Tôi đi trên những tháng ngày già
Cái chết bám như bóng
Lúc ngắn lúc dài
Mặt trời kiểm soát tôi
Bằng định vị
Không bước ra khỏi cõi buồn
Tôi đi trên những tháng ngày ngắn ngủi
Khẩu phần thời gian báo động cấp 3
Tôi tán nỗi cô độc làm thuốc
Tự chạy chữa hằng đêm
Nhưng tôi đã lậm thuốc
Người lúc nào cũng không trọng lượng
Đến nỗi suýt ngã vì một cơn gió lạnh
Thổi từ âm ty
Tôi tiếp tục đi
trên nỗi lòng sám hối
Vì
ngộ độc tự do
Tôi có công việc trời giao
Dắt bóng mình đi chơi
Khi chiều xuống
Tôi làm rất tốt
Đem bóng đi
Và dắt bóng về
Tôi còn làm tốt hơn
Bám chặt bóng
Âm thầm như cớm
Không biết rồi mai kia
Khi tôi chết đi
Ai dẫn bóng đi chơi
Phải nói thật một điều
Người già nào cũng sợ chết
Kẻ đi mua trước chỗ nằm
Người thu xếp trối trăng
Tôi ước mình tan như khói
Cho đỡ tốn
Cho nhẹ tênh
Nhưng không thể
Không thể để bóng lạc loài
Như ai đó
Bỏ con mình giữa chợ
Tôi phải tìm nơi nương tựa
Cho bóng trước khi lìa đời
Tôi đi khắp thành phố
Tìm một chỗ chăm bóng
Như nhà giữ trẻ mồ côi
Như viện nuôi người già
Nhưng
Không thể nào
Ôi, sao thật quá khó
Về đâu cho bóng tôi
Bolsa, Tháng Tư 2019
Tôi rất thích loạt thơ mới này của Trịnh Cung. Hình ảnh dắt bóng đi chơi rất thú vị, nó hài hước, ý vị, thâm thúy nhẹ nhàng. Thơ tự do của Trịnh Cung rất… tự do. Ông không câu nệ vào hình thức đã đành, mà cả ở nội dung, thơ trôi chảy dễ dàng như lời nói bình thường, không làm khó người đọc, không lên gân cho nỗi cô đơn/cô độc/cô quạnh (và cô hồn 🙂 ) của mình, mà lại rất khinh khoái. Đúng vậy, khinh khoái chứ không phải là kiểu khinh bạc (thường là nhảm, và dỏm) của vô vàn nhà thơ khác. Hình tượng “cái bóng” trong thơ đã bị sử dụng nhiều đến cũ, và sáo, như Nguyễn Hoàng Nam mang ra giễu trên kia. Trịnh Cung đã làm mới lại nó.
ta về/một BÓNG/trên đường/LỚN
lớn quá tối thui hết mẹ đường
ÚI DA/sứt móng/NGUYÊN CỤC/đá
anh hùng chửi bóng, bóng ươn ươn