Trang chính » Sáng Tác, Trích đoạn tiểu thuyết Email bài này

bát nhã tâm kinh

Lời tòa soạn: Đây là chương đầu trong “Dâu Bể Trùng Phùng”, là Tập II của cuốn “Truyện Dài Chiến Tranh Bên Cạnh, Tình Yêu” của Huy Văn.

Chương XII: Bát Nhã Tâm Kinh

Chỉ mới lơi tay quạt, chợp mắt được chút xíu, tôi giật mình thức giấc vì tiếng kêu của một đàn muỗi đói đang rình rập gần đâu đó. Những con muỗi tinh ranh quỷ quái, chỉ chờ tôi ngừng tay là chúng lẹ như chớp, hè nhau đáp xuống hút máu của tôi và Cúc rồi bay mất tiêu, để lại những mụn đỏ ngứa ngáy trên tay trên cổ. Không muốn bị muỗi đốt, tôi chỉ còn một cách duy nhất là thức để quạt muỗi chờ trời sáng. Càng chờ, thời gian như càng dài ra, một giờ trôi qua mà tôi tưởng như một năm. Để giết thời giờ, tôi nhìn cây kim dài bò chầm chậm quanh mặt kính nơi cái đồng hồ đeo tay của mình, rồi đếm theo từng tiếng tích tắc âm vang trong đêm khuya vắng lặng. Cuối cùng vì mệt mỏi quá sức, tôi thiếp đi lúc nào không biết, mặc cho lũ muỗi đói tha hồ hút máu.

Chập chờn trong giấc ngủ nửa mê nửa tỉnh, tôi mơ hồ nghe tiếng chuông chùa nương theo cơn gió thoảng, vang đến bên tai.

Bong.. Bòng ..Bong

Tiếng chuông êm đềm, khoan thai ngân dài trong đêm vắng rồi quyện vào bầu không khí tĩnh mịch, bao trùm lấy khoảng không gian chật hẹp quanh tôi. Hình như, tiếng chuông mà tôi nghe được là từ trong tiềm thức xa xăm vọng lại thì đúng hơn.

Boong.. Boòng ..Boong

Đúng rồi, đúng là tiếng chuông chùa Sư Nữ Linh Phong ở xóm Trại Hầm của tôi. Nhà tôi ở đầu xóm, chùa Sư Nữ ở cuối xóm.

Ngày xửa, ngày xưa… xưa lắm rồi, lúc mà thuở trời đất còn mang mang trong trí nhớ, khi tôi học lớp nhì, lớp nhất ở bậc tiểu học, cứ vào những ngày rằm hoặc mồng một, má tôi thường dẫn tôi đi lễ ở chùa Sư Nữ. Đó là ngôi chùa nằm trơ trọi trên đỉnh một ngọn đồi giữa rừng thông xanh, quanh năm chim kêu gió hú, nghe đến buồn hiu hắt. Chùa vốn đã nhỏ lại được làm bằng gỗ, trải bao năm tháng dãi dầu mưa nắng, màu gỗ đã xuống sắc khiến cho ngôi chùa trông cũ kỹ, nghèo nàn đến tội nghiệp. Nếu không nhờ mái chùa uốn cong, được lợp ngói âm dương với hai con rồng bằng gỗ chạm trổ rất tinh vi gắn ở hai đầu nóc chùa, người ta có thể tưởng lầm đó là một căn nhà của cư dân trong xóm.

Lần đầu tiên nhìn thấy ngôi chùa ẩn mình trong một khu rừng quạnh hiu thanh vắng, hình ảnh ấy, đã ăn sâu vào tâm khảm của một đứa bé mười tuổi như tôi. Vì chùa ở quá xa thành phố, cho nên chỉ vào những ngày lễ lớn hoặc Tết Nguyên Đán, mới thấy khách thập phương từ Đà Lạt hoặc những nơi khác đến viếng chùa. Những ngày còn lại, hầu hết thiện nam tín nữ, đi dâng hương lễ Phật tại chùa Sư Nữ đều là người dân ở trong xóm Trại Hầm của tôi. Lễ vật của dân trong xóm dâng lên chùa có gì đâu ngoài vài nải chuối sứ hãy còn xanh, dăm ba trái mận vừa chín tới, mấy củ khoai đào ở sau vườn cọng thêm tấm lòng thành kính của họ. Tất cả chỉ có vậy, không còn gì khác.

Má tôi là một phật tử thuần thành, đi lễ chùa và niềm tin vào Đức Phật, với bà đó là hai chuyện không thể tách rời. Lần nào cũng vậy, trước khi đi lễ, má tôi thường ra mảnh vườn sau nhà đào một ít khoai lang, bà cẩn thận lựa những củ to lớn tốt đẹp, sắp riêng vào một cái rổ nhỏ đem lên cúng chùa, những củ còn lại còi cọc xấu xí, bà để ở nhà luộc cho tôi ăn sáng. Má tôi cũng không quên cắt một ít bông Vạn Thọ giao cho tôi ôm, theo bà lên chùa.

Tôi theo má dâng hương lễ Phật, rồi ngồi im lặng nơi chánh điện nghe tiếng tụng kinh gõ mõ, đều đều bên tai. Một đứa trẻ năng động, ham chạy nhảy chơi đùa như tôi, phải ngồi im một chỗ để nghe kinh, đúng là một cực hình. Tai nghe nhưng đầu óc của tôi lại lang thang đâu mãi tận đầu làng cuối xóm với mấy đứa bạn, khi thì chơi bịt mắt bắt dê, lúc thì đá banh hoặc kéo nhau xuống cái trũng sâu bên kia đồi bắt dế. Người một nơi mà hồn một nẻo, đó là tâm trạng của tôi khi ngồi trong chùa. Tuy vậy, chuyện nghe kinh cũng không khiến tôi đau khổ bằng phải ăn cơm trưa tại chùa, đó là những bữa ăn đáng nhớ trong đời. Nhà tôi vốn đã nghèo, nhưng trong bữa cơm cũng có được vài con cá hấp kho mặn to bằng hai ngón tay, cái trứng vịt luộc dằm trong chén nước mắm ớt dùng để chấm rau luộc. Và một nồi cơm trắng với những hột gạo chín đều, nở bung khi xới ra chén. Trong chảo cơm của chùa, cơm có màu vàng lại thoang thoảng mùi ẩm mốc, một thau nhôm đựng rau lang luộc mà trong đó nước nhiều hơn rau. Tôi gắp cọng rau luộc, chấm vào tô nước muối, ăn với những miếng cơm bở rệt lạt nhách. Chê cơm của chùa nhưng tôi phải cố ăn cho được hai chén cơm đầy, vì cái bụng đói của mình. Lẽ dĩ nhiên tôi nhai và nuốt cơm một cách khó khăn, khổ sở. Không biết gương mặt của tôi nhăn nhó, xấu xí như thế nào nhưng sau bữa ăn, thừa lúc mọi người lo dọn dẹp, lau bàn rửa chén, Sư bà trụ trì giúi vào tay của tôi khi thì trái chuối sứ chín rục ngọt lịm, lúc thì trái quít nho nhỏ chua chua. Tuy còn nhỏ nhưng tôi cũng biết chùa quá nghèo, có phải Sư bà đã nhịn phần ăn của mình cho tôi hay không? Điều ấy tôi không thể xác quyết được. Tôi chỉ biết là với đôi mắt đầy lòng nhân từ độ lượng của Sư bà lúc cho tôi trái chuối, khiến tôi thấy hương vị của trái chuối thơm tho, ngon ngọt hơn bội phần.

Sau này khi lớn lên rồi vào lính, tôi đã đi nhiều nơi, ăn nhiều món ngon vật lạ, tham dự những bữa tiệc mâm cao cỗ đầy với xôi thịt ê hề, bia rượu rót tràn ly thế nhưng hương vị trái chuối của Sư bà cho tôi ngày nào, vẫn là món quà ngon nhất, món quà mà tôi nhớ mãi suốt đời.

Thời gian âm thầm lặng lẽ trôi mau, chưa kịp ngoảnh mặt nhìn lại, tôi đã bước chân vào trung học. Cũng trong khoảng thời gian này, chùa Sư Nữ đang bắt đầu xây lại bằng gạch, to lớn hơn, nguy nga bề thế hơn xưa rất nhiều. Mái chùa được lợp ngói đỏ mới tinh, hai con rồng gỗ cũ kỹ trên nóc chùa được thay thế bằng hai con rồng to lớn, đúc bằng xi măng khảm sành sứ, với nước men bóng loáng đủ màu. Cổng Tam Quan trước chùa, tuy không lớn lắm nhưng với lối kiến trúc hài hòa độc đáo, làm tăng thêm vẻ uy nghi trang nghiêm của chùa. Phật lịch 2505 là năm mà ngôi chùa mới đã xây cất xong hoàn toàn, năm đó tôi đang học lớp đệ lục trường nam trung học công lập Trần Hưng Đạo Đà Lạt. Vì trường ở cách xa xóm nhỏ Trại Hầm của tôi hơn chục cây số, cho nên tôi phải dùng xe đạp để đi học.

Một ngày của tôi thường bắt đầu từ lúc 5 giờ sáng, khi tiếng chuông công phu của chùa Sư Nữ từ cuối xóm len lỏi qua rừng thông xanh vọng đến đầu xóm. Tiếng chuông như một cái đồng hồ báo thức, đã đánh thức tôi dậy. Buổi sáng trời Đà Lạt lạnh tê tái, tôi quấn mình trong cái mền cũ, đi ra sau hè múc một gàu nước từ trong cái lu bằng sành, đổ vào cái thau nhôm để rửa mặt, đánh răng. Xóm Trại Hầm của tôi chỉ có ba vòi nước máy công cộng được đặt ở đầu xóm, giữa xóm và cuối xóm, cho nên nhà nào cũng gánh nước về chứa trong lu để dành dùng cho cả ngày. Nước trong lu để qua đêm ở ngoài trời trở nên lạnh cóng, lạnh đến độ khi chạm tay vào nước, tôi có cảm tưởng máu trong tay của mình muốn ngưng chảy.

Sau khi làm vệ sinh cá nhân, tôi ngồi vào bàn ăn. Ba tôi là thợ mộc, thế nhưng cái bàn ăn của nhà tôi với dăm bảy miếng gỗ thông ghép vào nhau, long đinh, xộc xà xộc xệch, trông thật tội nghiệp. Có một lần, tôi tình cờ thấy má tôi nhìn cái bàn rồi bà lẩm bẩm một mình “Thợ rèn xài dao cùn”. Tôi nghe má tôi nói nhưng không hiểu bà muốn nói gì, bởi vì một cái bàn cũ mèm, xấu xí, có liên quan gì đến ông thợ rèn đâu mà má tôi lại nói như là than thở. Tôi nhìn trên bàn, mấy củ khoai luộc èo uột quặt quẹo, nhỏ bằng ngón chân cái đựng trong một cái tô sành cũ rích, sứt mẻ nhiều chỗ. Đó là phần ăn sáng mà má tôi đã dọn sẵn cho tôi. Tôi quấn chặt cái mền quanh người mong tìm chút hơi ấm, rồi thong thả thưởng thức bữa ăn sáng. Tôi phải nhét cho đầy cái bao tử của mình để chút nữa lấy sức đạp xe hàng chục cây số đến trường, có bao nhiêu khoai lang tôi ăn sạch sẽ. Một hôm, khi đã ăn hết khoai mà tôi vẫn còn thấy đói. Nhìn đống vỏ khoai trong tô, khiến tôi nhớ đến những củ khoai tốt đẹp mà má tôi đã đem đi cúng chùa, điều đó cho thấy, má tôi quý mến ngôi chùa đến mức nào. Sau một hồi suy nghĩ, tôi bốc một ít vỏ khoai ăn thử. Vỏ khoai tuy dai dai nhưng cũng có chút ngòn ngọt, tôi từ từ ăn sạch luôn mớ vỏ khoai trong tô nhờ vậy mà tôi biết được một điều, khi đói ăn vỏ khoai cũng không tệ lắm đâu. Từ đó về sau, khi ăn khoai tôi có thói quen ăn luôn cả vỏ và coi đó là chuyện bình thường. Nếu nhà hết khoai, má tôi làm cho tôi chén cơm chiên hoặc bà nấu cho tôi vài chén cháo. Với tôi, thứ gì cũng được, tôi ăn tuốt, miễn sao đầy bụng là tốt rồi. Sau bữa ăn sáng đầy khiêm nhường, tôi thay quần áo, đi lấy cặp vở cột vào cái yên sau của xe, thêm một lon gô lưng lửng cơm nguội trong đó có vài con cá cơm to bằng ngón tay út kho mặn. Đó là phần ăn trưa của tôi tại trường. Riêng về nước uống, tôi không cần phải mang theo, vì đã có vòi nước máy công cộng ngay bên hông nhà của thầy Tổng giám thị.

Khi đã chuẩn bị mọi thứ xong xuôi, tôi dẫn chiếc xe đạp ra khỏi nhà, đẩy xe men theo lề đường của con dốc cao ngất trời, dài lê thê lên đến khúc đường Lê Thái Tổ bằng phẳng, sau đó mới bắt đầu đạp xe đi học. Buổi sáng khi sương mù còn giăng mờ khắp nẻo, tôi mặc hai cái áo ấm, cái còn lành lặn ở trong, cái rách ở bên ngoài. Sở dĩ tôi mặc như vậy vì lúc đến trường, tôi chỉ có việc cởi cái áo rách ra, cất vào cặp rồi vào lớp học.

Một mình trên chiếc xe đạp lao đi trong sương mù lạnh ngắt, giữa không gian bao la một màu trắng sữa, tôi nhớ đến thầy giáo dạy anh văn của tôi vừa du học bên Anh trở về. Thầy Hạnh, với bộ vest nỉ xám, đôi giầy da bóng loáng, cặp kính trắng trên gương mặt thông thái nghiêm nghị. Trong giờ học, thầy thường đi tới đi lui trên bục gỗ, miệng giảng bài nhưng trên tay lúc nào cũng là cái tẩu, thỉnh thoảng thầy lại đưa lên miệng bập bập vài hơi, lúc ấy trông thầy giống như là một nhà quý tộc Ăng Lê, chứ không phải là một ông thầy giáo dạy Anh văn ở một tỉnh lẻ. Thường thì sau giờ học, còn dư độ mươi phút, với giọng nói khoan thai từ tốn, thầy kể cho chúng tôi nghe những điều mới lạ về cuộc sống đầy lý thú nơi xứ người. Và, điều đáng nhớ nhất vẫn là sương mù Luân Đôn, sương mù ở đó dày đặc đến độ đứng cách xa chừng vài mét, chỉ thấy một cái bóng mờ. Thầy nói “Các em có biết không, rất nhiều lần, thầy đi trong sương mù Đà Lạt mà cứ ngỡ là đang còn sống ở Luân Đôn”. Rồi, lần nào cũng vậy câu nói cuối cùng của thầy vẫn là “Sương mù Luân Đôn chỉ được cái làm nguy hiểm cho giao thông, chứ chẳng được cái tích sự gì, so với sương mù Đà Lạt lãng đãng giữa rừng thông, Đà Lạt quả thật là đẹp tuyệt vời.”

Riêng tôi, sương mù Đà Lạt tuy có đẹp thật nhưng lại mang theo cái lạnh buốt đến cóng tay, và khi tôi đạp xe được vài cây số tới nhà Thủy Tạ, chiếc áo ngoài của tôi đã ướt dầm sương mai.

Nhà Thủy Tạ sơn toàn một màu trắng, nằm trên mặt hồ Xuân Hương, tên cũ của nó là La Grenouillère, đó là nơi gặp gỡ, tụ họp của những người Pháp trong câu lạc bộ thể thao. Bên hông trái của La Grenouillère, là bến đậu của hàng chục chiếc thuyền buồm giống hệt nhau, được phân biệt bằng cách đánh số thứ tự, bắt đầu từ số một. Thuyền trắng, buồm cũng trắng soi bóng nước trong xanh. Mỗi khi chiều đến, với chút gió nhẹ làm gợn sóng lăn tăn trên mặt hồ, là lúc mấy ông Tây hãy còn luyến tiếc Đà Lạt không chịu trở về Pháp, giăng buồm, thả thuyền trôi theo gió. Hồ Xuân Hương lúc bấy giờ, trông thơ mộng như một cảnh trong ciné với nét đặc thù của người Pháp.

Đi thêm chút nữa, tôi đến cái đập ngăn nước của hồ Xuân Hương mà người dân Đà Lạt gọi là cầu ông Đạo . Tôi hoàn toàn không hiểu vì sao người ta lại gọi như vậy, cho đến khi được một người lớn tuổi chỉ cho tôi căn nhà của ông Đạo gần ngay đó. Tuy vậy, phải đợi cả chục năm sau, khi học về tổ chức hành chánh của triều Nguyễn dưới thời Pháp thuộc ở Viện đại học Đà Lạt, tôi mới biết rằng ông Đạo không phải là tên riêng của một người, mà đó là chức Quản Đạo của vị quan trông coi một Đạo ở miền núi, tương đương với chức tỉnh trưởng ở vùng đồng bằng hay miền duyên hải.

Qua khỏi cầu ông Đạo là con dốc Lê Đại Hành, dẫn đến chợ Đà Lạt. Đây là một ngôi chợ khá đặc biệt, tôi không biết nó được xây dựng vào năm nào, khi tôi lớn lên, ngôi chợ đã có ở đó tự bao giờ rồi. Nơi mặt tiền của chợ, một cái huy hiệu hình tròn đường kính ước chừng hai mét, gắn nơi nóc chợ, trong đó có hình một đôi nam nữ. Người thiếu nữ để ngực trần, với một mảnh vải nhỏ quấn ngang hông, trái tai căng bằng hai cái khuyên to, cổ, tay, chân đeo đầy những vòng trang sức. Người thanh niên đóng khố, tay cầm cây lao dài và nhọn. Dưới chân họ là hàng chữ “DAT ALIIS LAETITIAM, ALIIS TEMPERIEM”. Tôi nhìn cái huy hiệu với đôi mắt của một người khách du lịch nhàn nhã, ung dung cưỡi ngựa xem hoa, nhìn đó rồi quên luôn. Mãi cho đến vài tháng sau, bỗng một lần nọ, óc tò mò khiến tôi chép lại hàng chữ trên, rồi đạp xe đến thư viện. Đà Lạt là một tỉnh nhỏ, nhưng thư viện của nó lại to lớn, bề thế vô cùng. Tôi tìm ông quản thủ thư viện, với mục đích là hỏi ông về ý nghĩa của hàng chữ trên. Chỉ vừa mới liếc qua tờ giấy, ông ta nói với tôi, giọng nói của người Miền Bắc.

-Cậu chép câu này ở trên nóc chợ phải không?

Tôi hơi ngạc nhiên, hỏi lại ông.

-Tại sao bác biết?

Ông quản thủ thư viện cười.

-Không hiểu nghĩa câu này, thì không phải là dân Đà Lạt. Cậu ở đâu mới tới, đúng không?

Tôi mắc cỡ quá sức nhưng cũng đành thú thực với ông.

-Thưa bác, con sinh ra và lớn lên tại Đà Lạt.

Ông quản thủ thư viện chắt lưỡi, rồi nói.

-Hỏng, hỏng hết, tôi là dân Bắc kỳ di cư, thế mà xem ra tôi còn biết về lịch sử và sự hình thành của Thành phố Đà Lạt hơn cậu đấy. Cậu có biết không, năm một ngàn tám trăm chín mươi ba, khi bác sĩ Yersin khám phá ra Đà Lạt, thì tại đây đã có bộ tộc người “Lạch” sống từ lâu rồi, cho nên người Pháp mới lấy hình ảnh của đôi trai gái người Lạch, với hàng chữ La Tinh mà cậu mới đưa cho tôi coi, làm biểu tượng cho Thành phố Đà Lạt. Ý nghĩa của những chữ La Tinh đó dịch ra tiếng Việt như sau “Cho người này niềm vui, cho người khác sức khỏe”. Tôi tạm dịch như vậy không biết có sát nghĩa hay không, khả năng của tôi chỉ có chừng đó. Theo tôi nghĩ, cậu nên đến nhà thờ Con Gà, hỏi mấy vị linh mục ở trong đó, cậu sẽ được nghe giải thích rõ ràng hơn về mấy chữ trên, bởi vì còn ai mà giỏi tiếng La Tinh hơn những vị linh mục.

Ông quản thủ thư viện trả lại tờ giấy cho tôi.

-Mà nè, cậu có biết nhà thờ Con Gà ở đâu không?

Không trả lời câu hỏi của ông quản thủ thư viện, tôi cười đùa với ông ấy, rồi lập lại câu nói mà tôi đã nói với ông trước đây.

-Thưa bác, con sinh ra và lớn lên tại Đà Lạt.

Tôi cảm ơn ông quản thủ thư viện rồi ra về, vừa đi tôi vừa nghĩ đến những gia đình người Lạch ở đâu tận chân núi Lâm Viên, vẫn thường mang những gùi củi sau lưng, hay những giò Lan rừng ra chợ Đà Lạt để đổi lấy cá khô hoặc muối hột. Tôi không biết những người Lạch này, họ nghĩ gì khi thấy hình của mình trên nóc chợ.

Thêm một điểm đặc biệt nữa là cái tháp hình khối của chợ, nếu đứng trước chợ nhìn vào thì nó nằm bên tay phải, gần trên đỉnh tháp có gắn một cái đồng hồ, mỗi ngày đúng vào lúc mười hai giờ trưa, khi hai cây kim nơi tháp đồng hồ chập lại làm một, là còi trong chợ bắt đầu hú lên báo hiệu đến giờ nghỉ. Khi nghe còi hụ, hầu như tất cả mọi tiệm buôn, hàng quán quanh chợ đều đóng cửa để ăn cơm và nghỉ trưa, mãi cho đến gần hai giờ mọi sinh hoạt mới trở lại bình thường. Cái lối sống chịu ảnh hưởng của Pháp sâu đậm như vậy, hình như chỉ có ở Đà Lạt.

Tôi đang đứng nơi chân con dốc Lê Đại Hành, trước mắt tôi cao hơn con dốc chút xíu là đường Thành Thái nằm bên trái, cả hai con đường với hai hàng hoa Anh Đào già cỗi. Hàng năm khi mùa xuân đến với tiết trời ấm áp, là lúc hoa Anh Đào nở rộ, tô thắm cả hai con đường. Đà Lạt lúc bấy giờ trông giống như thành phố đầy hoa Đào ở Nhật Bản, nhưng cái khác biệt là cả khu chợ Đà Lạt nổi lên trên đám sương mù, khiến tôi tưởng rằng Đà Lạt như được treo lơ lửng giữa trời. Chẳng trách, người ta gọi Đà Lạt là thành phố mộng mơ. Tôi đẩy xe đạp lên hết con dốc đường Lê Đại Hành, lúc này tôi đang đứng tại chợ Đà Lạt. Đến đây, coi như tôi đã đi được già nửa đoạn đường. Cái đồng hồ trên đỉnh tháp hình khối vuông chỉ bảy giờ, sáng rồi mà phố xá vắng tanh, trong chợ chỉ toàn là những người bán hàng đang lục đục sắp xếp, bày hàng lên sạp. Cả Thành phố Đà Lạt hình như còn yên ngủ, ngay trung tâm thành phố mà chỉ có vài ba người quấn mình trong những bộ đồ ấm, đứng mua bánh mì dưới mái hiên của tiệm Vĩnh Chấn. Tôi chạy xe xuống hết con dốc Minh Mạng, tên cũ của nó là đường Cầu Quẹo, sau đó rỉ rả đạp xe đến cuối đường Phan Đình Phùng, leo thêm một con dốc lài lài khoảng một cây số, ôm theo nghĩa địa thành phố. Bảy giờ rưỡi, Trường Trần Hưng Đạo đã hiện ra trước mắt tôi.

Một đứa nhỏ mười hai tuổi như tôi, mỗi ngày đạp xe hơn hai chục cây số đi và về, đường xa vời vợi, ngang qua đường Lê Thái Tổ với sương mù của thành phố Luân Đôn, qua La Grenouillère và chợ Đà Lạt mang nét đặc thù của văn hóa Pháp, rồi qua những hàng hoa Anh Đào của xứ Phù Tang thơ mộng. Chỉ một đoạn đường có vài cây số, tôi đã đi qua ba nước giàu có, văn minh vào hạng nhất nhì thế giới, hỏi sao tôi không mê Đà Lạt cho được. Ngày nào cũng đạp xe, hết lên đèo rồi lại xuống dốc, hết sáng lại đến chiều, hết tuần này qua tháng nọ, năm này qua năm khác, tôi mãi mê đạp xe đi học. Thêm phần cũng quan trọng không kém, vì bài vở ở bậc trung học quá nhiều so với khi còn ở bậc tiểu học, khiến tôi không còn thì giờ ôm những bó hoa Vạn Thọ theo má đến chùa.

Bước qua những năm trung học đệ nhị cấp, từ lớp đệ tam cho đến khi lên đệ nhất, tôi tự cho là mình đã lớn nên suốt mấy năm trường, tôi đi học mà cứ tà tà như đi chơi, tới đâu hay tới đó.

Một lần nọ, vì muốn chứng tỏ mình không phải là thằng cù lần. Ở cái tuổi của tôi vào thời bấy giờ, nếu bị gọi là cù lần, đó là một lời chê trách nặng nề, cho nên tôi nghe theo lời rủ rê của Nhân đầu bạc trốn học, để rồi suốt một buổi chỉ biết đi lang thang vòng quanh chợ Đà Lạt, lúc đó đã được sửa chữa lại với cái tên mới là Khu phố Hòa Bình. Chúng tôi, vừa đi vừa nhẩm đếm xem có bao nhiêu cây cột xi măng chống quanh rạp hát. Sau đó, hai đứa đến ngồi nơi những bậc cấp trước nhà thờ Tin Lành ở đường Hàm Nghi, nhìn những cô gái má phơn phớt hồng như hoa Đào, học ở trường nữ trung học Bùi Thị Xuân trong bộ đồng phục quần trắng, áo dài trắng, chân đi guốc, tung tăng đùa giỡn, chuyện trò trên đường đi đến trường. Hai đứa tôi tha hồ ngồi ngắm những người đẹp, rồi mặc sức khen chê bình phẩm. Cho đến khi không còn bóng dáng chiếc áo dài trắng nào trên đường phố, lúc bấy giờ tôi mới nhìn Nhân như ngầm hỏi “ Phải làm gì nữa đây để tiêu pha cho hết một ngày trốn học?”

Nhân đầu bạc là một người không bao giờ chịu thúc thủ trước mọi hoàn cảnh, bất cứ lúc nào nó cũng có thể đưa ra sáng kiến mới để giải quyết vấn đề. Hắn nói với tôi.

-Mày có biết quán mì quảng ở hẻm ciné Ngọc Hiệp không? Tụi mình đến đó ăn mì, tao sẽ trả tiền, nhưng sau đó mày phải làm cho tao một chuyện.

Tôi nghĩ đến quán mì quảng ngon nhất của Thành phố Đà Lạt. Lần đầu tiên, tôi biết được quán mì này là do ba tôi dẫn tôi đến. Điểm đặc biệt của quán là bán mì quảng, nhưng lại do hai vợ chồng người Bắc đứng nấu. Người chồng hiền khô như ông bụt với con mắt hiêng hiếng, lo việc múc mì ra tô cho khách kiêm luôn việc thu tiền, vợ dọn dẹp. Lần đó, ba tôi thưởng cho tôi một tô mì to bự, khi biết tôi đã đậu vào lớp đệ thất Trường trung học công lập Trần Hưng Đạo Đà Lạt. Bốn năm sau khi đậu bằng Trung học, tôi lại được ông thưởng cho một tô mì y như xưa, nhưng giá tô mì lúc này là năm đồng chứ không còn là ba đồng như ngày xưa. Đặc biệt, lần này ba tôi kêu thêm cho tôi một ly cà phê túi vải, uống với sữa đặc có đường. Với tôi, tô mì quảng ở hẻm ciné Ngọc Hiệp quả thật là danh bất hư truyền. Những sợi mì gièm giẹp vàng ươm bóng lưởng vì thấm dầu phụng, được xếp gọn trong một cái tô to bên dưới là rau sống, ông chủ quán mì chan nước xốt xăm xắp ngang những cọng mì. Nước xốt ở đây quả thật là đặc biệt, được nấu với thịt heo bằm và tôm khô, nó sền sệt tựa như có pha thêm tí da heo xắt hột lựu, thêm chút vàng óng ánh của mỡ, chút đỏ tươi của ớt bột. Trên cùng là mấy lát thịt heo ba chỉ mong mỏng, nằm cạnh hai con tôm tươi không đầu đã được lột vỏ. Khi ăn khách dùng đũa, mạnh tay trộn đều lên sẽ thấy những cọng rau thơm xanh ngắt như húng lủi, tím bầm như tía tô, lẫn với rau xà lách, bắp chuối xắt nhỏ và mùi thơm nức mũi của nước xốt. Cuối cùng, thực khách chỉ cần thêm vào tô một ít đậu phụng rang giã nhỏ, dăm miếng bánh tráng bẻ vụn, một tí nước mắm ớt để làm dậy mùi thơm, là đã có được một tô mì nóng hổi, thơm ngon. Một điểm đặc biệt không nơi nào có, là cái gáo múc nước mắm làm bằng nửa hột mù u to cỡ trái chanh, với cái cán bằng tre. Chỉ mới nghĩ tới thôi, nước bọt đã ứa ra đầu lưỡi, tôi hăng hái hỏi Nhân.

-Mày cần tao làm việc gì?

-Dễ thôi, không có gì là nặng nhọc, mày lấy cái kéo hớt tóc cho tao.

Nghe Nhân đầu bạc nói mà tôi cứ tưởng nó nói đùa.

-Tại sao mày không vô tiệm hớt tóc, mà lại biểu tao cắt tóc cho mày.

Gương mặt Nhân lộ vẻ đau khổ thấy rõ.

-Tao không ngờ, mày lại chậm hiểu quá sức như vậy. Mười đồng má tao cho để hớt tóc, tao với mày sẽ lấy đi ăn mì, còn tiền đâu nữa mà trả cho tiệm hớt tóc.

Nghe nó nói, tôi chợt tỉnh mộng. Tô mì quảng thơm lừng, mới đó đã biến mất tiêu.

-Mày làm tao mừng hụt, tao thà chịu nhịn đói chứ nhứt định không dám xởn cái đầu của mày. Tao mà cắt tóc cho mày xong, đầu tóc của mày lúc bấy giờ loang lổ, vằn vện chẳng khác gì tấm da beo.

Nhân đầu bạc nhìn tôi

-Mày nói cũng có lý, vậy thì mình phải tính chuyện khác, mà dầu có làm chuyện gì đi nữa, mày cũng phải đóng vai chính. Chương trình của tao như thế này: Tao với mày sẽ vô cà phê Tùng vừa rỉ rả uống cà phê, vừa nghe những bản nhạc đã một thời vang bóng. Mày nghe bản nhạc “Chiều vàng” của nhạc sĩ Nguyễn Văn Khánh do bạn Tôn Thất Niệm trình bày trên Đài phát thanh Đà Lạt chưa? Giọng hát của ông ấy, phải nói là tuyệt vời.

Tôi chỉnh Nhân đầu bạc.

-Ca sĩ chứ bạn sao được, ông ấy đã là bác sĩ, lại còn hơn mình có tới hai chục tuổi như không. Mày ăn nói hồ đồ, không chịu để ý kính trọng người trên.

Nhân đầu bạc lên giọng với tôi.

-Cách đây hơn chục năm, trên Đài phát thanh Đà Lạt người ta dùng chữ “bạn” để chỉ người trình bày bản nhạc, chứ không dùng chữ ca sĩ như bây giờ.

Tôi đá nhẹ Nhân đầu bạc.

-Thời đó mày cũng như tao, bảy tám tuổi thì biết cái gì về Đài phát thanh Đà Lạt mà bày đặt nói.

Bị bắt bí, Nhân đầu bạc cười bẽn lẽn.

-Thì tao nghe chú tao nói ấy mà.

Tuy bắt bí được Nhân đầu bạc nhưng tôi vẫn thầm phục hắn quá trời, vì chuyện hắn muốn vào cà phê Tùng, đó quả là một ý tưởng hết sức mới mẻ và đầy táo bạo. Tôi là dân Đà Lạt đúng bảy mươi hai phần dầu, đã từng đi ngang qua cà phê Tùng cả ngàn lần nhưng chưa một lần bước chân vào, bởi vì tôi nghĩ rằng nơi đó chỉ dành cho người lớn. Bọn nhóc tì dở dở ương ương, nhỏ không ra nhỏ, lớn không ra lớn như chúng tôi, chỉ có việc đứng ngoài cà phê Tùng mà nhìn vào. Thêm nữa, điều quan trọng nhất vẫn là chuyện tôi không có tiền. Tôi nói với Nhân:

-Tiền đâu mà uống cà phê?

Nhân đầu bạc tươi cười, hắn xoa hai bàn tay vào nhau.

-Nếu muốn uống cà phê, mày phải làm theo lời tao dặn, chuyện này cũng dễ thôi. Mày chạy đến sạp vải Hưng Long của má tao ở trên lầu hai chợ mới, nói với bà là tao bị té xe đạp. Chiếc xe bị hư hại nặng, tao cần tiền để sửa xe.

Tôi nói với Nhân.

-Ăn gian, nói dối là chuyện tao không thể làm được. Ba tao mà biết được chuyện lường gạt, gian dối, ổng tống cổ tao ra khỏi nhà ngay lập tức. Hơn nữa, liệu má mày có tin tưởng tao để mà đưa tiền hay không?

Thấy tôi lừng khừng, Nhân đầu bạc trấn an tôi:

-Tao sẽ viết vài chữ với nội dung là tao đang ngồi ở tiệm sửa xe đạp, nhờ mày về nhà lấy tiền. Má tao biết mày mà, bà thường gọi mày là thằng “Cục Bột”, mỗi khi nhắc đến mày. Giao tiền cho một thằng khờ như cục bột thì có gì mà phải lo. Còn nữa, mày cứ yên chí, má tao rất cưng tao, bà chỉ quan tâm tới sự an nguy của tao thôi. Chuyện tiền bạc, má tao không coi nặng bằng thằng con yêu quý của bà.

Sau một chút suy nghĩ, Nhân đầu bạc nói thêm.

-Tiền hai ly cà phê hết hai chục, tụi mình cần thêm bốn đồng để mua năm điếu thuốc Ruby. Uống cà phê mà không có thuốc lá, coi không được chút nào. Đã lỡ làm dân chơi, dù là dân chơi tỉnh lẻ cũng phải chơi cho tới bến. Tao sẽ viết xuống giấy, xin má tao hai mươi bốn đồng.

Tôi nghĩ thầm, người ta thường nói “được voi đòi tiên”, còn ông bạn quý của tôi, không cần biết có voi hay chưa, đòi luôn một lần cả voi lẫn tiên cho tiện việc sổ sách. Vì nghĩ như vậy nên tôi nói với Nhân.

-Xin hai chục đồng là đủ uống cà phê rồi. À… mà sao mày biết giá một ly cà phê là mười đồng? Mày có lộn không? Tao muốn nhắc cho mày biết, một tô mì quảng to hết cỡ, ngon hết biết ở hẻm Ngọc Hiệp, chỉ có năm đồng.

Nhân đầu bạc với giọng nói đầy quả quyết.

-Một trăm phần trăm là đúng vì chú tao mới nói với tao tuần trước, khi ông ấy dẫn bà vợ sắp cưới của ổng đi uống cà phê ở Tùng. Chú tao còn nói thêm rằng, nội cái chuyện nghe nhạc ở cà phê Tùng cũng đáng giá mười đồng rồi, ly cà phê coi như cho không.

Khi đã có tiền trong tay, tôi và Nhân đẩy cánh cửa của cà phê Tùng, hiên ngang ưỡn ngực bước vào. Với khoảng không gian không lấy gì làm rộng rãi cho lắm, chừng bốn mét bề ngang, chiều sâu đâu khoảng bảy tám mét, gần cuối phòng, bên tay phải là một cái cầu thang nhỏ dẫn lên lầu hai. Diện tích của cà phê Tùng chỉ có ngần ấy. Chọn một cái bàn nhỏ ở góc phòng gần quầy tính tiền, Nhân đầu bạc dõng dạc gọi hai ly cà phê đen. Lần đầu tiên được ngồi trong một tiệm cà phê nổi tiếng của Đà Lạt, tôi tò mò nhìn quanh, trên tường bên tay trái của tôi treo một bức tranh lập thể, vẽ hình một người đàn ông tay ôm cây đàn guitar, cần đàn chúi xuống đất. Tôi chăm chú nhìn bức tranh, nhìn hoài mà vẫn không thấy cái đẹp, cũng không hiểu ông họa sĩ muốn nói gì trong bức tranh đó. Cuối cùng, tôi đành phải chấp nhận, mình là người phàm mắt tục, không có chút kiến thức gì về hội họa, thôi thì đừng có thắc mắc gì về tranh với ảnh cho được việc. Khác với tôi, Nhân thong thả mồi một điếu thuốc, nhả khói bay mù mịt y hệt như một người sành điệu. Chỉ có điều, ngay lúc đó nó ho sặc sụa vì khói thuốc. Hai tay ôm lấy ngực, Nhân đầu bạc nói mà như là phân bua để chữa thẹn.

-Thuốc Ruby Queen tưởng nhẹ, ai ngờ nó lại gắt hơn thuốc Bastos.

Đợi cho những giọt cà phê đen cuối cùng từ cái phin xinh xắn làm bằng một loại sắt không rỉ sét, nhỏ xuống tách cà phê, tôi cho một muỗng đường khuấy đều rồi hớp một ngụm. Cà phê phin ở Tùng quả thật là thơm ngon, nhưng lại quá sức đậm đặc so với ly cà phê túi vải nhạt phèo mà tôi đã được uống. Đem so sánh ly cà phê Tùng với ly cà phê túi vải là một chuyện làm khấp khểnh, nhưng biết làm sao bây giờ. Bởi vì, ly cà phê túi vải nơi hẻm ciné Ngọc Hiệp là ly cà phê duy nhất mà tôi đã từng được uống. Tôi xin một ly nước sôi, thêm hai muỗng đường, lúc bấy giờ tôi mới có được một ly cà phê vừa theo ý mình.

Hai đứa tôi ngồi im lặng thưởng thức ly cà phê đen, lắng tai nghe nhạc trong bầu không khí lù mù khói thuốc lá. Bất chợt, Nhân đầu bạc hỏi tôi.

-Má tao có nói gì khi đưa tiền cho mày không?

Tôi phải giải thích vòng vo Tam Quốc với Nhân.

-Từ nhỏ tới lớn, chưa bao giờ tao biết ăn gian nói dối, nhưng vì cái hấp lực quá mạnh của ly cà phê Tùng nên tao đành liều mạng, nhắm mắt đưa chân. Có tật giật mình, mày biết không khi gặp má của mày, tao run còn hơn là leo rào trốn học, bị thầy Tổng giám thị bắt gặp tại trận. Cũng may má mày hiền quá sức, khi biết mày cần tiền để sửa xe, bà vội vàng đưa tiền cho tao mà không một chút nghi ngờ.

Nghe tôi nói, gương mặt của Nhân đầu bạc sáng rỡ, hắn nói, câu nói không liên quan gì đến chuyện gian dối của hai đứa.

-Mày có biết tao bao nhiêu tuổi không?

Tôi hơi ngạc nhiên vì câu hỏi không đâu vào đâu của hắn, cũng không hiểu vì sao hắn hỏi tôi như vậy. Tôi nhìn lên mái tóc muối tiêu của Nhân đầu bạc rồi giả vờ nói.

-Trông mày giống một ông già bốn mươi.

-Đừng có giỡn, nói thiệt đi.

Tôi nói.

-Mày giỏi lắm cũng chỉ hơn tao một tuổi là cùng. Mười chín.

Nhân nói với tôi mà như là thổ lộ tâm tình, hắn dốc cạn bầu tâm sự.

-Vậy mà má tao cứ tưởng là tao chỉ có bảy, tám tuổi. Từ sau ngày ba tao mất đi, má tao sống đó mà cứ như người chết rồi, có bao nhiêu tình thương bà dồn hết cho tao, bà thương tao quá sức, chiều chuộng tao còn hơn là chiều vong. Suốt ngày, má tao bám theo tao không rời nửa bước, cơm ăn áo mặc, bà lo từng chút một, thậm chí đến chuyện buổi tối trước khi đi ngủ, bà nặn sẵn kem vào bàn chải đánh răng cho tao, giục tao đánh răng sau đó mới cho tao đi ngủ. Mày nghĩ coi, một thằng con trai lớn tồng ngồng còn bị má giám sát từng chút một như vậy, không giận sao được. Tao chỉ mong sao đậu xong cái Tú tài là tao đăng lính ngay, mà phải là lính Nhảy Dù hay là Thủy Quân Lục Chiến mới được. Mày biết tại sao không?

Tôi trả lời mà trong lòng đầy thắc mắc.

-Không.

Nhân đầu bạc nói một cách rành rẽ.

-Bởi vì Nhảy Dù và Thủy Quân Lục Chiến là lực lượng tổng trừ bị của Quân Lực Việt Nam Cộng Hòa, được điều động đi khắp bốn vùng chiến thuật. Hôm nay họ đang thanh toán chiến trường ở Kontum, ngày mai có thể bay ra địa đầu giới tuyến để giải tỏa áp lực của Việt Cộng. Nơi nào mà chiến trường sôi động, sặc mùi thuốc súng, nơi đó sẽ có sự hiện diện của Nhảy Dù và Thủy Quân Lục Chiến. Nếu tao được vào một trong hai binh chủng này, cho dù má tao có cánh bà cũng không theo kịp để mà giám sát tao.

Đang rù rì tâm sự, đột nhiên Nhân đầu bạc nghiêng đầu như lắng tai nghe rồi nói.
-Mày có nghe gì không? Hình như cả tiếng đồng hồ ngồi đây, tao không nghe bản nhạc Việt Nam nào hết trơn. Nhạc ở đây nghe không khá chút nào, không lý ông chú của tao du học ở bên Tây về mà lại không biết nghe nhạc.

Nhân ngừng nói nhìn tôi, gương mặt của hắn lộ vẻ giận.

-Tao phải hỏi ông chủ quán mới được.

Vừa dứt lời, hắn hùng hổ đứng lên đi về phía quầy thâu ngân, cách bàn của chúng tôi độ dăm bước, nơi ông chủ cà phê Tùng đang ngồi.

Tôi nhìn theo Nhân đầu bạc mà trong lòng đầy lo âu, chỉ sợ hắn ăn nói lỗ mãng với người lớn. Trái với thái độ hung hăng con bọ xít, khi đến trước mặt ông chủ cà phê Tùng, Nhân đầu bạc với giọng nói nhỏ nhẹ:

-Thưa bác, cho tụi con nghe bản nhạc “Hai lối mộng” của nhạc sĩ Trúc Phương được không?

Ông chủ quán cà phê Tùng trong bộ vest màu nâu đậm đúng thời trang, với cái tẩu đang cầm trên tay, ngẩn nhìn Nhân đầu bạc. Ông không trả lời mà hỏi hắn.

-Cậu là học sinh trường nào?

-Dạ thưa bác, con học Trường Trần Hưng Đạo.

-Lớp mấy?

-Thưa bác, đệ nhị.

-Cuối năm nay, cậu thi Tú tài Một phải không?

– Dạ phải.

Ông chủ cà phê Tùng, với giọng nói như là cha dạy con.

-Học hành không lo, đi uống cà phê hoài coi chừng thi rớt đó.

Dứt lời ông nhẫn nha nhồi một ít thuốc vào cái tẩu, rồi chỉ vào thời khóa biểu gắn trên tường.

-Chương trình hôm nay là nhạc hòa tấu cổ điển tây phương, ngày mai là nhạc tiền chiến, bản nhạc thời trang mà cậu muốn nghe, ở đây không có.

Lâu nay, tôi cứ đinh ninh rằng thầy Hạnh dạy Anh văn của tôi, là người duy nhất ở Đà Lạt hút thuốc bằng cái tẩu. Hôm nay, tôi lại thấy thêm một người nữa cũng hút thuốc bằng tẩu. Đó là ông chủ cà phê Tùng. Hai người, hai công việc khác nhau nhưng cái điểm chung mà tôi thấy được nơi họ, là cả hai đều có bề ngoài lịch sự, trang nghiêm, và nhất là lời ăn tiếng nói khoan thai từ tốn.

Nhân đầu bạc đứng tần ngần như suy nghĩ, một lúc sau hắn nói.

-Thưa bác, tính tiền giùm con.

-Mười đồng.

-Tụi con uống hai ly cà phê lận, nghe nói phải hai mươi đồng.

Ông chủ cà phê Tùng mỉm cười rồi nói, giọng nói của một người đầy hào phóng.

-Học sinh tính nửa giá. Từ rày về sau, tôi cấm hai cậu tới đây uống cà phê, cho đến khi nào đậu xong cái bằng Tú tài Một mới được vô tiệm của tôi.

Chúng tôi đi ra cửa, vẫn còn nghe ông chủ cà phê Tùng dặn vói theo.

-Nếu muốn uống cà phê Tùng, phải gắng tập nghe nhạc hòa tấu cổ điển.

Tôi nghe nhưng thầm nghĩ, ông chủ cà phê Tùng không ở trong hoàn cảnh của tôi, cho nên ông mới khuyên chúng tôi như vậy. Ông đâu có biết, nếu tôi muốn nghe một bản nhạc mà tôi thích, đó là chuyện không dễ chút nào. Trước tiên, tôi phải viết một lá thư gởi cho đài phát thanh Đà Lạt, với nội dung xin yêu cầu được nghe bản nhạc mình muốn. Sau đó, phải đợi từ hai tới ba tuần lễ, một đôi khi sự chờ đợi có thể kéo dài đến bốn, năm tuần là chuyện thường tình. Tuy vậy sự chờ đợi không phải là chuyện đáng nói, mà là chuyện nhà tôi không có radio. Với tôi radio là một vật xa xí, chỉ có trong ước mơ. Nội cái việc Thứ tư hàng tuần, vào giờ có nhạc yêu cầu của đài phát thanh Đà Lạt, nếu muốn nghe, tôi phải chạy qua tiệm tạp hóa Đông Á ở gần nhà, ngồi bên hè để nghe ké. Tuy là nghe lén nhưng vẫn không ổn, bởi vì trong tiệm tạp hóa Đông Á có mấy cô gái, cũng trạc tuổi của tôi, cô nào cô nấy xinh như mơ. Nếu cha mẹ của họ thấy tôi ngồi bên hông nhà, làm sao tôi có thể giải thích được chuyện tình ngay lý gian của mình.

Vậy thì nếu muốn nghe nhạc hòa tấu cổ điển, tôi phải đến đâu để nghe.

Sau này lớn lên rồi vào lính, khi có chút tiền rủng rỉnh trong túi, nếu muốn vừa uống cà phê, vừa ngắm cảnh, tôi chọn cà phê Thủy Tạ. Nếu muốn ngắm người đẹp, nghe nhạc thời trang tôi ghé cà phê Hạnh Tâm. Năm thì mười họa, tôi mới bước chân vào cà phê Tùng một lần. Bởi vì, với tôi nghe nhạc hòa tấu cổ điển cần phải có thời gian học hỏi, làm quen và sau đó mới là thưởng thức. Bắt tôi nghe nhạc hòa tấu với những cái tên lạ hoắc như Mozart, Schubert, Beethoven, Chopin khác nào chuyện đàn gảy tai trâu.

Vừa bước chân ra khỏi cà phê Tùng, với mười đồng trên tay, Nhân đầu bạc cười với tôi, nụ cười thật là rạng rỡ.

-Tao đói lắm rồi, tụi mình đi tới hẻm ciné Ngọc Hiệp, ở đó, mày có quyền tì tì thưởng thức tô mì quảng danh tiếng của Đà Lạt, mà không phải lo sợ cầm kéo hớt tóc cho tao.

Cho đến khi niên học chấm dứt, chỉ còn hai tháng nữa là đến ngày thi, tôi mới ôm một chồng sách đến chùa Sư Nữ để ôn lại bài vở. Với cái cầu thang bằng gỗ ở cổng Tam Quan, tôi leo lên căn gác đúc nơi cổng, đưa tay đẩy nhẹ cánh cửa gỗ nho nhỏ hình vuông lên, chun vào rồi sập cánh cửa xuống. Trên đầu tôi là một bầu trời xanh lơ với vài cụm mây trắng đã bao bọc, cô lập tôi với thế giới bên ngoài. Tôi đang ở trong căn gác chỉ độ vài mét chiều dài, một mét rưỡi bề ngang, một mình tôi một cõi tịnh không, bao nhiêu phiền nhiễu phức tạp biến đi đâu mất. Tôi học bài thi mà cứ như là đi tu. Sở dĩ tôi được đặc ân lên căn gác đúc ở cổng Tam Quan của chùa Sư Nữ để học bài, bởi vì ba tôi đã góp nhiều công sức lo về phần đóng bàn ghế trong chùa. Tôi cố nhồi nhét vào cái đầu chậm chạp u mê của mình, cuốn sách vạn vật dày cộm, cuốn lịch sử Việt Nam, lịch sử thế giới, mà trong đó đầy đặc những năm tháng cấm không được quên. Thêm nữa, cái khó nhất vẫn là giải những bài toán vật lý, hóa học, tuy hiện thực nhưng lại quá sức trừu tượng hoặc những bài toán hình học với ba chiều không gian khô khan, mà trong đó tôi tìm hoài không thấy chiều không gian thứ ba nằm ở đâu. Gặp những bài toán khó như vậy, tôi lại thấy như mình đi lạc trong sa mạc hoang vu nắng cháy, mò hoài không thấy đường ra, thậm chí một cái ốc đảo nho nhỏ cũng bặt tăm biệt tích. Biết mình không được thông minh cho lắm, cho nên tôi cố gắng học thuộc lòng bài vở, học quên trời quên đất, mãi cho đến khi chút nắng vàng yếu ớt còn sót lại của một ngày vừa khuất sau dãy núi phía xa, sương mù kéo về bao trùm lên cái xóm nhỏ, cùng với tiếng chuông thu không của chùa Sư Nữ ngân vang trong sương mù ẩm đục.

Boong… Boòng… Boong…….. Boong… Boòng… Boong…

Từng tiếng chuông thong thả nối tiếp nhau, tạo thành một hồi chuông ngân dài trong chiều vắng, lúc bấy giờ tôi mới ôm chồng sách vở trở về nhà. Hai tháng trường tu luyện trên cái gác đúc nơi cổng Tam Quan của chùa Sư Nữ, tiếng chuông thu không thanh thoát gióng lên vào mỗi buổi chiều, trở nên gần gũi thân thiết với tôi hơn bao giờ hết. Tôi đậu hai cái Tú Tài rồi bùi ngùi luyến tiếc, giã từ tiếng chuông chùa, lên đường nhập ngũ. Năm tháng dần trôi, dòng đời đưa đẩy, cuốn hút con người theo cơn lốc của chiến tranh, quay cuồng trong chiến cuộc. Mới đó mà đã gần bảy năm trời trong quân ngũ, tôi quên bẵng đi tiếng chuông chùa của thời niên thiếu.

Đêm nay trong cảnh nước mất nhà tan, bơ vơ lạc lõng giữa Sài Gòn, tôi gối đầu lên bậc cấp nơi vỉa hè của một căn nhà ở bến xe, nhìn thấy tương lai là hai cánh cửa của địa ngục Xã Hội Chủ Nghĩa đang mở rộng đón chào, nghe lại được tiếng chuông chùa năm xưa khi tôi còn bé vang vọng đến bên tai. Tôi ngờ rằng tiếng chuông hình như không có thực, bởi vì có khi nó lẩn quẩn bên tai như là tiếng chuông của một ngôi chùa nào đó gần đâu đây, lại có lúc xa thật xa như từ trong quá khứ vọng về. Tiếng chuông trầm trầm, lắng xuống, nhỏ dần, nhỏ dần rồi tan vào cõi hư không, kéo theo cái bóng một thằng bé mười tuổi của những năm tháng xa xưa, ngồi nơi chánh điện chùa Sư Nữ, tai nghe má đọc câu kinh “Sắc bất dị không, không bất dị sắc”. Mà trong đầu chỉ mơ ước có được một con dế.

bài đã đăng của Huy Văn Trương

Phần Góp Ý/Bình Luận


Xin vui lòng bày tỏ trách nhiệm và sự tương kính trong việc sử dụng ngôn ngữ khi đóng góp ý kiến. Da Màu dành quyền từ chối những ý kiến cực đoan, thiếu tôn trọng bạn đọc hoặc không sử dụng email thật. Chúng tôi sẽ liên lạc trực tiếp với tác giả nếu ý kiến cần được biên tập.

Lưu ý: Xin vui lòng bỏ dấu tiếng Việt để giúp tránh những hiểu lầm đáng tiếc từ độc giả trong việc diễn dịch ý kiến đóng góp. Bài không bỏ dấu sẽ không được hiển thị. Xin chân thành cám ơn.

@2006-2023 damau.org ♦ Tạp Chí Văn Chương Da Màu
Log in | Entries (RSS) | Comments (RSS)