- Tạp Chí Da Màu – Văn chương không biên giới - https://damau.org -

Cái Đẹp của Ngôn Ngữ & Nét Hậu Hiện Đại trong Khả Thể (*)

 

 

Có một vài điều tôi có thể nói về tập truyện này của Đặng Thơ Thơ. 

KhaTheTrước hết, truyện của Đặng Thơ Thơ pha trộn giữa tưởng tượng, những giấc mơ, những ẩn dụ, và thế giới của những khả thể—thế giới của những sự việc, những câu truyện, những hiện thực có thể xảy ra.  Những hiện thực chờ được bật mở (như từ một công-tắc điện bật/tắt ánh sáng), hay là những thế giới chờ được bùng nở (như những đóa hoa trên cành cây, những hạt mầm trong lòng đất). 

Một điểm nữa, tôi thấy tác giả kể chuyện với một hiệu ứng gián cách/dãn cách, distancing effect, V-Effekt (Verfremdungseffekt), như trong thế giới kịch của Bertolt Brecht.  Người đọc/người tham dự luôn được nhắc nhở, bằng một cách nào đó, là họ không được nhập thân vào diễn viên, vào nhân vật.  Tác giả tạo cho người xem/người đọc một ý thức trong khi nhập cuộc, trong khi đi vào tác phẩm của mình. 

Một nhận xét nữa là cái viết của Đặng Thơ Thơ phản ánh một l’écriture feminine, một lối viết/ một phong cách viết nữ, theo như cách nói, cách diễn giải của Hélène Cixous, một nhà phê bình nữ quyền.  Nó khác lối viết của nam giới, một l’écriture masculine, lấy ngôn-từ-dương-vật làm trung tâm (phallogocentrism), theo cách nhìn của J. Derrida.  Cái viết ấy không lấy biểu tượng từ cây bút (pen –> penis) như cách viết của nam giới. Nó lấy biểu tượng của “mực trắng” (white ink), như của dòng sữa chảy ra từ bầu vú. 

Tác giả có vẻ không tin vào những “đại tự sự” của con người trước thời kỳ hậu-hiện đại. Có vẻ như tác giả đang kể cho chúng ta nghe những “petits récits”, những câu truyện “nhỏ”, do tác giả cảm nhận hoặc kinh qua từ tưởng tượng, từ những giấc mơ của chính mình. Hầu hết các truyện của Đặng Thơ Thơ trong tập sách này đều có cái phong thái đó.  Một phong thái "giải trung tâm".  Tác giả kể những câu chuyện riêng, những câu chuyện khác.  Trong phong thái ấy, có những lúc nhà văn của chúng ta bàn về chính những kỹ thuật viết cũng như tiến trình dựng xây các sáng tạo của mình ngay trong lòng chính những tác phẩm ấy.  Bàn một cách nửa thật (lòng) nửa hư (cấu).  Một thí dụ rõ rệt nhất là, trong truyện "Bản Nháp cho Một Tình Yêu", nhân vật chính, được gọi là “tôi”, đã kể cho chúng ta nghe về quá trình xây dựng câu truyện về tình yêu của mình. Cách viết ấy gần với, nếu không nói chính là, cách viết từ phương thức siêu hư cấu (metafiction) của hậu hiện đại. 

Khả thể. Đó là cái có thể xảy ra. Nó nằm trong dạng tiềm năng. Đối với một nhà văn, cái làm cho họ hãi sợ khi đối mặt với trang giấy trắng (hay khi đối mặt với màn hình monitor trắng toát, chưa có chữ) là sự không rõ mình sẽ viết gì. Mình sẽ khởi đầu ra sao. Mình sẽ khai triển câu truyện như thế nào, hay theo hướng nào. Cái “không rõ”, “không biết” ấy là cái "bất thức” (the not-knowing), nói như Barthelme. Nhưng chính cái bất thức ấy lại là cái mà nhà văn cần. Nó thúc đẩy và đưa đến tưởng tượng.  Tôi nghĩ, cái bất thức này, ở một số khía cạnh, cũng khác với cái "vô thức", vì vô thức thường là cái có gốc rễ từ những gì đã được biết trước, những cái đã biết rồi, trong quá khứ xa xôi của một con người, hoặc trong cái biết lâu đời của tập thể.  Cái biết rồi là những cái đã được định sẵn, thường là qua những quy ước, thói quen, tập quán; còn cái bất thức thì tạo điều kiện cho sáng tạo. Nó là con đường đi đến sáng tạo. Nhà văn Barthelme đã nói rất hay, “May mắn cho chúng ta là những người có thể tưởng tượng ra những thực tại khác, những khả tính, khả thể khác”, bởi lẽ, chính những khả tính, khả thể ấy là những gì làm cho đời sống chúng ta trở nên phong phú. 

Về Ngôn Ngữ:

Trong tập truyện này, nói riêng, và trong chữ nghĩa của Đặng Thơ Thơ nói chung, ngôn ngữ chiếm một vị trí quan trọng.  Nó có thể được dùng để diễn đạt, để đưa tác giả đến những cái đích mà cô nhắm đến.  Dù sao, trong quan sát của tôi, điểm nổi bật của ngôn ngữ trong truyện Đặng Thơ Thơ là những nét đẹp và sự sâu sắc.  Ta hãy thử xét một vài khía cạnh đặc thù của cái ngôn ngữ này qua tập truyện đang được khảo sát. 

· Cái đẹp lóng lánh: Đoạn tác giả viết về dòng sông trong truyện “Mở Tương Lai” (trang 39): “Dòng sông vào những ngày cuối tháng Tư nhuộm màu cam trong và lỏng như vắt từ những trái quít ra. Nước rực lên ánh sáng gắt gao của một mặt trời nằm ẩn dưới lòng sông. Vào ban đêm mặt nước phản chiếu ánh hỏa châu bắn lên từ phía những rừng cây ven bờ…”

· Cái đẹp huyền bí: Đoạn nói về lọ thuốc Cyanide, cũng trong truyện vừa kể (trang 61):  “Buổi trưa hôm đó tôi cầm lọ thuốc trong tay, mở nắp ra và hít nhẹ một thứ mùi hạnh nhân đăng đắng. Dung dịch sóng sánh như nước nhưng tỷ trọng nặng gấp trăm lần nước. Như thể một biển sâu đã nén hết vào đây.”

· Cái đẹp man dại: Trong truyện “Bản Nháp cho một Tình Yêu”, tác giả cho nhân vật chính của mình, một cô gái, nghĩ rằng “tình yêu là một đóa hoa bí ẩn và kỳ ảo, chính là đóa hồng vĩnh cửu trong khúc cầu hồn tình yêu nổi tiếng.” (trang 111):   "Mỗi người mang trong đầu hình ảnh một bông hoa đã từng nở một lần ngày xưa. Khi cô hình dung bông hoa, hình ảnh đó thuộc về một buổi tối mùa mưa, thuộc về lần hẹn hò đầu tiên trong đời. Trên nền trời khi cô ngước mặt lên, những cánh sao nhạt nhòa rơi xuống tan thành bụi nước, những bụi cây dại run lên vì lạnh, và mùi hương hắc của những bông hoa thấm mưa ven đường bỗng dưng làm cô đau đớn. Một đóa hoa ra đời trong lạnh, ướt, đêm tối. Và cô nghĩ rằng nó phải màu đen, màu sâu thẳm, màu khó phai nhất trong tất cả các màu.”

· Cái đẹp của lý trí pha với cảm nhận văn chươngNhư trong đoạn nói về những người đàn bà trong Kinh Lễ trong truyện “Người Vợ Khổng Tử và Cô Giáo Nữ Quyền” (trang 139 & 140):  “Hãy để ý đến động tác của họ, rất ngoạn mục. Họ tháo khuy cởi nút chầm chậm. Mỗi hành động buông áo, hạ quần, rút giây lưng kéo dài hàng thế kỷ. […] Họ ngần ngại nhưng vì vậy chuyển động của họ càng lôi cuốn. Như là vũ thoát y quay chậm vậy. Đến thiên kỉ thứ 3 họ mới bạo dạn khoe chút rốn. […] Nhìn cách họ khóc kìa, họ khóc giống nhau lắm, những giọt lệ chảy âm thầm và đều đặn, như thể vận tốc của nước mắt là hằng số. Đêm đêm họ ngồi khóc bên những ngọn đèn lồng đỏ thắp lập lòe trên những ruộng cao lương đỏ…” 

· Cái đẹp lãng mạn trong bối cảnh của đời sống hậu hiện đại (trang 109):  Tác giả “luận” về một cái hôn trong email: “Cái hôn gửi qua điện thư lơ lửng hơn là hôn gió trong không khí. Cái hôn chẳng dính líu gì đến thân xác. Nhưng làm người tôi nóng bừng. Cái hôn đi thẳng vào đầu không qua trung gian nào hết. Nó mãnh liệt dữ dội không kém cái hôn trên da thịt. Dấu ấn của nó ở mọi nơi, ở môi, ở mắt, khắp người.”

Ngôn ngữ trong truyện của Đặng Thơ Thơ, nói chung, chứa đựng nhiều biểu tượng mang tính ẩn dụ.  Chẳng hạn, “Đôi mắt của người đối diện là những minh-cảnh-đài [kính chiếu yêu, BVP chú thích] thường trực cho chúng ta nhìn thấy chính mình, thật trong suốt, không tì vết”, hay, “[T]rò chơi giấc mơ là chuyển động hai chiều, như trái banh ném qua lại giữa hai người…”  Nắm bắt được những biểu tượng mang tính ẩn dụ ấy, người đọc, ở một mức độ nào đó, có thể biết được hướng phát triển của câu truyện, và có thể dò tìm vào chiều sâu tâm hồn nhân vật để thấy những động lực, những sức mạnh nào đã đẩy họ đi tới trong cuộc, thậm chí đi tới để đón nhận cái định mệnh của mình.  

Những biểu tượng mang tính ẩn dụ này có thể được rải khắp trong những truyện của tác giả.  Nhìn theo một cách nào đó, chúng như những mẩu bánh mì nhỏ bé mà cậu bé tí hon đáng yêu trong câu truyện cổ tích kia rải ra trên đường đi của mình.  Những mẩu bánh bé nhỏ sẽ giúp cho cậu bé tìm lại được đường về nhà.  Dù sao, tôi nghĩ Đặng Thơ Thơ khôn ngoan hơn cậu bé kia.  Cô không thả những mẩu bánh vụn (như cậu bé, để rồi sẽ bị chim trời ăn mất, khiến cậu bé lạc mất đường về); tác giả, trong truyện của mình, hình như đã thả những viên sỏi quý, nhiều mầu sắc khác nhau, để, từ đó, cô có thể yên tâm đi lui, đi tới, và dệt thêu câu chuyện mình kể. 

Về một vài sắc thái mang nét Hậu Hiện Đại:

Đọc những truyện trong “Khả Thể”, người ta có thể bắt gặp một số đường nét, sắc thái mang dáng dấp “hậu hiện đại".  Một cách hữu thức hay vô thức, tác giả đã cho thấy những “màu sắc” mang tính hậu hiện đại sau đây trong những bức tranh chữ nghĩa của mình: 

· Tính tự quy chiếu (self-reference) trong truyện:  Tác giả rất tỉnh táo phân tích mọi thứ trong truyện của mình, thường là qua một nhân vật nào đó. Dù sao, những người đọc hiểu rõ luật chơi đều biết rằng chính tác giả đang thực hiện những thao tác mang tính "tự bạch" ấy.  Người ta có thể đặc biệt để ý đến phong thái này trong các truyện như  “Bản Nháp cho Một Tình Yêu", “Lịch Sử nhìn từ Âm Bản”, “Con Yêu Tinh thứ 108”. 

· Tính phi trung tâm hóa hay giải trung tâm (decentralization): Rõ nhất là trong truyện “Đi Tìm Bản Kinh Thánh Cuối”.  Có lẽ bắt nguồn từ việc đọc, tiếp cận với những thông tin, khám phá về những bản kinh thánh "ngoại đạo", "ngoài luồng", không chính thức (không nằm trong phúc âm nhất lãm), như bản kinh thánh của Judas, của Myriam de Magdala, hay của Thomas, v.v., tác giả muốn tìm kiếm những sự thật khác với những “tự sự” chính, những "đại tự sự", như những tự sự, diễn giải của những tôn giáo, những niềm tin lớn.  Cho dù ở đây, ta có thể thấy, trong một mức độ hay một cách thế nào đó, Đặng Thơ Thơ có lẽ phần nào chịu ảnh hưởng (về lối nghĩ, lối viết, hay cái nhìn, cách tạo khung cảnh) từ một vài tác phẩm của những nhà văn đầy tài năng, như Umberto Eco chẳng hạn, với The Name of the Rose (Tên của Đoá Hồng), hay thậm chí chịu ảnh hưởng tinh thần của Dan Brown, trong lối khơi gợi và tạo vấn đề một cách rất "iconoclastic", tấn công vào những niềm tin hay những định chế vốn được yêu quý, với The Da Vinci Code (Mật Mã Da Vinci).  Đó là những dấu vết của thời đại, của văn chương thế giới "hôm nay", qua việc tra vấn, đặt dấu hỏi về những giá trị hiện tồn.  Dù sao, với Đặng Thơ Thơ, trong cái nhìn của tôi, việc tra vấn ấy luôn luôn gắn bó với một ý thức mãnh liệt về nữ quyền. Và với một phong cách, một ngôn ngữ rất văn chương.

· Tính giễu nhại (parody): 

1.  Truyện “Con Yêu Tinh Thứ 108” phần nào giễu nhại những biểu tượng về thanh kiếm sắc và kính chiếu yêu (minh cảnh đài) trong truyện ngắn “Cửa Tùng Đôi Cánh Gài” của Nhất Hạnh, đồng thời, biến tác giả của truyện này thành một nhân vật trong truyện của mình.   

2.  Giễu nhại những đánh giá về tiểu sử của một thứ quyền lực toàn trị, như trong truyện “Cấy Óc”. Ở đây, ta thấy có sự bàn lại những đánh giá về Hoàng Đạo.  

3.  Giễu nhại những thiết chế chính trị và những cái nhìn về màu da, như trong truyện “Lý Lịch Hoang Tưởng của Tôi”. 

4.  Giễu nhại một cách nghiêm túc và văn chương trong “Lịch Sử Nhìn từ Âm Bản":  Để ý đoạn đầu của truyện, “Hàng năm cứ vào tháng Tư, lúc con gió Hạ Lào khắc nghiệt xoáy về thành phố, những đám mây màu da cam lại bắt đầu phát sáng trên không, ký ức của tôi lại bừng sống dậy với những hình ảnh của một cuộc chiến không thể nào tàn.”  Ở đây, người đọc thấy có sự cố tình bắt chước cách viết của Thanh Tịnh, "Hàng năm cứ vào cuối thu, lá ngoài đường rụng nhiều, và trên không có những đám mây bàng bạc, lòng tôi lại …".  Và, điều quan trọng hơn hết của truyện này là nó giễu nhại chính những hiện thực của lịch sử.  

5.  Giễu nhại với những hiện thực lịch sử, như đã nói ở trên. Như xác tín của nhân vật xưng "tôi" trong truyện: “Mỗi người có cách viết lịch sử riêng của họ. Người ta đã bôi xoá nhiều thứ khỏi thực tại nhưng vẫn còn ký ức là vùng bất khả xâm phạm.”

hay:  

“Ký ức tôi vẫn chơi trò nhìn từ âm bản, nhìn bóng tối thành ánh sáng, nhìn trắng thành đen, nhìn cỏ xanh thấy ra máu đỏ.” (trong “Lịch Sử Nhìn từ Âm Bản").  Toàn truyện là một cuộc nhìn lại lịch sử từ "âm bản" như thế. Nhìn lại. Và gán cho lịch sử những giá trị khác. 

6.  Và, giễu nhại với những xác tín tôn giáo, như cấu trúc và câu chuyện được kể trong “Đi Tìm Bản Kinh Thánh Cuối”.   

Dù sao, sau tất cả những gì đã nói, người ta có thể nói thêm là tất cả những "giễu nhại" trong truyện của Đặng Thơ Thơ, nhiều khi pha với ý hướng “giải trung tâm”, thường chỉ là những phương cách tạo âm bản từ những “hiện thực”, những “xác tín”, những “quy định” hay “thiết chế” đã được “lập trình”, được gài sẵn trong đời sống xã hội hay trong tâm thức con người.  Những thiết chế đã được xây dựng, đặt nền móng trên những quy luật, những tiền đề có từ ngàn năm.  Cách "giễu nhại" của tác giả, nếu có thể gọi được như thế (vì cho dù mang tính "giễu nhại", sự "giễu nhại" này vẫn thường được tác giả khoác cho một bộ mặt nghiêm trang), dù đôi khi có chút mỉa mai, nhưng không có tính ác độc, tuy nó không thiếu cái nhìn thách thức đối với những cái quyền uy. 

Ngôn ngữ của Đặng Thơ Thơ là một ngôn ngữ sáng tạo.  Có vẻ như nó được phát sáng từ những giấc mơ.  Trong những giấc mơ của Thơ Thơ, có khi người ta nhìn ra được những gốc rễ chằng chịt của đời sống.  Những gốc rễ phân mảnh.  Những gốc rễ đã bị phân hủy bởi lịch sử, truyền thống và thời gian, thậm chí bởi niềm tin của con người.  Tác giả tạo dựng lại chúng, cho chúng những xương thịt và một dòng máu mới. Dòng máu mà cô bắt gặp hoặc tìm được trong những giấc mơ mình.  

Truyện của Đặng Thơ Thơ mang tính hủy tạo theo nhiều nghĩa.  Chúng cũng có thể mang cái nghĩa "hủy tạo/giải cấu trúc " (deconstruction) của "hậu hiện đại", như ta đã thử phân tích.  Có những giấc mơ khác của tác giả chỉ thuần túy là một sự khai dựng, mang mật nghĩa của sự "bịa tạc", một thuộc tính và cũng là một yếu tính của văn chương.  Ý nghĩa thật của chúng nằm trong lời chứng của người kể chuyện.  Nó không hẳn là có giá trị trước lịch sử, trước niềm tin tôn giáo, trước sự xác tín tinh thần, hoặc triết lý hay thái độ sống của người đọc.  Giá trị của những "khả thể" ấy, những giấc mơ ấy, nằm trong lãnh địa của văn chương.  Nó bật sáng và làm nở hoa những thực tại mà nó khám phá. 

Tác giả ý thức rất rõ trò chơi của mình.  Trò chơi của những giấc mơ và của sự viết.  Tác giả vừa chơi, vừa phân tích, giải minh nó.  Đặng Thơ Thơ là một nhà văn của sự sáng tạo.  Và cái viết của cô, những giấc mơ của cô, cháy rực, lấp lánh, và như có lân tinh, đã mang cùng với chúng dấu ấn của sự sáng tạo này.

Bùi Vĩnh Phúc

tháng Hai, 2015
(những ngày cận Tết Ất Mùi)

__________________________________

(*)  Phần thuyết trình, giới thiệu tập truyện Khả Thể của Đặng Thơ Thơ tại phòng hội thảo của Việt Báo, ngày Chủ Nhật, 15 tháng Hai, 2015.

bài đã đăng của Bùi Vĩnh Phúc

1 Comment (Open | Close)

1 Comment To "Cái Đẹp của Ngôn Ngữ & Nét Hậu Hiện Đại trong Khả Thể (*)"

#1 Comment By black raccoon On 06/03/2015 @ 6:31 pm

Not-Knowing, Donald Barthelme

Cái bất thức not-knowing, theo quan điểm của Donald Barthelme là sự tưởng tượng trong sáng tạo nghệ thuật viết truyện . Câu nổi tiếng của ông: “Writing is a process of dealing with not-knowing, a forcing of what and how.” Viết là một tiến trình đun đẩy với cái chưa biết, một thứ xung lực của cái gì và thế nào.”

@ Nói thế thôi, chứ cái chưa biết đó thật ra cũng đã biết qua. Biết, nhưng qua tay văn sĩ thì trở thành … chưa biết. Cũng có nghĩa là mới. Trước Ngô Thừa Ân, không có Tây Du Ký. TDK đầy sự tưởng tượng. Nhưng sự tưởng tượng đó không lạ . Ngọc Hoàng, Thiên Đình, Quần Tiên, Đá Âm Dương, … đã có trước trong cổ tích dân gian của TQ. Sự biến hình từ con vật thành người, hay người mang bộ mặt thú, cũng đã xưa củ rích trong triết lý Thập Thiên Can và Thập Nhị Địa Chi 12 con giáp. Tuy vậy, nếu chỉ có thế thì TDK không còn là một danh tác. Cái mà trước TDK người ta hoàn toàn “chưa – biết” là Thuỷ Liêm Động và Hoa Quả Sơn . Cái chưa biết đó đã xâu kết làm mới hết thảy cái đã biết.

@ J. K. Rowling viết Harry Potter cũng vậy. Không có hình ảnh và ẩn dụ nào trong bộ trường thiên tiểu thuyết này mà không mang dấu ấn huyền thoại cũng như triết học của Hy Lạp và Tây Phương. Con cú tuệ trí, con rồng sức mạnh, rắn trí xảo, bạch mã có cánh ngao du viễn mơ, chiếc đủa phép, ông thiện ông ác v.v… Nhưng cái gì làm cho Harry Potter độc sáng và mới ? Có thể là nhà ga – platform 9 3/4 hay chăng ? Nó chỉ đón nhận những ai đủ can đảm chạy xuyên qua bức tường gạch mà thôi.

Cám ơn nhà văn Bùi Vĩnh Phúc về bài khảo luận tỉ mỉ.

Not-knowing, Donald Barthelme
http://www.brainpickings.org/2014/04/07/donald-barthelme-not-knowing/