Trang chính » Đọc Lại Văn Chương Miền Nam, Giới thiệu tác giả, Sáng Tác, Truyện ngắn, Văn Học Miền Nam Việt Nam 1954-1975 Email bài này

Một mình như cánh lá

Tình bực bội nhấn mạnh ngón tay trên núm nhựa. Đâu đó, xa tắp, dường như từ phía cuối căn nhà dài bất tận này, có tiếng chuông rung yếu ớt. Không biết người trong nhà đã đi vắng hết, đang ngủ say hoặc đều đã điếc cả nên không có ai ra mở cửa.

Bữa nay thật là một ngày xui xẻo. Chuyến bay khởi hành từ sáng sớm, bay được nửa đường lại quay lại vì máy móc trục trặc sao đó. Gần trưa cất cánh, gặp thời tiết xấu hành khách bị hất lên nhồi xuống đến lộn cả ruột gan, gần tới Sàigòn bay vòng mãi rồi mới đáp xuống. Chuyến xe ca, gặp giờ tan sở, bị kẹt hàng giờ từ phi trường chưa về tới trạm. Dọc đường, Tình đã, xắc hành trang gọn trong tay, nhảy đại xuống một ngả tư, lội bộ cả mấy cây số để tìm tới đây, một con hẻm khuất. Chàng không mong gì hơn là được tắm mát, thay quần áo rồi nằm nghỉ một lát cho lại sức. Vậy mà, dưới trời nắng loá, Tình đứng gọi chuông dễ chừng đến mười phút, cánh cửa vẫn đóng im lìm.

Mất kiên nhẫn, Tình định bỏ đi tìm một quán trọ, đợi chiều tối, tỉnh táo rồi sẽ trở lại đây. Chàng cúi lượm xắc hành trang, vừa quay người lại thì bất chợt cánh cổng hàng rào cây phía trước được đẩy sang bên và một thiếu nữ chạy ùa vào.

Một tiếng reo mừng như chợt ngưng lại trên cặp môi, vẻ ngượng ngùng thoáng hiện trên mắt trên tai, người thiếu nữ đứng khựng lại, ngỡ ngàng nhìn khách lạ. Tình mỉm cười:

-Cô Tuyết?

-Dạ.

-Tôi là Tình, bạn thân của Trác. Tôi được nghỉ phép, ghé thăm cụ và cô.

Tuyết lúng túng. “Xin lỗi ông…”, khép nép tới bên cửa, lấy chìa khoá trong sắc tay, mở cửa và nép mình, tay phác một cử chỉ lịch thiệp.

-Xin mời ông vào chơi. Nãy giờ chắc để ông đợi đã lâu, thật không phải.

-Cụ không có nhà sao cô Tuyết.

-Thưa có, đẻ tôi có nhà, nhưng giờ này đẻ tôi nghỉ trưa. Vả lại, đẻ tôi nặng tai, ít khi nghe tiếng chuông gọi cửa. Nhà cũng ít khi có khách tới nữa.

Tuyết mỉm cười, đẩy cửa bước sang buồng bên. Lát sau, khi Tình đang đảo mắt nhìn quanh căn phòng khách bày biện sơ sài nhưng gọn gàng, thanh nhã. Tuyết bước ra với một ly nước lạnh. Nàng đặt một ly xuống mặt bàn mây thấp.

-Mời ông ngồi chơi.

Tình gieo mình xuống chiếc ghế bành gần nhất, móc thuốc đặt lên môi.

-Cô cho phép?

-Xin ông cứ tự nhiên.

Tuyết bước lại bên tủ, lấy một cái gạt tàn thuốc đem đến đặt bên ly nước. Tình châm thuốc hút, thở mấy hơi khói dài khoan khoái rồi móc túi áo lấy ra một phong thư nhầu nát đưa cho Tuyết, miệng cố nhếch một nụ cười thân thiện.

-Thư của Trác.

Tuyết mừng rỡ đón lấy phong thư, khép nép ngồi xuống ghế. Tình phác một cử chỉ bâng quơ khi Tuyết ngước nhìn chàng. Tuyết mỉm cười, bóc thư ra đọc.

Tình đứng lên, bước tới cửa sổ. Bên kia khung cửa là khu vườn nhà hàng xóm, ngăn cách bằng một hàng giậu cây dâm bụt thấp, xén tỉa gọn gàng. Góc vườn, bên gốc cây nhãn có một bờ giếng. Gốc cây nhãn, bờ giếng lát đá xanh, ngôi nhà mái ngói rêu phong, nơi quê cha đất tổ, nơi Tình đã sinh ra và lớn lên, những hình ảnh quen thuộc ấy dắt Tình trở về dĩ vãng xa xưa, dìm Tình vào một hồi tưởng miên man, dằng dặc. Tình gần như giật mình khi nghe tiếng hắng giọng sau lưng.

-Ông Tình… Đi đường xa, chắc mệt. Để mời ông vào phòng trong nghỉ ngơi.

-Như vậy có phiền cô không?

-Chắc chắn là không. Thư anh Trác tin không về được và dặn mời ông ở lại đây hưởng chung với gia đình chúng tôi ít ngày nghỉ phép an lành. Là bạn thân của anh Trác, mong ông cứ coi như đây là gia đình ông và xin ông cứ tự nhiên.

-Cám ơn cô. Nếu quả không làm phiền cô thì xin cô cho tôi được tắm và ngủ một giấc ngắn thì tuyệt.

-Mời ông sang phòng anh Trác tôi.

-Xin lỗi cô Tuyết nhé, cửa sổ căn phòng đó có mở sang khu vườn nhà bên cạnh này không cô?

-Thưa, chi vậy?

-Không sao cả. Chả là từ nhỏ tôi say mê những khu vườn nho nhỏ có trồng nhãn và một bờ giếng nơi góc vườn.

-Ông sẽ được toại ý. Để mời ông theo tôi.

Tuyết cúi xuống định xách túi hành trang. Vừa lúc, Tình cũng cúi xuống. Hai bàn tay chạm nhẹ. Rất vô tình, nhưng cũng đủ cho Tình thoáng thấy trên gò má Tuyết một vừng hồng mới ửng.

*

Hai người đã đi ngang hết thửa vườn tới bên bờ giếng. Tình bẻ một cành cây nhỏ, quét trên thành giếng rồi phác một cử chỉ mời mọc. Tuyết ngồi xuống, nghiêng mình nhìn trong giếng, xuýt xoa:

-Trời, giếng sâu quá anh Tình nhỉ. Hồi trước, khi nhà chưa có nước máy, chúng tôi vẫn ăn chung với lối xóm nước giếng này, nên hàng giậu mới có ngõ thông sang đây. Thế nhưng đây là lần đầu tôi tới giếng, nhà chả có chị Hai giúp việc…

Tình ngắt lời Tuyết:

-Tôi vẫn thích uống nước giếng hơn nước máy, nước múc dưới giếng lên là uống ngay, mặc dù biết là nước không được trong lành cho lắm. Một thói quen quê mùa đó, cô Tuyết.

-Anh mà quê…

-Thật mà. Tôi chỉ sợ trong ít ngày ở đây, vốn không quen với nền nếp nho nhã thanh cảnh, tôi sẽ có nhiều điều thất thố với cụ, với cô.

-Khỏi lo, anh chiếm được trọn vẹn cảm tình của đẻ tôi rồi đấy. Anh thấy không, mấy hôm nay đẻ tôi toàn uống trà ướp sói của anh đem về cho.

-Tại Trác nó mách nước đó.

-Cụ bằng lòng hơn cả khi anh xin phép cụ được thắp hương trên bàn thờ…

-Lại một thói quen quê mùa khác mà cô.

Tình ngồi xuống bên Tuyết, móc thuốc ra châm hút. Tuyết chăm chú nhìn Tình

Khói buồn bay lên mây… Anh Tình à, anh kể Tuyết nghe ít chuyện về cuộc sống các anh trong rừng được không? Anh Trác lười viết thư lắm nên Tuyết không bao giờ hình dung được đời sống các anh. Cứ xem mãi cảnh lính dừng chân sau chuyến quân hành, ngồi ca hát trên màn ảnh nhỏ thì chán ngắt.

-Chán ngắt thật đấy cô. Thỉnh thoảng cũng có chuyện đỡ buồn chán, nhưng những chuyện đó thật chẳng đáng nên kể cho những “em gái hậu phương” nghe chút nào.

-Ghê gớm lắm hở anh.

-Vầy vậy, riết rồi quen đi. Chiến tranh mà.

-Thế trong những lúc không “vầy vậy” như anh nói, các anh có hay chuyện trò với nhau không. Thường các anh hay nói những chuyện gì?

-Chúng tôi ít tán dóc lắm, chỉ nói với nhau những điều thật cần, thật gọn. Đôi lúc, được ở nơi trú quân an toàn, chúng tôi cũng có lòng thòng tâm sự chứ. Đủ thứ chuyện, chuyện gia đình, bè bạn, chuyện tuổi thơ đã mất, những ước vọng mai này nếu còn sống sót… Nhưng hầu như không bao giờ chúng tôi nói chuyện đàn bà, gần như coi đó là điều kiêng kỵ.

-Anh làm Tuyết thất vọng rồi. Vì, anh Trác…

-Thật ra, tôi cũng chẳng sao hiểu nổi một người như anh Trác, tôi muốn nói một người đứng đắn, kín đáo, mực thước như Trác lại tình nguyện vào cái binh chủng hầu như chỉ dành cho những kẻ bốc đồng loại tôi. Tưởng về đây hỏi cô cho ra lẽ, đâu ngờ tôi lại là người bị thẩm vấn ngược lại. Trác kín tiếng với bạn bè thì còn hiểu được, nhưng kín tiếng với cả người thân trong gia đình thì lạ thật. Lạ và tệ nữa.

-Tệ thật đó anh, ngày anh Trác trình luận án xong, đẻ em đã lo gửi gắm anh ở một chỗ an toàn. Thế mà anh ấy tình nguyện bỏ đi thật xa, chọn một ngành thật bấc trắc, làm đẻ em khóc hết nước mắt. Anh xem đó, bây giờ đẻ em ăn chay trường và đêm ngày tụng kinh cầu nguyện cho đứa con trai duy nhất còn sót lại của dòng họ. Đã nhiều lần, Tuyết có ý nghĩ hay là anh Trác gặp một mối tình dang dở, đắng cay nào đó…

-Không đâu, Trác nó không có vẻ gì là đau khổ vì tình cả. Dường như, Trác muốn lao vào nguy hiểm để thử thách với chính mình, để tìm một thế quân bình nào đó cho ngoại giới và nội tâm. Có lần, Trác tâm sự đâu có muốn học thuốc, Trác đã học thuốc chỉ vì muốn làm vui lòng bà cụ đó thôi.

-Em không thể hiểu nổi.

-Cô cũng đừng tìm hiểu. Chiến tranh làm biến đổi con người, nhất là mẫu người có đời sống nội tâm phong phú như Trác.

-Chiến tranh đối với các anh chỉ là một cái cớ.

-Nhiều hơn thế nữa, cô Tuyết. Hơn là một tai họa nữa, chiến tranh là một thực trạng mà, dù muốn dù không, chúng tôi phải tham dự.

-Các anh tiếc thương quá khứ và thù ghét tương lai.

-Nói chung chung thì vậy đó. Nhưng riêng với Trác thì không hẳn như vậy.

Tình thoáng nghe những tiếng nói sau cùng của mình chìm trong một tiếng thở dài. Chàng đốt một điếu thuốc khác, điếu thuốc cuối cùng còn lại, bóp nát cái bao quẳng mạnh ra xa. Từ ngôi nhà phía trước có tiếng dương cầm vọng lại tiếng đàn ngượng, vụng của một nhạc sinh non nớt.

-Thế còn cô?

-Còn em, sao?

-Đi lính lâu, tôi thô lỗ quen rồi. Cô đừng giận nhé, tôi muốn hỏi về đời sống tình cảm của cô.

Im lặng.

-Cô đã yêu?

-Hồi nhỏ, hồi mới lên trung học, anh Trác có yêu một cô, một thứ tình yêu vụng dại của tuổi học trò mới lớn. Một bữa, anh Trác viết thư tỏ tình, lén ném vào nón cô bạn học. Cô này con nhà giàu, đỏng đảnh, đem thư anh Trác lên trình ông đốc. Hồi âm anh Trác mong chờ là một trận đòn mà suốt đời chắc anh Trác không bao giờ quên được. Em nghĩ sự hung bạo đó đã ảnh hưởng sâu xa đến đời sống tình cảm của anh Trác sau này. Lớn lên, anh lạnh lùng, kín đáo nhiều mặc cảm. Em đã giới thiệu với anh biết bao nhiêu cô bạn mà rốt cuộc cô nào cũng le lưỡi chạy cả. Bản chất anh Trác là người hiền, tốt, mà cách cư xử lạnh nhạt của anh thật dễ ghét. Anh biết cô bạn học cũ của anh Trác không? Bây giờ cũng là y sĩ rồi đó, có phòng mạch gần Bảo sanh viện lớn nhất đô thành, chồng con rồi, máy chém nổi tiếng đó… Thế còn anh?

-Tôi ấy à. Tôi thì cả đời chưa viết bức thư tình nào cả. Hay nói cho đúng hơn, bức thư tình đầu tiên – mà cũng là duy nhất nữa – được viết thầm lặng trong một cái chăn trải rộng.

-Một cái chăn?

-Đúng thế. Hồi đó, lâu rồi, tôi học năm cuối bậc trung học, ngoài hậu phương. Một chuyến về thăm nhà lúc đó tản cư ở Ý Yên, trở về trường, tôi phải đi đò dọc. Cô có biết câu thơ tả thú đi đò dọc ngoài bưng không?

-Thời đó em còn mặc quần thủng đít.

-Đi đò dọc thường có nhiều cuộc gặp gỡ bất ngờ, kỳ thú lắm, nhất là với các chàng trai tiểu tư sản thành thị bạo dạn, hào hoa. “Ai chia biên giới làm hai ngả, thu hẹp ân tình một cái chăn…”. Ấy, mối tình đầu của tôi cũng thu hẹp trong một cái chăn, trên một chuyến đò dọc ngược sông Đáy lên Yên Mô…

-Mối tình có một kết cuộc?

-Sớm hôm sau, chia tay, mỗi đứa đi mỗi ngả, chúng tôi có hẹn sẽ tìm gặp lại nhau. Nhưng rồi chiến tranh lan tràn, chúng tôi không còn dịp nào gặp nhau nữa.

-Và anh đã quên luôn?

-Không. Mới lớn, tôi cũng đa cảm, lãng mạn nữa chứ. Tôi cũng tha thiết với hình ảnh người đàn bà đầu tiên trong đời ấy, cũng ôm ấp mãi, tìm kiếm mãi.

-Mà không gặp?

-Gặp chứ. Tôi gặp lại trong một buổi tiếp tân huy hoàng xe ngựa mà người xưa là gia chủ. Lịch thiêp, đài các, như mọi mệnh phụ khác của cái xã hội trưởng giả này.

-Anh lấy thế làm đau?

-Không, chỉ hơi buồn thôi. Cái buồn có thể đem đốt, đem chôn trong men rượu, khói thuốc và da thịt đàn bà. Thành thật, tôi chôn nó đã lâu, tối nay, tại cô khơi lại…

-Xin lỗi anh nhé…

-Cô khách sáo như một “em gái hậu phương” chính hiệu rồi đó.

Tuyết cười nho nhỏ. Tại căn phòng bà cụ, sáng ánh đèn mờ, vọng ra tiếng gõ mõ đều đặn, thỉnh thoảng chen lẫn tiếng chuông ngân nga, thanh thản.

-Khuya rồi, ta về thôi anh.

-Cô vẫn chưa trả lời câu tôi hỏi.

Tuyết đứng lên, nhẹ nhàng phủi bụi bám trên quần, rồi giơ tay cho Tình nắm lấy. Tình kéo Tuyết đứng lên. Hai người đi bên nhau, im lặng, tiếng lá khô xào xạc dưới chân.

*

Ngoài trời mưa nhẹ hạt, những giọt mưa cuối mùa, tới trễ. Tình khoáy nhẹ cái muỗng nhỏ trong tách cà phê. Âm thanh ròn, vui và ấm cúng khiến chàng hứng thú. Tuyết ngồi trước mặt chàng, đang vắt chanh vào tách trà. Bàn tay Tuyết có những ngón thon nuột thật đẹp.

Cả hai ngồi nhìn nhau, cùng im lặng, như muốn níu giữ những phút giây êm đềm, quý báu.

Tiếng mõ đều đều lọt qua cửa phòng để ngỏ, tràn vào khuấy tan sự yên lặng. Tình như hốt hoảng:

-Sắp tết rồi Tuyết nhỉ.

-Còn bốn bữa nữa.

-Tuyết được nghỉ lâu không?

-Hai tuần anh ạ. Năm nay được nghỉ nhiều quá. May mà có anh về chơi, chứ không nhà thui thủi có hai mẹ con buồn muốn khóc. Chị Hai thì cứ gần tết là xin về dưới xứ.

-Đã lâu lắm tôi không được ăn tết trong không khí ấm cúng gia đình.

Đẻ đã sửa soạn xong cho một cái tết đầy đủ hương vị quê hương.

Đẻ chăm lo cho người vắng mặt, không biết tôi nghĩ thế có sai không.

-Anh như đã được đẻ nhận vào gia đình này.

Đẻ thương yêu Trác qua tôi.

-Anh lầm.

-Có thể là tôi lầm. Nhưng tôi hỏi thật nhé, Tuyết…

Tuyết cúm môi, suỵt nhẹ, đặt một ngón tay lên môi. Nàng đứng lên, cầm bình trà tới rót vào tách, bưng lại cho Tình rồi ngồi xuống bên chàng.

-Anh ở binh chủng này đã lâu chưa nhỉ?

-Ba bốn năm gì đó.

-Đủ lâu để xin thuyên chuyển đi nơi khác?

-Tuyết muốn tôi xin thuyên chuyển đi đâu bây giờ?

-Một nơi nào đó, xa rừng rú, một nơi nào đó đỡ phải thường xuyên chường mặt đối diện với quân thù, một nơi nào đó…

-Đủ yên ổn để chăm lo cho những người thân, phải thế không Tuyết?

Tuyết cúi đầu lặng thinh. Tình hơi hối hận vì đã quá sỗ sàng, nhưng một cơn giận dữ không đâu cứ bốc lên cuồn cuộn như những đợt sóng ngầm, dai dẳng.

-Tuyết đã biết tôi không nhiều tham vọng, tôi không chán đời, không cần tìm cảm giác mạnh, không cần tìm quên lãng. Tôi bình thường. Nhưng, khi buộc phải tham dự cuộc chiến, tôi muốn tham dự một cách thẳng thắn, nghiêm túc. Sau khi lựa chọn, tôi thích binh chủng này vì nơi đó tôi đã gặp những người trung thực, những người tôi sung sướng được có đủ tin cậy để kết làm bằng hữu, không phải chỉ trong thời gian tại ngũ mà còn mãi mãi sau này. Bây giờ phải có một cái gì ghê gớm lắm mới bứt được tôi xa nó. Cái gì ghê gớm đó, hẳn không là…

-Tuyết van anh.

-Tôi xin lỗi đã làm Tuyết buồn. Nhưng nếu cần phải nói dối để Tuyết được vui…

Tuyết đứng lên, lại ngồi trên chiếc ghế cũ, trước mặt Tình. Căn phòng chìm trong im lặng nặng nề. Thời gian được điểm bằng tiếng mõ đều đặn. Thấp thoáng, yếu ớt, qua khu vườn, tiếng dương cầm vọng lại tẻ nhạt.

Đã nhiều lần, Tình định cất tiếng nói lên một điều gì đó, một lời gì thật êm thật dịu, nhưng chàng không sao mở được miệng. Cổ họng chàng đắng ngắt. Chàng đốt hết điếu thuốc này tới điếu khác, hết nhìn Tuyết lại quay ngó mong ra ngoài khung cửa sổ. Chàng biết là sợi dây vô hình ngăn giữa hai người giờ đây đã trở thành một màn lưới dày mà chàng chỉ có thể vượt qua, xé bỏ, bằng chiếm đoạt, hung bạo. Điều đó chàng không thể làm, ít nhất cũng không thể làm với Tuyết, em Trác. Le lói trong Tình là một đốm lửa nhỏ, yếu, nhưng đủ soi cho Tình nhìn rõ nghĩa thiêng liêng của tình bạn. Những lời nói suông sẻ không đủ để xé bỏ màn lưới vô hình kia. Tình biết rõ và cam chịu bất lực, nín thinh.

Đêm về khuya, tiếng mõ vừa dứt, Tuyết nhẹ nhàng đứng lên, thấp giọng gần như tiếng thì thào:

-Khuya rồi, anh đi nghỉ. Chúc anh ngủ ngon.

Tình ngước nhìn Tuyết, đôi môi mấp máy nhưng không một lời nào thốt ra.

Ra tới ngưỡng cửa, Tuyết đứng lại dây lâu. Rồi nàng chậm chạp quay lại, đứng trước mặt Tình, chìa hai tay ra. Tình đứng lên nắm lấy bàn tay Tuyết. Chàng nhìn sâu vào mắt cô bạn bé nhỏ, bắt gặp trong hai đáy sâu đó biểu hiện một tha thứ, cảm thông. Tình mỉm cười, nhẹ nhàng, rất nhẹ nhàng nâng hai bàn tay Tuyết lên môi, hôn phớt trên những ngón tay nàng. Tình nắm hai bàn tay Tuyết giây lâu, rồi thì thầm:

-Khuya rồi, chúc Tuyết mơ nhiều mộng đẹp.

*

Thân gửi Trác,

Tao đã lên Đà Lạt. Rất tiếc đã không ở lại ăn tết với gia đình mày. Một phần vì tao không chịu nổi cái nhịp sống quay cuồng đến chóng mặt của Sài Gòn; phần khác, đúng như tao nghĩ, sự có mặt của tao làm cho đẻ và em mày buồn hơn là vui.

Không xoay nổi vé máy bay, tao đã đi xe đò. Thêm một cớ cho mày chửi tao. Cứ để dành những lời chửi rủa đó đi, rán đợi ngày tao trở lại đơn vị. Mày chỉ có thể hiểu được, sau này, khi gặp lại tao. Chuyện tao bỏ lên đây không thể viết ra trong một lá thư, dù cho tao có viết hết tập giấy này. Bây giờ thì mày hãy cứ tạm bằng lòng với ý nghĩ là tao đã không thể không mò lên Đà Lạt, vì Đà Lạt là một mời gọi, một quyến rũ, nó vượt qua sức chống đỡ của tao.

Trời Đà Lạt không lạnh lắm. Hoa anh đào chưa nở (hay đã nở?), ban ngày không gió lộng và chiều tối không sương mờ, làm cho thị trấn này như thiếu một cái gì thật quen thuộc và thật quyến rũ. Nhưng, cho dù thiếu những thứ đó thì mùa đông Đà Lạt cô tịch vẫn hấp dẫn hơn cái nắng lửa của Sài Gòn nhộn nhịp. Mày đồng ý thế chứ?

Tao không trọ ở khách sạn quen cũ. Nó đã bị Mỹ hoá, ồn ào, nhớp nhúa. Người chủ tham lam đã bỏ cái terrasse để xây thêm mấy căn phòng, thành ra căn phòng C.1, – căn phòng mà đã bao lần nằm trong xó rừng già heo hút, tao đã từng mơ ước được cùng mày tới đó nghỉ ít ngày, – nay đã mất hẳn đi những nét thơ mộng đáng yêu ngày trước. Đêm nằm co ro trong chăn mà cứ trằn trọc mãi vì “tứ diện thụ địch” nên tao đành bỏ đi.

Chỗ trọ hiện nay là một khách sạn nhỏ, tồi tàn, thiếu đủ mọi tiện nghi. Ngay cái bàn tao ngồi viết thư này cũng ọp ẹp, thê thảm dưới ngọn đèn trần trụi hắt thẳng từ trần nhà xuống. Tao không sao hiểu nổi tại sao thằng Nghiễm nó lại thích nổi cái xó này mà dặn dò tao tới đây. Mùa này, dân tứ xứ kéo nhau tới Đà lạt hơi đông, kể cũng khó mà kiếm được một nơi nghỉ khác, nên tao đành bằng lòng với cái bằng lòng cũng đành…

Được cái bù lại là gần quán trọ có một quán ăn khá tốt, l’Eau Vive. Thoạt tiên, tao tưởng quán được đặt theo tên một phim mà chắc mà đã xem trước ngày đi lính. Nhưng khi đến nơi, nhìn cách trang trí, tao mới biết đó là “nước hằng sống” trong kinh thánh (Phúc âm thánh Gioan, IV, 7-26 và VII, 37-38. Ôi! Những bài học thuở nhỏ ở Saint Thomas d’Aquin, bộ mặt lầm lì của ông sư huynh già nua, những roi đòn khắc nghiệt, tất cả như đã hằn sâu trong trí nhớ). Chủ quán là một bà bề trên, người Pháp, mà mọi người đều gọi là mademoiselle. Thằng Tuấn cho biết bà là một giáo sư thạc sĩ, đã “khấn trọn đời”. Điều này hơi làm khổ tao, vì đã từ lâu quá mình đâu có dùng tới tiếng Pháp, mà vốn tiếng chữ nghĩa của bọn mình đã bị bom đạn dũa mòn rồi. Mấy “cô” khác (Pháp, da đen, Việt) rất hiền hậu và khả ái. Họ tu trong một dòng thật đặc biệt. Họ mặc thường phục và chuyên mở các quán ăn, quán rượu có ca vũ (ôi, lạy chúa tôi, biết bao nhiêu là cám dỗ!), họ tiếp xúc với đủ mọi hạng người nên làm “voeu perpétuel” đối với họ quả là một việc quá đỗi khó khăn. Thức ăn ngon – không phải là cái ngon của cao lâu, tửu điếm, mà là cái ngon của bếp núc gia đình – nhạc cổ điển tuyệt, không khí ấm cúng và thanh thản lạ thường. Đối với một “voyageur solitaire” như tao, như để an ủi. Kẻ lữ hành cô độc, trong khung cảnh vừa kể, đã quên được rất nhiều điều đáng quên, cần quên và tự cảm thấy tâm hồn mình lắng xuống, trùng xuống.

Khuya qua, thấy đói bụng, tao mò xuống chợ tìm đến một quán ăn khuya. Gặp lại S., người tình của những ngày Quảng Yên xưa cũ. Nàng đi với con gái đã lớn, học seconde ở Couvent des Oiseaux. Lúc ra về, S. vượt con tiến lên trước đến hỏi tao trọ ở đâu. Không hiểu tại sao, tao buộc miệng nói dối, thật nhanh và thật gọn, anh ngủ trong trại. Trông theo mẹ con nàng kéo chậm cái bóng đổ dài trên triền dốc, tao thấy hơi nhẫn tâm, nhẫn tâm nhưng bình thản lạ lùng. Thứ “cocktail” tình cảm mà tao nghĩ là mày đã từng có khi tình nguyện gia nhập cái binh chủng khốn khổ mà quê hương không là nơi nào khác hơn những cánh rừng già biên giới.

Gần sáng, khó ngủ, tao nhớ nhiều tới em gái mày. Trong mấy ngày ở lại nhà mày, tao đã tỏ ra ân cần, cần cố gắng ân cần như một người anh tốt. Kể ra lối cư xử đó đã làm tao khổ tâm không ít. Nhưng, không biết tao nghĩ có sai không, em gái mày cũng như mọi người đàn bà khác, nàng yêu lính nhưng lại ghét chiến tranh…

*

Tình bỏ dở bức thư, khoác vội tấm áo choàng và bỏ ra ngoài phòng. Cổng ngoài khách sạn đã khoá. Tình nhún mình nhảy băng qua giậu cây thấp ven bờ tường rào. Ra tới đường, Tình không biết mình đi đâu, làm gì.

Thẫn thờ, chậm chạp, chàng leo lên con dốc nhỏ, dừng lại trước ngọn đèn soi sáng tấm bảng gỗ trên kẽ hai chữ l’Eau Vive. Phía bên trong, lưng chừng dốc thoải xuống, căn nhà sàn chỉ còn le lói ánh đèn. Tình bất chợt nhớ ra bữa nay là thứ hai. Quán ăn đóng cửa ngày thứ hai. Tình cảm thấy cổ họng mình khô và đắng. Chàng thèm một ly rượu, uống từng hơi dài, chậm. Tình bẻ cao cổ áo, đi nhanh xuống dốc. Tới cổng nhà trọ, Tình ngước nhìn trời cao. Trời trong, lấp lánh nhiều ánh sao khuya. Đêm hoàn toàn yên tĩnh. Xa xa, vu vơ vài tiếng chó sủa. Khóm cây bên cổng có một bông hoa vừa nở. Tình không biết tên loài hoa. Một làn hương thơm hắt bay lên khi chàng cúi xuống. Chàng ngắt bông hoa, đu mình nhảy qua hàng giậu cây vào trong sân.

Tình rón rén leo lên lầu, những bậc thang gỗ run rẩy dưới chân. Vào phòng chàng cắm bông hoa vào một ly nước lạnh, đặt lên mặt bàn ngủ đầu giường.

Tình uống cạn tách trà nóng, từng ngụm khoan thai, khoái trá. Chàng nằm nghiêng, nhìn bông hoa. Những cánh hoa như lung linh nhảy múa. Và Tình bất chợt cảm thấy rùng mình, khi từ cái máy thu thanh đặt bên ly nước, được bao quanh bằng làn ánh sáng màu vàng cam hắt qua làn kính cửa, rì rầm, rất dịu dàng, tựa như tiếng thì thào tâm sự, một trong những khúc tình ca đã từ nhiều năm tháng qua, nhẹ nhàng, tha thiết, thì thầm ru hàng ngàn mối tình tan tác “…Ngày đó có em ra khỏi đời rồi, trùng dương ơi có xót xa cũng hoài mà thôi…”

Lần đầu tiên, kể từ ngày nghỉ phép, Tình đi vào giấc ngủ thật nhẹ nhàng, lối đi lót đầy hoa hương, mật ngọt, và bên kia, đằng sau một tiếng thở dài hắt hiu nào đó, bỗng nhiên mở rộng cả một bầu trời êm ả, thần tiên, một bầu trời ngợp đầy mộng đẹp, những mộng đẹp của những thiên đường đã lỡ.

Viết tặng Trang

(Đà Lạt, 12/69)

(trích Văn số 146-147 số xuân Canh Tuất 1970)

Nguồn: Văn Miền Nam tập III, do Thư Ấn Quán sưu tập và xuất bản tại Hoa Kỳ tháng 9-2009.
Email: tranhoaithu@verizon.net

bài đã đăng của Trần Phong Giao

Phần Góp Ý/Bình Luận


Xin vui lòng bày tỏ trách nhiệm và sự tương kính trong việc sử dụng ngôn ngữ khi đóng góp ý kiến. Da Màu dành quyền từ chối những ý kiến cực đoan, thiếu tôn trọng bạn đọc hoặc không sử dụng email thật. Chúng tôi sẽ liên lạc trực tiếp với tác giả nếu ý kiến cần được biên tập.

Lưu ý: Xin vui lòng bỏ dấu tiếng Việt để giúp tránh những hiểu lầm đáng tiếc từ độc giả trong việc diễn dịch ý kiến đóng góp. Bài không bỏ dấu sẽ không được hiển thị. Xin chân thành cám ơn.

@2006-2023 damau.org ♦ Tạp Chí Văn Chương Da Màu
Log in | Entries (RSS) | Comments (RSS)