- Tạp Chí Da Màu – Văn chương không biên giới - https://damau.org -

SỬ VIỆT THỜI THỔ TẢ – Phần I

Hình như đây là lấy từ một phần tên sách của một nhà văn danh tiếng,
thôi thì mượn tạm để thay thế ý tưởng của một blogger về tình hình (dịch)
“Giới học thuật sử học bằng tiếng Việt bị chết” để thấy đỡ bi quan hơn.
– TCĐT

 

 

 

NHÓN LẤY MỘT TÚM TÓC LÀM ÐIỂN HÌNH

Từ tin tức truyền thông đến khu vực bán học thuật

Xin cứ dẫn những nguồn tin nắm được, chắc cũng không đến nỗi sai lệch nhiều lắm. Tin tức báo chí cho biết ngày 16-1-2013 tại Bảo tàng Lịch sử Quốc gia (Hà Nội) có cuộc hội thảo “Cao Lỗ – danh tướng thời dựng nước” do Bộ Văn hoá Thể thao và Du lịch phối hợp với UBND tỉnh Bắc Ninh và Hội Khoa học Lịch sử Việt Nam cùng tổ chức. Tin về đề tài thảo luận đưa ra có đổi thay theo nhu cầu riêng biệt của cơ quan truyền thông: Thể thao và Văn hoá ghi lấy tin từ Thông tấn xã Việt Nam, Thanh Niên đặt tựa “Bài học Cao Lỗ”, Tiền Phong với “Xới lại chuyện nỏ thần và danh tướng Cao Lỗ”, và ý nghĩa quan trọng về mặt chính trị của nó càng nổi bật lên với sự hiện diện của Chủ tịch nước Trương Tấn Sang. Theo báo chí, “dù bận rộn”, ông vẫn “ngồi dự hết cuộc hội thảo” và nêu ý kiến tán dương các công trình nghiên cứu đưa ra khiến dẫn đến những suy nghĩ liên hệ với thời hiện tại không cần phải thốt ra lời.

Tin tức về cuộc hội thảo được thông báo trên Xưa và Nay, số Tết 420 (2013) nhưng một số bài tham luận đã đăng trước trên tạp chí này số 417 ở mục Phụ trương. Chúng ta có thể nói ít nhiều về tình trạng nghiên cứu sử học nước nhà, chỉ riêng nhìn về vị trí Phụ trương đó của Hội Khoa học Lịch sử Việt Nam. Ở đây, chúng ta chú ý đến nội dung các bản tham luận để hiểu về cuộc hội thảo thôi. Các tác giả chỉ có tên mà không thấy dấu tích khoa bảng và chức vụ nhà nước. Báo Tiền Phong cho biết “Hội thảo quy tụ 9 tham luận trong đó 6 tham luận được trình bày đi sâu phân tích những cống hiến của Cao Lỗ, vai trò và phẩm giá của ông, đặc biệt những bài học lịch sử để lại cho đời sau”. Cũng qua các báo đã dẫn, có các Tiến sĩ của Viện Xã hội học, Viện Sử học, Viện Lịch sử Quân sự, có Giáo sư Phan Huy Lê, ông Dương Trung Quốc, Tổng thư kí Hội Khoa học Lịch sử, cùng những người có vẻ là của tỉnh Bắc Ninh tham gia trình bày vấn đề. Nói kĩ như vậy để phân định rành rẽ chuyện chuyên môn do các chuyên gia kia gợi nên và gây tác động.

 

Vấn đề nhân thân lịch sử của Cao Lỗ và sự lập lờ trong nghiên cứu

Tất nhiên mỗi tác giả có sự riêng biệt xê xích cho thuận tiện với vị trí của mình nhưng nổi bật trên hết là ý tưởng “Cao Lỗ: nhân vật lịch sử” KHÔNG SAI CHẠY. Ðiều đó có ghi sẵn trong chủ đề hội thảo: Cao Lỗ, danh tướng thời dựng nước. Và ở tên các bản tham luận: “Danh tướng Cao Lỗ và bài học lịch sử thời kì đầu dựng nước”, “Danh tướng Cao Lỗ với việc chế tạo vũ khí, cung nỏ thời An Dương Vương”, “Tướng quân Cao Lỗ và thời Thục An Dương Vương trong quan hệ với vùng Hoa Nam Trung Quốc”… Nhà xã hội học có thể né tránh vấn đề một chút: “Sự tích Cao Lỗ Vương là sự huyền thoại hoá sức mạnh tồn tại và phát triển của cộng đồng Việt Nam” nhưng các dẫn chứng vụng về, hỗn tạp vẫn cho thấy không thoát khỏi sự ràng buộc chủ yếu của mục đích tổ chức hội thảo. Có tham luận nêu vấn đề hoài nghi (“Cao Lỗ Vương là huyền thoại hay lịch sử?”) nhưng lại chỉ là một thủ thuật để xác định tính lịch sử của Cao Lỗ, bởi vì được ghi cả năm chết : 179 (chắc là 179tCn.) và xác nhận ông đã “thiết kế, chỉ huy công trình xây thành Cổ Loa”! Ðiều xác quyết tính lịch sử của nhân vật Cao Lỗ đối với những người nghiên cứu là ông ta có bản quán hẳn hòi, chứng tỏ nơi cái đền trên đất thôn Ðại Trung, xã Cao Ðức, huyện Gia Bình, Bắc Ninh ngày nay để nhà chức trách tỉnh này lấy vai trò chủ đất mà tổ chức hội thảo, rồi tổ chức thêm kỉ niệm 2290 năm sinh chắc nịch có Phó Chủ tịch nước Nguyễn Thị Doan tham dự trong hai ngày 9 và 10 tháng Ba Quý Tị (18-19/4/2013). Và để làm vững chắc cho lập luận, đã có một bài tham luận dài với nhiều đồ thị, biểu đồ minh hoạ khiến Xưa và Nay phải cắt bớt. Bài “Vùng quê Cao Lỗ sau đổi mới” nói chuyện ngày nay nhưng rõ ràng là nêu sự sung túc, phồn tạp sinh hoạt nơi này trong đó có lễ hội Cao Lỗ, có vẻ đề cao tính văn hoá lễ hội đó với dụng ý chứng minh ngược thời gian, là Cao Lỗ CÓ THẬT. “Mánh lới” này từng được thấy thành công vượt tầm mức địa phương lên đến tầm mức quốc gia, đạt bằng cấp quốc tế trong việc UNESCO công nhận Lễ hội Hùng Vương ở Phú Thọ mà có thể sử dụng để chứng minh luôn rằng Hùng Vương có thật!

Họ đã chứng minh tính lịch sử của nhân vật Cao Lỗ như thế nào?

Tất nhiên theo thói quen thông thường nhất là dựa vào sách vở xưa, không những xưa mà còn là nay. Gần nay. Cứ thấy có sách, có chữ dẫn Cao Lỗ là đưa ra, không cần phân biệt. Từ Thuỷ Kinh chú của Trung Quốc, dựa thế cái xa xưa của bản gốc thuộc Hán, Ngũ Ðại gì đó cho đến sách vở của ta: Việt điện u linh tập, Lĩnh Nam chích quái, Ðại Việt sử kí toàn thư, Khâm định Việt sử (?) cương mục… cùng sách của ông nội Tổng bí thư Trường Chinh, của ông Khâm sai đại thần Hoàng Cao Khải thoát lưới Việt gian bán nước như đã gán cho Phan Thanh Giản, nhờ ở ngay vùng trung ương, có toà dinh thự được công nhận lịch sử di tích quốc gia từ những năm 1960. Họ dẫn thần tích, các câu đối trên đền thờ thần không cần biết xuất hiện vào lúc nào, không thắc mắc về thời gian, kể cả dẫn tác giả di tản Cao Thế Dung! Thấy mặt đặt tên cho nên dẫn cả sách nói Cao Lỗ chỉ là “thần nhân”, không thắc mắc với sách vừa cho Cao Lỗ là người thần, vừa là “lương tướng” của An Dương Vương. Dẫn sách nói về một tổ sư nghề rèn thấy có tên là Lư Cao Sơn liền nhất định đó là ông Cao Lỗ! Không thể nói chuyện nguyên tắc sử dụng tài liệu với các bậc khoa bảng Phó Tiến Sĩ, Tiến sĩ, với các viên chức nhà nước Phó Giáo sư, Giáo sư này được rồi.

Nhưng các “học giả” này lại đúng là những nhân vật có tăm tiếng, có chức danh nhà nước thật như đã thấy. Cho nên, trong những nghiên cứu để chứng minh Cao Lỗ là nhân vật lịch sử, là “danh tướng thời dựng nước”, họ không chỉ sử dụng các phương pháp xưa cũ mà còn viện dẫn đến những ngành khoa học mới, đặt nhân vật Cao Lỗ trong khung cảnh lịch sử cổ Việt theo “thành tựu rực rỡ” của một thời Chống Mĩ Cứu Nước vừa qua. Ðến đây là động đến “vấn đề nhạy cảm” để biết sợ lời răn đe của ông Phạm Huy Thông (1985) nhưng không nói không được.

Nhóm từ chỉ định “thời dựng nước” nói về Cao Lỗ cho thấy các tác giả không thể tách rời với sự kiêu ngạo của thế hệ nghiên cứu cổ sử Việt có công trình tập họp trong 4 quyển Hùng Vương dựng nước, công trình tuy đã lẩn khuất trong thời gian nhưng vẫn chưa có ai trong hệ thống công khai nói ra sự yếu kém của nó. Giáo sư Phan Huy Lê thuộc thế hệ đó nên đến ngày nay còn quả quyết “(Cao Lỗ) là người rất có tài, có công và trước sau như một muốn bảo vệ nước Âu Lạc” cũng không hề gì. Có điều tệ hơn, trong khi bàn về Cao Lỗ, ngày nay người ta còn xác quyết rằng chuyện Trọng Thuỷ Mị Nương là có thật để nói đến “bài học lịch sử” về sự mất cảnh giác dẫn đến tình trạng mất nước. Chuyện nỏ thần “bắn một phát giết 300 người, xuyên qua hơn chục người”, giết hàng vạn người được Giáo sư họ Phan khuyên “không nên vì bức màn bí ẩn của truyền thuyết mà mất niềm tin vào sự thật lịch sử…” nên được thế hệ kế tiếp chuyển qua tập trung vào các mũi tên đá, đồng, bộ phận nỏ do khảo cổ học tìm được. Chứng thực tân kì của khoa học đấy nhé! Tiếc thay ở đây đã có chen vào những ngờ nghệch của kiến thức, nếu không cho là có sự cố ý ráp nối thiếu lương thiện. Sản vật nỏ gỗ và tên tre còn thấy trên Tây Nguyên, được Ðảng dụ anh thanh niên Bà Na, Ra Ðê nào đó bắn dính vào trực thăng Mĩ cho đế quốc hoảng hồn chơi. Tất nhiên mũi tên đó không thể làm bằng chứng xuất phát từ xưởng chế tạo của ông Cao Lỗ nhưng cũng là một gợi ý rằng cái lẫy nỏ tìm thấy ở Làng Vạc Nghệ An không biết làm ra vào thời nào, không thể ghép với ông Cao Lỗ ở Cổ Loa đã bỏ đi trước khi nước Âu Lạc mất. Cả đến các mũi tên đào lên ở thành Cổ Loa cũng vậy. Cứ nói rằng thành Cổ Loa là của An Dương Vương xây với sự trợ giúp của thần Kim Quy theo một chuyện thần thuyết biết rằng không có thật mà phải nhận, chỉ là để có chút tự tín mà thôi. Cứ thấy sự lơ là của nhà nước với Cổ Loa thì đủ hiểu ngầm ý. Chỉ có sự công nhận Cổ Loa là di tích lịch sử cấp quốc gia thôi. Nếu không có một mớ luận cứ bài bác dè dặt mà khó chịu của ông Ðào Duy Anh (không kể tác giả Trung Hoa, và lời chen phụ hoạ của kẻ này?) và chứng cớ cắt mặt thành năm 1960 (?) thì người ta đã cố công cùng sức tổ chức, ví dụ hội Vua giả làng Nhồi, dựng thêm cung điện trên thành Nội để nằn nì chèo kéo xin UNESCO cấp phát bằng rồi.

Thật ra thì với quan điểm văn minh về di sản, một ngôi thành như Cổ Loa, xuất hiện trong mù mịt của lịch sử, năm trăm năm sau được sử quan, học giả đồn thổi có tới chín vòng thành, kéo dài hơn hai ngàn năm hiện diện để học giả Mĩ cho là sản phẩm thời tiền-Việt, một ngôi thành như thế đáng được tôn vinh, gìn giữ không nệ vào là một thời dựng nước hồng hoang hay của tên xâm lược nào cả. Nhớ một hôm nào trong một buổi gặp mặt tình cờ giữa bạn cũ, nghe giới thiệu một nhân vật của Bảo tàng lịch sử Hà Nội được đưa vào Sài Gòn làm việc, tôi đã quên cả dè dặt vụt nói: “Sao các anh phá mả Bá-đa-lộc? Người nằm dưới đó là một ‘thằng Tây’, một cố đạo thực dân nhưng kẻ xây cái mả kia là người dân Gia Ðịnh ngay đầu thế kỉ XVIII, cứ phá kiểu đó thì còn lại cái gì là di tích lịch sử nữa?” Nói liều một lúc, chưa kịp nghe chuyện ông Bí thư quận đã chỉ vào dấu viên đạn hồi Mậu Thân sượt trên vách câu lạc bộ Huỳnh Hữu Bạc của Tân Sơn Nhứt, và nói rằng: “Di tích lịch sử là đây”. Cái tường đó hình như bây giờ cũng không còn nữa.

Chẳng nhà nghiên cứu nào thấy chuyện bình thường là đương thời, trong bản tự thuật của Mã Viện, trong tiểu sử của các nhân vật liên hệ nằm ở Hán thư, không có ghi việc trên đường tiến công Mã Viện đã gặp được quân địch kháng cự ở ngôi thành nào hết, dù là viên danh tướng để lại cho đời thành ngữ “Da ngựa bọc thây” đã nhớ cả chi tiết ở nơi “dưới thì nước lụt, trên thì mây mù”, đất trời độc địa đến mức “con diều hâu ở lưng chừng trời bỗng sa xuống nước mà chết”, nơi vùng nước có dáng là hồ Lãng Bạc và con chim bói cá quen thuộc của người dân bản xứ. Chỉ thấy chuyện ông ta xây thành Kén (Kiển Thành) ở khu vực trung tâm kháng cự, tên cái thành-có-nhiều-vòng-quây-quanh và vị trí kia dễ khiến người ta liên tưởng đến thành Loa mà không sợ mang tiếng bợ đỡ kẻ thù. Tuy nhiên có quên thành Kén, từ đó mới kéo ra ông Cao Lỗ liên hệ với mấy mũi tên đồng đào được ở Cổ Loa. Ðể việc chứng thực có sức nặng thì phải có nhà khảo cổ học lên tiếng: “Các cuộc khai quật khảo cổ học… kết hợp với các nhà khoa học Mĩ, (giúp) chúng ta đã tìm được các bằng chứng để khẳng định trong huyền thoại về An Dương Vương và tướng Cao Lỗ có những sự thật…”

Chú ý: Có “các nhà khoa học Mĩ” nữa đấy! Không hiểu tại sao chẳng nhắc đến tên ông học giả Nhật vừa bị xe cán chết (6-2013), nhân đó người ta kể công ông tìm ra khuôn đúc trống đồng và khuôn mũi tên Cổ Loa! Cho nên đã thêm ý tưởng rằng “Với tư liệu mới, đã đến lúc chúng ta có thể nói người Việt thạo đúc tên, nỏ. Người đứng ra phải lả thủ lĩnh lớn, mà truyền thuyết nói đến là tướng quân Cao Lỗ. Ðiều này không phải là không có lí”. Loại chính thể về chiefdom là ý tưởng mới sử dụng trong nước để thêm vào các hình trạng cai trị cổ điển mà nhà sử học vẫn dùng: bộ lạc, nước, quốc gia… và cũng từng được một nhà khảo cổ học gán (2009) cho thời kì sơ sử ở Nam Bộ. Còn có thêm điều tra dân tộc học, văn hoá dân gian, chứng dẫn xã hội học nữa… Nghĩa là, nói theo thời thượng, người ta đã “bằng vào phương pháp liên ngành” để khảo cứu về “danh tướng Cao Lỗ”. Ở đây cũng chưa phải chỗ để nói chung về phương pháp này, thấy được tán tụng nhiều ở Việt Nam từ khi khai thác cạn kiệt tài liệu sử học, trong lúc ngành khảo cổ học sau thời lên ngôi tác quái ở sử học với “thời đại Hùng Vương” đã không đem lại kết quả khởi sắc thêm. Vấn đề ở đây, chưa phải là bàn thảo về những lập luận mang tính tổng quát mà chỉ là rút lại hạn hẹp vào trong việc sử dụng các bằng chứng theo những nguyên tắc căn bản, bình thường của lí trí là đủ. Không thể cứ hễ thấy có mũi tên, có nỏ thì phải nhất định là của ông Cao Lỗ: Cao Lỗ nếu là nhân vật lịch sử thì phải chịu sự giới hạn của thời gian, nơi chốn, còn tên, nỏ là chứng cớ của văn hoá vật chất lâu dài của một hay nhiều tập họp người, có khi không có “bà con” gì với nhau hết. Không thể cứ thấy nói Cao Lỗ dính với An Dương Vương là mở rộng đến thành Cổ Loa, đến đời Hùng Vương, Triệu Ðà, Ðông Sơn… loạn xà ngầu như thế. Làm việc nghiên cứu theo kiểu đó thì cũng dễ thôi, nhưng muốn được chấp nhận thì phải trông đợi thẩm quyền ở một nơi chốn không dính dáng gì đến học thuật.

 

Sự kiện trần trụi và hoang tưởng tập thể nhỏ, lớn

Mà chuyện học thuật thì cũng chẳng có gì ghê gớm lắm. Nó cũng phải tuân theo những quy luật bình thường của cuộc sống như bất cứ ở lãnh vực nào. Sách vở bảo Cao Lỗ là thần nhân mà muốn chứng minh là người thường thì phải tìm cho ra thân xác cụ thể của con người đó. Chuyện của quá khứ thì tìm nơi các bằng chứng của quá khứ, biện biệt đúng sai từ các bằng chứng đó, có mang khoa học mới vào cũng phải dựa vào các thành quả gần cận nhất đến quá khứ đó… Công việc tiến hành theo với ý thức về sự tương đối của chuyên ngành, ý thức về mong muốn tiếp cận chân lí chứ không phải là làm thay sử học. Cho nên chớ đem các bài bác viển vông của sự tầm thường hay của triết lí cao siêu vào đây. Về sự xác định nhân thân Cao Lỗ trong khung lịch sử đã được trình bày nơi khác nhưng cũng xin nói lại ở đây.

Chuyện bình thường là, dù ở bất cứ tài liệu nào cũng không thấy dấu vết “người” của kẻ được gọi là Cao Lỗ hay Cao Thông. Có thấy nhắc đến hành tung như người thường thì đó cũng chỉ là mượn tiếng “người” để cho thế nhân, người đọc sách, người nghe kể chuyện hiểu được mà thôi. Chuyện ở đất Việt thì người ở xa chỉ là “nghe ngóng” nhất là khi xét đến các điều kiện xuất hiện của nó đối chiếu với xác nhận của tác giả, người ghi chép. Vậy cho nên Cao Lỗ hay Cao Thông của Thuỷ Kinh chú hay Giao Châu ngoại vực kí dù có xưa hơn Việt điện u linh tập (1329) cũng không có độ khả tín bằng. Huống chi về mặt chính quy, VÐULT là ghi chép của nhà nước tại chỗ (Lí, Trần) chứ không phải của du khách từ xa.

Trong chi tiết, ngoài xác nhận “thần nhân” của sách Trung Hoa, sách Việt còn dẫn từ quan chức Ðỗ Thiện (xuất hiện 1127) nêu thêm các dạng khác làm nổi bật tính chất thân xác cụ thể của ông thần: “Vương vốn tên là Cao Lỗ, một lương tá của An Dương Vương, tục hiệu là Ðô Lỗ hoặc Thạch Thần”. Chữ Hán đi vào khung Hán Việt quen thuộc, được chấp nhận không thắc mắc nên ít ai lưu ý dịch ra “tiếng Việt” để cho thấy ông thần-người kia có tên nôm na là “thần Ðá”, “To Thô”, “Cao Thô”, nghĩa là để thấy nổi bật lên là Cục/Hòn/ Tảng Ðá. Vua quan đời Lí ít học, còn gần với sự kiện nguyên thuỷ nên thấy sao nói vậy, gán cho ông thần cái tên thô thiển theo hình thức xuất hiện, còn vua quan Trần nhiều chữ, xa đời thấy có dịp lí tưởng hoá nhân vật đến cầu cúng nên phong cho các tên Quả Nghị (1285), Cương Chính (1288), nói lòng vòng Cứng Cỏi, Cứng Thẳng thì cũng chỉ là Ðá thôi! Ðể cho thấy ông Cao Lỗ giống như bà con với Lí Ông Trọng ngự trị ở đền Chèm, ông Ðống Phù Ðổng “vụt lớn lên” cưỡi ngựa đi cứu nước, vốn là những tảng đá menhir của nền văn minh cự thạch ở Ðông Dương tập trung nhiều nhất ở Thượng Lào và nhân hoá với các ông Khổng Lồ bình dân “húi sạch rừng, bưng ngang lũ”, bắt cá biển bằng tay không…

Nhà khảo cứu ngày nay khi tìm quê hương cho nhân vật lịch sử của-mình, đã chứng minh đền thờ là ở ngay “quê hương thần” (thôn Ðại Trung…), vô tình cũng xác nhận bản chất thật của thần khi trích dẫn thêm Ðại Nam nhất thống chí: “đền Cao Công ở bên bờ sông, cạnh đền có tảng đá dựng đứng”, và thêm với quan sát của mình về các nơi có thờ “Ðại Than Ðô Lỗ Thạch Thần Ðại Vương”. Bấy nhiêu đó là đủ rồi. Nếu muốn nói thêm về “biểu tượng văn hoá” của Cao Lỗ lại là chuyện khác. Mà hình như vấn đề này cũng chỉ là được gợi ý từ các biến động của mấy mươi năm vừa qua mà thôi.

Không có cách nào chứng minh theo cách bình thường khác tuy cũng thấy là không dễ được chấp nhận, có khi vì nó bình thường — tầm thường quá trong tìn hình hoang tưởng lịch sử tràn đầy trước mắt. Không kể đến hiện tại có điều kiện thúc hối các học giả trong nước tìm cách bồi đắp cho thần tượng của mình, có người may mắn vượt ra ngoài khuôn khổ cũng thấy khó kềm được vướng vít của quá khứ. Nhớ có lần đọc một bài của blogger Le Minh Khai thấy lối giải thích của chúng tôi không được chấp nhận. Chen vào đây là làm chuyện bắt-quàng nhưng cũng thấy cái quá khứ “truyền thống” thật là nặng nề, sâu đậm, gây ảnh hưởng (mong là thoáng chốc trong tiềm thức) của con người thấy thật là ôm đồm thông thái, thông hiểu đa ngữ và rất mực thoải mái với các cách thức nghiên cứu trong thời đại văn minh. Chỉ là để không ngạc nhiên với các tác giả cuộc hội thảo.

Kết thúc của cuộc chiến 30 năm dù diễn ra thật huy hoàng, gây ngây ngất nhưng rồi cũng lại phải kéo đất nước về đúng vị trí trong thời đại toàn cầu. Trong chiến tranh, ít ai chú ý đến sự thất vọng của phóng viên O. Fallaci đến Sài Gòn của biểu tình tăng ni dưới uy thế Thích Trí Quang, của ngọn lửa Thích Quảng Ðức cháy rực trên màn hình thế giới, nhưng bà ta lại thấy ra những ngôi chùa chỉ là hơn một cái nhà, không giống như ở các xứ đồng đạo Miến Ðiện, Thái Lan, kể cả Lào, Miên. Mà có được dẫn đi thăm chùa Một Cột thì chắc bà ta cũng sẽ hỏi như học giả ngoại quốc hỏi hướng dẫn viên Trần Quốc Vượng: “Hình mẫu ở đây còn chùa thật thì ở đâu?” Có nghĩa là dấu vết quá khứ của Việt Nam không tương xứng với các biến động vừa qua. Không thể trưng ra Ðại tứ khí vốn chỉ hiện diện có vài chữ xưa, để khoe với người ngoài, với kẻ hậu sinh. Chỉ còn lại văng vẳng các lời hô hào, ca tụng “trái tim loài người/ lương tâm của nhân loại”.

Và học giả nội địa, trong vị trí thuộc hạ truyền thống, có thể là với cả sự thành tâm tận lực với khả năng kiến thức của mình, thấy có bổn phận lấp đầy khiếm khuyết đó. Phải nhân nói về một nhân vật lịch sử mà đề cao cả sức mạnh dân tộc: “Sự tích Cao Lỗ Vương là sự huyền thoại hoá sức mạnh tồn tại và phát triển của cộng đồng Việt Nam”. Có thế mới được người cầm quyền lơ đãng chịu đọc bản văn cũng của đại biểu tầng lớp thư lại thảo ra, gián tiếp tán tụng tầng lớp mình: “(Cao Lỗ là người) có tầm nhìn xa, tỉnh táo cảnh giác và đầy bản lĩnh để can ngăn nhà vua không sa vào quỷ kế của kẻ thù, dù rằng vì chuyện đó bị nhà vua xa lánh. Nhưng khi đất nước bị xâm lược, tổ quốc bị lâm nguy thì lại ra phò vua giúp nước (?!)… Cao Lỗ là một vị anh hùng dân tộc, biểu tượng của trí tuệ, bản lĩnh và sức mạnh Việt Nam trong thời kì đầu dựng nước”. Có tự khen như thế, sử gia Việt mới có thể nấp lánh bắt chước người xưa làm phận sự gián quan, đưa ra những câu sáo mòn, nêu ý kiến thời sự về tình hình đất nước hiện tại, chỉ đường dẫn lối cho nhà cầm quyền, chêm một chút phê phán kiêu ngạo ngầm mà không giấu được ý thức nhẫn nhịn bất lực của tầng lớp: “(Lịch sử mất nước của Âu Lạc) là bài học về nhận thức đối với kẻ xâm lược, về việc sử dụng người hiền tài, về việc phải biết lắng nghe ý kiến khuyên can. Ðó còn là kinh nghiệm về chiến lược chiến thuật tổ chức kháng chiến bảo vệ đất nước. Thành cao hào sâu, vũ khí tốt, quân đội mạnh nhưng… bị tách ra khỏi nhân dân và mất khả năng huy động được sức mạnh của nhân dân thì cuộc chiến đấu bị cô lập và thất bại khó tránh khỏi”.

*

Trong lúc này, định kiến về Bài học lịch sử không thể nào gạt bỏ được để một khoa học lịch sử Việt Nam thực sự thành hình, cho nên hãy cứ bằng lòng với những xuất hiện của nó. Bởi vì đây cũng là chứng cớ lịch sử.
 

Gần Tết, 7-2-2013, và sau đó

bài đã đăng của Tạ Chí Đại Trường