Trang chính » Biên Khảo, Nhận Định Email bài này

Thần, Người Lùn, Tiên Nữ – Phê Bình Cận Văn Học / Phê Bình Thời Dịch Bệnh

Những ngày này, người của văn chương có khi nào bỗng nhớ đến lời “ông Huấn Cao” khuyên người quản ngục?

 “Ở đây lẫn lộn. Ta khuyên thầy Quản nên thay chốn ở đi. Chỗ này không phải là nơi để treo một bức lụa trắng trẻo với những nét chữ vuông vắn tươi tắn nó nói lên những cái hoài bão tung hoành của một đời con người […] Ở đây, khó giữ thiên lương cho lành vững và rồi cũng đến nhem nhuốc mất cái đời lương thiện đi” (Nguyễn Tuân –  “Chữ người tử tù”). 

Nếu hiểu “thiên lương” của viên quản ngục như tên gọi một trạng thái trong sáng tự nhiên, biết khám phá và rung động vì những ý nghĩa mới như đứa trẻ nghe được cả đại dương trong chiếc vỏ ốc nhỏ nhoi (gần gũi với ý tưởng “transcendence” của phương Tây), thì thời nào cũng vậy, đối với nó tù ngục là một không gian hủy diệt. Giữa cơn tàn phá của đại dịch, các nước phương Tây khởi xướng biện pháp tự bảo tồn bằng cách áp đặt tình trạng cấm cố vô thời hạn lên toàn thể dân chúng, hạn chế tối đa việc di chuyển và tiếp xúc giữa con người, tạo ra một tình trạng dễ liên tưởng (dù không có ngụ ý phê phán) đến một nhà tù lớn. Với sự đóng cửa các rạp chiếu phim, nhà sách, bảo tàng, thư viện, con đường mọi cư dân tiếp cận với văn hóa nghệ thuật quy ước bị gián đoạn – một hàng rào cản đẩy nhanh hơn sự thay thế các bộ môn này bằng mạng xã hội và các dạng gameshow, dẫn đến đại trà tình trạng thụ động hóa tinh thần, và sự đào thải cái “thiên lương” mỹ học1

Có thêm thời gian và bớt mục tiêu, người tiêu thụ loại hình truyền thông mới bão hòa ý thức của mình với dòng chảy giải trí ồ ạt những thông điệp phàm phu, cạn nghĩa và lập lại. Sự giải thoát bất đắc dĩ khỏi lao động đồng thời cũng giải thoát con người khỏi lao động tư duy. Khi dùng trật tự nhạc tính làm thước đo tinh thần cái xã hội trong nhà tù, và nghe thấy từ vận động của nó “một bản đàn mà nhạc luật đều hỗn loạn xô bồ”, Nguyễn Tuân có lẽ không ngờ rằng cách dùng từ của ông sẽ còn đặc biệt chuẩn xác hơn nếu áp dụng vào nhà tù lớn của thế kỷ 21.

Trước chân trời đang ló dạng một viễn ảnh nhiều khủng hoảng cho toàn bộ nền văn học, bộ môn phê bình văn học đến lúc phải đấu tranh để khẳng định mục đích tồn tại cho văn học nói chung và cho bản thân bộ môn. Từ lâu, cùng với sự phát triển của xã hội tiêu thụ, phê bình văn học bị đẩy dần về thế co cụm trong tháp ngà hàn lâm, ngoại trừ việc xuất hiện trên các phương tiện truyền thông dưới hình thức bài điểm sách ngắn (một cách quan hệ công chúng thay mặt các nhà xuất bản). Phải nhìn nhận rằng phương pháp giải kiến tạo (deconstruction) của phê bình văn học đã có ảnh hưởng rất to lớn đến các ngành nhân văn xã hội, và từ đó, đến các quan hệ xã hội hiện đại; nhưng nhìn một cách tổng thể, dường như các nhà phê bình đã ấn định danh giá trong nghề nghiệp mình đến từ sự thách đố khả năng lãnh hội và quan tâm của người đọc ngoại đạo.

Giữa thời đại mạng, sách mạng là biên cương cuối cùng của văn học; chúng là di sản của thời kỳ khi internet còn dùng chủ yếu để chia sẻ các dạng tư liệu, và khởi đầu từ lao động số hóa tự nguyện của công dân mạng (sách mạng thương mại đã xuất hiện, nhưng chỉ là một phần của thư viện bao la tồn tại trên internet). Vì xuất xứ chủ yếu từ sự tự nguyện và tự phát, mặc nhiên sách mạng phản ảnh trung thực những gì người đọc bình thường sở hữu và yêu thích – nhìn vào sách mạng, ta thấy được cái hiện tại mong manh mà văn học (đặc biệt là văn học trình bày qua tiếng Việt) còn giữ được và đang cố gắng bảo vệ để ngăn cản một tương lai bi đát.

Từ các khuynh hướng giải trí bằng sách mạng, các nhà phê bình phải nhìn nhận mấy trăm năm tiến bộ của kỹ thuật và lý luận văn học sau thời đại Dumas không lay chuyển được thói quen của xã hội độc giả; người ta vẫn đọc chủ yếu truyện kinh dị, kiếm hiệp, hoặc tiểu thuyết đen (noir fiction), truyện ái tình, nhưng những hậu duệ theo cùng lối mòn và mang cùng hơi hướng, cung bậc của Romeo và Juliet hay Ba người lính ngự lâm pháo thủ nay chỉ còn được coi là cận văn chương (paraliterature). Các danh sách trúng giải Nobel, hoặc danh sách những người “đáng lẽ phải trúng Nobel”, và “những cuốn sách vĩ đại” ấn định ra ý thức của thời đại về chuẩn mực được nhìn nhận trong văn học; tuy nhiên, thị hiếu thế giới mạng vẫn có vẻ phục tùng nhiều hơn những danh sách và quy luật của các best-seller. Giai thoại (hoặc huyền thoại) kể rằng khi Ian Fleming gặp mặt Kim Dung, hai ông khoe khoang rằng đã chia đôi độc giả toàn thế giới; người đọc mong muốn nội dung trưởng thành hơn có thể thay thế họ bằng John le Carré và Cổ Long, nhưng thị trường vẫn là của cận văn chương, và các thư viện mạng vẫn là con riêng của thị trường.

Tình trạng cấm cố vì dịch bệnh tạo điều kiện, và trong nhiều trường hợp, bắt buộc nhà phê bình chuyên nghiệp thay đổi thói quen. Các thư viện, nhà sách bị đóng cửa, tạp chí và nhà xuất bản chuyên ngành hoạt động cầm chừng, làm họ mất đi phần nào nguồn tham khảo; các ban giảng huấn, các hội thảo, buổi thuyết trình cũng lùi xa hơn khỏi đời sống của họ, giúp giảm đi những ảnh hưởng tư duy tập thể. Trong không gian riêng tư và khép kín, họ có điều kiện, và có lý do, để chú ý nhiều hơn đến sách mạng và nền cận văn học mà chúng chuyển tải. Ngoài ra, một số nào đó cũng cần tìm một sự giải trí nhẹ nhàng để trốn tránh nỗi trăn trở lo âu (anxiety) về sinh mạng và sinh kế. (Nói cho cùng, ngay cả Wittgenstein, triết gia có tư tưởng uyên thâm bậc nhất, thường ngày cũng đọc truyện cao bồi lúc sinh thời, thay vì sách triết).

Mùa dịch không nhất thiết chỉ là một biến cố đối với giới học thuật, nó cũng có thể là một cơ hội (sở dĩ chỉ “có thể” vì chưa thấy nhiều bằng chứng chứng minh giới học thuật đã có biến chuyển gì đáng kể). Việc đọc sách mạng nhờ mùa dịch đã cứu vãn được phần nào tính chính danh; dù vẫn là hành động vi phạm tác quyền, tình thế bất đắc dĩ đã làm cho nó bớt trái với lương tâm, hoặc ít nhất, trở thành một loại “tội lỗi có thể thông cảm”, một sự “phạm tội vì lý tưởng” theo kiểu lý luận Raskolnikov. Đây không chỉ thuần túy là việc chuyển đổi một phương tiện, là sự thay thế cuốn sách thư viện bằng cuốn sách số hóa, mà là một sự thay đổi quán tính tư duy và diễn ngôn văn học, như sẽ phân tích ở dưới. “Sách mạng” nên hiểu như một biểu tượng hơn là một sự vật – một sự liên tưởng hợp vận với “cách mạng”? Ý nghĩa của nó có thể bao gồm cả những bộ phim, vở kịch được tải lên trên Youtube, hay sách do tác giả cho đọc trên website miễn phí – những thứ mà người bình dân trông cậy vào để tiếp cận nhân văn, và trở thành một phép ẩn dụ cho nền tảng nhân văn của họ.

Sau khi bỏ xuống cặp kính học giả, người ta trở lại với vai trò một người đọc nguyên thủy, mà với họ việc đọc là một hành trình – và phê bình, qua đó, trở thành một loại du ký. Đồng hành trên những ngả đường với người độc giả bình dân và mang cùng những trang bị như họ, nhà phê bình mở cửa cho bộ môn của mình thoát khỏi sự thâm nghiêm của nền “văn hóa cao tầng” (high culture), điều chỉnh những công cụ phân tích và lý giải chiều sâu cho thích hợp với việc áp dụng vào cận văn học – về bản chất, hình thành ra dạng phê bình thư giãn của những kỳ nghỉ lễ, nghỉ phép. Viễn ảnh này trên thực tế sẽ là một cuộc “công cộng hóa” hoặc “dân chủ hóa” phê bình văn học, quay trở về mục tiêu có lẽ là nguyên thủy của nó: đánh thức trong người đọc những khuynh hướng diễn giải chiều sâu, giúp cho những người yêu sách có được những khám phá bất ngờ, và những câu chuyện gẫu sinh động lý thú về các tác phẩm.

Vì những điều đó mà có bài viết này.

o0o

Như đã nói, ngày nay, rất nhiều trường hợp chiều sâu ý tưởng và bút pháp điêu luyện tương đương với những danh tác kinh điển trong quá khứ chỉ giúp người ta vào được đến thứ hạng cận văn học (le Carré và Cổ Long là những ví dụ; ngoài ra còn có Frank Herbert của khoa học viễn tưởng, hoặc Simenon của trinh thám). Một phần lý do của việc này là do tập quán phân biệt thể loại (“trinh thám không thể coi là văn học chính thống”), nhưng phần lớn vấn đề đến từ bước ngoặt của văn học tiến vào chủ nghĩa hiện đại. Từ bước ngoặt đó, sự rạn nứt đã mở ra giữa giải trí và suy tưởng, giữa động cơ tìm đọc văn chương của độc giả trung bình và diễn ngôn về giá trị văn học của giới phê bình lý luận chuyên nghiệp.

Một kỷ nguyên dài từ sau cách mạng kỹ thuật mở ra vô số kỳ vọng say sưa, tiếp đến là những xáo trộn lớn nhỏ, đã dẫn các nhà văn đến với niềm “kinh sợ và run rẩy” theo lời Kierkegaard, đến với sự ám ảnh về cái xa lạ đằng sau hình bóng trong gương, và dẫn văn học đi sâu vào tâm trạng hoài nghi, nội quan (introspective) hay tự quán chiếu. Mọc lên từ ngòi bút văn chương một hình ảnh CON NGƯỜI viết hoa, một thực thể vĩnh cửu (một cách tình cờ, thường là nam giới). Trong thế giới hiện đại Gregor Samsa = bác sĩ Rieux = Holden Caulfield, đều là những vỏ chứa (vessel), đựng bên trong một nạn nhân hiện sinh thường xuyên tự phản biện và dò dẫm trong cái phi lý của hiện hữu kiếp người giữa một thế giới được tả như là vô tình, vô mục đích2. Kỹ thuật văn học mới xóa mờ đi ngoại hình nhân vật, bước qua các lộ tuyến, từ bỏ cách phân chia thiện ác – các nhân vật chỉ còn là sự phân biệt những trạng thái hoặc thời điểm khác nhau, hay những mảnh vỡ của CON NGƯỜI – cũng có nghĩa là, của chính cái Tôi (the Ego), kể cả là cái Tôi tăm tối. Đó là lý lẽ điên cuồng của Ivan Karamazov tại phiên tòa xử kẻ giết cha: “Tất cả đều muốn cha mình chết đi. Rắn nuốt rắn… Nếu không có kẻ giết cha thì tất cả bọn họ sẽ nổi cáu và tức tối điên khùng”. Tuy không phải hoàn toàn chi phối được môi trường văn học, khuynh hướng duy tâm nói trên đã tạo nên những thành tựu nổi bật nhất trong khoảng thời gian hai thế kỷ vừa qua, và đã được nhìn nhận như mốc phát triển cao nhất/tất yếu của tư tưởng văn học hiện đại.

Giã từ truyền thống văn học kể chuyện cố làm cho người ta tin, trào lưu mới tìm cách đánh thức lý trí, và đòi hỏi nó làm công việc hoài nghi, chất vấn. Từ mục tiêu duy lý cải lương của thời Khai sáng, lý trí đã trở thành một ám ảnh càng lúc càng lớn đối với từng thế hệ người viết; sự tập trung năng lực tinh thần của họ khiến cho lý trí trở thành một công cụ quá sắc bén, hoặc một thứ ánh sáng chói chang cắt xuyên qua mọi vật nó chạm đến – chính vì thế, người ta có thể cảm thấy trong văn hiện đại có quá nhiều sự khắc nghiệt và hủy hoại (ai có thể quên được cách Sartre nhắc đến ‘hai hòn dái xám xịt” của một ông đeo Bắc đẩu bội tinh?)3. Chính vì khả năng mổ xẻ quá nhạy cảm của lý trí mà các nhà văn mòn mỏi không tìm ra được một giải thích triệt để cho sự hiện hữu của kiếp người; mọi tri kiến về cứu cánh xét đến cùng đều dẫn sâu vào một mê cung tối nghĩa (theo kiểu “đường lối của luật pháp đòi hỏi không những người ta bị kết án trong khi vô tội, mà còn phải mù mịt về luật pháp” – Kafka, Vụ án) và sự cô độc trong mơ hồ của buổi chiều ngồi đợi “Godot”.  Người ta dễ hình dung các cây bút hiện đại như những ông Job trong Cựu ước đã không còn bị kìm hãm bởi lòng kính sợ Chúa, và văn chương của họ là phiên bản phiếm thần (agnostic) của những lời sau;

Cậy vào sức ư? Chính Người lại là Đấng hùng mạnh! Cậy vào tòa xét xử? Nhưng ai cắt cử Người?
Cho dù tôi có lý, miệng tôi cũng kết án tôi; cho dù tôi có vẹn toàn, nó vẫn chứng minh là tôi bất chính.
Tôi vẹn toàn ư? Chính tôi cũng không hay, tôi chẳng màng sống nữa!
Tất cả đều như nhau; vì thế tôi mới bảo: đứa gian ác cũng như kẻ vẹn toàn, chính Người tiêu diệt hết!

Thật vậy, một nguyên lý thấm xuyên qua tín ngưỡng của Job đến các tác phẩm hiện đại: mô hình chủ nghĩa độc thần. Cả hai, tôn giáo và văn học, đều xây dựng chung quanh sự phóng chiếu nội tâm ra thành cái nhìn về thế giới bên ngoài, hay sự kiến tạo một thế giới trong đó mọi vật tồn tại xoay quanh một trung tâm: Thượng đế thần học hoặc con người triết học (bản thân Thượng đế/Chúa cũng có thể hiểu như cách phóng chiếu CON NGƯỜI theo cách của các thời đại quen siêu hình hóa ý thức thành linh hồn). Nhận định về sự liên quan này rất quan trọng trong việc tìm đến một sự bổ sung vui tươi hơn bên cạnh văn học hiện đại như một đối tượng thích hợp của phê bình. Nó dẫn ta đến phát biểu của Nietzsche: 

“Từ đạo đa thần mà sự sở hữu vô số linh hồn và linh hồn tự do của con người có được biểu hiện ban đầu – khả năng tự sáng tạo cho chúng ta cái nhìn mới, và những cái nhìn mới kế tiếp – để con người trở nên chủng loại duy nhất giữa muôn loài không lệ thuộc vào những chân trời và cái nhìn vĩnh viễn [cố định, chết cứng]”. 

Ông không cho đa thần giáo là tàn tích của thời đại thấp kém: “Sáng tạo ra các vị thần, anh hùng và siêu nhân, cũng như các dị loại chưa thành người, các người lùn, tiên nữ, nhân mã, thổ địa, yêu ma, và quỷ quái, chính là bước khởi đầu vô giá đi đến tính chính danh của bản tính tự tôn trọng và tự mưu lợi trong mỗi cá nhân [… ] Đạo độc thần […] cái hậu quả cứng ngắc của việc dạy dỗ về một khuôn mẫu bình thường cho con người […] đe dọa chúng ta với sự đình trệ tại chỗ trước thời hạn tự nhiên”.

Nếu văn chương hiện đại, “high culture” phản ảnh bóng dáng đạo độc thần, bộ phận văn chương có sự tương quan về bản chất với đạo đa thần phải là cận văn học. Tạm gác sang một bên những hàm ý quá lớn lao trong giả thiết của Nietzsche về hệ quả tự do và cá nhân chủ nghĩa sinh ra từ đa thần giáo, ta khởi đầu với một giả thiết khiêm tốn hơn cho nguyên do việc sáng tạo các vị thần, người lùn và tiên nữ. Đa thần giáo là dạng tín ngưỡng xuất phát từ những hoàn cảnh tự nhiên và dễ gặp nhất của sinh hoạt con người: phương thức mưu sinh bằng lao động vật chất, phải đấu tranh với các hiện tượng thiên nhiên, và tự nhận diện mình trong mối quan hệ với một quần thể nhỏ như gia đình, công việc. Sự mộng tưởng về cõi siêu nhiên trong những thế giới như vậy – bộ lạc, làng xóm nông nghiệp, giới lao động thành thị – là một triển lãm muôn mảnh ghép (mosaic), muôn diện mạo những tình tự trong cuộc đời thường và những gì tác động đến nó; được ghi nhận trong cổ tích và truyền thuyết, rồi xa hơn trong huyền sử và thần thoại, các hình bóng siêu nhiên đại diện cho thời tiết và thiên tai, bệnh tật và thuốc chữa, niềm vui hay nỗi buồn, và may rủi cùng tồn tại song song với ý muốn và hành động con người để cùng nhau tạo nên vòng quay cuộc sống4. Sự nhìn nhận những dung hợp tinh thần của vạn vật như nguyên do cho mỗi chuyển động của đời sống chính là giai tầng tư duy (paradigm) của loài người trước khi tiến sang ý thức ngã mạn, trung tâm hóa bản thân (self-centered) của các dạng giai cấp trí thức (Bà la môn, Nho sĩ, giới triết lý phương Tây), theo đó sự tồn tại của con người là mục đích của cuộc tạo thiên lập địa. 

Cũng giống như đạo đa thần, cận văn học không dựa vào một nền tảng nhân sự trí thức đã qua giáo dục cao tầng, được “chân truyền” (initiated) khắc khổ về thứ nghệ thuật diễn đạt mang tính cục bộ, chìm đắm trong thế giới tư tưởng, và giữ một sự biệt lập nào đó ra khỏi sinh hoạt bình dân (như tăng lữ của các giáo hội và các nhà hàn lâm, học viện chuyên về văn học) để dẫn dắt nghĩa lý kinh điển. Đa thần giáo không truyền bá đức tin hay giáo lý, mà là những lý giải và liên tưởng ly kỳ về thế giới trước mắt; cũng vậy, cận văn học kể về những gì đã có thể có mặt trong thế giới ấy, lấy ra từ những gì có sẵn với sự giúp đỡ của trí tưởng tượng, lòng hiếu kỳ và ước muốn được trải nghiệm. Tuy chỉ là hình thức tiêu khiển, cận văn học cũng đã góp phần tạo nên những “sự thật” phi thường cho cuộc sống của người đọc – ai đếm được Dan Brown đã biến tôn giáo và lịch sử nghệ thuật thành một thế giới kỳ bí dụ hoặc cho bao nhiêu con người? Vì không có một trung tâm, một điểm trừu tượng mấu chốt, một “Thượng đế”, cận văn học không bị thu hút tâm lực vào một hố đen5; nó nhấn mạnh vào sự đa dạng của các lực lượng và tính cách tồn tại trong hoặc chung quanh một bối cảnh sinh sống. 

Trong chuyện kể đa thần (nhất là theo cách diễn đạt của Nietzsche), ta thấy hình bóng một phương thức văn học của các xã hội thô sơ mà Umberto Eco từng nói đến: phương thức dùng việc liệt kê, lập các danh mục dài, tỉ mỉ, để chuyển đạt ý niệm về sự lớn lao trong số lượng các sự vật riêng biệt, và qua đó, hình dung cái vô tận, cái vĩnh cửu có thể chứa đựng được số lượng lớn lao như vậy (theo cách mà bức Thanh minh thượng hà đồ dùng 824 nhân vật cố phác họa diện mạo cái mà người Trung Hoa gọi là “thiên hạ”)6. Eco nhìn thấy ở thuật hoán dụ giản dị này, ở khoảng không chứa trong hai chữ “vân vân”, một ý hướng phóng túng, phi khuôn mẫu, bài trừ mọi thẩm quyền trung tâm, một sự “vô chính phủ” (anarchy)7. Cũng vậy, trong việc sử dụng những hình mẫu đa dạng: người tốt, kẻ ác, lẫn với những kẻ đa diện, cơ hội, hoặc gây bất ngờ đầy dẫy trong mỗi tác phẩm, cận văn học gần như chủ ý thừa kế tính hồn nhiên, tính bản năng trong suy nghĩ của thế giới đa thần. Nó không tin đây là thế giới bất hạnh vì con người bất hạnh; nó chấp nhận từ đầu giới hạn của CON NGƯỜI và – cũng theo một phong cách dấn thân – cố dùng sự hồi hộp, nỗi sợ, tiếng cười, cơn mộng ảo… để làm nhẹ những hệ lụy của thân phận ấy.

Thần, người lùn, tiên nữ… Trước một triết gia đã kêu gọi “trần gian rất đáng để sống đời đời, dù khốn khổ đi chăng nữa”, không lạ gì những tạo vật kia đã có sức quyến rũ đến vậy với Nietzsche. Loài người đã phải tạo ra tập thể những nhân vật siêu phàm, nhưng không phải bằng phương cách ảo tưởng (để rồi lại tiện tay ký thác vào đấy những dằn vặt hiện sinh), mà từ chất liệu thô hiện hữu – họ nhìn ra được tiềm năng lớn lao khi có thể chắp ghép ý thức vào lực lượng thiên nhiên (nói theo kiểu thần thoại Trung Hoa là khai linh). Những cánh đồng mênh mông xúc động đến những góc sâu thẳm nhất của con người bộ lạc, đến nỗi họ cảm thấy được sự tồn tại của một linh hồn – và có gì hợp tự nhiên hơn là hình dung linh hồn ấy như những vị bán thần, có đầu và móng dê, tung tăng nhảy nhót và cất lên tiếng sáo lau sậy giữa trời đất bao la? Cũng như thế, sự ấm áp của ngọn lửa bếp, với tâm hồn dễ rung cảm, cũng nhất thiết phải là hơi hướng một vị Táo quân, vị thần chung thủy và hiền lành, ẩn mình trong không gian riêng tư mật thiết của một gia đình và yên lặng lắng nghe mọi bí mật. (Kể cả cái ác truyền kỳ cũng có công dụng; gọi tên sự sợ hãi, ký thác nó vào các loại yêu ma, chính là một cách đưa nỗi sợ ra giữa công khai, biến thành một sự nối kết cộng đồng, đồng thời giải tỏa nó khỏi vị thế bí mật, ức chế). Tôn giáo “trí tuệ” cũng bị chuyển đổi, khi các nhịp điệu nghi thức của chúng hòa vào nhịp điệu thiên nhiên và không gian sống bình dân: “Ngón tay chỉ mặt trăng” trở thành tín ngưỡng Thập phương Chư Phật, bao gồm những hình tượng như Đại Nhật Minh Vương (mặt trời) và Phật Dược Sư (cây thuốc); “Đức Chúa Trời kỵ tà/ghen tuông” của Sách Xuất hành, của Vatican, đến Trung Mỹ được đặt lên cùng một bàn thờ với những biến thể ngụy trang của Nữ thần Mẹ Đất và cả Thần chết.

Nhìn từ góc độ này, có thể thấy sự tương đồng giữa cận văn học và một vài hình thức giản lược của văn hóa tín ngưỡng – những “fan cuồng” hàng năm nườm nượp đổ về số 221B phố Baker, đội mũ két và mặc áo khoác kẻ sọc, không khó khăn gì nhìn thấy mình như những kẻ hành hương; họ bàn luận với nhau nhiều lúc hệt như Sherlock Holmes đã từng sống thực trên đời. Nhưng cận văn học hướng đến một niềm tin khác: niềm tin trong lúc nhàn rỗi (leisurely). Cầm lái cho họa phúc an nguy của con người là việc quá nghiêm trọng đối với nó; tài năng của một nhà văn hư cấu là ở chỗ viết nên như thật được những điều không ai tin và làm theo. Sự nhất quán trong thế giới tác phẩm chính là chìa khóa của thành công kể chuyện, và có thể định nghĩa như là khả năng tạo dựng một thế giới lẫn lộn hiện thực và mơ mộng, thế giới con-người-nhưng-vượt-khỏi-tầm-vóc-con-người. 

Điều này không chỉ đúng với những thể loại giả tưởng hay kinh dị, vốn khai thác nhân vật hoặc lực lượng có xuất xứ siêu phàm. Những kẻ sát nhân trong truyện trinh thám là hình ảnh của các tạo vật của đêm tối, quen ẩn nhẫn và đánh lạc hướng, trong khi người thám tử là bản sao của thiên thần chiến đấu bằng ánh sáng; thể loại “tiểu thuyết đen” là sự “đầu thai” của Ngàn lẻ một đêm, đầy rẫy những tên phù thủy thời nay đột ngột xuất hiện chìa ra đề nghị hấp dẫn, những mỹ nhân cao sang chờ được giải cứu khỏi sự cô đơn, và những gã khổng lồ cục súc. Từ khi Charlotte Bronte khám phá công thức lấy được sự rung cảm của bạn đọc với lời tâm sự của Jane Eyre “hầu như ông là niềm hy vọng được lên thiên đường của tôi […] Trong những ngày ấy, tôi không thể thấy được Thượng đế, vì tôi đã chỉ nhìn thấy một sinh vật do Người tạo ra, tôi đã coi người ấy là một thần tượng”, mọi tiểu thuyết ái tình lãng mạn “sến” (romance) đều tận lực vận dụng ngôn ngữ sao cho một trong hai nhân vật chính lung linh dáng vẻ của một vị thần (dù có khi là vị thần sa ngã) đáng được say mê và tôn thờ (chỉ cần nhắc đến những cái tên hậu bối Danielle Steel, Stephenie Meyer, hay Anne Rice, v.v. là đủ bảo chứng cho nhận định này). Mưu mô, tàn ác, tài ba, dũng mãnh, đẹp đẽ, tốt lành, kỳ dị… những ví dụ kiểu này, và còn vô số nhân vật trong các thể loại khoa huyễn, kiếm hiệp, ngôn tình v.v. là những mẫu người chúng ta không mấy hy vọng sẽ gặp ngoài đường đời, nhưng trong thời gian đọc tác phẩm và khoảnh khắc bồi hồi sau khi đọc xong, chúng ta tự cho phép mình tin vào sự tồn tại của những hình mẫu đó, và hưởng thụ cảm giác hoan lạc được sống giản dị và được lôi cuốn theo sự kỳ diệu của trí tưởng tượng trong những tâm hồn đa thần.

o0o

Phê bình cận văn học, tuy nhiên, không thể hiểu như một cách thị trường hóa phê bình và chạy theo thị hiếu số đông để ra những sản phẩm theo kiểu cái mà ngày nay báo chí xưng tụng là “Kim Dung học”. Nó phải nằm trong một công cuộc lớn lao hơn, là việc đọc lại, làm quen lại với những gì đã đọc.

Trong cách nghĩ của độc giả thông thường, sách trở thành một “linh vật” (fetish) tạo ra thứ bậc giữa người viết và người đọc (cũng như giữa người đọc và không đọc). Khả năng ngôn ngữ và tư duy hoặc kinh nghiệm của tác giả mở ra cho người đọc những không gian nằm ngoài cuộc sống hoặc suy nghĩ hàng ngày của họ; người đọc, vì vậy, tiếp cận sách theo cung cách “chiêm ngưỡng” không đụng chạm, và chịu tác động tư tưởng theo hướng một chiều. Người có tập quán đọc sách thường xuyên luôn cần có sách mới đều đặn để giữ cho mình luôn chìm đắm trong trạng thái hoạt động trí não. Xét về mặt nào đó, đây là một cách lệ thuộc vào người khác và dùng sách như một chất kích thích thần kinh, đẩy bản thân ra bên lề chu trình sáng tạo văn học. Ý tưởng, nhất là ý tưởng trong văn học, là một chất liệu có tính co giãn vô tận; tác phẩm văn học, vì vậy, là một công cụ mời gọi con người vầy vò cọ xát để tự hiểu thêm về chính mình, thử nghiệm từ bản thân giới hạn của trí tưởng tượng và khả năng suy diễn, và hướng đến một ngộ tính, hay bản năng văn học riêng tư, độc lập. Dùng một cách nói thời thượng, “tác giả đã chết” và tác phẩm được tái tạo mỗi lần mở ra cho một người đọc.

Trước văn phong của những Joyce, Proust, hay Nabokov, không khó gì cho người đọc đi đến nhận định rằng tác phẩm họ là những thách thức kỹ năng diễn dịch, một thứ tranh Lập thể bằng ngôn ngữ, mà ai nhìn vào đó sẽ thấy (dưới hình thức một ý nghĩa hàn lâm hoặc là sự vô nghĩa mù mịt) bóng dáng kinh nghiệm, học vấn của riêng mình. Nhưng bên cạnh những đỉnh cao thể nghiệm ấy còn có hằng hà sa số tác phẩm (nhất là tập đại khối văn chương thị trường) mang nội dung dễ tiếp cận hơn – bước vào thời hiện đại, vẫn có những người khổng lồ như Tolstoy viết bằng thứ văn chân phương, trong sáng, không cách điệu hay ẩn dụ. Không khó đoán rằng loại tác phẩm sau dễ được hoan nghênh hơn với mục đích giải trí; chúng cho người đọc sự an tâm rằng mình hiểu tác phẩm, và đa số mọi người cùng hiểu một cách như mình. Đây là một cái bẫy của tác phẩm quá “phẳng”; người đọc thường ngừng tư duy lại ở trên một lối hiểu sáo mòn, và dễ sinh ra một cách hiểu phổ biến, đồng thuận, “ai đọc cũng thấy như thế” – một lối hiểu ỷ lại vào bề mặt.

Ta có thể trào lộng mà tự bào chữa là “quân tử khả khi dĩ kỳ phương” – người quân tử bị lừa vì lời nói nghe có vẻ đúng lý; cách hiểu đồng thuận chung chung, “common sense” cũng là kết quả của nỗ lực (thành công) trình bày tác phẩm một cách mạch lạc, hợp lý, giải tỏa rối trí và nhấn mạnh góc độ nào hấp dẫn tâm lý người đọc. Tuy nhiên, cần phải nhớ tham vọng của văn học không phải là sao chép lại chân lý, mà là sao chép lại thế giới; là một âm bản, nó cũng biến động như thế giới, biết bước qua sự hợp lý ban đầu, và trưởng thành trong một quan hệ trưởng thành với người đọc. Đơn cử như trường hợp Vũ Trọng Phụng: nghĩ đến ông, người ta liên tưởng ngay đến vị thế phê phán xã hội và văn phong châm biếm một cách cay độc, cường điệu – ấy là cách tóm lại văn nghiệp của ông được xã hội và giáo dục chấp nhận, và tiện lợi/quen thuộc cho người đọc. Đó xem như là Vũ Trọng Phụng “thiếu thời” của chúng ta. 

Qua nhiều thăng trầm, những khai mở của lịch sử, và được nhiều trải nghiệm củng cố trong chúng ta khuynh hướng nhìn toàn cảnh và tìm kiếm sự hài hòa, ta mới nhận thấy lẫn trong sự giận dữ của Vũ Trọng Phụng có chừa lại chỗ đứng cho nỗi niềm lân tuất đối với những nhân vật hoạt kê của ông. Hơn thế nữa, Vũ Trọng Phụng không chỉ giới hạn trong tầm vóc một tiếng nói giữa đối thoại xã hội An Nam; bằng nhiều cách gián tiếp, ông đã chạm vào công việc phê phán thẳng đến những vấn đề nền tảng của văn minh phương Tây, (trong khi các cây bút châm biếm, đối kháng khác vẫn còn tư duy trên nền tảng này), nâng tầm vóc của ông vượt lên khỏi sự đóng khung giai đoạn và lãnh thổ8. Một khi đã làm quen với cách nghĩ là đọc văn chương không phải vì tình tiết, mà vì ý tưởng, ta có thể đọc lại Vũ Trọng Phụng với đầy đủ cảm giác như vừa gặp một tác phẩm mới, với những cách vận dụng “bình dân hóa” phương pháp phê bình.

Giữa lúc thế giới ngừng lại, một phản ứng thích hợp với con người thiên về xúc cảm chính là quay về phía sau, nhìn lại những gì đã đến và đã từng có, kể cả chuyện “xin một vé đi về tuổi thơ”. Đọc lại là cách cho cả hai giới độc giả, chuyên môn và bình dân, bẻ gẫy quán tính đọc của mình; sự phong phú và đa chiều của cuộc sống sẽ được cả hai hạng người khám phá ra, hạng trên từ những gì mình vẫn quan niệm là dễ dãi, và hạng sau từ những gì mình tưởng như đã quá quen thuộc. Ở đây có một tiến trình chuyển tải ý thức mới tương tự tiến trình biện chứng mà chủ nghĩa Marx hình dung sẽ chuyển tải ý thức giai cấp từ thượng tầng xuống cho người lao động: sự nhập cuộc của giới lý luận chuyên môn, bước hẳn vào hoàn cảnh sống của giới công nhân (trong trường hợp này, là đọc sách giống như họ), và trở thành tiếng nói quen thuộc với họ; cung cách lý giải có phương pháp đã đưa được một trật tự vào sự ồn ào hỗn tạp xung quanh hiểu biết đại chúng. Mọc lên từ tiến trình ấy là sự vượt ra khỏi niềm tin, tình ngưỡng mộ, lòng thù ghét và nỗi sợ hãi sơ khai nguyên thủy dành cho các hình bóng thần, tiên nữ và người lùn.

Tam Quốc diễn nghĩa của La Quán Trung là một tiền lệ khi sự trưởng thành tự nhiên của xã hội và tác động từ lý giải, khảo luận của giới học giả9 đã thay đổi được cách tiếp nhận của công chúng với một tác phẩm. Từng là một trường hợp hiếm hoi khi văn chương đã thực sự tạo nên một tín ngưỡng (tín ngưỡng sùng bái ba anh em Lưu Quan Trương, đặc biệt Quan Vũ, phổ biến khắp châu Á), Tam Quốc ngày nay chỉ còn được xem như một hiện tượng nghịch lý của văn học, kết hợp một thứ đạo lý ngây thơ, nô dịch vương quyền, với nghệ thuật kể chuyện sinh động đến giờ vẫn còn hấp dẫn người đọc10. Chính nhờ sự đọc lại không ngừng và đối chiếu không ngừng với ý thức thời đại mà tầm vóc của Tam Quốc không bị lãng phí trong sự đào thải của lịch sử, mà trở thành một cầu nối khảo cổ tri thức (archaeology of knowledge, chữ của Foucault), một thí dụ điển hình cho tương quan tri thức-quyền lực thời phong kiến.

Sự suy tàn của thần tượng Quan Vũ chính là một thí dụ cho thấy tính linh động của cận văn học (vì theo các tiêu chuẩn hiện đại thì Tam Quốc cũng phải liệt vào thể loại này). Thật vậy, làm sao có thể hình dung một cuộc xét lại ý nghĩa và vai trò của những bà Bovary, những Josef K, Adrian Leverkühn, Antoine Roquentin, Người ca sĩ hói đầu, hay kể cả Hamlet? Là những dấu ấn văn học, họ không phải là con người mà là hiện thân của một chiều dày học thuyết, triết lý về con người; cách hiểu, cách nghĩ của chúng ta về họ chỉ có thể khơi rộng, đào sâu, chứ không thể đảo ngược hoặc xô đổ; trong khi đó, cận văn học không được tô điểm với những trọng lượng lớn lao, những ấn định uyên bác như vậy. Giữa những sắp xếp về tuyến tính nhân vật của cận văn học, nhiều khi có những khoảng xê dịch đủ để hoán chuyển thiên thần và ác quỷ, hoặc để thấy bên này đã mô phỏng bên kia. 

Nếu phải chỉ ra một lợi ích rõ ràng để biện hộ cho việc đọc Dan Brown, đó có lẽ là bài học thu được từ Điểm dối lừa: bên cạnh bất kỳ một cách diễn giải sự việc nào, dù được xây dựng chặt chẽ và tuần tự theo nhiều bước từ các bằng chứng, cũng còn một cách diễn giải được xây dựng theo hướng trái ngược qua bấy nhiêu bước, để dẫn đến một kết luận trái ngược. Đọc lại Agatha Christie giữa mùa dịch, ta bỗng phát hiện nhiều cơ sở để lập luận rằng mơ ước của tiểu thuyết trinh thám muốn tạo ra người anh hùng thám tử có thể khám phá mọi thứ, thật ra cũng là hệ quả của khuynh hướng hạn chế tự do cá nhân và lý tưởng kỹ trị11 (technocratic). Từ Thủy Hử truyện và cả một dãy dài những tác phẩm võ hiệp nối bước, ta có thể chuyển dịch khỏi tư thế điềm nhiên tọa thị của người khán giả kinh kịch, lùi tầm nhìn ra xa khỏi những khuôn mặt diễn viên xanh đỏ những Thanh Diện Thú, Mỹ Nhiêm Công trên sân khấu để bao quát toàn bộ “nhà hát”, toàn bộ hệ sinh thái (ecosystem) của các nhân vật; từ việc đó, người đọc nhận ra văn hóa nghĩa khí “anh hùng” được đan bện, gắn kết chặt chẽ, với ý thức hệ đồng tính luyến ái đặc thù của các xã hội chiến binh, cái đã định hình quan điểm giới tính trong xã hội Hy Lạp thời Plato, chủ nghĩa hoài cổ Teutonic của Richard Wagner, và các kinh điển võ sĩ đạo Nhật Bản12. Trò chơi khám phá khởi đầu từ hành động hình dung người sáng tác như một kẻ cố tình đánh lừa độc giả (trickster), xây dựng lên một cấu trúc những sự việc ly kỳ để đánh lạc hướng và bưng bít những góc nhìn song song có thể bổ sung hoặc tương phản với diễn ngôn chính mà tác giả muốn áp đặt lên tác phẩm. 

“Đọc lại” là một ý tưởng quá giản tiện để trở thành một phương pháp; có lẽ nên hiểu nó tốt nhất như một thái độ. Đây là thái độ coi mọi tác phẩm đều bình đẳng, không phải theo nghĩa là có giá trị ngang nhau, mà theo nghĩa là chúng cùng được cấu tạo từ những chữ cái, từ ngữ, và quy luật ngữ pháp giống nhau. Ý nghĩa của chúng là những hiện thực bất định, tùy thuộc vào khả năng đọc giữa các dòng chữ. Tạm xếp lại mọi thứ bản đồ, người đọc cần biết chờ mong và sẵn sàng đón nhận những khoảnh khắc như khi các nhà thám hiểm Tây Ban Nha đặt chân lên đỉnh núi ở Darien trong bài thơ của Keats – dự trù sẽ nhìn thấy mặt đất, họ choáng váng ngất ngây vì dưới chân núi đột ngột mở ra Thái Bình Dương mênh mông xanh thẳm13. Tác phẩm không chết cứng mà vẫn tự viết lại chính mình. Cho đến khi nào còn có người đọc sách.

Trần Thiện Huy
 


1 Người viết bài này hiện đang sống ở một nước phương Tây, vì vậy, những gì mô tả về thị trường sách, tình trạng đọc, tình trạng phê bình… lấy từ quan sát tại chỗ, và có thể có những khác biệt với môi trường nơi khác.

2 Văn học hiện đại-hiện sinh không nên hiểu là văn học tuyệt vọng. Một bộ phận các tác phẩm, như Dịch hạch của Camus quảng bá đức tính của sự dấn thân, hành động quả quyết tức thời thay vì trông chờ vào sự đảm bảo của các lý luận, tín niệm về sự chính đáng, lợi ích của hành động mình. Tuy nhiên, hình thức của nó đôi khi làm người đọc phải sử dụng nỗ lực tinh thần quá lớn để diễn giải và dễ trải qua những ấn tượng tăm tối, bi quan.

3 G.K. Chesterton, nhà văn dùng truyện trinh thám để diễn đạt trường phái huyền bí Công giáo, phê phán chủ nghĩa hiện đại: “Người điên không phải người mất hết lý trí, mà là người mất hết chỉ còn sót lại lý trí”.

4 Trong Thần, người và đất Việt, Tạ Chí Đại Trường đưa ra bằng chứng cho giả thiết nhiều vị thần được người Việt thờ phượng có lai lịch khởi đầu là thần sông nước, cây, đá… sau mới ghép với tên tuổi của các nhân vật anh hùng lịch sử. Dung hợp thiên nhiên cách điệu với linh hồn tổ tiên (đại biểu cho nhân loại) để tạo ra một đối tượng thờ phượng là mô hình tín ngưỡng của đạo đa thần

5 Hậu hiện đại/hậu cấu trúc cũng đề xướng việc thoát ra khỏi tâm điểm, nhưng vì chú trọng vào lý luận về bản chất của ngôn ngữ, ký hiệu, về nhận thức học (epistemology), đấy chỉ là việc dịch chuyển sang một tâm điểm khác, và tạo ra một trào lưu văn chương bác học nặng hình thức mới, cũng đòi hỏi một cách hiểu của người trong cuộc, đã qua huấn luyện, biết “luật chơi” mới cảm nhận được nội dung.

6 Bức Thanh minh thượng hà đồ là một bản liệt kê sinh động những nhân dạng, nghề nghiệp khác nhau tồn tại trong xã hội Trung Quốc; dựa trên đó, Dã Văn Bưu đã hư cấu ra một bản liệt kê khác gồm những lai lịch, thân thế ly kỳ của các nhân vật trong tiểu thuyết trinh thám Mật mã Thanh minh thượng hà đồ: “Bức tranh có 824 nhân vật vô danh, giờ đây mỗi nhân vật đều có tên có họ. Họ cải trang, mai phục trong ghe thuyền xe kiệu cho tới quán rượu quán trà. Quang cảnh tưởng chừng như thái bình thịnh trị, kỳ thực nguy hiểm đang rình rập bốn bề. Trong tiếng rao của người bán hàng rong, những tên gián điệp, thích khách của các nước Kim, Liêu, Tây Hạ, Cao Ly đã dần dần nhập cuộc”. Đây là ví dụ minh chứng khả năng của các danh sách khơi gợi cảm hứng cho người viết truyện hướng đến những khung cảnh khoáng đạt, rộng rãi.

7 “Chúng ta thích những danh sách liệt kê vì chúng ta không muốn chết”, bài phỏng vấn Umberto Eco. https://blansh.wordpress.com/2017/06/14/we-like-lists-because-we-dont-want-to-die/

8 Xin xem “Đi xa hơn Balzac – Chỗ đứng ít được ghi nhận của Vũ Trọng Phụng trong văn chương hậu thuộc địa” của Trần Thiện Huy, Tạp chí Nghiên cứu Văn học số 7, 2018.

9 Chẳng hạn như trong Nói chuyện Tam Quốc của Vũ Tài Lục.

10 Cùng với sự phát triển của chủ nghĩa thực dụng và cá nhân, dư luận người đọc càng lúc càng thiên về cái nhìn xem đạo đức của các nhân vật được trân trọng gọi là “Huyền Đức”, “Vân Trường” như một bệnh lý hủ lậu. Trong khi đó, hình ảnh Tào Tháo lại trở nên hấp dẫn vì tác động đe dọa trật tự chính thống, hứa hẹn khai mở kỷ nguyên mới. Xem, chẳng hạn, Tào Tháo, thánh nhân đê tiện của Vương Hiểu Lỗi.

11 Xem “Utopia không có thịt chó – mùa dịch đọc lại văn học phản địa đàng” của Trần Thiện Huy, ZReview số 8.

12 Xem “Trang kiếm hiệp cuối cùng” của Trần Thiện Huy, ZReview số 9.

13 Or like stout Cortez when with eagle eyes
He star’d at the Pacific—and all his men
Look’d at each other with a wild surmise—
Silent, upon a peak in Darien. (“On First Looking into Chapman’s Homer”),

bài đã đăng của Trần Thiện Huy

Phần Góp Ý/Bình Luận


Xin vui lòng bày tỏ trách nhiệm và sự tương kính trong việc sử dụng ngôn ngữ khi đóng góp ý kiến. Da Màu dành quyền từ chối những ý kiến cực đoan, thiếu tôn trọng bạn đọc hoặc không sử dụng email thật. Chúng tôi sẽ liên lạc trực tiếp với tác giả nếu ý kiến cần được biên tập.

Lưu ý: Xin vui lòng bỏ dấu tiếng Việt để giúp tránh những hiểu lầm đáng tiếc từ độc giả trong việc diễn dịch ý kiến đóng góp. Bài không bỏ dấu sẽ không được hiển thị. Xin chân thành cám ơn.

@2006-2023 damau.org ♦ Tạp Chí Văn Chương Da Màu
Log in | Entries (RSS) | Comments (RSS)