Trang chính » , Tùy bút Email bài này

Gặp Lại Thụy Khuê

0 bình luận ♦ 9.04.2024

(Trích bài “Gặp Lại Thụy Khuê”)

 

clip_image002

Nhà phê bình Thụy Khuê

 

 

Tôi giáp mặt với Thụy Khuê trong chuyến đi Nam Định, Tạ Duy Anh ngỏ lời mời, mọi hứa hẹn ỉm đi trong nhiều tháng, bất chợt vào một buổi sáng tháng 12.2017, ông điện cho tôi báo xe đang chờ ở phố Lý Thường Kiệt. Đọc Thụy Khuê đã lâu, hình dung của tôi về bà là một người đàn bà có chất giọng nhẹ nhàng, sưởi ấm cho những trang văn nhưng tính khó và kỹ như cách bà viết phê bình, một câu không để vụng, một dấu một chữ không viết sai. Lúc cửa xe mở ra, nhìn vào, trước mặt tôi là một người nhỏ bé, ngồi nép ở ghế sau, vẫn giọng nói du dương trên radio ngày nào trầm đi nhưng vẫn cuốn hút, ẩn trong đôi mắt sâu là sự gần gũi không ranh giới thế hệ. Suốt chặng đường, tôi không thấy sự nghiêm cẩn, khó từng chữ từng lời, Thụy Khuê mau chuyện và khi ai đó nói thì bà im lặng, lắng nghe, dõi mắt theo từng lời, lúc bị tôi cắt ngang bà không cau có mà vẫn nghe, nghe cho hết rồi mới đàm thoại bằng cái ý của mình. Phác họa của tôi về người văn nhất thể sai bét và phải vò nhàu, ném vào vô tận. Tôi đọc Thụy Khuê rồi mới gặp người, còn bà gặp tôi rồi mới đọc văn, giao hảo của kẻ viết văn, người viết phê bình bắt đầu từ đó, tất cả đều nhờ công giàn xếp của lão Tạ. Không rõ do tôi viết hợp cạ, trúng ý, khớp chủ đề với trường đọc của Thụy Khuê mà bà rất đắc ý, tán thưởng những gì tôi viết, không chỉ truyện, ghi chép mà cả tùy bút ngắn dưới dạng nhật ký, thư ngày, sự gửi và đọc giữa chúng tôi đến nay vẫn kéo dài, không dấu hiệu đứt gãy như lời truyền tai “mỗi một nhà văn đều chôn một nhà phê bình” của cánh viết văn trong nước.

Đời viết văn có vô khối độc giả, những người chịu đọc, chịu mua để người viết khỏi chết đói nhưng bạn văn thì không quá 5 người, càng viết lên, càng ra sách, lọt vào mắt xanh của tiền bối thì càng thiếu bạn, bạn bè cũ mới lũ lượt rời đi không lý do, không hẹn ngày gặp và sẵn sàng đơm đặt, bôi bác hòng triệt hạ lẫn nhau. Từ lúc bắt đầu viết, nhá nhem chút thành tựu cỏn con từ những bài đăng báo, tập truyện nhỏ (tự in rồi vứt vào gánh đồng nát) tôi đã nếm được sự cay đắng, nghiệt ngã của thói đời. Người chịu đọc, quý mến tôi thì không viết văn và đọc không hiểu. Duy chỉ có Tạ Duy Anh là luôn ủng hộ, sau đó là chị Đặng Thơ Thơ của tạp chí Da Màu, người luôn đọc kỹ bài vở của tôi rồi nhận xét những truyện hay, góp ý các truyện còn sai sót, lỗi, hổng và cho tôi quyền sửa hoặc giữ nguyên – điều hiếm gặp thậm chí không tồn tại ở ngành biên tập trong nước. Hai người họ, xét vai về đều là tiền bối của tôi nhưng trong lòng tôi luôn ghi nhớ họ là bạn văn, cũng theo phép tính ngang ngược không phân bậc đó thì Thụy Khuê là bạn văn thứ ba, cũng là người tốn nhiều tâm huyết với tôi nhất, từ tâm sự nghề viết cho đến những bài phê bình dài hàng chục trang.

Nhìn lại những gì Thụy Khuê làm thì bà luôn kỳ công đọc, viết phê bình giải khóa cho hàng loạt các tác phẩm tốt, mặc cho vết hằn anh em cắt đôi thế hệ, người ở người đi, văn nghệ chia hai. Bà đọc cả hai luồng chữ, Hải Ngoại và Trong Nước. Thụy Khuê tìm và lọc những kho tàng ngầm, ẩn giấu trong màn sương nhiễu nhương chướng khí. Đã là nghệ thuật thì không có sự phân chia giai cấp, không bè phái, không thù hằn, miễn đấy là nghệ thuật thì con dân trăm quốc đều quy về một mối. Thụy Khuê đọc các tác phẩm khó và viết phê bình theo cách dễ hiểu nhất, ai cũng có thể tham khảo để dò ra dụng ý tác giả. Tôi không chắc Thụy Khuê có thể giải mã trăm phần trăm, bởi ở nhiều tác phẩm, có những đoản văn, tình tiết, hình ảnh liên đới với đời tư của nhà văn, nghĩa là nhà văn chỉ trong trạng thái, cảm xúc đó mới trạm trổ ra, sự xuất thần này như một phép màu của nghệ thuật, câu văn biến hóa thành nhiều giọng nói, nhiều cách nghĩ, cách hiểu, và Thụy Khuê luôn phải vắt óc để tìm ra câu trả lời khớp nhất. Lý Đợi từng gọi cuốn Cấu Trúc Thơ của Thụy Khuê là bí kíp đọc thơ, đọc để hiểu cách đọc, giải nghĩa thơ. Tương tự thế, công trình phê bình của bà nhằm tạo nền tảng, là cánh cửa hé người đọc dẫn vào cuốn sách, sau đó mỗi người sẽ đọc lại tác phẩm và khai phá góc nhìn mới của mình. Người hiểu Nguyễn Huy Thiệp hơn cả Nguyễn Huy Thiệp là Thụy Khuê, và người đọc chắc Nguyễn Bình Phương nhất cũng là bà. Thậm chí những gương mặt triển vọng, mới ló như Từ Nữ Triệu Vương và Phạm Ngọc Lương bà cũng bỏ công viết bài, phỏng vấn – trường hợp của tôi cũng vậy. Tuồng như mọi thứ bà làm đều vì lợi ích của thế hệ trẻ. Đòn roi, tai ách thì bà chịu, còn người hưởng lợi nhiều nhất là chúng tôi: được tôn trọng. Văn mình được đọc nghiêm túc và có sự trao đổi thẳng thắn thật lòng qua những bài phê bình, phỏng vấn, nhất là sự tán thưởng đến từ một người nổi tiếng, có trong tay những công trình đồ sộ nhiều thể loại. Ở Việt Nam, ở thế hệ cuối 1970, đầu 1990 của tôi, nếu muốn được nhà văn, nhà phê bình có tiếng đọc thì phải chịu khó qua lại, quà cáp, bèo thì tặng sách kèm chai rượu tây, mạnh thì phải mào đầu bằng một mối quan hệ nào đó trong giới văn. Dĩ nhiên vẫn phải có quà, vuốt ve lời ngọt thì họ mới chịu đọc, viết dăm dòng giới thiệu trên mặt báo, con đường thăng tiến từ đó mà lên. Theo đa số bạn bè cũ, đàn anh đàn chị của tôi, hoặc từ những thông tin rò rỉ công khai tôi nghe được từ các bô lão, thì đám viết trẻ có chút năng lực và cánh già dốt nát đều đi con đường đó, có trường hợp còn phải dẫn gái, đãi thân mình cho quan lớn. Thụy Khuê ở trên đám văn nhân mặt nạ đó, ngự một tầng trệt bất khả xâm phạm, ấy vậy mà bà vẫn bỏ công leo xuống tìm gặp lũ chúng tôi. Tôi không chắc về sự kỳ vọng đột phá, tẩy rửa nền văn nghệ minh họa. Tôi cho rằng đấy là tấm lòng của bà với thế hệ kế cận, bởi chúng tôi đang ở trong bãi lầy và cần có một bàn tay để kéo mình khỏi bị nhấn chìm, chí ít cũng là chút ánh sáng mỏng để chúng tôi thấy và biết mình ở đâu, nẻo nào là đường ngay hướng nào là quỷ lộ.

Tôi gặp Thụy Khuê hai lần. Lần đầu là năm 2017, bà về nước, in cuốn Phê Bình Văn Học Thế Kỷ 20. Lần thứ hai là 1 năm sau, bà và phu quân về hiến tặng tranh của Lê Thị Lựu cho bảo tàng Mỹ Thuật Sài Gòn. Toàn bộ tranh đều thuộc sở hữu của vợ chồng bà, bức được tặng, bức sưu tầm, mua lại. Dẫu cô Lựu đã về thiên cổ, tranh vẫn được ngắm nhìn, hưởng hơi thở của người, cộng hưởng thành cuốn sách Lê Thị Lựu, Ấn Tượng Hoàng Hôn. Mấy năm sau, Thụy Khuê muốn hoàn thành kế hoạch hiến tranh Lê Bá Đảng nhưng kẹt dịch Covid, phần vì tuổi tác, đau ốm liên miên nên phải 6 năm sau mới thu xếp được. Dường như, Thụy Khuê là con người nghiêm túc trong công việc, đi đâu, làm gì cũng có kế hoạch, tính nguyên tắc của bà rất tây phương, rất Nhật chứ chẳng có cuộc chơi suông cốt chỉ hưởng thụ. Sự kiện vợ chồng Thụy Khuê tặng tranh, lắm kẻ nể cũng nhiều người ganh ghét, đố kỵ. Cố nhiên, người trưởng thành về cốt cách thì không chấp Những Đứa Trẻ Chết Già.[1] “Để tranh trong nhà thì chỉ mình được ngắm, còn đem về Việt Nam, tặng cho bảo tàng thì nhiều cộng đồng, nhiều thế hệ của dân tộc được biết, thấy và hiểu về giá trị hội họa của tiền nhân!” Thụy Khuê đã nói và viết thế.

Quá trình cho tranh của Thụy Khuê làm tôi nhớ đến nhà thơ Phan Vũ. Những năm cuối đời ông vẽ tranh, tình yêu với Hà Nội ông gửi cả vào đó. Trước lúc qua đời ông có ý tặng hết tranh cho một bạn trẻ ở Hà Nội nhưng không được. Cũng là hiến tranh bất vụ lợi, Phan Vũ tặng tranh cho người hiểu về ông, còn Thụy Khuê gửi lại họa trường cho di sản dân tộc. Dụng công của nhân vật sót lại, kết thúc thế hệ Nhân Văn Giai Phẩm và người đi tìm sự thật về vua Gia Long đều cao quý, trao lại, tặng hết mọi thứ cho đời cho người, rồi trắng tay, nhẹ bẫng, còn sức là còn làm, cho đến ngày xe ngựa xuống đón thì gật, vẫy tay chào thiên hạ.

Sống, mỗi người chờ mong một kiểu, riêng tôi thì hăm hở vì gặp lại Thụy Khuê thêm lần nữa. Chẳng cần thư từ qua mạng, mỗi lần viết thư, gửi bài lại phải chờ đợi, người này rảnh người kia bận, múi giờ lệch nhau nên lúc nhận, đọc, hồi âm cũng kẻ đêm người sáng dẫu cả hai đều có thói quen bào chữ đêm. Viết thư là hình thức dò xét tình trạng sức khỏe, tâm tính qua hàng chữ, việc đọc chữ cũng là cuộc đối thoại câm, âm thầm, không giọng nói, không hình người, không tiếng dép xoẹt trên đất, không có sự phập phồng của mạch máu, không hơi thở không ánh mắt tiếng cười, muốn thấy mặt người thì phải lặng im tưởng tượng, đọc rồi viết thư là trạng thái độc thoại trong đối thoại, người đọc người viết đều ngồi ở căn phòng trống, không ai bên cạnh, hoàn toàn cô độc.

8 rưỡi tối, thứ Sáu ngày 16 tháng 2, vợ chồng Thụy Khuê ra Hà Nội, vẫn khách sạn nhỏ ở xóm Hà Hồi. Sắp phòng xong là bà gọi cho tôi, đánh tiếng trước và tôi sang diện thánh ngay lập tức. Nhiều lúc, tôi thấy mình như một tay Việt Kiều, lúc nào cũng ngó nghiêng dầu con phố, tuyến đường, cái cây, hàng quán đó tôi đã đi qua trăm lần, nhưng sểnh ra là quên đường, lâu ngày không ra ngoài là lớ ngớ, lạc đường. Có bận tôi vào Sài Gòn, bước xuống sân bay thì tỉnh bơ nhưng mấy hôm sau vào lại Tân Sơn Nhất thì lạc lối không biết đâu vào đâu, may mà còn dò được lối để kịp chuyến bay về Hà Nội. Xóm Hà Hồi lần nào tôi vào cũng lạc, bởi bên ngoài ghi Hà Hồi, phía trong lại ghi Hạ Hồi. Cái xóm dân cư cổ xưa này lại có ba hướng rẽ ra ba tuyến đường khác nhau. Mấy năm trước lần nào đến gặp Thụy Khuê tôi cũng phải gọi điện nhờ một bà bên Pháp lâu năm chỉ đường cho một đứa ở Hà Nội từ bé. Năm nay, tôi không quên đường, vì trước Tết đã dò hết từng lối ngõ, nhưng cũng mém trễ hẹn. Rõ là đúng cái khách sạn, dãy cầu thang đó, chú Luyện đợi sẵn ở sảnh và Thụy Khuê mở sẵn cửa, nhưng tôi vẫn gõ nhầm phòng, đành gọi điện. Ông chú dưới sảnh chờ mọc rêu, chả rõ tôi đi lên lúc nào nhanh thế, vèo cái như bóng ma. Tôi gọi ở dưới, Thụy Khuê nói ở trên, thế rồi cả ba cùng vào phòng.

 

clip_image004

Thụy Khuê và tác giả

 

Vẫn dáng người nhỏ, thấp như con quạ gáy xám nhưng Thụy Khuê tiều tụy đi nhiều, người gầy rộc, rúm lại trong lớp áo mỏng, khí sắc bà nhạt đi, tóc lơ thơ, đỉnh đầu xói gần hết tóc, giọng nói bắt đầu khàn, đục và lợ cợ, tiếng như bị quẩn bị vướng. Trước lúc về Việt Nam, bà đã dàn sẵn lịch trình vào Nam, ra Bắc, kèm theo dòng chú thích Giờ cô già lắm rồi, chắc em không nhận ra cô đâu, biết thế nhưng tôi vẫn chột dạ, rùng người vì sự nghiệt ngã của thời gian. Đến Trần Vũ còn đầu tóc bạc phơ nữa là Thụy Khuê. Quanh tôi ai cũng già đi, lắm kẻ còn phát tướng đến biến dạng. Ông anh họ hơn tôi 5 tuổi cũng tóc hoa râm, hói nửa đầu. Mỗi tôi là trẻ trung, và cái giá của sự trẻ lâu là tôi phải chứng kiến sự lão hóa ở cuộc đời văn hữu, tự thấy mình không theo kịp họ và đang dần mất đi từng người.

Lần này, Thụy Khuê và chồng về có ba việc, tặng tranh Lê Bá Đảng cho bảo tàng, xuất bản cuốn sách về họa trường họa sỹ họ Lê, và đến nhà Nguyễn Huy Thiệp nói chuyện nhân ngày khánh thành phòng triển lãm/lưu niệm Thiệp ở nhà ông. Mọi tài liệu, hình ảnh, các bài viết về Nguyễn Huy Thiệp ở Pháp trong thời gian sang Pháp bà đều giữ như kỷ vật cố nhân, giờ thì bà gửi lại hết cho gia đình Thiệp. Đến pho tàng ký ức với người bạn, người em ở cõi văn, Thụy Khuê còn trao lại, thì tôi không còn thắc mắc, nghĩ ngợi gì về việc vợ chồng bà xả kho, hiến tranh bất vụ lợi cho bảo tàng. Ông thầy tôi, Phạm Toàn cũng từng đem cho cả kho sách, lúc làm sách Cánh Buồm thì tự bỏ tiền túi ra in rồi đem cho cộng đồng. Ông từ chối quyền bảo vệ tài sản trí tuệ, để ai có nhu cầu tham khảo cứ kéo về, có bổ sung, sửa chữa thì càng tốt. Dường như trí thức lớn luôn có chung một tư tưởng. Bảo là vì dân tộc, khai trí dân sinh thì hơi quá, có nói cũng chẳng ai nghe, lại còn xách mé, nên tôi cho đó là sự trao gửi cần thiết để hỗ trợ bước tiến của dân tộc. Chúng tôi sẽ phải nhìn lại giá trị của tiền nhân, tự nhìn mình, ngẫm về những hành động cao cả của họ. Ưu tiên hàng đầu của Thụy Khuê vẫn là công việc, Nước mình có nhiều nhà văn giỏi nhưng lại quá ít nhà phê bình. Viết văn, thêm mình cũng không nhiều hơn, tôi vẫn nhớ Thụy Khuê từng nói thế trong một cuộc phỏng vấn trên BBC (hoặc RFA, VOA gì đó) trong chuyên mục bàn về văn học nghệ thuật. Nhà văn quan sát cuộc sống, tra vấn nội tâm của mình, của người để sáng tác. Nhà phê bình quan sát tác phẩm của nhà văn, phân chất mỗi chữ, mỗi lời, để tìm ra cái sườn tư tưởng và nghệ thuật của tác giả. Nếu nhà văn hoàn toàn tự do trong sự tưởng tượng của mình về cuộc đời, về con người, thì nhà phê bình phải giới hạn sự tưởng tượng trong chữ nghĩa của tác giả mà mình khảo sát, không thể tán, bịa, hoặc gán ghép những điều không có trong văn bản, tức là không thể nói trắng thành đen, cái dở ngụy biện thành cái hay. Nhưng nếu không có óc tưởng tượng, nhà phê bình cũng không đọc được những gì ẩn sau chữ nghĩa của tác giả. Nếu không có óc sáng tạo, người phê bình cũng chỉ chép lại những nhận định của người đi trước, mà không nghĩ ra được những ý mới. Chúng ta nên biết: chính tác giả nhiều khi cũng không «hiểu rõ» tác phẩm của mình bằng người phê bình. Những gì tác giả cảm nhận về tác phẩm của mình chỉ đúng với nghĩa của tác giả. Nhưng một tác phẩm giá trị thường có nhiều tầng ý nghĩa. Ở những bài phê bình hay, tác giả có thể «học» thêm được những ý nghĩa mới trong tác phẩm mà chỉ có người phê bình giỏi mới phát hiện ra. Khi người ta nói đến sự cộng tác giữa tác giả và người phê bình là trong cái nghĩa đó. Và khi người ta nói “tác giả đã chết,” có nghĩa là tác giả không còn “thẩm quyền” nhận định về tác phẩm của mình, mà chính văn bản sẽ “nói”thay tác giả, và đấy là lời chia sẻ của Thụy Khuê trong bài phỏng vấn do Lê Quỳnh Mai thực hiện (2012). Kiến giải này của bà tôi đã biết khi đọc Sóng Từ Trường và được trải nghiệm trong loạt bài bà phán về văn của tôi.

Phần lớn lớp cầm bút, phê bình trước đó, hiện nay và sau này thì xuất bản sách là để lấy số, đánh động sự chú ý, thêm danh. Tà đạo hơn thì triệt hạ tài năng bằng những bài phê bình thổ tả như trường hợp ông giáo sư, mỹ học phê bình đánh Nguyễn Huy Thiệp rồi bị ông vả lại qua hình ảnh giáo sư Kháng trong truyện Những Người Thợ Xẻ. Giới phê bình bố đời tin rằng mình bóc văn ai là trúng phóc. Họ không lắng nghe, không tin ai chứ đừng nói là đọc lại chữ của mình, Thụy Khuê khác biệt ở chỗ biết lắng nghe phản hồi của người góp ý, rồi sửa, thậm chí viết lại, triển khai thêm theo đúng tinh thần phê bình văn học. Viết vậy chắc không ai tin nên tôi cứ lấy bằng chứng sống là bản thân mình. Ngay từ bài phê bình đầu tiên Thụy Khuê viết cho tôi, tựa là Thế Giới Trong Bao, đọc xong tôi đã có góp ý về chỗ này chỗ kia, chỗ tôi viết theo nghĩa này, bà đọc, diễn hóa đúng hoặc gần đúng, lắm lúc bà còn triển khai thành một tầng nghĩa tôi không nghĩ đến (Mạnh Hoạch trong truyện Xe Ngựa và ẩn dụ thác sinh trong Gió Tang). Lúc tôi gửi thư, tiết lộ về một số truyện phải bỏ ra thì bà đòi đọc ngay và triển khai, viết dài bài thêm, chỗ viết lỗi thì sửa, chỗ còn hở thì lấp dày. Tạ Duy Anh vẫn trách tôi vì sự bố láo, không biết trên dưới, được người ta viết cho là tốt rồi, tranh cãi làm gì, nhưng tính tôi ương từ bé, dễ dãi với mọi thứ trừ văn chương. Phải người khác thì bài phê bình đã bị xóa đi, rồi cạch mặt, sới văn lại có thêm điển tích về một tay viết trẻ ngựa non háu đá. Tôi gặp may vì người viết là Thụy Khuê, cũng có thể chính bà chỉ quan tâm làm sao hoàn thành bài phê bình một cách chính xác và rõ ràng nhất.

Cuộc hội ngộ kéo dài gần ba tiếng rưỡi. Chúng tôi nói về sách, về nghề, sự rủi ro không thể tránh mỗi khi cuốn sách được xuất bản. Thụy Khuê, Tạ Duy Anh và tôi từ lâu đã hình thành thế chân vạc: tôi viết; Thụy Khuê đọc, viết bài phê bình dưới danh nghĩa tựa, bạt; Lão Tạ làm công đoạn biên tập và toan tính để in đâu đó và lần nào cũng tắc, xôi hỏng bỏng không. Tôi không rõ lý do hai người hao công tốn sức với tôi nhiều đến thế, họ muốn động viên, khuyến khích hay đó chỉ là lòng từ tâm, xót xa cho một phận viết khốn khổ. Căn cớ nào chăng nữa, ân tình của Tạ và Thụy Khuê tôi cũng phải ghi lòng tạc dạ, sống để bụng chết mang theo. Bữa đó, tôi gửi Thụy Khuê một bản thảo in từ quán photo, tập truyện Gai Mây, dấu ấn giữa ba người, bởi in không được mà bỏ tiền ra thì thiếu và không kịp, nên tôi gửi tặng bà bản thảo làm món quà đầu năm.

Năm vừa rồi, loạt bài về Vũ Trọng Phụng, Nam Cao của Thụy Khuê chịu nhiều chỉ trích, tôi tìm hiểu thì không thấy có bài viết nào mang tính tranh luận mở cả. Đám đông đọc lướt, thấy nghịch ý, xói tai nên hùa nhau viết những dòng cà kê hàng chợ. Tính người Việt là thế, luôn bị ngợp bóng cây cao, quen tập tính lối xóm xôm tụ, ngồi với nhau hoặc khen hoặc chê, cái nào cũng đại khái, không có lập luận, lập trường riêng. Kawabata viết rất nặng về cuốn Nhân Gian Thất Cách của Dazai, và Dazai cũng phản bác lại bằng giọng cay cú. Yukio Mishima tuyên bố không đọc sách của Dazai nhưng vẫn biết đàn anh là một nhà văn giỏi. Đấy là chuyện bên Nhật. Ở Việt Nam, thời Tự Lực Văn Đoàn, Nhân Văn, rồi đến 20 năm Văn Học Miền Nam, giới văn bút chiến nhau ghê lắm nhưng họ viết thành những bài tranh luận từ điểm nhìn riêng, họ không công kích, bôi nhọ cá nhân. Trận đấu có quyết liệt đến không nhìn mặt nhau thì vẫn nể và trọng tài nhau, có người sau này nhìn lại thấy hối hận, bởi thời cuộc bắt họ làm thế để tồn tại. Tư duy đọc, nghĩ thay đổi theo tuổi tác, miễn là biết tự vấn, đọc lại chính mình – đấy là điểm cốt yếu của một trí thức lớn. Nền văn nghệ đương thời mất đi cái khí khái trượng phu của tiền nhân, tôi cho đấy là bước lùi, chậm tiến so với văn nghệ thời xưa. Người Châu Âu, người Nhật, người Hàn luôn nhìn lại, xét cái hay cái dở của vĩ nhân, cái phù hợp, dùng được cho thời đại thì theo, cái sai, lỗi thời thì cất vào quá khứ. Họ không chối bỏ, thanh tẩy lịch sử mà lấy đó làm nền tảng thay đổi đất nước, nên họ luôn có những công trình phát minh, những tác phẩm đột phá. Nước ta thiếu điều này. Muốn có tác phẩm lớn thì cần có một cá tính lớn, dám nghĩ, dám quyết, dám ly khai mình khỏi bầy đàn văn nghệ lôm côm, khai phá con đường riêng, ai cũng có quyền bước vào nhưng người đi đến tận cùng mới là thủ lĩnh. Thụy Khuê hay bị cái vạ từ chữ nghĩa. Lối nghĩ thay đổi theo năm tháng, lối viết của bà quá mạnh bạo, thẳng thắn, với phê bình thì song hành với tác phẩm, mở rộng biên giới của sáng tác, với biên khảo lịch sử thì luôn có dẫn chứng rõ ràng, ai chưa biết thì tham khảo, ai thấy sai, thấy thiếu có thể góp ý vào bài. Làm việc một mình, phận nữ lưu, tuổi xế chiều, có trong tay bốn công trình lớn,[2] Thụy Khuê vẫn miệt mài, không chịu nghỉ hưu vui thú điền viên, nên bị đố kị cũng không lạ. Tai bay vạ gió nhưng bà không quan tâm, đôi lần chỉ buồn vì thấy trong đám đông cầm gạch có khuôn mặt của bạn nghề giao hảo lâu năm. Tuổi già không làm bà lười đi, ngược lại, bà coi đấy là sự thách đố, thời gian càng ít thì Thụy Khuê càng muốn tranh thủ lúc thần trí còn minh mẫn hoàn thiện những biên khảo còn dang dở.

“Cô cũng chỉ sống được 5 năm nữa thôi, xong bộ sách về vấn đề Truyền Giáo và chữ Quốc Ngữ là đi.” Lời nặng nề nói ra nhẹ bẫng. Rồi Thụy Khuê và tôi cùng im lặng, Lê Tất Luyện ngồi kế bên ngớ ra, đăm chiêu, mái tóc bạc khiến ông già thêm vài tuổi, không khí căn phòng như chùng xuống, trôi đi theo ý nghĩ của mỗi người. Thuyền rơi vào xoáy, ngất ngư say rồi cũng rẽ sóng đón bình minh. Chúng tôi lái sang chủ đề các nhà văn thời trước và sự héo hắt của người viết bây giờ, chưa có tín hiệu nào, đành chờ sự xuất hiện của những anh tài ẩn dật. Chuyện mãi đến tối muộn bà mới miễn cưỡng tiễn khách, trước lúc về, bà không quên dọa tôi rằng chỉ sống được thêm 5 năm nữa. Lần này tôi phì cười trong bụng, chết không dễ thế, trời chưa cho thì đừng mong chạy trốn.

22/3/2024

 


Chú thích

[1] Tên cuốn tiểu thuyết của Nguyễn Bình Phương.

[2] Tôi chọn ra 4 thể loại của Thụy Khuê. 1. Phê bình văn học: Phê Bình Văn Học Thế Kỷ 20, Sóng Từ Trường, Cấu Trúc Thơ. 2: Biên khảo lịch sử: Vua Gia Long và Người Pháp, Tự Lực Văn Đoàn. 3: Viết về hội họa: Lê Thị Lựu, Ấn Tượng Hoàng Hôn, Họa Trường Lê Bá Đảng. 4: Biên khảo chính trị: Nhân Văn Giai Phẩm và vấn đề Nguyễn Ái Quốc.

bài đã đăng của Tru Sa

Phần Góp Ý/Bình Luận


Xin vui lòng bày tỏ trách nhiệm và sự tương kính trong việc sử dụng ngôn ngữ khi đóng góp ý kiến. Da Màu dành quyền từ chối những ý kiến cực đoan, thiếu tôn trọng bạn đọc hoặc không sử dụng email thật. Chúng tôi sẽ liên lạc trực tiếp với tác giả nếu ý kiến cần được biên tập.

Lưu ý: Xin vui lòng bỏ dấu tiếng Việt để giúp tránh những hiểu lầm đáng tiếc từ độc giả trong việc diễn dịch ý kiến đóng góp. Bài không bỏ dấu sẽ không được hiển thị. Xin chân thành cám ơn.

@2006-2023 damau.org ♦ Tạp Chí Văn Chương Da Màu
Log in | Entries (RSS) | Comments (RSS)