Trang chính » Da Màu và Bạn, Phiếm luận Email bài này

Tuổi con mèo và một vài ca khúc thời thượng

Khi dạy tiếng Việt cho người bản xứ, tới bài "Mười hai con giáp" của người Việt nam, sau khi học cách đối đáp, một cô học viên lên tiếng rụt rè hỏi tôi: "Còn anh tuổi con gì?" Tôi cho biết: "Tôi tuổi con mèo." Rồi lớn giọng đọc câu xét đoán cá tính: "Người sinh vào năm con mèo có ý chí mạnh, giàu cảm xúc, chu đáo, tự tin và khiêm tốn." Sau đó còn khẳng định: "Đúng hết!"

Nhưng có lẽ, đúng hơn cả là bản tính "giàu cảm xúc". Tôi đinh ninh rằng, chính bẩm tính này đã mối mai tôi với người bạn đời văn chương, và làm ma dẫn lối quỉ đưa đường đẩy tôi tới gần các lãnh vực nghệ thuật khác, nhất là sở thích nghe nhạc.

Tôi mê nhạc từ nhỏ. Đâu đấy, trong tận cùng tiềm thức, vẫn còn dư âm giai điệu bài "Chuyến đò vĩ tuyến" của nhạc sĩ Lam Phương, lần đầu tiên tôi được nghe trong dịp được ba má dẫn đi chơi hội chợ ở Thủ đức (còn gọi là "Hội chợ con gà", vì có căng một bảng quảng cáo to tướng vẽ hình một con gà quay ở cổng vào) vào khoảng 1954 hay 1955, một thời gian ngắn sau hiệp định Genève. Tôi chỉ mới 4, 5 tuổi thôi. Vui lắm. Qua giàn loa phóng thanh, một giọng ca nữ liên tục ngân nga: "Đêm nay trăng sáng quá anh ơi, sao ta lìa cách bởi dòng sông bạc hai màu…" Kỳ khôi quá chừng, cớ gì mà kêu than om sòm giữa chốn vui chơi ầm ĩ như vậy? Và, không hiểu sao, nó lì lợm nằm hoài trong trí nhớ tôi, có nhạt nhoà nhưng không bao giờ mất.

Kể từ đó, cuộc đời tôi gắn bó mật thiết với âm nhạc. Thuở nhỏ, với những ca khúc cùng những giọng ca thời thượng trong đầu thập niên 1960: Phương Dung, Hoàng Oanh, Minh Hiếu, Thanh Thuý, v.v… Lúc ấy Sài gòn chưa có vô tuyến truyền hình, âm nhạc chỉ được truyền qua làn sóng phát thanh và dĩa nhựa. Tân nhạc Việt nam còn phôi thai. Ða số ca sĩ kiếm sống bằng cách đi hát tại các vũ trường, phòng trà ca nhạc hay vào những buổi đại nhạc hội tổ chức cuối tuần. Và, thỉnh thoảng, tại các rạp chiếu bóng, trong phần "phụ diễn tân nhạc" vào xuất tối trước khi trình chiếu phim chính. Ðó là thời kỳ hoàng kim của nhạc thính phòng Việt nam, với những giọng ca diễm lệ: Bạch Yến với "Ðêm đông" của Nguyễn văn Thương, Lệ Thanh với "Tiễn em" của Phạm Duy phổ thơ Cung Trầm Tưởng, Thanh Thuý với "Ðường nào lên thiên thai" của Hoàng Nguyên, Minh Hiếu với "Ngăn cách" của Y Vân, Yến Vỹ với "Thuyền trăng" của Nhật Bằng, v.v…

Tới tuổi trổ mã, không biết vì nguyên nhân gì, tôi dứt khoát chia tay tân nhạc Việt nam, để kết giao với nhạc Anh, nhạc Pháp (có lẽ vì ảnh hưởng của một vài cuốn phim ca nhạc Âu Mỹ: "The young ones""Summer holidays" với Cliff Richard và ban The Shadows, cũng như "Cherchez l’idol" có Sylvie Vartan hát "La plus belle pour aller danser", Charles Aznavour hát "Et pourtant" cùng phong trào nhạc Anh Mỹ theo bước viễn chinh của người Mỹ du nhập tràn lan thời bấy giờ ở miền Nam). Có dạo, tình cờ nghe qua đài phát thanh, tôi gặp gỡ một giọng ca đẹp, chất ngất ma lực của ca sĩ Khánh Ly, hát một ca khúc rất hiện sinh, bài "Diễm xưa" của nhạc sĩ Trịnh Công Sơn. Rồi, sánh vai với thời kỳ văn chương, theo tôi, sung mãn rực rỡ nhất của Việt nam, cùng những cơn địa chấn của chiến tranh và thời cuộc tại phía nam vĩ tuyến 17, tân nhạc như những nhánh hoa dại thản nhiên và tự tại trổ đoá thịnh mãn, nở quanh những vòng kẽm gai, trong những hố mưa bom loang lổ trên thân thể quê hương. Tiếng hát của hàng loạt ca nhạc sĩ trẻ trung, hợp cùng đàn anh đàn chị đã thành danh, ào ạt nổi lên tung hoành mưa gió các phòng trà ca nhạc, các trung tâm phát hành băng nhựa: Thái Thanh, Khánh Ly, Lệ Thu, Thanh Lan, Julie Quang, v.v… bên nữ, và Duy Trác, Elvis Phương, Jo Marcel, Sĩ Phú, v.v… bên nam (Những giọng ca hàng đầu tân nhạc Việt nam ở ngoài nước hiện nay như Tuấn Ngọc, Khánh Hà, Thái Hiền, v.v… lúc đó gần như chỉ hát nhạc tiếng Anh, và Vũ Khanh, Ý Lan, Như Quỳnh, Thế Sơn, v.v… chưa khởi nghiệp).

Tôi gần như quên bẵng dòng nhạc nhạc Việt thời thượng, còn gọi là "nhạc vàng", vẫn thịnh hành song song, tiếp tục góp mặt thêm nhiều tài danh khác: Thanh Tuyền, Giao Linh, Nhật Trường, Duy Khánh, Chế Linh, Thái Châu, v.v…

(Ở đây, tôi xin mở ngoặc đặt dấu hỏi về một cách gọi khác cho loại nhạc này: Nhạc "sến"! Ðã có nhiều cách giải thích và bàn luận về gốc gác và ý nghĩa của từ "sến". Tôi xin được góp ý… đoán mò. Từ này có lẽ do chữ "sen" trong "con sen" (người ở, người giúp việc phái nữ) mà ra. Và "sen", tôi nghĩ, là kiểu phát âm ngắn gọn của người Việt từ mademoiselle, phong cách lịch sự của người Pháp dùng gọi đàn bà, con gái phụ việc ở trong nhà. Vì lẽ đó mà người Việt xách mé đặt thêm cho giới này cái tên Tây: "Marie Sến", hoặc chuyển sang Hán Việt danh từ "con sen" thành "liên tử", hay văn vẻ gọi là "sến nương", được nhiều nhà văn nhà báo sử dụng nhiều trong các bài biếm luận thuở trước. Vì loại nhạc thời thượng dễ nghe, ca từ bộc trực tuồn tuộc như những lời tâm sự chân thành, nên được giới bình dân, chị sen chị bếp, đặc biệt ưa thích. Danh từ "nhạc sến" phải chăng từ đó mà ra?)

Trong ngày cuối cùng của thập niên 60, tôi đi du học. Vào những đêm xa nhà, thỉnh thoảng tôi lại nghe nhạc Việt, thông thường là những ca khúc của Phạm Duy, Trịnh Công Sơn, Từ Công Phụng, Vũ Thành An, Ngô Thuỵ Miên, Lê Uyên Phương, Trường Sa. Cho tới một hôm, tình cờ tôi được nghe Thái Thanh luyến láy bài "Ngày tạm biệt" của nhạc sĩ Lam Phương: "Hôm nay đây còn vui trông thấy nhau, bên tiếng ca tiếng đàn vượt trời cao, lời vui thắm thiết đưa trao, như khi mới gặp nhau. Nhưng anh ơi ngày mai ta cách xa…" Lạ quá, có bao giờ người ca sĩ với giọng hát đài các này ngó ngàng tới loại nhạc ấy đâu? Cảm xúc của tôi khoảnh khắc ấy, trời ơi, khó lòng diễn tả sao cho chính xác. Và tôi thản nhiên ứa nước mắt. Khoảng đời học sinh ở quê nhà hiển hiện rành rành trong tâm thức. Trước ngày bãi trường, bạn bè thuờng chia tay nhau bằng những giai điệu "dễ nghe dễ hát" của tuổi học trò: "Ngày tạm biệt" của Lam Phương, "Nỗi buồn hoa phượng": "Mỗi năm đến hè lòng man mác buồn, chín mươi ngày qua chứa chan tình thương…", hay "Lưu bút ngày xanh": "Lòng xao xuyến mỗi khi hoa phượng rơi, nhắc lại câu chuyện buồn…" của Thanh Sơn.

Nói chung, hầu hết nội dung và giai điệu các ca khúc thời thượng thời ấy đều buồn. Buồn lắm lận, buồn chảy nước! Đến nỗi con nít con nôi như tôi thuở ấy cũng còn rung động, huống hồ…!

Không rung động sao được khi nghe ca sĩ Trúc Mai kể lể: "Nhớ chiều nào em đến thăm anh, hai bên đường phố đã lên đèn. Mưa xuân giăng mờ kín khung trời, ngồi bên nhau lưu luyến, mưa thấm ướt đôi bờ vai …" trong "Mưa chiều kỷ niệm" của Duy Yên và Quốc Kỳ. Để rồi sau đó: "Có một mình em đứng trong mưa, nơi đây hình bóng cũ mịt mờ …" Tội nghiệp chưa! Ai bắt đứng một mình trong mưa lạnh làm chi, rồi than thở ỉ ôi. Hay để lòng nhểu nhão tan theo giọng hát Thanh Tuyền với "Phố vắng em rồi" của nhạc sĩ Mạnh Phát: "Mưa khuya hắt hiu xuyên qua mành, tình đơn giá lạnh. Đêm qua trắng đêm mơ thương hình bóng cũ xa xôi …" Thật tình mà nói, hàm lượng vi-ta-min C trong chất giọng của ca sĩ Thanh Tuyền hơi cao, nhưng lại thích hợp với bài hát này, mới ác! Làm tôi, trong những khuya xa nhà xa Sài gòn, nhớ mùa mưa nhiệt đới quay quắt, lỡ nghe lại, ứa nước mắt là chuyện cũng dễ… bỏ qua thôi.

Các ca khúc của cố nhạc sĩ Nguyễn văn Đông, tôi yêu thích gần hết. Từ "Chiều mưa biên giới": "Chiều mưa biên giới anh đi về đâu, sao còn đứng ngóng nơi giang đầu …", qua "Mấy dặm sơn khê": "Anh đến thăm, áo anh mùi thuốc súng. Ngoài trời mưa lê thê, qua ngàn chốn sơn khê …", hay "Hoa phượng rơi đón mùa thu tới. Màu lưu luyến nhớ quá thu ơi …" trong "Sắc hoa màu nhớ", cho tới "Một mùa thương kết muôn hoa lòng. Người về đây nối câu tâm đồng …" trong "Hải ngoại thương ca". Nhạc của ông đặc biệt ăn giọng ca sĩ Hà Thanh. Nhưng đôi khi, có một vài người trình bày một vài ca khúc của ông nổi bật hơn ai hết. Chẳng hạn, thời xa lắc xa lơ ấy, có nghe "quái kiệt" Trần văn Trạch hát "Chiều mưa biên giới", mới có thể mường tượng ra tâm trạng của người lính trong thời binh lửa. Không chất ngất hận thù. Không răm rắp tín điều. Mà chỉ là những tự vấn hoang mang: "Về đâu anh hỡi mưa rơi chiều nay? Lưng trời nhớ sắc mây pha hồng. Đường rừng chiều cô đơn chiếc bóng. Nguời tìm về trong hơi áo ấm. Gợi niềm xa xăm…" Hoặc khi Thái Thanh thẫn thờ cất giọng: "Về đây ngơ ngác, chim bay tìm đàn. Về đây hoang vắng, lạnh buốt cung đàn …" ("Về mái nhà xưa"). Lời nhạc Nguyễn văn Đông lạ ở chỗ, man mác "luận đề", cổ xuý "tinh thần ái quốc", là điều hiếm thấy trong loại nhạc thời thượng trữ tình.

Mưa trong tân nhạc Việt nam còn được nhiều nhạc sĩ lồng trong bối cảnh chia tay. Ca khúc "Hai kỷ niệm một chuyến đi" của nhạc sĩ Tuấn Khanh bắt đầu bằng: "Tôi đưa người đi, bước chân hoa mộng vào đời …" Để rồi kết thúc: "Nghe hơi sương lạnh chỉ e trời mưa. Tay ôm kỷ niệm buồn ghi vào thơ. Kiếp mình là bến, tiễn đoàn tàu trong đêm. Bến hoang im lìm." Đẹp tựa bức tranh vẽ bằng những nốt nhạc luyến láy giản dị, đậm đà Việt tính, được nhạc sĩ và ca sĩ mượn tiếng đàn giọng hát, truyền đạt tâm tư tới người thưởng ngoạn. Tôi không còn nhớ, thuở trước ai là người hát ca khúc này đạt nhất. Bây giờ, trong những lần gõ phím chui vào tin mạng, nghe nhạc vẩn vơ, tôi tìm được ca khúc này do ca sĩ Như Quỳnh trình bày. Như Quỳnh có giọng hát đẹp, rõ ràng tròn trịa, nhiều cảm tính. Tương tự như vậy, khi cô cất giọng: "Lòng xao xuyến buồn khi chia ly. Bạn ơi nhớ cầm tay nhau đi… Còn đâu những chiều trông mưa ngâu. Nhìn hoa lá mà ước hái cho nhau, cánh hoa muôn màu…" ("Ga chiều" của nhạc sĩ Lê Dinh). Cô là một trong vài giọng hát, bên cạnh Hương Lan, Thế Sơn v.v…, trình bày nhạc thời thượng hợp thính với sở thích âm nhạc tương đối đa dạng của tôi.

Một ca khúc khác của nhạc sĩ Lê Dinh, tôi thấy cũng dễ thương không kém là "Tấm ảnh ngày xưa": "Ngày xưa em đến chơi, tặng tôi một chiếc hình. Ghi nhớ ngày chúng mình vừa quen nhau …" Rồi cũng chia tay thôi: "Giờ đây trong bóng đêm mình tôi bên chiếc hình. Bao kỷ niệm êm đềm ngày xa xưa, như sống lại, người ơi, trong ánh mắt … " được ca sĩ Thanh Thuý, từng được giới mộ điệu mệnh danh là "tiếng hát liêu trai", cũng như ca sĩ Minh Hiếu trình bày trên đài phát thanh và thâu vào dĩa nhựa.

Và nghe kìa, ngộ quá, cố nhạc sĩ chuyên sáng tác nhạc "đàng hoàng", không biết vì nguyên nhân bẽ bàng nào, cũng có lần cảm hứng sinh tình ghi lại "Trang nhật ký", chao ôi, điệu boléro nhểu nhão chảy nước. Sau này được ca sĩ Như Quỳnh thâu âm, nghe não lòng lắm lắm: "Giờ đây âm thầm bên trang nhật ký, lắng xuôi tâm tư hoài mơ bóng ai xa ngàn …" Và kết thúc một cách rất đúng điệu "phực đèn màu": "Để nay duyên buồn đưa sang mùa cưới. Bước lên xe hoa còn ngơ ngác trông xa vời. Thầm buông câu biệt ly trong cõi đời. Nhật ký năm nào đành lòng đốt thôi người ơi." Hàng thiệt rồi! Nhưng không hiểu sao, một kẻ giàu cảm xúc như tôi khi nghe lại… khô rang khô khốc. Có lẽ vì thiếu kinh nghiệm "bước lên xe hoa" chăng?

Đôi khi, có vài trường hợp thú vị, những ca sĩ chuyên hát loại nhạc "kén thính giả" cũng góp giọng ngân nga nhạc thời thượng. Như Julie (ra nước ngoài một khoảng thời gian, cô chặt đuôi đoạn tuyệt với chữ Quang) hát "Lưu bút ngày xanh" của nhạc sĩ Thanh Sơn. Nghe mà ứa nước mắt tưởng lại thời đi học: "Và thuở ấy biết bao nhiêu buồn vui, gói trọn trong tuổi đời. Tình đẹp như trang giấy kết vần thơ, như một nụ hoa trắng …" Tôi thích tiếng hát Julie, nhất là trước kia ở Sài gòn. Nghe cô tẩm nước mắt vào chất giọng, trình bày "Mùa thu chết", lấy ý thơ Guillaume Apollinaire (nhưng theo tôi, người trình bày nhạc phẩm này tuyệt vời nhất, là ca sĩ Cathy Huệ trong ban nhạc trẻ Cathy Huệ and The Hammers), hay líu lo kể chuyện tình học trò "Ngày xưa Hoàng thị", phổ thơ Phạm Thiên Thư, của nhạc sĩ Phạm Duy, mới cảm thấu nét hài hoà giữa nhạc và thơ trong tân nhạc Việt nam.

Hay khi Sĩ Phú rót giọng trầm ấm: "Bạn ơi, quan hà xin cạn chén ly bôi. Ngày mai tôi đã, đã đi xa rồi …" Đi đâu vậy ta? Lẽ đương nhiên, trong thời chinh chiến, chỉ có: "Rồi đây mai này ai hỏi đến tên tôi. Bạn ơi, hãy nói ‘khoác chiến y’ rồi …" ("Biệt kinh kỳ", nhạc và lời của Minh Kỳ và Hoài Linh). Trước kia, đài phát thanh Sài gòn và Quân đội đã một thời cho nghe ròng rã ca khúc này, qua tiếng hát trau chuốc của cố ca sĩ Nhật Trường. Ông cũng là một nhạc sĩ tài hoa, lãnh phần tư vấn loại nhạc thời thượng với danh hiệu Trần Thiện Thanh và Anh Chương. Giới yêu nhạc tuổi đã… xế chiều và sồn sồn năm, sáu mùa trăng đời người, hẳn ai cũng nhớ và thuộc lõm bõm vài câu của những "Lâu đài tình ái", "Hoa trinh nữ", "Không bao giờ ngăn cách", và nhiều, rất nhiều ca khúc thịnh hành khác nữa của ông. Trong đó có "Đám cưới đầu xuân", mà cá nhân tôi không bao giờ quên và cho là đáng yêu nhất, khi được giọng hát tươi trẻ của ca sĩ Thanh Lan trình bày trong một cuộn băng Shotguns chủ đề Xuân năm nào: "Ngày xửa ngày xưa đôi ta chung nón đôi ta chung đường. Lên sáu lên năm đôi ta cùng sách, đôi ta cùng trường …"

Và sau này ở hải ngoại, ca sĩ Anh Dũng có thâu âm bài "Mấy dặm sơn khê" của cố nhạc sĩ Nguyễn văn Đông: "… Anh đến đây, rồi anh như bóng mây. Chốn phương trời ấm lạnh, hoà chung mái nhà tranh …" Tôi nhận thấy lời bài hát này có vài chỗ đề cao lý tưởng hơi gượng ép, nhưng giai điệu đậm đà bản-sắc-Nguyễn-văn-Đông, và rất thích hợp với giọng ca của Anh Dũng. Anh có làn hơi dài, khoẻ, thỉnh thoảng luyến láy bất ngờ, nghe rất thú vị. Tôi cho rằng, không ai có thể diễn đạt ca khúc "Còn chút gì để nhớ", nhạc sĩ Phạm Duy phổ thơ Vũ Hữu Định, sắc sảo hơn anh được.

Trường hợp của nhạc sĩ Phạm Thế Mỹ xét ra, thấy có điểm lạ. Ngoài những bài nửa thời thượng nửa tuyên huấn như "Trăng tàn trên hè phố" hay "Những ngày xưa thân ái", ông còn sáng tác nhiều ca khúc mang âm hưởng quê hương như "Nắng lên xóm nghèo", "Đường về hai thôn", "Thuyền hoa", v.v… Nhưng, trong số đó, bật ra hai ca khúc ngoại lệ: "Tóc mây""Áo lụa vàng". Bài thứ hai, ngày trước, được ca sĩ Hà Thanh trình bày vô cùng truyền cảm và rất được giới học sinh, sinh viên miền Nam yêu thích vì mang mang hàm ý phản chiến: "Ngày xưa em đến, em mặc áo lụa vàng … Ngày mai em đến, xin mặc áo lụa vàng. Nghe em hãy nhớ, quê hương ta đó, đang cần đến tình người, đang cần đến nụ cười, …" Và: "Chiều nay em đến, vẫn màu áo lụa vàng, như xưa trong trắng, mang theo ánh nắng. Cho đời bớt lệ sầu, cho lòng bớt hận thù. Anh đi vào tuổi thơ …" Bạn ạ, không lần nào, nghe tới đây, mà tôi không rơm rớm nước mắt. Ðã bốn mươi năm qua, vậy mà bài hát vẫn còn nguyên vẹn ý nghĩa.

Thử một chút so sánh, tôi nhận ra điểm đặc thù của thời kỳ tân nhạc ở miền Nam trước kia: hầu như mỗi giọng hát mỗi dòng nhạc đều đậm nét độc đáo, kèm giấy khai sinh, thẻ căn cước, có cầu chứng tại toà đoàng hoàng, không nhầm lẫn với ai khác. Và ai cũng kè kè bên mình ít nhất một ca khúc làm… thuốc: Thái Thanh với "Tình ca" của Phạm Duy, Bạch Yến với "Ðêm đông" của Nguyễn văn Thương, Khánh Ly với "Diễm xưa" và… tủ thuốc đồ sộ của Trịnh Công Sơn, Lệ Thu với "Xin mặt trời ngủ yên" của Trịnh Công Sơn, Jo Marcel với "Mộng dưới hoa" của Phạm Ðình Chương phổ thơ Đinh Hùng, Thanh Lan với "Gọi người yêu dấu" của Vũ Ðức Nghiêm, Elvis Phương với "Vết thù hằn trên lưng ngựa hoang" của Phạm Duy và Ngọc Chánh v.v… Ca sĩ hát nhạc thời thượng cũng vậy, người nào cũng giấy tờ, thuốc men đầy mình: Thanh Thuý với "Tàu đêm năm cũ" của Trúc Phương, Hùng Cường với "Ông lái đò" của Hiếu Nghĩa, Minh Hiếu với "Lâu đài tình ái" của Trần Thiện Thanh, Phương Dung với "Những đồi hoa sim" của Dzũng Chinh, Hoàng Oanh với "Ai ra xứ Huế" của Duy Khánh, Trúc Mai với "Hàn Mặc Tử" của Trần Thiện Thanh, Thanh Tuyền với "Nỗi buồn hoa phượng" của Thanh Sơn, và nhiều, rất nhiều ca sĩ khác nữa… Là điều hiếm thấy trong nền tân nhạc Việt nam sau chiến tranh hiện nay. Có thể nêu ra một vài trường hợp ngoại lệ ít ỏi như Như Quỳnh, Hoạ Mi, Ngọc Hạ,Vũ Khanh, Anh Dũng, … ở ngoài này, và Quang Dũng, Quỳnh Lan, Khắc Dũng, Xuân Phú, … ở trong kia.

Tóm lại, tôi nghĩ, loại âm nhạc thời thượng không dành riêng cho giọng ca hay ca sĩ nào. Quan trọng ở chỗ, người ca sĩ có đem lại xúc cảm cho người thưởng ngoạn hay không. Mà, đã là xúc cảm, thì rất riêng tư và không lẽ gì lại có sự khác biệt thấp cao, hay dở…

Cảm xúc của tôi, người tuổi con mèo, là vậy đó. "Sến" lắm!

(tháng 10.2009)

bài đã đăng của Ngô Nguyên Dũng

Cancel


Xin vui lòng bày tỏ trách nhiệm và sự tương kính trong việc sử dụng ngôn ngữ khi đóng góp ý kiến. Da Màu dành quyền từ chối những ý kiến cực đoan, thiếu tôn trọng bạn đọc hoặc không sử dụng email thật. Chúng tôi sẽ liên lạc trực tiếp với tác giả nếu ý kiến cần được biên tập.

Lưu ý: Xin vui lòng bỏ dấu tiếng Việt để giúp tránh những hiểu lầm đáng tiếc từ độc giả trong việc diễn dịch ý kiến đóng góp. Bài không bỏ dấu sẽ không được hiển thị. Xin chân thành cám ơn.

13 Bình luận

  • Lam Truong Phong says:

    Cám ơn bạn Phạm thị Thanh đã giới thiệu trang web đặc biệt về ca sĩ Lệ Thanh. Các ông cựu học sinh Chu Văn An có khác: xin đặc biệt ghi công lớn sưu tầm những bài hát của ca sĩ LT của qúi vị. Đặc biệt hơn nữa là bài viết của nhà văn Hồ Trường An. Không ai vượt qua được khả năng thẩm thức âm thanh đầy tinh tế và lối so sánh đầy tượng hình cũng như tượng thanh của tác giả. Mong mỏi nhà văn HTA sẽ hồi phục sức khoẻ sớm sủa

  • Phạm Thị Thanh says:

    Xin phép để bổ túc thêm cho bài viết của NND, phần nghe nhạc. Nếu các anh chị muốn nghe Lệ Thanh hát bài “Tiễn em” xin mời vào trang nhà của ông Lê Tất Luyện, có một trang LT gồm 35 bài hát rất mê ly, gồm một số các bài tủ như: Biệt kinh kỳ, Nhớ một chiều xuân, Gợi giấc mơ xưa, Đêm nay ai đua em về, Tiễn em v.v…

    http://chuvanan.free.fr/LeThanh/

    Cũng có thể xem một đoạn 2 phút cô LT hát bài “Viễn du” vào thập niên 50-60

    http://www.youtube.com/watch?v=c_ulUbRm_AQ&feature=PlayList&p=4E794B5BB749FA60&playnext=1&playnext_from=PL&index=11

    Đễ nghe Anh Dũng hát bài “Mấy dặm sơn khê” xin nghe CD Diễm xưa số 12 “Gửi người em gái” và bài “Còn chút gì để nhớ” trong CD Diễm xưa 80 “Tôi có em chiều thu”.

  • Ngô Nguyên Dũng says:

    Thưa Anh Lê Hữu,

    cám ơn Anh đã bổ sung chi tiết về nhạc sĩ Nguyễn văn Đông. Không hiểu sao, tôi cứ nhớ mang máng, đã đọc ở đâu đó tin tức cho rằng ông đã qua đời trong tù cải tạo sau 1975. Xin tạ lỗi cùng nhạc sĩ và gia quyến, cũng như cùng tất cả thính giả ái mộ nhạc của ông.

    Tiện đây tôi kể thêm một chi tiết vui vui, mà tôi quên nhắc tới trong bài viết: Trong lớp dạy Việt ngữ cho người bản xứ, thỉnh thoảng tôi lại cho họ nghe tân nhạc Việt nam, để họ tập nghe cách phát âm dấu giọng tiếng Việt. Kết quả là có vài học viên đâm ra thích nhạc Việt, lại là loại nhạc thời thượng, mới chết! Bài hát họ thích là “Con đường xưa em đi” của nhạc sĩ Châu Kỳ qua giọng ca rõ ràng, trong sáng của ca sĩ Như Quỳnh, với phần hoà âm nửa tân nửa cổ, đậm đà Việt-nam-tính. Sau đó thỉnh thoảng họ lại nhắc tôi cho họ nghe thêm tân nhạc Việt nam.

    Trân trọng,
    Ngô Nguyên Dũng.

  • Lê Hữu says:

    Xin chia sẻ ý này của anh Ngô Nguyên Dũng, “Quan trọng ở chỗ, người ca sĩ có đem lại xúc cảm cho người thưởng ngoạn hay không. Mà, đã là xúc cảm, thì rất riêng tư và không lẽ gì lại có sự khác biệt thấp cao, hay dở…”
    Theo thiển ý, điều thực sự có ý nghĩa, không phải là những tên gọi “nhạc sến”, “nhạc sang”, mà là bài hát nào truyền được những rung cảm tới người nghe, hoặc nói cách văn vẻ là “chạm được tới trái tim người nghe”, và nhất là bài hát nào còn ở lại về lâu về dài trong lòng người.
    Nếu Thái Thanh hát “Ngày tạm biệt” của Lam Phương làm anh phải “ứa nước mắt”, tôi chắc nghe thêm bài “Thu sầu” (cũng giọng Thái Thanh, cũng nhạc Lam Phương) anh phải…ruột gan héo hắt.
    Cũng như anh và chị My Khanh, tôi rất chịu “Chiều mưa biên giới”. Bài hát đã trở thành bài nhạc lính tiêu biểu của Nguyễn Văn Ðông, gắn liền với tên tuổi ông, gắn liền với giọng ca Trần Văn Trạch, gắn liền với câu hát “lòng trần còn tơ vương khanh tướng thì đường trần mưa bay gió cuốn còn nhiều, anh ơi…”, vừa mang tính “triết lý” về đời lính, vừa rất…”lãng mạn Nguyễn Văn Ðông”.
    Trong bài anh có một chi tiết chắc là cần đính chính (thay cho tác giả “Chiều mưa biên giới”): ông Nguyễn Văn Đông chưa phải là “cố nhạc sĩ” anh Ngô Nguyên Dũng à. Ông ấy vẫn còn tại thế (77 tuổi), hiện sống ở Saigon, hầu như đã (tự) “phế bỏ võ công”, không còn sáng tác nữa.

  • Ngô Nguyên Dũng says:

    Cùng tất cả quí Anh Chị và quí Bạn,

    trước tiên tôi xin được bổ túc một chi tiết thiếu sót quan trọng: ca khúc “Trang nhật ký” của cố nhạc sĩ Hoàng Trọng, là tác giả của nhiều nhạc phẩm tuyệt vời: “Bên Bờ đại dương”, “Mộng ban đầu”, “Bạn lòng”, “Gió mùa xuân tới”, “Tìm một ánh sao”, v.v…

    Xin cám ơn các Anh Chị và các Bạn đã góp ý chia sẻ về bài viết của tôi. Trước khi hoàn tất bài viết này, tôi có điện đàm với nhà văn Hồ Trường An để hỏi thêm một số dữ kiện mà tôi chưa nắm vững. Đối với tôi, nhà văn Hồ Trường An là một bậc đàn anh đáng quí. Anh am tường nhiều về tân cũng như cổ nhạc miền Nam và giao thiệp rộng rãi với giới nghệ sĩ trình diễn.

    Mục đích nhỏ nhoi của tôi khi viết bài tiểu luận này: “Đưa ra một vài ý thích riêng tư về một mảng tân nhạc Việt nam: nhạc thời thượng”. Như một lời “tâm tình” để chúng ta, những người thuộc nhiều thế hệ với khiếu thưởng ngoạn âm nhạc rất khác nhau, đã và đang sinh hoạt trong những môi trường có nhiều cách biệt và định kiến, có dịp hiểu biết nhau hơn. Như những chất liệu để chúng ta cùng nhau bắc một nhịp cầu nối liền trong ngoài, cũ mới, … Nhịp cầu ấy có rộng thoáng hay không, tuỳ thuộc vào tính cởi mở và khoan dung của chúng ta.

    Tôi nghĩ, khó lòng thuyết phục một người chuộng nhạc thời thượng, rằng ca khúc “Đường chiều lá rụng” của nhac sĩ Phạm Duy, hoặc “Nhặt cánh sao rơi” của cố nhạc sĩ Vũ Thành, mà cá nhân tôi rất thích, là những tuyệt tác. (Viết tới đây tôi không khỏi mỉm cười, khi nghĩ tới, giá như bà ngoại tôi, một người chỉ thích nghe vọng cổ, tình cờ nghe được mấy bài hát ấy, chắc chắn bà sẽ móm mém hỏi con cháu: “Nó hát cái gì vậy bây?”)

    Tương tự đôi lời bày tỏ của Anh Nguyễn Việt Hùng, chỉ khác đôi chút: tôi cho rằng người nào có sở thích thưởng ngoạn âm nhạc đa dạng, đó là người may mắn. Tôi là một trong những kẻ may mắn đó.

    Trân trọng.

  • Ái chà ngôn ngữ thật là tai hại (người viết và người đọc lắm lúc trật rơ), mình cứ ngỡ thêm chút gia vị cho món ăn thêm ngon miệng, ai ngờ thành “con sâu làm rầu nồi canh”, thành thật xin lỗi riêng bạn Trinh-Trung Lập, làm bạn mất hứng. Hồi trẻ tôi cũng đâu thích gì nhạc của ông bà mình, nhưng dần dà tôi thấy tất cả âm nhạc đều có nét hay, để rồi cũng Rap, Hip hop, Soul, Blue ,Jazz, New Age, cải Lương, hát bội, Noh, hòa tấu giao hưởng, opera,….do đó cái nhóm chữ “tâm hồn phóng khoáng” thực chất là một sự khiêm tốn thật sự để tấm lòng mình có thể chấp nhận được những dị biệt, một cách lắng nghe các thể loại âm nhạc với sự kính trọng, và biết đâu khám phá được những nét độc đáo để cuộc sống thêm vui và đời bớt khổ… AMEN.

  • Nguyen Anh Thang says:

    Cứ tưởng những bài viết cũa nhà văn Hồ Trường An về các ca nhạc sĩ thời miền Nam trước 75 thì không ai có thể so sánh được Nhưng, chỉ cần một bài viết cuã nhà văn Ngô Nguyên Dũng khiến ta phải xét lại đánh giá trên Cảm ơn tác giả NND đã nói giùm cho những thế hệ VN tuổi năm mươi ở Saigon năm xưa về những cảm xúc sâu đậm tuyệt vời, hay tuyệt cú mèo cũa ông về âm nhạc

  • Trinh - Trung Lap says:

    Thân chào anh NND, cùng các anh chị !

    Nghe các anh chị hoài niệm về những “giấc mộng dưới hoa”, tụi tui tuy còn trẻ, chưa từng biết đến những bài nhạc đó mà vẫn thấy xúc động thật đó. Đọc xong bài của anh NND, mấy hôm nay, tôi dành những thời gian rỗi để nghe bài “Mưa chiều kỷ niệm” của Duy Yên và Quốc Kỳ (theo sự marketing tuyệt vời của anh Dũng, hiii). Thật lòng mà nói âm nhạc là 1 món ăn tinh thần, vậy nên khi thấy ngon thì mình ăn ngay, còn ngược lại thì mình cũng chỉ lịch sự chối từ thôi.

    Nhưng vấn đề đáng nói ở đây là khi đọc cái comment của anh Nguyễn Việt Hùng ở trên, tôi…..choáng váng. Tôi cho rằng anh Hùng đã làm hỏng bài viết của anh NND mất rồi,….
    Anh Hùng viết : “Thật là thiệt thòi nếu cứ khăng khăng chỉ thích một loại nhạc nào đó thôi. Cái thiệt thòi này còn biểu lộ sự yếu kém về kiến thức, về lịch sử, và một tâm hồn phóng khoáng cần thiết để thưởng thức nghệ thuật.” Tôi chưa nói đến kiến thức và lịch sử, tôi chỉ muốn nói đến “tâm hồn phóng khoáng”. Tôi nghĩ : Anh NND đã don tiệc cho mọi người tham dự (ít ra cũng có thể là khách tự động kéo tới, hiiii), khách chỉ mới có Anh (Chị) My Khanh bước vào, anh Hùng là người thứ 2 mà chưa gì anh đã đi đến 1 kết luận về trình độ của tính cách của giới nghe nhạc qua sự chọn lựa (dẫu là cực đoan) của họ. Tôi “ấn tượng” nhất là cái “tâm hồn phóng khoáng” mà anh đang khuyến cáo giới nghe nhạc cần phải có………(vì họ chưa có) chỉ có anh mới có ! Thế là mất hứng cho tình huống “con sâu làm rầu nồi canh” nhưng vì 1 đẳng cấp như anh NND mà đã viết thì 1 độc giả “ăn mày văn chương” cũng phải xao động đi tìm hiểu thực hư. Kết quả là :
    – Âm nhạc muôn đời vẫn được chia ra là 2 trường phái, “cổ điển” và “hiện đại” (classic and modern). 1 nhạc sĩ có thể chọn mức độ thiên về 1 trường phái nào đó cho 1 tác phẩm hay cả 1 dòng nhạc của nhạc sĩ đó.
    – Thính giả cũng vậy, muôn đời vẫn được chia ra là 2 phong cách nghe, “cổ điển” và “hiện đại” (classic and modern). 1 thính giả có thể thiên về chọn lựa nào đó (hoặc xê dịch chút xíu trong khoảng cổ điển – hiện đại), tùy từng nơi từng lúc để enjoy âm nhạc.
    – Giao tiếp trong xã hội cũng vậy, “người chơi” muôn đời cũng cần biết “lắc lư” nhiều thể loại, ví dụ OPERA, DANCING, HIPHOP, RAP, DISCO, hoặc đơn giản chỉ ngồi nhâm nhi rượu nhìn ca sĩ trải lòng trong 1 bản ballad dễ thương nào đó, giờ còn cả ROCK BALLAD nữa cơ,….

    Tuy nhiên đừng quên rằng, ngoài việc âm nhạc có khả năng vọng về dư âm của kỷ niệm, nó còn 1 đôi khi phải mang tiết tấu và âm giai của thời đại. Chẳng hạn, mấy nhóc nhà tôi không thể nghe nhạc của tôi lâu được (nó bảo là tôi đang tra tấn nó bằng các đĩa nhạc của tôi), tôi lại không thể nghe bài “Mưa chiều kỷ niệm” quá 5 lần vì cái tiết tấu và giai điệu diễn tiến của khung cảnh tình yêu trong bài ấy không có trong đời sống chung quanh tôi nữa. Bây giờ, tụi tôi yêu nhau là xáp vô liền, chủ trương “tốc độ, cường độ, tần suất liên tục” để “bắn phá” và “chiếm hữu” “đối phương”, chứ không như anh NND thật xúc động với hình ảnh “..Có 1 mình anh đứng trong mưa…”. Rất đẹp và lãng mạng. Giá như có thể mang tâm hồn ấy thì quý hóa biết bao !

    Cho nên, mới biết thương hơn nữa thế hệ đàn chú, đàn anh của mình (1 ngày nói đó mình cũng là họ thôi). Điều quan trọng như anh NND từng nói “thúc đẩy sự cảm thông chăng” ?

    Kính !
    Chúc các anh chị nhiều nhiều niềm vui !

  • Phạm Thị Thanh says:

    “ Ra ta hợp tâm đầu”! Nhạc Việt Nam xưa tôi cũng mê lắm. Đặc biệt nhạc thời thượng hay nhạc Sến, khi còn ở VN thì tôi không mấy thích, nhưng mấy năm đấu ở hải ngoại khi nghe thì đâm ra say đắm ngậm ngùi, nhớ nhà tha thiết.
    Nhạc VN xưa đa số các bài đều hay, cũng như ca sĩ mỗi người đều hay một vẻ. Nhưng tôi thì vẫn mê nhất là Mai Hương và Anh Ngọc.
    Đọc bài của Ngô Nguyên Dũng, thì mắt đọc, nhưng tai cũng nên nghe tại chỗ, gọi là …nhạc nghe liền. Vậy xin giới thiệu đến các anh chị (nếu ai chưa biết) trang nhà « Nhạc xưa » mà tôi được biết, gồm gần 10 ngàn bản nhạc với đầy đủ các ca sĩ của một trời kỷ niệm.
    Xin mời : http://music.hatnang.com/
    TB : xin phép sửa chị My Khanh câu này cho đúng nhé. « Vì lòng trần tơ vương khanh tướng, thì đường trần mưa bay gió cuốn » trong bài « Chiều mưa biên giới « của Nguyễn Văn Đông.

  • Một Độc Giả says:

    Nếu tuổi con mèo mà dọn một món ăn ngon lành như thế này ngó bộ cũng có nhiều người thích mang tuổi con mèo à nhen. Không muốn quảng cáo cho ai cả, tuy nhiên không phải ai cũng biết, đa số các bài hát nhà văn Ngô Nguyên Dũng nhắc đến có trên cái website này: http://music.hatnang.com/audio/by/title
    Và còn nhiều bài khác nữa: Hoa Nở Về Đêm, Ai Đi Ngoài Sương Gió, Bóng Nhỏ Đường Chiều, Chuyến Tàu Hoàng Hôn, Ga Chiều, Buồn Trong Kỷ Niệm, Nửa Bước Đường Tình,… . Toàn là Bolero, Boston, Rumba ngọt lịm.

  • Người có thể thưởng thức được nhiều các hình thái, kiểu cách nghệ thuật, ở đây cụ thể là những thể loại âm nhạc là người khôn ngoan. Thật là thiệt thòi nếu cứ khăng khăng chỉ thích một loại nhạc nào đó thôi. Cái thiệt thòi này còn biểu lộ sự yếu kém về kiến thức, về lịch sử, và một tâm hồn phóng khoáng cần thiết để thưởng thức nghệ thuật.
    Âm nhạc là tài sản chung cho mọi người, ai thưởng thức được nhiều bao nhiêu thì nên biết rằng mình được ưu đãi đấy. Nhưng cũng đừng quên yếu tố “đúng nơi và đúng lúc”, có như thế ta mới có thể tận dụng được những độc đáo của thú thưởng thức âm nhạc.

  • My Khanh says:

    Tôi tưởng chỉ có mình tôi bị bọn bạn bè kêu là “sến” khi lâu lâu buồn buồn tôi giở giọng ‘vịt đực’ hát lý con sáo – ‘ầu ơ…ai mang con sáo sang sông, để cho con sáo sổ lồng…con sáo bay đi.’.

    Đương nhiên, các người trong buổi hát karaoke ào ào phản đối “Thời buổi ca sĩ Britney Spear nhảy chồm chổm mà có người thích cải lương!”. Nhưng tôi mặc kệ, ai cười hở mười cái răng, tôi vẫn bảo thủ, giữ nguyên cái ý thích của tôi với đám nhạc xưa rinh rích.

    Ngờ đâu khi đọc bài này, tôi nhận ra, có người thuộc nhạc hơn cả tôi.

    Trời ơi! Ông NND ơi, nhắc đến Trần Văn Trạch hát “Chiều mưa biên giới anh đi về đâu….” mà ông không nhắc đến dòng cuối của câu nhạc “…Vì lòng còn tơ vương khanh tướng, đời nhiều gian nan”. Chính câu nhạc này đã làm tôi thở dài không biết bao nhiêu bận. Tôi nào dám tơ tưởng tới chuyện công hầu khanh tướng, mà sao gian nan tìm đến hoài. Nên tôi trách luôn ông nhạc sĩ Nguyễn Văn Đông: viết chi câu hát ‘phủ phàng’ in đậm trong đầu người nghe đến mấy chục năm.

    Rồi thêm bao nhiêu câu hát của các nhạc sĩ khác với thể điệu Boléro, cứ tuồn tuột chạy vào bộ nhớ của tôi. Có lẽ do lúc nghe nhạc, tôi không thấy ca sĩ hát (thời kỳ ấy chưa có Tivi), tôi không bị phân tâm vì không bận ngắm nghía mắt môi các nàng, trí nhớ chỉ còn tập trung trong câu hát. Nhân đây tôi đố các chàng fan của Britney Spear nhớ nàng đã hát câu gì sau buổi xem hát, ngoài nỗi nhớ thân nàng uốn éo, cà giựt cà giựt như động kinh!!! (Nhiều ca sĩ VN thấy vậy cũng bắt chước, phát ghê.)

    Đâm vậy, tôi tự hào, có cái chất nhạc “sến” đó trong đầu, lâu lâu ư ử ngân nga. Và hơn bao giờ hết, tôi hảnh diện về gốc tích ‘a-nam-mít’ của mình, cái người yêu nước mắm hơn maggi.

1 Pingbacks »

@2006-2023 damau.org ♦ Tạp Chí Văn Chương Da Màu
Log in | Entries (RSS) | Comments (RSS)