng với ba vẫn là năm, và hình vuông thì cho tới muôn đời vẫn chỉ có bốn cạnh”. Dù rằng có làm toán trong mơ, hoặc mơ biến thành con gì đi nữa, những định luật về toán học vẫn là những điều muôn muôn đời đúng. Amen.
Rất lấy làm hả hê với chân lý vừa khám phá ra—dù mình có đang ngủ hay đang ngồi thức nghĩ vớ vẩn, những định luật toán học là những chân lý muôn đời đúng—ông Descartes leo lên giường đi ngủ tiếp. Vậy là xong! Thế là tuyệt vời. Mình đã kiếm ra chân lý.
Ngay trong đêm đó, Descartes ngủ mơ thấy ông trời Ác (a certain evil spirit). Ông trời Ác đứng ở trên chín tầng trời cao cười ha hả vào mặt Descartes. Ông hét lên,
— Thằng lẩm cẩm kia, mày tưởng nghĩ được như vậy là mày ngon lắm rồi hả? Đừng có vội mà mừng! Tại sao mày không nghĩ rằng tao đang lừa dối mày đấy. Từ những ngày đầu tiên của trái đất, tao đã bóp méo sự thật. Cho nên, tới muôn muôn đời những thằng làm người như mày cũng sẽ không bao giờ có thể nghĩ ra được một sự thật, đó là sự thật đã bị bóp mép từ những ngày đầu tiên của cuộc sống này rồi.
Trong cơn mơ, Descartes run run như thần tử thấy long nhan. Ông hỏi, giọng nhỏ nhẹ,
— Thưa ông trời Ác, con không thỉnh được những cao kiến của ngài?
— Giời ạ! Mày là thằng thông minh mà tại sao lại có thể thắc mắc với những câu hỏi rất là cả đẫn như thế kia! Tại sao mày lại không nghĩ rằng tao đang lừa dối chúng mày bằng cách tạo ra những “chân lý sai” từ những ngày đầu tiên của trái đất. Hai cộng ba không phải là năm đâu. Hình vuông không là chỉ có bốn cạnh. Sai, hoàn toàn sai. Sai bét!!!
Đương nhiên là Descartes xanh máu mặt sau câu tuyên bố trắng trợn của ông trời Ác. Căm phẩn dâng cao trong lòng, Descartes lẩm bẩm trong miệng,
— Thôi rồi, nếu có một sự thật trắng trợn thế này thì bao nhiêu công trình đã được xây dựng từ trước tới nay của con người có mà đi đoong. Điệu này chỉ còn có nước là rủ nhau về ăn hambuger chấm với mắm tôm mà thôi. Đúng là bừng con mắt dậy, thấy mình trắng tay.
— Nhưng mà… Khoan.


Khoan hời hò khoan! Ơi khoan, khoan hời hò khoan
. Cái khoan này đã đưa Descartes vào một trong những cái chiếu nhất của làng Triết học Tây Phương. Thế là từ đây mỗi khi bàn tới chân lý, về mối liên hệ giữa thân xác hèn mọn và tư tưởng trong suốt của con người, tên của Descartes sẽ không bao giờ được cố tình quên lãng hoặc loại bỏ,
— Khoan.
Ông trời Ác đứng trên mây hét lên sau tiếng hét “Khoan” của Descartes,
— Khoan cái chi chi?
— Ông có ngon thì cứ tiếp tục trò chơi lường gạt của ông đi. Nhưng nói cho ông biết, nếu tôi không thật sự có mặt trên trái đất này, làm sao ông có thể lừa gạt được tôi? Phải có cái chuyện đúng trăm phần trăm rằng tôi đang sống, và tôi đang thở, ông mới lừa gạt được tôi, đúng không?
— Cũng đúng. Rồi thì sao?
— Cho nên bất cứ khi nào tôi nghi ngờ về sự xuất hiện của kiếp người ba vạn chín ngàn ngày, tôi phải đang sống để nghi ngờ kiếp sống của chính mình. Tôi có thể nghi ngờ tất cả những sự thật mà người ta vẫn cho là chân lý, nhưng tôi không thể nào nghi ngờ rằng tôi đang nghi ngờ. Cho nên thưa ông trời Ác, Cogito, ergo sum; I think therefore I am; Tôi đang suy nghĩ cho nên tôi biết tôi đang sống. Và điều này, Cogito, ergo sum, là chân lý.

Ông Hegel, trưởng môn của những người mắc bệnh tâm thần thì khác. Ông Hegel không nghĩ như ông Descartes, Cogito, ergo sum. Ông tổ dẫn đầu tới tư tưởng vô thần của Nietzsche và Karl Mark thì đoan quyết rằng, “Để mà biết rằng bạn (a self-consciousness) đang vui sống trên cõi đời bon chen và đầy dẫy những ô chọc này, bạn cần một người khác (another self-consciousness) nói cho bạn biết là bạn đang sống”. Một mình bạn, bạn sẽ chẳng bao giờ có thể khẳng định được là bạn đang thở, bạn đang trở nên già úa và bạn sẽ ngủm củ tỏi y như bất cứ sinh vật nào đó trên trái đất này. Người này sẽ tiến tới xác nhận với bạn bằng cách thỏ thẻ nho nhỏ vào tai bạn,
Oh! Honey! You are a wonderful Vietnamese.
Bạn thấy chưa, người tình của bạn đang nói rằng,
— Cưng ơi! Nghĩ ngợi làm chi cho nó già người. Em làm chứng cho cưng rằng cưng đang xuất hiện trên trái đất này đó, You are. Cưng là người Văn Lang, a Vietnamese. Và cưng tuyệt vời, wonderful. Cưng ơi! Cưng Văn Lang, tóc đen, mắt nâu; điều này là chân lý.[3]

“Một buổi chiều, và một buổi sáng. Ngày thứ Năm” (Sáng Thế Ký 1—2:4a)


ngày thứ sáu,

đức kitô và văn lang
Áp dụng những dòng tư tưởng của Hegel vào lối sống hiện tại của chàng, người xuất gia đã không có những người thân, thân đến nỗi họ dám ngả nghiêng hơn một nửa thân xác óng ả của chính mình vào người chàng, hoặc rót vào tai chàng những lời nói ngọt ngào để xác định rằng người xuất gia đang xuất hiện trên trái đất, chứ không phải trái đất này đã mơ hóa ra người xuất gia, như Trang Tử đã từng mơ bướm hóa ra Trang Tử. Nhưng cũng không sao, bởi vì chàng đã có Descartes. Descartes đã từng nói, “Cogito, ergo sum; Tôi đang suy tư cho nên tôi biết tôi đang sống”. Qua những suy niệm về thân phận con người, con người Việt Nam, Nam Phi, Nam Mỹ, Đông Âu, Bắc Mỹ, và của thế giới đại đồng, người xuất gia hiểu là chàng đang hiện diện trên cõi đời này. Chàng không biết tại sao mình đã đến với cuộc đời này. Chàng nghĩ chắc cũng chẳng ai biết. Họa may chỉ có Thiên Chúa hoặc Ông Trời, Đấng đã tạo dựng nên trời đất và con người mới có câu trả lời. Nhưng nếu lỡ may cả cái khối vũ trụ bao la này chỉ là tình cờ, câu thắc mắc về thân phận con người sẽ không bao giờ được giải đáp. Từng ngày rồi lại từng đêm, đã có bao nhiêu người vào đời. Từng phút rồi lại từng giây, đã có bao nhiêu người ra đời. Những người được sinh ra, họ từ đâu tới? Những người bỏ ra đi, họ sẽ đi về đâu? Không ai biết, ngoại trừ niềm tin tôn giáo. Cuộc sống vẫn lăn tới về phía trước.
Là người, người xuất gia biết mình sẽ tiếp tục đi tới với nửa phần của tâm hồn mà thôi. Nửa phần còn lại, phần trống vắng, chàng phải lao vào cuộc đời tìm kiếm nó. Đã từ lâu, chàng vẫn miệt mài với “cuộc chơi”,[4] người xuất gia không bỏ cuộc chơi như phần lớn mọi người đã từng làm. Là người xuất gia, chàng lao mình vào cuộc đời tìm kiếm một-cái-chi-đó trường tồn, vĩnh cửu, không phải tạm thời, chẳng phải phù du để lấp vào nửa phần trống vắng còn lại của riêng mình.
Nhưng ai sẽ là người lấp đầy nửa phần trống vắng của riêng mình?
Cách đây hơn hai gần hai ngàn năm, có người đã đến trong cuộc đời. Người này không lên án đồng loại bị anh chị em của họ lên án ném đá, giơ tay chối từ. Người này trở thành bạn bè thân thiết của bị bỏ rơi bên lề xã hội. Người này không chấp nhận bản án dành riêng cho người thiếu phụ lỡ lầm, bản án ném đá cho tới chết (Gioan 8:3-11). Xót thương cho kiếp người yếu đuối, người này ngẩng đầu lên, ngọt ngào nói,
— Hãy về đi về đừng phạm tội nữa.
Người xuất gia yêu biết bao câu nói lạ lùng này. Chàng nghĩ câu trả lời bất ngờ, tuyệt đẹp, và lạ lùng cho người thiếu phụ và người độc giả.
Một ngày kia thanh niên ba mươi ba tuổi được mời tham dự tiệc. Trong khi mọi người đang ngà ngà với tiệc rượu, một cô gái vô danh tiến vào căn phòng tiệc. Cô gái vừa khóc vừa lấy làn tóc dài óng ả rửa chân cho người thanh niên bằng những giọt nước mắt của mình (Luca 7:36-50). Những giọt nước mắt thống hối hay là những giọt nước mắt hân hoan? Không ai biết. Nhưng có lẽ đó là những giọt nước mắt vui mừng của cõi lòng ngập tràn hân hoan. Làm sao không hân hoan và vui mừng cho được khi cả hai, người thiếu phụ ngoại tình và người con gái vô danh, đã bất chợt khám phá ra rằng có một người thật xa lạ mà vẫn có thể thấu hiểu và thông cảm cho những mảnh đời đầy dẫy yếu đuối của kiếp người lầm than! Không khóc làm sao được khi mình bỗng dưng khám phá ra rằng những lầm lỗi của mình đã được quên đi và xóa nhòa! Không khóc làm sao được khi cả hai người phụ nữ bỗng bàng hoàng khám phá ra cả một cõi lòng trống trải và lạnh lẽo của riêng mình đã không còn trống trải và lạnh lẽo nữa! Dù có hay không một Đấng Tạo Hóa, dù có hay không một đấng thần linh cao cả ở một nơi nào đó trên bầu trời để cho những người đàn bà này để tâm tới, trong suối quãng đời còn lại, cả hai đều đã hiểu rằng đã có một người, một người có khả năng lấp tràn đầy mãi mãi nửa phần trống vắng còn lại của họ. Nếu người này có thể lấp được những khoảng trống tâm hồn, thì tại sao người ta lại không dám mạnh dạn tuyên xưng, “Ngài là Thượng Đế” như ông Tôma đã từng tuyên xưng (Gioan 20:28).


Sáng sớm bước chân ra khỏi quán café,

Lòng bồi hồi xao xuyến.

Bởi hương vị café

Hay bởi những tia nắng sớm?
Bây giờ đang là một buổi sáng thứ Sáu, người xuất gia đang bước chân ra khỏi trung tâm cấm phòng Presentation Center tọa lạc xa xôi trong rặng núi Santa Cruz hoang vắng bóng người. Những tia nắng bình minh một ngày mới lại đang bao phủ, cuộn tròn, và phủ trùm lên người xuất gia. Thêm một lần nữa, những xôn xao và nhiệt huyết lại chợt nổi dậy dạt dào trong lòng.

Chàng lan man nghĩ ngợi tới những buổi sáng xa xưa khi mình đang ngồi mong đợi những tia nắng sáng sớm của một buổi bình minh trong cô đơn, tuyệt vọng, và đói khát. Như một người bạn đời lâu năm thân thiết, những tia nắng lung linh nhảy múa không thuộc về quyền sở hữu của bất cứ một ai vẫn đều đặn, ghé ngang, ân cần thăm hỏi người tù nhân mười bẩy tuổi xanh xao, gầy còm trong căn xà lim nhỏ bé, chật hẹp. Chàng nhớ tới những khuôn mặt nhân gian đã từng gặp gỡ. Chàng mường tượng trong đầu hàng xe cộ ngược xuôi bên dưới chân những tòa cao ốc vươn cao tới trời xanh của Thung Lũng Hoa Vàng. Chàng nhớ tới dòng người ồn ào di chuyển lên xuống tấp nập trên những nẻo đường của Trung Tâm Điện Tử Silicon. Chàng nhớ tới ngôi trường cổ kính, nơi người xuất gia đang cư ngụ cho một giấc mơ. Chàng thả tư tưởng về viễn ảnh tương lai tươi đẹp của quê hương. Chàng ngước lên nhìn những tia nắng đang chiếu xiên xiên ngang qua mặt. Và bỗng dưng chàng nhớ tới khuôn mặt xinh xắn rám nắng của cô chủ quán café tóc đen, mắt nâu của Củ Chi ngày nào. Chàng nghĩ tới những tia sáng lốm đốm đọng lại trên khuôn mặt cô ta và tia mắt lạ lùng chiếu thẳng về hướng nơi chàng ngồi uống café vào một buổi sáng trên quê hương Việt Nam của cả hai đứa. Và một lần nữa, người xuất gia thả trôi xa về buổi sáng Việt Nam, buổi sáng mà mọi người Việt Nam từ Ải Nam Quan cho tới Mũi Cà Mâu đều tỉnh giấc cùng một lúc và nhận ra chân lý, một sự thật đã từ lâu bị nhện thực dân, nhện đế quốc, và nhện chủ nghĩa cùng xúm lại giăng tơ, phủ mờ,
“Từ trong bụng Mẹ Âu Cơ, chúng mình vẫn là con của Bố Lạc Long Quân; chúng mình vẫn là anh chị em ruột thịt với tóc đen nhánh, mắt nâu đậm của Văn Lang, của chim Lạc Việt, và của Mười Tám Đời Vua Hùng Vương.”


[1] Ađam có nghĩa là Đất trong tiếng Cổ Do Thái.
[2] Trống vắng

[3] Tiến xa hơn nữa, áp dụng tư tưởng rất ư là thiền của chính mình vào trong tôn giáo, Hegel giải thích về sự xuất hiện của con người trên trái đất. Theo như Hegel, Ông Trời dựng nên con người chẳng phải bởi vì yêu thương chi đâu. Sự thực trắng trợn và tàn nhẫn là như thế này, nếu Thượng Đế không dựng nên con người thì lấy ai mà xác định hộ Người ấy rằng, “Thưa Ngài, Ngài đang có mặt trên chín tầng trời cao thẳm”.

[4] Trong “Mùa Xuân Chín,” nhà thơ họ Hàn viết,

Mai đây trong đám thanh xuân đó,

Có kẻ theo chồng bỏ cuộc chơi.

(Hàn Mặc Tử, “Mùa Xuân Chín”)

 

 

 

 

 

bài đã đăng của Nguyễn Trung Tây

Phần Góp Ý/Bình Luận


Xin vui lòng bày tỏ trách nhiệm và sự tương kính trong việc sử dụng ngôn ngữ khi đóng góp ý kiến. Da Màu dành quyền từ chối những ý kiến cực đoan, thiếu tôn trọng bạn đọc hoặc không sử dụng email thật. Chúng tôi sẽ liên lạc trực tiếp với tác giả nếu ý kiến cần được biên tập.

Lưu ý: Xin vui lòng bỏ dấu tiếng Việt để giúp tránh những hiểu lầm đáng tiếc từ độc giả trong việc diễn dịch ý kiến đóng góp. Bài không bỏ dấu sẽ không được hiển thị. Xin chân thành cám ơn.

@2006-2023 damau.org ♦ Tạp Chí Văn Chương Da Màu
Log in | Entries (RSS) | Comments (RSS)