Trang chính » Bàn Tròn, Sáng Tác, Truyện ngắn Email bài này

mặt nạ da người

books

Doãn đánh đốp vào đùi một cái rồi cất giọng hả hê như vừa phát hiện ra điều gì bất ngờ thú vị, cái chân dài ngoằn ốm nhom của cậu thanh niên va phải cái bàn gỗ thấp lè tè làm cho ly càfe đen tròng trành như muốn đổ ngã. Cậu vội đưa tay chụp lại cái phin càfe đang rỉ rả từng giọt chậm rãi, rồi cất giọng như vui thú:
– Đấy! thấy chưa! Biết ngay thế nào cũng sẽ đóng cửa
Chị chủ quán trạc ngoài 40 tuổi, dáng vẻ đẫy đà trong bộ đồ thun hoa hoè sặc sỡ, đang khuấy vội ly nước cam cho khách, ngẩng mặt lên nhìn Doãn trong vẻ ngạc nhiên:
– Vụ gì mà mày tí tởn vậy?
– Chị làm xong cho khách đi, rồi ra đây mà nghe tin thời sự
– Thì tao vừa làm, mày vừa nói, nói nghe coi, đang mắc nghe quá nè!
– Ôi Trời, cũng cái tật lắm điều nhiều chuyện.
Chị chủ quán đong đẩy dáng người tròn lẵn, mang ly cam vắt ra phía cái bàn gần ngoài đầu hẻm, đưa cho khách, chẳng biết có kịp lấy tiền lấy bạc gì chưa mà đã vội chạy tất tả đi vô.
– Từ từ, mập mạp thế kia mà chạy quá có ngày mang họa đấy!
Doãn với giọng nhắc chừng, nửa đùa nửa thật khi thấy chị chủ quán hóng chuyện đang có vẻ nôn nao với câu chuyện mà cậu sắp kể, vừa đến phía cái bàn của Doãn ngồi, chị kéo vội cái ghế đẩu ngồi cạnh Doãn rồi hỏi cậu bằng gương mặt tò mò, chờ đợi
– Chuyện gì, nói tao nghe coi.
– Buôn bán xong chưa?
– Rồi, xong rồi, nói nghe, mắc nghe quá nè.
– Từ từ, đây này, báo đăng đây này!
– Đăng gì? Đọc tao nghe coi.
– Này, cái Trung tâm sáng tác Thiên Hà bị đóng cửa.
– Là sao? Tao chưa hiểu
– Thì cái Trung tâm sáng tác và phát hành tác phẩm mông lung diễm kiều, đỉnh cao trí tuệ của sếp nhà em đóng cửa rồi.
– Ủa vậy hả? Hèn gì mấy nay tao không thấy đứa nào ghé ra đây uống nước. Mà sao lại đóng cửa?
– Đóng cửa thì có gì mà chị ngạc nhiên, nó tồn tại được mới lạ chứ nó đóng cửa là em đoán trước rồi, chỉ là nhanh hay chậm mà thôi.
– Ừ! Vậy là cũng may cho mày, từ giã sớm nơi đó nên giờ ngồi đây thảnh thơi mà vỗ đùi khoái chí, chứ còn trong đó chắc giờ cũng ngụp lặn thấy cha.
– Thì đấy! Thoát khỏi cái nơi đấy cũng là phúc đức.
– Mà sao nó đóng cửa vậy?
– Thì nhờ gu của sếp đấy, chị hiểu rõ quá còn gì.
– Vậy là mất mẹ mấy mối rồi.

Trong khi chị chủ quán bật tiếng cười khanh khách rồi chiêm vài câu than thở nửa đùa nửa thật thì Doãn thở dài một tiếng, nhớ lại khoảng thời gian cách đây hơn ba năm về trước, là cậu thanh niên vừa tốt nghiệp khoa Văn của một Trường đại học có tiếng ở miền Nam, cậu cắp cặp đi xin việc khắp nơi, chẳng biết số phận thế nào mà cậu lại vào trúng Trung tâm Thiên Hà, hình như lúc đó vì cái bảng hiệu Trung tâm nó hút mắt cậu chứ thời đó chưa có internet, chưa có mạng xã hội để mà tra cứu thông tin như thời đại bây giờ nên người đi xin việc cứ ôm một mớ văn bằng, đơn từ đi từ con đường này qua con đường khác giữa cái nắng như đổ lửa hay những mùa mưa trắng đường trắng xá, rồi thấy chỗ nào có đăng cái bảng tuyển dụng bằng chữ viết tay hoặc dán tờ giấy to đùng phía trước thì tấp xe vô mà đọc. Thế là Doãn nộp đơn xin vào làm một chân nhân viên quảng cáo kiêm đánh máy sau khi thấy nơi này cần tuyển vị trí mà cậu đang mong đợi, nộp đơn xong, Doãn ra về trong tâm trạng hồ hởi và đầy hy vọng.

Hơn mười ngày sau, Doãn nhận được cái phong bì gửi đến từ Bưu điện, những năm cuối thập niên 80, đầu 90, mọi thư từ, tin tức đều phải đi qua bưu chính, nhanh nhất cũng vài ngày.

Sau khi nhận được lá thư của ông chủ Trung tâm có cái tên khá là ấn tượng “Phong Lưu Tú Lễ”, cậu đã sắp xếp hành trang, ngoài mớ giấy tờ bằng cấp, vài quyển tập truyện viết tay, còn lại là những hy vọng mở ra con đường sự nghiệp, là một anh nhân viên công sở bảnh bao với áo sơ mi và quần kaki bóng lộn không có một nếp nhăn, cái cặp trên tay và kính cận trí thức, đúng dáng vẻ dân văn phòng thiệt oách, thời này, ai mà có một chân trong Trung tâm sáng tác, sản xuất, hay làm dân văn phòng là người ta nể lắm, vậy là Doãn thấy chân Trời trước mắt như một giấc mơ xanh lam, bồng bềnh những chùm mây trắng đẹp đẽ đang có dấu chân mình trên đó.

Ngày Doãn đến tham gia phỏng vấn, người đón tiếp cậu mà một cô gái thanh lịch trong chiếc áo kiểu cổ dún bèo, tay măng-sết có cái nơ xanh lam trước ngực, mái tóc dài uốn xoăn như minh tinh điện ảnh thập niên 50 về trước. Cô gái giới thiệu là trợ lý của ông Giám đốc, rồi cô mời Doãn ngồi ở một chiếc bàn tiếp khách bằng gỗ nâu, có phủ bên trên một chiếc khăn màu hồng lụa, trên bàn là một bộ bình trà bằng sứ trắng mạ vàng đặt cạnh bình hoa hồng trông thật lịch thiệp và trang trọng.

Doãn hồi hộp đưa mắt ngó xung quanh trụ sở Trung tâm được sơn phết bằng gam màu xanh lơ pha vàng nhạt với những tấm bảng danh ngôn viết tay đậm màu văn chương, những căn phòng đóng kín, có một cái phòng đang mở cửa với hai ba người đang loay hoay bên mớ sách vở ấn phẩm, vài người qua lại, đưa ánh mắt dò xét, quan sát nhìn về phía Doãn, bên ngoài không gian Trung tâm yên tĩnh trong cái nắng màu nhàn nhạt.

Cô gái chậm rãi ngồi đối diện Doãn, cô rót một ly trà đưa về phía cậu rồi cất giọng nhẹ nhàng:
– Mời anh uống nước.
– Dạ, cảm ơn cô!
– Anh là Trần Ngọc Doãn phải không?
– Dạ đúng rồi cô!
– Sáng nay Giám đốc có lịch hẹn phỏng vấn với hai nhân viên mới, anh và một cô nữa, cô kia đang phỏng vấn bên trong, xong rồi sẽ đến lượt anh.
– Dạ, cảm ơn cô!
– Tôi là Kiều Phương, trợ lý của Giám đốc.
– Dạ, thật hân hạnh được gặp Kiều Phương!
– Không có gì, anh ngồi đây chờ một chút, khi nào đến lượt, tôi sẽ gọi anh vào.
– Dạ, cảm ơn cô!

Nói xong, Kiều Phương đứng dậy rồi đi vào bên trong một căn phòng đang đóng cửa, dáng vẻ thật đoan trang quý phái của người công sở, những hình ảnh sang trọng, hiện đại của dân văn phòng, nhất là Kiều Phương, càng làm cho Doãn trỗi lên những tham vọng, mong ước và tự hào khi được ngồi ở đây và được làm nhân viên trong cái Trung tâm này.

Doãn hớp một ngụm trà nóng, hương thơm của mùi hoa lài tỏa lan trong vòm họng, lên tận cánh mũi, mùi thơm nức của loại trà này chắc phải là trà thượng hạng, Doãn nghĩ Trung tâm tiếp khách bằng trà ngon như thế này chắc ông Giám đốc cũng là người hào hoa, và cái Trung tâm này cũng ăn nên làm ra dữ lắm chứ bình thường, mấy ông hàng xóm trong con hẻm nhà Doãn ở, chiều chiều chỉ đàm đạo với nhau bằng một loại trà nghe khen khét, vàng đặc chứ đâu sóng sánh xanh trong, thơm lừng như loại trà này.

Đang say mê nghĩ về trà và tận hưởng cái hương thơm nức mũi thì Doãn nghe tiếng gọi của Kiều Phương từ phía căn phòng cách đó chừng vài mét:
– Anh Doãn, vào đây!
Doãn lật đật đặt tách trà xuống bàn mà lòng còn hơi tiên tiếc gì chưa kịp nhấp đến ngụm cuối cùng, lúc Doãn vào gần đến cửa thì thấy một người phụ nữ trong bộ váy trắng bước ra, miệng vẫn còn cười tủm tỉm với Kiều Phương, Doãn đoán là người xin việc mà Kiều Phương vừa nhắc lúc nãy.

Doãn bước vào phòng trong một tâm trạng hồi hộp, Doãn hơi bất ngờ khi nhìn thấy ngài Giám đốc đang ngồi ngay ngắn ở phía chiếc ghế dựa bọc nhung, sau lưng là tấm ảnh lộng kính hình Khổng Minh Gia Cát Lượng. Trông ngài thật bề thế như một ông vua ngồi giữa ngai vàng. Lúc này, Kiều Phương đưa tay mời Doãn ngồi vào chiếc ghế phía đối diện ngài Giám đốc. Doãn hồi hộp toát mồ hôi tay, ánh mắt thoáng chút bất ngờ khi nhìn thấy gương mặt hơi eo hẹp của ngài, bất chợt câu “tâm sinh tướng” hiện về trong não cậu làm cậu hơi bối rối.
– Chào cậu.
Tiếng lành lạnh của ngài Giám đốc cất lên, làm xóa tan cái suy nghĩ miên man lùng nhùng trong đầu của một cậu thanh niên lần đầu xin việc với những tư tưởng định hình lạ lẫm:
– Dạ em chào anh.
– Cậu giới thiệu bản thân cho tôi nghe một chút
Doãn cố nén cảm giác hồi hộp vào trong rồi chia sẻ những thông tin cá nhân với ngài Giám đốc:
– Dạ, em tên Trần Ngọc Doãn, năm nay 23 tuổi, dạ em ở đường Bùi Hữu Nghĩa, gần chợ Bà Chiểu, nhà em gần chợ Cá, em..
– Không, cậu nói tóm tắt lại đi.
– Dạ, em… có 3 anh chị em, em là út, ba em làm xưởng, má em bán cá…
– Không, cậu nói gọn lại, gọn lại tí nữa.
– Dạ, em tốt nghiệp khoa Văn, em mơ ước được làm nghề sáng tác hay đánh máy văn phòng cũng được, em yêu thích ngành này và nó là đam mê của em anh ạ!
Doãn mỉm cười thân thiện nhìn về phía ngài Giám đốc, vẫn với gương mặt lạnh lùng, bộ ria mép cá trê phản chủ làm gương mặt ngài trông cứ lộ vẻ gian gian.
– Tại sao cậu lại chọn xin vào nơi này? ở đây có điều gì hấp dẫn cậu?
Doãn suy nghĩ vài giây rồi bắt đầu với những lời lẽ “thâm trầm”
– Dạ vì em đã từng đọc những tác phẩm của anh phát hành, em thật ngưỡng mộ anh, em chọn nơi đây vì em ấn tượng với cái không gian trực quan sinh động bên ngoài Trung tâm anh ạ!
– Này, cậu là người có trí tuệ tốt đấy, ai thích tác phẩm của tôi đều là dân trí tuệ, chỉ có mấy kẻ thiểu năng, nó mới chê tác phẩm của tôi thôi cậu ạ.
– Dạ, dạ vâng!
Doãn khẽ cười đáp lời một cách miễn cưỡng vì thật ra cậu có đọc tác phẩm nào mang tên tác giả Phong Lưu Tú Lễ.
– Thế cậu đã đọc được tác phẩm nào của tôi rồi nhỉ?
Doãn chưng hửng và bắt đầu đóng băng suy nghĩ, cái câu hỏi mà cậu đang bối rối lỡ ngài Giám đốc đặt ra thì chả biết làm sao đối đáp, trong lúc cấp bách, Doãn bung thùa:
– Ồ! Tác phẩm của anh thì em đọc nhiều, em đọc tất! Đụng đến tên của anh là em cứ lật ra mà đọc, đọc như một kẻ lên cơn nghiện, em chẳng nhìn xem tên Tác phẩm là gì, em chỉ biết tác phẩm của anh thật là tuyệt tài tuyệt tác, cỡ cụ Nguyễn Du còn phải gọi bằng Thầy! Tác phẩm của anh là sự hội tụ mọi tinh hoa, vừa trừu tượng vừa hữu hình, chỉ kẻ tro tàn kiến thức mới đem ra bình phẩm chứ người sâu sắc, tinh tường thì chỉ dám cảm nhận bằng cả ngũ quan thôi anh ạ!
Ngài Giám đốc đánh đốp vào đùi một cái rõ to, bỏ mặc cái vẻ trang nghiêm lúc đầu để ngã nghiêng theo sự tâng bốc thượng thừa mà gã ứng viên quèn như Doãn vẽ ra:
– Đúng! Cậu nói thật đúng! Như vậy mới đúng là người am hiểu tác phẩm của tôi, tác phẩm của tôi không suy diễn hời hợt bằng lời mà phải bằng cảm nhận, phải trằn trọc, phải ưu tư…nó mới là trác tuyệt.
– Dạ vâng anh ạ! Mỗi lần đọc tác phẩm của anh là mỗi lần em phải đấu tranh tư tưởng, đôi khi bỏ ăn mất ngủ để hiểu xem anh viết cái gì. Có hôm đang ngủ, em bật dậy như kẻ mộng du, thế mới là văn chương kỳ bí anh ạ!
– Đúng, đúng! Cậu thật là người có tư duy trình độ am hiểu văn chương.
– Dạ vâng, em cảm ơn anh ạ!
– Này, ngày mai vào đây mà làm luôn nhé!
Lúc này, Doãn lại tiếp tục chưng hửng tập hai, cậu khẽ lắc lắc đầu xem mình có tỉnh táo hay không, cậu không ngờ màn “trảm phong binh pháp” của mình cuối cùng lại chinh phục được tâm tính ngài Giám đốc. Điều này là thật ư?
– Này, tôi nói cậu có nghe không?
– Dạ, dạ em nghe anh!
– Thế nhé! Vào mà dạy cho cái bọn nhân viên bã đậu kia nó mở cái não ra, chúng nó chả hiểu gì về tác phẩm của anh cả.
– Dạ vâng! Cảm ơn anh. Em sẽ khai quật hào quang tiềm ẩn trong anh cho nhân viên nhìn thấy. Nếu không thì phí lắm anh ạ! Anh tài thế cơ mà!
– Đúng đúng! Thôi, kết thúc phỏng vấn ở đây nhé! Anh sẽ sắp cho cậu một chân chỉnh lý kiêm quảng bá tác phẩm cho anh, thế nhé! Ráng mà làm cho tốt!
– Dạ vâng! Anh cứ yên tâm, em sẽ làm cho anh tỏa sáng!
Kết thúc buổi phỏng vấn là cái bắt tay đầy tình hữu nghị, ngài Giám đốc nở nụ cười hảo ý với bộ ria mép cá trê lâu lâu lại vểnh lên như ngài Lý Trưởng Trùm Sò. Doãn ưỡn ngực ra về, trong khi xung quanh những cặp mắt vẫn đổ dồn về phía Doãn.

Những ngày sau đó, Doãn trong bộ sơ mi trắng, quần kaki đen ống rộng, mang kính cận, xách cặp da và lái chiếc mô-bi-lết tới chỗ làm. Cậu đến Trung tâm trong tâm trạng hào hứng và mong đợi những ngày thăng hoa rực rỡ với công việc mà mình mơ ước.

Ngày đầu tiên vào công sở, Doãn được sắp xếp một vị trí trong phòng sáng tác. Phòng có 3 người nên cũng không quá khó khăn để làm quen nhân viên cũ. Xung quanh Doãn là những chồng tác phẩm viết tay đủ mọi thể loại, Doãn sắp xếp lại những quyển sách lên kệ sách cho ngay ngắn thì thấy một số ấn phẩm của ngài Giám đốc. Cậu lật ra xem thử thì khẽ mỉm cười, rồi thầm nghĩ “văn chương của sếp thế này thì đúng là tiệm cận với vũ trụ”.

Trong hơn một tháng đầu tiên, Doãn được giao nhiệm vụ quảng bá tác phẩm và các ấn phẩm do Trung tâm phát hành mà trong đó chủ yếu là những tác phẩm của ngài Tú Lễ, Doãn ngạc nhiên vì có nhiều tác phẩm, bản thảo đưa qua, khi đọc thấy rất hay nhưng khi trình lên thì ngài chỉ bảo với Doãn “từ từ, cứ để đó đi”, có nhiều bản thảo đã lấm bụi thời gian, màu chữ trên nền giấy đã ngã vàng cũ kỹ, khi hỏi ra, hai người đồng nghiệp bảo rằng họ cũng đã trình cho Giám đốc khá lâu nhưng đến nay vẫn còn nằm đó.

Doãn khẽ thở dài một tiếng, cậu đưa những ngón tay quệt đám bụi mờ bám trên mặt giấy rồi cất lại ngay ngắn trên kệ sách.

Một buổi chiều cuối tuần, Doãn đang cặm cụi xem lại những dòng cuối cùng bản thảo của một tác giả trước khi ra về, lúc này, có ai đó đặt trên bàn Doãn một tập giấy, ngước nhìn lên, Doãn nhìn thấy ngài Tú Lễ đang nhìn cậu bằng cái nhìn trìu mến và có phần khó hiểu:
– Này! Cậu xem rồi làm thủ tục cho phát hành tập truyện này nhé!
– Dạ vâng, để em xem rồi trình lại anh ạ!
– Không, cậu không cần phải xem, tôi đã xem rồi, việc của cậu là làm thủ tục phát hành và quảng bá.
Doãn im lặng trong sự ngạc nhiên, từ trước đến giờ, các tác phẩm, bản thảo nào cũng phải thông qua phòng của Doãn, Doãn là người xem lại trước khi trình cho ngài Tú Lễ, thế sao hôm nay, Doãn chưa biết mặt mũi tập truyện này là gì, của ai mà lại đến tay ngài rồi, chả lẽ có đứa nào nó phỏng tay trên, trình qua cho ngài Giám đốc mà không cần đưa qua cho Doãn kiểm tra kỹ lại.
Trong lúc Doãn chưa kịp trả lời thì ngài Tú Lễ đã xách cặp ra khỏi cửa Văn phòng.

Doãn cầm quyển tập bằng giấy với dòng chữ nắn nót, tròn trịa như kiểu chữ phụ nữ, rồi cậu thoáng nhìn thấy cái tên “T.Q.Kiều Hoa Diễm Lệ” thì chắc mẫm là tiểu thuyết ủy mị hay truyện ái tình của tác giả nữ. Doãn lật đọc vài trang đầu, cậu hơi chán vì chẳng tìm được chút ấn tượng, lôi cuốn nào để có thể đọc tiếp đến trang thứ 4, thứ 5, thế mà ngài Tú Lễ lại cho phát hành ấn phẩm trong khi những bản thảo khác có sức hút hơn nhiều, lại bị ngâm chua thành giấm ở trên góc kệ.

Dù thắc mắc nhưng Doãn vẫn phải thi hành theo mệnh lệnh, ngày in ấn và phát hành tác phẩm, Doãn lại phải làm công tác quảng bá bằng những ngôn từ sao cho bắt tai bắt mắt, nhưng nghĩ làm sao cho ra được cách để tâng bốc tác phẩm này lên thành một áng văn chương tuyệt tác với những điểm thắt mở ấn tượng mới là điều nan giải, bởi đọc hết cả truyện, cảm giác của Doãn về tác phẩm này chỉ là một câu chuyện lềnh bềnh nhàn nhạt với nội dung cũ kỹ, na ná như những tiểu thuyết tình ái bên Tàu, cắt ghép mảnh này thành mảnh nọ, nó chẳng có chút độc đáo, ấn tượng nào riêng biệt trong giới thi văn.

Doãn uống một ngụm nước trong khi cổ họng đã khát khô vì mải mê với mớ bản thảo và hình ảnh minh họa từ những họa sĩ gửi mẫu về, cậu chống cằm và đặt một câu hỏi trong tâm trạng ngạc nhiên lẫn chút gì đó thất vọng:
– Chị Hoa này! Chị nghĩ gì về gu văn chương của ngài Tú Lễ?
Người đồng nghiệp tên Hoa, là một phụ nữ trạc ngoài 30 tuổi, tóc cắt ngắn, ít nói và cần mẫn khẽ bật cười một tiếng:
– Tầm tư tưởng của ngài Tú Lễ thì chỉ có đại thi hào, hoặc người đạt giải Nobel văn học mới thẩm định được, chị thì chịu thua.
– Em thật khó hiểu với quyết định của anh sếp nhà mình, có những tác phẩm hay thì lại để mọc rêu trong xó xỉnh, có những tác phẩm chẳng ấn tượng gì lại cho phát hành gấp rút, quảng bá ầm ầm…là sao chị? – Doãn hỏi trong sự khó hiểu.
– Cái này, em phải hỏi anh Nam.
Lúc này, cô nhân viên tên Hoa đưa mắt về phía Nam, một đồng nghiệp cùng phòng để chờ câu giải đáp.
– Nếu muốn giải đáp chính xác, em phải hỏi chị Tư bán café kế Trung tâm, chứ anh cũng chưa giải thích trọn vẹn được đâu.

Lúc này, cả hai người đồng nghiệp cất tiếng cười giòn tan mà giọng cười pha lẫn chút gì đó như hài hước và châm biếm. Vậy là từ hôm đó, mỗi buổi trưa hoặc chiều, Doãn lại ra quán café chị Tư, cái quán đã tồn tại cạnh góc Văn phòng, nằm sâu trong con hẻm gần hai chục năm nay, góc bàn nhỏ trở thành nơi quen thuộc của Doãn và chị Tư cũng đã đặt cho Doãn một biệt danh “Doãn ròm” vì cái dáng cao lêu nghêu, tay chân dài ngoằn và làn da trắng nhách. Từ khi thành khách quen của quán, Doãn có một góc nhìn thú vị về con người qua những câu chuyện đời thường, bằng lời lẽ đơn thuần, rốt ráo của dân bán buôn thành thị. Điều làm Doãn ngạc nhiên là chị Tư lại rành rẽ về từng người trong Văn phòng như người nhà, từng tính cách, gu uống café, nước ép chị cũng am hiểu rõ, này là thằng Phi thích café đá không đường, con Kiều Phương thì thích siro sữa đá bào, cho thêm vài trái sơ ri làm mứt, con Hoa thích nước chanh nhiều đường, thằng Nam thì ưa café đen nóng ngọt, đặc biệt ngài Giám đốc thì thích café sữa đặc mà phải sữa ông Thọ mới ra đúng cái vị ổng ưa.

Doãn đưa tay khuấy ly cam vắt vàng tươi còn đọng lớp đường dưới đáy ly dày cộm, dù đã là khách quen của quán gần cả tháng nay nhưng Doãn cũng là người tế nhị nên chỉ ghé quán chị Tư uống nước rồi nghe người ta nói chuyện xã hội tân thời, lúc bấy giờ, chưa có những thông tin mang tính scandal hay là viral tràn ngập trên báo mạng, chủ yếu những vị khách đàn ông chỉ đọc tin tức trên báo giấy rồi bàn tán với nhau rôm rả, câu chuyện nhà máy này, xí nghiệp nọ, thông tin từ nhà nước phổ biến đến dân, mấy người đơn thân thì thích xem mục tìm bạn bốn phương…ai có tiền lắm mới mua được cuốn Tạp chí giấy màu. Có một cuốn mà cả xóm tranh nhau mượn, người này coi xong thì đến người kia chứ đâu phải như bây giờ, giàu nghèo gì cũng có cái điện thoại mà ngồi lướt web.

– Chị Tư, hôm trước em nghe anh Nam phòng sáng tác nói muốn biết gu văn chương của ngài Tú Lễ là phải hỏi chị, chị biết tường tận, chị thọ giáo cho em vài điều chứ em thắc mắc mà chẳng biết hỏi ai.
– Sao? Mày thắc mắc cái gì?
– Em thắc mắc là sao ngài Giám đốc lại có gu chọn bài khó hiểu quá, nhiều tác phẩm hay thì bỏ xó, tác phẩm lều phều thì lại gấp rút phát hành, lại còn quảng bá rầm rộ.
Doãn đặt câu hỏi thật thà trong khi chị Tư đang loay hoay đơm đá bào cho một cái ly siro hấp dẫn.
– Vậy là mày chưa biết tính ông sếp mày rồi.
– Thì đó, nên em mới ra đây thọ giáo chị nè!
– Đang hỏi về nhân vật chuẩn bị được quảng bá lềnh bềnh phải không?
– Ôi Trời, sao chị biết hay vậy? – Doãn trố mắt ngạc nhiên
– Thì mấy nay tụi bên Văn phòng qua đây uống nước nói chuyện, tao nghe được.
– Vậy mà chả người nào thèm nói em nghe. – Doãn tỏ vẻ bực dọc, uống ực một ngụm nước cam trong khi chị Tư thì cười khanh khách.
– Thì nó kêu mày qua hỏi tao là tụi nó nói cho mày biết rồi đó.
Bất chợt, chị Tư đánh tiếng, ánh mắt nhìn về phía bên kia đường.
– Kìa, mày nhìn kìa!
Lúc này, Doãn nhìn theo hướng hất mặt của chị Tư, bên kia đường, người phụ nữ lần trước đến phỏng vấn xin việc cùng Doãn đang bước ra khỏi cổng Trung tâm, vẫn là cách ăn mặc tân thời, kính râm đen, trang điểm kỹ càng như minh tinh điện ảnh, cô này được nhận vào làm phòng hành chánh, mà lạ cái là làm phòng hành chánh mà cô lại có tác phẩm được ngài Tú Lễ cho in ấn phát hành nhanh chóng trong khi những phòng chuyên môn khác thì chật vật lắm mới được ngài duyệt cho vài bản thảo để phát hành.
– Mày có được như người ta không?
Doãn nghe chị Tư hỏi thì ngạc nhiên
– Được gì vậy chị?
– Thì mầy nhìn coi, mầy có giống con nhỏ đó không?
– Trời! Em là đàn ông con trai, sao mà giống cô đó được chị.
– Thì đó, mày không giống vậy nên mày chỉ có vậy.
Rồi chị nói tiếp trong khi tay vẫn thoăn thoát lọc vợt café:
– Mày nhìn kìa, mày có cái tướng đi giống vậy không?
– Tướng đi ẻo lả hả chị?
– Cái tướng dách dách sảnh đó, ăn tiền chỗ đó nha mậy.
– Ủa, là sao chị? – Lúc này Doãn lại một phen ngơ ngác
– Là tướng cái mông một bước đẩy qua trái, một bước đẩy qua phải. Ông Bà xưa nói, tướng đó đẻ nhiều. Thằng cha nào có máu dê, nhìn thấy cái tướng là khoái liền.
– Trời đất, có vụ này nữa hả chị?
– Sao không mậy, mày khờ quá! Đàn bà con gái, một tiếng là “anh”, hai tiếng là “em”, đon đả, ẻo lả, thêm cái mông lắc qua lắc lại, nhiêu đó là ngon lành rồi.
– Hèn chi, mấy lính lác tép riu như em phải đi tâng bốc bở hơi tai là vì cái tướng dách dách sảnh này.
– Đó, giờ mày biết gu của sếp nhà mày chưa?
– Thiệt, sinh ra làm đàn bà con gái sướng quá hen chị? Ai như đàn ông con trai tụi em. Làm tối mặt tối mũi mà đề nghị cái gì cũng khó khăn.
– Sướng gì mày ơi, tùy người thôi, như tao nè, buôn bán thấy mẹ có sướng gì đâu, gặp thằng cha chồng còn say xỉn quanh năm. Mỗi người có cái số.
Nói đến đó, chị Tư lại buông một tiếng thở dài rồi nhanh tay pha ly café đen cho khách. Buổi chiều dịu nắng, những con đường Sài Gòn đông xe cộ vào giờ tan tầm, chiếc mô-bi-lết của Doãn cũng hòa vào giữa dòng người hối hả của cuộc mưu sinh, những ánh đèn đường loang loáng bật lên trong sự nhộn nhịp của khu thành thị về chiều…

Vậy là ngót nghét cũng đã hơn 3 năm Doãn gắn bó với cái Trung tâm sáng tác Thiên Hà này với những vui buồn, hỷ nộ đan xen và đã chứng kiến nhiều cuộc ra đi của những nhân viên cũ mới. Nhiều lúc Doãn cũng muốn đặt lên bàn ngài Giám đốc một lá đơn xin thôi việc vì chẳng thể chịu được cái “gu” mặn mòi của sếp, khi nhìn thấy đống bản thảo tâm huyết và giá trị của nhiều người bị bỏ xó, là phải quảng bá cho những tác phẩm nhạt nhẽo nhưng đúng sở trường, đúng gu của ngài Giám đốc, là chứng kiến những người đồng nghiệp mang tâm trạng thất vọng nhưng chẳng buồn bộc bạch thành lời, chỉ âm thầm làm cho hết phận sự rồi thả những cảm xúc bên ngoài quán nước, trong đó có cả Doãn. Là câu hứa hẹn “để đó, từ từ” mà Doãn biết đó chỉ là câu nói qua loa để đưa những bản thảo chìm vào quên lãng…
Doãn đặt một tập giấy lên bàn ngài Giám đốc rồi cất giọng trịnh trọng:
– Dạ, em đã điều chỉnh lại bản thảo theo ý anh rồi, nhờ anh xem qua giúp em!
– Cậu cứ để đó.
– Dạ, còn truyện ngắn của em, em gửi anh hơn 10 ngày rồi, dạ đã có kết quả chưa vậy anh?
Trong khi Doãn có vẻ nôn nóng thì ngài Tú Lễ lại xoay xoay cái ghế như đang mưu sự điều gì.
– Cậu cứ để từ từ, anh còn nhiều việc phải giải quyết.
– Dạ từ từ là khi nào vậy anh?
– Cậu đừng có đặt câu hỏi với anh, khi nào anh duyệt, anh sẽ báo, thế nhé!
– Dạ nhưng tác phẩm đó em đã tốn kém rất nhiều thời gian thực hiện và đã chỉnh sửa lại nhiều lần theo ý anh rồi ạ, nếu còn vướng mắc chỗ nào thì anh cho em biết, vì đó là tâm huyết của em mà anh!
Lúc này, ngài Tú Lễ nhìn Doãn rồi đáp bằng giọng dửng dưng, có phần khó chịu:
– Tôi là sếp của cậu, khi nào tôi duyệt là chuyện của tôi, cậu không được ra lệnh cho tôi bằng thái độ đó.
– Dạ, em không có ra lệnh, em chỉ nhắc anh thôi vì em thấy đã quá thời gian duyệt bài rồi mà anh chưa trả lời nên em nhắc để anh xem giúp em thôi ạ!
– Quá thì đã sao? Quan trọng là được duyệt hay không thôi, cái gì cũng phải từ từ.
– Dạ, nhưng nó cũng phải hợp với tình hình thời cuộc chứ anh.
– Tôi chả cần thời cuộc hay không thời cuộc, chúng ta còn nhiều việc khác quan trọng hơn mấy cái bài viết này.
– Dạ, anh nói vậy thì em hiểu rồi. Thôi em xin phép, em chào anh.
Dứt lời, Doãn rời khỏi phòng ngài Tú Lễ trong tâm trạng nặng nề bức bối, đầu Doãn như muốn nổ tung, phút chốc cậu nhận ra mình đã hoang phí công sức, chất xám nơi đây chỉ để đổi lại sự thờ ơ, vô cảm, bị tận dụng sức lực cho mục tiêu không chính đáng, nhưng cậu ráng kiềm chế lại để không phải lớn tiếng trước cách xử lý công việc mang tính cá nhân, thiếu trách nhiệm của ngài Giám đốc. Rốt cuộc, việc lớn của ngài ấy là gì nếu không phát triển được người tài, không tận tâm cho thời cuộc? không lẽ cái quan trọng của ngài hướng đến là nâng đỡ cho những áng văn chương lè tè không chút bản sắc riêng?

Lá đơn xin thôi việc được Doãn xếp lại ngay ngắn và kẹp trong cuốn sổ, dự định sẽ nộp vào trưa nay, trong lúc loay hoay sắp xếp dọn dẹp lại mớ hồ sơ sổ sách trên bàn thì Doãn nghe loáng thoáng ở dãy hành lang tiếng người qua lại, cậu nhìn sang thì thấy một người đàn ông với dáng người cao to, đóng trang phục sơ-vin, trạc ngoài 60 tuổi, đang lớn tiếng trước cửa phòng sếp Lễ.
– Con Kiều Phương, ngày mai nghỉ việc, tìm nơi khác mà làm, làm ở chỗ này, khi nào mới khá lên được. Đấy! Ấn phẩm xuất bản ra dân chúng họ chê đầy tai kia kìa, ba cái văn chương vớ vẩn, nhạt thếch ấy thì ai mà đọc, bao nhiêu vốn liếng đổ vào đấy. Quảng bá đến tận trên mây mà đọc vào thì chả ra ngô ra khoai gì, họ bảo cái Trung tâm này là Trung tâm lá cải, có mà xấu hổ cả đám hay không?
Trong khi người đàn ông vẫn tỏ vẻ bức xúc và lớn giọng thì lúc này, tiếng ngài Tú Lễ cất lên chậm rãi trong phòng:
– Thôi bác ạ! Bác không muốn cho con Phương làm nữa thì cứ đưa nó về, chứ bác làm náo loạn ở đây, mất mặt cháu hết.
– Cậu mà biết mất mặt thì đâu có làm cái trò xấu hổ này. Này, nhắm làm được thì làm, không đủ năng lực thì buông đi rồi về mà làm đồng làm rẫy, đi bán buôn ngoài chợ chứ mang cái chức danh cho nặng mà chỉ nghĩ cho bản thân thì thôi, dẹp, dẹp ngay!
– Sao bác lại nói vậy, cháu có làm gì đâu!
– Cậu còn chối nữa à? Cậu thôi ngay cái trò thích đánh bóng tên tuổi mình đi nhé! Lập ra cái Trung tâm mà không giúp ích được cho người khác mà chỉ để phục vụ mục đích cá nhân cho cậu thì chả có uy tín gì đâu. Tôi trợ vốn cho cậu là để cậu phát triển cho những tài năng chứ không phải để cậu tự do thao túng, nâng đỡ những kẻ bất tài. Còn thế nữa, tôi sẽ ngưng cấp vốn cho cậu đấy! Cậu tự mà xoay sở lấy.
– Bác nghe cháu nói, bác đừng nóng vội như vậy, chuyện chả phải thế đâu.

Những tiếng đấu tố, phân trần qua lại sau một hồi cũng trở nên im lặng khi người đàn ông lớn tuổi bỏ đi. Nhìn dáng vẻ của ông và nghe những lời ông ấy nói, Doãn đoán ông chính là người đã đứng sau lưng và trợ vốn cho Trung tâm này hoạt động. Trước đây có đôi lần, vài người trong Văn phòng nói, ông ấy là người có vị thế và uy quyền đằng sau sự tồn tại và phát triển của Trung tâm sáng tác Thiên Hà, và ngài Tú Lễ là cháu gọi ông ấy là bác, còn cô Kiều Phương thì gọi bằng ông, hóa ra họ là người trong một gia đình.

Sau ngày hôm đó, Kiều Phương không còn làm cho Trung tâm Thiên Hà nữa, buổi chiều, khi Doãn chuẩn bị ra về, Kiều Phương đã đi đến chỗ bàn làm việc của cậu rồi nói lời từ biệt:
– Anh Doãn ở lại làm việc mạnh khỏe nha! Mai Phương nghỉ rồi.
Lúc này, Doãn khựng lại vài giây, cậu im lặng không nói gì vì tâm trạng khá bất ngờ và một cảm giác lọt thỏm vào vùng trũng của một nỗi buồn, nó thật vô định.
– Phương không làm nữa à?
– Ừ! Phương về làm chỗ khác. Hôm qua chắc anh cũng nghe câu chuyện rồi đó.
Doãn im lặng rồi khẽ gật đầu.
– Anh ở lại làm việc, nếu thấy phù hợp thì tiếp tục, nếu không thì tìm chỗ khác phù hợp hơn. Anh làm việc rất tốt, nhưng không biết nơi này có giữ được anh ở lại hay không.
– Cảm ơn Kiều Phương! Chúc Kiều Phương thành công và tìm được niềm vui nơi làm việc mới.
– Cảm ơn anh! Nếu có gì cần thì liên lạc với Phương.
Doãn khẽ gật đầu rồi mỉm cười chào tạm biệt Kiều Phương, lòng Doãn bất giác nghe nằng nặng. Cậu đặt bàn tay lên cuốn sổ có tờ đơn thôi việc mà không nói với cô gái ấy rằng cậu cũng sẽ phải tìm một nơi làm việc mới.
Chiều hôm đó, Doãn vào phòng ngài Tú Lễ, cậu nhẹ nhàng đặt tờ đơn lên bàn của sếp, trong khi ngài vẫn đang chăm chú đọc một bản thảo nào đó. Doãn nghĩ, chắc lại là bản thảo đúng “gu” vì nó vẫn còn nguyên sơ trên bộ giấy trắng, thường những bản thảo này sẽ được đưa qua cho các phòng chuyên môn xem và duyệt trước mới trình qua cho ngài một bản đã hoàn thiện theo mẫu của văn phòng, còn bản nguyên sơ này chắc lại là bản đi đường tắc.
– Cậu về phòng đi, khi nào duyệt, tôi sẽ báo.
– Dạ không anh ạ, đây không phải bản duyệt mà đơn anh ạ.
– Đơn gì?
Lúc này, ngài Giám đốc quay sang nhìn tờ đơn trên bàn, đôi mài ngài nhíu lại, ngài đặt bút xuống bàn và quay sang Doãn:
– Cậu muốn nghỉ việc vì nghe câu chuyện hôm qua đó à?
– Dạ không, em nghỉ vì có lý do riêng, chuyện hôm qua em không biết và cũng không liên quan đến em, anh ạ.
– Cậu không tin tôi chứ gì? Cậu nghe lời ông già đó nên xin nghỉ việc chứ gì?
– Dạ không, em xin nghỉ vì lý do khác.
– Lý do gì?
– Dạ, vì em không có dách dách sảnh, thưa anh.
Ngài Tú Lễ bỗng ngớ người, nhìn Doãn bằng mắt tròn mắt dẹt và hỏi với theo trong khi Doãn đã đi ra gần đến cửa phòng
– Ơ! Dách dách sảnh là cái gì?
– Dạ, anh muốn biết, có thể hỏi chị Tư bán café cạnh Văn phòng.
Doãn quay lại trả lời gọn nhẹ rồi bước ra khỏi phòng của sếp, ngài Tú Lễ ngồi xuống ghế, vẻ mặt vẫn chưa thôi hậm hực.

Một thời gian sau, trong một chiều cuối năm, Doãn đi làm về, sẵn đường ghé lại quán café chị Tư, cũng là ngày Doãn đọc thấy tin Trung tâm Thiên Hà giải thể, vậy là những hào quang hư ảo, những đốm lửa hư danh được thắp lên từ những tham vọng cá nhân cũng đã bị lụi tàn. Những gương mặt tô vẽ đủ mọi nhân dạng bề thế, đẹp đẽ, tiếng tăm rồi cũng bị trôi tuột sau một cơn mưa. Lời của người đàn ông cao to thần thái với mái tóc bạc, giọng nói sang sảng bỗng trở lại trong đầu Doãn “Chỉ có người xấu chứ không có việc xấu, ở đâu cũng có những người ưu tú và thành phần tiêu cực. Đừng mang vác những thứ quá nặng khi nó không thuộc về mình, để rồi nó trở nên quá sức và lố bịch”.

Với những cạm bẫy ngọt ngào thì khó ai thoát được bởi cái tham nó chính là một phần trong đời sống nhân sinh con người, nó như cái vòng luẩn quẩn xô đẩy người ta ngã chúi dụi, chính vì tham nên con người mới trượt dài vô những việc làm lệch lạc, mới mang những chiếc mặt nạ da người để sáo lộng với nhau, cho đến khi chiếc mặt nạ rơi ra mới thấy mình lẻ loi và trơ trọi.

Ly cafe đã tan đá từ lúc nào, tờ báo trên tay xếp lại, sau những tiếng bông đùa qua lại với chị Tư hàng nước là một tiếng thở dài, trôi sâu vào lòng của Doãn. Đèn hai bên đường đã bật, Trời đã đổ về chiều, chiếc mô-bi-lết chậm rãi rời đi sau tiếng máy nổ đùng đùng lẫn trong làn khói đục…

Lời kết: Qua câu chuyện, chúng ta có thể thấy những giá trị ảo luôn là thứ lung linh hấp dẫn mà con người thường dốc công theo đuổi nhưng giá trị ảo rồi cũng sẽ bị bóc trần và đảo thải. Tên nhân vật và địa điểm trong Tác phẩm chỉ mang tính hư cấu.

bài đã đăng của Võ Đào Phương Trâm

Phần Góp Ý/Bình Luận


Xin vui lòng bày tỏ trách nhiệm và sự tương kính trong việc sử dụng ngôn ngữ khi đóng góp ý kiến. Da Màu dành quyền từ chối những ý kiến cực đoan, thiếu tôn trọng bạn đọc hoặc không sử dụng email thật. Chúng tôi sẽ liên lạc trực tiếp với tác giả nếu ý kiến cần được biên tập.

Lưu ý: Xin vui lòng bỏ dấu tiếng Việt để giúp tránh những hiểu lầm đáng tiếc từ độc giả trong việc diễn dịch ý kiến đóng góp. Bài không bỏ dấu sẽ không được hiển thị. Xin chân thành cám ơn.

@2006-2023 damau.org ♦ Tạp Chí Văn Chương Da Màu
Log in | Entries (RSS) | Comments (RSS)