- Tạp Chí Da Màu – Văn chương không biên giới - https://damau.org -

Mật mã Nabokov: lần đầu gặp gỡ laura, tác phẩm dở dang và cuối cùng của văn hào

Nabokov_The_Original_of_Laura

Xin đừng ngạc nhiên là việc sắp xuất bản bản thảo dở dang The Original of Laura (Nguyên Bản của Laura) của đại văn hào Vladimir Nabokov (được dự định cho ra mắt ngày 17 tháng 11 năm nay), từ lâu được coi như một thánh vật cất  kín, cũng được bao trùm trong một không khí đầy bí mật.

Để được đọc văn bản này, người điểm sách không thể đơn giản xin phép nhà xuất bản gửi một bản tiền duyệt (preview copy). Người ta phải vào hành lang trụ sở của nhà xuất bản Random House (hiện giờ đang được trang hoàng với những tấm thiệp quảng cáo quyển tiểu thuyết The Lost Symbol (Biểu Tượng Đánh Mất) của Dan Brown) và đi thang máy lên tầng thứ 21, vào một văn phòng bỏ trống, để nhìn thấy tận mắt quyển sách duy nhất dành riêng cho giới điểm sách nằm im lìm trên bàn. Ở đây, người ta sẽ được hướng dẫn là người ta có thể đọc quyển sách nhưng không được (do nhiều lý do trong đó có việc tôn trọng tác quyền trích đoạn tác phẩm (first serial rights) của tạp chí Playboy) tiết lộ bất cứ điều gì về quyển sách–nếu những điều này chưa hề được xuất bản–cho đến khi một phần của quyển sách thuộc chủ quyền của Playboy được xuất hiện trên kệ sách toàn quốc.

Sự giới hạn này làm người ta bực dọc, nhưng có điều gì rất quyến rũ trong lần đầu tiên tôi gặp Laura, vì “hồn” của nàng đã được nhìn thấy ánh sáng thế gian do công sức không nhỏ của tôi. Rồi đến một tiết lộ kinh hoàng trên trang xix, mà tôi được nhà xuất bản cho phép bật mí.

laura Nếu quyển sách mới nhất của Dan Brown là Biểu Tượng Đánh Mất, độc giả có thể nói Laura của Nabokov là The Last Symbols (Những Biểu Tượng Sau Cùng): những dòng chữ cuối cùng mà nhà văn đã viết, cái bản thảo ông muốn thiêu hủy nếu ông chết trước khi ông hoàn tất nó. Bản thảo này đã được bảo mật trong một hộp sắt kiên cố trong hầm của ngân hàng Thụy Sĩ hằng mấy mươi năm. Nó vẫn còn trong hình hài của 138 thẻ ghi chú (1), trên đó ông viết chi chít bằng bút chì. Bản thảo này – và đây là điều làm cho nó thật gợi thèm, một đối tượng đang làm thế giới văn chương say đắm chú ý–có thể chứa đựng một hay nhiều manh mối, một mật mã, chúng tôi chỉ biết là, nó có thể cung cấp một cách nhìn mới về những câu văn đầy ẩn dụ trong các kiệt tác của Nabokov. Có thể, qua màn gương tăm tối, chúng ta sẽ thấy phản hiện nét chân dung cuối cùng của tác giả, mà từ xưa đã in dấu trên văn thể sáng lạn.

Và do đó một không khí huyền ảo bao gồm báu vật mà tôi chiêm ngưỡng trên tầng thứ 21 – làm như thể đó là một cuộn thánh thư mới được khám phá ở Biển Chết. Bao trùm chung quanh báu vật này cũng là cả một dư luận sôi nổi.

Đây là bản thảo mà tôi đã tìm cách cứu khỏi bị thiêu hủy, rồi lại nghĩ rằng nàng nên được thiêu hủy, và bây giờ tôi đang bị cháy bỏng vì muốn nhìn xuyên thủng nàng mặc dù tôi cũng cảm thấy ít nhiều ngại ngần. Trong bản thảo này, tôi sẽ nhanh chóng khám phá, một điều sẽ làm tôi chấn động mạnh.

black cover of laura Tôi muốn xem nàng trong trạng thái thiêu đốt không phải vì nàng sẽ giải mã gia tài của Nabokov. Tôi không tin văn chương là chuyện mà người ta có thể giải mã như giải mã những văn tự trên tảng đá Rosetta (2). Tôi là đồ đệ của “Thất Thuyết Mập Mờ,” (“Seven Types of Ambiguity”) (3) một trường phái phê bình văn học đã quan niệm rằng phương pháp giải mã ngôn ngữ bằng cách phiên dịch máy móc những dấu hiệu sẽ làm suy giảm tiềm năng “đơm hoa kết trái” của một tác phẩm.

Nhưng kể từ khi tôi được biết đến sự hiện hữu bấp bênh của Nguyên Bản của Laura, tôi tự hỏi liệu nàng, khi chỉ là những mảnh rời rã, có thể tiết lộ tinh chất của một kỳ quan, đầy bí mật và rất phức tạp: tâm trí của Vladimir Nabokov, có lẽ được nhìn thấy lần đầu tiên trong tiến trình sáng tạo, cho chúng ta thoáng thấy sự chuyển hóa vi diệu mà ông đã biến chì (trong bút) thành vàng.

Đối với tôi, tâm trí của Nabokov xứng đáng là một kỳ quan hơn tất cả những gì đã được xuất bản trong bốn thế kỷ vừa qua kể từ ngày ra đời của Shakespeare. (Kỳ lạ thay, sinh nhật của Shakespeare lẫn Nabokov đều được đón mừng cùng một ngày, là ngày 23 tháng Tư. Một sự trùng hợp ngẫu nhiên? Xin yêu cầu Dan Brown hãy giải thích Các Hiện Tượng Tháng Tư.)

Nhưng nghiêm túc hơn, tôi xem văn chương của Nabokov, tâm trí của Nabokov, như là một mê lộ mà người ta có thể (và người ta nên lý tưởng) đi lạc trong ấy suốt đời. Ông ấy sở hữu một cái gì đó, một thiên tài, mà hào quang từ nó lấn át mọi hào quang của các nhà văn khác. Nó làm cho họ trở nên những ngọn lửa mờ nhạt nhất trong những ngọn lửa mờ nhạt khi so sánh với những tia chớp trên trời của ông.

Có lần, khi còn bé, tôi đã mơ thấy có người tiết lộ cho tôi biết một điều mà tôi nhớ là “bí mật của ánh chớp.” Tôi thức giấc quên mất cái “bí mật” này nhưng không bao giờ quên cái cảm giác sung sướng rợn người được ở gần với sự hiểu biết bí mật này. Đó là cảm giác khi tôi đọc Nabokov. Lẩn mình giữa những hàng chữ, đặt mật mã không ai có thể giải nghĩa, đó là điều tương đương với bí mật của ánh chớp, không khác gì cái mật mã của thượng tầng tri thức loài người, như chuỗi gen DNA.

Nguyên Bản của Laura là truyện dài cuối cùng của Nabokov, ông đã chạy đua với Tử Thần để hoàn tất nó. Tử thần thắng, tuy nhiên, rất mâu thuẫn, cái chết, đối thủ cuối cùng của Nabokov, xuất hiện qua phụ đề: Chết thì Vui (Dying is Fun), đã xuất hiện trong bản in của nhà in Knopf (chi nhánh của Random House) với dấu ngoặc đơn hai đầu, để lại vẻ nhập nhằng không biết rõ đó là một tựa đề thay thế cho Laura hay chỉ là một phụ đề với dấu ngoặc đơn chung quanh nó.

“Chết thì Vui”? Nói gì thế? Nghe chẳng có vẻ gì là văn chương của Nabokov. Tuy thế tôi lại nghĩ câu này lại đầy sắc thái Nabokov, trong phạm vi văn bản của tác phẩm, mặc dù tôi không thể nói lý do, lúc này. Trước khi tôi được cho phép ngắm nghía tập bản thảo mới ra chưa đóng bìa của Knopf, tôi đã phải ký một hợp đồng dài ba trang (bao gồm “Phụ lục A,” Phần 1 và 2) do các ông luật sư của Knopf đã soạn thảo, bắt buộc, nếu tôi hiểu những ngôn từ luật pháp đúng đắn, đó là tôi không được phép tiết lộ bất cứ khía cạnh nào của tác phẩm nếu từ trước đến nay nó chưa hề được tiết lộ. (Die Zeit, một tờ nhật báo của Đức, đã cho xuất bản những ảnh chụp lại các thẻ ghi chú từ năm ngoái.)

Project2:Layout 1 Tôi có thể nói với độc giả, tuy thế, cái phụ đề Chết thì Vui hoàn toàn nghiêm túc nhưng thật đáng lo ngại. Tương tự như nói về “hội đồng quyết định bản án tử hình”! Đã thấy báo chí nói đến nét bi thương của tác phẩm, nhưng xin độc giả hãy chờ đến khi được xem tận mắt những gì đã viết trên các thẻ ghi chú này. Nếu tôi không thể tiết lộ bất cứ một chữ nào của văn bản (ngoại trừ cái gây chấn động trên trang xix), tôi rất thèm được nói về sự mê đắm của tôi với những thứ “không-chữ,” những bôi xóa ngoằn ngoèo không thể đọc được, những tẩy xóa, gạch bỏ, đã được thực hiên trong quá trình sáng tác: Những Nét Ngoằn Ngoèo của Biển Chết (The Dead Sea Scrawls) (4), độc giả có thể nói, của kinh điển Nabokov.

Nhưng trước hết tôi phải lùi lại vài bước để nói về lịch sử Nguyên Bản của Laura. Chuyện này bắt đầu khi Nabokov đang chống chọi với cái chết ở Thụy Sĩ vào năm 1977.  Khi ông bắt đầu chạy đua với Tử Thần để hoàn tất Laura, ông đã giao trách nhiệm nặng nề cho Véra, người vợ yêu quí của ông, một chuyện khó làm, buộc bà hứa sẽ đốt bản thảo này nếu ông chết trước khi hoàn thành cuốn sách. Bà không thể thực hiện điều này. Trước đây bà chính ra là người đã giữ lại bản thảo Lolita (được hoàn hảo hơn và trau chuốt kỹ hơn) không cho vào lò thiêu khi Nabokov muốn đốt quyển sách đó.

Khi Véra qua đời năm 1991, nhiệm vụ này rơi vào tay người con trai duy nhất của ông bà là  Dmitri Nabokov. Dmitri đã chần chừ không quyết định một thời gian, đem cất những thẻ ghi chú của Laura ở trong tủ sắt của một nhà băng Thụy Sĩ.

Thỉnh thoảng Dmitri phát biểu với mọi người là tác phẩm này không giống bất cứ tác phẩm nào bố ông đã xuất bản trước đây, đề nghị một cách nhìn mới về tác phẩm của bố ông. Và nội dung của một vài tấm thẻ ghi chú đã xuất hiện trên  những tạp chí khảo cứu văn chương về Nabokov mà ít người biết đến. Không mấy ai chú ý đến những gì được cất trong tủ sắt, và phần nhiều những nhà nghiên cứu về Nabokov cũng không biết hoặc biết rất ít về sự hiện hữu của Laura.

Rôi cho đến khi có một anh nhà văn nào đó – OK, đó là tôi – bắt đầu thúc hối Dmitri phải quyết định về sự sống chết của Laura. Tuyệt nhiên không có sự hồi âm nào cả.

Rồi, hai năm sau, tôi được kéo trở lại với chủ đề này bởi những lời nói, có vẻ thản nhiên nhưng cũng đầy sự đe dọa của Dmitri trả lời người phỏng vấn trên tạp chí mạng Nabokov. Dmitri đã nổi giận vì những đồn đại về tâm lý của bố ông trong một vài tư liệu về nhà văn đến độ ông đe dọa ném bản thảo Laura vào lửa để nó khỏi phải chịu sự dày vò của giới học giả.

Lời khẩn cầu thứ hai của tôi được gửi công khai đến Dmitri đã gây tiếng vang, xa và rộng, từ nơi đây (thành phố Nữu Ước) cho đến St. Petersburg, xuống Úc Châu, gây ra những cuộc tranh luận văn học gay go. (“Đốt nó đi!” kịch giả Anh Tom Stoppard nói với tờ London Times. “Giữ nó lại,” nhà văn Ai-len John Banville [một tông đồ của Nabokov] chống đối.)

Dmitri dường như không chống đối sự chú ý của công chúng dành cho ông khi dư luận bắt đầu công nhận ông là người cuối cùng sở hữu tác phẩm–tuy chưa được hoàn tất– của nhà văn vĩ đại nhất trong thời đại của chúng ta. Và dư luận cũng cảm nhận chuyện ông có quyền đốt nàng hay hiến dâng nàng cho thế giới.

Nhưng khi nghe nói là Dmitri đang dự tính cho phép xuất bản quyển sách này, tôi càng cảm thấy bị ray rứt, đến độ đề nghị trong một buổi hội thảo văn chương là ông ấy nên thiêu hủy quyển sách – để tôn trọng ước nguyện cuối đời của bố ông. Và tôi viết một bài thứ nhì phát biểu những ray rứt của tôi.

Dmitri không mấy vui trước sự thay lòng đổi dạ này, đặc biệt sau khi ông đã ký giao ước với nhà xuất bản Knopf để xuất bản quyển sách này.

Tôi thú nhận rằng khi có người phỏng vấn tôi về điều này, tôi đã biểu lộ tâm cảnh bị dằn vặt của tôi, không biết là tôi có nên đọc Laura hay không. Dù sao, tôi đã kết luận công khai với mọi người là ước nguyện của Vladimir Nabokov nên được tôn trọng triệt để bằng cách biến Laura thành một đống tro.

Thế mà, nàng lại nằm đây, một quyển sách khá dày, thật sự phi thường qua nhiều khía cạnh. Knopf và Dmitri đã cho sao chụp hết 138 thẻ ghi chú rồi trình bày mỗi thẻ trên một trang giấy cứng có bấm sẵn lỗ để độc giả dễ xé ra. Có những dòng biên bản của Dmitri trên mỗi trang sao lại thẻ ghi chú của bố ông. Độc giả có thể xé gỡ những cái thẻ này ra ra khỏi quyển sách và xáo trộn chúng với nhau nếu muốn, mặc dù hình thức này ám chỉ nhiều yếu tố tình cờ và hỗn độn hơn là cách Vladimir Nabokov đã cẩn thận đánh số, rồi đánh số lại bằng mẫu tự qua bút chì trên hầu hết các thẻ ghi chú. Và nếu độc giả tháo những cái thẻ này ra, quyển sách có bìa cứng này sẽ giống như một thành phố chết với tất cả các cửa sổ bị đấm thủng. Nhưng độc giả phải chiêm ngưỡng sự táo tợn qua cách quyển sách được thiết kế: hình thức của Laura sẽ cho phép độc giả cầm những cái thẻ này trong tay, cũng như Vladimir Nabokov đã từng cầm, ở một quãng thời gian nào đã mất, lúc ông đã tưởng mình rất gần với chuyện hoàn tất bản thảo.

Chẳng cần phải nói, tôi đã không thể kháng cự ước muốn đọc nàng. Tôi lao vào việc đọc những thẻ ghi chú này. Chỉ khi tôi tạm ngừng chuyện theo dõi những nhân vật và hóa thân văn chương của họ – Laura, như nhiều bài báo đã tường thuật, là tựa đề của một truyện dài nằm trong một truyện dài; và “nguyên bản” của Laura là nhân vật của truyện dài đã được dùng để dựng truyện – khi ấy tôi lật đến trang đầu nơi được dùng để cảm tạ những người có công, và khám phá ra điều gây chấn động ở trang xix.

Đó là danh sách có sáu người được cảm tạ, và người cuối cùng là:

“Ron Rosenbaum, người đã khởi xướng một cuộc vận động tạo dư luận hoàn toàn thành công, còn hơn chuyện dự định (cho dù chuyện gây dư luận đã không hề được dự định.)”

Tôi ngã ngửa. Hình như tôi thấy một chút gì mỉa mai cay cú trong lời “cảm tạ” của Dmitri. “Một cuộc vận động tạo dư luận”? Tôi cho là có ít nhiều sự thật trong câu văn này; tôi thật sự muốn bài viết của tôi gây chú ý, trước nhất là ủng hộ chuyện không tiêu hủy bản thảo, rồi sau đó là chuyện nên thiêu đốt Laura. Và bây giờ nhìn lại toàn thể câu chuyện – Dmitri hăm dọa đốt bản thảo, lời khẩn nài của tôi xin ông ta đừng làm thế, sự đổi ý của ông, sự đổi ý của tôi và quyết định là tôi sai lầm – Tôi thấy những điều chúng tôi trao đổi với nhau có thể đã làm cho vở kịch đầy gay cấn tiếp diễn mà nếu không có chuyện này sẽ không tạo ra bầu không khí huyền bí về tác phẩm cuối cùng của nhà văn.

Chắc chắn vở kịch trao đổi giữa Dmitri và tôi đã làm tăng sự chú ý, tò mò, chờ đợi và giá trị toàn cầu của bản thảo như một món hàng mà trước đây ít ai ngó ngàng.

Và tôi nghĩ là Dmitri quí trọng chuyện tôi thực lòng thông cảm tình trạng nan giải [có đốt hay không đốt/hiện hữu hay không hiện hữu] tương tự như Hamlet của ông. Tôi có thể nói là tạp chí mạng Slate đã cứu nguy Laura. Bởi vì, nếu Dmitri đã không bị tôi thúc hối chuyện phải quyết định vận mạng của Laura và nếu chẳng may ông bị lâm bệnh trước khi có quyết định ngã ngũ về bản thảo, biết đâu người kế vị chuyện thi hành di chúc của nhà văn Nabokov sẽ phải vâng theo ý nguyện ban đầu của Vladimir hoặc chỉ cho phép một ít học giả được quyền đọc bản thảo, một quyết định còn tệ hại hơn là cái chết đích thực của Laura.

Nhưng còn những lo ngại của tôi về bản thảo thì sao? Lòng thành trễ tràng của tôi với ước nguyện của Nabokov nên được hiểu như thế nào? Những lo ngại của tôi có thể được bôi xóa bởi cử chỉ rộng lượng của Dmitri là cho nàng được hiện hữu trên đời?

Nói vắn tắt là có.

Tôi biết nói gì thêm? Chuyện khai sinh đã xảy ra, đã được thi hành. Và tôi đã bị ray rứt, và tôi đã dành ra rất nhiều thì giờ cho một vật thể đã rất có thể biến thành một đống tro. Và tôi rất vui mừng là Dmitri đã không giận hờn gì tôi. Tuy thế, một phần trong tôi trước đã bị dằn vặt là không biết có nên xuất bản quyển sách, vẫn làm tôi tự hỏi, Tôi đúng hay sai? Liệu bóng ma muốn trả thù của Vladimir Nabokov có bắt đầu ám ảnh tôi từ bây giờ?

Điều đã an ủi tôi phần nào là dịp được nhìn thấy tận mắt những hàng chữ Nabokov đã viết chồng lên trên những đoạn ông ghi chú từ trước. Không để lộ vẻ là ông đã hối hả che dấu tiến trình sáng tác, Nabokov đã hoàn toàn xóa lấp đi những chữ viết và những câu văn được viết ra từ trước, dường như muốn cho ta thấy là ông đã thay đổi hoặc cắt xén văn bản. Không thể đoán đọc được chữ phía dưới văn bản, những lọn xoắn của nét chữ ngoằn ngoèo của ông, trông giống như những lò xo Slinkys bằng thép (mặc dù tôi biết nhiều năm sau nữa tôi vẫn sẽ cố gắng đọc).

Quả là một sự kiện phi thường. Tôi đã tốn rất nhiều thì giờ để cố đọc những hàng chữ mờ ảo, nguệch ngoạc của cố nhân, và tôi thề chỉ có một chỗ bị bôi xóa mà tôi có thể đoán được nghĩa của nó, dưới một vết mờ đã bị tẩy lem luốc trên một tấm thẻ ghi chú nằm bên trên trang 233. Chữ viết này không phải là lời ghi chú của Dmitri và Vladimir Nabokov rõ ràng không muốn nó hiển hiện (ở lúc đó), nhưng tôi cho là tôi có thể đọc được hai chữ trong những chữ bị bôi xóa của Nabokov (mà Dmitri đã quên không ghi lại): hai chữ “mật mã.”

Tôi sẽ không bắt chước cách thức [máy móc] của Dan Brown cố đi tìm ra manh mối những bí mật của văn chương, cho dù nó có hấp dẫn đến mức độ nào (thử tưởng tượng tiểu thuyết Mật Mã Nabokov!) Tôi chỉ không thể tránh khỏi việc ghi nhận điều này (có lẽ để dành cho những bản sau của Laura sẽ được xuất hiện trong tương lai).

Không, những dòng chữ ngoằn ngoèo không đọc được này làm tôi xúc động vì một lý do khác. Tôi đã nhìn thấy chúng qua những tấm ảnh đăng trên Die Zeit, dĩ nhiên, nhưng lần này nó làm tôi xúc động sâu đậm hơn. Chúng là chứng cớ của vở kịch không thể tách rời trong tiến trình sáng tạo của văn bản, một tiến trình với tâm linh được thể hiện chính qua sự tu sửa văn bản của  tác giả. Tôi đã tốn rất nhiều tâm lực cho những cuộc tranh luận văn chương gọi chung là Chiến Tranh Shakespeare, đó là nghi vấn về chuyện Shakespeare có sửa chữa hay thay đổi những vở kịch của ông? Nhà phê bình văn học Ben Jonson đã nổi tiếng vì ông cho là “Shakespeare không bao giờ bôi xóa một câu nào cả,” nhưng một số lớn dẫn chứng phát hiện những năm gần đây cho thấy là Shakespeare có viết lại, đôi khi thay đổi những chữ riêng rẽ hay những câu ngắn, đôi khi ông thay đổi những phần cốt yếu trong văn bản. Những thay đổi sửa chữa của Shakespeare (và của Nabokov) quan trọng vì hai lý do.

Hành động tu sửa cho thấy là ta không nên coi  những nhà văn lớn này là những thần thánh được nghệ thuật ban tặng sự hoàn mỹ ngay ở phút sáng tác ban đầu, mà chỉ là những nhà văn – cũng như các nhà văn khác–ít nhất trong trường hợp này: họ không tránh được chuyện thay đổi ý kiến. Và nhận biết những thay đổi của họ, và chuyện tại sao họ đã chú tâm vào chuyện sử đổi chữ này hay câu nọ, giúp mở cánh cửa vào ý nghĩa–tâm hồn–của tác phẩm.

Nhưng – và đây là điều thứ nhì nhưng không hẳn là chuyện nhỏ về chuyện bôi xóa văn bản – việc sửa chữa đồng thời cũng hé mở cho ta cái cửa sổ nhìn vào nhân bản của tác giả. Ngay cả thiên tài trên hết mọi thiên tài (và vâng, tôi tin điều này có thật) cũng chẳng phải là siêu nhân; họ cũng sống trong thế giới của lỗi lầm và nghi vấn như tất cả chúng ta. Điều họ nghĩ  là họ đã phạm những “lỗi lầm” làm cho tác phẩm của họ càng hoàn hảo hơn so với trường hợp nếu họ không bao giờ bôi xóa câu nào hay gạch bỏ một chữ.

Lỗi sẽ về phần tôi nếu tôi không chấm dứt bài này bằng câu nói: Cám ơn ông, Dmitri.

Ron Rosenbaum là tác giả của quyển The Shakespeare Wars (Những Cuộc Chiến Tranh Shakespeare) và Explaining Hitler (Giải Mã Hitler).

Chú thích của Nguyễn thị Hải Hà:

1. Index card là những tờ giấy cứng hơn giấy thường, khổ 7.62 cm x 12.7 cm, được dùng để ghi chú.

2. Những phiến đá cổ có văn tự của Ai Cập.

3. Thất Thuyết Mập Mờ (Seven Types of Ambiguity) là tác phẩm về nguyên tắc phê bình thơ của William Empson xuất bản năm 1930. Được xem là một trong những tác phẩm quan trọng nhất của thế kỷ 20 và là nền tảng của sự hình thành phương pháp “Tân Phê Bình.” (Wikipedia)

4. Tác giả chơi chữ bằng cách cố tình thay đổi chữ đồng âm scrolls (cuộn văn thư ) và scrawls (nét viết vẽ ngoằn ngoèo).

6 Comments (Open | Close)

6 Comments To "Mật mã Nabokov: lần đầu gặp gỡ laura, tác phẩm dở dang và cuối cùng của văn hào"

#1 Comment By Nguyễn thị Hải Hà On 02/10/2009 @ 11:07 am

Đánh thêm chút son, thoa tí phấn, trông “nàng” xinh xắn hẳn lên. Cám ơn DTBT đã nhuận sắc.

#2 Comment By Đinh Từ Bích Thúy On 02/10/2009 @ 1:04 pm

Chị Hải Hà thân,

Cám ơn chị. “Nhuận sắc” chỉ là chuyện thêm mắm muối, như “tune up.” Em đã mạn phép gọi bản thảo Laura là “nàng” để linh động hóa vấn đề, vì đại từ “it” (nó) nói về bản thảo trong tiếng Anh hình như chưa diễn tả được sự quan tâm ray rứt của nhà phê bình Ron Rosenbaum, và của những độc giả sùng bái Nabokov, về vận mệnh của bản thảo này. Ở một khía cạnh nào đó, bản thảo đã trở thành một nhân vật tiểu thuyết, không khác gì những “dữ kiện mập mờ” trong những tác phẩm đã xuất bản trước đây của Nabokov: Lolita, một tiền kiếp của Laura, vừa là người tình yểu mệnh của Humbert Humbert, vừa là chân dung một nước Mỹ căng đầy nhựa sống nhưng nông nổi ở giữa thế kỷ 20, vừa là một chân dung nghệ thuật … đang trong thời kỳ tiến hóa của Nabokov, của bất cứ một nhà văn nào. Vì vậy, Laura, trong trạng thái chưa hoàn tất, cũng và đã biểu tượng cho nguyện ước bất tử của Nabokov: một tác phẩm dở dang là một tác phẩm sẽ sống mãi mãi, vì nó chưa được kết thúc, hay là nó sẽ luôn luôn có những kết thúc … đang khai triển, lửng lơ.

Tiện đây, em xin nói về process quảng cáo/truyền bá sách trong văn chuơng dòng chính. Thường thường, một nhà điểm sách cho một báo mạng hay một blog chỉ cần gửi email cho người phụ trách công việc quảng cáo sách của một nhà xuất bản, xin một bản tiền duyệt (preview copy) của quyển sách sắp được xuất bản. Nhân viên phụ trách chuyện quảng cáo sách sẽ gửi cho người điểm sách một bản tiền duyệt miễn phí có đánh dấu hàng chữ: Preview copy only, not to be sold. (Bản tiền duyệt, cấm bán). Bản tiền duyệt miễn phí này cũng là một cách trả công cho người điểm sách làm việc quảng cáo “không công.” Nhà điểm sách, nếu muốn biết có sách nào hay hoặc sẽ gây dư luận sôi nổi và sắp được xuất bản, chỉ cần tham khảo trang Publishers Weekly, http://www.publishersweekly.com/ mỗi buổi sáng thứ Hai trong tuần khi trang này ra danh sách cập nhật mới, sẽ thấy những danh sách những tác phẩm sắp được ra mắt công chúng (thường là Publishers Weekly đưa ra danh sách những sách sắp xuất bản khoảng 3 tháng trước ngày sách chính thức ra mắt.)

Tuy vậy, Nguyên Bản của Laura, những truyện Harry Potter, và những tiểu thuyết đồ sộ của Dan Brown là những tác phẩm sẽ tự quảng cáo. Trong trường hợp này những nhà xuất bản thường không phổ biến bản tiền duyệt cho các nhà điểm sách độc lập của những báo mạng hoặc blog văn chương miễn phí, mà chỉ tạo cơ hội giới hạn cho các nhà phê bình của các nhật báo có tiếng tăm trong dòng chính, như New York Times, Washington Post, Los Angeles Times, và các báo mạng nổi tiếng như Slate, Salon, The New Republic, The Atlantic. Ông Ron Rosenbaum, một nhà phê bình văn học nổi tiếng viết cho báo Slate và New York Times, phải đích thân đến trụ sở của Random House/Knopf để được xem tận mắt bản thảo cuối cùng của Nabokov.

Bài viết của Ron Rosenbaum cũng nói về chuyện báo Playboy, một tạp chí “da thịt” cho phái nam được coi là có chất lượng văn chương, đuợc độc quyền trích đăng 5,000 chữ trong Laura sau khi đã trả giá tác quyền rất cao. Vào năm 1969, báo Playboy cũng là báo đã mua bản quyền đuợc trích đăng tác phẩm Ada của văn hào Nabokov.

Một lần nữa, thay mặt Da Màu, em chân thành cảm ơn chị Hải Hà đã dịch rất công phu bài viết của Ron Rosenbaum trong một thời gian gấp rút.

DTBT

#3 Comment By đỗ xuân tê On 03/10/2009 @ 5:42 pm

Tôi nghĩ đã đổi từ ‘it’ sang ‘ nàng’ sao DTBT không viết hoa cho nhân vật thêm phần lung linh kỳ bí? Hai bàn tay nữ, một chuyển dịch công phu, một thêm phần nhuận sắc (tôi không nghĩ là tune up, mà thực sự là make-up như HH đánh giá). Không dám lạm bàn về nội dung, chỉ xin nêu một suy nghĩ, Nguyên Bản của Laura có thực sự là ‘tác phẩm dở dang'(như Giao Hưởng số 8 của Schubert) hay là một tác phẩm đã hoàn tất nhưng ‘chưa được sắp xếp’? Xin cám ơn hai chị. đỗ xuân tê

#4 Comment By Đinh Từ Bích Thúy On 04/10/2009 @ 12:05 am

Kính chào ông Đỗ Xuân Tê,

Cám ơn ông đã đọc bài “Mật Mã Nabokov” và góp ý với câu hỏi thật sâu sắc. Nguyên Bản của Laura hiện chỉ là 138 tấm index card, với những lời ghi chú và tẩy xóa chi chít của cố văn hào Nabokov. Có lẽ nói chính xác Laura chỉ mới là một dàn bài (outline) vì “bản thảo” thật sự chưa được viết xuống giấy trắng. “Dàn bài” của Laura là tang chứng cuối cùng về quá trình sáng tạo của Nabokov.

Vấn đề khó xử trong trường hợp này là, có nên tuân theo di chúc của nhà văn muốn tiêu hủy tang chứng sáng tạo chưa hình thành, hay là chúng ta phải gìn giữ mọi tư liệu văn chương của Nabokov, bất kể chuyện những tư liệu này đã hoàn tất hay còn trong thời kỳ nẩy mầm/phôi thai, vì khi Laura đã được “thụ thai,” “nàng” không còn hoàn toàn là sở hữu của nhà văn, mà đã trở nên tài sản của lịch sử? Đây cũng giống như vấn đề các nhà tranh đấu chuyện chống phá thai hiện tranh luận: đến thời điểm nào thì một “cái thai” (hay một dàn bài tác phẩm) được gọi là một “con người” hay một tác phẩm? Chuyện báo Playboy trả một số tiền lớn để mua quyền được trích đăng lần đầu tiên 5,000 chữ từ Laura, hay chuyện nhà xuất bản Random House chơi trò ú tim với các nhà phê bình văn học chỉ là những chuyện “hype” hay mánh lới gây cấn để kiếm tiền và thu hút độc giả, nhưng sau khi chuyện gây cấn đã qua đi, ai sẽ là người chịu trách nhiệm cho vận mạng lâu dài của Laura? Liệu chuyện độc giả có thể xé ra những tấm bản sao của index card, nhào trộn lẫn lộn để tạo cho mỗi người một chân dung riêng về Laura, là cách sẽ giúp Laura thành bất diệt, hay là cách sẽ biến Laura thành trò chơi hiếu kỳ nhưng chỉ có giá trị thời thượng? Tại sao Ron Rosenbaum lại nghĩ chuyện không đốt Laura nhưng chỉ giới hạn chuyện phổ biến “nàng” trong giới học giả là một “quyết định tệ hơn cái chết”?

Tóm lại, những vấn đề liên quan đến Laura không hẳn là những vấn đề trừu tượng, hay chỉ nằm trong địa hạt chuyên môn của văn chương, mà nó còn liên hệ đến những ray rứt của một xã hội được xây dựng trên nền tảng dân chủ và tư bản. Hậu quả chống lại một quyết định cá nhân của người viết sẽ có lợi hại gì cho một xã hội “tự do”?

#5 Comment By đỗ xuân tê On 04/10/2009 @ 9:50 am

Xin cám ơn chị Đinh Từ Bích Thúy đã bỏ công nửa đêm ngày cuối tuần hồi âm một cảm nhận của người đọc như tôi. Quả thật theo sự bộc bạch của chị, việc đi tìm ‘dung nhan của Laura’ còn nhiều ly kỳ bí hiểm diễm huyền. Thôi ta cứ chờ sự ra mắt của tác phẩm và hi vọng sẽ được hai chị Hải Hà và Bích Thúy soi sáng, chỉ đường thêm (đặc biệt là chị HH sở trường về mặt Điểm Sách và chuyển ngữ những chùm truyện cực ngắn) để độc giả có thể ra khỏi ‘mê hồn trận’ về những lắt léo của thị trường buôn chữ.

Kính chào chị.

đỗ xuân tê

p/s:một hé lộ thích thú là không ngờ ông chủ Playboy không ngại tốn kém đã dám dùng sự xa xỉ của chữ nghĩa làm đẹp thêm cho tạp chí “DA THỊT’ của mình và giải tỏa sự thắc mắc của tôi khi có ông bạn Mỹ rất nghiêm túc lại đặt mua báo tháng tạp chí này.

#6 Comment By Nguyễn thị Hải Hà On 04/10/2009 @ 12:32 pm

Nghe lỗ tai nhột nhạt nghi là có người nói … tốt. Cám ơn anh Đỗ Xuân Tê quá khen, không khéo độc giả tưởng chúng tôi hối lộ anh! Có được người đọc rộng lượng như anh chúng tôi thấy rất an ủi nên tiếp tục mắc nợ với văn chương. Nếu Da Màu cho phép bình chọn chúng tôi sẽ chọn anh là người phản hồi dễ thương nhất!