Home » Bàn Tròn: Chiến Tranh Việt nam, Giới thiệu tác giả, Giới thiệu tác phẩm, Phê Bình, Văn Học Hải Ngoại Email bài này

42 năm, hai thế hệ, hai lối sống của người Việt lưu vong

2 comments ♦ 19.04.2017
clip_image002_thumb.jpg

Tôi may mắn được đọc hai tác phẩm của hai cây bút trẻ gốc Việt cùng sống tại Mỹ, một nam một nữ, trước khi sách xuất bản vào mùa Xuân này, đúng dịp kỷ niệm 42 năm hàng triệu người Việt bắt đầu bỏ nước ra đi. Qua đó, được biết qua hai thế hệ, người Việt lưu vong đã chọn hai lối sống hoàn toàn khác nhau.

clip_image002

Tác phẩm đầu tiên là The Best We Could Do (Điều tốt nhất chúng tôi có thể làm) của Thi Bùi, một hồi ký bằng tranh (Illustrated memoir), do Abrams Comicarts, New York, xuất bản vào tháng Ba 2017, dầy hơn 300 trang.

Truyện bằng tranh, xưa nay vốn là món giải trí dành cho nhi đồng, là loại truyện vui giả tưởng. Thường không được coi là những công trình nghiêm túc chứa đựng những sự kiện lịch sử đáng tin cậy.

Khác với thường tình, The Best We Could Do, tuy mang hình thức truyện tranh nhi đồng, nhưng có nội dung nghiêm chỉnh, đứng đắn hơn cả nhiều sách sử được viết cho người lớn.

Trong khoảng nửa thế kỷ qua, nhiều người quan tâm thường băn khoăn về một tình trạng thiếu những cuốn sách có nội dung đầy đủ, được viết một cách trung thực bởi những ngòi bút hoàn toàn vô tư về Việt Nam, để giúp giới trẻ có một nhận thức rõ rệt về quá khứ, về những gì đã thực sự xảy ra tại đất nước mình, hay quê hương cũ của mình (đối với giới trẻ gốc Việt tại hải ngoại).

Từ trước tới nay, sách viết về Việt Nam đã có khá nhiều về lượng, nhưng quá ít những cuốn sách có nội dung đáng tin cậy.

Về phía các tác giả ngoại quốc, nói chung, sách của họ được viết thận trọng, công phu, nhưng không tránh được những khuyết điểm đáng tiếc. Với các tác giả thuộc giới truyền thông từng hành nghề ở Việt Nam, vì từng gặp khó khăn từ phía các viên chức nhà nước, trong khi được trọng vọng từ phía đối lập, và thiếu cơ hội tiếp xúc với quần chúng, cái nhìn của họ thường có thiên kiến rõ rệt: Ghét bỏ chính quyền và coi thường người dân. Với các tác giả trẻ sinh ra sau chiến tranh VN, chỉ biết tới VN qua sách vở và các tài liệu giải mật, quan điểm của họ vô tư hơn. Nhưng vì thiếu kinh nghiệm sống của những người trong cuộc, công trình của họ nhiều khi thiếu sót những nhận định sát thực tế.

Ngoài ra, quan trọng hơn là hầu hết sách giáo khoa tại các nước, kể cả những nước có nhiều liên hệ với Việt Nam từ trước, như Mỹ, Anh, Pháp, Úc… cũng có nội dung thiếu vô tư và trung thực, ở phần nói về Việt Nam qua những biến cố lịch sử vào hậu bán thế kỷ 20. Lý do vì các tác giả là người nước ngoài, thiếu kinh nghiệm sống và tài liệu xác thực, cùng với ảnh hưởng của phong trào phản chiến thời gian họ trưởng thành. Điều này, đáng lẽ cộng đồng người Việt tị nạn Cộng Sản nên coi là ưu tiên hàng đầu trong nỗ lực góp phần chỉnh sửa, nhưng thay vào đó, chỉ chú tâm tới những việc nặng về hình thức như treo cờ, phủ cờ.

Gạt ra ngoài loại sách liên hệ tới lịch sử xuất bản trong nước không thể tin được, vì được soạn thảo theo đường lối và trong vòng kiểm duyệt của nhà nước cộng sản. Một số tác phẩm của người trong nước xuất bàn ở nước ngoài gần đây, tuy thoát vòng kiểm duyệt nhưng thiếu bao quát. Những tác giả gốc Việt lớn tuổi hiện sống ở ngoài nước, từng sống trong bầu không khí bị ô nhiễm bởi các khuynh hướng chính trị trái ngược, sách của họ thường chỉ để tự bào chữa, hay đả kích người khác, hoặc viết theo kểu “múa gậy vườn hoang”, không cần dựa vào bằng chứng rõ ràng. Hiếm hoi lắm mới có được một tác phẩm như cuốn A Story of Vietnam của Trương Bửu Lâm, giáo sư hưu trí về môn sử tại Unisersity of Hawaii, xuất bản năm 2011. Tác giả không gọi là “A History of Vietnam” (Lịch sử Việt Nam), có vẻ nặng nề, khô khan, mà chỉ gọi là “Một Câu Truyện Việt Nam,” dễ đọc, nhưng đầy đủ, trung thực, không phải truyện giả tưởng.

Rút cục, giới trẻ gốc Việt ở nước ngoài, hay những ai muốn có một khái niệm tổng quát về Việt Nam từ hồi Đệ Nhị Thế Chiến tới nay, thiếu những tài liệu tham khảo căn bản không quá nặng nề, giản dị nhưng trung thực.

The Best We Could Do là một trong những công trình hấp dẫn, như một món ăn tinh thần bổ dưỡng chọn lọc có thể đáp ứng cơn đói này. Tác giả là một nữ nghệ sĩ, không viết hồi ký bằng văn xuôi, mà mô tả bằng hình vẽ. Hàng ngàn hình vẽ sắc sảo với lời chú thích ngắn gọn đã làm cho khán/độc giả dễ bị cuốn hút vào nội dung câu truyện của một gia đình trải qua nhiều sóng gió từ khi còn ở Việt Nam, cũng như khi đã định cư ở Mỹ. Câu truyện gia đình được trình bầy trên cái nền (background) là tình cảnh VN trong thời kỳ xáo trộn kéo dài cả nửa thế kỷ, khiến người xem/đọc có được cái nhìn khái quát từ thời Pháp thuộc, tới khi đất nước bị chia đôi, cuộc di cư 1954, cuộc chiến Quốc Cộng, gia đình ly tán, cuộc bỏ nước ra đi từ năm 1975… cho đến những khó khăn của cuộc sống nơi đất mới.

Tác giả mô tả lại những gì mình trải qua khi còn nhỏ, thấy và nhớ những gì đã sẩy ra, nhưng không hiểu rõ căn nguyên. Đến khi khôn lớn mới tìm hiểu trong hàng chục năm, qua những câu hỏi đặt ra cho bố mẹ, họ hàng, kể cả cất công về Việt Nam, đi khắp nước để tìm câu trả lời cho thắc mắc của mình. Tất nhiên, người xem/đọc không thể kiểm chứng được những chi tiết liên hệ tới gia đình tác giả, nhưng những người ở lớp tuổi bảy tám chục trở lên có thể thấy tình hình xã hội và các biến cố quan trọng đã được trình bầy một cách khá đầy đủ và trung thực.

Xin mở một dấu ngoặc ở đây để nói thêm rằng, vào thời gian đọc The Best We Could Do của Thi Bùi, tôi cũng được đọc một tác phẩm khác cùng loại, là cuốn Such a Lovely Little War: Saigon 1961-63 (Một cuộc chiến nhỏ thật dễ thương) của Marcelino Truong (dịch bởi David Homel từ tiếng Pháp Une Si Jolie Petite Guerre, xuất bản ở Pháp năm 2012) do Arsenal Pulp Press, Canada, phát hành năm 2016. Marcelino Truong, chẳng phải ai xa lạ, chính là cháu giáo sư Trương Bửu Lâm.

clip_image004

Cũng với hình thức truyện tranh cho nhi đồng, diễn tả cuộc sống của một gia đình trên nền chính trị và xã hội tại Sàigòn vào thời cuối của Đệ Nhất Cộng Hoà (Chế độ Ngô Đình Diệm). Cũng với lối vẽ dí dỏm của tác giả, và ghi lại đầy đủ những sự kiện quan trọng khá trung thực, nhưng thời gian chỉ giới hạn trong hai năm, từ 1961 đến 1963. Nếu The Best We Could Do là món chính thì Such a Lovely Little War là món phụ không nên thiếu trong bữa ăn cần thiết cho giới trẻ đói thông tin trung thực về lịch sử cận đại Việt Nam.

clip_image006

Trở lại đề tài chính về cuộc sống của người Việt lưu vong tại Hoa Kỳ, tôi muốn nói tới cuốn The Refugees (Những người tị nạn) của Việt Thanh Nguyễn. Đây là một tác giả trẻ gốc Việt nổi tiếng, từng đoạt giải Pulitzer năm 2016 qua cuốn tiểu thuyết The Sympathizer (Cảm tình viên). Viết trước The Sympathizer, nhưng The Refugees được Grove Press xuất bản sau, vào ngày 07 tháng Hai năm 2017, dầy 224 trang. Đây là một tuyển tập, gồm chín truyện ngắn, viết cho mọi người tị nạn, ở mọi nơi (dedicated to "all refugees, everywhere." Một trong những truyện hay nhất, có lẽ là truyện Fatherland (Tổ Quốc) ở cuối cùng. Tác giả tuy rời Việt Nam khi còn rất nhỏ, rồi lớn lên và trưởng thành ở nước ngoài, đã lột tả được cái “căn tính” của nhiều người Việt, dù còn trong nước hay ở ngoài nước. Người trong nước phải giả dối để sống còn, ngoài nước chẳng ai chết đói, cũng cố “tạo mẽ” vì lý do sĩ diện. Ở đây, tôi chỉ đề cập tới nội dung của truyện thứ ba, War Years (Những năm chiến tranh), không phải là truyện hay nhất, nhưng nó mô tả rõ nhất một lối sống của người Việt tị nạn trên đất Mỹ.

Với Thi Bùi, sau khi cố công tìm hiểu những gì bản thân và gia đình mình đã trải qua trong vài ba đời, ở tuổi bốn mươi, tác giả nhìn con trai mười tuổi của mình, thấy nó chẳng còn dính dáng gì tới quê cũ, hay chuyện được thua trong quá khứ. Không phải chỉ có dòng nước thay đổi liên tục, đất cũng thay đổi không ngừng, và đã thay đổi quá nhiều, chỉ mong con có một tương lai hoàn toàn tự do cho chính nó. Hình ảnh cuối cùng, nhin con trai vẫy vùng trong nước, vươn mình về phía trước, như con cá kình được phóng sinh vào đại dương, người mẹ chỉ còn thấy tương lai.

Câu truyện của Việt Thanh Nguyễn ghi lại một cuộc sống khác hẳn của người Việt tị nạn. Khi vai “Tôi” trong truyện mới mười ba tuổi, ngoài giờ đi học phải giúp đỡ cha mẹ cực nhọc kiếm sống nhờ một cửa hàng thực phẩm nhỏ. Bán một hộp súp lời 5 xu, một cân (pound) thịt heo lời 10 xu, 10 cân gạo lời 25 xu. Nhưng thỉnh thoảng đến hẹn, có bà tên Hoà tới thu tiền đóng góp cho quỹ chống Cộng (I’m collecting funds for the fight against Communists). Bà đòi 500 đô.

Khi bà mẹ từ chối nộp tiền, bà Hoà lớn tiếng nói với mọi người có mặt trong tiệm: “Các ông các bà có nghe bà ấy nói gì không? Bà ấy không ủng hộ chính nghĩa. Nếu bà ấy không phải là Cộng Sản, bà ấy cũng như Cộng Sản. Nếu quý vị tới mua hàng ở đây, là quý vị đang giúp Cộng Sản”.

Bà Hoà tức giận bỏ đi, bà Mẹ vẫn cương quyết nói với chồng con: “Chiến tranh đã qua rồi. Không còn đánh đấm gì nữa”. Ông Bố có vẻ thực tế hơn; “Chiến tranh có thể đã qua rồi, nhưng trả một chút tiền bịt miệng (hush money) có thể làm cho cuộc sống của mình dễ chịu hơn” (tr. 53). Cuối cùng, bà Mẹ đành tìm đến nhà bà Hoà vào buổi tối, xin nộp 200 đô.

***

Khởi đầu từ tháng Tư năm 1975, có hàng triệu người Việt đã bỏ nước ra đi. Mỗi người một hoàn cảnh, mỗi ngưởi một ước mơ, với mục đích chung ra đi tìm tự do. Bốn mươi hai năm sau, mỗi người chọn tự do một cách khác nhau. Có người chọn tự do thoát khỏi sự ràng buộc của quá khứ. Có người cố gắng lo cho người ở quê cũ khỏi tù đầy và được tự do ngôn luận, trong khi từ xa vạn dặm, vẫn gây dựng nhà tù vô hình cho chính mình, và tự mình làm viên chức kiểm duyệt; đôi khi, tự đảm nhiệm luôn cả vai trò quan toà.

Dù lối sống nào, vẫn là tự do lựa chọn.

Articles by Đinh Từ Thức

Comments


Xin vui lòng bày tỏ trách nhiệm và sự tương kính trong việc sử dụng ngôn ngữ khi đóng góp ý kiến. Da Màu dành quyền từ chối những ý kiến cực đoan, thiếu tôn trọng bạn đọc hoặc không sử dụng email thật. Chúng tôi sẽ liên lạc trực tiếp với tác giả nếu ý kiến cần được biên tập.

2 Comments

  • bút gà says:

    Trích:

    “…quan trọng hơn là hầu hết sách giáo khoa tại các nước, kể cả những nước có nhiều liên hệ với Việt Nam từ trước, như Mỹ, Anh, Pháp, Úc… cũng có nội dung thiếu vô tư và trung thực, ở phần nói về Việt Nam qua những biến cố lịch sử vào hậu bán thế kỷ 20. Lý do vì các tác giả là người nước ngoài, thiếu kinh nghiệm sống và tài liệu xác thực, cùng với ảnh hưởng của phong trào phản chiến thời gian họ trưởng thành. Điều này, đáng lẽ cộng đồng người Việt tị nạn Cộng Sản nên coi là ưu tiên hàng đầu trong nỗ lực góp phần chỉnh sửa, nhưng thay vào đó, chỉ chú tâm tới những việc nặng về hình thức như treo cờ, phủ cờ.”

    Xin ông Đinh Từ Thức đừng quên vị thế không quyền lực của cộng đồng tị nạn CSVN trong một xã hội coi thường tiếng nói của họ, nhưng sẵn sàng cho CSVN nhiều cơ hội vì ảnh hưởng tiền bạc mua chuộc trong cả hai giới vận động hành lang và khối giáo dục hàn lâm phản chiến.

    Cộng đồng tị nạn CSVN luôn đối phó chống trả hơn là hoạch định kế hoạch vì nhiều lý do–trong đó địa chính trị lưu vong là không tưởng. Việc ông chê trách cộng đồng không xem “nỗ lực góp phần chỉnh sửa” là “ưu tiên hàng đầu” là một phê bình không công bằng và thiếu lập luận vững có thể vì ông có một tâm trạng vô thức chuyên đổ lỗi cho người đồng loại bị trị (internalized victim blaming) thay vì quan sát cả một bức tranh có bối cảnh.

    Chuyện công khai và hợp thức hóa cờ quạt là việc cộng đồng Việt hải ngoại có thể làm vì nhiều lý do, nhất là khía cạnh liên quan đến ký ức tập thể đã và đang không được xã hội Hoa Kỳ, đặc biệt thành phần phản chiến, công nhận và ghi chép.

    Cờ là biểu tượng là di sản mà họ muốn gìn giữ sau khi đã đối diện với quá nhiều mất mát từ vật chất đến tinh thần. Cái căn cước tập thể cũng bị tước đoạt không phải chỉ bởi CSVN mà còn tại ngay chính trên quê hương lưu vong. Cuộc chiến Việt Nam vẫn xảy ra hằng ngày tại đất nước Hoa Kỳ.

    Ông Đinh Từ Thức viết trong tư thế là người phê bình nhưng tách mình ra khỏi cũng như không nhập cuộc với người/cộng đồng Việt hải ngoại tranh đấu trong khả năng khả dĩ của họ. Đáng tiếc thay!

  • Người ở đâu nên tận nhân lực ở đấy.

    Lúc còn ở VN những năm 80s, tôi sống và nếm đủ gian nan nhục nhằn từ chế độ mới. Khi nhâp cư vào Mỹ như một người tỵ nạn, rồi thường trú nhân, rồi trở thành công dân Mỹ. Tôi phát giác ra là ở mỗi giai đoạn, từ lúc nộp đơn xin nhập cư cho đến nhập quốc tịch, giai đoạn nào tôi cũng phập phồng mong đợi và sung… sướng.

    Và tôi không tin rằng người Mỹ gốc Việt hiện tại có thể “cứu” được cái gì nội tình VN. Người ở đâu chỉ có thể hoàn tất phần vụ ở đó. Tôi có vài người bạn nói chuyện tếu một cách trần trụi. Có lần hắn nêu nghi vấn: “Cũng chưa chắc chuyện dân oan bị cướp đất ở VN hay chuyện mất “dốp” ở Mỹ cái nào khó chịu hơn cái nào!”

    Văn minh Nho Văn nói rằng: “Tận nhân lực nhi tri Thiên Mệnh”. Làm tròn phận sự của mình cũng chính là vỡ lẽ ra nhiều thứ, không cứ gì phải xuôi ngược trở trăn muôn trùng. Cụ Phan Bội Châu bôn ba hải ngoại, còn để lại cho đời đáng kể nhất là tập luận đề biện giải học thuật “Khổng Học Đăng”. Thời VNCH đổ máu hy sinh, rốt ráo cái còn lại lưu truyền hậu thế là văn hóa giáo dục và văn học nghệ thuật. Mà người Việt kim thời không thể nói là không chịu ít nhiều ơn ích của nó.

@2006-2023 damau.org ♦ Da Màu Magazine
Log in | Entries (RSS) | Comments (RSS)