Lời Tác Giả: Bài viết này chỉ xoay quanh vấn đề có nên tách rời đạo và đời không? Và rộng hơn, chữ “đạo” trong bài này không chỉ hàm ý riêng cho Thiên Chúa giáo, mà có ý chung là “tôn giáo.” Chữ “tôn giáo” ở đây giới hạn ở các tôn giáo hướng thiện. Những tà thuyết tâm linh (khác) được gọi là … “tà đạo.”
Một trong những mục đích chính trong bài “Mùa Phục Sinh, nói về ‘Giáo hội chuyển mùa’” [1+2] của tác gỉa Đinh Từ Thức là đưa ra những tác động lợi (ít) và hại (nhiều) cho xã hội của Giáo hội La Mã trong quá trình hành đạo từ khi Chúa Giêsu sinh ra, thông qua các triều đại của một số Giáo Hoàng mà trong đó được phân loại “(Giáo Hoàng) Chính Thống” với những lối hành đạo tích cực, và “Ngụy Giáo Hoàng” với những kiểu hành đạo tiêu cực lạm dụng quyền hành – được làm phồng lên – rồi từ đó ông đưa ra nhận định “đạo và đời nên tách rời nhau.”
Bài viết đưa ra nhiều sự kiện mà đó cũng là sự thật trong quá trình hiện hữu của Giáo hội La Mã. Nhưng trong nhận định và cách hành văn khi xử dụng những từ ngữ “quá tay” tạo cảm giác mất thân thiện như “nhà lãnh đạo thần quyền“ để ám chỉ đương kim Đức Giáo Hoàng Francis. Điều này làm cho toàn bộ các sự việc trở nên to hơn thân xác của nó đến nỗi linh mục Joseph B. cảm thấy bị đụng chạm đứng ngồi không yên.
Ngoài ra, cái “mùa xuân“ hoan lạc của Giáo hội La Mã không được tác giả mô tả (linh mục Joseph B. đã bổ túc phần này qua loạt bài “đạo vào đời: nhận định…”), nhưng về cái “mùa hè” oi bức thì rất cặn kẽ, cặn kẽ hơn hiện trạng đi đến khiên cưỡng ở một số nhận định.
Điển hình: Ông Thức trích dẫn: “Khi có người hỏi có phải đóng thuế cho Caesar không, Chúa trả lời: “Cái gì của Caesar hãy trả cho Caesar, cái gì của Thiên Chúa hãy trả cho Thiên Chúa” rồi suy diễn thẳng thừng rằng theo tinh thần Phúc âm (này) “… việc Nước và việc Đạo tách rời nhau.” Người viết không thấy cái ý này của ông Thức ở câu dẫn trên mà chỉ thấy nó có ý muốn nói rằng cái gì (nếu) của ai thì thuộc về người ấy. Nếu có “nhiều chuyện” mà suy diễn thêm thì từ bối cảnh của câu hỏi có thể nói thêm rằng mọi người phải chịu trách nhiệm với đống “vật chất” của mình. Chấm hết.
Ông Thức lại trích dẫn và đồng tình với câu nói của Giáo Hoàng hiện tại: “… Do đó tôn giáo có quyền và có bổn phận phải làm sáng tỏ rằng có thể xây dựng một xã hội đa tôn giáo lành mạnh trong đó các tôn giáo tôn trọng khác biệt và giá trị của nhau, và là một đồng minh quý giá trong sự cam kết bảo vệ phẩm giá con người… và một lối đi đến hoà bình trong thế giới bất ổn của chúng ta”. Rõ ràng ông Thức ủng hộ việc tôn giáo “tiến” vào đời. Vô tình chính ông đã “cắn” vào cái tư tưởng “đạo và đời phải tách rời nhau” của ông.
Linh Mục Joseph B. “nóng mặt“ một phần vì sự cổ súy “đạo và đời phải tách rời nhau” của ông Thức nên viết loạt bài “đạo vào đời: nhận định…” [3+4] đưa ra những suy luận cho rằng “đạo và đời không thể tách rời nhau.” Ít nhiều thì bài viết giống như một bài giảng trên bàn thờ đối với giáo dân, mang tính chất truyền đạo, lan man, đa phần là nói sao phải nghe vậy, cùng khiên cưỡng và ngây thơ ở một số lập luận như khi đề cập đến Caesar…, biện bạch cho những sai lầm của Giáo hội La Mã, tận dụng “ban đêm dùng mưa“ để lái kinh thánh ra ngoài vùng “gió chướng,” hàm ý nghĩa bóng (suy diễn) phủ nghĩa đen, nghĩa rộng (suy diễn) lấp nghĩa hẹp trong kinh thánh v.v .…
Mấy câu chuyện biện hộ như bà mẹ phán một câu: ‘Ơ kìa, cái thằng này…hay nhỉ!’ hay “Tại sao lại dám nghịch chuỗi ngọc của người ta?” là những câu nói ngoài dân gian, không thể dẫn chứng và đánh đồng với Thánh kinh được. Rồi lại “Em…em … hổng chịu đâu!,” kinh thánh mà cũng nên có thái độ bẽn lẽn thế sao?
Rồi từ câu chuyện “một cô vợ đến tòa giải tội phàn nàn là, đức ông chồng của cô quá sung sức, muốn lên giường hằng ngày, cô chịu hết nổi…” và câu trả lời cuối cùng của vị linh mục là “chị hãy hành xử theo lương tâm” thì tôi mới ngộ ra là giáo hội “nói dzậy mà hổng phải dzậy.” Thật là tiếc!
Hãy cứ như Chúa Giêsu: “Tại vì các ngươi lòng dạ chai đá, nên ông Môisen đành phải chấp nhận thôi. Chứ từ thuở ban đầu không phải như vậy (từ thưở ban đầu tạo dựng, Chúa đã muốn hôn nhân chung thủy chỉ một vợ, một chồng),” thì có hơn lấp liếm và bạo biện không?
Chuyện không dừng ở đó. Tác giả Nguyễn Nhân Trí – đã từng có nhiều bài viết về tôn giáo cùng đăng trên tạp chí Da Màu –“chơi” tiếp bài “đạo ra khỏi đời: trao đổi với joseph b…” [5] để “đáp lễ” linh mục Joseph B. Ông Trí (“cực đoan” hơn ông Thức) cho rằng đạo và đời rất cần được tách rời. Ông đưa ra 3 lý do (và cũng bắt đầu từ đây chuyện này trở nên rối mù):
“Thứ nhất, để có thể bảo vệ các quyền tự do căn bản nhất của mọi người.”
“Thứ hai, để có thể giữ được một chính quyền phi-tôn-giáo.”
“Thứ ba, để bảo vệ tự do tư tưởng.”
Về cái thứ nhất:
Xin được thưa với ông Trí (và với cả ông Thức cũng như linh mục Joseph B.): Mệnh đề “đạo và đời không thể tách rời” hoàn toàn không mang nội hàm là đạo (sẽ) “cướp chính quyền.” Nó chỉ toát lên cái ý là tương quan giữa đạo và (đời sống) – tốt xấu chưa nói đến – mà thôi, hoàn toàn không có “ăn nhậu” gì với điều khoản thứ nhất của Bản Tuyên Ngôn Nhân Quyền cả. Vì thế cho nên không cần – và cũng chẳng có lý do nào – để mà mang bút mực ra bảo vệ cho “các quyền tự do căn bản nhất của mọi người” ở đây như ông đã thổi lên. Chắc là ông bị tẩu hoả nhập ma vì cái bóng “Ngụy Giáo Hoàng” trong bài viết của ông Thức chăng?
Về cái thứ hai:
Điều này vô chừng! Chính quyền phi tôn giáo là điều công bằng, nhưng chưa chắc đã là tốt nếu không có định hướng đạo đức lành mạnh trong chủ trương. Ở Việt Nam chính quyền phi tôn giáo, tốt-xấu xin mọi người “bỏ phiếu”!
Về cái thứ 3:
Một trường đào tạo tư của một tôn giáo có quyền sinh hoạt theo tôn chỉ của tôn giáo mình, nếu ai không muốn thì xin đi chỗ khác chơi, kiếm trường khác phù hợp cũng đang sinh hoạt ở gần đâu đó (cái này hoặc là ông Trí cố tình lại quên, hoặc là mới đối với ông Trí) mà gia nhập, không như ông Trí trí trá nhồi nhét: “…một số tổ chức tôn giáo, nhất là ở Mỹ, chủ trương nếu bất cứ thứ gì trái nghịch với giáo điều của họ đều không được đề cập đến, hay giảng dạy, hay cả nghiên cứu, thảo luận.” Đó là chuyện đương nhiên, chẳng lẽ nhà Chùa (chủ yếu) lại dạy Phúc âm và ngược lại. Không ai – và nhất là ở Mỹ – bắt ai phải đâm đầu vào nơi mà mình cho là “tối tăm,” phải không ạ? Và các lựa chọn khác nằm sờ sờ ra đó (cái này ông Trí lại cũng … quên), thế thì lấy cơ sở nào để nói rằng tôn giáo làm mất tự do tư tưởng để rồi phải bảo vệ?
Ngoài ra, những dẫn chứng của ông Trí có khi lại còn sai sự thật. Rõ ràng ở các nước có thể chế dân chủ đâu có dễ để mà “…sẽ có những chiến dịch kiểm duyệt và tiêu hủy tất cả sách báo, tài liệu không đi ‚đúng đường lối’” như lời ông Trí phán. Còn ở các nước độc tài thì tôn giáo là công cụ cho nhà nước chứ quyền hành gì để mà đốt sách?!
Hiện tại cũng không hề có hiện tượng Giáo hội La Mã “tổ chức cướp chính quyền” của thế giới hay một nước nào đó. Những “Nguỵ Giáo Hoàng” là những “tai nạn” của họ thời đồ đá đồ đồng, nó không thể nhìn vào rồi suy diễn vào tương lai của hàng hai ba thế kỷ sau, ở thời đồ điện tử này. Ông đừng lo xa, đã có… xã hội lo! “Tình xưa nghĩa cũ” đã xa rồi, tư duy của con người khác xưa rồi, các tôn giáo bây giờ còn tế lễ chung chứ không sát phạt nhau như thời xưa nữa, xin ông ghi nhận cho. Người viết cũng không thấy Vatican hiện nay có hiện tượng dùng cái thế (sức mạnh) của mình như là một quyền lực. Ai có thể dẫn chứng ngược lại?
Cùng với các chính quyền, những hoạt động từ thiện “đạo vào đời” của Caritas (Công giáo), Diakonisches Werk (Tin Lành), các tổ chức của Phật giáo v.v… vô vụ lợi và công khai thì ông Trí lại cũng nhất định… quên. Còn nếu ông bảo họ là những “phong trào tự phát” thì tôi xin thua ông luôn cho nhanh.
Thêm một thí dụ nữa của ông Trí: “… nhiều tổ chức tôn giáo xin xỏ, đòi hỏi được ngân khoản bảo trợ hàng năm của chính phủ, tức là từ tiền thuế của tất cả mọi người dân….” Thưa ông Trí không phải thế ạ! Sự thực là nhà nước “nuôi“ tôn giáo, không phải vì tôn giáo đòi hay xin xỏ gì sất mà là vì nhà nước ủng hộ sự hiện diện của tôn giáo để an sinh xã hội, rồi từ đó họ dùng quyền hành của mình chiết từ tiền lương của tín hữu từ ngay trong bảng lương và trao lại cho các tổ chức tôn giáo. Một lý do chính đó là sự hỗ trợ từ mặt hành động của nhà nước để tôn giáo không phải lo chuyện cơm áo gạo tiền, rảnh tay làm mục vụ. Cái này người ta gọi là “thuế nhà thờ.” Cũng xin nói thêm là những người khai vô thần thì không phải đóng thuế nhà thờ, và ai tuyên bố bỏ đạo cũng được miễn trừ đóng loại thuế này. Ở nước Đức là một điển hình.
Nói tóm lại, hầu hết các dẫn chứng của ông Trí được viết theo kiểu nhét chữ vào mồm và mỏi mắt người đọc. Sở dĩ người viết nói thế là vì ông Trí chỉ nêu ra một chiều những sự kiện mang tính tiêu cực để bảo lưu quan điểm của mình mà lại “quên” béng đi mặt tích cực của nó. Có khi còn nhập nhằng đổ đồng tình huống.
Mục đích cuối cùng của tôn giáo (các loại đạo) là để áp dụng vào đời (sống). Tôn chỉ của tôn giáo hướng thiện, giúp cho xã hội an bình và lành mạnh, tại sao lại phải tách rời? Thế cho nên cổ vũ cho sự tách rời giữa đạo và đời không những kém văn minh mà còn là một hành động …tàn ác với tha nhân. Điều này người Cộng sản đã và đang làm.
Ngắn và gọn: Rõ ràng tôn giáo không nên “cướp chính quyền.” Nên tách rời đạo với quyền lực nhưng không nên tách rời đạo với đời. Nếu “được phép” không bị tách rời, các tôn giáo (nhấn mạnh không phải tà giáo) nên được thúc đẩy vào đời với kinh bổn của họ. Tôn giáo sẽ đóng góp rất lớn cho nền đạo đức của xã hội, đơn giản vì nó dậy con người hướng thiện từ trong tâm linh (để mà có lương tâm). Một dẫn chứng rất cụ thể là ở những nước văn minh với tự do tôn giáo, nơi đạo (tôn giáo) và đời được kết hợp, ở đó đời sống hiền hoà và nhân bản hơn (khối Tây Âu như Đức, Hà Lan, Pháp, Thụy Sĩ…). Trái lại nơi tôn giáo bị cấm đoán, tức là đạo bị tách ra khỏi đời, mà điển hình là ở các nước có quá trình vận hành chủ thuyết Cộng Sản vô thần, coi tôn giáo như thuốc phiện, bị cấm đoán trù dập, coi giời bằng vung, thì con người hành xử với nhau rất ác và… vô đạo đức, trai trộm cướp, gái đĩ điếm (khối Đông Âu như Nga, Ba Lan, Tiệp Khắc…) Quá trình càng lâu thì con người lại càng dã… thú. Việt Nam theo Cộng Sản không là ngoại lệ, cũng đang ngửa cổ gầm trời cả lên đấy. Thế cho nên – một lần nữa – không nên tách rời đạo với đời (xin nhắc lại: một hành vi vô đạo đức), mà còn nên đưa đạo vào đời với mục đích phổ thông hoá những giá trị đạo đức cho con người, thông qua kinh Phật, Phúc Âm v.v… góp phần ổn định “hoà bình” trên địa cầu.
Chúa Phật đi rao giảng hành đạo. Phải chăng đấy là một hình thức “cướp chính quyền?” Chắc chắn là không! Hãy nhìn nhận rằng mối liên hệ đạo và đời “thiện hoá“ đời sống. Nếu ai có hỏi (nhà nước) Hồi giáo cực đoan (IS) có thiện hóa đời sống không thì tôi xin thưa rằng IS không phải là tôn giáo mà là một tà đạo ạ.
Còn tất cả mọi tranh cãi khác đều xoay quanh chuyện con người và khuyết điểm. Kinh sách cũng do con người sao và chép. Suy ra, với con người, càng đụng nhiều càng đổ nhiều, và đổ thì dựng lại chứ biết làm gì hơn?!
Adong và Evà trong điển tích The Fall of Man (Sự Sa Ngã của Loài Người) – họa sĩ Roeland Savery (Hà-Lan) (1618)
Cuối cùng, dù thượng đế có thật hay không, nên nhìn tôn giáo ở mặt tích cực, rằng đạo (tôn giáo) là những triết lý hướng thiện để áp dụng vào đời (sống) mà nếu không có nó xã hội sẽ loạn xạ (như đã trình bày ở trên). Nó song hành!
Hãy tưởng tượng lại: Nếu đạo bị tách khỏi đời?
Đinh Phương
___________
[1] http://damau.org/archives/42036
[2] http://damau.org/archives/41820
[3] http://damau.org/archives/42024
[4] http://damau.org/archives/42036
[5] http://damau.org/archives/42084
Thưa tác giả Đinh Từ Thức,
Cảm ơn ông đã phản hồi bài viết của tôi.
Về điều thứ 1 và thứ 2:
Tôi cũng đã đọc lại 2 bài viết của ông, nội dung vẫn dẫn tôi đến cảm nhận như đã trình bày trong bài viết “Xoay quanh…“ mặc dù thấy rõ rằng ông không có ý thẩm định sự việc. Tôi nghĩ rằng nếu trong phần mô tả thời “mùa hạ“ và “mùa thu“ của Giáo hội Công Giáo mà một số điều tích cực – chắc chắn là phải có như trong trường hợp của Việt Nam thời Pháp thuộc – được nhắc đến dù chỉ là thoáng qua thì không ra “nông nỗi.” Tuy nhiên tôi cũng xin ghi nhận là cảm nhận của tôi có phần chủ quan.
Về điều thứ 3:
Khi ông xác định như thế, thì tôi (và cả linh mục Joseph B.) đã hiểu sai ý của ông. Xin nhận 50% phần “dữ“ còn lại là do tôi.
Chuyện bên lề:
a. Antipope: Ngụy Giáo Hoàng ?! Có nên dịch là Phản Giáo Hoàng hay không?
b. Thần quyền: Tôi hiểu nôm na là “quyền lực của thánh thần” với cái ý nghiêng về xấu, xử dụng cho giai đoạn “mùa hè” và “mùa thu” thì hợp ý.
c. Trong câu chuyện về nhà biên khảo Nguyễn Hiến Lê mà ông đưa ra đã cho chúng ta một cái nhìn là thời nào cũng có “loại ông linh mục“ như thế, nhưng cũng may là lại có những “ông bí thư từ bộ“ để đối lại.
Một lần nữa, tôi thành thật cảm ơn sự quan tâm của ông. Kính chúc ông sức khỏe và cho bạn đọc thêm những bài viết thú vị và giá trị.
Cũng xin cảm ơn bạn Khách Quan.
Trân trọng
ĐP
Thưa ông Đinh Phương,
Sau khi đọc bài của ông hai lần, và đọc kỹ lại bài của mình, tôi thấy chỉ trong đoạn đầu bài “Xoay quanh…” đã có tới ba điều cần phải nói lại cho rõ:
1- Trước hết, ông nói rằng một trong những mục đích chính trong bài của tôi là “đưa ra những tác động lợi (ít) và hại (nhiều) cho xã hội của Giáo hội La Mã trong quá trình hành đạo từ khi Chúa Giêsu sinh ra”. Tôi đã không hề làm cuộc thẩm định về những tác động lợi hại cho xã hội của Giáo hội La Mã. Trong toàn bài (cà phần I&II), tôi chỉ dựa vào tài liệu lịch sử để nói rằng Giáo Hội La Mã đã phát triển theo tinh thần Phúc Âm trong ba thế kỷ đầu, rồi từ thế kỷ thứ 4 đã đi xa tinh thần Phúc Âm cho đến thế kỷ 20. Vì thế, bây giờ, Giáo Hoàng Francis mới chủ trương đưa Giáo Hội trở lại với tinh thần Phúc Âm. Nỗ lực này, Ngài gọi là “Phúc Âm hóa”.
2- Tôi đã dùng mấy chữ “ngụy giáo hoàng” để dịch chữ “antipope” trong tiếng Anh. Theo nghĩa tiếng Anh, antipope được dùng để chỉ ngừơi tự xưng hay được tôn lên làm giáo hoàng không theo đúng thủ tục được quy định bởi Giáo Luật. Tôi không hề làm công việc “phân loại” giáo hoàng, và xếp những vị “với những kiểu hành đạo tiêu cực lạm dụng quyền hành” vào loại ngụy giáo hoàng.
3- Tôi không hề chủ trương “đạo và đời nên tách rời nhau“. Ý của tôi muốn nói tới thần quyền, “việc đạo”, và thế quyền, “việc nước” không nên lẫn lộn với nhau. Lần đầu tiên tôi đề cập tới vấn đề này trong bài (phần I), là ở chỗ nói sau khi Hoàng Đế Constantine dành cho Giáo Hội nhiều ưu đãi.… “Việc đạo và việc nước pha trộn với nhau”. Ở gần cuối bài (phần I), chỗ nói về cái gì của Caesar trả cho Caesar, tôi viết “việc Nước và việc Đạo tách rời nhau”. Và sau đó, viết thêm: “Từ thời Constantine, việc nước đã nhập chung với việc đạo, rồi quyền bính giữa đạo và đời gắn bó với nhau”. Ở phần II, tôi đã viết rõ “thế quyền” với “thần quyền, như trong câu “Thời Trung cổ, các Giáo Hoàng đã dùng thế quyền để phục vụ thần quyền. Bây giờ, nhà cầm quyền cộng sản làm ngược lại, dùng thần quyền như công cụ để phục vụ thế quyền”. Rồi ở gần cuối bài phần II, tôi nhắc lại lần nữa: “Hoàng đế Constantine, sau khi nhập đạo, đã trộn lẫn thế quyền với thần quyền”. Việc đạo hay thần quyền là quyền hạn điều hành giáo hội. Việc nước hay thế quyền là quyền hành cai trị trong nước. Đạo và đời nói trống không là sinh hoạt tâm linh và sinh hoạt đời thường của mọi người. Hai sinh hoạt này chẳng những không xung khắc, mà theo tôi, còn hỗ trợ nhau để mỗi người có cuộc sống phong phú hơn, chẳng phải chỉ ở đời sau, mà ngay cả đời này.
Ông Đinh Phương viết: “Rõ ràng ông Thức ủng hộ việc tôn giáo “tiến” vào đời. Vô tình ông đã “cắn” vào cái tư tưởng “đạo và đời phải tách rời nhau” của chính ông”. Tôi đã ủng hộ việc “tôn giáo tiến vào đời”, và cũng rõ ràng là tôi không ủng hộ thần quyền pha trộn với thế quyền, hay nói khác đi, việc nước và việc đạo lẫn lộn với nhau.
Xin kể một thí dụ, không phải từ thời Trung cổ xa xôi, mà ngay trong xã hội Việt Nam trên nửa thế kỷ trước. Trong hồi ký của mình, nhà biên khảo và dịch thuật Nguyễn Hiến Lê viết, sau khi xuất bản một bộ sách giáo khoa về sử gồm 4 cuốn cho bậc trung học, “một linh mục ở Trung yêu cầu bộ Giáo Dục cấm bán và tịch thu hết bộ sử đó, vì trong cuốn II, viết về thời Trung cổ, chúng tôi có nói đến sự bê bối của một vài Giáo hoàng. Bộ phái một viên bí thư có bằng cấp cử nhân lại tiếp xúc với tôi. Ông này nhã nhặn khen tôi viết sử có nhiệt tâm, cho nên đọc hấp dẫn như đọc bộ sử Pháp của Michelet; rồi nhận rằng sách tôi được bộ Thông tin cho phép in, lại nạp bản rồi, thì không có lý gì tịch thu, cấm bán được, chỉ có thể ra thông cáo cho các trường học đừng dùng thôi, cho nên ông ta chỉ yêu cầu tôi bôi đen vài hàng trên hai bản để ông ta đem về nộp bộ, bộ sẽ trả lời nhân vật công giáo nào đó, còn bán thì tôi cứ bán, không ngại gì cả”. Những chuyện như thế này, người theo đạo Công giáo như tôi, đọc còn khó chịu, huống chi người ngoài.
Ông Đinh Phương đã không hiểu đúng ý của tôi, nhưng bạn đọc Hoàng Trúc trong phản hồi kèm theo bài gốc đã hiểu đúng, khi đề cập tới sự phân biệt giữa thần quyền và thế quyền. Đem ý của mình tới người đọc mà một người hiểu đúng, một người hiểu sai, kết quả việc làm của tôi có năm chục phần trăm. Lỗi tại tôi! Lỗi tại tôi… một nửa!
Dầu sao, cũng xin thành thật cảm ơn tất cả mọi người đã lưu tâm và góp ý.
Trân trọng.
Rất đồng ý với tác giả Đinh Phương!
Đạo tách khỏi đời hay nói chính xác hơn theo lịch sử là thần quyền và thế quyền
phải tách rời nhau, độc lập vì người ta sợ thần quyền lấn át thế quyền như trong
quá khứ ở các nước châu Âu đã từng xảy ra việc quốc vương được giáo hoàng phong
vương, đội vương miện v.v. Chính những ông vua đó làm vậy là tự mình lệ thuộc vào
giáo hoàng (thần quyền) do đó dễ bị thần quyền lợi dung và “thao túng.”
Nếu tôi nhớ không lầm thì sự tách rời thần quyền khỏi thế quyền quyết liệt nhất
là từ cuộc cách mạng Pháp 1789. Cuộc cách mạng này đã chấm dứt “đặc quyền đặc lợi”
của giới tăng lữ Pháp thời bấy giờ.
Có lẽ người ta không nên cực đoan mà cái gì cũng nên xem xét một cách chừng mực,
trung dung, chứ chỉ nhận định chủ quan mà nghiêng về một bên thì xã hội sẽ mất cân bằng, thậm chí hỗn loạn.
Theo tôi, đạo hay tôn giáo phải được coi như lực đối trọng với đời như thành phần
đối lập của nhau. Đời hay chính trị chưa bao giờ hoàn hảo ngay ở các nước dân chủ
phương tây, trong đó giới chính trị gia được đánh giá là không đáng tin vì ưa nói
láo, giở thủ đoạn chỉ hơn giới bán xe (nói láo nhất hạng!