- Tạp Chí Da Màu – Văn chương không biên giới - https://damau.org -

Những Câu Hỏi Về Mỹ Thuật (Kỳ 4)

Tranh Hang Động, Có Phải Là Nghệ Thuật Hay Chỉ Là …

Như ở phần kỳ 1 của Những Câu Hỏi về Mỹ Thuật, tác giả có đề cập đến tranh hang động của người tiền sử và những giá trị nghệ thuật của nó, vậy những giá trị nghệ thuật của nó nằm ở chỗ nào khi mà những người tiền sử, tác giả của chúng là những con người thuộc thời đại cách ngày nay hơn 40.000 năm trước Công Nguyên, đời sống còn rất hoang dã và mọi việc của họ làm ra đều phụ thuộc hoàn toàn vào bản năng?

Mặt khác, trong khi nghiên cứu về Hội Họa Hiện Đại, có phải người ta đã nhận ra trong nhiều tác phẩm của một số danh họa hiện đại có nhiều dấu vết liên quan với tranh hang động nói riêng và các di sản nghệ thuật khác của người tiền sử như điêu khắc đá hay tượng totem cũng như mặt nạ?

Trịnh Cung: Tranh của người cổ xưa đã xuất hiện trong các hang động ở nhiều nơi trên thế giới, từ châu Âu đến châu Á từ hơn 40.000 năm trước công nguyên không chỉ được các nhà sử học, khảo cổ, triết gia … coi đó như những văn bản đầu tiên chứa đựng những thông tin, những câu chuyện có liên quan giữa con người và thiên nhiên trước khi con người chưa có chữ viết. Những hình vẽ ấy không chỉ là tiền thân của chữ viết, ngôn ngữ đặc trưng của con người, mà nó còn là những tác phẩm nghệ thuật đầu tiên, khai mở cho lịch sử hội hoạ của nhân loại.

Thật vậy, không như những đánh giá trước đây còn hạn chế của những nhà khảo cổ, những triết gia thời Phục Hưng, chỉ coi tranh hang động là những mô phỏng thiên nhiên một cách đơn sơ, ngây ngô, chỉ có giá trị về mặt thông tin, chỉ là những chứng cứ về một phần cuộc sống con người thời tiền sử. Có lẽ vì bị choáng ngợp bởi những nền nghệ thuật hàn lâm cực kỳ tinh xảo và toàn bích của các thiên tài Hy Lạp và Phục Hưng Ý mà người ta đã có những nhận định nghệ thuật không đầy đủ giá trị cho tranh hang động cho mãi đến khi các nhà nghệ sĩ tiền phong của nền hội hoạ hiện đại thế kỷ 20 như Picasso chẳng hạn, đã nhận ra một cách đầy đủ những giá trị nghệ thuật hảo hạng bộc lộ trên toàn bề mặt của chúng rất đáng tôn vinh và học hỏi.

Ở đây, xét về mặt nghệ thuật tạo hình, chúng có đầy đủ những yếu tố thẩm mỹ cơ bản của một bức hoạ như bố cục vững vàng, vẻ đẹp hiện thực của hình thể, sự uyển chuyển nhịp điệu của đường nét cùng với sự hài hoà của màu sắc và sau cùng, toàn bức tranh đã khơi dậy cảm xúc đầy thú vị. Ngoài ra, có một yếu tố mà tranh hang động làm chúng ta phải tự hỏi, phải ngạc nhiên, sao những nhà nghệ sĩ cổ xưa ấy, vốn chưa có trí thức, chưa có khoa học, lại tạo ra những tác phẩm hội hoạ có thể tồn tại như vĩnh viễn trước muôn trùng thời gian, không gian và thời tiết? Hội đủ cả 2 mặt kỹ thuật và nội dung như đã đề cập ở trên, đó không chỉ là nghệ thuật đích thực mà còn hơn thế nữa.

 

Lascaux

Tranh hang động Lascaux, Pháp

 

cave painting, Sulaweri
Tranh hang động ở đảo Sulaweri, Indonesia

Mối tương quan giữa tranh hang động và hội họa hiện đại?

Để thấy một cách khách quan về mối tương quan giữa 2 thời kỳ nghệ thuật cách nhau hằng vạn năm như thế, chúng ta thử đặt hình ảnh tranh hang động ở Lascaux, Pháp, hay ở đảo Sulaweri, Indonesia bên cạnh tranh thuộc trường phái Biểu Hiện (Expressionism) hay Dã Thú (Fauvism) và cả Trừu Tượng của những nhà danh họa như Edward Munch, Jose Clemente Orozco, Vlaminck, Derain, Matisse, Kandinsky mà không kèm theo các chi tiết niên đại, chất liệu và nhân thân tác giả thì chúng ta có thể không biết ai đã vẽ trước ai, ai hiện đại hơn ai, nghệ thuật nào giá trị hơn ngệ thuật nào? Dưới đây là những tranh và tượng của Franz Marc, Picasso, Jose Clemente Orozco và Kandinsky.

 

Franz Marc

Franz Marc, Blue Horse (Ngựa Xanh)

Picasso statue

Picasso, Verre D’Absinthe (Ly rượu Áp-xin) (1914)

 

jose clemente
Jose Clemente Orozco, Caballo Salvajes (Ngựa Hoang)

Kandinsly 

Wassily Kandinsky, Lyric  (1911)

Qua khảo sát về mặt chuyên môn giữa tranh hang động và tranh của các hoạ sĩ hiện đại như đã nêu ở trên, những yếu tố cơ bản để tạo nên một tác phẩm nghệ thuật như luật bố cục, đường nét, màu sắc, chủ đề, cảm xúc, không có sự khác nhau, không có sự chênh lệch nào đáng kể trong thực hành và hiệu ứng nghệ thuật giữa 2 dòng tranh mà tác giả đang được đề cập. Cụ thể về tranh hang động:

1, Bố cục: Vững chắc — có phần chính, phần phụ. Mỗi phần có hình khối với tỷ lệ phù hợp.
2, Đường nét: Uyển chuyển, sinh động, nhịp nhàng, gợi cảm.
3, Màu sắc: Dù trong điều kiện có quá ít màu, chỉ có 3 màu: Vàng thổ, đỏ bầm và đen, thuộc hệ màu nóng và nhờ được phân bổ hợp lý từ trung tâm đến các vùng bên ngoài nên tạo được sự thu hút và sự nỗi bật của chủ đề bức tranh.
4, Cảm xúc: Nhờ bức tranh không có quá nhiều chi tiết, tránh được sự rườm rà trong mô tả và phô trương sự khéo tay, sự điêu luyện của người vẽ nên người xem cảm nhận linh hồn bức tranh một cách trực tiếp hơn chẳng khác gì khi đứng trước các tác phẩm hội hoạ thuộc trường phái Biểu Hiện.

Quả thực, tranh hang động và những di sản nghệ thuật của người cổ xưa ở rải rác trên hành tinh loài người, với những phẩm chất nghệ thuật tuy rất giản dị mà vẫn rất hàm súc sự sống, tuy rất thô sơ mà vẫn không thiếu bay bổng, tuy hồn nhiên mà ẩn chứa sự tinh tế, không mấy dụng công mà vẫn rất tài hoa, và đặc biệt, chúng luôn mang trong mình sự bí ẩn thẩm mỹ khiến những người yêu nghệ thuật từ thế hệ này sang thế hệ khác không ngừng bị quyến rũ khám phá.

Và hiển nhiên, những giá trị lớn lao vô danh ấy đã là nguồn cảm hứng, đã là cội rễ cho sự đổi mới nền hội họa thế giới sau nhiều thế kỷ ngự trị của nghệ thuật hàn lâm. Và tất nhiên, thế kỷ 20, một thế kỷ hội hoạ hiện đại rực rỡ mà chúng ta, và cả thế giới đang hưởng thụ, không thể nào là một minh chứng tuyệt vời hơn, hùng biện hơn cho những tiêu chuẩn nghệ thuật cơ bản nhất mà những nhà nghệ sĩ vô danh cổ xưa đã tạo ra, đã mở đường cho lịch sử mỹ thuật nhân loại phát triển không chỉ cho tới ngày nay mà cho cả mai sau cho dù mỗi thế hệ nghệ sĩ, dù thuộc về phương Tây hay phương Đông, có khác nhau về tín ngưởng, về chính trị,…,nền tảng thẩm mỹ ấy vẫn tiềm tàng những gợi cảm sáng tạo vô bờ.

Tóm lại, một bức tranh đẹp dù có được vẽ ở đâu, vào lúc nào, được vẽ bởi ai, được thực hiện bằng chất liệu gì, với thủ pháp nào, theo trường phái nào, thường không có giới hạn giữa nghệ thuật hàn lâm hay dân gian.


Bolsa, tháng 11, 2015

Trịnh Cung

bài đã đăng của Trịnh Cung