Trang chính » Biên Khảo, Sáng Tác Email bài này

tết và câu đối

1 bình luận ♦ 7.02.2024
Tết và Câu Đối_PHOTO_bài MẶC LÝ

Câu đối là một thể loại văn chương khá đặc biệt. Nó xuất phát từ văn chương chữ Hán, và văn chương trong các ngôn ngữ đơn âm có dính líu tới chữ Hán như Nhật, Hàn hay Việt Nam. Ngoài ra, câu đối trong văn chương Việt Nam, thể hiện bằng chữ Nôm hay chữ Quốc ngữ ngày nay, lại có thêm hai đặc điểm nữa. Điểm thứ nhất, câu đối Việt Nam có tiếng nôm hay thuần Việt bên cạnh các từ Hán Việt. Điểm thứ hai là lối nói lái, có lẽ rất ít thấy trong các ngôn ngữ khác, cũng được đưa vào câu đối.

Quy luật trong câu đối

Một câu đối gồm hai phần, mỗi phần là một câu có ý nghĩa hoàn chỉnh gọi là một vế. Khi câu đối do một người viết ra, câu đối gồm vế trên và vế dưới. Khi do hai người viết ra, phần đầu gọi là vế ra do một người ra đề, còn phần sau gọi là vế đối do một người khác đối lại. Một vế của câu đối thường không hạn chế số chữ, nhưng thường từ 3 chữ trở lên. Hai vế có số chữ bằng nhau. Một vế như vậy cũng có khi gồm nhiều đoạn, mỗi đoạn lại có ý nghĩa riêng.

Điểm đặc biệt của luật lệ làm câu đối là hai vế của câu đối, dù do một hay 2 người viết, có sự kết hợp chặt chẽ, đi đôi với nhau về ý tưởng, từ loại và thanh âm.

Về đối ý tưởng, những chữ trong hai vế phải đối nhau, như Vợ đối với Chồng, Nhật (mặt trời) đối với Nguyệt (mặt trăng), Đi đối với Ở… Đối ý tưởng ở đây không nhất thiết phải mang ý nghĩa đối nghịch nhau, mà có thể mang ý nghĩa tương thích với nhau.

Về đối từ loại (loại chữ) thì danh từ phải đối với danh từ, động từ phải đối với động từ. v.v. Việc phân biệt từ loại như vậy, khá rõ ràng với văn phạm các ngôn ngữ như Anh, Pháp, Đức, nhưng cũng hiểu ngầm trong văn phạm chữ Hán, Nôm. Các cụ nhà ta trước đây không phân loại rõ ràng danh từ, động từ nhưng vế đối hoàn chỉnh thì không bao giờ đối bằng những chữ khác từ loại, như danh từ với động từ, tính từ với trạng từ (bổ từ, phụ từ hay phó từ). Mở ngoặc ở đây là một từ trong chữ Quốc ngữ, có thể thuộc nhiều từ loại khác nhau, nghĩa là có thể dùng làm danh từ, tính từ, động từ hay trạng từ, mà không thay đổi cách viết hay đọc, khác với các ngôn ngữ La Tinh như Anh, Pháp, Đức.

Đối từ loại trong câu đối ngôn ngữ Việt, bằng chữ Nôm hay chữ Quốc ngữ, lại phức tạp hơn câu đối chữ Hán vì đặc diểm từ Hán Việt và chữ nôm hay thuần Việt dùng chung như đã nêu bên trên. Một câu đối như vậy thì từ Hán Việt phải đối với từ Hán Việt, từ nôm hay thuần Việt đối với từ nôm hay thuần Việt. Cũng có câu đối mà một vế toàn là từ Hán Việt hay chữ Hán đọc theo âm Việt, còn vế kia toàn là chữ nôm hay thuần Việt, hoặc ngược lại. Nếu một vế có từ nói lái, có thể hiểu được theo hai nghĩa thì vế kia cũng phải chứa từ nói lái.

Về đối thanh, với những câu đối ngắn mà mỗi vế chỉ 3, 4 chữ thì chữ nào có thanh bằng (dấu huyền hay không dấu) phải đối với thanh trắc (dấu sắc, hỏi, ngã, nặng), hay ngược lại. Có những câu đối mà mỗi vế là một câu thơ năm chữ (ngũ ngôn) hay bảy chữ (thất ngôn) thì luật đối thanh thường áp dụng như trong luật thơ của loại thơ tương ứng. Thí dụ khi một vế là một câu thơ bảy chữ, vế kia thường đối thanh theo luật của hai câu thực (câu 3 và 4) hay hai câu luận (câu 5 và 6) của bài thơ thất ngôn Đường luật, nghĩa là các chữ thứ hai, tư, sáu, bảy phải đối nhau về bằng trắc. Ngoài ra các từ kép trong một vế phải được đối thanh với cả từ kép trong vế kia. Với những vế đối dài, gồm nhiều đoạn theo thể phú thì chữ cuối mỗi đoạn hay những chữ quan trọng cũng phải đối thanh.

Mục đích câu đối

Như đề cập bên trên, câu đối có thể do một người viết hay do hai người, một người viết vế ra, người kia viết về đối. Với câu đối do hai người viết, đây thường là chuyện thù tạc giữa bạn bè, thử tài nhanh trí mẫn tiệp, kiểu nắn gân nhau giữa những người mới gặp, hay chuyện đùa vui chữ nghĩa giữa những người đồng điệu mà thôi. Câu đối không nằm trong chương trình thi cử nước ta thời trước, vốn chỉ thi kinh sử, thơ phú, chiếu chế biểu, văn sách, thậm chí toán pháp hay khoa học thường thức trong một vài kỳ thi trong lịch sử.

Đi xa hơn một chút, với nhiều giai thoại về những câu đối thật hoàn chỉnh được cho là từ hai người, tôi nghi ngờ là chỉ do một người mà thôi. Cứ tưởng tượng việc đối lại một vế đưa ra, giống như giải một phương trình toán, với luật lệ về đối ý, đối từ loại, đối thanh như những điều kiện trói buộc, nhiều khi rất khắc nghiệt. Một người viết cả hai vế của câu đối giống như người tự ra phương trình toán và tự giải, khi đến chỗ khó giải thì tự sửa đề để giải dễ dàng hơn. Còn khi một người ra đề và người khác giải đề thì… “Xuất đối dị, đối đối nan, thỉnh tiên sinh tiên đối” (Đưa vế ra dễ, viết vế đối khó, mời anh đối trước đi).

Do đó, tôi cho rằng những câu đối hai vế do cùng một người viết ra, phổ thông hơn. Câu đối loại này thường được viết trong những dịp góp vui, như mừng thọ, mừng nhà mới, mừng con cháu mới sinh, mừng thi đỗ, mừng thăng quan tiến chức hay trong những dịp chia buồn như tang lễ. Câu đối cũng được làm khi muốn vịnh cảnh, lưu tình hay ghi lại một ý tưởng cho lớp người sau. Dịp Tết cũng là dịp cho nhiều người viết câu đối vịnh ngày Xuân. Thời trước những câu đối như vậy, thường được viết trên giấy hồng điều, trên lụa trắng, thậm chí còn được khắc trên bảng gỗ, hay tạc vào đá hoặc các công trình kiến trúc.

Vài câu đối nổi tiếng

Ngày Tết, Nguyễn Công Trừ viết câu đối tự trào:

Chiều ba mươi, nợ hỏi tít mù, co cẳng đạp thằng Bần ra cửa,
Sáng mồng một, rượu say tuý luý, giơ tay bồng ông Phúc vào nhà.

Cũng may Uy Viễn tướng công chỉ đạp thằng Bần, chứ không đạp chủ nợ!

Câu đối khóc vợ của Nguyễn Khuyến:

Nhà chỉn rất nghèo thay, nhờ được bà hay lam hay làm, thắt lưng bó que, sắn váy quai cồng, tất tưởi chân nam chân chiêu, vì tớ đỡ đần trong mọi việc.
Bà đi đâu vội mấy, để cho lão vất vơ vất vưởng, búi tóc củ hành, buông quần lá toạ, gật gù tay đũa tay chén, cùng ai kể lể chuyện trăm năm.

Câu đối trước cổng trường Pétrus Trương Vĩnh Ký trước năm 1975, do giáo sư Hán văn Ưng Thiều của trường viết:

Khổng Mạnh cương thường tu khắc cốt
Tây Âu khoa học yếu minh tâm

Tạm dịch nghĩa: Đạo cương thường của Khổng Mạnh nên ghi vào xương; Nền Khoa học Tây Âu cần khắc vào dạ.

Câu đối viếng Nhất Linh của Vũ Hoàng Chương

Người quay tơ đôi bạn tối tăm, anh phải sống chứ sao đoạn tuyệt?
Đời mưa gió lạnh lùng bướm trắng, buổi chiều vàng đâu nhỉ nắng thu?

Người Quay Tơ. Đôi Bạn, Tối Tăm, Anh Phải Sống, Đoạn Tuyệt, Đời Mưa Gió. Lạnh Lùng, Bướm Trắng, (Hai) Buổi Chiều Vàng, Nắng Thu, đều là tựa các tác phẩm của Nhất Linh.

Một câu đối khác viếng Nhất Linh, không rõ tác giả, có người cho là cũng do Vũ Hoàng Chương viết:

Sổ thập niên bút mặc thành danh, nhất khả đoạn, nhị khả tuyệt, nhi tam bất hủ.
Song thất dạ vân tiêu lạc phượng, tiền phong hoá, hậu văn hoá, ư trung lập ngôn.

Tạm dịch nghĩa: Vài chục năm, bút mực thành danh, Một (tức bút) có gẫy, Hai (tức mực) có thể cạn nhưng Ba (tức Tam, tên nhà văn) thì không hư nát.

Đêm Song Thất (chiều 07/07/1963 ông tự tử băng thuốc độc và mất đêm đó), mây tan phụng lạc, trước thì với tờ Phong Hoá, sau thì với tờ Văn Hoá, đều là để lại tiếng nói cho đời.

Câu đối tự trào của Hiệp Hoà Nguyễn Tử Mẫn. Cụ là thuyền trưởng hai tàu (chữ của Công tử Hà Đông Hoàng Hải Thuỷ), hai vợ mất cả, con trai con gái đều đã sinh con trai.

Vợ cả vợ hai không vợ cả
Con trai con gái có con trai.

Vi Huyền Đắc, có câu đối khóc vợ, trào lộng mà thấm thía:

Anh dại vô cùng, lo nợ vẫn còn vương nợ mãi
Em khôn bất trị, sợ già nên vội trốn già ngay

Cũng có câu đối oái oăm, mà tôi nghĩ do một người viết cả hai vế:

Con cóc leo cây vọng cách, nó rơi xuống cọc, nó cạch đến già
Con công đi qua chùa Kênh, nó nghe thấy cồng, nó kềnh cổ lại

Vọng cách, tên khoa học là Premna serratifolia, là một loại cây bụi lớn, có nhiều trong rừng nước ta. Chùa Kênh, hay chùa Hưng Phúc là một ngôi chùa nổi tiếng ở Thanh Hoá. Tuy vọng cách đối không chỉnh với chùa Kênh về tự loại nhưng cái oái oăm nằm ở những âm “cóc cách”, “cọc cạch”, “công kênh”, “cồng kềnh”, vốn là những từ ghép đầy đủ ý nghĩa.

Giai thoại về câu đối

Tục truyền khi Lê Quí Đôn đi ngang qua một nhà có đám tang cùng một người bạn, người này mới thách ông làm câu đối tức cảnh. Ông viết ra câu đối:

Thấy xe thiên cổ xịch đưa ra, không thân thích lẽ đâu mà khóc mướn
Tưởng sự bách niên dừng nghĩ lại, não can tràng cho nên phải thương vay.

Câu thơ tự vịnh cảnh bị ngã, thường được cho là từ Hồ Xuân Hương:

Giơ tay với thử trời cao thấp
Xoạc cẳng đo xem đất vắn dài.

Dưới đây là giai thoại về câu đối giữa Đặng Trần Thường và Ngô Thì Nhậm. Sau khi vua Gia Long thiết lập triều đại mới, công thần Đặng trần Thường, người làng Lam Điền, huyện Chương Mỹ, Hà Nội (tức Thăng Long, Bắc Thành) được lệnh mang một số quan văn gốc Bắc giữ chức vụ cao cấp trong triều đại trước ra nọc đánh ở Văn Miếu Hà Nội. Vốn có hiềm khích riêng trước đây với Ngô Thì Nhậm, một trọng thần triều Tây Sơn, người làng Tả Thanh Oai, Thanh Trì, Hà Nội, nên khi thi hành án phạt với ông Nhậm, ông Thường ra một vế:

Ai công hầu, ai khanh tướng, trên trần ai, ai dễ biết ai

Ông Nhậm, nổi tiếng hay chữ, lớn hơn ông Thường 13 tuổi, đã vang danh khi ông Thường còn chưa có tiếng tăm gì. Ông Nhậm đối lại:

Thế chiến quốc, thế Xuân thu, gặp thời thế, thế thời phải thế.

Ông Thường có lẽ giận và bẽ mặt, sai lính đánh nặng tay và ông Nhậm chết sau khi thụ hình. Tôi nghĩ đây là giai thoại người sau đặt ra, xét bối cảnh của việc thi hành án lệnh. Chữ Ai và Thế trong cả hai vế, có trong từ Hán Việt, và cả trong từ là tiếng nôm, phải được đối lại cùng từ loại, là điều kiện khá ngặt nghèo. Câu đối này bảo do một người đời sau đặt ra thì đáng tin hơn.

Nguyễn Khuyến khi cáo lão về hưu, thường được người cùng làng hay trong tổng tới xin câu đối vì ông nổi tiếng hay chữ, xuất thân đại khoa (đậu tam nguyên). Một lần, một bà biện một khay trầu sang nhà ông để xin câu đối về thờ chồng mới qua đời. Ông vin ngay đó, bảo “Đấy, đấy là câu đối rồi, bà còn xin gì nữa?”, và viết ngay ra:

Kiếm một cơi giầu thưa với cụ
Xin đôi câu đối để thờ ông

Nhà thơ làng Yên Đổ cũng viết câu đối cho vợ một anh thợ nhuộm khóc chồng qua đời:

Thiếp kể từ lá thắm xe duyên, khi vận tía lúc cơn đen, điều dại điều khôn nhờ bố đỏ
Chàng ở dưới suối vàng nghĩ lại, vợ má hồng con răng trắng, tím gan tím ruột với ông xanh

Các màu dùng trong câu đối là những màu chính trong nghề nhuộm.

Khi Hoàng Cao Khải qua đời, một nhà nho gửi câu đối viếng

Ông ra Bắc là may, quyền kinh lược, tước quận công, bốn biển không nhà mà nhất nhỉ!
Cụ về Tây cũng tiếc, trong triều đình, ngoài thôn dã, một lòng vì nước có hai đâu!

Hoàng Cao Khải (1850-1933) là một viên quan triều Nguyễn thời gian người Pháp sang xăm lăng Việt Nam. Ông từng giữ những chức vụ tri huyện, án sát, tuần phủ. Sau hoà ước Giáp Thân 1884, ông thuộc thành phần quan lại triều Nguyễn chọn cộng tác với Pháp, từng viết thư dụ hàng Phan Đình Phùng ở chiến khu Vụ Quang nhưng bị cự tuyệt, làm tiễu phủ sứ Hải Dương, Bắc Ninh và Hưng Yên, dẹp tan chiến khu Bãi Sậy của Tán tương Quân vụ nguyễn Thiện Thuật. Ông là Kinh Lược Sứ Bắc Kỳ cuối cùng cho đến khi chức vụ này bãi bỏ năm 1897, và tiếp tục giữ những chức vụ cao của Nam triều sau đó. Về câu đối bên trên, Lãng Nhân có bình là “Về Tây là chết (về Tây phương cực lạc) lại có nghĩa chết thì người Pháp thương tiếc một công bộc. Một lòng vì nước, chỉ có ông chứ không ai, có thể hiểu cách khác: ông một lòng chứ không hai lòng, thờ một nước chứ không phải thờ hai nước, chỉ có không rõ là nước Nam hay nước Pháp!).

Vài vế ra chưa có vế đối

Có những vế ra hiểm hóc, ngày nay cũng chưa ai đối chỉnh được:

Da trắng vỗ bì bạch

Câu này tương truyền của Đoàn Thị Điểm ra vế đối khi Cống Quỳnh đòi xem bà tắm, nhưng hầu như khá chắc chắn đây chỉ là chuyện hư cấu.

Vế đối chỉnh rất khó vì những điều kiện:
– Da (tiếng nôm) đi chung với Bì (Bì là chữ Hán đọc theo âm Việt, nghĩa là da)
– Trắng (tiếng nôm) đi chung với Bạch (Bạch là chữ Hán đọc theo âm Việt, nghĩa là trắng)
– Bì bạch không phải là từ Hán Việt, mà là tiếng nôm, chỉ âm thanh. Yếu tố cuối cùng làm câu đối rất hiểm hóc.

Một số vế đối lại là Cô Miên ngủ một mình, Nhà vàng ngồi đường hoàng, Trời xanh màu thiên thanh, Rừng sâu mưa lâm thâm, Giấy đỏ viết chỉ chu, Tổng Thịnh tóm nhiều đứa, đều không hoàn chỉnh.

Đầu xuân 1937, trên báo Ngày Nay, toà soạn viết vế ra:

Thế Lữ mừng xuân hai thứ lễ: một quả lê tây, một quả lê ta

Nhà văn Thế Lữ tên thật là Nguyễn Thứ Lễ. Lễ tức là Lê ngã, “ngã” chữ Hán nghĩa là “ta”. Do đó bút hiệu đầu tiên của ông là Lê Ta, sau mới lấy bút hiệu Thế Lữ vốn do chữ Thứ Lễ nói lái mà thành.

Vậy một vế đối hoàn chỉnh, ngoài đối ý, đối từ loại, đối thanh còn phải đối cả những chữ nói lái và tách chữ Lễ (chiết tự) theo chữ Quốc ngữ. Vế ra này cũng chưa thấy ai đối lại hoàn chỉnh.

Lời kết

Một vài người tán tụng câu đối, cho câu đối là tinh hoa của chữ nghĩa. Tôi cho đó là quá lời. Ta chỉ nên xem câu đối như một trò đùa vui chữ nghĩa thôi. Ngày Xuân bạn nào nổi hứng văn chương, có thể tự mình làm câu đối. Nhưng nếu dự tính đăng vế ra, làm đề cho người khác đối, trước tiên hãy tự mình làm cả vế đối.

Tham khảo

[1] Cao Xuân Dục, Quốc Triều Chánh Biên Toát Yếu (1889), bản dịch của Quốc Sử Quán, tái bản năm 1998.
[2] Trần Trọng Kim, Việt Nam Sử Lược (1920), Trung Tâm Học Liệu tái bản, Sài Gòn.
[3] Dương Quảng Hàm, Văn Học Việt Nam, 1941. Trung Tâm Học Liệu tái bản, Sài Gòn.
[4] Trịnh Vân Thanh, Thành Ngữ Điển Tích Danh Nhân Tự Điển quyển 2, Sài Gòn, 1966
[5] Lãng Nhân. Chơi Chữ, Nam Chi Tùng Thư, Sài Gòn 1970

bài đã đăng của Mặc Lý

Phần Góp Ý/Bình Luận


Xin vui lòng bày tỏ trách nhiệm và sự tương kính trong việc sử dụng ngôn ngữ khi đóng góp ý kiến. Da Màu dành quyền từ chối những ý kiến cực đoan, thiếu tôn trọng bạn đọc hoặc không sử dụng email thật. Chúng tôi sẽ liên lạc trực tiếp với tác giả nếu ý kiến cần được biên tập.

Lưu ý: Xin vui lòng bỏ dấu tiếng Việt để giúp tránh những hiểu lầm đáng tiếc từ độc giả trong việc diễn dịch ý kiến đóng góp. Bài không bỏ dấu sẽ không được hiển thị. Xin chân thành cám ơn.

1 Bình luận

  • Long Nguyen says:

    春聯 xuân liên, câu đối Tết

    Câu đối Tết chỉ có trong văn học Nho Văn. Do đặc tính và cách viết cách đọc thanh âm bằng trắc của chữ Nho. Người Việt trong ngôn ngữ văn học không còn dùng chữ Nho nữa nên mặc nhiên nhã hứng này cũng đã mai một.

    Người Hoa, Đài Loan, vẫn còn tục lệ treo câu đối ngày Tết. Nhưng họ canh tân cho hợp thời hơn. Họ gọi câu đối Tết là xuân liên 春聯. Xuân liên gồm thượng liên 上联 – câu xuất đối và hạ liên 下联 câu đối đối.

    * Chữ cuối thượng liên là vần trắc; hạ liên vần bằng.
    * Thượng liên là nhân; hạ liên là quả
    * Thời gian thượng liên trước; hạ liên sau
    * Không gian nhỏ trược không gian lớn sau

    Năm ngoái, bà Thái Anh Văn đưa ra câu đối hạ liên: 喜福運途 Hỉ phúc vận đồ – hạnh phúc niềm vui trên đường đời.Trong cương vị Tổng Thống, nhưng bà Thái Anh Văn lại đưa ra câu hạ liên nghĩa là vế đối đối chứ không phải vế xuất đối. Ngụ ý của bà là chúc phúc cho toàn dân chứ không nhằm kêu gọi mọi người đối đáp. Trong thực tế, người dân nếu muốn đáp lại thì vẫn có quyền ra câu thượng liên, coi như chính người dân ra câu đối là vậy. 😊🙂

    Long tôi đã họa lại lúc ấy trên Fb của bà Thái Anh Văn như sau:

    喜福運途 Hỉ phúc vận đồ
    平安家道 Bình an gia đạo

    https://www.president.gov.tw/News/27210

@2006-2023 damau.org ♦ Tạp Chí Văn Chương Da Màu
Log in | Entries (RSS) | Comments (RSS)