- Tạp Chí Da Màu – Văn chương không biên giới - https://damau.org -

WALLACE STEVENS: MƯỜI BA CÁCH NGẮM CON CHIM SÁO ĐEN

(Trong Loạt Bài Thơ Cần Thiết Cho Ai)

13 ways of looking at blackbird

 

Wallace Stevens tỏ ra đặc biệt yêu thích sự trùng điệp trong thơ. Chúng tạo nên vẻ quyến luyến của từng chữ, sự dừng lại của câu, chất ngân vang. Mười ba cách ngắm là mười ba điệp khúc, mười ba suy nghiệm, nhưng đó là cũng mười ba hình ảnh.

Giữa hai mươi núi tuyết
Chỉ một biết chuyển động
Mắt của chim sáo đen

(1)

wallace-stevensChân dung Wallace Stevens

Sinh năm 1879, mất năm 1955, Stevens sống qua hai cuộc thế chiến làm rung chuyển trái đất. Tuy vậy dường như không một sự kiện lớn lao nào trên đời có thể ảnh hưởng được đến thế giới trầm mặc riêng của ông. Sinh thời nhà thơ hay thư từ với bè bạn nhưng không ưa di chuyển, chưa bao giờ có ý định đặt chân đến châu Âu, sống kín đáo lặng lẽ. Thơ thường dài, mặc dù có những bài ngắn đặc sắc, ngôn ngữ biến ảo như phương trận, xuyên suốt qua bằng lối nhìn bất ngờ. Cách đây nhiều năm ở New York tôi đã gặp Stevens lần đầu trong tiệm sách cũ Strand nổi tiếng. Đọc ông không hào hứng lắm nhưng có cảm giác hơi lạ, gần như mời gọi. Tôi trở lại với thơ ông nhiều lần, năm nào cũng đọc mỗi lần một mạch vài ngày. Tôi không quan tâm lắm đến ý nghĩa của bài thơ, nhiều khi không hiểu ông nói gì, nhưng sức mạnh của câu thơ hấp dẫn không buông ra được.

Cùng với William Carlos Williams, và Mariane Moore, nhà thơ thích đội mũ, ngày ra đi tôi đội hai cái mũ lên đầu, và Ezra Pound của linh hồn suy tàn, anh muốn tro tàn của anh và của em trộn lẫn vào nhau, và T.S. Eliot, đã biết hết những đêm lên sáng xuống chiều tàn tôi đo lường đời tôi bằng muỗng cà phê nhỏ, ông vạch những lối đi đầu tiên của nền thơ ca Hoa Kỳ, đứng ở trung tâm của các xung lực sáng tạo. Đối với tôi, thơ Stevens vừa là nguồn rung động trước vẻ đẹp, vừa là nỗi thương xót đối với con người, sự chiêm nghiệm thanh khiết về hạnh phúc.

Căn Nhà Vắng Lặng Và Thế Giới An Bình

Căn nhà vắng lặng và thế giới an bình.
Người đọc trở thành cuốn sách, đêm hè
Giống chủ thể đầy ý thức của sách.

Căn nhà vắng lặng và thế giới an bình
Tiếng nói vang lên không chữ viết
Ngoài người đọc nghiêng mình bên trang giấy
Nghiêng mình xuống mãi, muốn trở thành
Kẻ đọc chuyên cần, bởi cuốn sách là có thật với anh:
Đêm mùa hè thành nẻo về của ý

Căn nhà vắng lặng bởi nó cần phải thế
Sự vắng lặng kia một phần ý nghĩa, phần của tâm hồn
Lối đi toàn hảo dẫn dần vào trang sách

Và thế giới bình an. Sự thật là thế giới rất an bình
Trong đó không còn nghĩa nào khác, tự mình
Làm nên an bình, là một mùa hè, đêm, là chính nó
Người đọc nghiêng mình càng khuya, đọc nơi này, đọc muộn nơi kia.

(2)

Mùa hè bí ẩn. Không khí trong suốt.

Không gian như có dây tơ
Bước đi sẽ đứt động hờ sẽ tan

(Xuân Diệu)

Khi nhắc đến việc đọc sách, người ta chỉ nghĩ đến thông tin, giải trí, kiến thức hay hiệu quả tinh thần thu lượm được, chứ không chú ý đến việc đọc như một hành động. Ngay cả khi hành động ấy được chú ý, thì chủ thể của hành động, tức người đọc, lại bị bỏ quên. Bài thơ diễn tả phút bình thường của người đọc sách, với cái nhìn của người từ bên ngoài. Đối với nhiều người, đọc sách không phải là một hoạt động đáng chú ý. Bài học của Stevens là, trái lại, đó là một giây phút kỳ ảo khi người đọc đánh mất mình trong sách, người ấy trở thành cuốn sách, trở thành một với thế giới. Cuốn sách, tác giả, người đọc, thế giới bao quanh và thế giới do cuốn sách tạo nên, năm tồn tại ấy trở thành một. Có lẽ là một trong những bài thơ hay nhất viết về niềm vui đọc sách mà tôi được biết. Không chỉ thế, sự im lặng của trang sách còn là sự im lặng của đêm hè. Sự cô độc của người trí thức và của người đọc là cội rễ của trí thức. Không có sự cô độc ấy, không có hành vi đọc ấy, không có vị trí của người đọc ấy, quá trình thưởng thức một tác phẩm, và do đó hệ thống sắp xếp các giá trị nghệ thuật, sẽ bị đảo lộn.

Sau những đỗ vỡ của văn hóa dân tộc, chứng kiến những làng quê tan nát về tinh thần, ngày một tan nát, như một đứa trẻ lớn lên từ nông thôn, tôi tìm thấy ở đó, sự cô độc ấy, sự tri túc ấy, lời ca ngợi đối với hòa bình, sự phủ nhận giá trị của các cuộc cách mạng điên rồ, dù chúng nhân danh bất cứ lý thuyết và lý tưởng gì, vì trước sau cũng trở thành sự biện hộ cho việc hủy diệt, và lòng tin yêu vào sự sống chất phác.

Stevens bắt đầu viết muộn, tập thơ đầu Harmonium ra đời năm 1923 lúc ông đã bốn mươi bốn tuổi, nhưng đó là tập quan trọng, được nhiều tác giả uy tín như Helen Vendler, Randall Jarrell sau này xem là góp phần làm nên bước ngoặt của văn học thế kỷ mới. Harmonium trình bày một thứ ngôn ngữ lạ, chưa từng có, khó đọc, khó hiểu, ít được quần chúng biết đến. Đó là khuynh hướng ngôn ngữ trong thơ, một ngôn ngữ trong nhiều trường hợp tách rời khỏi ý nghĩa thông thường, được trình bày trong những ngữ cảnh lạ, với các kết hợp tân kỳ.

Thơ của Stevens là một thế giới trong đó tồn tại tâm trí hơn là tâm hồn, sáng tạo hơn là hướng dẫn, gợi mở hơn là phản ảnh. Các nhà phê bình càng về sau càng nhận ra mối quan tâm triết học của Stevens đối với bản thân ngôn ngữ và tác động của nó trong việc hình thành cảm quan và nhận thức của chúng ta. Quan tâm của ông có ba đặc điểm sau đây: mối quan hệ giữa ý thức và tồn tại hiện thực, vai trò của ngôn ngữ trong việc hình thành thế giới hiện thực, và các yếu tố tạo nên kinh nghiệm của chúng ta như những con người. Ông nói nhiều về cõi tinh thần nhưng thường tránh né nhắc đến Thượng đế. Về mặt này ông gần với các quan điểm khoa học. Ý thức không phải là một tồn tại trong lòng thế giới như kiểu một cái ghế trong căn phòng, cũng không phải là sự quan sát nó từ bên ngoài, mà là yếu tố kiến tạo nên thế giới trong từng giây phút.

Wallace Stevens sinh ở tiểu bang Pennsylvania, theo học Havard và trường luật Nữu Ước, tốt nghiệp luật sư năm 1904. Sau một thời gian làm việc ở Nữu Ước anh tham gia bộ phận luật pháp của một công ty bảo hiểm lớn vào năm 1916 và trở thành phó tổng giám đốc của công ty này năm 1934. Những tập thơ quan trọng: Harmonium 1923, Ideas Of Order 1935, Owl’s Clover 1936, The Man With The Blue Guitar 1937, Parts of a World 1942, Transport To Summer 1947, The Auroras Of Autumn 1950, The Collected Poems 1954. Sinh thời ông nhận được nhiều lời khen tiếng chê rất khác nhau. Nhiều nhà phê bình chỉ trích ông về các khía cạnh triết học, thẩm mỹ, mối quan hệ của ông với các nhà thơ khác, nhiều hơn là về bản thân tác phẩm. Tuy vậy thơ ông không ngừng gọi người đọc trở lại bởi vì đó là một thứ làm rung chuyển nội tâm. Đối với ông, thơ là sự đáp ứng đối với nhu cầu tâm hồn con người. Thơ không chỉ mang lại xúc động, nó còn làm thay đổi cách nhìn đối với thế giới bên ngoài.

Thơ Stevens là thơ trữ tình, nhưng đôi khi ông vượt qua ranh giới của các kinh nghiệm cá nhân và tiến vào thế giới siêu hình. Đó là cách ông đối diện một thế giới bạo lực, đề kháng đối với các dòng văn học kêu gọi hận thù và cách mạng, mà ông tin chắc rằng nhân loại sẽ loại bỏ và vượt qua. Sự sáng tạo là quá trình thăng hoa, chuyển đổi các tín ngưỡng của con người, như đối với Thượng đế, với các niềm tin tôn giáo. Nhà thơ dễ dàng chạm đến những điều ấy bằng một thứ ngôn ngữ trang nhã:

Chim hót vang. Lông vũ vàng lóng lánh
Cây cọ chôn chân đứng gánh chân trời

(3)

Chúng ta để ý đến cách phát âm của bảy chữ s trong sings, its, shine, stands, space. Ngôn ngữ dễ hiểu, nhưng bạn vẫn có cảm giác là ông đang muốn nói một điều gì khác nữa. Nhờ đâu? Có một nhạc điệu bàng bạc trong thơ Stevens, bất định nhưng không rối loạn, buồn rầu nhưng không ảm đạm, một tình yêu có tính hư vô nhưng tha thiết với cõi đời.

Nhạc điệu thơ Stevens là bí ẩn thú vị, mặc dù có thể tìm thấy trong đó những yếu tố của chủ nghĩa tượng trưng như thanh lọc, thuần khiết, các yếu tố duy mỹ, sự hòa hợp của con người và thiên nhiên, sự hòa hợp của các cấu trúc. Tồn tại một thứ âm nhạc nội tại như thể là lý do của sự tồn tại của ngôn ngữ thơ ca. Những kinh nghiệm được biểu lộ trong thơ ông là hết sức riêng tư, thật ra không có tính mời gọi, và rất khó tìm đường vào, không phải vì ông cố tình đóng kín cửa mà vì bản thân thứ nhạc điệu ấy là chặt chẽ, tuân theo những lý do tồn tại riêng của chúng. Nhà thơ nào cũng sử dụng ngôn ngữ hình ảnh, nhưng Stevens sử dụng đầy rẫy và quyết liệt hơn cả so với nhiều người khác, tối giản ngôn ngữ, tối đa hóa các hình tượng nghệ thuật, làm cho chúng biến thành các vật thể được chắt lọc, đẩy ngôn ngữ thơ đến vùng biên của lý tính, loại bỏ các quy ước, chuẩn bị cho những bước nhảy ý thức. Không những không thỏa mãn với các yếu tố thuần lý, nhà thơ còn sẵn sàng bước qua ngưỡng cửa ngăn cách với bóng tối và vui sướng tìm thấy ở đó các gốc rễ của sự thật.

Bên cạnh các ý tưởng nghiêm trang, Stevens vẫn giữ được tính hài hước khắp nơi, với lối chơi chữ bụi đời. Khởi đầu tuyển tập The Collected Poems:

Mỗi khi đồng tiền kêu lắc ca lắc cắc
Lăn qua Oklahoma
Một con mèo lửa nhào ra nhảy nhót

(4)

Bạn thử phát âm:

O- k- la- ho – ma

Chất đồng dao, Oklahoma của những bão lốc, những vụ giết người, của nếp sống trinh nguyên. Tôi thấy ông, bảy mươi lăm tuổi, một năm trước khi mất, dịp ra đời của tuyển tập thơ này, từ cuối các dòng chữ, quay lại mỉm cười nháy mắt với chúng ta. Đó là sự thăm dò vào thế giới của tâm trí hơn là cảm giác. Nhiều nhà phê bình cho rằng Stevens sống hai cuộc đời: của một luật sư, một doanh nhân làm việc trong ngành bảo hiểm và của một nhà thơ, mặc dù ông phản đối điều so sánh ấy. Sau khi ông mất, thơ ngày càng được nhiều người tìm đọc. Đó là một thí dụ đẹp về việc một dòng thơ khó hiểu, kham khổ, tối tăm, nhưng nhờ công phu của các nhà phê bình tài giỏi, đã có thể trở nên phổ biến dường nào.

Mười Ba Cách Ngắm Con Chim Sáo Đen

I

Giữa hai mươi núi tuyết

Chỉ một biết chuyển động
Mắt của chim sáo đen

II

Tôi thuộc về ba tâm trí
Như thân cây đậu xuống
Ba con chim sáo đen

III

Cánh chim bay đi cùng với gió thu tàn
Một màn thôi trong vở kịch câm

IV

Một người đàn ông một người đàn bà
Là một
Một người đàn ông một người đàn bà một con chim đen
Là một

V

Tôi không biết mình thích cái nào hơn
Vẻ kỳ ảo hớp hồn biến điệu
Hay lời bóng gió xa xôi
Tiếng hót tuyệt vời của chim sáo
Hay sau khi nó lảo đảo bay rồi

VI

Các nhũ băng trong cửa sổ dài
Với tấm gương ánh nhìn man dại
Bóng loài chim đen
Bay tới bay lui
Tâm trạng buồn vui bắt nguồn từ bóng tối
Nguyên do nào đây ai gỡ rối bao giờ

VII

Ơi kẻ phong tình ơi
Về đây còn nhớ tới chim vàng
Lẽ nào không thấy sáo đen
Quấn chân người phụ nữ bên mình bạn?

VIII

Tôi biết giọng nói cao sang
Trong suốt, nhịp điệu dịu dàng mê hoặc
Nhưng tôi hiểu được
Vì sao ngày ngày chim đậu miết
Vào giữa những gì tôi đang hay biết

IX

Khi cánh chim bay vượt quá tầm nhìn
Nó vạch một đường biên,
Hút mắt vòng tròn

X

Khi chim sáo hiện ra
Bay qua vệt sáng ảo diệu xanh mờ
Những ả điếm thúi tha trước phép tắc dịu dàng
Cũng bàng hoàng kêu la nức nở

XI

Anh đã băng qua cửa ngõ Connecticut
Bằng cỗ xe trong suốt như gương
Một lần sợ hãi dường cắt buốt tim
Khiến anh nhìn nhầm
Cái bóng của xe mình
Với một cánh chim đen.

XII

Con sông rì rào trôi chảy
Vậy thì con sáo cũng đang bay

XIII

Đó là buổi tối hay buổi chiều
Là tuyết vội rơi nhiều
Hay bầu trời sắp tuyết
Một con chim đen đẹp tuyệt
Đậu xuống dịu dàng lả ngọn tuyết tùng xanh

(5)

Có thể thấy Stevens phần nào chịu ảnh hưởng của chủ nghĩa hình tượng, thơ haiku và thơ phương Đông. Ông quan tâm đến các trường phái nghệ thuật và tranh thủy mặc Trung Hoa và Nhật Bản. Bài thơ Mười Ba Cách Ngắm Con Chim Sáo Đen chứa đầy dấu ấn của hội họa.

Mỗi khổ thơ trong mười ba khổ thơ của bài có giá trị gần như tương đương nhau với cách nhìn phát hiện.

Tôi thuộc về ba tâm trí

Nhà thơ ngắm nhìn sự vật từ nhiều góc độ. Không phải chỉ nhìn một con chim trên núi, ông cũng nhìn các sự kiện xã hội, toàn nước Mỹ, toàn bộ hiện thực của chúng ta, bằng thái độ cởi mở, sáng tạo, rất thiền và phương Đông. Chúng ta nghe được thứ nhạc róc rách chảy trong các bài thơ tự do không vần. Stevens cảm nhận khung cảnh, sự vật, cảnh vật sâu sắc và hài hước. Bài thơ nói về sự đối lập giữa ánh sáng và bóng tối, sự cao đẹp và tầm thường, ý thức và vô minh. Làm thơ như một hành động sống. Ông viết về những phong cảnh cụ thể, người và vật ở những tiểu bang khác nhau.

Thoạt nhìn thấm đẫm tinh thần thiên nhiên thôn dã, nhưng những người đọc kỹ thấy ở đó một loại thơ trí tuệ, nếu họ lắng nghe hòa âm đất trời.

Stevens chịu ảnh hưởng rõ ràng của các sự kiện trong đời sống xã hội, khung cảnh của hai cuộc thế chiến, nhất là lúc ông đã trưởng thành, mặc dù thế, hình như có một khuynh hướng gạt bỏ các yếu tố chính trị ra khỏi thơ và chỉ bộc lộ chúng rất lâu về sau.

Stevens nhận nhiều phê bình từ những người có quan điểm xã hội rằng ông là người xa rời thế sự. Ông chẳng tin tưởng gì vào các thủ đoạn chính trị, các lời kêu gọi hào nhoáng của lý tưởng giả hiệu và sự ngây thơ vô trách nhiệm của giới trí thức.

Bài thơ được cấu trúc theo chủ đề, như thể mang lại sự triển nở về hiểu biết. Con chim đen là một chỉ thị, là một ẩn dụ, được lập lại xuyên suốt trong mười ba khổ thơ, lần lượt đi qua nhiều lớp cảnh vật, nhiều tầng quan sát, đối chiếu và thách thức. Mỗi khổ thơ giống như một công án. Mỗi công án gợi lên nhiều hơn một diễn dịch, chúng có thể khác nhau.

1. Đoạn mở đầu: nguồn chiếu sáng ý thức. Lối vào bài thơ xuyên qua sự im lìm trắng toát. Mắt của chim sáo là ý thức của chủ thể. Nỗi cô đơn bi tráng.

2. Đoạn kế tiếp: phác họa. Ba con chim đen đậu trên một thân cây thể hiện ba tâm trí khác nhau của một người. Đó là ba ngôi của Thiên chúa giáo hay đó là ba “quan điểm topo” (topographic) của Phân tâm học: ý thức, tiềm thức, vô thức. Tôi cũng nghĩ rằng đó là tam giác ba đỉnh: thân xác (physical), tâm trí (mental), xã hội (social), vốn là ba nhân tố của hạnh phúc con người.

3. Số phận. Một con chim bay vờn, lảo đảo trong thời tiết, như con người giữa phong ba cuộc đời.

4. Thiên nhiên hòa hợp, vạn vật là một. Bi kịch của con người khởi đầu từ khi một xã hội bị điều kiện hóa với cái nhìn phân biệt nhị nguyên.

5. Tâm phân biệt, ý thức về các giá trị và sở thích, sự phân chia giữa cái biểu hiện và cái được biểu hiện.

6. Hoài hương. Làm mới lại cái nhìn đối với thiên nhiên.

7. Sự buông thả phóng túng và vẻ đẹp của đời sống thường ngày.

8. Vọng tưởng, lạc hướng. Tìm ra con đường chân lý hay không tìm ra con đường ấy, đều là ảo tưởng của bạn.

9. Sự vụt mất. Cái mà chúng ta tin là hiện thực thật ra chỉ là tầm nhìn của con người, vốn xa gần khác nhau.

10. Lo âu. Lời kêu gọi chống lại đổ vỡ, bồn chồn sợ hãi, trong một xã hội mà mọi giá trị, do chiến tranh và cách mạng bạo lực, đều đảo lộn.

11. Con chim đen trở thành phương tiện lưu giữ ký ức tập thể.

12. Vô thường. Không ai có thể tắm hai lần trên một dòng sông, nhưng những phép lạ vẫn xảy ra khi tình yêu đến.

13. Bình an. Khi mọi chuyện qua rồi, khổ đau dừng lại, đằng sau mỗi câu thơ, cuối mỗi con đường, tìm thấy sự an bình của tâm hồn như cảnh núi tuyết, trắng, lạnh, hoang vu, vô phân biệt. Đó là nơi tâm thức trong trẻo cần đạt tới.

Một trong những ám ảnh của Stevens là ý tưởng của ông về trật tự vũ trụ, về các giới hạn, và sự chuyển hóa, chuyển thể. Ông cũng có một niềm xác tín rằng bản chất thực sự của vật thể không nằm trong tính nguyên vẹn vật chất của nó mà nằm trong từ ngữ, tức là các hình ảnh chuyển nghĩa hoặc các ẩn dụ thơ ca (*). Tuy nhiên, ông không ngộ nhận về thi tính của vạn vật, không mấy khi nhầm lẫn giữa các ý tưởng và ngôn ngữ thơ vốn là hai điều khác biệt. Tôi hình dung thấy cuộc đấu tranh lâu dài, hàng ngày, gian khổ của ông về chính sự tồn tại của mình, các quan điểm của mình. Vẫn có những điểm yếu trong một số bài thơ của Stevens mà người đọc kỹ có thể nhận ra: thiếu tính kịch, tính tự sự, những yếu tố của đời sống gần gũi, nhiều va chạm. Vì thơ càng trừu tượng, càng triết học, càng khó tránh việc xa rời các rung động cụ thể, các mối xúc cảm có tính thời sự, sự diễn đạt đường phố.

Tuy vậy, mỗi khi gặp trên báo chí các tranh luận về định nghĩa thơ (là gì), tôi hay nhớ đến khổ thơ sau đây của ông:

Khu vườn với thiên thần cùng quay
Thiên thần quay vòng cùng đám mây
Đám mây bay vòng và mây bay lòng dzòng
Và mây quay lòng dzòng cùng với mây

(6)

Ngay trong những bài thơ đầu tiên của Stevens, đã hé lộ tầm suy tưởng của nhà thơ lớn, với thứ ngôn ngữ, một mặt rất cổ điển, mặt khác, chưa từng có. Chúng ta nhìn thấy những cặp đôi rõ rệt giữa ánh sáng và bóng tối, sự lạnh lẽo và hơi ấm, hiện hữu và vắng mặt, những chiếc lá rơi và cái bóng của chúng trên tường. Có một sự quan sát vừa chính xác khoa học vừa mông lung, bao gồm sự nhảy vọt như giác ngộ của thiền. Nếu chúng ta cô đơn thì vũ trụ là ngẫu nhiên. Ngược lại nếu thế giới không ngẫu nhiên, nếu tất cả là sắp xếp hài hòa nhân quả, con người không thể cô đơn.

Tuy nhiên, nếu có sự thất bại, trong một bài thơ nào đó của Stevens, hẳn nhiên nó chỉ chứng tỏ rằng thơ không phải là một phương cách biểu hiện hữu hiệu của tư tưởng. Ngôn ngữ của tư tưởng đòi hỏi sự trừu tượng. Ngoài ra, có một quan niệm rất nhầm lẫn cho rằng thơ cần phải “thanh cao” và vượt qua các xung đột có tình thời sự và thế tục, làm như thể người ta sẽ sống được vĩnh viễn khi bỏ qua các tình huống hay sự kiện gay cấn ngay vào lúc này.

Trong các nhà thơ cùng thời, Stevens triết học nhất. Nhưng tài hoa ngôn ngữ mới quyết định. Tôi chú ý đến ẩn dụ trong thơ Stevens, tìm cách không những thấu hiểu chúng mà còn để cắt nghĩa các chỉ định (indications) của chúng. Có hai nhà thơ Mỹ nổi tiếng về việc làm thơ mỗi ngày là W. Stevens và W. Stafford. Một người bị ám ảnh bởi các ý tưởng trừu tượng hàng ngày và một người say mê các chi tiết hiện thực của đời thường. Trong những bài thơ có thể gọi là khó đọc nhất của Stevens, có thể nhận thấy ý nghĩa của chúng nằm ngoài những quy ước thông thường, do sự mơ hồ của các hình ảnh hơn là do sự khó hiểu của ngôn ngữ, do khả năng sử dụng các ẩn dụ bất thường của Stevens, một phần chúng xuất phát từ tiềm thức. Trong trường hợp cuối cùng này, hoạt động của tiềm thức gần như không chịu giới hạn của các bộ lọc ý thức:

Ném ánh sáng đi. Không có gì bền lâu
Đứng giữa anh và hình dáng của anh đâu.

(7)

Là một thứ gần như tiền ngôn ngữ.

Thơ Stevens còn là sự tranh luận. Vì thế nó có hai tính chất: trong sáng và phức hợp. Một bài thơ khóc thương người đã mất có thể vừa buồn vừa phẫn nộ, một bài thơ tình có thể vừa âu yếm vừa cay đắng. Nhân vật trong thơ có thể lẫn lộn những tình cảm khác nhau, nhưng nhà thơ thì không.

Cần biết rằng sự phân vân về mặt triết học và sự lú lẫn về phương pháp là hai chuyện khác xa. Sự phân vân (ambivalence) là nghệ thuật cao cường, sự lú lẫn (ambiguity) bộc lộ chất non yếu của tay nghề thi sĩ. Suy nghĩ và tranh luận bao giờ cũng nằm trong bối cảnh hòa hợp của thiên nhiên:

Chúng ta nghĩ trong mặt trời mọc hay trong chiều tà
Chúng ta nghĩ khi gió vờn qua mặt nước

(8)

Khi đọc mấy câu thơ này bao giờ tôi cũng nhớ đến một truyện ngắn của Nguyễn Đức Sơn tôi đọc hồi mười lăm mười sáu tuổi, truyện “Ý Tưởng Chiều Tà,” trong tập Những Truyện Ngắn Hay Nhất Trên Quê Hương Chúng Ta. Tôi không hiểu tại sao, nhưng biết có những đường liên kết ngầm. Thật ra đọc thơ có hai cách: tập trung vào từng bài thơ, tự mình thấm sâu vào các hình ảnh, vào thế giới của bài thơ ấy, hai là sử dụng những mô hình lý thuyết riêng cho tất cả.

Những bài thơ viết trong giai đoạn giữa tập Harmonium và tuyển tập Ideals of Order ghi lại một thứ gần như khủng hoảng tinh thần, buồn bã, mang đậm dấu ấn của bóng tối tâm hồn. Sau giai đoạn ấy thơ của ông lại trở nên sáng rõ hơn trước, chứa đầy lòng tin vào nhân loại. Có một niềm ao ước được yên tĩnh, sự tìm kiếm an nhiên như nhiên tịch mịch, sự hòa hợp của các xung đột, sự hàn gắn những khác biệt, như liệu pháp của im lặng:

Anh muốn trái tim anh ngừng đập, tâm hồn anh im lặng
Trong nhận thức vững vàng, không một chú vịt trời nào
Hay ngọn núi lao xao, chẳng phải là ngọn núi, thử coi chúng ra sao

(9)

Stevens ít viết thơ tình, nhưng thơ ông đầy tình yêu, như thể đời sống không có chúng, ái tình, thì không đáng sống, không tồn tại. Giọng thơ có tính khẳng định, đôi khi gay gắt, vượt ra ngoài điệu trầm tĩnh thường gặp. Stevens tin vào con người nhưng đó là con người đã thoát khỏi cuồng tín, nhờ thế họ có thể dựng lên bầu khí quyển tâm hồn can đảm. Có thể tìm thấy trong tình yêu của ông những tri kiến sáng chói, lòng tin cậy, phẩm tính hoang dã, sự chế giễu cay đắng đối với các ảo tưởng xã hội, các ngụy tín, nỗi yên tĩnh gần như pha chút buồn rầu, cái chết, sự vui sướng hồi sinh.

Trong ánh sáng chập chờn của sự thật đơn côi
Bình đẳng cùng sự sống đổi thay cùng ánh sáng
Nơi anh gặp em chúng ta ngồi bên nhau yên lặng
Trong một giây thôi tâm điểm của vòng đời

(10)

Stevens sống giữa các chi tiết đời thường, nhưng là những chi tiết đã lọc qua, trừu tượng hóa, như thể thế giới chẳng qua là các ý tưởng. Sự hấp dẫn của tư tưởng triết học đối với Stevens xuất phát từ tính chất thơ ca, thi tính, của chúng, nhiều hơn là các khái niệm. Có một liên kết mạnh giữa trí phân tích và khả năng tưởng tượng, tôi muốn nói đến cái mà Stevens từng gọi đâu đó là phức hợp hiện thực-tưởng tượng, the reality-imagination complex. Mối liên hệ giữa hiện thực và tưởng tượng trở thành cảm hứng bất tận. Sống trong một thế giới được nhìn thấy như là mớ hỗn độn, thơ Stevens bao gồm tiếng thét về mất mát, nhưng không bi lụy, với cách mô tả đồ vật khách quan, chăm chú. Đó là loại thơ nặng về phân tích hơn là diễn đạt, có khả năng dẫn người đọc đến những chân trời lạ, mở cánh cửa vào sự thật mới mẻ của hiện thực hiện tại. Sức hấp dẫn của thơ ông không chỉ nằm ở tầm suy tưởng, chiều sâu nội dung, chất tranh luận, mà còn ở nghệ thuật ngôn ngữ, ở cách nói vừa duyên dáng vừa tường minh.

It can never be satisfied, the mind, never
Tâm trí khát khao kia, mi không bao giờ yên ổn, chẳng bao giờ

Tuy nhiên, đau khổ không phải là bản chất của tồn tại, lụi tàn không phải là lối đi của thực hữu. Trong thơ Stevens, có một niềm ao ước được im lặng vì đời sống chung quanh không yên tĩnh, có những vết thương phát hiện từ bên trong thường xuyên phải hàn gắn bằng cảm hứng kiến tạo. Một nỗi buồn rầu cao quý mà những kẻ dung tục hay những kẻ thực dụng hay những tâm hồn nô lệ vĩnh viễn không chạm tới được. Có thể đọc Stevens như một thách thức thẩm mỹ, khi cái đẹp được cân bằng giữa sức cuốn hút của ngôn ngữ và lòng hiếu kỳ muốn tìm hiểu nguồn gốc của thiếu vắng.

Thế nào là sự thiếu vắng?

Một bài thơ chỉ khởi lên nơi không gian có chỗ trống, chân không, khi sự hòa hợp của vạn vật bắt đầu một đường rạn nứt, hay ngược lại, khi có sự tập trung cao độ của năng lượng.

Hay là: khi đang hạnh phúc, ngày làm việc xong, khách ra về, bạn đứng bên cửa sổ chìa khóa trong tay mở một cánh cửa đã mở, rồi bạn chợt nhớ ra. Bạn nhớ lời hứa với một người bạn đã lâu không thực hiện, nhớ cái áo giặt chưa xong của mối tình đầu.

Như thế thì bạn nên đọc Wallace Stevens, đọc thong thả. Và dành thời giờ trở lại thăm ông nhiều lần. Vì chữ có thể lấp đầy khoảng cách giữa chúng ta và sự vật, như bao giờ chúng cũng thế. Và,

Light the first light of evening, as in a room.
Thắp ngọn lửa đầu tiên chiều chạng vạng, như khi bạn tới một căn phòng.

Nguyễn Đức Tùng

Chú thích:

(*) Stevens firmly believes that the true essence or substance of a thing – its whatness – does not lie in its material integrity but in the “word” itself, that is, in poetic troping or metaphor. (Theodore Sampson, A Cure Of The Mind, NXB Black Rose Books, pg 19)

(1)

Among twenty snowy mountains
The only moving thing
Was the eye of the blackbird

(2)

The House Was Quiet And The World Was Calm

The house was quiet and the world was calm.
The reader became the book; and summer night
Was like the conscious being of the book.

The house was quiet and the world was calm.
The words were spoken as if there was no book,
Except that the reader leaned above the page,
Wanted to lean, wanted much to be
The scholar to whom his book is true, to whom
The summer night is like a perfection of thought.

The house was quiet because it had to be.
The quiet was part of the meaning, part of the mind:
The access of perfection to the page.

And the world was calm. The truth in a calm world,
In which there is no other meaning, itself
Is calm, itself is summer and night, itself
Is the reader leaning late and reading there.

(3)

The bird sings. Its feather shine.

The palm stands on the edge of space.

(4)

Every time the bucks went clattering
Over Oklahoma
A firecat bristled in the way

Chữ bucks trong nguyên tác tiếng Anh có thể có nhiều nghĩa khác nhau, như con vật trống, con đực.

(5)

Thirteen Ways of Looking at a Blackbird

I
Among twenty snowy mountains,
The only moving thing
Was the eye of the blackbird.

II
I was of three minds,
Like a tree
In which there are three blackbirds.

III
The blackbird whirled in the autumn winds.
It was a small part of the pantomime.

IV
A man and a woman
Are one.
A man and a woman and a blackbird
Are one.

V
I do not know which to prefer,
The beauty of inflections
Or the beauty of innuendoes,
The blackbird whistling
Or just after.

VI
Icicles filled the long window
With barbaric glass.
The shadow of the blackbird
Crossed it, to and fro.
The mood
Traced in the shadow
An indecipherable cause.

VII
O thin men of Haddam,
Why do you imagine golden birds?
Do you not see how the blackbird
Walks around the feet
Of the women about you?

VIII
I know noble accents
And lucid, inescapable rhythms;
But I know, too,
That the blackbird is involved
In what I know.

IX
When the blackbird flew out of sight,
It marked the edge
Of one of many circles.

X
At the sight of blackbirds
Flying in a green light,
Even the bawds of euphony
Would cry out sharply.

XI
He rode over Connecticut
In a glass coach.
Once, a fear pierced him,
In that he mistook
The shadow of his equipage
For blackbirds.

XII
The river is moving.
The blackbird must be flying.

XIII
It was evening all afternoon.
It was snowing
And it was going to snow.
The blackbird sat
In the cedar-limbs.

1917

(6)

The garden flew round with the angel
The angel flew round with the clouds
And the clouds flew round and the clouds flew round
And the clouds flew round with the clouds

(7)

Throw the light away. Nothing must stand
Between you and the shapes you take.

(8)

We think then as sun shines or does not
We think as wind skitters on a pond in a field

(9)

He wanted his heart to stop beating and his mind to rest
In a permanent realization, without any wild ducks
Or mountains that were not mountains, just to know how it would be

(10)

In the uncertain light of single, certain truth,
Equal in living changingness to the light
In which I meet you, in which we sit at rest,
For a moment in the central of our being

Sách tham khảo:

– Wallace Stevens, Selected Poems, NXB Alfred A. Knopf,  2011.

– David Lehman, The Oxford Book of American Poetry, NXB Oxford, 2006.

– Wallace Stevens, The Collected Poems, NXB Vintage, 1990.

– Helen Vendler, Voices & Visions, NXB Random House, New York, 1987.

– Harold Bloom, Wallace Stevens: The Poems of Our Climate,  NXB Cornell University Press, 1980.
– Randall Jarrell, Poetry & The Age, NXB The Ecco Press, New York, 1953.

– Theodore Sampson, A Cure Of The Mind, NXB Black Rose Books, 2000.

bài đã đăng của Nguyễn Đức Tùng

5 Comments (Open | Close)

5 Comments To "WALLACE STEVENS: MƯỜI BA CÁCH NGẮM CON CHIM SÁO ĐEN"

#1 Comment By Thường Quán On 20/07/2015 @ 10:05 pm

Một cái viết nghiêm chỉnh về một nhà thơ vẫn còn ảnh hưởng tới những người viết về sau.

Thơ Wallace Stevens đúng như Nguyễn Đức Tùng nhận xét không trụ ở tính kịch, tính tự sự như dòng thơ xưng tội (Sylvia Plath, Robert Lowell, Allen Ginsberg…), thơ ông gần với thơ Marriane Moore, e e cummings và William Carlos Williams, cũng là những bạn đồng thời và gần gũi với ông.

‘Mười ba cách nhìn một chim sáo đen’ quả là một quán niệm thú vị của Wallace Stevens về ngôn ngữ, thực tại và tâm thức. Chim sáo đen mà ta biết được mãi mãi là chim sáo đen của tâm thức; nó hiện hữu nơi mắt nhìn, nhận thức, sự trầm tư, soi nhìn; nó bay đi, đậu lại, để bóng, qua ngôn ngữ, qua sự tinh lọc ngôn ngữ. Và nó buộc con người ta cất tiếng.

Phải nói phân cảnh thứ mười có lẽ vẫn là đoạn thơ ẩn mật, gai góc hơn cả. Tại sao những tú bà của hài âm vốn dĩ ngọt lời, để bật thốt tiếng sắc chói tai khi thấy những chim sáo đen bay trong ánh sáng màu lục?

Thường Quán

#2 Comment By thường mộng On 21/07/2015 @ 7:19 pm

Among twenty snowy mountains
The only moving thing
Was the eye of the blackbird

Giữa hai mươi núi tuyết
Chỉ một biết chuyển động
Mắt của chim sáo đen

It can never be satisfied, the mind, never

Tâm trí khát khao kia, mi không bao giờ yên ổn, chẳng bao giờ

-Thơ,chẳng có gì mới-Tứ,xưa cỡ Đường thi;có điều, nếu tác giả đọc mấy câu “dịch” từ NĐT,không khóc, không được!!!

#3 Comment By Nguyễn Đức Tùng On 16/08/2015 @ 1:20 pm

Gởi các anh Thường Quán, Thường Mộng,

Đúng là phân cảnh thứ 10 rất lạ.
Hầu hết thơ WS có duyên cớ.
Cám ơn các anh đã đọc và cùng rung cảm với người viết, tất nhiên một cách khác nhau.
Sáng nay Chủ nhật, đi xa hai tuần mới về, đọc mấy câu thơ này:

Tráng lên mặt gỗ, bụi, một trải đều, phẳng, những ngày đi vắng
Căn phòng, chiếc cửa, màn mành, một nửa,
Những tờ tin cũ, thế kỷ nhật trình—
Đã đi qua lúc nào? Góc bàn những trầy xước, móng
Của một khách tạm trú, một gã mèo rình rập
Trong bóng tối đêm, những đêm

Mới biết là đọc thơ rất cần tâm trạng. Hình như trong truyện ngắn, Trần Vũ, trên Da Màu, gọi là không khí?

Nguyễn Đức Tùng

#4 Comment By Võ Tấn Phong On 24/09/2015 @ 11:43 pm

Tôi thích 13 bài thơ về chim đen. Xin có chút ý kiến trong cách dịch của anh Nguyễn Đức Tùng:

– Có nên thống nhất cách dịch blackbird là chim đen, thay vì lúc là chim đen, lúc là chim sáo, lúc là chim sáo đen?
– Bài thứ nhất dịch khá sát nghĩa, nhưng càng về sau càng thêm hoa lá, có lẽ hợp với lỗ nhĩ người Việt, nhưng mất đi sự cô đọng sâu lắng của nguyên bản, thí dụ bài thứ 13:

XIII
It was evening all afternoon.
It was snowing
And it was going to snow.
The blackbird sat
In the cedar-limbs.

Đơn giản là:

Trời tối cả buổi chiều.
Tuyết đang rơi
Và tuyết sẽ rơi.
Con chim đen đậu
Trên cành tuyết tùng.

Được anh dịch là:

Đó là buổi tối hay buổi chiều
Là tuyết vội rơi nhiều
Hay bầu trời sắp tuyết
Một con chim đen đẹp tuyệt
Đậu xuống dịu dàng lả ngọn tuyết tùng xanh

#5 Comment By Nguyễn Đức Tùng On 30/09/2015 @ 12:15 am

Xin ghi nhận ý kiến của anh Võ Tấn Phong.
Tôi sẽ coi lại bản dịch thơ trong các dịp xuất bản sau này.
Thân mến,
NĐT