Trang chính » Bàn Tròn: Nghệ Thuật & Chính Trị, Chuyên Đề, Kiểm Duyệt Văn Hóa Nghệ Thuật Email bài này

Chán ngán, ngại ngần

 

LTS: Tác giả Trần Văn Tích gửi bài này đến Da Màu như phần phản hồi với ông Nguyễn Đặng trên bài viết “Hòa Giải, Kiểm Duyệt và Giao Lưu” của  tác giả Bùi Văn Phú. Vì nội dung bài viết có thể mở ra những tranh luận nghiêm túc về văn học Việt Nam trong và  ngoài nước, chúng tôi đã yêu cầu tác giả cho đăng phản hồi này trong mục Bàn Tròn – Vấn Đề Kiểm Duyệt, Nghệ Thuật & Chính trị.

 

Tôi rất ngại và chán khi gõ những dòng này. Vì chuyện giao lưu hội nhập, hoà hợp hoà giải giữa “quí vị văn nghệ sĩ trong ngoài nước” là chuyện muôn năm cũ kể chi bây giờ. Tuy nhiên đọc phản hồi của tác giả Nguyễn Đặng trên Da Màu đối với bài viết của Bùi Văn Phú thì tôi tìm được chút hứng thú và ít can đảm để gõ, nhưng cũng chỉ gõ nổi ngắn gọn thôi.

Trong lịch sử loài người, lưu vong vốn là một hiện tượng không bình thường nhưng không hiếm hoi. Chỉ khi một dân tộc mất quyền tự chủ, chỉ khi bộ máy lãnh đạo công cuộc đấu tranh chính nghĩa không còn thế đứng và chỗ đứng trong nước thì cuộc vận động cho tự  do dân chủ cũng như  công tác tuyên truyền cổ vũ mới đành phải chuyển ra nước ngoài. Trong một hoàn cảnh như vậy, văn hoá chính thống của dân tộc đành phải thoát ly, lưu lạc ra khỏi lãnh thổ tổ quốc để rồi được chuyển trở lại trong nước qua con đường hoặc bí mật, hoặc bán công khai.

Tình huống hai nền văn học lưu vong và quốc nội song song tồn tại đã xẩy ra trong quá khứ và đang xẩy ra trong hiện tại. Nước Đức từng có một nền Exilliteratur với những tính danh quen thuộc Thomas Mann, Heinrich Mann, Stefan George, Anna Seghers v.v.. Nước Pháp dưới trào chính phủ Pétain từng có Saint Exupéry, Alain Bosquet , Jean Renoir v.v..  Nước Nga cộng sản từng có Ivan Bunin, Nicolas Minski, Vladimir Nabokov, Alexandr’ Solzhenitsin, Boris Pasternak, Boris Zaitsev v.v.. Trung Hoa ngày nay có ít nhất một Cao Hành Kiện. Do những biến động chính trị mang bản chất và màu sắc khác nhau, thời đại chúng ta đang sống cũng ghi nhận sự xuất hiện của những tập thể văn nghệ sĩ lưu vong Ba Lan, Thổ Nhĩ Kỳ, Iran, Irak, Cu Ba v.v..

Dẫu vậy, ngày nay giới thưởng ngoạn văn chương đều biết đến Doktor Faustus, Josef und seine Brüder, Terre des hommes, Pilote de guerre, Le Petit Prince v.v.. Nếu nỗi lo của tác giả Nguyễn Đặng :”thế hệ trẻ ở Việt Nam (…) không đọc được những tác phẩm chân chính (…) thì họ sẽ như thế nào. Họ sẽ vô cảm với tất cả, sẽ phá phách và coi thường tất cả” là chính đáng thì giới trẻ tại các quốc gia khác, trong quá khứ và thuộc hiện tại, vì không có dịp “đọc được những tác phẩm chân chính”  của các nhà văn Đức, Nga, Pháp, Trung Hoa, Iran, Irak, Thổ Nhĩ Kỳ v.v.. lưu vong nên đã và đang vô cảm, phá phách và coi thường hay sao?  Giới trẻ dưới thời Hitler, dưới thời Pétain đâu có được đọc Thomas Mann, Saint Exupéry như  giới trẻ Việt nam quốc nội hiện nay đang được đọc Nguyễn Đức Tùng, Nguyễn Mộng Giác? Nhưng giới trẻ, giới hơi già, giới già, giới rất già thuộc hai dân tộc Đức và Pháp hiện nay đang cùng đọc Thomas Mann, Saint Exupéry. Có trễ mất “năm năm mười năm hoặc lâu hơn nữa“ thật, nhưng có ai than phiền tiếc nuối (quá khứ) dữ dội, thậm chí lên án buộc tội (Thomas Mann, Saint Exupéry) mạnh mẽ đâu?  Vì không được đọc những tác giả hải ngoại như hai ông Nguyễn qua Thơ đến từ đâu Sông Côn mùa lũ nên giới trẻ Việt Nam sẽ phạm đủ thứ tội và sẽ sống gần như cây cỏ? Vậy trong quá khứ, cụ thể là dưới thời Hitler và Pétain, sao không thấy giới trẻ Đức Pháp vô cảm, phá phách và coi thường? Tội nghiệp và cũng tội lỗi cho “quí vị văn nghệ sĩ“ ngoài nước quá đi thôi. Hoá ra quí vị đang làm đầu tằm mà đâu có dè!

Vấn đề cụ thể và đơn giản như sau: Cao Hành Kiện in sách của mình ở Hoa Lục hay ở Đài Loan? Các nhà văn Cu Ba lưu vong hiện nay có gởi sách về in ở đảo quốc hay không? Các nhà văn Nam Hàn có gởi sách lên in ở Bình Nhưỡng hay không? Vì chỉ còn vỏn vẹn bốn quốc gia theo chế độ ưu việt nên tôi chỉ có thể nếu ba câu hỏi như vậy. Hay là Tàu, Cu Ba, Triều Tiên có “tiêu chí”, có “hoàn cảnh”, có “vân vân“ khác với quốc gia duy nhất, độc nhất trên cõi hoàn vũ hiện tại? Luận điểm này tôi nghe hoài hoài nên càng chán nữa.

“Rất mong quí vị văn nghệ sĩ trong ngoài nước nên xử  sự với nhau trên cái tình.  Không thương nhau thì ai thương.”   Không rõ căn cứ vào đâu mà tác giả Nguyễn Đặng lại hạ một câu như vậy.  Đọc bài viết của ông Bùi Văn Phú có thấy ông Bùi “không thương”  quí ông Tiêu Dao Bảo Cự, Tô Nhuận Vỹ đâu? Nhưng thương nhau theo kiểu Nguyễn Đặng thì có lẽ cần phải xem lại. Nếu không e hoá ra yêu nhau thì lại bằng mười phụ nhau.

bài đã đăng của Trần Văn Tích

Phần Góp Ý/Bình Luận


Xin vui lòng bày tỏ trách nhiệm và sự tương kính trong việc sử dụng ngôn ngữ khi đóng góp ý kiến. Da Màu dành quyền từ chối những ý kiến cực đoan, thiếu tôn trọng bạn đọc hoặc không sử dụng email thật. Chúng tôi sẽ liên lạc trực tiếp với tác giả nếu ý kiến cần được biên tập.

Lưu ý: Xin vui lòng bỏ dấu tiếng Việt để giúp tránh những hiểu lầm đáng tiếc từ độc giả trong việc diễn dịch ý kiến đóng góp. Bài không bỏ dấu sẽ không được hiển thị. Xin chân thành cám ơn.

12 Bình luận

  • Tôn Thất Thái Dương says:

    Nguyễn Đặng nói: “Tóm lại, tui ủng hộ nội dung của cuốn sáchkhông bằng lòng với kiểm duyệt. Từ được đọc cuốn sách in ra tui sẽ tìm trên mạng xem người ta kiểm duyệt chỗ nào, vì sao.”
     
    Tôi muốn hỏi:
     
    1-Nguyễn Đặng không bằng lòng với kiểm duyệt nhưng lại ủng hộ nội dung của cuốn sách sau khi nó đã bị kiểm duyệt?
     
    2-Trong trường hợp những tác phẩm ở hải ngoại gởi về in ở VN, bị kiểm duyệt, nhưng chưa phổ biến bản gốc trên mạng, thì Nguyễn Đặng làm sao biết người ta kiểm duyệt chỗ nào, vì sao?
     
    3-Đa số nhà văn VN bỏ nước ra đi vì không chấp nhận chế độ kiểm duyệt, thì tại sao bây giờ họ lại phải gửi tác phẩm về in trong nước và chấp nhận kiểm duyệt?
     
    Nguyễn Đặng cũng đừng giả vờ đọc sót ý của tôi để đánh lạc hướng.
     
    Trong ý kiến trước, Nguyễn Đặng đã nói:  “Quý vị có đủ điều kiện, không sợ ai cả để viết những tác phẩm hay của thời đại mình mà.”
     
    Tôi đã đáp lại: “Nói vậy thì đúng (nghĩa là chỉ nói riêng câu đó thì đúng) nhưng suốt mấy hôm nay Nguyễn Đặng lại ra sức bênh vực cho cuốn “Thơ đến từ đâu”, một cuốn sách đã bị kiểm duyệt, cắt hàng ngàn chữ của Nam Dao, sửa câu văn lại cho ngược ý tưởng của Thận Nhiên…”


    “Ở hải ngoại không sợ ai cả để viết những tác phẩm hay, nhưng nếu nghe lời Nguyễn Đặng mà đem vô VN để bị tùng xẻo như vậy thì có khác gì viết ở trong nước??? Còn gì mà hay nữa???”

  • Nguyễn Đặng says:

    Nghe bác Thuyết nói tui giật mình vào diendan.org và một số trang mạng xem lại mấy truyện của NĐM… (Và nghe đâu nhiều trang mạng và cả Tân Văn (báo giấy) ở Mỹ đều đăng lại truyện này). Hoá ra không phải như thế. Đọc truyện vậy mà cũng đọc. Trình độ đọc của Bác Lê Thuyết còn hạn chế lắm, bác nói:

    Trong truyện “Về làng” của Nguyễn Đặng Mừng:
    Chú Kha bí thư chi bộ trịnh trọng “Kính thưa bà con, Đảng ta luôn quan tâm tới bà con, anh em các nước XHCN không quên chúng ta, Liên Xô vừa viện trợ cho chúng ta hằng triệu tấn bo bo, đây là loại lương thực rất bổ dưỡng…. Sau đó có một câu nữa: Cả đội được một ngày vui vẻ, hạnh phúc, ấm no.(lưu ý là mấy chữ in đậm trong truyện tác giả in nghiêng.)

    Nếu một người đọc không thấy sự châm biếm đằng sau câu: Liên Xô vừa viện trợ cho chúng ta hằng triệu tấn bo bo, đây là loại lương thực rất bổ dưỡng…thì non quá. Ai cũng biết bo bo là loại lương thực cho súc vật ăn mà ông bí thư bảo đấy là “loại lương thực bổ dưỡng”. Họ lừa dân đấy. Bác trích ngang phè như vậy rồi bảo Nguyễn Đặng Mừng nịnh thì oan cho ông ta quá.
    Và đây nữa, một đoạn trong truyện “Nước Nhảy Lên Bờ”: Nhớ hồi năm bảy lăm, những cán bộ đi tập kết về mở tiệc mời bà con. Mấy chú ngoài Bắc về làng thuộc thế hệ đàn em của chú Gàn thời chống Pháp, có người khi đi mới mười lăm tuổi, ra Bắc còn đi học tiếp. Nghe đâu có anh Hạ tốt nghiệp tiến sĩ ở Liên Sô. Những chuyện kể về chiến tranh sinh động lắm. Bà con chăm chú nghe, đột nhiên chú Gàn nói lớn: “Ăn đi cho tui ăn với một miếng, nói chi nói mãi, không thì tui về đây”. Mấy chú kéo lại xin lỗi chú Gàn. Ăn xong ngồi uống nước, lại chuyển qua đề tài kinh tế. Mấy chú kể ngoài Bắc nhiều mỏ lắm, nào mỏ thiếc, mỏ chì, có cả mỏ u-ra-ni-um để sản xuất bom nguyên tử. Chú Gàn bực mình nói trỏng: “Còn một mỏ nữa”, bà con hỏi mỏ chi, chú tỉnh queo: “Mỏ nói láo”.  Không lẽ viết vậy cũng gọi là nịnh.

    Còn truyện  Đồi Ma bác đọc kỹ lại đi. Cứ tưởng tượng Cô Thuyền là nước Việt, Lão Nghi đại diện cho một học thuyết (giai cấp công nhân thợ rèn, chết đói). Học thuyết đó (đại diện là Lão Nghi) hiếp dâm chị Thuyền. Chị vừa sung sướng vừa đau khổ. Nghĩ vậy cho nhẹ lòng Bác à. Bác đọc truyện hay đọc lời phê bình của ai đó để hiểu điều  tác giả muốn viết.

    Gửi bác Tôn Thất Thái Dương: Bác bảo tui bênh cuốn Thơ Đến Từ Đâu là không có bằng cớ, nhưng tui thích là quyền của tui, cũng như bác không thích. Tui thích 22 tác giả và Nguyễn Đức Tùng làm được nhiều đối thoại văn chương thú vị, có những người tui chưa hề biết mà làm thơ hay quá, trả lời tuyệt quá. Còn việc kiểm duyệt là việc của người khác, không phải của bạn đọc, của bác, của tui… Tui cũng đã viết trong các phản hồi  trước là: Kiểm duyệt ở VN thì ai cũng biết. Dân cầm bút ai mà ủng hộ được.  Tóm lại, tui ủng hộ nội dung của cuốn sách và không bằng lòng với kiểm duyệt. Từ được đọc cuốn sách in ra tui sẽ tìm trên mạng xem người ta kiểm duyệt chỗ nào, vì sao. Và tui sẽ độc lập trong nhận thức về sự đó. Hy vọng những đọc giả chân chính cũng làm như thế.

    Bác coi lại, dù dốt tui cũng biết là đoạn sau khập khiễng về cú pháp, cố tình gán ghép những điều tui không có trước đó (trong các phản hồi) vào, Nguyễn Đặng viết: “Quý vị có đủ điều kiện, không sợ ai cả để viết những tác phẩm hay của thời đại mình mà.”

    Bác lại “bình”: Nói vậy thì đúng, nhưng suốt mấy hôm nay Nguyễn Đặng lại ra sức bênh vực cho cuốn “Thơ đến từ đâu”, một cuốn sách đã bị kiểm duyệt, cắt hàng ngàn chữ của Nam Dao, sửa câu văn lại cho ngược ý tưởng của Thận Nhiên…

    Hình như “Nói vậy là đúng” và mệnh đề sau là “Nhưng mấy hôm nay…” không ăn nhậu gì với nhau cả.

    Tui cũng thưa là  sẽ chấm dứt tranh luận ở đây với những ai không dựa trên học thuật, chỉ bắt bẻ những điều nhỏ nhặt, ngoài văn học,  không đáng. Bạn đọc thông minh lắm, họ biết ai có tấm lòng  với văn học và ai phá văn học, cả trong và ngoài nước. Họ sẽ là người phán xét sau cùng.

    Kính chào. Tui đi cày đây.

  • Trần Văn Tích says:

    Tôi tự hỏi các nhà văn nhà thơ Trung Hoa lưu vong có gửi sách của họ về in ở Hoa Lục không thì ông Nguyễn Đặng lại giới thiệu với tôi sách của một số nhà văn Trung Hoa in ở…Việt Nam.  Dầu sao đi nữa, Việt Nam đã trở thành Giao Chỉ quận đâu! Ông Đặng cũng kể tên các tác giả người Việt hiện sinh sống tại hải ngoại có sách in ở Việt Nam. Chung qui vẫn là “đi vô đi ra cũng ba cha khi nãy”. Đảng quốc xã của Hitler không phải bao gồm tất cả dân tộc Đức, kể cả nông dân Đức. Nhưng Thomas Mann không gửi sách về in ở Berlin hay München. Hơn nữa, Thomas Mann chọn Zürich (Thụy sĩ) làm nơi an nghỉ cuối cùng, còn Stefan George thì dặn dò đừng đưa di thể mình về chôn nơi đất Đức chừng nào còn quốc xã.  Câu thơ Nguyễn Du được ông Nguyễn Đặng trích dẫn từng khiến thi bá bị vua Tự Đức đòi “đét roi” vào mông. “Cơ chế” của “ta” ngày nay còn vượt xa, vượt rất xa phong kiến. Xin được miễn  bàn thêm.

  • Lê Thuyết says:

    Không biết Nguyễn Đặng có phải là “anh em” với Nguyễn Đặng Mừng hay không! Nguyễn Đặng Mừng đúng là cựu SQVNCH như Nguyễn Đặng nói. Nguyễn Đặng Mừng  “không nịnh Đảng một chữ”, có lẽ, nhưng rất tiếc, cũng chưa từng dám phê bình Đảng một chữ!
     
    Mời bà con đọc vài đoạn của Nguyễn Đặng Mừng để thấy một cây bút rất “khéo”.

    Trong truyện “Về làng” của Nguyễn Đặng Mừng:
    Chú Kha bí thư chi bộ trịnh trọng “Kính thưa bà con, Đảng ta luôn quan tâm tới bà con, anh em các nước XHCN không quên chúng ta, Liên Xô vừa viện trợ cho chúng ta hằng triệu tấn bo bo, đây là loại lương thực rất bổ dưỡng …” . Bà con vỗ tay quá chừng. Xong chú Kha đi vòng vòng nhìn bà con chia bo bo, khuôn mặt gầy đanh lại khắc khổ. Chú là cán bộ liêm khiết nên rất nghèo.

    Trong truyện “Đồi Ma”, một truyện được Đặng Tiến lăng xê, Nguyễn Đặng Mừng viết về cuộc sống kỳ dị của lão Nghi, một người có hành tung rất bí ẩn. Sau khi qua đời lão Nghi được phong tặng danh hiệu liệt sĩ, đại diện cho “giai cấp công nhân” đầu tiên của cả vùng làm cách mạng. Bàn về truyện đó, Vương Quốc Hùng đã khen Nguyễn Đặng Mừng: “10 năm qua đi, khi chiến tranh kết thúc, xã hội đổi thay, mọi người mới nhận thấy, những kẻ kỳ dị kia đã làm được những điều bình thường mà phi thường biết bao. Lão Nghi lại chính là Việt Cộng nằm vùng.”

  • Tôn Thất Thái Dương says:

    Nguyễn Đặng viết:  “Quý vị có đủ điều kiện, không sợ ai cả để viết những tác phẩm hay của thời đại mình mà.”

    Nói vậy thì đúng, nhưng suốt mấy hôm nay Nguyễn Đặng lại ra sức bênh vực cho cuốn “Thơ đến từ đâu”, một cuốn sách đã bị kiểm duyệt, cắt hàng ngàn chữ của Nam Dao, sửa câu văn lại cho ngược ý tưởng của Thận Nhiên…

    Ở hải ngoại không sợ ai cả để viết những tác phẩm hay, nhưng nếu nghe lời Nguyễn Đặng mà đem vô VN để bị tùng xẻo như vậy thì có khác gì viết ở trong nước??? Còn gì mà hay nữa???

    Nguyễn Đặng này có lẽ không phải là nông dân, vì nông dân thiệt thà thì không ai biết cái ngón dụ dỗ vô bẫy.

  • Nguyễn Đặng says:

    Bác Phan Đức viết: Nghe ông Nguyễn Đặng nói mà tôi mát cả lòng. Nông dân VN bây giờ rảnh rang thiệt
    và “trình độ” quá. Ai dám bảo dân trí người VN ta thấp nhỉ?

    Xin trả lời: Xin bác chớ mỉa mai nông dân trong nước. (Bác thận trọng cách dùng chữ. Hải ngoại cũng có nông dân đấy). Họ đã từng sáng tạo ra nhiều cái mà các vị tiến sĩ nhà nước không làm được.

    Sau “đổi đời” 1975, một số rất lớn những trí thức thành thị và con em họ, những người không được may mắn xuất ngoại như các anh về làm nông dân đấy.  Nói như bác là đã vô tình khinh thường họ, tội nghiệp. Xin thưa có nhiều  trí thức ở nông thôn làm nên những  thư viện văn học cho con em của họ đấy. Và trong những năm lại đây, những tay viết như Ngô Phan Lưu, Nguyễn Đặng Mừng (cựu SQVNCH) và Nguyễn Ngọc Tư đều là nông dân cả. Đặc biệt là họ phản ảnh mặt trái của xã hội, không nịnh Đảng một chữ. Khi những phương tiện nghe nhìn áp đảo ở thành thị thì văn hoá đọc ở nông thôn là số một. Nếu có sách hay họ sẽ chuyền tay nhau đọc và bình phẩm (ngày nông nhàn họ rảnh hơn dân thành thị). Hãy cho họ có cơ hội tiếp cận bằng những cuốn sách HAY của quý vị đi. Quý vị có đủ điều kiện, không sợ ai cả để viết những tác phẩm hay của thời đại mình mà.

    Bác Phan Đức lại viết: Ngoài ra, ông cũng có tài tiếp thị hay chào hàng vào loại thượng thừa. Đấy! Hãy bắt chước người Tàu nhé! Tác phẩm Tàu mà còn “hòa giải” được ở nước ta, huống gì…

    Thưa bác không có chuyện tác giả Tàu hay Tây hay Việt chi ở đây cả, Chỉ có HAY và DỞ. Cha ông mình hàng ngàn năm thuộc làu tứ thư ngũ kinh mà. Ngày xưa chế độ phong kiến mà Nguyễn Du cũng dám viết “Dọc ngang nào biết trên đầu có ai”, tất nhiên là thi hào rất khéo, nói chuyện bên Tàu kia, ai làm gì ông nào. Và cũng vì hay mà chính thể, tôn giáo nào cũng dành phần truyện Kiều. Nếu ai đó có tác phẩm giá trị chúng tôi đều cần, dù đấy là một tác giả người Lào.

    Kiểm duyệt ở VN thì ai cũng biết. Dân cầm bút ai mà ủng hộ được. Tuy nhiên cũng có người đổ thừa cho kiểm duyệt để bênh vực cho loại văn thơ hô khẩu hiệu thì chán lắm. Tui thấy ông Nguyễn Mộng Giác, Nhật Tiến trước 75 viết xuất  sắc, sau khi về VN in mấy cuốn cũng còn hay lắm. Nhiều khi nhân nhượng chút để bà con,  dân mình đọc được tác phẩm mình còn hơn cứ cao ngạo bảo rằng ta đây không cần bạn đọc. Mấy ông cán bộ ai đọc sách mấy đâu.

    Nhân tiện nhờ Bác Đức giới thiệu cho tôi biết,  theo bác những tác phẩm có tầm cỡ văn học đang có ở hải ngoại, chưa in ở VN vì lý do nào đó, đặng tui nhờ bạn bè bên đó mua giùm mà đọc cuối đời nhé. Rất cám ơn.

  • Theo bài của Mã Kiện (Majian, “The great Tiananmen taboo,” The Guardian, Thứ Ba 2/6/2009, bản dịch Anh ngữ của Flora Drew) mà anh Hoàng Ngọc-Tuấn dẫn ở trên, có vẻ như Mã Kiện và đứa con trai 5 tuổi của ông bị theo dõi một cách tự động — bởi nhiều máy quay phim và máy nghe lén, được đặt quanh khu chung cư nơi họ trú, và trên chiếc xe taxi chở họ ra quảng trường Thiên An Môn. Những chiếc máy này có thể đã được đặt sẵn ở các vị trí đó nhằm theo dõi an ninh công cộng. Các chi tiết về cảnh sát mặc sắc phục đứng dọc các con đường, và nhân viên bảo vệ khám xét hai cha con Mã Kiện, cũng cho thấy đây là cả một hệ thống bảo an công cộng. Ít nhất nó được dàn dựng cho sự kiện Thế Vận Hội Bắc Kinh 2008. Xa hơn, toàn bộ hoặc một phần của nó có thể được lưu lại để dùng luôn sau Thế Vận Hội. Nhưng có nhiều phần chắc, nó không dành riêng cho nhà văn lưu vong họ Mã. Đây là đoạn văn trong bản dịch tiếng Anh:

    During the Beijing Olympics last August, I took my now five-year-old son to the square. On our journey there, our movements were observed by the CCTV cameras in the lift of our apartment block and outside the front gate of our compound, by the listening devices in our taxi, by the armed police who lined the streets and by the security guards who frisked us before finally allowing us on to Tiananmen. We emerged from the underpass and stepped on to the square. Apart from the crowds of policemen, the plain-clothes officers (instantly identifiable by their dark sunglasses and striped Airtex shirts) and the gaudy flower displays, the concrete-paved square, the size of nine football fields, was almost deserted.

    Trong một đoạn văn sau đó, Mã Kiện kể rằng trong chuyến về Trung Quốc hồi tháng 2/2009, ông bị khám xét tại cửa khẩu, bị tịch thu mọi tài liệu, và bị theo dõi việc đi lại. Theo tôi, thì chắc ông bị theo dõi bằng một công cụ cũng thông dụng ở Việt Nam, là công an chìm, thay vì bằng các máy quay phim và nghe lén đầy dẫy trong “hệ thống”. Ông nhận định rằng giới hữu trách vỡ lẽ khi nào họ còn không cho ông lên tiếng tại Trung Quốc, thì ông vẫn không thể làm gì được họ. Trong đoạn này, theo tôi, câu chuyện lý thú nhất là Mã Kiện bị tài xế taxi hét, khi ông kéo kính xuống toan chụp một bức ảnh. Tài xế nói, “Đóng cái cửa sổ đó lại! Có một luật mới, anh không biết hả? Mọi cửa sổ taxi đều phải đóng lại khi chạy ngang Quảng Trường Thiên An Môn. Chỗ này đã thuộc diện ‘khu vực nhạy cảm chính trị’.” Đoạn văn trong bài tiếng Anh:

    In February of this year I returned to China to research my next book. The authorities know about the novels of mine that have been published in the west, including the latest one, Beijing Coma, about a student shot in Tiananmen Square, but so far have allowed me to return. They continue to search me at customs, confiscate my documents and monitor my movements, but no doubt realise that as long as they deny me a voice in China, I can’t do much harm. Although my next book has nothing to do with Tiananmen, a few days after my arrival in February I found myself involuntarily drawn back to that vast open space. I went there by taxi. The square was deserted and carpeted in snow. The emerald conifers along its perimeter drew one’s gaze skyward. I wound down the window to take a photograph, but before I had time to press the shutter, the driver barked, “Close that window! There’s a new rule, didn’t you know? All taxi windows must be kept shut when driving past Tiananmen Square. It’s been designated a ‘politically sensitive area’.”

    Một đoạn nữa khiến người đọc giật mình khi đọc câu cuối, như nhiều câu cuối đoạn khác trong toàn bài. Đó là đoạn kế chót, nói về người anh của nhà văn. Xin tạm dịch:

    Tôi nghĩ về anh tôi, người 20 năm về trước rơi vào một cơn hôn mê. Vợ con anh đã bỏ rơi anh từ lâu. Hôm nay, anh có thể ăn, uống và ngủ được rồi, nhưng không có xúc cảm hay lòng tự trọng. Anh không nói được, nhưng có thể ngồi trước một sô truyền hình và cười tới chảy nước mắt. Hoặc là anh có thể nhìn trừng lên trần nhà hàng nhiều giờ đồng hồ. Anh mất kiểm soát cuộc đời mình. Anh giống như người dân Trung Hoa.

    Kể ra Mã Kiện cũng có thể làm cho nhà cầm quyền nhột nhạt, nếu được lên tiếng!

  • Phan Đức says:

    Nghe ông Nguyễn Đặng nói mà tôi mát cả lòng.Nông dân VN.bây giờ rảnh rang thiệt
    và “trình độ” qúa.Ai dám bảo dân trí người VN.ta thấp nhỉ ?
    Ngoài ra,ông cũng có tài tiếp thị hay chào hàng vào loại thượng thừa.Đấy ! Hãy bắt
    chước người Tàu nhé ! Tác phẩm Tàu mà còn “hòa giải” được ở nước ta,huống gì tác
    phẩm Việt Kiều !
    Tiếc là ông say sưa quãng cáo nên quên mất một điều liệu các tác phẩm của ai đó có
    bị nhân danh “biên tập” mà kiểm duyệt vì “phạm húy” chính trị hay không.Vấn đề là
    ở chổ đó,thưa ông. 

  • Đỗ Kh. says:

    Cám ơn anh Hoàng Ngọc Tuấn về những thông tin đích xác ở trên.
     
    Trường hợp Cao Hành Kiện, thật tình tôi không biết ông ra đi và ở lại ra sao, được xếp vào loại nào, về mặt lưu vong, ly khai hay là phản kháng, chống đối, độc lập hay lạnh nhạt ở mức độ Hân Nhiên, mức độ Đới Tư Kiệt, mức độ Mã Kiện hay là mình ông riêng một góc trời.
     
    Mã Kiện, tôi cũng không theo dõi sát nút ông đi đâu, chỉ dựa vào câu trả lời PV của ông là “Tôi sống giữa-một nửa London và Bắc Kinh”. Khi ở trong nước, ông có được theo dõi sát nút hay mời liên tục làm việc thì cũng từng, hay cũng vẫn xảy ra với nhiều người viết Việt khi về nước.
     
    Đới Tư Kiệt tôi có giao du từ thời anh chưa viết mà mới chỉ làm phim. Phim “Người thừa” (“Tang le 11è’) do Pháp sản xuất và quay tại Việt Nam, tức là lấy cảnh thượng du nước Việt để thay cho cảnh Tứ Xuyên, là vì anh cho biết không được giấy phép của Trung Quốc. Sau này, phim “Balzac…” thì lại được.
     
    Theo tôi nghĩ thì anh “lưu vong, ly khai, nổi loạn…” không bằng cấp và ở mức độ của anh. Nói thế có nghĩa là anh độc lập, không những với nhà nước mà độc lập với những phong trào ngoài nước (như nhóm Tinh Tinh) vào lúc đó.
     
    Có bận đang ngồi café ở quận 14 Paris, anh rủ tôi đi thăm một nhà văn Trung Quốc theo anh là sắp được Nobel đến nơi. Đây là lần đầu tôi nghe nói đến tên ông này và ông ở Bagnolet, tức là phải đổi 2 bận tàu điện và mất cỡ hơn nửa tiếng. Vì lười mà tôi mất dịp làm quen với Cao Hành Kiện vào thuả ông còn hàn vi. Lời tiên tri của Đới Tư Kiệt sớm vài năm. Sau khi Cao Hành Kiện được giải, tôi có hỏi thăm một nhà văn Trung Quốc khác ở Pháp và cũng là bạn ông trước đây thì anh này bảo “Hắn cắt điện thoại, đổi địa chỉ dọn nhà rồi, không nói chuyện với ai nữa, đừng nhắc đến thằng đó làm gì”.
     
    Cao Hành Kiện không có sách xuất bản ở Trung Quốc nhưng các tác phẩm của ông có nhiều tại…Việt Nam.

  • Anh Đỗ Kh. góp ý như thế thì quá “chung chung”, bỏ qua những điểm quan trọng. Nếu anh đem sự “hoà giải” của một số nhà văn VN tỵ nạn để so sánh với trường hợp của các nhà văn gốc Trung quốc như Dai Sijie, Xue Xinran và Majian, thì anh đã nhầm.

    Dai Sijie (Đới Tư Kiệt) và Xue Xinran (Tiết Hân Nhiên) không phải là những nhà văn tỵ nạn lưu vong.

    Năm 1984, Đới Tư Kiệt được nhà nước Trung quốc cho học bổng sang du học ở Pháp. Sau khi học xong, ông tiếp tục ở lại Pháp và trở thành một nhà làm phim.

    Tiết Hân Nhiên là xướng ngôn viên đài phát thanh và ký giả trong biên chế của nhà nước Trung quốc. Năm 1997, Tiết Hân Nhiên sang London du lịch, xin ở lại và làm nhiều nghề để kiếm sống, sau đó bắt đầu viết văn.

    Majian (Mã Kiện) thì mới đúng là nhà văn lưu vong. Năm 1987, khi một số sách của ông bị cấm lưu hành ở Trung quốc, ông dời ra khỏi Bắc Kinh. Năm 1989, ông tham gia cuộc xuống đường ở Thiên An Môn, rồi chạy thoát sang Hương Cảng. Năm 1997, ngay trước khi Hương Cảng bị trao trả cho Trung quốc, Mã Kiện chạy sang Đức, rồi năm 1999 ông sang Anh và sống ở đó cho đến hôm nay. Mã Kiện đã về Trung quốc hai lần. Năm 2008, để xem lại khung cảnh Thiên An Môn sau 20 năm, và năm 2009, để tìm tư liệu cho một cuốn tiểu thuyết đang viết. Cả hai lần ông đều bị công an theo dõi sát nút, từng cử chỉ và lời nói của ông đều bị thu hình và thu âm. [Xin đọc bài “The great Tiananmen taboo” của Mã Kiện trên tờ The Guardian, Tuesday 2 June 2009.]
    http://www.guardian.co.uk/world/2009/jun/02/tiananmen-square-protests-1989-china

    Mã Kiện chưa bao giờ thoả hiệp với chính quyền Trung quốc, chưa bao giờ về nước để tham dự hội thảo, hội nghị gì cả.

    Mã Kiện đã khẳng định: “One can’t write in a totalitarian society unless one writes as a rebel. The only way left for such people to keep some moral conscience is to flee.” [Người ta không thể viết trong một xã hội chuyên chế trừ khi người ta viết như một người nổi loạn. Con đường duy nhất còn lại cho những người này giữ được một chút lương tâm là phải đào thoát.]

  • Nguyễn Đặng says:

    Tôi định đưa những chứng minh về sách tác giả lưu vong được in ở Trung Quốc gửi anh Trần Văn Tích để anh đỡ “Chán ngán, ngại ngần’,  nhưng anh ĐK đã nói hộ tôi rồi.
     Rất lo cho sức khoẻ của anh, có lẽ độ này anh lớn tuổi nên đôi khi ít theo dõi Văn học ở ngoài nước Đức. 
    Mời anh về Việt Nam mà xem, ngoài những tác giả lưu vong Trung Quốc như Cao Hành Kiện,  Xue Xỉnran còn khá nhiều tác giả lưu vong Trung Quốc dược dịch sang tiếng Việt từ nguyên tác hoặc từ bản tiếng Trung của    Trung Hoa lục địa. Chẳng hạn Xỉnran (Hân Nhiên), “Thiên táng” và sắp in “Hảo nữ Trung Hoa” (The Good Women of China), Majian…
     Có cả quầy sách để tên các vị ấy ở những quầy trang trọng. Học sinh sinh viên bàn tán về sách của họ, ước chi nhà văn hải ngoại mình có những tác phẩm như thế.
     Còn tác giả lưu vong Viêt Nam, ngoài Cổ Ngư, Đỗ KH, Trần Kiêm Đoàn…, còn  tác giả gần đây nhất là Hoàng Khởi Phong có cuốn Người Trăm Năm Cũ  trên 600 trang, nhà xuất bản Hội Nhà Văn vừa phát hành..
    Chính các loại sách trên tác động tích cực vào sự tự đổi mới của các văn nghệ sĩ trong nước, để từ đó có những tác phẩm như Thời của Thánh Thần, Rồng Đá, Ba Người Khác vv… Dù có khó khăn trong xuất bản, Thời Của Thanh Thần vẫn được bày bán công khai ở VN.
    Tôi nghĩ những tác phẩm văn học đích thực tự thân nó cảm hoá được nhiều chế độ chính trị khác nhau. Vũ Trọng Phụng, Hồ Xuân Hương thì CS hay Quốc Gia, ở Mỹ hay VN  đều phải tôn trọng. Hy vọng các tác giả Hải ngoại có nhiều tác phẩm HAY như thế, được xuất bản trong nước,  để bà con nông dân như chúng tôi  được nhờ. (Nông dân chúng tôi chiếm  trên 80% dân số, CS chỉ 3000.000 thôi mà)
     

  • Đỗ Kh. says:

    Trường hợp Cao Hành Kiện cụ thể và đơn giản như tác giả Trần Văn Tích khẳng định, ông in sách ông ở Hong Kong và Đài Loan thay vì ở Hoa Lục.
    Tuy nhiên, cụ thể không kém nhưng lại không đơn giản bằng là trường hợp của một số nhà văn Trung Quốc khác sống ở nước ngoài hay lưu vong như  Đới Tư Kiệt (ở Pháp, gỉải Femina 2003). “Balzac et la petite tailleuse chinoise”, kể lại một giai đoạn của cách mạng Văn hoá, được viết bằng tiếng Pháp và dịch sang Hoa văn, xuất bản tại Trung Quốc. Chuyển thể thành phim truyện do tác giả đạo diễn cũng được thực hiện tại Trung Quốc.
    Xue Xỉnran (ở Anh) thì có đầu sách (“The good women of China”) trong nước bởi NXB Đà Nẵng (tôi xin lỗi, NXB Thượng Hải chứ!)
    Majian (“Beijing Coma”) tuy không có sách xuất bản trong nước nhưng sau khi lưu vong và viết tại nước ngoài, vẫn sống bán thời gian tại Trung Quốc, chẳng hiểu có thỉnh thoảng tham dự hội thảo, bàn tròn gì không.

@2006-2023 damau.org ♦ Tạp Chí Văn Chương Da Màu
Log in | Entries (RSS) | Comments (RSS)