Home » Bàn Tròn: Nghệ Thuật & Chính Trị, Biên Khảo, Nhận Định Email bài này

Tiếng nói của nghệ thuật, tiếng nói của hành động

1 comment ♦ 24.02.2009

Nhân đang có chuyện thảo luận về nghệ thuật lên tiếng, và tình cảm đối với lá cờ, người viết xin ghi lại sau đây mấy sự kiện từng gây tranh cãi, mới xẩy ra cũng như đã cũ, liên hệ tới nghệ thuật và cờ, để mọi người có dịp cùng suy nghĩ.

Như nhiều người đã biết, Hội Văn học Nghệ thuật Việt Mỹ (VAALA — Vietnamese American Arts & Letters Association) đã tổ chức triển lãm tại Santa Ana vào giữa tháng 1, 2009, trước Tết âm lịch. Đề tài cuộc triển lãm là Nghệ Thuật Lên Tiếng, gồm những bức tranh gây tranh cãi, như hình chụp của Brian Đoàn có cô gái mặc áo cờ đỏ sao vàng, đứng gần bàn ăn trên có tượng bán thân Hồ Chí Minh, và bức vẽ của một họa sĩ khác, hình cờ vàng ba sọc đỏ là ba đoạn dây kẽm gai. Điều này đã gây phẫn nộ trong giới người Việt tị nạn cộng sản.

Do không hợp lệ về giấy phép, VAALA đã phải tuyên bố đóng cửa triển lãm vào chiều ngày 16 tháng 1. Tuy phòng triển lãm đã đóng cửa, vẫn bị người chống đối tìm cách đột nhập, lấy sơn đỏ xịt vào một số bức tranh, và đoàn Thanh niên Cờ vàng vẫn tổ chức biểu tình vào sáng 17 tháng 1, với hàng trăm người tham dự. Theo báo Los Angeles Times ngày 17 tháng 1, có người đã trải một lá cờ Cộng sản trên đường phố rồi khuyến khích một bé trai giẫm đạp lên.

Sau khi VAALA đóng cửa triển lãm ở Santa Ana, Brian Đoàn đã đem tác phẩm của mình về triển lãm tại Đại học Cộng đồng Cypress, và lại bị những người chống cộng biểu tình phản đối vào chiều 18 tháng 2. Theo báo Người Việt, có 100 người tham dự, và “Luật Sư Nguyễn Xuân Nghĩa nắm tay một cô gái, cả hai đều cầm cờ VNCH, cùng giẫm lên lá cờ CSVN với khuôn mặt đắc thắng.”

DapCoDo

Vẫn theo báo Người Việt, Hiệu Trưởng Michael Kasler cũng có mặt, đã hoàn toàn đồng ý với cuộc biểu tình. Ông nói với phóng viên nhật báo Người Việt: “Tôi hoàn toàn hiểu những gì họ đã trải qua. Họ nên làm như vậy để mọi người hiểu. Nhiều sinh viên chưa biết những gì người Việt Nam trải qua.”

Một trùng hợp ngẫu nhiên: Cùng ngày 18 tháng 2, trong khi người Việt chống cộng biểu tình phản đối Brian Đoàn trước Cypress College ở phía Tây Hoa Kỳ, thì từ phía Đông, báo New York Post tại thành phố New York, tờ báo lớn hàng thứ sáu trên toàn nước Mỹ, mỗi ngày phát hành trên 625 ngàn số, đã đăng bức hý họa của Sean Delonas, vẽ cảnh một trong hai cảnh sát vừa bắn chết một con khỉ dã nhân, máu me đầm đìa, với lời chú: “Họ phải tìm kẻ khác viết đạo luật kích thích kinh tế kế tiếp.”

ShootTheChimp

Biếm họa trên New York Post đã bị phản ứng dữ dội. Theo tin AP, điện thoại tòa báo đã réo cả ngày, đem đến những lời lẽ giận dữ. Người biểu tình phản đối trước trụ sở tòa báo ở Manhattan, đòi xin lỗi và kêu gọi tẩy chay, hô hào “đóng cửa báo Post.

Bà Barbara Ciara, Chủ tịch Hội Nhà báo Da đen Quốc gia tuyên bố: “So sánh vị Tổng tư lệnh quốc gia đầu tiên là người Mỹ gốc Phi châu với một con dã nhân chết là chủ trương kỳ thị.” Nghị sĩ Tiểu bang Eric Adams coi chuyện này là trở lại những ngày người da đen bị treo cổ. Mục sư Al Sharpton, một lãnh tụ dân quyền da đen quen thuộc nói rõ ràng biếm họa có vấn đề vì trong lịch sử kỳ thị, người ta thường đồng hóa người da đen với khỉ dã nhân.

Chủ bút báo Post là Col Allan bào chữa rằng: “Biếm họa rõ ràng chỉ nhái lại một chuyện thời sự, đó là việc bắn một con dã nhân bạo động ở Connecticut. Nó đã châm chọc Washington trong nỗ lực hồi sinh kinh tế. Lại nữa, Al Sharpton tự cho thấy ông ta chẳng là gì ngoài một kẻ cơ hội.”

Chuyện thời sự là, hai ngày trước đó, 16 tháng 2, tại Hartford, Connecticut, một con dã nhân (chimpanzee) 15 tuổi, nặng 200 cân Anh (lbs), tên là Travis, từng xuất hiện trong quảng cáo trên TV cho Old Navy và Coca Cola đã bị cảnh sát bắn chết, sau khi tấn công gây trọng thương một phụ nữ 55 tuổi, là bạn của chủ dã nhân.

Biếm họa của New York Post cũng được thảo luận sôi nổi trong giới bloggers trên mạng. Có người cho rằng nó ám chỉ đạo luật kích thích kinh tế, thắng lợi đầu tiên của ông Obama, là quá tệ. Tác giả có thể là con dã nhân. Nó chết rồi, phải kiếm ai khác viết luật kế tiếp. Có người khác cho rằng biếm họa ám chỉ tân Tổng thống Obama nên bị bắn chết.

Trong khi ấy, Tùy viên Báo chí Bạch ốc Robert Gibbs tuyên bố rằng ông chưa coi biếm họa, và nói chung “không nghĩ rằng New York Post có giá trị về thông tin.”

Sau hai ngày phản đối, theo VOA, đã có 200 người biểu tình vào 19-2, báo New York Post đã phải xin lỗi. Trong bài bình luận vào ngày Thứ Năm, báo này viết biếm họa đã nhằm mục tiêu nói móc đạo luật kích thích kinh tế của liên bang, nhưng “với những ai đã bị xúc phạm bởi hình ảnh đó, chúng tôi xin lỗi” (to those who were offended by the image, we apologize).

Vào ngày Thứ Sáu 20 tháng 2, Thống đốc New York David Paterson, một người gốc Phi châu, đã lên tiếng chấp nhận lời xin lỗi của New York Post như là một cử chỉ “rất cao thượng” (very honorable).

Đó là chuyện ngày nay, mới xẩy ra đầu năm 2009.

* * *

Cách đây đúng 5 thế kỷ, cũng đã có chuyện nghệ thuật lên tiếng gây tranh cãi ngay tại thủ đô nghệ thuật, là Roma.

Năm 1508, Giáo Hoàng Julius II mướn điêu khác gia trẻ tuổi Michelangelo vẽ những bức họa trên trần và tường Nhà nguyện Sistine, cạnh đền thờ Thánh Phê Rô. Sau bốn năm làm việc, những tác phẩm nghệ thuật của Michelangelo dựa theo Thánh Kinh được hoàn thành. Tuyệt đẹp. Chỉ phiền một nỗi, hầu hết các nhân vật trong tranh đều trần truồng. Nhưng vì tôn trọng nghệ sĩ, Giáo Hoàng đã mướn Michelangelo cũng như mấy vị kế tiếp đều không can thiệp.

Một phần tư thế kỷ sau, Giáo Hoàng Clement VII mướn Michelangelo vẽ tranh Ngày Phán Xét (The Last Judgement) trên bức vách chính, đầu hồi Nhà nguyện Sistine, ngay sau bàn thờ. Sau 7 năm làm việc, tranh chưa hoàn thành, đã gây tranh cãi. Cả Chúa, các thánh, quỷ thần, đều trần truồng. Tranh trên trần, hay trên tường hai bên và dưới cuối, dù vẽ người không mặc quần áo, cũng ít ai nhìn tới, nếu người vào nhà thờ đều ngó ngay, nhìn thẳng. Nhưng hình cởi truồng trên tường sau bàn thờ, là nơi không thể tránh, đối với bất cứ ai mỗi khi nhìn lên bàn thờ cầu nguyện: chia trí quá sức! Đó là lý do khiến nhiều người chống đối, chủ trương phải vẽ quần áo che phủ những chỗ “nhậy cảm,” hay hủy bỏ toàn thể bức họa.

Trong số chống đối có Hồng Y Carafa, đã vận động “Chiến dịch Lá vả” (Fig-Leaf campaign) để che những chỗ kín trên cơ thể phơi bầy trên họa phẩm. Người chống mạnh mẽ hơn cả là Biagio da Cesera, MC (Master of Ceremonies) của Giáo Hoàng. Ông tuyên bố: “Thật khả ố khi tại một nơi thiêng liêng mà vẽ toàn hình khỏa thân, lộ liễu đáng xấu hổ. Đó không phải là tác phẩm xứng với Nhà nguyện Giáo Hoàng, mà là phòng tắm hay quán rượu công cộng.”

Michelangelo chẳng những không chịu nhượng bộ, còn “chơi khăm” bằng cách vẽ mặt Minos, là thần giữ địa ngục, giống hệt Biagio da Cesera, và vẽ một con trăn cuốn quanh người, miệng đang cắn “chim” ông này. Truyện kể rằng ông da Cesera đã xin Giáo Hoàng can thiệp để họa sĩ sửa lại, nhưng ngài nói rằng quyền hành của Giáo Hoàng không có ảnh hưởng dưới địa ngục, nên cứ để vậy. Ngày nay, khách du lịch thăm Nhà nguyện Sistine có thể dễ dàng thấy hình ông này ở góc phía dưới, bên mặt, khu địa ngục.

Nhưng cuối cùng, vào tháng 1, 1564, một tháng trước khi Michelangelo từ trần, Công Đồng Trent đã quyết định cho vẽ phủ lên háng các nhân vật một lớp vải, tuy mong manh, cũng tạm đủ che những nơi cần phải che, mà không ảnh hưởng tới ngôn ngữ nghệ thuật. Giáo Hoàng Pius IV đã trao cho họa sĩ Daniele da Volterra làm công việc này. Nghệ sĩ có quyền vẽ theo ý mình. Ai không vừa ý có quyền chống đối.

LastJudgement

Như vậy, xưa cũng như nay, quyền tự do phát biểu của nghệ sĩ qua nghệ thuật là điều phải được triệt để tôn trọng. Tuy nhiên, quyền tự do sáng tác của nghệ sĩ, cũng có thể so sánh với quyền tự do lái xe của mọi người. Muốn lái đi đâu tùy ý, nhưng phải luôn coi chừng, tránh đụng vào người khác. Sean Delonas của New York Post nói không có ý ám chỉ ông Obama với con dã nhân bị bắn chết, cũng như Brian Đoàn nói không có ý xúc phạm các nạn nhân cộng sản bằng hình cờ đỏ sao vàng, và tượng HCM. Nhưng nếu tác phẩm khiến cho người khác cảm thấy bị xúc phạm, tức là việc làm của mình có vấn đề. Người lái xe chẳng bao giờ chủ tâm đụng vào người khác, nhưng nếu gây ra tai nạn, là có lỗi.

Ngoài ra, nghệ sĩ thường là những người yêu cái đẹp, trọng sự thật, và đầy ắp tình người. Dùng tác phẩm của mình để khơi lại sự đau khổ của người khác, mà “người khác” đây có khi là thân nhân, cha mẹ mình, thì đó là việc làm độc ác, có khác chi một cán bộ đấu tố. Nghệ thuật lên tiếng, là lên tiếng cho cái hay, cái đẹp, đòi hỏi công lý và đề cao tình người, không phải lên tiếng để tạo đau khổ cho người khác. Đừng nói là nhiều hay ít người bị đau khổ. Chỉ một người có thể bị đau khổ, cũng cần phải tránh. Tiếng nói tạo đau khổ, không là tiếng nói của nghệ thuật, mà tiếng nói của sự dữ.

* * *

Vì vụ triển lãm Nghệ Thuật Lên Tiếng, cũng như các vụ biểu tình chống đối, có liên hệ tới hai lá cờ, nên phải nói tới tình cảm của người dân đối với quốc kỳ.

Khoảng gần 15 năm trước, người viết có dịp đọc cuốn A Thousand Tears Falling (Ngàn giọt lệ rơi) của Yung Krall. Bây giờ không còn nhớ gì hết, ngoại trừ một chi tiết liên hệ tới lá cờ, đó là: Khi tác giả tới tòa đại diện Mặt trận Giải phóng Miền Nam ở Paris, thấy lá cờ VNCH bị dùng làm giẻ lau chân dưới sàn, trong phòng vệ sinh. Người viết chỉ là một công dân thường của VNCH, không thuộc thành phần quyền cao chức trọng, hay từng được chế độ biệt đãi. Nhưng đã rất xúc động về chi tiết này. Vì xúc động nên nhớ mãi, có lẽ sẽ không bao giờ quên.

Vào lúc đó, tuy đã mang quốc tịch Mỹ cả chục năm, và VNCH cũng đã tan hàng vài chục năm trước, nhưng người viết vẫn còn cảm thấy đau, khi biết quốc kỳ VNCH bị làm nhục. Vậy, thử hỏi: đối với những người đang mang quốc tịch Việt Nam, và đang sống ở Việt Nam, họ cảm thấy thế nào khi quốc kỳ của họ bị làm nhục? “Họ” không phải là người Pháp, người Nhật, người Tầu, mà cũng là người Việt Nam. Họ không phải chỉ là 15 người trong Bộ chính trị, họ không phải chỉ là 160 người trong Trung ương Đảng, hay gần 3 triệu đảng viên. Họ chính là những người mà tập thể người Việt hải ngoại đang tranh đấu cho họ có một cuộc sống tự do hơn, tốt đẹp hơn. Thật mỉa mai khi chính những người tranh đấu vì họ, lại có những lời nói và hành động có thể khiến họ phải đau lòng.

Tối cao Pháp viện Hoa Kỳ cho phép đốt cờ, như một hình thái sử dụng quyền tự do phát biểu. Nhưng đốt cờ và giẫm đạp lên cờ có ý nghĩa khác nhau. Người ta đốt ảnh tượng tôn giáo, hình ảnh gia đình bị hư cũ, kể cả đốt xác người thân. Trong khi ấy, không thể chấp nhận việc đem những thứ này ra chà đạp, vì như thế là nhục mạ. Ai cũng biết cờ đỏ sao vàng là đảng kỳ của Việt Minh, và Cộng sản đã áp đặt lá cờ này lên toàn dân, để biến nó thành quốc kỳ. Tuy nhiên, ai cũng biết mọi tượng thần thánh trước khi được đặt trên bàn thờ, đều chỉ là cục đất hay hòn đá. Nhưng khi đất đá đã biến thành thần tượng, thì được cung kính.

Có khoảng 60 triệu người Việt Nam hiện nay ra đời sau năm 1975, họ chỉ biết một lá quốc kỳ là cờ đỏ sao vàng. Những người là nạn nhân của cộng sản đang sống ngoài lãnh thổ Việt Nam, không chấp nhận sự hiện diện của lá cờ này, là điều chính đáng. Họ có quyền tìm mọi cách hợp pháp để khỏi đối diện cái biểu tượng hãi hùng đã gây đau thương cho cuộc đời họ. Nhưng không chấp nhận và nhục mạ, là hai việc khác nhau. Cho đến khi, và ngay cả sau khi Việt Nam có quốc kỳ mới được toàn dân chấp nhận, những người tôn trọng quốc kỳ cũ của mình là cờ vàng ba sọc đỏ, không nên làm buồn lòng bà con trong nước bằng cách nhục mạ quốc kỳ của họ.

Nhiều người quen gọi cờ đỏ sao vàng là “cờ máu.” Gọi như thế, chẳng những không sai, mà nên hỏi thêm: máu ai? Đó không phải máu của thực dân hay đế quốc. Cũng chẳng phải máu của hàng ngũ lãnh đạo đảng Cộng sản; những kẻ thường gây máu đổ ít khi chịu đổ máu. Đó là máu của quân dân Việt Nam, đa số là nạn nhân của cộng sản. Nạn nhân do lầm lỡ, bị cưỡng ép, hay bị bịp bợm mà hy sinh. Ngoài ra, có thể nói, đa số quốc kỳ đều là cờ máu. Cờ vàng ba sọc cũng là cờ máu, đã nhuộm máu của quân dân miền Nam chống lại Cộng sản. Cờ Mỹ, cờ Pháp cũng là cờ máu. Ngay cả cờ Vatican tuy không có mầu đỏ, cũng là cờ máu; máu tử đạo và máu thánh chiến. Chính vì quốc kỳ là cờ máu, nên tránh nhục mạ nó, để khỏi làm người khác đau lòng và phẫn uất.

Một điểm nữa cũng nên bàn tới, trong cuộc biểu tình ngày 17 tháng 1 ở Santa Ana, theo tường thuật của Los Angeles Times, “Một người đàn ông đã trải một lá cờ Cộng sản trên đường phố rồi khuyến khích một bé trai giẫm đạp lên.” Sống tại các nước tự do, chúng ta thường chê trách Cộng sản Việt Nam chính trị hóa giáo dục học đường, nhồi nhét vào đầu óc trẻ em những hận thù, hiềm khích. Khuyến khích trẻ em làm những điều mình chê trách cộng sản, thì hành động của mình sẽ được đánh giá như thế nào?

Tóm lại:

– Tiếng nói của nghệ thuật là tiếng nói phải được tự do phát biểu. Nhưng cũng là tiếng nói tránh gây đau khổ, hận thù và chia rẽ. Nếu làm khác đi, nghệ thuật biến thành công cụ chính trị.

– Chống Cộng chỉ có ý nghĩa và đạt được hậu thuẫn qua những việc làm chính đáng. Nếu không, sẽ gặp tác dụng ngược.

– Xin nhắc lại bài học luân lý sơ đẳng: Đừng làm những gì không muốn người khác làm cho mình. Muốn người khác tôn trọng cờ của mình, thì nên tránh hạ nhục cờ người khác.

Articles by Đinh Từ Thức

Comments


Xin vui lòng bày tỏ trách nhiệm và sự tương kính trong việc sử dụng ngôn ngữ khi đóng góp ý kiến. Da Màu dành quyền từ chối những ý kiến cực đoan, thiếu tôn trọng bạn đọc hoặc không sử dụng email thật. Chúng tôi sẽ liên lạc trực tiếp với tác giả nếu ý kiến cần được biên tập.

1 Comment

  • Ngọc Dung says:

    Bội phục nhà văn Đinh Từ Thức, ông viết về một đề tài khá nhạy cảm với người việt lưu vong, và ông viết rất hay, rất đẹp, rất tốt, rất nghĩa khí,vô cùng bội phục hùng lực và sĩ khí của ông….Đó là tư tưởng của một chân quân tử !

@2006-2023 damau.org ♦ Da Màu Magazine
Log in | Entries (RSS) | Comments (RSS)