Home » Sáng Tác, Tản Văn Email bài này

Tản văn

0 comment ♦ 16.07.2018


Bà cụ 100 tuổi mới mất hôm qua. Thực ra đấy là bà ngoại ta. Con chó đá ở đầu đình thở dài đánh thượt, 100 năm sao qua nhanh như chớp mắt. Đình làng đời Lý, được xây từ cách đây hơn 300 năm. Ta không nhớ mái đình cong, những trạm trổ hoa văn tinh xảo, ta chỉ nhớ đến con chó đá, vì nó cao bằng ta hồi ta còn nhỏ xíu, mỗi khi theo bà lên đình ta hay sờ sờ đầu nó trước khi bước vào bên trong. Nhớ đến bà ta lại nhớ đến ánh mắt bà khích lệ bảo ta tiến đến phía trước một chút đi, và chắp tay lậy đức Phật. Ta bé xíu, ta rụt rè, trong không gian trầm mặc và to lớn của ngôi đình. Nhưng ta nhớ những ngọn nến ấm áp, ánh mắt bà ấm áp, giọng nói bà ấm áp, mùi hương trầm ấm áp.

Lúc này đây nếu như có một điều ước, ta ước mình được nhỏ bé như xưa, lúi cúi chui dưới gầm của sân khấu để bà kiếm tìm khắp nơi. Mà chẳng biết tại sao ta lại chui xuống dưới gầm của sân khấu, được dựng ở đình làng trong những mùa lễ hội. Có lẽ vì quá nhỏ nên ta ưa khám phá, và vì quá nhỏ nên thế giới của sân đình và lễ hội như bao bọc được lấy ta. Ta đắm chìm trong những vở diễn, những buổi biểu diễn xiếc, những màn hát quan họ thâu đêm. Lúc này đây, trái tim ta cũng đang rộn ràng lên những âm thanh và bừng lên những sắc mầu rực rỡ, lung linh và huyền ảo ấy. Những điều đó chỉ có khi ta còn nhỏ xíu, dường như nó biến mất rất nhanh sau đó vì sự phát triển của đô thị. Ta lớn dần lên trong sự tan hoang của làng quê. Đường làng, và cả đình làng sao vô hồn trong ta đến thế. Bây giờ hàng năm làng vẫn có hội, nhưng nó mãi mãi không còn được như những ngày xa xưa ấy. Vì cuộc sống khác đi, hay vì thế giới trong ta cũng khác đi rồi? Lại một mùa hội làng mới đi qua, khi ta đang xa cách quê hương hàng ngàn dặm.

Ngôi nhà của ông bà đóng cửa để làm nơi thờ cúng. Ta không can dự nhiều vào câu chuyện của người lớn. Nhưng trong gia đình họ ngoại không có chuyện những người con tranh chấp nhau nhà cửa, đất cát, sau khi cha mẹ qua đời. Ông bà ngoại chỉ có bác cả là trưởng nam. Bác cả chỉ có một người con trai, và anh được gọi là cháu đích tôn. Anh đi học ở Pháp từ năm 18 tuổi. Bây giờ anh đã kết hôn và định cư ở Canada. Bác cả tính trước rồi, mẹ bảo thế, bác cắm anh sẵn ở bên đó, để nhỡ ở nhà có việc gì là chạy.

Hôm qua, ta ra biển, ngay khi cơn bão vừa tan. Sống ở gần biển, bên cạnh lịch xem tháng ngày, người ta có lịch xem thủy triều lên xuống. Ta ra biển ngắm thủy triều lên. Gió vẫn còn mạnh vì cơn bão mới quét qua, nhưng mặt trời chói chang, nên gió lạnh mà không buốt giá. Nó mang theo sự mát lành trong suốt. Nó mang theo cả những âm thanh vui nhộn khi thổi vào những cột buồm đang được dâng lên vì nước cao mấp mé bờ. Trong khoảnh khắc rất ngắn của ánh mặt trời rực rỡ sau mưa và chuẩn bị đến lúc lặn xuống biển ấy, ta nhìn thấy một bầy chim nhỏ ngơ ngác đậu trên cái đập nhỏ thò ra biển dưới chân ngọn tháp. Thân hình chim bầu bĩnh vẫn còn đang ướt sũng. Mầu lông đen trải khắp phần đầu, lưng, cánh, xuống phần đuôi dài và nhọn. Phần bụng của chim mầu trắng, nhưng ở cổ mầu lông đen lượn vòng như loại cổ áo hình cánh sen. Những người dân địa phương bảo họ chưa bao giờ thấy loài chim lạ này từng sống ở đây, có lẽ đây là bầy chim di cư bị cơn bão vừa rồi cuốn đến.

Ta rời bến cảng tiến về phía bờ biển, tiến về phía mặt trời lúc này đang chiếm hết cả không gian rộng lớn của biển, để từ từ lặn xuống. Trong cái thế nhìn ngược sáng, khi ta đứng gần phía kè đá, nơi sóng đánh thật mạnh vào bờ một cách dữ dội, ta bỗng thấy một điều thật kỳ diệu. Những con chim nhạn, loài chim sống bám biển, loài chim mà ta chỉ quen nhìn thấy chúng chao liệng trên không trung hoặc đậu trên những cầu tầu, đang bình thản ngồi trên vùng nước sóng sánh đầy ánh mặt trời. Nếu chỗ đó, có một con thuyền nhỏ, hoặc một con người, hắn đã bị sóng đánh cho nghiêng ngả hoặc bị chìm đắm. Nhưng bầy chim nhạn, kìa bầy chim nhạn, tại sao lại có thể có sự thanh bình như không, nổi nhẹ lên trên mặt sóng đang lắc lư dữ dội ấy như thể là đang tận hưởng điều gì an lạc lắm.

Sơn Ca

Articles by Sơn Ca

Comments


Xin vui lòng bày tỏ trách nhiệm và sự tương kính trong việc sử dụng ngôn ngữ khi đóng góp ý kiến. Da Màu dành quyền từ chối những ý kiến cực đoan, thiếu tôn trọng bạn đọc hoặc không sử dụng email thật. Chúng tôi sẽ liên lạc trực tiếp với tác giả nếu ý kiến cần được biên tập.

@2006-2023 damau.org ♦ Da Màu Magazine
Log in | Entries (RSS) | Comments (RSS)