Home » Bàn Tròn: Tôn Giáo & Chính Trị, Giới Tính, Kịch, Sáng Tác Email bài này

Cặp đôi Giáo Hoàng (5)

0 comment ♦ 8.08.2018
Raphael-Portrait-of-Pope-Leo-X-and-Two-Cardinals_thumb.jpg

 Raphael-Portrait-of-Pope-Leo-X-and-Two-Cardinals
Raphael, Giáo hoàng Leo X và hai Đức Hồng y (Giáo triều 1513-1521)
Leo X là vị giáo hoàng ưa chuộng sự xa hoa và lạm phát việc bán nhiều ân xá để gây quỹ cho Giáo hội. Ông đã ban cho vua
Henry VIII của Anh tước hiệu "Người bảo vệ đức tin" (Defensor fidei) do Henry VIII đã có công ngăn cản làn sóng giáo thuyết Luther tràn vào Anh quốc.

Facisca:

– Rút cục, vì linh mục không được lập gia đình, có điều lợi mà cũng có điều hại. Lợi ở chỗ chúng ta hoàn toàn thoát ly gia đình, như các Tông Đồ thuở ban đầu, dốc toàn lực vào việc theo chân Chúa. Nhưng cũng có hại, ở chỗ chúng ta không có đầy đủ kinh nghiệm về cuộc sống gia đình. Ngoài ra, còn có những người không thắng nổi bản thân mình, đã vướng mắc vào bao nhiêu tội lỗi, gây đau khổ cho biết bao cá nhân và gia đình, cũng như gây thiệt lại lớn lao cho Giáo Hội, cả về tinh thần lẫn vật chất.

Benix:

– Ngài nghĩ thế nào về ý kiến cho linh mục lập gia đình?

Facisca:

– Điều đó rất khó. Các Tông Đồ đã bỏ gia đình, theo Chúa toàn thời gian. Lo cho gia đình, cũng là nhiệm vụ cần toàn thời gian. Vừa theo Chúa, vừa lo cho gia đình, thời gian bị chia sẻ, không thể chu toàn nhiệm vụ đối với cả hai. Nhưng không cho linh mục lập gia đình, cũng kẹt. Một là không có nhiều người muốn đi tu, hai là linh mục có thể phạm vào những điều đáng tiếc, như đã bị tố cáo trong mấy chục năm qua.

Benix:

– Ngài nghĩ rằng, hễ cho lấy vợ, linh mục có thể tránh khỏi phạm vào những lỗi lầm đáng tiếc về tình dục?

Facisca:

– Vâng! Tôi nghĩ như vậy. Khi có vợ, họ sẽ không còn bị thôi thúc, đè nén bởi sự đòi hỏi của xác thịt, không còn động cơ phạm tội. Cũng như, khi một người không bị đói, thì không có nhu cầu tìm kiếm đồ ăn, hay thậm chí, tìm cách ăn vụng. Ngoài ra, thêm vào sự quan phòng của Chúa, nếu có sự canh phòng của vợ, linh mục sẽ đỡ bị sa vào chước cám dỗ hơn.

Benix:

– Thưa Ngài, thế tại sao những người không đi tu, không là linh mục, có vợ con; nghĩa là không thuộc thành phần bị “đói khát”, và có vợ canh phòng thường trực, sao vẫn “ăn vụng”, vẫn phạm vào những lỗi lầm đáng tiếc?

Facisca:

– Những người Ngài vừa nói, theo tôi, không thuộc thành phần đói khát tình dục như các linh mục. Ngược lại, vì quá no đủ, họ cảm thấy nhàm chán, và bị cám dỗ bởi sự mới lạ, một hình thức đổi món. Thiếu gì người no bụng, nhưng thuộc loại tham ăn, thấy món hấp dẫn ngay trước mắt, vẫn cố ăn thêm. Ngoài ra, việc canh phòng cũng vậy, có chừng mực thì tốt, nhưng nếu quá nghiêm ngặt, người ta sẽ cảm thấy như bị đàn áp, tìm cách bung ra khỏi ràng buộc. Chắc Ngài cũng thấy, chỉ có người bị canh kỹ trong tù, mới tìm cách vượt ngục; người có cuộc sống thong dong, đâu có ai vượt ngục. Nhưng đó là vấn đề thuộc xã hội đời thường, ngoài Giáo Hội, ngoài thẩm quyền trực tiếp của chúng ta.

Benix:

– Thế là Ngài cũng biết nhiều đấy chứ, chả hiểu có đúng không?! Vậy theo Ngài, ta có thể làm gì, để giải quyết tình trạng bế tắc của các linh mục?

Facisca:

– Như Ngài đã biết, trong Mười Điều Răn (Ten Commandments), Điều 7 theo Cựu Ước, hay Điều 6 theo ghi chép của Giáo Hội ta, chỉ cấm ngoại tình. Tại sao ta không chọn giải pháp trung dung, nghĩa là không cho linh mục lấy vợ, nhưng được phép có bạn gái, miễn là bạn gái không có chồng, và không được có nhiều bạn gái cùng một lúc?

Benix:

– Tại sao vậy?

Facisca:

– Vì cả linh mục và bạn gái thành niên đều không có vợ, không có chồng, thì không ai phạm tội ngoại tình, dù theo luật đạo, hay luật đời. Không được có nhiều bạn gái cùng lúc, để tránh cảnh đánh ghen nơi tôn nghiêm.

Benix:

– Có một điểm liên quan đến Điều Răn Thứ Sáu, tôi muốn được biết ý kiến của Ngài. Điều này ghi là “không được ngoại tình” (Thou shall not commit adultery). Có phải Ngài muốn nói rằng, điều này chỉ cấm ngoại tình, còn ngoài ra, kể cả linh mục, đều có thể có quan hệ tình dục với sự ưng thuận của người trưởng thành, mà không có tội?

Facisca:

– Thưa Ngài, tôi nghĩ, điều này tự nó đã nói rõ “Thou shall not commit adultery” là anh hay chị không được ngoại tình. Ngoài ra, không nên thêm thắt vào để gia tăng tội phạm.

Benix:

– Tôi được biết, có Giáo Hội địa phương, khi chuyển ngữ Điều Răn Thứ Sáu sang ngôn ngữ của họ, đã không dịch điều này là “cấm ngoại tình”, mà là “cấm mê dâm dục”; nghĩa là cấm mọi ham muốn liên hệ tới tình dục, dù có ngoại tình hay không, bởi vì, nếu chỉ cấm ngoại tình, đã có Điều Răn Thứ Chín “Chớ ham muốn vợ hàng xóm” (Thou shall not covet neighbor’s wife). Ngài nghĩ thế nào về chuyện này?

Facisca:

– Thưa Ngài, theo tôi, hai điều răn Thứ Sáu và Thứ Chín không trùng hợp, mà hoàn toàn khác nhau. Điều Sáu, cấm những người đã có vợ hay có chồng, không được quan hệ tình dục với người không phải vợ hay chồng mình. Điều Chín, cấm bất cứ ai, dù có vợ hay không, ham muốn vợ người khác. Như vậy, một người có vợ, quan hệ tình dục với một người nữ độc thân, là phạm điều răn Thứ Sáu. Nếu người nữ có chồng, cả hai cùng phạm điều răn Thứ Sáu. Một người có vợ, quan hệ với, hay chỉ ham muốn một người có chồng, vi phạm điều Thứ Chín.

Benix:

– Vậy, theo Ngài, Điều Chín chỉ cấm người có vợ ham muốn vợ người, còn những ai, dù có chồng hay không, ham muốn chồng người, thì không có tội?

Facisca:

– Thưa Ngài, có thể nói, theo văn tự, thì đúng như thế. Nhưng thực tế, khi Mười Điều Răn ra đời, thời đại phụ nữ hoàn toàn phụ thuộc vào đàn ông, dù có “muốn chồng người”, họ cũng chỉ có thể để trong lòng, không làm gì được, cần gì phải cấm. Trong khi ấy, đàn ông, ngoài sức khoẻ, còn võ khí, địa vị, thế lực và tiền bạc, có điều kiện để cướp vợ người, nên phải cấm. Ngày nay, phụ nữ đã có nhiều ưu thế, nếu muốn ai, họ có nhiều cách để đạt mục tiêu, nên theo tôi, Điều Chín phải áp dụng cho cả hai giới. Thành ra, giáo hội địa phương nào đã dịch Thou shall not covet neighbor’s wife thành Chớ muốn vợ chồng người, tuy dịch không sát nghĩa, nhưng hợp với hoàn cảnh thời đại mới.

Benix:

– Thưa Ngài, nếu cho rằng Điều Răn Thứ Sáu chỉ cấm ngoại tình, như vậy, có phải là chấp nhận, hay khuyến khích sự buông thả tình dục của những người độc thân trưởng thành?

Facisca:

– Tôi không nghĩ như thế, thưa Ngài. Vấn đề là, tình dục có được coi là một nhu cầu của cuộc sống do Chúa tạo ra, như thở, ăn, uống, ngủ, bài tiết, hay không? Nếu cũng coi nó như các nhu cầu khác, thì có xã hội nào, có tôn giáo nào – ngoài mục đích hãm mình trong một khoảng thời gian đặc biệt — làm luật, hay răn dậy cấm cản thoả mãn các nhu cầu ấy không? Dù không có luật cấm, không có răn đe, mọi người vẫn tự tìm cách thoả mãn các nhu cầu thiên nhiên ấy một cách khôn ngoan, và trong chừng mực. Không cấm, nhưng có bao nhiêu người đã ăn uống quá mức? Nếu đã là một nhu cầu thiên nhiên cần thiết cho cuộc sống, dù cấm, người ta cũng tìm đủ cách để thoả mãn. Dù không cấm, người ta cũng biết dừng ở mức đầy đủ. Nhiều khi, chính vì cấm cản, có người mới đi quá trớn. Vậy, tại sao phải quan trọng hoá, và quá khắt khe với nhu cầu tình dục? Ngược lại, nếu không coi tình dục như các nhu cầu căn bản khác của cuộc sống, thì phải có lý do chính đáng. Không được lươn lẹo, che đậy, hay giải thích sai lạc luật lệ căn bản.

Benix:

– Thưa Ngài, sự khác biệt giữa tình dục và năm nhu cầu vật chất căn bản kia, đã quá rõ ràng. Đó là có thể ép xác, nhịn được tình dục, nhưng các nhu cầu kia, không thể nhịn được.

Facisca:

– Có phải Ngài nghĩ rằng, vì nhịn được, nên bắt nhịn, để được phúc? Theo tôi, hãm mình có ý nghĩa khi tự nguyện, hơn là bị ép buộc. Ngoài ra, các nhu cầu thở, ăn, uống, ngủ, bài tiết, nếu không đầy đủ, chỉ chấm dứt mạng sống một người. Trong khi ấy, nếu mọi người đều tự nguyện hay bị bó buộc nhịn tình dục, sẽ chấm dứt mạng sống cả nhân loại.

Benix:

– Bây giờ, trở lại ý kiến của Ngài là có thể cho linh mục có bạn gái. Nếu bạn gái của linh mục muốn tiến tới hôn nhân?

Facisca:

– Nếu là mối liên hệ được chấp nhận, sẽ không có gì phải giấu diếm, và tránh được hiểu lầm. Người bạn gái của linh mục, ngay từ đầu, đã biết rõ hoàn cảnh của ông ta không có tự do tiến tới hôn nhân, và không nên chờ đợi hay đòi hỏi điều này.

Benix:

– Nhưng nếu mối liên hệ đi tới chỗ quá sâu đậm, một hay cả hai người cảm thấy không thể rời bỏ nhau, thì sao?

Facisca:

– Trong trường hợp này, vị linh mục có hai lựa chọn: Một là trình bầy rõ ràng hoàn cảnh của mình, để thuyết phục bạn gái bỏ ý định tiến tới hôn nhân. Hai là xin từ bỏ chức linh mục để lập gia đình.

Benix:

– Sau khi lấy vợ một thời gian, nếu linh mục gặp khó khăn, hay cảm thấy không phù hợp với cuộc sống hôn nhân, có được ly dị để trở lại đời sống linh mục như cũ không?

Facisca:

– Được chứ! Giáo Hội sẽ có trở lại một linh mục sẵn sàng phục vụ, và hơn nữa, đã từng trải về kinh nghiệm gia đình, như mới qua một lớp tu nghiệp thực tế. Trừ trường hợp…

Benix:

– Trừ trường hợp nào, thưa Ngài?

Facisca:

– Đó là trường hợp linh mục bị vợ ly dị vì hạnh kiểm xấu, như nghiện ngập, bạo hành gia đình…, thì không thể được thu nhận lại.

Benix:

– Còn trong trường hợp bạn gái của linh mục có con?

Facisca:

– Trường hợp này, nếu cho ngừa thai, cũng khó xẩy ra. Nhưng nếu vẫn xẩy ra, sẽ có tới ba lựa chọn: Một là vị linh mục phải xin hồi tục, lập gia đình, lo cho vợ con. Hai là, nếu người mẹ muốn tự mình nuôi con, Giáo Hội sẽ trợ cấp để nuôi đứa con đến khi trưởng thành. Ba là, nếu người mẹ không muốn nuôi con, đứa trẻ sẽ được trao cho một cơ sở do các nữ tu săn sóc, nuôi dưỡng và giáo dục đến khi trưởng thành. Dù trường hợp nào, Giáo Hội cũng sẽ đỡ bị thương tổn về uy tín và tài chính, hơn là để xẩy ra và phải bồi thường về những chuyện lén lút đầy tai tiếng.

Benix:

– Ý kiến của Ngài, chắc cần phải đem ra thảo luận trước Thượng Hội Đồng Giám Mục, hay trước một Công Đồng mới.

Facisca:

– Tôi đồng ý với Ngài! Chúng ta cần một Công Đồng mới, không phải chỉ thảo luận về việc có nên cho linh mục lấy vợ, hay có bạn gái, mà còn nhiều vấn đề khác cần thay đổi.

Benix:

– Xin Ngài cho một vài thí dụ về những điều cần thay đổi.

Facisca:

– Ví dụ, lời Chúa trong bốn Phúc Âm Tân Ước được trích đọc hàng năm trong mỗi Thánh Lễ. Chúa thường dùng những dụ ngôn phản ảnh sinh hoạt đời thường trong xã hội vùng Trung Đông, cách đây hai ngàn năm. Nhiều sinh hoạt nay đã hoàn toàn đổi khác, không còn hợp thời nữa. Tất nhiên, chúng ta không thể thay đổi Lời Chúa cho hợp thời, nhưng những gì đã trở thành xa lạ trong đời thường, thì nên trân trọng giữ gìn như di vật cổ, làm tài liệu tham khảo, hơn là phổ biến rộng rãi, khiến người đời không hiểu, hay thắc mắc.

Benix:

– Ngài có thể cho biết rõ hơn được không?

Facisca:

– Chắc Ngài nhớ “Dụ ngôn mười trinh nữ” trong Phúc Âm theo Thánh Matthiew?

Benix:

– Tất nhiên là tôi nhớ: Mt 25,1-13.

Articles by Đinh Từ Thức

Comments


Xin vui lòng bày tỏ trách nhiệm và sự tương kính trong việc sử dụng ngôn ngữ khi đóng góp ý kiến. Da Màu dành quyền từ chối những ý kiến cực đoan, thiếu tôn trọng bạn đọc hoặc không sử dụng email thật. Chúng tôi sẽ liên lạc trực tiếp với tác giả nếu ý kiến cần được biên tập.

@2006-2023 damau.org ♦ Da Màu Magazine
Log in | Entries (RSS) | Comments (RSS)