Trang chính » Bàn Tròn, Biên Khảo, Nghệ Thuật, Nhận Định, Tư Liệu Email bài này

Bửu Chỉ: Bằng chính mình đến với cuộc đời

15 bình luận ♦ 10.09.2009

clip_image002Một sớm cuối thu 1972, sau “đêm không ngủ” hừng hực khí thế tranh đấu cùng các anh em học sinh, sinh viên, tôi và anh Ngô Kha cùng rời sân trường Đại học Văn khoa Huế. Không khí mát mẻ, mù sương của buổi tinh mơ khiến chúng tôi tỉnh táo và sảng khoái lạ lùng. Dường như cả thành phố Huế tràn ngập trong sương mù.Vòm các nhịp cầu Trường Tiền trông như những con thuyền bồng bềnh trên khói sóng. Chúng tôi không băng qua cầu để về nhà anh Ngô Kha làm một giấc ngủ bù như dự định, mà đi dọc theo đường Lê Lợi, con đường đẹp nhất theo cảm nhận của một người bạn đã đi khắp góc bể chân trời. Đường Lê Lợi sáng hôm ấy hiện ra trước mắt chúng tôi tựa một dải lụa hoa màu nguyệt bạch rủ xuống từ trời cao. Các ngọn đèn vàng đi ngủ muộn ẩn hiện trên những vòm lá muối có vẻ không thực. Lác đác mấy nữ sinh lớp nhỏ áo dài trắng từ ngoại ô đi học sớm đang tung tăng đuổi bắt nhau hay nhảy dây trong sân trường Đồng Khánh cũng có vẻ không thực. Cái đẹp thường là mong manh, ẩn mật. Chúng tôi lẳng lẽ đi bên nhau như sợ một động thái vô tình nào làm cái đẹp huyền hoặc tan biến đi. Quán cà phê cô Ba ở phía bên kia cầu Nam Giao như vừa mới bịn rịn làm một cuộc giã từ. Mấy sợi tơ trời còn vương vấn trên mái ngói tàn cây. Lúc ngồi vào quán, anh Ngô Kha như chợt tỉnh. Anh nói một mạch những lời, những câu không đầu không đuôi: “Cái đẹp, cái thiện là có thật. Nhưng cái xấu cái ác lại có thật hơn. Không biết bây giờ chúng nó giam cầm Bửu Chỉ, Nguyễn Duy Hiền và các anh em khác ở đâu? Kể cũng lạ, cái đất nước đau thương tội nghiệp này luôn có những điều nghịch lý. Ít có quốc gia nào trên lục địa châu Á mà vua chúa, quan lại, trí thức lại đứng chung cùng một chiến hào trên mặt trận giải phóng dân tộc với đại đa số đồng bào cùng khổ với một tỉ lệ cao như ở đây. Cũng như mình (Ngô Kha), Bửu Chỉ vừa có cái duy lý của người học Luật, lại vừa có cái mẫn cảm của một nghệ sĩ bẩm sinh. Qua tranh Bửu Chỉ, mình thấy được nỗi đau và khát vọng của chính mình. Khác với Tường, Phan, Ngô, Xuân, Đính và các anh em khác đã ra đi, mình, Bửu Chỉ, và một bộ phận không nhỏ người Huế khác sau biến cố Tết Mậu Thân đã lăn xả vào cuộc đấu tranh này không bởi lý do nào khác, mà là Hoà Bình. Hoà bình đích thực nhất thiết phải gắn liền với quyền tự quyết dân tộc. Người Mỹ nhất thiết phải ra đi. Con ruồi đậu nặng đòn cân. Nó (Bửu Chỉ) là học trò mình, mình biết nó muốn nhanh chóng làm lệch đòn cân…”

Quán cà phê đã có lác đác thêm nhiều khách hàng. Cuộc độc thoại của anh Ngô Kha về tình hình đất nước, về những người học trò của anh (Chỉ, Hiền, Quê, Cước, Nhân, Dung…) về phong trào học sinh, sinh viên Huế, về thân phận của người trí thức, về chiến tranh, về hoà bình…tưởng chừng không bao giờ dứt. Dường như anh Ngô Kha không hề biết hoặc không màng để ý rằng nơi này (quán cà phê cô Ba) ngoài chúng tôi còn có nhiều người khác nữa. Và tất nhiên không phải ai cũng đồng tình, chia sẻ với anh ,và chắc chắn không thiếu những ánh mắt nhìn về phía chúng tôi nghi ngại, căm thù. Cô Ba, bà chủ quán thì biết hết. Cô kín đáo khẽ đá vào chân tôi khi mang thêm nước trà. Chúng tôi rời quán cà phê khi mặt trời đã lên cao. Một ngày nắng gắt lại bắt đầu. Mùa thu năm đó thời tiết đặc biệt vào ban ngày hết sức ngột ngạt oi bức. Có lẽ cái nóng cháy của “mùa hè đỏ lửa” vẫn âm ỉ, lẩn quất đâu đây. Giá mà lúc đấy có ai nói về một thành phố Huế bồng bềnh trong sương khói mới chỉ cách đó hơn một tiếng đồng hồ thôi thì sẽ có một người Huế khác bảo là dối trá lừa bịp. Cũng dể hiểu thôi bởi bấy giờ họ đang ngon giấc, hoặc không ít người trằn trọc, rã rời mệt mỏi suốt đêm chỉ vừa kịp chợp mắt trước bình minh.

*

Cái đẹp, cái thiện là điều có thật. Bửu Chỉ vẫn tin như thế cho dù cảnh sát Sài gòn hết tra tấn lại đưa anh từ nhà tù này đến nhà tù khác. Sau đó không lâu, trong tối tăm của ngục tù, anh nhận được tin về sự mất tích, về cái chết tức tưởi của người thầy, người bạn chiến đấu lương tâm – anh Ngô Kha.

Lúc còn được tự do, Bửu Chỉ đã tham dự vào phong trào đấu tranh đô thị bằng tất cả khả năng đa dạng và sức sống mãnh liệt, kỳ lạ của mình. Anh viết bài lý luận cho báo đấu tranh, anh kẻ truyền đơn, vẽ biểu ngữ, anh vận động, kêu gọi học sinh, sinh viên, lao động, tiểu thương xuống đường đình công, bãi thị. Anh ca hát mê say những bài ca yêu nước, ngợi ca hoà bình, và đặc biệt, anh vẽ tranh. Bút sắt mực tàu, giấy, đôi khi với cả mười đầu ngón tay là tất cả nghệ cụ của anh. Vũ khí của Bửu Chỉ là hội hoạ, thứ hội hoạ tự học mê say, miệt mài, lao nhọc qua sách báo, qua thực tế cuộc sống để đáp ứng thiên hướng thẩm mỹ cá nhân anh thuở thiếu thời. Tất cả những vốn sống, những kinh nghiệm quí báu đó đã trở thành phương tiện hữu hiệu giúp anh lao vào cuộc đấu tranh. Chỉ trong một thời gian ngắn, những bức tranh ký tên Bửu Chỉ được nhiều người biết đến không chỉ ở Huế, Quảng Nam, Đà Nẵng, Sài Gòn, các đô thị miền Nam, mà ở rất nhiều những nơi khác trên mọi miền đất nước, và cả ở nước ngoài.

Qua tranh của Bửu Chỉ chúng ta thấy: một em bé cụt chân mặt mày ngơ ngác chống gậy đứng một nơi nào đó trên quê hương, vây quanh em là bom đạn, tan tác, kinh hoàng. Một phụ nữ trẻ tay bị xiềng, trên chân chị là một cháu bé đã mở mắt chào đời trong góc tối xà lim. Một cụ già ôm cháu vượt chạy qua làng trong khi máy bay quần đuổi trên đầu. Một thanh niên mặt mày xanh xao, thần sắc phẫn nộ tay nắm chặt thanh sắt chắn lỗ sáng nhà giam. Một người đàn ông thân thể tả tơi đang bị treo rũ trong phòng tra tấn để lấy cung, chung quanh anh là bọn đồ tể đang quơ tay múa chân. Một người khác bị khoá miệng, mấy người khác nữa bị bịt mắt, bị xiềng tay xích chân hay bị trói thúc ké, bị kéo lê, bị đẩy đạp. Không kể hết, còn rất nhiều, rất nhiều hình ảnh của những con người trong những cảnh huống khác nhau đang là nạn nhân của bạo lực, của gian ác giữa một đất nước bị nô lệ và tàn phá bởi chiến tranh. Bằng nhận thức tinh tế, bằng đồng cảm sâu sắc, nhạy bén, bằng đôi tay tài hoa, bằng trí thông minh hiếm có, Bửu Chỉ đã vượt qua những hạn chế của họa cụ và tình thế khắc nghiệt của bản thân (bị giam cầm) đã khắc hoạ lên những bố cục tưởng như đơn giản, tận dụng đến tối đa sự tương phản của hai màu đen trắng để mô tả, để minh chứng, để tố cáo một cách tài tình sự ghê rợn, hung hiểm, khốc liệt của bạo lực chiến tranh và qua đó nói lên niềm tin mãnh liệt về một ngày mai đất nước thanh bình. Vào một thời điểm nào đó trong ngục tối, Bửu Chỉ đã vẽ “Nhà Thơ nằm chết, trái tim trổ bông” khi được tin Ngô Kha bị thủ tiêu một cách oan nghiệt. Dĩ nhiên sự kiện bi thảm này đối với Bửu Chỉ là một cú sốc lớn. Người xem có thể quả quyết: khi vẽ bức tranh ấy, Bửu Chỉ không những đã nói được nỗi đau của mình trước cái chết thê thảm của người thầy, người bạn lương tâm, mà anh còn bày tỏ được nỗi phẫn nộ sâu sắc của mình trước cái ác, trước những tội lỗi ghê gớm đang tiếp tục phủ chụp lên đất nước.

Buu-Chi,-Oil-on-canvas-Ngo-Kha

Bửu Chỉ  – Tranh sơn dầu (60×73)
Để tưởng niệm Ngô Kha, vẽ tại nhà Đặng Tiến ngày Tết dương lịch 1989
Tranh hiện được bảo lưu tại tư gia của nhà phê bình Đặng Tiến (Orleans, Pháp)
(tư liệu do nhà phê bình Đặng Tiến cung cấp)

 

Thời niên thiếu Bửu Chỉ đã theo đuổi hội hoạ với bất cứ cái gì có thể và bất cứ nơi đâu: Bút chì, phấn, than, gạch, hoạ hoằn lắm mới có một hộp màu nước. Nơi góc bàn, bên vách tường, bên gốc sung sau bến nước, trong phòng ngủ, thậm chí cả ở lớp học, sân trường đều có dấu vết tô hoạ của anh. Lớn lên, người sinh viên Bửu Chỉ, người tù Bửu Chỉ đã biến hội hoạ thành một vũ khí sung sức nhất vào những thời khắc cao điểm của cuộc đấu tranh tại trụ sở Tổng Hội Sinh Viên, trong giảng đường trường Đại học và nhiều nhất là những tháng năm trong ngục tù. Thực tế này nói lên điều gì? Bửu Chỉ đã không trừu tượng hóa hội họa qua trí tưởng tượng mà anh đã vẽ bằng tất cả tinh lực cảm thụ của một người nghệ sĩ, người chiến sĩ công lý mà động cơ sâu thẳm vẫn là cái đẹp, cái thiện. Trong tranh của người nghệ sĩ đấu tranh, cho dù vào những tình thế khốn cùng nhất, ác liệt nhất, bi thảm nhất, bao giờ cũng ẩn chứa, cũng lấp lánh tình yêu thương và khát vọng hoà bình. Mặt trời và chim câu là hai biểu tượng xuất hiện nhiều lần trong tranh Bửu Chỉ thời kỳ này. Chim câu như hoá thân từ trái tim của người mẹ mà tuổi đời tính được bằng những năm tháng chiến tranh (Mẹ Hoà Bình). Trong bộ sưu tập Mặt Trời Tự Do rất nhiều hình tượng về chim như chim bồ câu đậu trên tay của em bé nhỏ chống gậy đứng bên đường dưới bầu trời bị xé nát bởi bom đạn, chim câu bên chấn song sắt nhà tù với những con người mắt ngời hy vọng, chim câu đậu trên vai người thiếu nữ, chim câu đáp xuống mái hầm của hai vợ chồng nông dân trong vùng lửa đạn, chim câu bay trong tầm với của những cánh tay khẳng khiu đầy thương tích.

Và hình tượng mặt trời nữa. Mặt trời trong tranh của Bửu Chỉ ở thời điểm này là sự phá tan gông cùm xiềng xích, là chiến thắng của quyền dân tộc tự quyết, là reo ca của Độc lập Tự do. Có người nói mặt trời trong tranh Bửu Chỉ cứ nhỏ dần, nhỏ dần cuối cùng chỉ còn như trái lê, mặt trăng, bầu vú (1). Có lẽ có một phần cảm tính trong lời nhận xét thơ mộng ẩn chứa mùi vị đắng cay này. Mặt trời to, mặt trời nhỏ, bóng tối giữa trưa hay mặt trời chiếu sáng giữa đêm đen là những ẩn dụ nghệ thuật mà hơn một lần Bửu Chỉ đã khắc hoạ nên. Tôi không được xem loạt tranh Bửu Chỉ vẽ trên bao bố nên không biết mặt trời của anh ở thời kỳ này nhỏ to sáng tối thế nào. Có lẽ sau giai đoạn đồ hoạ, loạt tranh trên bao bố là một phản chứng trước những nhiễu nhương, những hiện thực cứ phát triển ngày một phi lý đến khó hiểu, kỳ quái. Đợt phản chứng tuy ngắn ngủi này là một bằng chứng lôgic, một dấu tích thú vị về người nghệ sĩ có một cá tính đặc biệt mạnh mẽ, một con người như Sherry Buchanan đã nhận xét: “… có tất cả tính sống động của một enfant terrible” (2). Sau 1975, con người được “giải phóng kép” Bửu Chỉ (ra tù, Mỹ và đồng minh rút chạy, miền Nam được giải phóng, đất nước hoà bình, độc lập, thống nhất), chẳng mấy chốc đã trống trơn lòng tràn trề hy vọng(3). Cũng như cậu bé chống gậy trong tranh bút sắt của anh, Bửu Chỉ đã bàng hoàng ngơ ngác, tiến thoái lưỡng nan (4), chẳng biết phải làm gì, sắp xếp mình vào đâu trong một đất nước mà đáng ra phải được trùng tu như mơ ước của anh, của bạn bè anh. Phải chăng Thằng Hề Điên, Bộ Xương Cá, Chiếc Cốc Rơi, Mực Khô đã thai nghén và sản sinh trong những ngày tháng khó khăn này. Một chút Ernest Hemingway qua tâm sự “Ngư Ông và Biển Cả,” hoặc một chút Nguyễn Du qua nỗi lòng Từ Hải! Phải không?

Cuộc đời Bửu Chỉ có những bước ngoặc mà ngay chính bản thân anh và thân phụ anh, một người Huế tiêu biểu, một công chức mẫu mực và đồng thời cũng là một nghệ sĩ tài tử, đã không lường trước được. Thay vì mặc áo chùng đen mang kính trắng, xách cặp da đĩnh đạc lui tới pháp đình hay giảng đường đại học, người thanh niên Bửu Chỉ với kiểu đội mũ Ché Guevara, áo kaki bạc màu, đã lăn xả vào các cuộc mitting, biểu tình, bãi khoá, bãi công, bãi thị, làm kẻ bất phục, để rồi bị bắt bớ, bị tra tấn giam cầm. Sau 1975, thay vì phấn đấu để trở thành một cán bộ, một thứ ông bình vôi ở một cơ quan nào đó của nhà nước mới, thậm chí sẽ là một hoạ sĩ chuyên vẽ voi ở “Hội Tao Đàn,” Bửu Chỉ đã tự (hay bị) chọn lựa làm một công dân “bất thường,” “bất tín,” “bất lực” trong một xã hội mà mới đây thôi, vào cái ngày được giải phóng kép ấy, anh đã nghĩ: “Mình có thể giúp chút gì vào việc xây dựng lại đất nước.”

Làm gì? Không có sự lựa chọn nào khác là đi cho hết con đường của nghiệp dĩ, con đường mà từ năm 1975 trở về trước rất ít người Huế chọn lựa như là một nghề danh giá đàng hoàng, con đường nghệ thuật. Té ra hoạ phước khôn lường. Cuộc biển dâu đã giúp Bửu Chỉ tìm lại chính con người đích thực của mình, con người của lao động nghệ thuật mà điều kiện đầu tiên và cuối cùng là Tự Do và những đức tính cốt lõi cho sự xác lập chỗ đứng có trách nhiệm của mình trước cuộc đời là dũng cảm, trung thực và sáng tạo. Bửu Chỉ đã nói ở đâu đó: “…trong bất kỳ tình huống nào, hoàn cảnh nào, muốn làm nghệ thuật thì phải bằng chính mình đến với cuộc đời.” Cái chính mình ấy đã làm nên một Bùi Xuân Phái trong cách mạng mà “phố” của ông thì cổ sơ và vô cùng cô liêu. Không ai có thể trầm tư, suy nghĩ gì đến đầu đến đuôi khi phải ở trong khí thế rầm rập gào thét của đám đông hay trong các cuộc họp hành, học tập, hoan hô đả đảo làm căng cứng, làm tê liệt nhức nhối thần kinh. Bởi cái chính mình ấy, chứ không phải bất cứ khuôn vàng thước ngọc nào ở các Hội Tao Đàn cung đình, đã làm nên những Khuất Nguyên, những Bạch Cư Dị, những Đỗ Phủ, những Ôn Như Hầu, Hồ Xuân Hương, Nguyễn Du, Cao Bá Quát…

Đến với cuộc đời, bốn từ nghe qua có vẻ đơn giản này, đối với Bửu Chỉ là một cuộc tự vật lộn lẫm liệt của một võ sĩ luyện thế song thủ hổ bát. Làm gì trong cái cõi người ta ấy? Ngay cả chỉ với cha con nàng Kiều thôi cũng đã mỗi người đến với cuộc đời một khác, huống hồ trước mắt Nguyễn Du còn có một Từ Hải đối đầu với hằng hà sa số những Sở khanh, những Tú bà, những Khuyển Ưng và đặc biệt là những Hồ Tôn Hiến đại diện cho vương triều chính thống mà mệnh trời trớ trêu đã trao cho chúng một sứ mạng được toàn quyền sinh sát hay ban phát hoạ phước cho triệu triệu sinh linh. Không phải là mảng màu đầu tiên phóng lên khung vải sẽ quyết định toàn cục bức tranh từ bố cục đến đường nét, màu sắc của các hoạ sĩ hiện đại. Cũng không phải một ý tưởng, một luận đề gì đó sẽ được minh hoạ thành bức tranh của người hoạ sĩ hiện thực chân phương. Có không ít những bằng chứng cho rằng Bửu Chỉ cũng đã trải qua cả hai cuộc thử nghiệm trên và chắc là sau những trường hợp yếu lòng, thiếu bản lĩnh như thế, Bửu Chỉ đã tự phẫn nộ với chính mình. Cũng như Ngô Kha, cũng như lác đác mấy người bạn lương tâm khác, Bửu Chỉ đã trải nghiệm những tình huống trống trải đến rợn người:

Lòng ta như cái đình hoang
Với chiếc trống cổ sơ kêu mãi

(Ngô Kha)

Không phải vì ngẫu nhiên mà nhiều năm sau giải phóng. Bửu Chỉ đã vẽ những vật chết (tranh tĩnh vật). Anh từng tuyên bố “Đó chính là ‘cái tôi’ được phóng chiếu thành tĩnh vật. Chất lỏng trong tách, cái chất lỏng đen sì đó là trạng thái tâm hồn tôi, một tâm hồn đắng chát. Đôi khi chiếc tách rơi lơ lửng, không có dù. Đôi khi chỉ là chiếc tách trống rỗng” (5).

Thế đó, chẳng dễ dàng gì khi một người Huế, một người Việt Nam, một người Châu Á tự tách mình ra khỏi dòng chảy của triều cường, để thiết lập một cuộc vật lộn với chính mình hầu khải thị một phương thế mới “đến với cuộc đời”, cuộc đời mới và hoàn toàn xa lạ với những dự tưởng trước đây.

“Tôi chú trọng đến tính nghệ thuật của tác phẩm mình, những thông điệp của tôi là có thật” (6). Trong một dịp khác anh cũng đã nhắc lại như thế nhưng mạnh mẽ, dứt khoát và rõ ràng hơn. “Người nghệ sĩ không chỉ nhìn cuộc đời mà sống với cuộc đời. Trước khi là cái đẹp tác phẩm hội hoạ phải là sự thật. Tác phẩm hội hoạ biểu hiện phần cuộc đời bị bóng tối khuất lấp. Nó là cảm nhận của người nghệ sĩ về sự thật” (7). Bửu Chỉ đã không làm nghệ thuật với cái anh nhìn thấy hay với cái anh tư duy mà anh đã phóng lên khung vải cái anh cảm nhận về cuộc đời và từ đó anh khải thị những giấc mơ.

Con người trong tranh bút sắt của Bửu Chỉ trước 1975 là con người bằng xương bằng thịt, nó có tên X tên Y, nó là nam hay nữ, nó già hay trẻ, nhưng tất cả họ đều là thành viên khắng khít với một thực thể lớn hơn dung chứa nó. Thực thể đó là Dân tộc là Tổ quốc. Vào một thời điểm nào đó nó bị bắn giết, huỷ hoại, bầm dập, cắt bỏ bởi đạn bom, xiềng xích của ngoại xâm. Nhưng rồi cũng có ngày nhất định nó sẽ được khâu vá, hàn gắn, khôi phục, tái sinh lại làm người. Bửu Chỉ đã vẽ “Ta phải thấy mặt trời, Đợi ngày lên, Ngợi bình minh…” trong niềm hy vọng tột cùng ấy.

Trái lại, trong rất nhiều tranh sơn dầu Bửu Chỉ vẽ vào giai đoạn 2 (sau 1975), con người xuất hiện trong tranh của anh hoàn toàn là sản phẩm do khả năng trừu tượng và cảm nhận của người nghệ sĩ giữa những nhiễu nhương của thời đại mới. Bửu Chỉ đã phơi bày một diện mạo khác về con người trong bối cảnh rộng lớn hơn, nguyên sơ hơn: vũ trụ. Đây là một con người vô danh, không hộ khẩu, không quốc tịch, không bè cánh, không liên minh, không sắc áo màu cờ. Đó là những con bò cạp, châu chấu… Đúng hơn, nó là bộ xương gớm ghiếc của một quái thai chui ra từ huyệt mộ. Nó đang bò, đang đi, đang múa máy, đang lăn trượt, đang chới với. Nó cô đơn khắc khoải. Có lúc nào đó ta thấy nó đứng một mình trơ trọi trên mặt đất. Mặt đất tả tơi như một túm giẻ rách, như một nắm bọt biển bồng bềnh trôi, chậm chạp và vô định. Lửa cháy rần rật dưới chân nó, chung quanh nó. Nó lêu nghêu ngửa mặt nhìn trời. Bầu trời mênh mông không cùng, tăm tối và giá buốt. Một mảnh trăng non mong manh huyễn hoặc như một ảo giác. Trăng đang nhìn nó, hay cũng như nó, trăng đang tra vấn về chính mình (8). Nó chẳng giống ai, nhưng ai cũng soi thấy có một phần bản thân mình trong nó. Bửu Chỉ ơi, thân phận con người thê lương đến thế sao?

Có một hình sắc khác trong tranh sơn dầu của Bửu Chỉ là con người được giản lược, được kiểu thức hoá, ẩn dụ hoá thành một chi tiết nào đó của cơ thể. Một bàn tay tả tơi thương tích, một bàn chân lở lói sần sùi, một khuôn mặt như mặt nạ với đôi mắt trắng dã. Con người ở đây hiện thân là những “vật chết” nằm bên cạnh hay bị đè bẹp, bị o ép bởi những vật chết khác (9).

“Tôi miêu tả con người không còn một giá trị nào nữa. Do bạo động, lạm quyền và độc ác, con người trở thành nạn nhân của tất cả những thứ đó, nạn nhân của chính hành động của mình” (10). Bửu Chỉ đã nói như thế, rồi anh tiếp: “Đó là những gì còn lại của cuộc sống. Đó là tương lai của tôi” (11).

Hiện thực cuộc sống là phũ phàng, là tàn nhẫn, là ảm đạm. Tuy nhiên, chẳng phải vì thế mà trong ý thức cũng như trong sâu thẳm tâm can Bửu Chỉ đã khánh kiệt niềm hy vọng. Trái lại là đàng khác, trong anh chẳng có tình yêu và niềm hy vọng nào mãnh liệt, to lớn bằng tình yêu và niềm hy vọng của một con người dám nhìn thẳng vào cuộc sống, hiên ngang dấn thân vào và đương đầu với nó cho dù hiện thực có bi thảm, tàn nhẫn đến đâu. Lần trước trong chiến tranh, thông điệp trong tranh Bửu Chỉ là Hòa bình, quyền sống của con ngườiquyền tự quyết dân tộc. Lần này chiến tranh đã lui lại ở phía sau, quyền tự quyết dân tộc đã phục hồi trong chừng mực nào đó. Nhưng cái ác thì không hề là độc quyền của đế quốc Mỹ, của tư bản châu Âu, Nhật Bản, của Nga hay Tàu. Cái ác đang được tôn vinh và tự tung tự tác tại những thiên đường của chúng như Afghanistan, Trung Đông, Đông Âu và cả Việt Nam nữa. Cái ác biến hoá khôn lường, nhân danh đủ thứ, mai phục và ngự trị khắp nơi, trong mỗi đất nước, trong mỗi con người chúng ta. Phơi bày sự thật, ký thác một ước mơ, gởi gắm một hy vọng về mối tương thông nhân bản giữa người và người là thông điệp thứ hai của Bửu Chỉ đến công chúng thưởng lãm nghệ thuật của anh (12). Bản thân tôi, chính những khắc khoải về chân thiện mỹ đã dẫn dắt tôi đến việc tìm hiểu và rồi cảm thông với Bửu Chỉ về sự thật giữa cuộc đời.

*

Trở lại câu chuyện mặt trời trong tranh của Bửu Chỉ. Có hai hình tượng mặt trời trong hai thời kỳ sáng tác của anh:

– Trên tranh bút sắt mực tàu, Bửu Chỉ vẽ mặt trời là một khối tròn, to, chiếu sáng và luôn ở phía trên, trong tầm với, tầm nhìn của đám đông. Đó là khát vọng hoà bình, tự do cho dân tộc, độc lập cho đất nước. Là chân lý lịch sử.

– Trên tranh sơn dầu của Bửu Chỉ, mặt trời thường xuất hiện với mặt trăng, đôi khi cùng với nhiều tinh tú khác. Đây là một khối tròn nhỏ, thường là màu đỏ, không chiếu sáng và cũng không nhất thiết là ở trên cao. Đôi khi mặt trời ở dưới thấp, ở một bên, thậm chí mặt trời còn mọc trên rốn của người phụ nữ khoả thân. Mặt trời tượng trưng cho nguyên lý dương trong khái niệm âm dương – ngũ hành của người Á Đông. Âm dương là nguyên lý khởi đầu quá trình sinh thành, phát triển vũ trụ. Vạn vật trong đó có con người được tạo nên từ cuộc vận hành đó. Ở Huế ngày xưa hình tượng âm dương (lưỡng nghi) xuất hiện nhiều nơi, nhất là trên nóc các kiến trúc cung đình, chùa chiền, lăng miếu. Ở một khía cạnh nào đó có thể nói người Việt Nam tôn thờ Trời Đất (lưỡng nghi – âm dương) như người Thiên Chúa Giáo tin thờ Đấng Cứu Thế của họ. Trời đất tạo dựng nên con người. Trời đất theo dõi các hành vi tốt xấu của con người để mà thưởng phạt. Thề nguyền cùng trời đất, cúng lạy, cầu đảo, tạ ơn trời đất. Chửi bới nguyền rủa, đay nghiến trời đất … Tuỳ theo tâm cảm của mình mà mỗi người, mỗi cộng đồng, thiết lập và thực hiện một mối tương thông khác nhau với đấng sáng tạo ra mình. Vua quan thờ tế trời đất ở đàn Nam Giao. Dân gian cúng bái cầu khẩn trời đất ở miếu Ngũ Hành. Giới văn nghệ sĩ thường ít khi đối xử với trời đất ôn nhu, lễ phép. Ôn Như Hầu mắng trời đất là “trẻ tạo hoá.” Nguyễn Du gọi trời đất là “con tạo.” Trịnh Công Sơn thì hát “trên hai vai ta đôi vầng nhật nguyệt, rọi suốt trăm năm một cõi đi về.” Còn Bửu Chỉ thì vẽ con người ngợm trong bối cảnh tâm linh của người Huế xưa gồm mặt trời, trái đất, mặt trăng và đôi khi có thêm vài tinh tú khác nữa, nhưng ánh sáng của “vũ trụ” trong tranh của Bửu Chỉ vừa đủ để biểu lộ cái thân phận bi đát của con người.

 

Buu-Chi-Nui-Lua

Núi Lửa – tranh Bửu Chỉ
(do nhà phê bình Đặng Tiến cung cấp)

 

Đối với Bửu Chỉ, mặt trời, mặt trăng còn là biểu hiện của thời gian. Thời gian ám ảnh Bửu Chỉ không nguôi. Con người khi còn trong trứng nước đã bị treo lơ lửng trên thập giá của thời gian (13). Thời gian là tên trấn lột đểu cáng, trêu ngươi. Con người đuổi theo nó đến hụt hơi mà chẳng bao giờ kịp để đòi lại những kỷ niệm êm đềm (14), những khoảnh khắc bình yên (15), những bạn bè, những người yêu dấu (16). Rốt cùng chính thời gian đã cướp đi của công chúng yêu thích hội hoạ người nghệ sĩ tài hoa, người nghệ sĩ lao động miệt mài mà khi nhắm mắt trở về với đất trời trong tay còn nắm chặt cây cọ vẽ.

Xin chào nhau giữa con đường
Mùa xuân phía trước, miên trường phía sau

(Bùi Giáng)

Mùa xuân và miên trường cũng là hai nửa trắng đen trên mảng điêu khắc “Thái Cực Đồ” mà Bửu Chỉ đã đeo trên ngực trong buổi sáng mù sương tại quán cà phê Thiên Đường bên bờ sông Hương, đúng một tuần trước ngày anh rời cõi thế. Hôm ấy Bửu Chỉ nói say sưa về lẽ vô thường trong Phật giáo, về vật lý hiện đại, về âm dương – ngũ hành, về nguyên lý tương sinh – tương khắc, về cái đúng cái sai, cái thiện, cái ác. Trong trắng có đen, trong đen có trắng. Cái này còn cái kia còn, cái này mất, cái kia tiêu vong.

Bửu Chỉ mất hay Bửu Chỉ còn? Câu trả lời thuộc về vợ con, gia đình, bạn bè và những người xem tranh của anh.

Bửu Chỉ này;

Ở cái nơi mà Trịnh Công Sơn mô tả là “đôi tay nhân gian chưa từng độ lượng” này, chúng tôi vẫn chờ đợi như đã hẹn trước để được nghe anh hát lại nỗi niềm của chúng ta: “Tôi là ai, là ai mà trần gian thế. Tôi là ai, là ai mà yêu quá đời này” (17).

Chu Sơn

Huế 24. 12. 2002
Hiệu đính tháng Tám, 2009


(1) Trần Doãn Nho, một vài suy nghĩ về con người trong tranh Bửu Chỉ.Nghiên cứu Huế tập 2 (2001)

(2) (3) (5) (6) (7) (10) (11) (12) Shery Buchanan. Bản dịch Lê Khắc Cầm – Nổi loạn có duyên cớ, Nghiên Cứu Huế tập 2 (2001)

(4)Tựa đề một bản nhạc Trịnh Công Sơn

(8) Bửu Chỉ. Trời và đất, tranh (1988)

(9) Bửu Chỉ, Thời gian và tôi, Tĩnh vật người, tranh

(13) Bửu Chỉ tranh sơn dầu: Sự sống và cái chết (2002)

(14) Bửu Chỉ tranh sơn dầu: Tay níu thời gian (2002)

(15) Bửu Chỉ Tĩnh vật; tranh sơn dầu (1989), tĩnh vật: mong manh và bình yên (2000)

(16) Bửu Chỉ: Tưởng niệm Nguyễn Tuân tranh sơn dầu – Tuổi đá buồn, Một cõi đi về. Trăng thiên cổ: Tranh sơn dầu, tưởng niệm Trịnh Công Sơn (2002)

(17) Một lời nhạc Trịnh Công Sơn.

Cuối năm 2008, một anh bạn phương xa gởi cho tôi 10 bức tranh “Cáo” của Bửu Chỉ với lời giới thiệu của Hoàng Dũng và đề nghị tôi cho ý kiến. Tôi đã viết thư trả lời. Thư này tôi nêu vài điểm đã trình bày trong bài viết ở trên và có thêm mấy điểm mới. Nay tôi xin phép anh bạn gởi đến độc giả nội dung bức thư để bổ sung những nhận định của mình về Bửu Chỉ. Xin độc giả bỏ qua những chi tiết trùng lặp.

Ông Bà T. Đ.T.L. thân mến;

Nhân việc ông bà hỏi ý kiến của tôi về 10 bức tranh “Cáo” của Bửu Chỉ mà T. L đã gởi kèm theo thư, tôi có mấy ý sau đây:

Mười bức tranh “Cáo” Bửu Chỉ vẽ để tặng bạn bè sau 1975 là những bức cuối cùng thời kỳ bút sắt của anh. Sau thời kỳ bút sắt trên giấy, Bửu Chỉ bắt đầu vẽ sơn trên bao bố rồi vẽ sơn dầu trên toiles. Giã từ thời kỳ bút sắt đồng thời Bửu Chỉ giã từ thời kỳ làm hội hoạ tài tử, hội hoạ phong trào và chuyển hẳn qua thời kỳ làm hội hoạ chuyên nghiệp.

Thời kỳ tranh bút sắt, Bửu Chỉ mô tả tình cảnh đất nước, dân tộc với tâm tình và ý thức của một người đấu tranh để thay đổi hiện thực đời sống dân tộc. Thời kỳ vẽ tranh sơn (công nghiệp) và sơn dầu, Bửu Chỉ mô tả thân phận con người và khắc khoải truy tìm, tiếp cận bản thể sự sống. Bức “Bi kịch con người” là một trong những tác phẩm cuối của thời ký bút sắt.

Tranh bút sắt mực tàu trên giấy của Bửu Chỉ được sáng tác vào hai thời đoạn: Trước và sau 1975. Mỗi thời đoạn có những biểu hiện khác nhau.

Thời đoạn trước 1975; với tư cách là một thành viên và lần hồi trở thành một thủ lĩnh của phong trào Học sinh Sinh viên trong phong trào đô thị trực thuộc Thành Uỷ Huế liên kết với phong trào đấu tranh chính trị toàn miền Nam. Thời đoạn này ngoài việc vẽ tranh, Bửu Chỉ còn xông vào các cuộc mitting, biểu tình, bãi khoá, “đêm không ngủ.” Bửu Chỉ cuốn hút quần chúng (đặc biệt là tuổi trẻ) không những bằng tài vẽ tranh, mà anh còn là người diễn thuyết hùng biện, người ca hát say sưa và bốc lửa. Bửu Chỉ thuộc rất nhiều bài ca kháng chiến anh nghe được qua Đài Tiếng Nói Việt Nam phát thanh từ Hà Nội. Mùa tranh đấu 1972, tại cuộc mitting trước mối cầu Tràng Tiền (phía Morin), trước hàng ngàn học sinh sinh viên, Bửu Chỉ sau khi diễn thuyết đã hát rất hay bài “Việt Nam trên đường chúng ta đi.” Bửu Chỉ còn hát những bài ca tranh đấu khác của các nhạc sĩ phong trào như Tôn Thất Lập, Trần Long Ẩn và đặc biệt là Trịnh Công Sơn: “ Nối vòng tay lớn,” “ Chính chúng ta phải nói hoà bình,” “Tôi phải thấy mặt trời,” “Ta quyết phải sống,” “Ta thấy gì đêm nay…”và nhiều bài ca phản chiến khác của Trịnh Công Sơn được sáng tác trong bối cảnh cuộc chiến tranh và trực tiếp từ các phong trào đấu tranh của Học sinh Sinh viên Huế, Sàigòn.

Nội dung chủ yếu trong tranh Bửu Chỉ trước năm 1975 là chống chiến tranh, kêu đòi hoà bình, chống đàn áp, kêu đòi tự do dân chủ, dân quyền, dân sinh… Tranh của Bửu Chỉ xuất hiện trên các đường phố, trên vách trên tường trường học, phòng hội thảo, trên bìa và phụ bản của nhiều tạp chí, tập san đấu tranh: Tự quyết, Mặt Trận Văn Hoá Miền Trung, Việt, Đất Nước, Trình Bày, Đối Diện. Tranh Bửu Chỉ còn được chuyền tay nhau qua cửa nhà tù đến với cộng đồng yêu nước ở hải ngoại như tại Pháp, Đức, Hoa Kỳ.

Tóm lại; Bửu Chỉ vẽ là đấu tranh, diễn thuyết là đấu tranh, ca hát là đấu tranh. Bởi anh là người của phong trào đô thị. Phong trào đô thị là một phần của cuộc đấu tranh chính trị do đảng Cộng sản Việt Nam lãnh đạo thời chống Mỹ trong sách lược hai chân – ba mũi – ba vùng chiến lược từ nghị quyết 15.

Thời đoạn sau 1975: khối lượng tranh bút sắt mực tàu trên giấy của Bửu Chỉ không nhiều và không được phổ biến rộng rãi như thời đoạn trước 1975. Lác đác xuất hiện trên tạp chí Sông Hương nhưng tức khắc bị “cáp duồng,” sau đó chủ yếu lưu hành trong bạn bè đồng thanh tương khí – những người không nhiều thì ít có dính líu đến phong trào trước 1975 và có trăn trở trước bối cảnh mới. Bửu Chỉ ngỡ ngàng trước cuộc giải phóng và không khí cách mạng Xã Hội Chủ Nghĩa. Biết bao nhiêu câu hỏi làm rối lòng anh: Giải phóng thế này ư? Hoà Bình thế này ư? Cách Mạng thế này ư? Lý tưởng cộng sản thế này ư? Độc lập thế này ư? Thống nhất thế này ư? Tất cả mọi giá trị đều bị đảo ngược trước sự xác quyết lãnh đạo toàn diện và tuyệt đối của đảng Cộng sản. Tâm thức Bửu Chỉ chuyển động từ ngỡ ngàng, choáng váng qua phẫn nộ, giằng xé, ray rứt, khổ đau, thất vọng, và cuối cùng là khắc khoải siêu hình.

Mười bức tranh “Cáo” là một khái quát (tuy chưa đầy đủ) hiện thực đời sống Việt Nam sau 1975: “Cáo làm vua,” “Cáo mang mặt nạ,”… “Cáo hiếp…,” và cuối cùng là “Cáo ị.” Cả đất nước, cả dân tộc bị lừa phỉnh, bị khinh miệt, bị phản bội và bị áp bức đày đoạ. Trước mắt Bửu Chỉ hiện thực cuộc sống là như thế.

Cái khác trong các bức tranh bút sắt của Bửu Chỉ vào hai thời đoạn (trước 1975 và sau 1975) là “có hay không có” niềm tin yêu và hy vọng.

Trước 1975, Bửu Chỉ thể hiện trong tranh của anh niềm tin mãnh liệt vào cuộc sống và cuộc đấu tranh: mặt trời chiếu soi qua khung cửa nhà tù, mặt trời toả chiếu khắp không gian của cuộc đấu tranh khốc liệt mà cả dân tộc và tuổi trẻ đang xốc tới. Chim câu và nhành ô liu cũng là những biểu tượng trong tranh của Bửu Chỉ thời đoạn này.

Tóm lại, mặt trời, chim câu, nhành ô liu, niềm tin và hy vọng gần như biến mất trong tranh bút sắt của Bửu Chỉ vào thời đoạn sau 1975. Bửu Chỉ đã chuyển từ đấu tranh tích cực (trước1975) sang đấu tranh tiêu cực (sau 1975). Sau 1975 tranh bút sắt của Bửu Chỉ gần với thể loại biếm hoạ hoặc thể loại chuyện kể hài hước dân gian. Phải chăng anh cảm thấy run sợ trước bạo lực của guồng máy? Hay là anh đã nhận ra rằng chính anh cũng có phần trách nhiệm trước nhân dân trong việc đưa guồng máy đến cho họ? Hay là anh đã nhận ra rằng sau bạo lực Tư sản, bạo lực Thực dân, bạo lực Phát xít, bạo lực Đế quốc và bạo lực Cộng sản đã diễn ra trên bình diện toàn cầu trong đó có Việt Nam, là điều không thể tránh khỏi? Phải chăng chúng ta cần một khoảng thời gian đủ để nhìn lại, để trầm tư, hướng nội, quay về với những khắc khoải siêu hình để đặt lại vấn đề ngàn đời: Nhân sinh hà tại? Tại thế như hà…?

Với bút sắt mực tàu, Bửu Chỉ nhận ra rằng anh không thể biểu đạt được đầy đủ cảm xúc và tư tưởng của mình trên nền giấy trắng. Chiến tranh và cuộc cách mạng Xã hội chủ nghĩa đã làm khánh kiệt đất nước, gia đình, bạn bè, và cá nhân anh. Sơn công nghiệp, bao tải là những thứ anh có được để bắt đầu thời kỳ hội hoạ chuyên nghiệp. Trước công chúng, tranh không lên khung mà treo trên tường như những bức trướng. Những bức trướng thô tháp gồ ghề, màu sắt đường nét, hình thể và bố cục không vừa ý người sáng tác ra nó, nhưng lại thu hút sự tò mò và trí tưởng tượng của người xem. Không gian trong tranh là cả một vũ trụ đa chiều. Thời gian trong tranh cũng khó phân biệt là thuở hồng hoang hay là thời hiện đại của đổ nát tang thương? Núi non mà sâu hơn trầm lũng. Sông suối mà cao hơn gò đồi. Mặt trời chẳng còn là “Mặt trời chân lý chói qua tim” như nó đã xuất hiện rất nhiều trên tranh bút sắt của Bửu Chỉ thời đoạn anh tham gia phong trào chống Mỹ, mà là một mảng mầu đỏ thẫm không phát sáng, nhỏ như hòn bi, như trái chanh hay tả tơi như miếng giẻ rách xuất hiện cùng với vành trăng lạnh, mấy ngôi sao mờ và không nhất thiết ở trên cao. Con người thì được giản lược thành những chi tiết hay chỉ biểu hiện đủ để cho người xem nhận ra nó mà không phân biệt được là nó đã bị huỷ hoại, nghiền xé đến tan nát, méo mó biến dạng hay nó đang tái sinh thành một sinh vật tật nguyền để bị trừng phạt vì những mê lầm trong tiền kiếp.

Cuộc thử nghiệm tình thế (do điều kiện sống…) ấy đã mang lại những thành tựu bất ngờ làm nền tảng cho những bước khởi đầu đầy hứng khởi trong cuộc hành trình trở thành hoạ sĩ chuyên nghiệp của anh. Những khởi đầu hứng khởi ấy đã tạo cho anh một chỗ đứng nhiều thiện cảm trước nhãn quan của công chúng nghệ thuật tạo hình và những nhà chuyên môn ở Huế, ở Hà Nội, ở thành phố Hồ Chí Minh và cả ở nước ngoài.

Thế là bức màn sắt đã được hé mở. Bán được tranh, mua được sơn dầu, toiles, đóng được khung… Bửu Chỉ lao vào cuộc sáng tạo mới và trở thành một hoạ sĩ chuyên nghiệp đích thực. Anh tự mở cho chính mình một chân trời nghệ thuật độc đáo, nghệ thuật của những khắc khoải siêu hình, nghệ thuật của những đạo sư hoá thân thành màu sắc, đường nét, chất liệu để tiếp cận bản thể của tồn tại.

Ông bà T. Đ.T. L thân mến;

Chính danh không phải là một nhà chuyên môn về hội họa, vậy đó mà tôi đã lan man dài dòng về một hoạ sĩ tài năng!

Hoàng Dũng đã có những kiến giải thú vị khi xem tranh Bửu Chỉ. Tuy nhiên nếu chỉ dừng lại với những bức tranh bút sắt mực tàu trên giấy, Bửu Chỉ đã không là một hoạ sĩ chuyên nghiệp. Những bức tranh bút sắt đã làm cho Bửu Chỉ thành một hoạ sĩ phong trào và hậu phong trào. Tranh sơn dầu của anh mới chính là tác phẩm nghệ thuật tạo hình. Bửu Chỉ đã tạo dựng cho mình một vị trí xứng đáng trong kho tàng nghệ thuật hội họa đương đại Việt Nam và thế giới bằng những tác phẩm thuộc thể loại này.

Chu Sơn

bài đã đăng của Chu Sơn

Phần Góp Ý/Bình Luận


Xin vui lòng bày tỏ trách nhiệm và sự tương kính trong việc sử dụng ngôn ngữ khi đóng góp ý kiến. Da Màu dành quyền từ chối những ý kiến cực đoan, thiếu tôn trọng bạn đọc hoặc không sử dụng email thật. Chúng tôi sẽ liên lạc trực tiếp với tác giả nếu ý kiến cần được biên tập.

Lưu ý: Xin vui lòng bỏ dấu tiếng Việt để giúp tránh những hiểu lầm đáng tiếc từ độc giả trong việc diễn dịch ý kiến đóng góp. Bài không bỏ dấu sẽ không được hiển thị. Xin chân thành cám ơn.

15 Bình luận

  • Minh Vương says:

    Rất mong ông Phan Đức bỏ chút thời gian đóng góp chút ít để cho cái nhìn của bọn trẻ chúng tôi được thấu đáo hơn khi lật lại những trang sử của nước nhà.

  • Thưa ông Phan Đức,

    Tôi hơi lấy làm lạ là ông lại đặt vấn đề Da Màu có cho đăng hay không. Thiển nghĩ, Ban biên tập nào cũng luôn cần bài vở có giá trị, nếu không vì sự tôn trọng công luận thì cũng đơn giản là để cho có cái giữ được người đọc – cho dù là bài có bất đồng với quan điểm của Ban biên tập tới đâu chăng nữa. Tôi nói như vậy là một cách nói giả dụ, xin đừng ai hiểu rằng tôi có ý nói quan điểm của BBT Da Màu bất đồng với ông Phan Đức.

    Như vậy, nếu ông tin rằng bài viết của mình sẽ có tính cách minh bạch, thẳng thắn, có thiện chí đóng góp thông tin và thuyết phục người đọc, thì tại sao lại không tin rằng Da Màu sẽ chịu đăng bài?

    Trên thực tế, tôi nghĩ trong mọi vấn đề, đây chính là cách trả lời nghiêm túc và thích đáng nhất mà tất cả chúng ta đều hoan nghênh.

  • Đặng Tiến says:

    Gửi Phan Đức:
    Theo chỗ hiểu biết của riêng tôi, thì Bửu Chỉ không CS.
    Thời gian ông ấy ở Paris, 1989, rất sợ đi metro (xe điện ngầm) là phương tiện giao thông công cộng thông dụng. Hỏi tại sao, thì ông ấy trả lời: đi dưới hầm tối, thì đã bất an, mà còn phải theo… lãnh đạo. Thì ra ông ấy hiểu chữ Pháp Direction, bảng chỉ đường là..
    lãnh đạo.
    Thích viết, cần viết, thì viết, sá gì ba cái chuyện linh tinh.
    Phiên phiến vậy thôi,
    Đặng Tiến.

  • Phan Đức says:

    Xin góp ý với Trần Thiện Huy,
    Sở dĩ tôi nghi ngờ “chính xác” là vì những lý do sau đây :
    -Tôi thiển nghĩ chính xác chỉ dành cho khoa học như toán,vật lý v.v.
    -Trong chính trị: chính xác tức là phải có người trung dung,không tả không hữu,lên tiếng chứ chỉ dựa vào Chu Sơn (và những đồng chí” của Chu Sơn) thì đáng ngờ lắm.
    Theo tôi biết thì trong nhóm Tự Quyết có Thái Ngọc San và Ngô Kha có xu hướng CS,còn họa sĩ BC thì không (hoặc chưa) theo CS.
    Còn muốn biết rõ hơn,tôi sẽ gửi 1 bài viết liên quan đến Bửu Chỉ nhưng chẳng biết DM.có cho đăng hay không.

  • Đặng Tiến says:

    Phiên phiến, trả lời anh Trần Trung Lập:
    Phiên phiến không loại trừ tâm huyết.
    Không tâm huyết thì đã không dùng đến chữ phiên phiến ở đây.

    Rất chân tình và cảm khái ký tên:
    Đặng Tiến.

  • Thú thật là tôi nghe câu chuyện này mà… không hiểu gì hết, dường như đang có một cái hiểu ngầm giữa người trong cuộc với nhau, người ngoài không xen vào được vậy.

    Ông Phan Đức nhận xét ngắn gọn: nghi ngờ bài này không xứng với chữ “chính xác” mà ông Đặng Tiến khen tặng. Ông Đặng Tiến trả lời, những việc linh tinh thì tôi không biết hết, tức có vẻ như ông đã hiểu ông Phan Đức muốn nói bài không “chính xác” ở chỗ nào, và đó chỉ là một hay một số việc linh tinh.

    Vậy xin ông Phan Đức vui lòng nói rõ hơn cho rộng đường dư luận, về việc bài viết này có những điểm không chính xác như thế nào? Tôi là người hoàn toàn không biết gì về cá nhân các vị Ngô Kha, Bửu Chỉ, hay Chu Sơn, nên câu hỏi này hoàn toàn có tính nghiêm túc và chân thành.

    Sau cùng, mong rằng những ý kiến đã từng được nói ra trong vụ bức thư của Ngô Kha trước kia, nếu không có gì mới liên quan cụ thể đến bài viết này, chúng ta không cần phải lập lại ở đây nữa để cho cuộc đối thoại bớt nhàm chán.

  • Trinh-Trung Lap says:

    Tôi không rõ Ông Đặng Tiến “sống phiên phiến” là sống như thế nào.

    Nhân vật Pa-ven Coc-sa-gi có câu nói nổi tiếng “…đời sống chỉ có 1 lần, phải sống sao cho khỏi hao phí những năm tháng…. để khi nhắm mắt xuôi tay thì có thể nói tất cả đời và sức ta đã hiến dâng…” Tôi chỉ nhớ “phiến phiến như thế”. Vậy mà bây giờ Paven còn bị có người đánh giá là “1 con bệnh của thế kỷ đó”

    Trịnh Công Sơn thì “vắt kiệt tình yêu cho đời” (chữ của NS. Thanh Tùng) qua những đêm không ngủ được vì bị ám ảnh bởi những thanh âm giục giã của cuộc đời. Vậy mà khi mất đi còn bị ra Toà đời không biết bao giờ mới hết nghiệp dĩ.

    Tôi e rằng “sống phiên phiến” không hợp với cách sống của các văn sĩ tâm huyết.

    Giống như là 1 hình thức “lao động nghệ thuật phiên phiến” chăng!

    Phải chăng Ông ĐT quá sợ hãi bạn đọc?

  • Lisa says:

    Thân chào các bạn đọc.
    Không nói đến bức “Vắng Thủ ” nhằm cho các đọc giả cho đề tựa là 1 thiếu sót về cuộc đời của Bửu Chỉ. Ông chỉ dám chống đối cái chế độ ông sống sau 1975 như vậy. Chắc chưa ai quên chuyện Vũ Thắng (= vắng thủ ) đì Bửu Chỉ như thế nào? Đến giờ phút này mới thấm thía lời của thằng hèn TÔ HẢI. Thiển ý là Ngô Kha ra đi còn ít cay đắng hơn Bửu Chỉ nhiều lắm.

  • Phan Đức says:

    Xin cám ơn ông Đặng Tiến về ý kiến của ông.
    Tuy nhiên,tôi trộm nghĩ 1 người như ông phải cẩn trọng hơn bất cứ những người
    tầm thường nào khác, trừ khi ông cố ý như thế. Tôi cũng nghĩ bài của Chu Sơn hay
    và đầy tình nghĩa ! Có điều là hợp lý và hợp tình thì hơi khó!
    Vả lại sau khi đọc ý kiến của ông,tôi thấy đúng như ông nói là nên “phiên
    phiến” vì chẳng có gì quan trọng cả! Tôi chịu ông qúa.
    Hình như “Vui thôi mà” thì ông chịu ảnh hưởng humour của Bùi Giáng ?
    Trân trọng,
    PĐ.

  • Đặng Tiến says:

    Gửi anh Phan Đúc:
    Bài viết của Chu Sơn nói về Bửu Chỉ, những việc liên quan đến Bửu Chỉ, thì tôi thấy cụ thể và đúng. Nhưng chỉ là những việc cụ thể, trọng tâm về Bủu Chỉ, còn những việc linh tinh khác, thì tôi không xen vào, và tôi không thể biết hết, mà cũng chẳng quan tâm.
    Có thể là tôi nhầm, nhưng tôi chân thật nghĩ rằng Chu Sơn chân thành và tình nghĩa khi nói về Bửu Chỉ, gần đến ngày giỗ của người bạn tài hoa mệnh bạc.

    Tôi không quen biết gì với Chu Sơn, nhưng tự xét có nhiệm vụ khuyến khích những bài viết tình nghĩa hay cung cấp tư liệu. Khi tôi thấy chung chung là đúng, là tôi hoan nghênh. Mà phải viết nhanh, chẳng có thì giờ hay công sức dò la từng chi tiểt trong mục ” bình luận” ngắn cuối bài.

    Chẳng quan trọng hay quý báu gì hai chữ “chính xác”; chữ gì hay chữ gì, của ai hay của ai, thì cũng chủ quan và tưong đối.

    Đời này, sống phiên phiến thôi anh à !!!
    Vui thôi mà !!!
    Đặng Tiến

  • Phan Đức says:

    Tôi xin phép được nghi ngờ hai chữ “chính xác” mà nhà phê bình văn học Đặng Tiến xử dụng, dù tôi biết ông ĐT xuất sắc và uy tín trong nhận định văn học.

  • Minh Ngọc says:

    Đúng như lời Ngô Kha nói với tác giả Chu Sơn ngày nào, vẫn còn được áp dụng cho ngày hôm nay. Ngày nay, các quan tham (hay tham quan), các nhà lãnh đạo về một phiá mặc cho người dân đòi quyền dân chủ tự do, nhưng người yêu nước chống lại chủ nghĩa bá quyền Bắc Kinh thì bị tù đầy .
    Nhưng hỡi ôi, Chu Sơn cứ moi móc lại chuyện xưa tích cũ mà quên mất chuyện thời sự, chuyện sống còn của đất nước ngày hôm nay. Người già và người mắc bệnh lãng trí Alzheimer thì vẫn có trí nhớ lâu dài (long term memory), còn chuyện mới, trí nhớ ngắn hạn (short term memory)thì tệ hại vô cùng. Thật buồn cho đất nước có nhiều người mắc bệnh lãng trí đến thế!

  • Trimh-Trung Lap says:

    Trong 1 lần được phỏng vấn (được in lại trong quyển sách “Rơi lệ ru người”), khi được hỏi về những ngày tham gia đấu tranh sôi nổi ở Miền nam, Cố Nhạc Sĩ Trịnh Công Sơn vẫn còn nhắc lại với 1 niềm phấn khích, tuy nhiên Ông cũng đã thoáng buồn và đề nghị “……..thôi đừng nhắc lại chuyện đó nữa. Chuyện đã cũ rồi…..”

    Làm người, nếu theo các tôn giáo thì có hình thức “xưng tội”, nghĩa là 1 cách nào đó, người có tội tự xét mình với Thượng đế và thực hành đền tội.

    Có người khác lại dùng nghệ thuật để giải bày. Tuy nhiên vẫn chưa đề ra cho mình 1 hình thức đền tội cụ thể.

    Thưởng thức tác phẩm nghệ thuật và yêu thương, thông cảm, tha thứ cho tác giả của nó là 2 việc khác nhau. Ở đây “Da màu” hình như đang tạo nên những “phép màu” hiển hiện trong trái tim người đọc. Xin cám ơn !!!

    Có ai đó đã viết “Giận thì giận, mà thương thì thương mà!”

  • Đặng Tiến says:

    Gửi Chu Sơn:
    Bài viết hay, tình nghĩa và chính xác.
    Để mừng anh, tôi đã chuyển cho BBT Damau tranh sơn dầu,
    Bửu Chỉ vẽ để tưởng niệm Ngô Kha, vẽ tại nhà tôi ngày Têt dưong lịch 1989.
    Tranh vẩn ở nhà tôi, Orleans, Phap.
    Đặng Tiến

    Ghi chú của BBT Da màu:

    Chúng tôi đã đưa bức tranh “tưởng niệm Ngô Kha” và bức “Núi Lửa” vào bài viết.
    Xin chân thành cám ơn nhà phê bình Đặng Tiến đã cung cấp những tư liệu hiếm quí này.

    BBT Da Màu

  • Phan Đức says:

    Nhìn bức hình hoạ sĩ Bửu Chỉ tôi đoán là được chụp sau 1975 vì trước 1975 Bửu Chỉ luôn đi dép cao su Bình Trị Thiên ngoài việc đội mũ béret như Che Guevara, thần tượng sinh viên thời ấy.
    Nói như Chu Sơn “chuyển từ đấu tranh tích cực qua đấu tranh tiêu cực” có nghĩa là Bửu Chỉ đầu hàng trước chính quyền mới. Quả vậy, trước 1975, Bửu Chỉ có thể làm bất cứ điều gì mà ông nghĩ là lý tưởng, ngay cả ảo tưởng cũng được! Còn sau 1975, không ai được phép làm… anh hùng, ngoài đảng CS chứ không phải là “thời đại không có anh hùng” như có người lập luận mới đây.
    Trong số đồng chí của Bửu Chỉ, ít nhất có 2 người đã ra nước ngoài định cư. Tôi từng ăn cơm ở trường Luật (cơm tháng) nên biết rõ họ, trường tôi học gần Luật khoa hơn các khoa khác.

@2006-2023 damau.org ♦ Tạp Chí Văn Chương Da Màu
Log in | Entries (RSS) | Comments (RSS)