- Tạp Chí Da Màu – Văn chương không biên giới - https://damau.org -

Quan Dương: Phản Xạ Của Sự Đau

Lưu Diệu Vân: Dù muốn dù không, chúng ta cũng không thể phủ nhận rằng biến cố 30 tháng Tư đã tạo nên những ranh giới vô hình: ranh giới thời gian giữa văn chương trước và sau 1975, cũng như ranh giới không gian trong và ngoài nước. Theo ý riêng của tác giả, biến cố này đã (và đang) đem lại những ràng buộc hay tháo gỡ nào trên nền văn học Việt Nam. Và nếu không có biến cố này, văn phong/đề tài/ý thức trong sáng tác của tác giả sẽ khác với bây giờ không, và nếu có, khác như thế nào?

Trước 75 tôi là một người lính VNCH không biết làm thơ hay viết văn. Sau 75 giống như bao người cựu quân nhân công chức khác của chính thể VNCH tôi được đưa vô Trại cải tạo A 30 trong thời gian sáu năm. Chính sáu năm này trong tôi đã thành hình một nỗi rất đau. Đau đến độ khiến thôi thúc lòng mình cần ghi lại. Nhưng phải chờ khi ra nước ngoài được hít thở không khí tự do rồi tôi mới sắp xếp thành tác phẩm. Như vậy suy ra những tác phẩm của tôi có cũng là phản xạ của sự đau. Đặt giả thử nếu không có biến cố 30/04/75 thì tôi không trở thành một tác giả. Nếu còn sống ở trong nước thì chắc chắn tôi đã không có tác phẩm. Cho nên theo tôi nghĩ nó vẫn còn một ranh giới vô hình đang cản ngăn cho những ai giống như trường hợp tôi hiện còn sống ở trong nước không dám viết lên. Vì thế tôi đồng ý với người hỏi là dù muốn dù không chúng ta không thể phủ nhận biến cố 30/04 đã tạo nên đường ranh giới đó.

Bởi vì có đường ranh giới đó cho nên dù rằng văn chương là chiếc cầu nối gẫn gũi dễ đồng cảm nhất, nhưng đối với văn học Việt Nam những người cầm viết trong và ngoài nước khó có thể đồng hành. Bởi vì ở hải ngoại được sống trong không khí tự do, được độc giả đồng tình với sự trung thực của cảm xúc, tác giả hải ngoại viết bằng sự trung thực. Trong khi đó ở trong nước người cầm viết vẫn còn bị thể chế chính trị áp đặt nên những gì họ viết xuống không dám trung thực với lòng mình. Dù không trung thực nhưng những tác phẩm của họ vẫn được xuất bản sau khi qua kiểm duyệt. Suy ra giữa sự trung thực và không trung thực khó mà chia sớt với nhau. Bạn có thể về VN mang ra hải ngoại bất cứ tác phẩm trong nước mà bạn muốn đọc, nhưng bạn không thể mang từ hải ngoại về trong nước những tác phẩm của những tác giả ngoài này. Đó là hệ lụy của biến cố 30/04 còn để lại mà văn học Việt Nam cũng là một nạn nhân.

Nếu không có biến cố năm 75 thì nền văn học Việt Nam sẽ khác đi không giống như bây giờ. Sẽ khác đi vì không có những tác phẩm văn học rất hay sau chiến tranh như Ta Về của nhà thơ Tô Thùy Yên, Lửa Đốt Ngoài Giới Hạn của cố nhà thơ Cao Đông Khánh, sẽ không có Những Thiên Đường Mù của nhà văn Dương Thu Hương, v.v.

Bên cạnh văn chương sau khi được thoát ly khỏi nước rất có giá trị còn có nền văn chương với những ngôn từ rất khó nghe đưọc du nhập từ những người cầm viết của phe chiến thắng. Những lời hỏi đáp khó nghe từ văn chương kia lan ra đường phố thét thành văn hóa của một dân tộc.

Trên đây chỉ là một vài suy nghĩ có thể là rất thiển cận của riêng tôi, nhưng biết sao hơn khi tôi đang ở nước ngoài vẫn chưa cảm được một vài tác phẩm trong nước mà tôi đã đọc. Ước gì đừng có biến cố 30/04 kia có thể tôi không trở thành tác giả nhưng văn học của Việt Nam nhìn chung không bi đát như bây giờ.

bài đã đăng của Quan Dương