Trang chính » Biên Khảo, Phỏng vấn, Tưởng Niệm Phạm Chi Lan Email bài này

RFI phỏng vấn Phạm Chi Lan, Chủ biên tạp chí Văn học nghệ thuật Liên Mạng

0 bình luận ♦ 25.09.2009

LNĐ:
Phạm Chi Lan (1961-2009), Sáng lập viên kiêm Chủ bút tạp chí Văn Học Nghệ Thuật Liên Mạng (7/1995-4/2001), tạp chí thi văn được coi là đầu tiên và khai mở của những sinh hoạt văn chương và báo chí tiếng Việt trên internet, cũng như một phương tiện mới mẻ để phổ biến các tác phẩm của nhiều tác giả đi khắp thế giới. Nhìn lại sự phát minh của world wide web vào năm 1989, sự ra đời của dịch vụ điện thư hotmail miễn phí vào tháng 7/1996 hay của yahoo vào tháng 3/1997, có thể phần nào cảm nhận được sự ra đời của tạp chí VHNT-LM vào tháng 7/1995 là một sự bứt phá trong việc kết hợp giữa văn chương và kỹ thuật trong sinh hoạt người Việt.

Đến Hoa Kỳ năm 1975 lúc 13 tuổi,  với đôi chân tật nguyền vì bạo bịnh từ nhỏ, vượt lên trên số phận, Phạm Chi Lan không chỉ sống với một nghị lực mạnh mẽ, khi trở thành một chuyên viên điện toán trong hơn 20 năm qua, mà còn trở thành một văn tài giàu suy tưởng cũng như đã tạo nên một nhịp cầu cho một số cây bút cùng thế hệ gặp gỡ. Và cũng là một trong những người tiên phong trong lãnh vực truyền thông điện tử tiếng Việt đa dạng như hiện nay. Hoạt động liên tục trong 6 năm trời, VHNT đã thu hút hàng chục ngàn độc giả đã nhận báo phát hành qua hệ thống điện thư mỗi ngày . Một số tác phẩm của các thành viên trong nhóm hay thân hữu cũng đã được VHNT in ấn và phát hành. Hai năm sau khi tạp chí VHNT đình bản, Phạm Chi Lan lập gia đình cùng nhà văn Nguyên Nhi vào năm 2003, sau 6 năm quen biết. Yêu thiên nhiên, mê hoa cỏ, thích du lịch, tác giả của “Miền Lặng” sống lặng lẽ, thanh đạm, như tựa đề tập truyện ngắn của chị. Trước căn nhà nhỏ nơi Phạm Chi Lan ngụ, dường như chẳng bao giờ thiếu những bụi hoa nở rộ theo mùa. Lan lái xe đường dài, tìm sang những phế tích Maya cổ bên Châu Mỹ, viếng những thành quách, bảo tàng viện Châu Âu, về thăm những lăng tẩm, phố cổ Việt Nam, tham gia những chuyến hành hương dài ngày.Trên đôi nạng. Được tôi luyện bằng ý chí và tinh thần vượt thắng. Bằng sự tự tin của mình. Những năm cuối, Phạm Chi Lan cộng tác với Trẻ tại địa phương dưới bút hiệu Phan Trầm Thư, qua những bài viết hay dịch thuật nhẹ nhàng, cảm động để tôn vinh cái đẹp của đời sống và con người, cổ vũ những giá trị tinh thần. Phạm Chi Lan qua đời ngày 21 tháng 9 năm 2009 vừa qua tại Dallas, Texas, sau hơn 2 năm can cường chống chọi lại căn bịnh nan y đến những phút cuối cùng. Đời sống có những bất toàn. Hay hơn thế nữa, là sự bất công. Nhưng dù ngắn ngũi, Phạm Chi Lan đã sống trọn vẹn và ý nghĩa trong những năm tháng đó. Nếu hiểu theo ý nghĩa mà Tổng thống Abraham Lincoln đã từng viết, “Cuối cùng rồi, không phải ta đã sống bao nhiêu năm, mà ta đã sống như thế nào trong những năm tháng đó”.

Sự ra đi của Phạm Chi Lan chắc chắn đã gây xúc động không chỉ cho bạn bè từng sinh hoạt chung, cho độc giả đã từng đọc văn chương của chị, mà cả những bậc đàn anh thành danh trên văn đàn. Về một tuổi trẻ khai phóng, dấn thân, một tấm lòng với văn chương, một trái tim nhân ái, đồng cảm. Và hơn hết, một nghị lực phi thường trước thử thách của đời sống. Vĩnh biệt Chi Lan, người bạn thân thiết của chúng ta, những thành viên và độc giả VHNT Liên mạng của một thời đam mê.

Để tưởng niệm Phạm Chi Lan, cũng như nhìn lại một sinh hoạt truyền thông điện tử giai đoạn đầu của internet trong cộng đồng người Việt, chúng tôi xin đăng lại cuộc phỏng vấn Phạm Chi Lan do Thụy Khuê, đài RFI thực hiện. Bài PV được tra soạn, giới thiệu và ghi bị chú từ kho lưu trữ VHNT.

Đinh Yên Thảo (VHNT-LM )

RFI phỏng vấn Phạm Chi Lan, Chủ biên tạp chí Văn học nghệ thuật Liên Mạng

Thụy Khuê thực hiện

 

(Bài phỏng vấn của đài RFI (Radio France International) cho chương trình cùng tên, "Văn Học Nghệ Thuật", do Thụy Khuê phụ trách. Buổi nói chuyện được thực hiện lúc 6:15am ngày 25 tháng 1, 96, phát thanh ngày chủ nhật 28 tháng 1, 1996, vào lúc 16:00. Phỏng vấn kéo dài 15 phút, qua điện đàm từ Paris và Dallas, Texas. Bài Phỏng vấn được đăng lại trên VHNT số 148 ra ngày 15 tháng 2 năm 1996 và tạp chí Văn Học số 120 tháng 4 năm 1996).

Thụy Khuê: Những lý do nào đã thúc đẩy Phạm Chi Lan thực hiện tờ báo VHNT trên mạng lưới Internet?

Phạm Chi Lan: Thưa chị, tờ VHNT trên mạng được thành lập do nhiều sự tình cờ đưa đẩy tới. Em biết đến hệ thống mạng internet cũng không lâu. Lúc đầu em dùng internet để trao đổi liên lạc qua e-mail với bạn bè hoặc dùng cho công việc, về sau có thì giờ rảnh em tìm hiểu thêm về information super-highway. Sau một thời gian sử dụng internet, em được biết có một cộng đồng điện tử trên mạng của người VN đã hoạt động từ lâu. Các chuyên gia và giới sinh viên khắp thế giới đã sử dụng Internet thành thạo, đã lập rất nhiều hội đoàn, đủ mọi diễn đàn về các ngành nghề, hoặc các đề tài để thảo luận trao đổi.

Trên internet có một diễn đàn văn hóa xã hội của người Việt (Soc.Culture.Vietnamese Newsgroup) đã có mặt khoảng 6 năm. Diễn đàn này là một diễn đàn mở ngỏ không chuyên về một đề tài nào, từ chuyện chính trị, tôn giáo, văn nghệ, văn chương, cho đến những chuyện cá nhân… Sau một thời gian theo dõi, em thấy chưa có một nhóm nào chuyên bàn về văn chương và nghệ thuật một cách nghiêm chỉnh, mặc dù trên net có rất nhiều sáng tác khá hay của những cây bút âm thầm không ai biết tới. Bài viết của họ là cả một công trình tim óc, có nhiều bài biên khảo có giá trị mà đăng lẫn lộn với những bài viết khác, thấy có vẻ lạc lõng và tội nghiệp. Hơn nữa những bài đăng trên các nhóm này chỉ xuất hiện trong một thời gian rất ngắn, vài ngày hoặc là một tuần, sau đó sẽ bị xóa mất. Những bài viết này có lẽ đi vào… hư vô. Em thấy thật uổng phí những bài viết hay này. Vì vậy mà em có ý định lập một nhóm bàn thảo chuyên về văn học trên mạng, và sẽ lưu trữ mọi bài viết vào một hệ thống archives, để cất giữ hầu về sau có người muốn tìm đọc lại. Đó là ý nghĩ, nhưng sự hình thành của VHNT cũng nhờ duyên cớ này:

Khoảng cuối hè năm 95, trong chuyến về thăm lại VN , em có ghé thăm nhạc sĩ Văn Cao ở Hà Nội 3 tuần trước khi cụ mất. Khi về lại Mỹ, em có đăng một bài tường thuật ngắn trên internet về chuyến gặp mặt. Bài đăng này đã khiến em có dịp quen biết một số bạn trên internet, những người cùng quan tâm đến văn nghệ. Từ sự quen biết trao đổi qua điện thư, em nghĩ ra việc lập một nhóm thảo luận nhỏ, với hình thức như là thư chuyền, mục đích chỉ để trao đổi bàn luận về những tin tức văn học, hay chia sẻ những sáng tác cá nhân. Thế là diễn đàn VHNT ra đời. Lúc mới thành lập, VHNT chỉ dự định như là một diễn đàn văn chương cho một nhóm nhỏ khoảng 5-10 người thôi, sau em thấy có vẻ cô đọng, bài vở ít, mà việc bàn luận cũng không đi đến đâu, nên em thay đổi chiều hướng. Phải có một ban điều hành chọn lọc những bài viết nhận được cho vào một điện thư, rồi gửi ra cho mọi người cùng đọc. Như vậy vừa có phẩm chất vừa tránh việc tranh cãi, hay đi ra ngoài đề tài văn học .

Và thưa chị, còn một nguyên do sau cùng và thầm kín nhất, đó là cái đam mê em dành cho văn chương. Em là một trong những người lớn lên ở hải ngoại rất say mê tiếng Việt Nam. Em thuộc thế hệ đi sau nên em hiểu cái lạc lõng của thế hệ trẻ, em rất muốn những người cùng trang lứa, những người trẻ sinh trưởng ở hải ngoại có phương tiện để bộc lộ mình, qua sáng tác, sáng tạo trong các bộ môn nghệ thuật. Việc thành lập tờ báo mạng này cũng nằm trong mục đích trên. Những người trẻ có nơi để chia sẻ và bộc lộ tài năng qua bài viết gửi đến. Và đây cũng là một cách để khuyến khích họ viết, vì việc gửi bài qua điện thư rất dễ dàng và tiện lợi.

Thụy Khuê: Tờ báo hiện nay có bao nhiêu độc giả? Họ là những thành phần nào?

Phạm Chi Lan: VHNT đến nay có khoảng vài trăm độc giả từ khắp các hộp thư điện tử khắp nơi. Độc giả phần lớn là lớp trẻ hoặc trung niên, là chuyên viên phần lớn trong các ngành kỹ thuật, hoặc là sinh viên tại các trường đại học. Cũng có một số người có máy điện toán cá nhân ở nhà, có internet access từ các hệ thống tư nhân đài thọ phải trả lệ phí hàng tháng. Độc giả là những người đọc và viết tiếng Việt thành thạo, biết ít nhất 1 ngoại ngữ trôi chảy. VHNT cũng có một số sinh viên trẻ lớn lên tại hải ngoại, họ tìm đọc VHNT như một cách để trau dồi tiếng Việt. Cũng có đôi khi em nhận được một số sáng tác bằng Anh ngữ và cả Pháp ngữ. (1)

Thụy Khuê: Xin Chi Lan cho biết tổ chức tờ báo ra sao? Ban biên tập và quản trị gồm có những ai? Báo ra định kỳ? Và làm thế nào để gửi bài đến? Làm sao để có báo đọc?

Phạm Chi Lan: Về việc tổ chức điều hành VHNT, việc này thật ra rất đơn giản vì đã có sự trợ giúp của kỹ thuật điện toán. Tất cả việc điều hành đều do một chương trình nhu liệu đã soạn sẵn, dùng cho việc điều hành và phát hành báo mỗi ngày. Nhu liệu này là một chương trình tự động lo việc giữ danh sách các độc giả, như là ghi danh độc giả mới, đổi địa chỉ cho độc giả, xóa địa chỉ độc giả, v.v… Ban điều hành gồm có một nhóm nhỏ làm việc khá gần gũi với nhau. Em là người nhận bài và chuyên lo về nội dung bài vở và phát hành báo, liên lạc, trả lời thắc mắc. Các mục văn học thường xuyên thì do một số độc giả cũng là thân hữu phụ một tay. Về phần kỹ thuật thì có các anh với ngành nghề chuyên môn phụ trách. Người lo phần trình bày trang trí Web Page, lo bảo trì thư viện điện tử, lưu trữ bài, trả lời các câu hỏi kỹ thuật cho độc giả. Báo gửi ra trung bình 4 lần một tuần, tùy theo số lượng bài vở, và cũng tùy theo thời khóa biểu của em. Em cần phải có đủ thì giờ để đọc và chọn lọc những bài gửi tới, trước khi gửi ra cho độc giả. Về việc nhận báo, bất cứ một ai có địa chỉ e-mail đều có thể gia nhập và nhận được báo gửi đến qua hình thức điện thư. Mỗi số báo trung bình gửi ra khoảng 40 ngàn chữ, nếu in ra giấy thì khoảng 30-40 trang. Độc giả có thể gửi bài về địa chỉ hộp thư VHNT, cũng qua hình thức một điện thư, nhưng bắt buộc phải dùng một hệ thống chữ Việt dùng trên Internet gọi là VIQR, tức là hệ thống đánh dấu chữ Việt dùng để hoán chuyển vào các nhu liệu tiếng Việt. (2)

Thụy Khuê: Chi Lan cho biết những vấn đề kỹ thuật và tài chính mà Chi Lan đã gặp ?

Phạm Chi Lan: Thưa chị, vì sự tiện dụng của Internet, nên em không gặp vấn đề trở ngại về tài chánh như các tờ báo in. Làm báo trên mạng, em không phải lo tiền ấn phí hay cước phí gửi ra. Độc giả chỉ cần có một internet account để nhận báo miễn phí, bọn em chỉ cần lo trả lệ phí cho Internet server, lệ phí này cũng rất tượng trưng nên không có gì đáng kể. Cái quan trọng chính ở đây chỉ là vấn đề kỹ thuật và công sức bỏ ra thôi. Về vấn đề kỹ thuật, ban điều hành bắt buộc phải biết sử dụng máy điện toán và hiểu về hệ thống mạng thông tin. Bọn em phải lo đến vấn đề như: system bị down ngưng không chạy được, báo gửi ra bị bế tắc, giao thông bị nghẽn, báo bị gửi trả lại vì không đến được hệ thống điện thư của người nhận, người nhận bỏ hộp thư mà không cho biết, hoặc địa chỉ email sai …

Thưa chị, chuyện phát hành báo trên mạng cũng nhức đầu không kém báo in gửi ra bằng đường bưu điện vậy . Tuy nhiên những vấn đề này thường được giải quyết mau lẹ, bằng phương tiện kỹ thuật, thường chỉ 1 vài ngày là điều chỉnh xong.

Thụy Khuê: Về nội dung báo VHNT? Xin Chi Lan nói sơ lược qua những tên tác giả và tác phẩm đã đăng trên vhnt ?

Phạm Chi Lan: Phần nội dung gồm có:

  • phần thư ngỏ, hay là thư vhnt do em phụ trách
  • thơ
  • truyện ngắn
  • tùy bút
  • tin tức văn nghệ , sinh hoạt văn hóa
  • biên khảo
  • dịch thuật thơ và truyện ngắn từ các ngoại ngữ
  • giới thiệu văn thơ trong nước, các nhà thơ trẻ Sài gòn
  • các sáng tác trích lại từ các báo văn học trong và ngoài nước

Có những bài của các nhà văn trong nước như Trần Mạnh Hảo, Nguyễn Huy Thiệp, Phan thị Vàng Anh, Lê Đạt… Những bài này được trích đăng lại.

Về các cây bút đóng góp cho VHNT, có một số các cây bút đã từng cộng tác gửi bài cho các báo văn học như Văn, Làng Văn, Văn Học, Hợp Lưu, Thế Kỷ 21…(3) Ngoài ra còn có một số những người viết trẻ mới bắt đầu, tuy nhiên sáng tác của họ cũng đã có nét, họ có vẻ có lòng với văn chương. Tiện đây, em cũng xin được nói một chút về nội dung và hình thức của tờ báo: Thật ra báo chỉ chú trọng đến nội dung hơn là hình thức. Hình thức rất là đơn giản, chỉ là một điện thư dài với phần mục lục, thư ngỏ, rồi đến các bài viết. Hoàn toàn không có phần trình bày như một tờ báo in. Độc giả khi nhận được "báo" có thể tự trình bày lấy theo ý mình muốn, như là chọn phông chữ, cắt xén bài, in ra giấy, v.v..

Nếu so sánh báo in và báo mạng, em thấy có những cái bất lợi và tiện lợi riêng cho độc giả.

Bất tiện:

  • độc giả bắt buộc phải có máy vi tính và phải lên mạng được để đọc báo
  • độc giả không được "cầm" tờ báo đọc ở bất cứ nơi nào như sách báo in, mà phải ngồi trước mặt màn ảnh để đọc
  • độc giả phải biết sử dụng máy vi tính căn bản
  • không chuyền báo cho người khác đọc được, nếu không in ra giấy

Tiện lợi:

  • Đọc báo miễn phí, nhận báo nhanh chóng
  • Độc giả và tác giả gần gũi, có thể liên lạc trực tiếp qua e-mail để trao đổi, phê bình, khen tặng, hay làm quen
  • Có thể lên mạng lục lại bất cứ số báo nào, bằng cách vào hệ thống lưu trữ tra tìm, giống như vào một thư viện điện tử
  • Độc giả có thể lấy bài về máy mình để lưu trữ riêng, hoặc in ra, hay đọc tại chỗ
  • Việc gửi bài cũng tiện lợi, phê bình hoặc tham luận cũng dễ dàng

Thụy Khuê: Chi Lan có thể cho biết về ảnh hưởng của tờ báo trong hiện tại và tương lai?

Phạm Chi Lan: Thưa chị, báo VHNT ra được hơn 6 tháng. Trong thời gian này em nhận được khá nhiều thư khích lệ tinh thần. Mọi người đều hoan nghênh có một diễn đàn văn học trên net cho mọi người cùng thưởng thức. Ai cũng cùng đồng ý là có một tờ báo về văn chương để đọc mỗi ngày khiến cho cái khô khan máy móc của kỹ thuật điện toán nó dịu đi. Tờ báo thu hút được một số đông độc giả trẻ tìm đến, vì nhu cầu có cái gì nhẹ nhàng để đọc trong những giờ làm việc, hay sau những lớp học khô khan, hay sau buổi chiều đi làm về …

Về ảnh hưởng tương lai, thưa chị, em không dám nói VHNT sẽ đi về đâu, vì việc bọn em làm như là một thử nghiệm trong việc phát hành báo trên mạng internet. Với đà tăng trưởng và tiện dụng của internet, hy vọng trong tương lai sẽ có nhiều người lên lưới được, và việc làm báo qua mạng lưới sẽ là một khai phá mới trong ngành báo chí. Việc phổ biến sẽ lan rộng và dễ dàng nhanh chóng hơn, mà người thực hiện cũng đỡ vất vả về cả tài chính lẫn nhân lực. Đây là một phương tiện truyền thông hiện đại được áp dụng vào văn hóa, em nghĩ là một điều rất tiện dụng.

Thụy Khuê: Xin cám ơn Phạm Chi Lan đã dành cho RFI buổi nói chuyện.

Phạm Chi Lan: Xin cám ơn chị

Thụy Khuê – RFI (1996)

Ghi chú của Đinh Yên Thảo:

1. Tác giả và độc giả tạp chí VHNT-LM đến từ khắp thế giới, ngay sau năm đầu tiên, đã có khoảng hơn 1000 thành viên tham gia. Vào thời gian tạp chí được đưa lên trang mạng vào năm 1999, thay thế hình thức phát hành qua điện thư, đã có khoảng hơn 17,000 thành viên đã ghi tên nhận báo gởi đến hộp thư điện tử của mình.

2.  Bên cạnh chủ biên Phạm Chi Lan, những người đã từng tham gia vào Ban Biên tập Tạp chí VHNT Liên mạng và kỹ thuật điện toán, trong các khoảng thời gian khác nhau, gồm có: Phùng Nguyễn (California), Nguyễn Phước Nguyên (Texas), Sung Nguyễn (Virginia), Nguyễn Tiến Dũng (Florida), Trần Thái Vân (North Corolina), Việt Hoàng (Texas), Stephen Jones (Texas), Lê Tạo – Đoàn Nhã Văn (California), Trần Hoài Thư (New Jersey), Nguyễn Vy Khanh (Canada), Nguyễn Kỳ Phong (Washington DC), Đinh Yên Thảo (Texas), Nguyễn Phúc Đan Thanh (Hà Lan), Đinh Trường Chinh (Virginia), Trịnh Thanh Thủy (California), Phạm Thiên Mạc (Canada), liên lạc và làm việc với nhau qua điện thư và các kỹ thuật nối kết từ xa (telnet, ftp …)

3. Một số văn thi hữu, danh sách không đầy đủ, đã từng xuất hiện trên VHNT Liên mạng như Trần Trung Đạo, Trần Hoài Thư, Nguyễn Vy Khanh, Nguyễn Quốc Trụ, Thụy Khê, Nguyễn Xuân Thiệp, Nguyễn Hưng Quốc, Hoàng Ngọc-Tuấn, Phùng Nguyễn, Trần Kỳ Phong, Nguyễn Mạnh Trinh, Nguyễn Tấn Hưng, Trần Mộng Tú, Hà Huyền Chi, Nguyên Nhi, Nguyễn Nam An, Quan Dương, Lương Thư Trung, Nghiêu Minh, Nguyễn Trung Hối, Vương Trùng Dương, Tưởng Năng Tiến, Phạm Thị Hoài … cùng hàng trăm thành viên VHNT, diễn đàn Ô Thước. Không giới hạn trong văn thơ, mà còn có nhiều bài viết giá trị mang tính khảo cứu, về giáo dục, xã hội, ngôn ngữ học, kịch nghệ, nhạc họa, các trường phái văn chương nghệ thuật mới … Một số cây bút trẻ trong nhóm VHNT-LM hiện vẫn tiếp tục cộng tác với các báo chí địa phương hay trên các trang mạng online.

bài đã đăng của Thụy Khuê

Phần Góp Ý/Bình Luận


Xin vui lòng bày tỏ trách nhiệm và sự tương kính trong việc sử dụng ngôn ngữ khi đóng góp ý kiến. Da Màu dành quyền từ chối những ý kiến cực đoan, thiếu tôn trọng bạn đọc hoặc không sử dụng email thật. Chúng tôi sẽ liên lạc trực tiếp với tác giả nếu ý kiến cần được biên tập.

Lưu ý: Xin vui lòng bỏ dấu tiếng Việt để giúp tránh những hiểu lầm đáng tiếc từ độc giả trong việc diễn dịch ý kiến đóng góp. Bài không bỏ dấu sẽ không được hiển thị. Xin chân thành cám ơn.

@2006-2023 damau.org ♦ Tạp Chí Văn Chương Da Màu
Log in | Entries (RSS) | Comments (RSS)