Trang chính » Tư Liệu, Văn Học Miền Nam Việt Nam 1954-1975 Email bài này

Một chút Trần Phong Giao

 

 

Tôi mê viết lách từ nhỏ.

Viết nhiều, gửi nhiều nhưng mãi đến năm 1967, lần đầu tiên tôi mới có tác phẩm được đăng trên báo văn học Sài Gòn. Đó là một bài thơ: Cuồng ngâm (tạp chí Văn số 97, mùa hè 1967). Thú thì thú, nhưng tôi vẫn chưa “toại nguyện” vì thích truyện hơn.

Lại viết viết gửi gửi. Cho đến lần đó, khoảng giữa năm 1968, tôi được toại nguyện…hụt. Số là trong một số báo Văn (tôi quên số), phần nhắn tin cho tôi, tòa soạn cho biết: Ban Tuyển Đọc đã chọn truyện Dấu tích đời để đăng, nhưng đáng tiếc là truyện có nhiều chi tiết không thể lọt qua được lưỡi kéo kiểm duyệt, những chi tiết mà nếu bỏ đi thì truyện sẽ không còn đứng vững, tòa soạn mong bạn gửi cho sáng tác khác. Một lời nhắn tin rất ngắn, nhưng rất dài đối với tôi. Tôi vừa cảm thấy sung sướng vừa thất vọng và ấm ức.

Trong lúc tôi cặm cụi cố viết một truyện khác, thì bất ngờ làm sao, chừng hai tuần sau đó, tôi nhận được thư từ tòa soạn Văn, một lá thư đánh máy rất cẩn thận với cái “logo” báo Văn ở đầu trang. Thư ký tòa soạn Trần Phong Giao “vui mừng” báo cho biết là, bằng một cố gắng riêng, ông đã được sở kiểm duyệt cho “đi” truyện ngắn Dấu tích đời. Không lâu sau đó, Dấu tích đời – kể chuyện một bà mẹ tưởng con gái mình đi làm ăn lương thiện để nuôi mình, cuối cùng khám phá ra là cô dối mẹ, hành nghề mãi dâm với lính Mỹ – xuất hiện trên Văn 121, số kỷ niệm Đệ Ngũ Chu Niên, phát hành vào đầu năm 1969.

Đúng là tôi có duyên với Văn, và qua đó, với Trần Phong Giao!

Với truyện ngắn đó, tôi bắt đầu được anh xếp vào hàng ngũ “Những cây bút trẻ”, nhóm từ mà cho đến bây giờ nghe lại, vẫn cảm thấy nao lòng, vì nó nhắc nhở đến những buồn vui thời tuổi trẻ. Nếu không có sự quan tâm của anh, có lẽ nó sẽ không được đăng. Và nếu không được đăng, không biết tôi còn đủ tự tin tiếp tục viết và gửi để chỉ thấy tên mình nằm dài dài trong hộp thư tòa soạn! Sau đó, thì hầu như truyện nào tôi gửi cho Văn cũng được “qua cầu”. Và (tôi nghĩ, biết đâu) nhờ có mặt trên Văn, truyện và các bài viết khác của tôi cũng đã dễ dàng xuất hiện trên một số báo văn học khác như Vấn Đề, Bách Khoa, Khởi Hành và cả tạp chí Đối Diện. Tóm lại, Dấu tích đời, hiểu theo một nghĩa nào đó, thì như một cái vé vào cửa “văn giới” đối với tôi.

Năm 1969, trong thời gian đi học và đi làm ở Sài Gòn, ở trọ trên đường Phát Diệm – cách tòa soạn Văn không xa, khoảng chừng hơn cây số, lại nằm trên đường đi về hàng ngày -, tôi nhiều lần ghé thăm Trần Phong Giao. Như nhiều bạn văn đã đề cập, kinh nghiệm lần đầu gặp ông thư ký tòa soạn này là một kinh nghiệm khó quên: một con người khô khan, lạnh lùng, nếu không nói là …bất lịch sự, trái hẳn với những lời nhắn tin đầy “tình thân” trên Văn hay trong những lá thư gửi riêng cho người viết. Bước vào tòa soạn – thực ra, chỉ là một cái phòng nhỏ nằm sát lề đường, bề bộn giấy tờ, sách báo -tôi gặp một người đàn ông đang chăm chú nhìn lên cái bàn máy chữ nhỏ, gõ lọc cọc. Nghe tiếng tôi chào, người đàn ông vẫn cắm cúi làm việc, dường như chẳng hề biết có người đang đứng sát bên. Khi nghe tôi hỏi xin được gặp ông thư ký tòa soạn, thì người đàn ông đáp, trong lúc vẫn không rời bàn máy chữ “Cậu cần gặp có việc gì?”. Tôi nói tên, tưởng là ông sẽ ngừng đánh máy, quay đầu lui, chào hỏi, nhưng không, ông chỉ nói: “Thế à!” một cách dửng dưng và…vẫn tiếp tục làm việc. Chán nản và bối rối, tôi chào ra về. Lúc này, ông ta mới ngẩng mặt lên nói: “Khi nào rảnh, nhớ ghé chơi”. (Nguyễn Mộng Giác đã biến kinh nghiệm rất chung đó với Trần Phong Giao thành một cảnh tượng khá sống động trong “Mùa biển động” tập 4, chương 86.)

Bực thì bực, nhưng vẫn ghé. Dần dà rồi cũng quen thân. Biết tính anh, tôi chỉ ghé khi nào thật cần và thường là vào buổi chiều khi anh sắp nghỉ việc. Thỉnh thoảng, ít việc, anh rủ tôi ra chợ Thái Bình uống nước, chuyện gẫu. Có lần anh rủ tôi về căn nhà nhỏ ở dưới chân cầu Kiệu, đường Hai Bà Trưng để uống rượu. Tóm lại, một Trần Phong Giao hoàn toàn khác.

Như Trần Hoài Thư nhận xét, ít có tờ báo văn học nào ở Sài Gòn thời đó mà quan tâm nhiều đến những cây bút trẻ đang cầm súng chiến đấu trên các chiến trường như tạp chí Văn, hay nói cụ thể hơn, như Trần Phong Giao. Không những đăng nhiều truyện ngắn nóng hổi viết và gửi vào từ mặt trận, người thư ký tòa soạn này còn tỏ ra lo lắng đến số phận họ. Tôi còn nhớ, có lần anh cho biết là đã nhờ người quen trong Tổng Tham Mưu kéo Y Uyên – lúc đó đang ở một đơn vị chiến đấu ngoài mặt trận ở Tuy Hòa – về Sài Gòn hay về một hậu cứ an toàn nào đó. Nhưng đáng tiếc là, một thời gian ngắn trước khi Y Uyên nhận được giấy thuyên chuyển, anh đã tử trận, khoảng mùa hè năm 1969. Tài hoa bạc mệnh! Trần Phong Giao buồn lắm. Tiếc nữa, vì Y Uyên là một cây bút “cưng” của Văn (và cũng của Bách Khoa). Hầu hết truyện của Y Uyên đều viết về những khổ nạn chiến tranh. Văn Y Uyên có một phong cách rất riêng, hiện thực mà vẫn bay bổng, chi li nhưng không quá sa đà. Thú thật, tôi “mê” văn Y Uyên, mê lối viết điềm tĩnh của anh. Điềm tĩnh lạ lùng. Điềm tĩnh mà đau buốt. Cho nên khi Trần Phong Giao yêu cầu tôi viết bài cho số Văn tưởng niệm Y Uyên, tôi nhận lời ngay.

Số tưởng niệm đó ấn hành đâu vào năm 1969 hay 1970 (tôi không nhớ rõ chính xác thời gian) là một số báo khá dày, với sự đóng góp của nhiều bạn văn và nhà biên khảo. Riêng tôi, tôi viết bài “Khuôn mặt chiến tranh trong tác phẩm Y Uyên[1], phân tích cách mô tả chiến tranh trong các truyện ngắn của anh. Tất cả tiền nhuận bút của số báo này đều được các tác giả đồng ý gửi về cho gia đình Y Uyên để làm tấm bia mộ cho anh, gọi là chút tấm lòng của những bạn văn đối với người quá cố.

Ngoài việc trông coi tờ Văn, Trần Phong Giao còn là chủ biên của một tập san khác: Tân Văn, nguyệt san nghiên cứu, phê bình và sáng tác, phát hành đồng thời với tờ Văn, chủ yếu nghiêng về biên khảo. Biết tôi cũng thích viết tiểu luận, anh mời tôi viết bài thường xuyên cho tập san này. Tôi cảm thấy vinh hạnh vì được tin cậy, nên nhận lời. Và viết ngay bài điểm sách Một cách buồn phiền, tác phẩm đầu tay của Lê Văn Thiện (bút hiệu là Văn Lệ Thiên), một cây bút trẻ (cũng là lính) thường xuất hiện trên Văn, do tạp chí Văn vừa xuất bản lúc đó, in trên Tân Văn số 13, tháng 5/1969. Anh giục tôi viết thêm, nhưng tôi ham sáng tác, lại bận bịu việc học, việc làm nên hứa hoài hứa mãi mà không có thêm bài nào. Năm sau, tôi được tuyển dụng về Huế đi dạy học, rồi nhập ngũ. Đến cuối năm 1971, tôi mới được biệt phái về lại trường. Cũng năm đó, Trần Phong Giao chia tay với nhà xuất bản Nguyễn Đình Vượng, tờ Văn chuyển qua Nguyễn Xuân Hoàng và Tân Văn thì đình bản. Đành thôi!

Từ đó, tôi không gặp lại Trần Phong Giao cho đến khoảng năm 1985 – thời gian này, tôi thường hay ra vào Sài Gòn chạy vạy kiếm sống -, tôi tình cờ gặp anh ở một quán cà phê vỉa hè ở khu chợ trời Huỳnh Thúc Kháng. Cùng đi với anh là ông Lê Ngộ Châu của tạp chí Bách Khoa và một cây bút Sài Gòn cũ tôi quên tên. Trông anh buồn bã và chán nản (thực ra thì lúc đó, tất cả mọi khuôn mặt đều buồn bã và chán nản như thế!). Chúng tôi chỉ trao đổi dăm ba chuyện mưa nắng thời tiết, rồi thôi. Nói cho cùng, cũng chẳng có gì nhiều để nói với nhau.

Đó là lần cuối tôi gặp Trần Phong Giao.

Nhân nhà văn Nguyễn Xuân Hoàng, Trần Hoài Thư và Da Màu đề cập đến Trần Phong Giao, tôi cũng xin góp tay ghi lại một vài kỷ niệm. Riêng và chung. Gọi là nhắc nhớ.

Nhắc nhớ một người đồng thời nhắc nhớ về một tờ báo mà cũng là nhắc nhớ về một thời.

Nhắc và nhớ.

Nhắc để nhớ.

Trần Hữu Thục

(10/2009)

 

Phụ Lục:

I. Hình bìa trước và bìa sau của Tân Văn (do Trần Hoài Thư chụp)

clip_image002clip_image004

 

Ị Bài của Tam Ích (đã chết) và bài của Trần Hữu Thục trên Tân Văn

(Hình do Trần Hoài Thư chụp)

clip_image006clip_image008


[1] Sau 1975, tôi nhiều lần cố tìm lại số “Văn” này, nhưng không có. Quý anh chị nào còn giữ, nếu có thể, xin cho tôi mượn tạm để tôi photocophy toàn số báo, hay nếu không tiện, cho tôi 1 bản photocopy của bài viết này, để làm tài liệu. Liên lạc qua tòa soạn Da Màu. Xin thành thật cám ơn.

bài đã đăng của Trần Hữu Thục

Cancel


Xin vui lòng bày tỏ trách nhiệm và sự tương kính trong việc sử dụng ngôn ngữ khi đóng góp ý kiến. Da Màu dành quyền từ chối những ý kiến cực đoan, thiếu tôn trọng bạn đọc hoặc không sử dụng email thật. Chúng tôi sẽ liên lạc trực tiếp với tác giả nếu ý kiến cần được biên tập.

Lưu ý: Xin vui lòng bỏ dấu tiếng Việt để giúp tránh những hiểu lầm đáng tiếc từ độc giả trong việc diễn dịch ý kiến đóng góp. Bài không bỏ dấu sẽ không được hiển thị. Xin chân thành cám ơn.

1 Bình luận

  • Phùng Tường Vân says:

    @Trần Hữu Thục
    “VÀI HÀNG VỀ CỐ NHÀ VĂN Y UYÊN Sinh năm 1940 (khai sinh là 1943) tại thôn Dục Nội (nay thuộc xã Việt Hùng), huyện Đông Anh, Hà Nội.
    Năm 1954, theo gia đình vào Nam, định cư tại quận Gò Vấp (Sài gòn). Bắt đầu viết văn rất sớm lúc khoảng 15 tuổi nhưng tác phẩm đầu tay của Y Uyên
    Một chỗ cho người tàn tật chỉ xuất hiện vào năm 1960 trên Bách Khoa, một tạp chí chuyên về biên khảo dành chủ yếu cho giới trí thức ở miền Nam.
    Trong những năm sau đó, ngoài Bách Khoa, Y Uyên còn cộng tác với nhiều tạp chí văn học, văn nghệ khác như Văn, Văn Uyển, Tân Văn…
    Tốt nghiệp trường Sư phạm Sài Gòn,Y Uyên trở thành nhà giáo và được phân công ra dạy học ở Tuy Hòa, Phú Yên. Được ít lâu, Y Uyên bị động viên và theo học trường Võ bị Thủ Đức. Nhà văn mất năm 1969 ở gần núi Tà Zôn, Bình Thuận.

    Tuy mất sớm vào lúc mới có 29 tuổi đời nhưng Y Uyên đã để lại một văn nghiệp tương đối phong phú gồm 6 tuyển tập truyện ngắn và một truyện dài viết trong thời kỳ 1960-1968: Tượng Đá Sườn Non (Thời Mới, 1966), Bão Khô (Giao Điểm, 1966), Quê Nhà (Trình Bày, 1967), Ngựa Tía (truyện dài, Giao Điểm, 1967), Đuốc Sậy (Văn Uyển, 1969), Chiếc Xương Lá Mục (Tân Văn, 1971) và Có Loài Chim Lạ (Tân Văn, 1971). Tạp chí Văn cũng xuất bản một số đặc biệt Thương Nhớ Y Uyên (1969) bao gồm nhiều bài viết của văn hữu và gia đình, bạn bè về nhà văn.”

    link : http://my.opera.com/hoadongphuong/blog/s-ch-d

@2006-2023 damau.org ♦ Tạp Chí Văn Chương Da Màu
Log in | Entries (RSS) | Comments (RSS)