Trang chính » Bàn Tròn, Bàn Tròn: Nghệ Thuật & Chính Trị, Biên Khảo, Nhận Định Email bài này

Nghệ thuật cần được lên tiếng

2 bình luận ♦ 4.03.2009

 

 

Cuộc triển lãm nghệ thuật F.O.B. II: Art Speaks gần đây tạo nhiều tranh cãi. Những cuộc biểu tình, tranh luận xoay quanh nội dung của những tác phẩm "nhạy cảm" (nghe sao quen quá). Sự mâu thuẫn đơn giản là sự “thấy” khác biệt.

Những khán giả phẫn nộ “thấy” gi?

Liệu có công bằng không khi tách một từ khỏi văn cảnh hay lột một chi tiết khỏi toàn cảnh của một tác phầm để làm vật chứng? Có khác gì với việc tách một chữ khỏi một bài thơ và coi nó đủ để đại diện cả bài thơ? Đối với nghệ thuật, đây là một sự vội vàng, chủ quan và bất công.

Chiếc áo của cô gái và tượng bán thân của ông Hồ đã bị lột khỏi bức “Thủ Đức, VN 2008” vốn đi cùng với bức “Avon, MA 2006” ở bên trái, cũng như bức “Untitled” bị tách khỏi phần còn lại của nó là bức “By Land, Air or Sea” bên phải, và tại sao nó nằm bên trái, hay bên phải, với chủ ý so sánh (Brian Đoàn) hay kể chuyện (Steven Toly), nhưng những người phản đối không thấy, và không muốn thấy, phần còn lại.

Bức tranh, tên “Thủ Đức, VN 2008” khẳng định một khung cảnh ở Việt Nam. Cờ đỏ và tượng ông Hồ là thực tế ở Việt Nam, nơi mà thanh niên lớn lên được bao bọc bởi những giáo điều cộng sản, nơi mà trẻ con từ mẫu giáo đã được (bị) dạy “yêu kính bác Hồ”… Nhưng nếu ai có về Việt Nam, có quan sát sẽ dễ dàng thấy cái “kết quả” thực sự mà chương trình giáo dục và sự tuyên truyền tác động và ảnh hưởng tới thế hệ trẻ hôm nay ra sao: chỉ là vô dụng và thất bại. Đây là điều mà tác giả muốn diễn tả. Bức tranh tả hiện trạng Việt Nam, bên trái của nó là ‘Avon, MA 2006,” một thanh niên Việt ở Massachusetts (Mỹ), lạc lõng giữa hai nền văn hóa. Tiếc là đã bị một số người lột áo, bê tượng ông Hồ từ “Thủ Đức” đem về “Orange County” để kết án, những chi tiết khác, đều bị quăng đi.

Tác giả cố giải thích, nhưng một số người chỉ muốn thấy cái họ… không muốn thấy.

Nhiều người không hiểu và không muốn hiểu tính tượng trưng trong nghệ thuật. Chủ đề ở đây không phải cờ Đỏ mà là xã hội Việt Nam, không phải cờ Vàng mà chính “cộng đồng” người Việt ở hải ngoại. Cái gì đã khiến Steven Toly, một “người ngoài” thấy chúng ta như ba hàng kẽm gai? Tới lúc ta nên tự kiểm. Thái độ “ta không bao giờ sai,” hay “tốt khoe xấu che” là một cách tự mãn và tự bế.

Thưởng thức, cảm nhận nghệ thuật của mỗi người khác biệt tùy vào nhận thức, kiến thức, kinh nghiệm, chủ quan & khách quan, và khác biệt với tác giả là điều tự nhiên. Chính vì vậy, có chỗ cho những nhà phê bình nghệ thuật, hay sự hướng dẫn từ những nhà chuyên nghiệp. (Những) cái nhìn đa chiều cho chúng ta thấy nhiều góc cạnh, những góc khuất, nhất là nghệ thuật vốn trừu tượng không phải là những bài toán 2+2=4. Tác giả, không chỉ dùng nghệ thuật để diễn đạt cảm xúc, quan niệm, thông điệp của mình cho những người cùng khả năng cảm nhận mà còn cho số đông khán giả khác nhau, những người không làm nghệ thuật, trong trường hợp này, là “cộng đồng.” Ở đây, cảm giác của họ là tổn thương và phẫn nộ. Tuy nhiên, liệu thẩm định, phán xét của một nhóm người có đủ để khẳng định nội dung, giá trị của một tác phẩm? Bên cạnh những tiếng nói phủ định, có những tiếng nói tán đồng, và chắc chắn có những sự phủ định lẫn tán đồng khác trong im lặng. Một số người có thể không thích, có thể bày tỏ sự không thích bằng lập luận, đối thoại thậm chí biểu tình ôn hòa, nhưng phỉ báng, cấm, lột cái mình không thích, lên án tác giả và những người tổ chức là vô lý và bất công với những khán giả khác. Khi không muốn hay không thể dùng lý lẽ để đối thoại, quát nạt, cấm đoán là một phương cách vô lý và thất bại.

Lý do? Nếu nói rằng vì những người phản đối không muốn nhắc tới, nhìn về Việt Nam, thì không phải, vì tôi tin rằng họ vẫn đang và sẽ còn quan tâm và thiết tha nhìn về và trở về. Nếu nói không nên có những hình ảnh tượng trưng nào về một Việt Nam Cộng Sản dưới bất cứ hình thức nào, càng không phải. Phải chăng, những biểu trưng này chỉ nên xuất hiện dưới hình thức đập đổ tượng, hay xé nát cờ Đỏ? Sự chống đối được “công nhận” phải bằng sự ồn ào, phẫn nộ, sỉ nhục tới cái mà ta “chống”? Nhưng đó không phải là cách người nghệ sĩ thường dùng, càng không phải là cách duy nhất có thể được coi là thể hiện sự chống đối. Đó là cách phe cộng sản chiến thắng đã làm. Họ sỉ nhục, bôi nhọ, và bằng mọi cách xóa đi sự tồn tại của Việt Nam Cộng Hòa, nhưng họ đã thất bại. Nhân chứng lên tiếng, di sản văn hóa và nghệ thuật là vật chứng mà dù cấm đoán, nó vẫn cứ sống sót, tồn tại và lên tiếng.

Những người chống đối cho rằng biểu tượng của một Việt Nam Cộng Sản được diễn tả trong “bình yên,” không có dấu vết của máu, của đấu tranh, của thù hận, của sỉ nhục, là dấu hiệu của sự đồng lõa, quảng bá… vậy chúng ta nói gì về những con dấu Đỏ trên Visa khi ta về Việt Nam và phảng phất trên những đồng dollar gởi về cho thân nhân nhưng gián tiếp (và chúng ta ý thức được) góp phần xây dựng cái nước Việt Nam Cộng Sản mà chúng ta đang chống đối? Đó là một sự thỏa hiệp, nếu không nói là cúi đầu tạm thời trong thầm lặng.

Có người nói, sao Brian Đoàn không thay thế chiếc áo trong bức ảnh bằng biểu tượng cờ Vàng và triển lãm tại Việt Nam. Bức ảnh, giả sử được chụp với mục đích này, nên đặt tên gì? Orange County? Đây là một sự thách thức sai lầm khác gì gậy ông đập lưng ông, chỉ vì lo nhìn ngón tay thay vì nhìn vào hướng mà ngón tay chỉ.

Thách thức Brian Đoàn về Việt Nam để biểu lộ sự chống đối, như một cách đánh đồng hai bên cũng như việc đòi hỏi cho một sự công bằng trong “giao lưu văn hóa” mà một số nghệ sĩ muốn làm, đang làm và cố làm, là không đúng. Sự bất ổn ở đây là khi thách thức những gì làm ở đây phải được làm ở Việt Nam, vì đó là điều chúng ta nên “tranh đấu” với chính thể bên kia thay vì thách thức nhau. Thậm chí những người chống cộng mạnh mẽ nhất, ồn ào nhất cũng không dám, đúng hơn là chưa dám về Việt Nam “mở miệng.” Chọn trả đủa bằng cách nếu Việt Nam “cấm” tác phẩm, nghệ sĩ ta, thì ta phải “cấm” họ, ta đã đánh đồng giữa một Việt Nam – Cộng Sản và một Việt Nam – Hải ngoại. Không lẽ ta muốn dùng cách của họ để “đấu” với họ sao? Vậy ta khác gì với họ?

Chúng ta tị nạn Cộng Sản không chỉ vì chính kiến khác biệt, hay đề xây dựng một Việt Nam Cộng Hòa nối dài, và chỉ thừa nhận chỉ có hoặc “Quốc Gia” – “chống cộng” hoặc “Cộng Sản” – “thân cộng.” Chúng ta vì dân chủ và tự do, và đây cũng là điều chúng ta tranh đấu và hy vọng cho đất nước Việt Nam. Dù Việt Nam là quốc gia cộng sản, nhưng dân Việt Nam không phải tất cả là cộng sản, ngay cả 3 triệu Đảng viên cũng không phải là 3 triệu người cộng sản thật sự, và người không phải cộng sản, không có nghĩa là quốc gia, mà không phải quốc gia, không có nghĩa là cộng sản.

Sự khác biệt trong cách nhìn, cách nghĩ, tới phương cách thể hiện, tồn tại bất kể ta muốn hay không, và vấn đề là ta tiếp nhận thực tế này thế nào. Dù ta cho hay không cho phép, sự khác biệt vẫn tồn tại, nhưng tin rằng không ai có “phép” để cho.

Dùng lý lẽ để đối thoại, sự bình tĩnh để chứng tỏ thiện ý là cách những người có lý trí nên làm. Cấm đoán, nổi giận là thái độ của kẻ thất phu.

Mục đích tận cùng của việc “chống cộng” và chống cả những cách chống cộng không “chính thống” là gì?

(1) Một hình thức “để tôi yên” với những vết thương của quá khứ

Tôi không nghĩ, và không thấy họ tự để mình yên khi luôn sống trong hoài nghi, lo sợ, lẫn ám ảnh về sự xuất hiện dấu vết của kẻ thù. Sự chấn thương tâm lý khiến họ như gặp ma nên sợ tối. Nhìn đâu cũng thấy hiểm họa, và phải tự nhắc nhở mình luôn cảnh giác, đề phòng, làm sao có sự bình yên?

(2) Tố cáo tội ác của cộng sản

Sự phẫn nộ và những hành động vô văn hóa thật không nên khuyến khích, cổ vũ vì nó chỉ đem lại cho những người trẻ sự hoài nghi lẫn chút coi thường vào cái lý tưởng chống cộng mà người ta đang hò hét bảo vệ. Việc xoa xuýt, than khóc cho những vết thương quá khứ, có thể kêu gọi đươc cảm thông lẫn thương hại, nhưng không đủ để cấm đoán hay thuyết phục những người trẻ tìm hiểu, tiếp cận những thông tin khác và có những cái nhìn khác.

Những người trẻ, lớn lên ảnh hưởng nền giáo dục phương Tây, họ cần sự thật, cần thông tin, cần lý lẽ từ những nhân chứng của lịch sử, họ sẽ tự sàng lọc và tìm câu trả lời cho mình, họ không thích và không quen chấp nhận những kết luận đã có sẵn, mà luôn luôn đặt dấu hỏi tại sao. Được huấn luyện tư duy sáng tạo, đa chiều, khó mà thuyết phục họ tin vào một phương pháp “duy nhất” nào đó.

Làm sao ta có thể đấu tranh đòi đa nguyên cho Việt Nam khi chính ta không thể chấp nhận sự khác biệt? Làm sao kêu gọi dân chủ khi ta không muốn nghe những sự “lên tiếng”?

(3) Bảo vệ thế hê kế tiếp khỏi sự cám dỗ của Việt Nam Cộng Sản

Đây là một sự lo lắng không tưởng chăng?

Tại Việt Nam, ông Hồ khắp nơi, những lá cờ Đỏ tha hồ bay, tha hồ phất, những khẩu hiệu, những chiếc loa tuyên truyền vẫn ra rả, nhưng có tác dụng gì? Chương trình giáo dục đào tạo những “con người mới, xã hội mới xã hội chủ nghĩa” sau 30 năm, được gì? Tại chủ nghĩa cộng sản ở Việt Nam vốn như chiếc áo cô gái “Thủ Đức” mặc, đó là thực tế mà người dân chưa thể “lột” được, nhưng không thể buộc được những giấc mơ, khát vọng vươn ra ánh sáng ngoài cửa sổ. Nếu có về Việt Nam, chúng ta sẽ thấy được giấc mơ, khát vọng của họ. Với một số, đó là ước mơ thoát khỏi Việt Nam, thoát khỏi cái áo đang bó lấy họ. Với một số khác, là tự do, tự do lên tiếng, tự do diễn đạt. Một số khác là giấc mơ vật chất và quyền lực, thậm chí họ sẽ phấn đấu vô Đảng, nhưng không vì lý tưởng cộng sản, càng không vì lòng tin ở một chủ thuyết đã sụp đổ.

Tại nơi chủ nghĩa cộng sản được bảo vệ , củng cố và xây dựng bởi quyền lực, nó đã không còn chổ đứng mà bị đè bẹp bởi chủ nghĩa cá nhân và chủ nghĩa vật chất. Chủ nghĩa cộng sản chỉ còn là những ngôn từ sáo rỗng. Có phải là quá bi quan và thiếu thực tế khi lo sợ nó có thể chiêu dụ được con em chúng ta?

(3) Thỏa mãn ức chế tâm lý

Tâm lý của một đứa trẻ bị ngược đãi không thể phản kháng chạy thoát, chỉ có thể lên tiếng từ một khoảng cách an toàn, như hình ảnh người đàn bà nhăn nhúm, giận dữ mà ông Phùng Nguyễn đã tả.

Nhìn rõ lại mục đích để đánh giá lại phương thức mà ta đang sử dụng, có phải là cách tốt nhất? duy nhất?

Có thể, với một số người, ranh giới cộng sản – quốc gia nhất định phải rõ ràng, không thể có màu xám, càng không có xanh, đỏ, tím, vàng. Nhưng ngoài việc hô hào “cộng sản xấu,” liệu những hành động như xịt sơn lên bức hình, buộc nghệ sĩ phải im tiếng, hoặc phải diễn đạt bằng cách của ta – đạp tượng, giẫm cờ, có thể nào chứng minh được “quốc gia tốt,” hay chỉ dựng được hình ảnh một đám đông đầy phẫn nộ và vô lý nhưng tuyệt vọng và đáng thương?

Những người trẻ, vốn không bị buộc chặt với quá khứ, họ tự tin và hội nhập với nơi mà với thế hệ trước, mãi là một chốn “tạm dung.” Họ tìm về với cộng đồng, còn tha thiết với quê hương, nơi mà lẽ ra với họ rất ư mờ nhạt, nhưng chảy trong huyết quản, và được nuôi dưỡng từ những mảnh vụn mà thế hệ trước mang theo. Đây là một thành quả lớn lao, vì những khác biệt mà lập phòng tuyến, vẽ ranh giới, điều này chỉ đào sâu khoảng cách và sẽ làm tổn thương cho chính chúng ta.

Tôi tin rằng mai này sẽ còn nhiều cuộc "lên tiếng" và đối thoại tại hải ngoại và lan về trong nước. Nó là nhu cầu và cũng là sự tất yếu để phát triển. Liệu chúng ta có chuẩn bị?

 

Hạnh Đào
Cincinati, 27.2.09

Phần Góp Ý/Bình Luận


Xin vui lòng bày tỏ trách nhiệm và sự tương kính trong việc sử dụng ngôn ngữ khi đóng góp ý kiến. Da Màu dành quyền từ chối những ý kiến cực đoan, thiếu tôn trọng bạn đọc hoặc không sử dụng email thật. Chúng tôi sẽ liên lạc trực tiếp với tác giả nếu ý kiến cần được biên tập.

Lưu ý: Xin vui lòng bỏ dấu tiếng Việt để giúp tránh những hiểu lầm đáng tiếc từ độc giả trong việc diễn dịch ý kiến đóng góp. Bài không bỏ dấu sẽ không được hiển thị. Xin chân thành cám ơn.

2 Bình luận

  • Phạm Quang Tuấn says:

    Nếu một tấm ảnh mang tựa đề “Thẩm Quyến” để một thiếu nữ Trung Hoa ăn mặc sexy mơ màng nhìn đâu đâu với lá cờ Trung quốc trên ngực và tượng ông Mao trên chiếc bàn thấp, hoặc một tấm ảnh mang tựa đề “Tehran” để một thiếu nữ Ba Tư với kinh Koran trên ngực và tượng giáo chủ Khomeini trong tư thế tương tự, thì chắc chỉ có người khùng mới cho là tác giả muốn tuyên truyền cho Cộng sản Mao hay Hồi giáo Iran. Người bình thường chắc sẽ coi đó là những nhận xét về sự khác biệt giữa giáo điều, cơ chế (establishment) và đời sống hay tâm tư của giới trẻ hiện đại. Vậy mà đã có những người, kể cả những “nghệ sĩ” đã từng sáng tác những tác phẩm được xếp loại là “hậu hiện đại”, điên cuồng chửi rủa Brian Đoàn là tuyên truyền cho Cộng sản Viêt Nam, phản bội tổ quốc… Phải chăng sự thù hận quá đáng làm cho lý trí cũng như con mắt nghệ thuật bị tê liệt?

  • Ngoc-Lan says:

    Không phải là dân học art và gần như mù về art, nên tôi đến với triển lãm Art Speaks (Nghệ thuật lên tiếng) của VAALA (Vietnamese American Arts & Letters Association) trong tâm thế của người ủng hộ, cổ vũ cho bạn bè mình.
    Nhưng khi đến với cuộc triển lãm này, tôi không những chỉ được nhìn thấy nỗi bức xúc của người họa sĩ về “bi kịch lớn nhất của dân tộc tôi là sự phí phạm về nhân mạng” qua tác phẩm Seed of Life (tạm dịch: Mầm Sống) của Nguyễn Trọng Khôi kể về những đau thương mất mát của những người đã vượt biển ra đi tìm tự do sau ngày 30 tháng 4; mà tôi còn bắt gặp cả hình ảnh của cờ đỏ sao vàng, chân dung của HCM không phải trong cái nhìn phản cảm như tôi vẫn thường thấy quanh đây mà là một thái độ dường như hoài cổ (theo cảm nhận của tôi) trong tác phẩm “Thu Duc” của Brian Doan.
    Tôi cũng chú ý đến tác phẩm “Open it up” (tạm dịch: Cởi mở) của Huỳnh Thủy Châu với 2 màu chủ đạo vàng và đỏ là hình ảnh những chiếc hộp mở nắp, đan xen trên đó là những con chữ trong hai bài quốc ca của nước Việt Nam cộng hòa và nước cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam hòa lẫn vào nhau. Châu nói “Bằng tác phẩm của mình, tôi muốn diễn tả cá nhân tôi, một người Việt Nam đến từ hai nền chính trị khác nhau và tôi tự hào về cả hai.”
    Tình cảm chính trị của Huỳnh Thủy Châu đối với Việt Nam cũng chính là cách cảm cách nghĩ của chính tôi và một số không ít bạn bè tôi trên mảnh đất không đội trời chung với cộng sản này.
    Chúng tôi thuộc thế hệ lớn lên và trưởng thành dưới chế độ cộng sản. Chúng tôi cũng có một trái tim và một cái đầu để biết thương, biết ghét, biết cảm thông, biết chia sẻ với những vinh nhục, những được mất của quê hương mình. Cho dù nơi đó vẫn còn nghèo nàn, còn lạc hậu với nhiều những nghịch lí, những bất công, nhưng chúng tôi vẫn yêu tha thiết mảnh đất mình đã sống đã lớn lên từ thời thơ ấu qua tuổi thiếu niên đến lúc vững vàng vào đời, dẫu có lúc đắng cay tủi nhục, dẫu có lúc trào nước mắt bởi sự kì thị khi mang trên người cái lí lịch không trong sạch của gia đình đã “có công với ngụy”.
    Chúng tôi đến với miền đất được xem là thiên đường của tự do nhân loại khi đã bước qua tuổi 30. Và dẫu giờ đây thêm một lần nữa chúng tôi lại bị kì thị ngay chính đồng hương của mình bởi chúng tôi đã khoác trên người chiếc áo của kẻ “trưởng thành dưới mái trường xã hội chủ nghĩa” nhưng chúng tôi tự biết mình có đủ tri thức và tỉnh táo để tiếp nhận và chọn lọc tiếp những điều đúng sai về lịch sử dân tộc mình. Chúng tôi biết trân trọng một quá khứ đã qua, trân trọng một thế hệ cha ông đã phải triền miên sống trong tiếng súng tiếng bom của một quốc gia chưa có độc lập. Chúng tôi biết khóc cho những mất mát đau thương của những người cùng tiếng nói màu da đã từng bất chấp mạng sống để ra đi mong tìm hai chữ tự do trước là cho chính mình, sau cho quê hương.
    Chúng tôi tiếp thu cả hai nền văn hóa và chính trị đó trong một cái nhìn cởi mở và bao dung. Trong lòng chúng tôi không có ranh giới của những hận thù cách biệt, không có chỗ cho những định kiến hẹp hòi. Chúng tôi cảm nhận cái hay cái đẹp, cái đúng cái sai bằng con mắt và tấm lòng của một người Việt Nam, một đứa con Việt Nam cùng mẹ cùng cha.
    Vâng, chúng tôi mở rộng lòng mình và giang cả hai tay cho cả bên này và cả bên kia chỉ bởi một điều: Chúng ta là người Việt Nam.
    Tôi tin ở bạn bè tôi. Tôi ngưỡng mộ sự dám nghĩ và dám làm của họ: bước qua những trò tiểu nhân bỉ ổi, những suy nghĩ hẹp hòi nông cạn để sống mà không sợ hãi! Living Without Fear!

@2006-2023 damau.org ♦ Tạp Chí Văn Chương Da Màu
Log in | Entries (RSS) | Comments (RSS)