Trang chính » Hình bìa nghệ thuật của Da Màu, Thư Tòa Soạn, Tòa Soạn Email bài này

hình ảnh tuần lễ 25 – 31 . 01 – 2021: họa sĩ Jacob Lawrence (Hoa kỳ, 1917–2000)

Struggle-Panel-10-Lawrence_thumb.jpg

 

Struggle- Panel 10 - Lawrence

Jacob Lawrence, Bức 10: Cuộc Tranh Đấu của Dân tộc Mỹ (The American Struggle) (1954)
The Metropolitan Museum of Art, purchase, Lila Acheson Wallace Gift, 2003.414.
© The Jacob and Gwendolyn Knight Lawrence Foundation, Seattle/Artists Rights Society (ARS), New York. (Photo: The Metropolitan Museum of Art)

Cuộc Tranh đấu của Dân tộc Mỹ là loạt tranh, gồm 30 bức, mà Jacob Lawrence bắt đầu vẽ năm 1954 và hoàn thành năm 1955, vào thời điểm cao độ của phong trào tranh đấu nhân quyền cho người da đen. Loạt tranh này được triển lãm lần đầu ở Nữu Ước vào năm 1956, nhưng cho đến năm 2019–63 năm sau lần triển lãm đầu tiên–mới được tái xuất hiện ở Nữu Ước, Seattle (nhưng với năm bức trong loạt tranh bị thất lạc), và sẽ đến viện bảo tàng Phillips Collection ở Hoa Thịnh Đốn trong năm 2021.

Mỗi tác phẩm trong loạt tranh Tranh Đấu đều lấy tựa hoặc ý từ ca từ, khẩu hiệu, những bài diễn văn nổi tiếng và/hoặc trích đoạn từ Hiến pháp Hoa Kỳ. Bức tranh trên, tuy lấy tựa từ hồi ký của Tench Tilghman, cận vệ của George Washington trong hành trình qua sông Delaware để tấn công quân Hoàng gia Anh ở thành Trenton, New Jersey, vào ngày 27 tháng 12, 1776, cũng có thể biểu tượng cho những nhóm người di dân của nước Mỹ, mọi thành phần boat people, phải tranh đấu để sống còn trong quá trình vượt sông, biển, cũng như ngay trong làn sóng của xã hội Hoa kỳ:

Chúng tôi vượt sông ở chặng McKonkey khoảng 9 dặm trên Trenton. Đêm lạnh cắt da và ngập tuyết, nhưng ai ai cũng chịu đựng mà không hề hé răng.
(We crossed the River at McKonkey’s Ferry 9 miles above Trenton. The Night was excessively severe, both cold and snowey, which the Men bore without the least murmur.)

Tench Tilghman, ngày 27 tháng 12 năm 1776

Mỗi bức trong loạt tranh bất hủ của Lawrence minh họa cho hiện thực khó khăn của quá trình tranh đấu cho tự do và dân chủ của dân tộc Mỹ, làm ta nghĩ đến hai câu thơ của thi sĩ Amanda Gorman, trích từ bài thơ cô đọc vào ngày lễ tuyên thệ của Tổng thống Biden:

Đúng vậy, chúng ta vẫn còn xa sự sáng láng tinh khôi nhưng điều này không có nghĩa là chúng ta không đang cố gắng tạo một hợp chủng quốc hoàn hảo.
(And yes, we are far from polished, far from pristine, but that doesn’t mean we aren’t striving to form a union that is perfect.)
theo Bản ghi Anh ngữ trên Los Angeles Times

Từ thập niên 1950 của thế kỷ trước, trong thời đại của cao trào nhân quyền cho người da màu và cũng là thời Chiến Tranh Lạnh mà những nghệ sĩ tranh đấu cho tự do ngôn luận bị chính quyền Mỹ chụp mũ là thân Cộng, họa sĩ Lawrence đã nhìn trước những đe dọa nan giải, và ông cũng nhận ra rằng mọi cuộc đấu tranh cho dân chủ và tự do sẽ khó thoát khỏi bạo lực. Hầu hết mọi bức tranh trong loạt tranh Tranh Đấu của Jacob Lawrence đều có máu chảy hay nhỏ giọt từ những thân hình da màu. Những vết sơn đỏ như những vết thương rạch ngang muốn làm thủng bề mặt bức tranh.

Trong mỗi bức, Lawrence thường dùng cấu trúc tam giác—như những kim tự tháp đè lên nhau, hay giao chạm ở những góc cạnh nhọn–làm ta liên tưởng đến “ngọn đồi” mà dân tộc Mỹ đang leo trong bài thơ của Amanda Gorman. Mỗi cấu trúc tam giác thiết lập mối quan hệ chặt chẽ và cũng thật cay đắng với môi trường lịch sử được diễn tả trong tranh; cấu trúc này cho ta thấy sự bất bình đẳng, từ bệ thấp của cấu trúc “tam giác” đến đỉnh tam giác. Sở trường của họa sĩ được biểu lộ qua cách ông truyền tải những nghịch lý của cuộc đấu tranh: thử nghiệm siêu việt của Hoa kỳ chưa vượt cạn, mà vẫn còn là cơn đau đẻ của hiện tại.

Đinh Từ Bích Thúy và Ban Biên Tập Da Màu, tuần lễ sau ngày tuyên thệ nhậm chức của Joseph Biden -Tổng thống thứ 46 của Hợp Chủng Quốc

***

Lịch Trình Trong Tuần

“Tự Lực Văn Đoàn: Văn học và cách mạngPhần 12:Tự Lực Văn Đoàn có những ai?”- Nghiên cứu/biên khảo của Thuỵ Khuê
Những Lý Do Ủng Hộ hay Bỏ Phiếu cho Trump Trong Bầu Cử 2020” –
Nhận định của Mặc Lý
“Tại sao cờ VNCH bay trên Điện Capitol?”- Nhận định của Nguyễn Thanh Việt/Trùng Dương chuyển ngữ
”Bài Tụng Ca cho Chò Nâu Sài Gòn”- Tuỳ bút của Paul Christiansen/ Trần Thị NgH chuyển ngữ
“Ổng Đi Rồi – Và Cờ Mỹ Vẫn Bay!” – Chụp và Chép/Ký sự của Mark Thalman/Đinh Từ Bích Thúy chuyển ngữ
”Don Quixote: Hành Trình Của Một Người Việt Vào Thế Giới Văn Chương Tiếng Tây Ban Nha”- bút ký của Trần C. Trí

Sáng Tác
Lính Mỹ Đã Có Mặt/ Kỳ 1: Điểm Lửa Đầu Tiên- truyện vừa của Cung Tích Biền

*Tuần tới: Hoàng Thị Bích Ti, Đỗ Quý Dân, Phạm Văn, Nguyễn Minh Trân, Cung Tích Biền, Hoàng Chính…

Phần Góp Ý/Bình Luận


Xin vui lòng bày tỏ trách nhiệm và sự tương kính trong việc sử dụng ngôn ngữ khi đóng góp ý kiến. Da Màu dành quyền từ chối những ý kiến cực đoan, thiếu tôn trọng bạn đọc hoặc không sử dụng email thật. Chúng tôi sẽ liên lạc trực tiếp với tác giả nếu ý kiến cần được biên tập.

Lưu ý: Xin vui lòng bỏ dấu tiếng Việt để giúp tránh những hiểu lầm đáng tiếc từ độc giả trong việc diễn dịch ý kiến đóng góp. Bài không bỏ dấu sẽ không được hiển thị. Xin chân thành cám ơn.

@2006-2023 damau.org ♦ Tạp Chí Văn Chương Da Màu
Log in | Entries (RSS) | Comments (RSS)