Trang chính » Bàn Tròn, Biên Khảo, Ngôn ngữ, Nhận Định Email bài này

Chữ "mình" trong tiếng Việt

Từ hai năm nay, tôi là giảng viên một lớp Việt ngữ cho người bản xứ tại học viện Bách khoa Bình dân của thành phố. Học viên ghi tên học không đông, thường chỉ vừa đủ chỉ số cho một khóa học. Có lúc thiếu, đôi khi khít khao chỉ một học viên, chính ông giám đốc phân khoa sinh ngữ bày cho tôi diệu kế: tìm một học viên… ma (tiếng bản xứ gọi là "người rơm"); nếu là học sinh, sinh viên hay ai đó đang nhận trợ cấp xã hội càng tốt, vì họ được bớt từ 25 tới 50 phần trăm học phí.

Tôi không phải là người tốt nghiệp một trường đại học sư phạm nào, cũng không phải là một nhà Việt học có bằng cấp hẳn hoi, mà chỉ là một kẻ yêu văn chương, và có vài tác phẩm được xuất bản, tôi chỉ xâm mình liều mạng vì nghe theo lời khuyên của người bạn.

Không có nhiều sách giáo khoa Việt ngữ cho người bản xứ, tôi mầy mò tự soạn bài lấy, nhặt nhạnh từ những tài liệu kiếm được trên tin mạng, qua vài cuốn sách chỉ dẫn cho người du lịch, và theo mớ kiến thức ít oi và chủ quan. Sau khoá học căn bản, tôi nhận thấy, trở ngại lớn nhất cho học viên là sáu cách phát âm dấu giọng trong tiếng Việt. Vài học viên có cảm tình đặc biệt với đất nước Việt nam kiên trì đeo đuổi theo học với tôi từ lớp đầu tiên cho tới bây giờ, vậy mà phát âm vẫn chưa nhuyễn. Tôi thường xuyên nhắc nhở, nếu gặp dịp nói chuyện với người Việt, có vài trường hợp anh chị phải triệt để đề phòng, nhớ nói cho đúng âm giọng, không thôi họ cười cho đấy. Chẳng hạn khi nói cụm từ "các anh": "Các anh mệt rồi phải không? Thôi, cho nghỉ!" Hoặc "lợn": "Lợn to lợn nhỏ gì cũng bị bắt đi cạo lông hết"

Còn khó khăn cho giảng viên là phải giải thích một vài thắc mắc không ngờ của học viên. Có lần tôi "bị" hỏi về sự khác biệt giữa hai nhân xưng đại danh từ "chúng ta" và "chúng tôi". Không chuẩn bị trước, tôi trả lời ấm ớ rồi bí rị, đành thối thoát, để tôi về nhà suy nghĩ và tra cứu lại, tuần tới sẽ trả lời. Trong ngôn ngữ bản xứ, không có khác biệt nào giữa hai đại danh từ nêu trên. Trong tiếng Việt, có.

Và, bất ngờ từ đó tôi đụng phải "chúng mình". Cái "ta", cái "tôi" và cái "mình" khi đánh đôi với "chúng" đâm ra khác, khác lắm. Người bản xứ có thể phân biệt rành rẽ khi sử dụng ba nhân xưng đại danh từ nói trên, nhưng tôi nghĩ, họ khó lòng nắm bắt thứ tình cảm thâm trầm, sâu kín ẩn giấu trong đó. Đặc biệt với hai chữ "chúng mình". Độc đáo ở chữ "mình". Chỉ một chữ thôi, đủ nói lên mối tương quan giữa hai hoặc nhiều người. Lại đôi lúc, thay vì "chúng" nói "tụi", thành ra khang khác. Hay thoảng khi, trụi lủi trụi lơ "mình" trơn, nghe lại khác.

Đã có lần có người cười tôi khi nghe tôi nói giữa bạn bè với nhau: "Mình ăn xong, đi ra phố chơi." Họ sửa, chỉ có đàn bà con gái với nhau mới xưng hô như vậy. Tôi lấy làm lạ, vì tôi vẫn quen thói nói tắt như vậy thay vì "chúng mình". Còn cách xưng hô, giữa bạn gái thường hơn, gọi tên hay "bạn" xưng "mình", tôi biết chứ: "Mình kể cho bạn nghe chuyện này vui lắm", hay "Bạn đi với mình ra phố nghe!" Từ đó tôi đâm ra ngờ ngợ, không biết có ai dùng chữ "mình" như… mình không?

Tôi nhớ thời tiểu học, môn cách trí có bài học thuộc lòng: "Thân thể người ta gồm ba phần: đầu, mình và tứ chi…" Mình, vì vậy, có phải bắt nguồn từ đấy? Vợ chồng người (Việt) mình, lúc cơm lành canh ngọt, vẫn âu yếm gọi nhau "Mình ơi!", nghe sao đậm đà tình tứ. Suy ra, không phải không có ý nghĩa: trân quí xem người bạn đời như một phần của chính thân thể mình. "Mình ơi, hôm nay em mệt, mình nấu cơm, rửa chén giùm em!" Nghe, khó từ chối. Không biết có thứ ngôn ngữ nào khác, những người phối ngẫu xưng hô với nhau như vậy?

Trong âm nhạc, tôi thích ca khúc "Mình ơi!" của nhạc sĩ Diệu Hương, lời lẽ tuy não nuột da diết nhưng vô cùng tha thiết: "Đôi chim là chim ríu rít trên cành. Em yêu là yêu tiếng gọi của Mình là Mình, Mình ơi!…" Ở một vài địa phương miền Nam, thường nghe nói hai chữ "mình ên" để diễn tả trường hợp một mình tuyệt đối, như một lời phân bua, than thở nhẹ nhàng, nhưng mong đợi được người khác thông cảm. Từ "ên" nghe lạ tai, và chỉ được dùng chung với "mình". Tôi không biết có phải bắt nguồn từ tiếng Miên? Tôi không được đọc quyển "Nguồn gốc Mã lai của dân tộc Việt nam" của cố nhà văn Bình Nguyên Lộc, không rõ trong đó ông có giải thích gốc tích từ "ên" hay không?

Tuy nhiên, có một cách sử dụng chữ "mình" trong văn viết mà cá nhân tôi cho rằng không được chính xác lắm. Chẳng hạn: "Thời gian gần đây có (nhiều) nhà văn nữ đề cập táo bạo tới vấn đề tình dục trong tác phẩm của mình." Tôi nghĩ rằng, trong trường hợp này, dùng chữ "họ" cho số nhiều và "bà" hay "chị" cho số ít, chuẩn hơn.

Miếng ăn miếng nói, vì vậy theo tôi, phát sinh từ bản sắc, hay nói theo cách bình dân từ tạng người. Mà tạng người thấm nhuần đậm đà phong thổ địa phương. Bóng bẩy cầu kỳ hoặc bộc trực chất phác là do đất đai, sông ngòi, nắng mưa, cây trái, … từ thâm căn vạn kiếp mà thành. Tạng người xứ khác có thể học hiểu, bắt chước được, nhưng khó cảm. Và, có lẽ không bao giờ hiểu tại sao cái ngôn ngữ Việt nam nó oái oăm, kỳ cục như vậy.

Cứ vậy, từ lục cá nguyệt này qua lục cá nguyệt nọ, tôi thường xuyên đụng độ nhiều trường hợp khó lòng giảng giải sao cho xuôi tai, để những người bản xứ nào "phải lòng" đất nước và con người Việt nam hiểu thấu. Mà tôi, một kẻ tha hương dầm dề ngần ấy năm dài nơi đất khách, vẫn mộng mị và suy nghĩ, vẫn nói và viết bằng tiếng mẹ đẻ trơn tru hơn ngôn ngữ bản xứ, là điều tôi nên tự hào hay tự trách?

(tháng 9. 2009)

bài đã đăng của Ngô Nguyên Dũng

Cancel


Xin vui lòng bày tỏ trách nhiệm và sự tương kính trong việc sử dụng ngôn ngữ khi đóng góp ý kiến. Da Màu dành quyền từ chối những ý kiến cực đoan, thiếu tôn trọng bạn đọc hoặc không sử dụng email thật. Chúng tôi sẽ liên lạc trực tiếp với tác giả nếu ý kiến cần được biên tập.

Lưu ý: Xin vui lòng bỏ dấu tiếng Việt để giúp tránh những hiểu lầm đáng tiếc từ độc giả trong việc diễn dịch ý kiến đóng góp. Bài không bỏ dấu sẽ không được hiển thị. Xin chân thành cám ơn.

18 Bình luận

  • My Khanh says:

    Nói và Viết tiếng mẹ đẻ trơn tru hơn ngôn ngữ bản xứ là điều đáng tự hào khi quanh bạn không có nhiều người đồng hương.

    Tôi thấy đề tài về chữ “Mình” nơi đây khá sôi nổi. Các góp ý rất dễ thương với “Mình… mình ơi”.

    Báo văn chương bàn chuyện chữ nghĩa là đúng “nghề của chàng/nàng”. Còn lỡ có dính hơi hướm ‘chính trị, tôn giáo, chủng tộc’ thì ‘phiên phiến’ đi, kẻo từ con thuyền Nghệ An bước sang chợ (cá) Trần Quốc Toản thì buồn lắm.

    PS: cô Trúc! My name is Khanh, (viết tắt: My Khanh, ‘not’Mỹ Khanh). Vua gọi cận thần là Hiền Khanh, gọi vợ là Ái Khanh. Đặng Tiến, Xuân Tê, Bích Thúy… gọi My Khanh. Suy ra: Các vị đang là Kings and Queens! Sướng nhé.

    Chơi chữ chút thôi mà.

    Góp ý của BBT Da Màu:

    My Khanh thân mến;
    Con thuyền từ Nghệ An đến chợ Trần Quốc Toản không phải một hành trình quá khắc nghiệt vốn không nên khởi đi từ vị trí một quan sát viên công bình hay sao?
    Thân;

    BBT Da Màu

  • Ngô Nguyên Dũng says:

    – Gửi Phạm thị Thanh,

    cám ơn Thanh đã quan tâm tới bài viết của tôi và góp ý. Vậy là tôi học thêm được cách xưng hô mới cho “chúng tôi”: còn có nghĩa là “tôi”. Vui quá! Nhưng… chắc không dạy cho học viên của tôi được đâu, sợ lần sau phải đi thăm họ ở bệnh viên tâm thần.

    Tính tôi khá… thoải mái, nhưng tôi thà… chết chứ không xưng hô “mình, mẩy, tay, chân” thay cho “tôi”, chỉ thỉnh thoảng nói “mình” thay vì “chúng mình” cho gọn.

    Mến.

    – Anh Trịnh Trung Lập mến,

    trong phản hồi trước, Anh cho biết Việt nam hiện giờ có nhiều kiểu… ôm, riêng “nhậu ôm” thì bị cấm (Sao xui vậy?) Đọc thú vị lắm. Mong rằng, trong tương lai sẽ có thêm quán ôm dành cho nữ giới theo luật “nam nữ bình quyền”, để mấy bà tranh đấu cho nữ quyền khỏi mất công đòi hỏi. Thấy tội!

    Tôi không trả lời Anh, không phải vì giận, mà thú thật vì… không hiểu hết. Anh đang gọi tôi bằng Anh, rồi không dưng đổi giọng gọi Ông, thành ra tôi không biết có Ông nào khác lăng xăng đòi nhảy vô phá đám “tụi mình” ở đây?

    Rồi, đồng ý với Anh. Sẽ có dịp cùng Anh đi “thực tế”: tôi ôm, Anh trả tiền.

    Cám ơn Anh đã dành cho tôi nhiều cảm tình… sâu sắc. Anh không nói ra, làm sao tôi biết được. Biết “ngứa chỗ nào đâu mà gãi… giùm”?

    Mến.

  • Trinh - Trung Lap says:

    Kính Anh Lê Nguyên Vỹ. Cám ơn anh đã chỉ giáo !

    Tôi rất thích đoạn anh viết :
    “Trong không gian vô giới hạn và thời gian vô thuỷ vô chung, muôn loài sống chết tiếp nối vô cùng vô tận, trong đó mỗi cá nhân là những dòng sống chảy xiết trong mâu thuẫn giữa mình và ta, giữa cái tôi riêng lẻ và cái cộng đồng vây quanh ta.”

    Hoặc đoạn khác anh viết : “Không phải lúc nào mình cũng hài lòng mình và ta hài lòng ta. Từ những ngóc ngách tâm tư tình cảm, những con sóng mâu thuẫn liên miên va đập chờ cơ hội bật dậy thành sóng dữ. Tâm tư tình cảm của người nghệ sỹ phức tạp và mẫn cảm hơn người bình thường, họ cảm nhận cuộc đời từ nhiều chiều kích thời gian và không gian vũ trụ khác nhau.”

    Thú thật đọc xong những đoạn này thấy hình như anh đã giúp tôi tiếp cận được gần hơn khi đang cố công tìm hiểu cái “hồn” của câu hát “Tự mình biết riêng mình và ta biết riêng ta.”
    Từ trước đến giờ, tôi vốn thích âm nhạc của Cố NS. Trịnh Công Sơn. Nên luôn luôn tìm cơ hội để hỏi ý kiến của người khác về ngôn ngữ nhạc Trịnh. Chân thành cám ơn anh.
    Đối với tôi, cái “hồn”, như tôi đề cập ở trên mới là quan trọng. Giải nghĩa bóng, nghĩa đen thì tôi nghĩ nhiều người có nhiều ý khác nhau. Nhưng như sắc đẹp của người con gái vậy, nhiều khi “nét nào ra nét đó”, rất đẹp, nhưng không “quyến rũ” (nôm na là vô duyên đó) chút nào, và như thế cũng như 1 câu văn có thể đúng cú pháp nhưng đọc lên chỉ thấy “buồn ngủ” thôi. Vì thế tôi thấy anh là người vô tình đề cập đến cái “hồn” nên rất phấn khởi.

    Cũng nhân đây, tôi muốn góp thêm chút ý kiến về chữ “mình” cho cuộc thảo luận. Chẳng hạn, người ta thường phát biểu : “Anh ta rất giỏi, đã tìm cách vượt lên chính “mình”” chứ người ta không nói “Anh ta rất giỏi, đã tìm cách vượt lên chính “anh ta””. hiiii
    Trong Tiếng Anh tôi thấy có chữ “He”, “His”, “Him”, “Himself”, có lẽ trong trường hợp này chữ himself dùng trong câu “Anh ấy vượt lên chính mình” là hay nhất. Chắc Quý vị sống ở hải ngoại rành hơn tôi về sắc thái ngôn ngữ, xin chỉ giáo ! hiiii

    Kính anh ! Chúc anh sức khỏe.
    *******************************************
    Thưa Chị Phạm Thị Thanh !

    Tôi với Anh Ngô Nguyên Dũng vốn là “bạn” văn chương rất “thân nhau”. Chúng tôi đã làm quen trên Damau rất “lâu” rồi. Không biết tôi đối với Anh Dũng như vậy (rất tình thương mến thương), còn anh có “giận” hay không, Chị hỏi “Ông anh tôi” lại giùm nhe ! Tôi …. bó tay. Hiiiii

    Kính thư !
    Trịnh Trung Lập
    Nhân tiện thân chúc anh NND sức khỏe. Mong được đọc thêm nhiều bài của anh.

  • Phạm Thị Thanh says:

    Gửi các anh chị,

    Xin được múa rìu qua mắt thợ, nói chuyện ngôn ngữ với nhà văn và nhà giáo Ngô Nguyên Dũng.
    Theo như tôi hiểu thì chữ “chúng tôi”, người Bắc xưa, thế hệ cha mẹ và ông bà của tôi dùng cho khi một mình, hai mình hay nhiều mình. Chẳng hạn câu: “ Không dám ạ, chúng tôi xin phép phải đi sớm”. “Chúng tôi” dùng ở đây chỉ có một người thôi.
    Chữ “mình” không phải lúc nào cũng êm ái. “ Tức mình, bực mình”, chẳng hạn.
    Anh Trịnh Trung Lập viết: “Thật lòng nếu có dịp tôi sẽ mời ông đi thực tế.” Chữ “đi thực tế” viết thẳng tuột như vậy, có nghĩa là ngôn ngữ thường dùng ở trong nước? Nghe hay đấy.
    Thú thật, dạo gần đây, phái nam xưng “mình” rất tự nhiên, phụ nữ chúng tôi nghe hơi lạ tai. Hình như bắt nguồn từ trong nước ra?
    “Phiên phiến” vậy nhé!

  • Lê Nguyên Vỹ says:

    Anh Trịnh Trung Lập viết :
    Ví dụ khác, trong âm nhạc thì ai cũng không chê ca từ của Cố Nhạc sĩ Trịnh Công Sơn rồi. Ông được mệnh danh là phù thuỷ của ngôn ngữ mà. Như ta hãy lắng nghe :
    “….Không có đâu em này,không có cái chết đầu tiên Và có đâu bao giờ, đâu có cái chết sau cùng Tự mình biết riêng mình và ta biết riêng ta .. ..”

    Thú thật tôi “hiểu chết liền” đó!

    Tôi hỏi các ca sĩ “hiểu không”. Họ cũng hiểu nhưng đại loại không biết “mình” đó là ai nữa ! Rồi còn “ta” nữa, 2 người hay 1 người vậy ….bó tay! Nhưng rồi họ vẫn say mê hát và giữa ca sĩ và thính giả rất hiểu nhau!

    Xin Quý vị chỉ giáo!

    Gởi anh Trịnh Trung Lập
    Tôi hiểu biết mù mờ không dám chỉ giáo, nhưng nói như anh Đặng Tiến, thấy quả bóng lăn trước mặt ngứa chân đá một phát, nếu trúng thì may lắm còn không thì thôi, ngộ mhở trật chân sưng mắc cá cũng ráng chịu coi như xui xẻo.
    Trong không gian vô giới hạn và thời gian vô thuỷ vô chung, muôn loài sống chết tiếp nối vô cùng vô tận, trong đó mỗi cá nhân là những dòng sống chảy xiết trong mâu thuẫn giữa mình và ta, giữa cái tôi riêng lẻ và cái cộng đồng vây quanh ta.
    Người Việt khi sử dụng Đại danh từ “Ta” và “Mình” thường ở hai tư cách; tư cách cá nhân và nhân danh tư cách phát ngôn viên cho một tâp thể nào đó dù nhân danh đó thầm kín, và chỉ có một điểm khác: Chữ “Ta” trịnh thượng bề trên có tính nhấn mạnh ngược với chữ “Mình” nhẹ nhàng tình cảm
    Không phải lúc nào mình cũng hài lòng mình và ta hài lòng ta. Từ những ngóc ngách tâm tư tình cảm, những con sóng mâu thuẫn liên miên va đập chờ cơ hội bật dậy thành sóng dữ
    Tâm tư tình cảm của người nghệ sỹ phức tạp và mẫn cảm hơn người bình thường, họ cảm nhận cuộc đời từ nhiều chiều kích thời gian và không gian vũ trụ khác nhau, chữ ta và chữ mình của họ cũng rẽ trăm nẻo đường không ai có thể hiểu trừ chính họ. Tự mình biết riêng mình và ta biết riêng ta!
    Anh Trịnh Trung Lập ơi. Mình chỉ hiểu đại khái như thế, nhưng ngứa tay góp vui .
    Mến chào

  • đỗ xuân tê says:

    tôi xin ngứa bút:

    đố ai sờ mình

    nhà mình buổi tối hôm nay
    lúc sờ mình chạm bàn tay của mình
    một hồi mình thấy sướng kinh
    tỉnh ra mới biết là mình ngủ mê

  • Ngô Nguyên Dũng says:

    Thưa Anh Phan Đức,

    Dựa vào thí dụ của Anh đưa ra, tôi mạn phép có ý như sau:

    1. Hội trường tiệc cưới có mặt gồm ban nhạc và khách tham dự.
    2. Người nói là ai? Một người, chỉ một mà thôi, thay mặt cho ban nhạc (không thể có trường hợp tất cả những người trong ban nhạc nói cùng một lượt, thành ra anh dùng chữ “họ” trong trường hợp này là không đúng) nói với khán giả: “Chúng tôi xin trình bày bản nhạc…”
    3. Người nghe là ai? Thưa Anh, là số người còn lại trong ban nhạc (không lẽ họ bịt tai lại khi người kia nói hay sao?) và khách tham dự.
    3. “Chúng tôi” vì vậy bao gồm người nói và những người trong ban nhạc. Và họ là một số trong số những người đang có mặt trong hội trường.

    Trong phản hồi đầu tiên, anh viết: «nhưng ‘chúng tôi’ thì không bao gồm người nói và người nghe…» Vì tôi không đồng ý với cụm từ “không bao gồm người nói” của Anh nên góp ý thêm, vậy thôi. Tôi không đặt trường hợp “người nghe” trong cách giải thích của tôi, vì thấy thừa. Vì khi có ai nói trong đám đông, lẽ đương nhiên là phải có người nghe, và người nói cũng… nghe luôn để biết mình nói gì nữa chứ.

    Còn những điểm khác, tôi hoàn toàn đồng ý với Anh.

    Chết, “mình” bắt bẻ tủn mủn và lôi thôi nhiều lời, Anh và các Bạn bỏ qua cho. Nếu có gì sai sót, Anh và các Bạn sửa giùm “mình”.

    Trân trọng.

  • Đặng Tiến says:

    Hoan nghênh Lê Hữu:

    Hoan nghênh anh. Mấy câu anh trích, tôi tìm ra ngay.
    Câu của Tản Đà, trong bài “Nói chuyện vớí ảnh”, tập Khối tình Con, 1916.
    Có mấy thoại, một đúng theo anh trích dẫn. Dị bản :
    Mình với ta dẫu hai như một,
    Ta với mình tuy một mà hai
    NXB Văn Học, 1986, trang 88.

    Câu Kiều anh trích đúng, nó là câu 1233. Tuy nhiên nó không phải là câu nhiều chữ mình nhất, như anh đã dè dặt, với chữ ” chắc ” nghĩa là ” không chắc”, ( không riêng gì tiếng Việt, tiếng Pháp cũng vậy với từ sans doute )

    Câu làm mình làm mẩy nhiều nhất là câu 2674:
    Một mình mình biết, một mình mình hay

    Nó chính là câu Kiều mà cha Cras đã giảng cho chúng tôi, 1960, tại Sài gòn, như tôi đã kể lại với bạn hiền Ngô Nguyên Dũng.
    Vì vậy mà nhớ, chớ mình cũng chẳng uyên bác gì.

    Tôi có câu thơ tâm sự, các anh Võ Phiến và Cao Tần biết và có lúc mang ra đùa vui:

    Nỗi lòng liễu khuất sương che,
    Một mình mình nói mình nghe một mình

    Thơ dở ẹc, nhưng có được nhiều “mình”, gửi anh đọc chơi.

    Còn về thái độ phiên phiến, là tật xấu của riêng tôi, anh chớ nên theo.
    Tôi xưa nay mê phụ nữ, và mê đọc báo phụ nữ, như Phụ Nữ Diễn Đàn, số tháng 9 có bài của Tràm Cà Mau khuyên nhủ:
    “Ông Tư Hổ thường nói, tuổi già, cứ phiên phiến với mọi sự, cho khỏe, cho sướng cái thân già của mình”, trang 115
    Nhưng đây là triết lý cầu an, tiêu cực, anh chớ nên theo.

    Tôi thành tâm mừng anh và hoan nghênh.
    Bravo Lê Hữu,
    Đặng Tiến

  • Phan Đức says:

    Anh Ngô Nguyên Dũng,
    Có lẽ tôi làm anh hiểu lầm về chữ “chúng tôi” chăng nên xin thưa lại cho rõ ý.
    Thử hình dung như sau :
    Trong một đám cưới, một ban nhạc trình diễn văn nghệ thì họ nói “chúng tôi xin trình bày
    bản nhạc…” Ở đây, người nghe không bao gồm trong “chúng tôi” (thuộc về ban nhạc).
    Nếu họ nói “chúng ta hãy thưởng thức bản nhạc…” thì tất cả người nghe lẫn người nói
    trong đám cưới đều được bao gồm.
    Chữ tự hào là nhân trước đó có bạn đọc tỏ vẻ hơi nản nên tôi… liều mạng an ủi thôi
    chứ không nhắm vào bài viết của anh.
    Thân chào.

  • Lê Hữu says:

    “Mình” xin đóng góp chút chút với quý anh chị cho vui nhé:
    Chữ nào đi với chữ “mình” nghe cũng rất tình cảm, rất “tình tự quê hương dân tộc”, như: “quê mình”, “người mình”, “tiếng Việt mình”. Theo ý “mình” thì:
    Câu thơ có chữ “mình” hàm súc nhất là thơ cụ Tản Đà:
    “Mình với ta, dẫu hai nhưng một
    Ta với mình, sao một mà hai?”
    Câu thơ có nhiều “mình” nhất chắc là câu lục bát của cụ Nguyễn Du:
    “Khi tỉnh rượu, lúc tàn canh
    Giật mình, mình lại thương mình xót xa”
    Mục hấp dẫn người đọc nhất (có chữ “mình”) trên báo chí là mục “Mình ơi!” do “cô” Diệu Huyền phụ trách trong tạp chí Phổ Thông ngày xưa của nhà thơ Nguyễn Vỹ.
    Bài hát có chữ “mình” được yêu cầu nhiều nhất trong thời chiến là bài “Anh tiền tuyến, em hậu phương” của nhạc sĩ Minh Kỳ:
    “Hai đứa kêu nhau ‘Mình ơi!’
    Anh sẽ kêu em… ‘Mình ơi!’
    Em sẽ kêu anh… ‘Mình ơi!'”
    Câu hát thật mùi, và nốt láy mỏng ở chữ “mình” của cô ca sĩ nghe như cái liếc xéo của đuôi mắt thật bén, thật ngọt, thật “tình”, và… thật chết người!
    “Mình ơi!” hai tiếng ấy nghe sao mà ấm áp, mà ngọt ngào, chỉ thua có… “Quê hương ơi!”
    Xin “phiên phiến” thế thôi (mượn tạm chữ của anh Đặng Tiến, nay đã trở thành ngôn ngữ… Damàu).

  • bắc phong says:

    đố ai sờ mình

    nhà mình buổi tối hôm nay
    lúc sờ mình chạm bàn tay của mình
    một hồi mình thấy sướng kinh
    (tự ý đục bỏ những tình tính tang)

    Tôi tự thấy bài thơ này ý chữ “mình” chưa chỉnh. Các bác nào ngứa bút xin sửa hộ. Vui thôi mà…

    bắc phong

  • Đặng Tiến says:

    Gửi Ngô nguyên Dũng, bổ sung:

    Thư trước tôi nói vui chơi bá láp, ghẹo anh chơi,nay gỡ tội như sau:

    1.” Mình” là một từ xưa, có trong từ điển A. de Rhodes, 1651, ông ấy ký âm ” mềnh”,
    và chua thêm là đại từ hỗ tương ( reciproque) có lẽ ngày nay ta gọi là phản chỉ, (reflechi).

    Câu ca dao “Mình về nuôi cái cùng con, để anh đi trẩy nước non Cao Bằng”, trong Vũ trung tùy Bút, Phạm đình Hỗ cho rằng thuộc thời chiến tranh Lê Mạc, thế kỷ 16.
    Như vậy chúng ta may mắn biết đuợc vết tích lịch sử một chữ xưa.

    Ngày xưa ta có từ “min”( trong Kiều, A de Rhodes…) có nghĩa là tôi, nhưng dường như không liên quan gì đến ” mình”, theo Lê ngọc Trụ, thì do từ ” thân”, trong cụm từ thân mình.

    2. Theo kinh nghiệm dạy học của tôi, sinh viên nước ngoài khó hiểu từ ” mình” khi nghe, nhưng dùng dễ dàng khi nói, thậm chí dễ hơn từ ” tôi”.
    Người Việt các sắc tộc hay dùng ” mình” thay cho “tôi”, không biết tại sao.

    3.” Mình” là một từ hay, hàm súc và giàu biểu cảm.
    Người nước ngoài có người hiểu sâu sắc. Ngày tôi đi học ở Sài gòn, đựợc nghe linh mục Cras người Pháp (Đỗ minh Vọng, dòng Đa Minh) giảng chữ ” mình” trong truyện Kiều, rất hay.

    Phiên phiến vậy thôi,
    Đặng Tiến

  • trịnh - trung lập says:

    Kính anh Ngô Nguyên Dũng!

    Trước tiên là cho phép tôi xưng hô như vậy với anh cho thân mật. Vừa trẻ trung vừa thân tình anh nhé.

    Sau là cám ơn anh đã trả lời rất thật tình. Qua ý kiến của anh, tôi phải vui cười sảng khoái và cảm thấy có nhiệm vụ thông tin thêm cho anh về tình hình ẩm thực trong nước hiện nay. Hy vọng quý vị nào đang tham gia vui thì bổ sung thêm để anh NND có thêm thông tin.

    Anh Dũng nên biết:
    – Hiện nay các quán nhậu ôm ở Việt nam không còn nữa. Đã bị cấm từ lâu rồi. Hiện nay chỉ còn hình thức tinh vi nhanh gọn Karaoke ôm, Cafe ôm, Vũ trường ôm, Ôm chay (thuần tuý chỉ ôm thôi). Thật sự tôi cũng như các tao nhân mặc khách ngày xưa muốn đi kinh lý 1 chút để lấy thông tin viết bài thôi, như Hàn Mặc Tử, Phan bội Châu nghe đàn ca trên sông Hương, như Xuân Diệu, Tố Hữu đôi tiếng qua lại về “Lời Kỹ Nữ” vậy. Có nghĩa là 1 thâm nhập thực tế có mục đích viết bài thôi. Mong anh đừng ngộ nhận! hiiii

    – Cái quán nhậu tôi kể cho anh là 1 quán nhậu thật sự, tôi có thể cho anh một “menu” dài về địa chỉ của các nhà hàng đó ở Sàigòn, Hànội, và các thành phố lớn khác. Mục đích của các quán nhậu đó là kiếm thu nhập lương thiện từ việc ăn uống của khách hàng, hoàn toàn không có “ôm, bế” gì cả.

    – Còn các trong quán ôm mà anh lo lắng hỏi đó, người ta không cần phải xưng hô như vậy đâu, vào là biết cần gì rồi, nhất là khách làng chơi mà. Chỉ có thỉnh thoảng mấy ông giáo dạy học có tiền (không biết đi đâu) đành đi tìm vui mới bị mấy em lừa và xưng hô như ông nghĩ thôi. Thật lòng nếu có dịp tôi sẽ mời ông đi thực tế. Hiii

    – Điều quan trọng tôi nghĩ anh vẫn chưa hiểu là bộ môn “marketing” ngày nay đã len lõi vào tận địa hạt văn chương rồi. Anh cứ tưởng tượng 1 lần đi nhậu giữa dân businessman thì anh sẽ thấy nhiều khi họ nói chuyện gì mà “mình” chẳng hiểu chút nào đâu!

    Thân kính.

    Trịnh Trung Lập

  • Ngô Nguyên Dũng says:

    Tôi xin trả lời Anh Chị theo thứ tự:
    – Thưa Anh Đặng Tiến,
    trong bài viết của tôi, tôi không cho rằng câu “Nhiều nhà văn nữ… của mình” viết sai cú pháp, cá nhân tôi chỉ nhận thấy cách sử dụng chữ “mình” trong trường hợp nêu trên, đọc lên nghe hơi trúc trắc. Vì vậy, tôi đưa ra đề nghị, thay “họ” hoặc “bà” cho “mình”, theo ý tôi chuẩn xác hơn. Và, cú pháp cũng không sai, phải không thưa Anh?
    Trong trường hợp này, tôi được phép “vui” nhưng không được phép “phiên phiến”, vì trách nhiệm nghề nghiệp: Nghề giảng viên Việt ngữ và nghiệp văn chương.
    Trân trọng.
    – Thưa Anh (Chị) L.Tran,
    không biết người khác thì sao, chứ tôi rất quan tâm tới vấn đề này, lý do tại sao, tôi đã thưa cùng Anh Đặng Tiến trong phần trả lời trên.
    Cám ơn Anh (Chị) đã góp ý và chia sẻ những “trăn trở” về ngôn ngữ của tôi.
    – Thưa Anh Phan Đức,
    tôi hoàn toàn đồng ý với Anh về cách dùng “chúng ta”. Riêng với “chúng tôi”, tôi xin được phép bổ túc thêm: “Chúng tôi” được dùng để chỉ một nhóm người từ 2 trở lên, bao gồm 1 hoặc vài người trong tất cả những người hiện diện, và bao gồm luôn cả người nói (Anh cho rằng “không bao gồm”). Nếu không “chúng tôi” sẽ trở thành vô nghĩa.
    Còn “chúng mình”, mà cá nhân tôi nhiều khi ưa nói tắt là “mình”, được dùng tương tự như trường hợp “chúng ta”, nhưng giữa hai hoặc nhiều người thân thiết với nhau (hiếm khi “chúng mình” là “chúng tôi”, ngoại trừ trường hợp có ai đó chỉ muốn nói cho 1 hoặc một số người khác nghe mà thôi).
    Về ý niệm “tự hào” và “tự trách”, ý tôi muốn tự hỏi: “Tôi có nên tự hào về chuyện, tôi đã sống lâu ở xứ người mà vẫn còn viết và nói trơn tru tiếng Việt hơn tiếng bản xứ?”, chứ không dính líu gì tới nét độc đáo của tiếng Việt cả, thưa Anh. Nếu như tôi thông thạo cả hai thứ tiếng đồng đều như nhau thì lý tưởng nhất.
    Trân trọng.
    – Thưa Anh Trịnh Trung Lập,
    tôi cũng xin được bàn vui hầu chuyện cùng Anh.
    Theo tôi, cái nhà hàng mà Anh được cô hầu bàn tiếp chuyện kiểu đó, không thể là nhà hàng “lớn” được, mà có vẻ như một quán nhậu… ôm nào đó. Vì cách hầu bàn tiếp đãi thực khách như vậy, tôi thấy hơi… bị sỗ sàng. Và tôi đoán, có lẽ quán đó chỉ đông khách nam giới lui tới, phải không Anh?
    Còn chữ “ta” thay cho “tôi” hoặc “mình” cũng cần được bàn thêm cho… tới nơi tới chốn:
    Ý tôi: một, “ta” được kẻ trên dùng để nói với kẻ dưới, thí dụ quan võ thời xưa nói với thuộc hạ của ông ta (ấy, xin lỗi, của mình); hai, thường được dùng trong loại tuồng hương xa, dã sử trên sâu khấu cổ nhạc; ba, là cách xưng hô ngông ngông và điên điên của kẻ sĩ, như trường hợp của cố nhạc sĩ Trịnh Công Sơn và cố thi sĩ Bùi Giáng. Liệt kê tới đây tôi… bí, không còn biết cách nào khác.
    Riêng mấy ca từ trong ca khúc của cố nhạc sĩ Trịnh Công Sơn, tôi giải thích được đó, chỉ… không biết có đúng theo ý tác giả không nữa! Vậy thì, im lặng tốt hơn.
    Mến.

  • trinh-trung lap says:

    Xin góp ý vui về chữ “mình” !

    Ở Việt nam hiện nay, có khi 1 mình đi vào 1 nhà hàng lớn nào đó, người phục vụ tươi cười tiến ra thân mật “….Hiiii… “Nhà mình” ăn món gì trước vậy ! ….nhựa mận nhé, hay hấp dồi, hay làm cái lẩu chân đuôi nhé…Thế “mình” uống rượu gì, em phục vụ luôn…”

    Thú thật tôi thấy quán đó đông khách, ai cũng thấy thoải mái. Mặc dầu trên nguyên tắc sơ giao không cho phép xưng hô như thế, và xét về mặt nghĩa thấy cũng không hợp lý cho lắm.

    Ví dụ khác, trong âm nhạc thì ai cũng không chê ca từ của Cố Nhạc sĩ Trịnh Công Sơn rồi. Ông được mệnh danh là phù thuỷ của ngôn ngữ mà. Như ta hãy lắng nghe :
    “….Không có đâu em này,không có cái chết đầu tiên Và có đâu bao giờ, đâu có cái chết sau cùng Tự mình biết riêng mình và ta biết riêng ta .. ..”

    Thú thật tôi “hiểu chết liền” đó!

    Tôi hỏi các ca sĩ “hiểu không”. Họ cũng hiểu nhưng đại loại không biết “mình” đó là ai nữa ! Rồi còn “ta” nữa, 2 người hay 1 người vậy ….bó tay! Nhưng rồi họ vẫn say mê hát và giữa ca sĩ và thính giả rất hiểu nhau!

    Xin Quý vị chỉ giáo!

    Kính !

  • Phan Đức says:

    Tôi nghĩ chúng ta nên tự hào ở những chữ nêu trên vì sự độc đáo này không có trong ngôn ngữ nước khác. Chẳng hạn không có chữ nào để phân biệt “chúng ta, chúng tôi” trong Việt ngữ nếu chuyển qua ngoại ngữ.
    Theo thiển ý, “chúng ta” bao gồm hết mọi người trong 1 lớp học, 1 hội trường, 1 cuộc hội thảo v.v. nhưng “chúng tôi” thì không bao gồm người nói và người nghe mà chỉ dùng cho một số ít hơn “chúng ta” khi người nói nói thay cho 1 nhóm (từ 2 người trở lên).

  • L.Tran says:

    Không riêng gì tác giả, tôi thường bị lúng túng trước câu hỏi về chữ Việt, nhất là ở chữ “chúng tôi, chúng ta, mình…” nói chung là Đại danh từ của tiếng Việt.

    Tôi không biết, có phải vì chúng ta nói tiếng Việt theo thói quen, miễn sao người nói và người nghe có thể trao đổi một số ý kiến là được rồi, đâm ra không để ý tới văn phạm (ngữ pháp), từ ngữ trong lúc nói. Nhưng đến một lúc nào đó, việc nói theo thói quen trở thành sai trật (mà không biết), rồi bị ai vặn hỏi thì ta ớ người ra (tự ái, bực bội.)

    Tôi nhớ thời Trung học, bài luận văn của tôi bị tèm lem mực đỏ của thầy, chỉ vì tôi dùng sai chữ Mình. Tôi khiếu nại, dĩ nhiên là thất bại, nhưng tôi học được bài học và nhớ hoài về cuộc đối đáp ấy.

    Ông thầy nói: “chữ Mình luôn ở vị trí Túc từ của câu. Dẫu vậy, cũng nên cẩn thận khi dùng nó vì dễ gây ra sự hiểu lầm. Còn Ở vị trí Chủ từ, chữ Mình là tiếng gọi thân mật giữa vợ chồng với nhau khi không có người thứ ba. Hoặc trong trường hợp đặc biệt như viết Nhật Ký, chữ ‘Mình’ được phép làm Chủ từ của câu, vì lúc ấy tác giả viết riêng cho chính tác giả, không có ý phổ biến đến nhiều người.”

    “Vậy sao người ta không phải là vợ chồng, mà vẫn xưng ‘mình’ khi nói chuyện với nhau?”

    “Có thể người ta muốn tỏ vẻ thân mật. Nhưng dù gì, điều đó vẫn là dùng từ ngữ sai trật. Trong lời nói chuyện thường ngày, những sai sót có thể được bỏ qua, nhưng trong văn bản, việc sử dụng sai từ ngữ cho biết người viết ở trình độ nào…..”

    Có lẽ vì bị vạch nhiều mực đỏ quá, tôi thấm đòn, nhớ lâu.

    Càng sau này, tôi thấy người ta tự xưng “Mình” càng nhiều. Mọi lúc, mọi nơi. Không riêng gì ở trong nước. Sau 1975, tình hình xưng “Mình” lây lan nhanh chóng do bởi các cán bộ miền Bắc gây phong trào này. Có lẽ Họ xưng “Mình” nhằm gây tình cảm thân mật với người nghe chăng? (Dù rằng trong bụng họ đang liệt kê tội trạng kẻ khác). Nhưng thôi, Văn nói mà, phải để cho người ta thoải mái vô tư chút xíu đi, đừng bắt lỗi bắt phải nữa. Tôi lướt qua điều ấy cho đến lúc đọc bài trên một số website. Trời ạ! chữ “Mình” tùm lum ở vị trí Chủ từ.

    Tôi tự hỏi, làm sao để giải thích với đám “Người ngoại quốc gốc Việt”, con em chúng ta, về tính phong phú, chính xác, súc tích và truyền cảm của ngôn ngữ Việt Nam?

    Hôm nay đọc bài viết của Ngô Nguyên Dũng đưa ra vấn đề dạy và học Tiếng Việt, tôi thấm ý. Vì vậy, tôi mong mõi qúy vị, các chủ bút, chủ báo, những người làm công việc văn học, những bậc trí giả, những nhà văn nhà báo, những người đang dạy Việt Ngữ, những bậc phụ huynh….v.v… hãy quan tâm hơn nữa trong việc lưu truyền Việt Ngữ.

    Thời gian luớt nhanh lắm, tóc trên đầu chúng ta đã thay màu nhiều rồi, các bạn ơi.

  • Đặng Tiến says:

    Gửi Ngô nguyên Dũng, về chữ mình:
    Câu “nhiều nhà văn nữ đề cập…trong tác phẩm của mình” là đúng cú pháp.
    Ví dụ câu đã gặp đâu đó: ” chị em nữ du kích bắn máy bay Mỹ rớt ngay trước cửa mình”.
    Vui thôi mà!
    Đặng Tiến.

@2006-2023 damau.org ♦ Tạp Chí Văn Chương Da Màu
Log in | Entries (RSS) | Comments (RSS)