Trang chính » Bàn Tròn, Bàn Tròn: Nghệ Thuật & Chính Trị, Phỏng vấn, Tư Liệu Email bài này

Chu Sơn Trả Lời Thắc Mắc của Độc Giả về Bài Viết “Ngô Kha và Cuộc Chuyện Trò Cuối Năm”

2 bình luận ♦ 17.08.2009

 

Kính gởi Ban Biên Tập Da Màu;

Để rộng đường dư luận tôi xin trả lời một số câu hỏi mà BBT Da Màu đã tóm lược từ những khúc mắc của một bộ phận độc giả đối với bài viết gần đây của tôi Ngô Kha và Cuộc Chuyện Trò Cuối Năm:

Câu hỏi #1: Xin anh xác quyết là bức thư này đã được ghi lại theo trí nhớ của anh mà trong đó những lời của anh Ngô Kha đã được cố gắng hết sức ghi lại theo nguyên bản.

Trả lời #1: Trong bài Ngô Kha và Cuộc Chuyện Trò Cuối Năm, tôi đã viết: "… nay tôi chép lại theo ký ức nội dung bức thư đặc biệt mà ngay lần đọc đầu tiên (…) tôi đã mường tượng như một lời trăn trối.”

Qua các bài phản hồi của bạn đọc, tôi nghĩ mình viết như vậy là quá ngắn gọn, quá giản đơn khiến có thể dẫn đến hiểu lầm, ngờ vực thế này thế nọ tùy theo tâm cảm khác nhau của từng bộ phận độc giả. Tôi xin viết tiếp vào câu trên như thế này:"… Sau từng ấy thời gian (trên dưới ba mươi năm) với ký ức một kẻ trầm luân đã đến tuổi xấp xỉ cổ lai hi mà khẳng quyết bức thư (của anh Kha gởi cho tôi) được phục hồi y nguyên bản là một khoa trương không cần thiết, dễ gây ngộ nhận, và rất đáng chê trách.

Tập thư viết trên giấy trà Tam Hỷ và bao hương anh Kha gởi cho tôi, cộng với trên mười năm (1962 -1973), thời gian mà chúng tôi (anh Kha, nhiều anh em khác và tôi) cùng nhau nghiền ngẫm, tra vấn, luận bàn, tranh cãi, tâm sự, ray rứt, khắc khoải, giằng xé… cuối cùng là dấn thân vào cuộc chiến mỗi người mỗi cách thế và mức độ khác nhau… đã được đúc kết lại như là xương cốt não tủy cho bài viết của tôi. Phần còn lại: câu cú, chữ nghĩa, chấm phết của tôi chỉ là da thịt, khí sắc, vóc dáng bên ngoài mà thôi.

Câu hỏi #2: Ngô Du, Ngô Tú, và Ngô Thị Trang đều là anh em ruột thịt của anh Ngô Kha phải không? Anh có tin tức nào khác về ông Ngô Du, anh ruột của anh Ngô Kha, đã ra người thiên cổ nhưng nay vợ con hình như vẫn còn ở Sài gòn?

2/ Có hai Ngô Du. Một Ngô Du là anh ruột Ngô Kha, một Ngô Du nữa là tướng trong quân đội Việt Nam Cộng Hòa, anh em chú bác họ của Ngô Kha. Về Ngô Du anh ruột Ngô Kha tôi chỉ nghe loáng thoáng qua một người nào đó chứ chưa bao giờ Ngô Kha nhắc đến trực tiếp với tôi. Cũng nghe loáng thoáng là anh Du này bị chết trong biến cố tết Mậu Thân. Thỉnh thoảng Ngô Kha có đưa tôi tới số 42 Bạch Đằng (Huế). Chúng tôi cùng làm việc ở trên gác (báo Tự Quyết). Ở đây tôi gặp qua một người phụ nữ cao ráo trang nhã và mấy cháu nhỏ. Phải chăng người phụ nữ này là chị dâu của anh Ngô Kha (vợ anh Ngô Du) và mấy cháu nhỏ là cháu gọi anh Ngô Kha bằng chú ruột (con anh Ngô Du)?

Ở nhà anh Kha dưới Thế Lại, ngoài bà cụ, tôi còn hay gặp một người phụ nữ lớn tuổi da ngăm ngăm và thấp. Người này tôi biết chắc là chị ruột của anh Kha. Có phải bà này tên là Ngô Thị Trang? Hay anh Kha còn có một chị gái khác tên là Ngô Thị Trang ở Sài Gòn nay là Tp Hồ Chí Minh?

Câu hỏi #3: Thế còn tướng Ngô Dzu người mà anh nhắc đến nhiều lần trong bức thư có quan hệ bà con với anh Ngô Kha như thế nào? Hoàng Phủ Ngọc Phan, một người bạn thân của anh Ngô Kha, đã một lần mắc sai lầm khi cho rằng tướng Ngô Dzu là anh ruột của Ngô Kha; anh nghĩ thế nào về chuyện tại sao lại có thể có một sai sót như thế ?

Trả lời #3: Ngô Du, người tôi nhắc nhiều lần trong bài viết, là tướng Ngô Du, bà con họ với Ngô Kha. Tôi chưa gặp tướng Ngô Du lần nào nhưng em ruột ông ta là đại úy Ngô Liễn tôi có gặp vài lần qua giới thiệu của anh Kha. Ngô Liễn là người thật thà tử tế theo cảm nhận của tôi. Hoàng Phủ Ngọc Tường mới là bạn thân của Ngô Kha còn Hoàng phủ Ngọc Phan thì không. Đối với Ngô Kha, Phan bao giờ cũng giữ vị thế là em. Vừa kính Kha như anh, vừa mức độ nào đó kính nhi viễn chi. Do vậy các quan hệ của gia đình anh Kha Phan chỉ nghe loáng thoáng.

Câu hỏi #4: Lý do gì khiến anh không gửi đăng bức thư này nhân dịp ra mắt tuyển tập Ngô Kha: Ngụ Ngôn của Một Thế Hệ (Nxb Thuận Hoá, 2005). Trong tuyển tập này có đăng một số thư từ của anh Ngô Kha nhưng bị cắt bỏ ba chỗ. Anh có biết ba chỗ đó nói về chuyện gì không? Những phần cắt bỏ đó có liên quan đến bức thư anh Ngô Kha gửi cho anh không?

Trả lời #4: Năm 1977 tôi đã rời Huế, thỉnh thoảng mới về thành phố này đôi ba ngày. Chừng mực nào đó anh em phong trào Huế (những người còn ở lại trở thành viên chức nhà nước) ngày một cách xa. Ví dụ việc đấu tranh cho anh Kha được công nhận là liệt sĩ tôi không đồng tình. Tôi nghĩ anh Kha không muốn, không cần như thế. Về bài viết của tôi về anh Kha, độc giả có nghĩ rằng bài viết này có thể được in chung với các bài khác trong tuyển tập đó chăng? Cũng cần nhắc thêm, việc phong liệt sĩ cho anh Kha là một nhượng bộ của Thành Ủy Huế, vì anh Kha là người ngoài, không phải là cơ sở cách mạng được Thành Ủy lãnh đạo.

Rất tiếc tôi không có tuyển tập Ngô Kha: Ngụ Ngôn của Một Thế Hệ nên không thể trả lời đầy đủ câu hỏi số 4 này được.

Câu hỏi #5: Anh nghĩ gì về độ khả tín của bức thư mà người ta cho là Trịnh Công Sơn gửi cho anh Ngô Kha? Vợ anh Ngô Kha, đồng thời là em ruột của Trịnh Công Sơn, bà Trịnh Vĩnh Thúy hiện nay đang ở đâu, anh có liên lạc với bà ấy không?

Trả lời #5a: Từ sau 27- 1- 1973 tôi ở Sài Gòn, thỉnh thoảng mới về Huế. Việc đấu tranh bằng báo chí (báo Đối Diện) cho anh Kha tôi không tham dự. Tôi có đọc các bài trên Đối Diện trong đó có thư của Trịnh Công Sơn viết cho Ngô Kha. Tôi nghĩ thư này do Trịnh Công Sơn viết. Anh em phong trào Huế không thô thiển và hồ đồ đến độ viết và ký tên Trịnh Công Sơn bởi lẽ:

— Trịnh Công Sơn không phải là người trong tổ chức của Thành ủy Huế. Anh chỉ là một nghệ sĩ có danh tiếng cần tranh thủ, không thể áp đặt Trịnh Công Sơn bất cứ điều gì. Vả lại người như Trịnh Công Sơn, dù yếu đuối về thể xác, không bao giờ chấp nhận một áp đặt nào. Những lần làm báo Mặt Trận Văn Hóa Dân Tộc Miền Trung và Tự Quyết tôi có kinh nghiệm: một khi đã nhận viết bài nào đó, anh Sơn viết rất nhanh, thông thường anh nộp bài trước những người khác. Vả lại Ngô Kha vừa đối với anh như bạn, vừa nguyên là em rể, do đó Trịnh Công Sơn không từ chối một việc làm nhiều chính nghĩa như thế. Có điều cũng nên biết là cùng một thời điểm Trịnh Công Sơn vừa viết thư cho Ngô Kha (để tranh đấu) vừa viết một bài dài (dài hơn bức thư viết riêng cho Ngô Kha trước đó) về vấn đề thuộc lãnh vực văn hóa văn nghệ mà lập trường xa lạ với "đấu tranh chính trị" nếu không nói là trái lại. Bài này đăng trên tạp chí Ý Thức. Từ lâu tôi có ý định đối chiếu lại hai văn bản này nhưng chưa làm được.

Trả lời #5.b: Chị Trịnh Vĩnh Thúy, em gái Trịnh Công Sơn, và Ngô Kha lấy nhau được vài ba bốn năm. Từ 1963(?) –1966 (?) Sau đó họ xa nhau chẳng biết lí do gì. Mặc dầu đã li dị, nhưng Ngô Kha thì nhớ thương Vĩnh Thúy không nguôi. Anh đã kẻ cho tôi nghe nhiều lần về nỗi nhớ thương này. Có lần chở tôi đi rong trong thành phố Huế anh quay lại nói với tôi: Con đường này mình đã chở Thúy đi, Thúy thế này, Thúy thế khác. Nói chung là những tình cảm sâu nặng. Tôi không hề có liên hệ hoặc liên lạc gì với Trịnh Vĩnh Thúy, với những người em khác của Trịnh Công Sơn cũng vậy. Nghe nói Trịnh Vĩnh Thúy đã ra nước ngoài và cư trú tại Canada?

Câu hỏi #6: Anh nghĩ rằng đó là sự thật hay chỉ là Trịnh Cung suy đoán về việc “năm Mậu Thân 1968 Trịnh Công Sơn bị cộng sản giết hụt” – và nếu thế ai chủ trương việc đó?

Trả lời #6: Tôi không thể trả lời câu hỏi này bởi tôi không muốn tham dự vào những cuộc cãi vã có tính cách bản năng, vô bổ. Tôi chỉ tiếc cho họ, Trịnh Công Sơn và Trịnh Cung là bạn thân của nhau một thời mà lại xảy ra như thế. Riêng phần mình, tôi chưa từng nghe Trịnh Công Sơn chê trách nhiếc mắng xoi mói ai bao giờ.

Việc cộng sản Huế có tìm cách giết hụt Trịnh Công Sơn vào năm 1968 hay không tôi chỉ trình bày một nhận định như sau:

Theo tôi, người Huế bị giết chết trong biến cố Mậu Thân là nạn nhân chiến tranh của cả đôi bên. Bên nào giết nhiều bên nào giết ít khó mà xác quyết được. Riêng những người cho là bị giết bởi Cộng Sản có hai lí do:

1/Do căm giận mười mấy năm Tố Cộng Diệt Cộng tàn ác và đẫm máu. Từ 1954 1960 chính quyền Ngô Đình Diệm trên toàn miền Nam đã bắn giết tù đày khoảng 80.000 cán bộ Việt Cộng và gia đình họ. Riêng Thừa Thiên Huế và Quảng Trị non 10.000 (xem Lê Xuân Khoa Chiến Tranh Việt Nam 1945 1995)

2/ Lệnh từ Trung Ương là triệt hạ chính quyền tay sai. Mà triệt hạ chính quyền tay sai có nghĩa là không thể tránh khỏi việc bắt bớ và giết chóc đối tượng này.

Trịnh Công Sơn có thuộc một trong hai thành phần trên không? Theo tôi là không. Đây là lần đầu tiên tôi nghe câu chuyện này.

Nhân câu chuyện Ngô Du (anh ruột Ngô Kha) tử nạn, và chuyện Trịnh Công Sơn bị Cộng sản giết hụt năm Mậu Thân 1968 (theo suy đoán của Trịnh Cung) tôi mạn phép có mấy ý ngoài đề xin được nêu ra sau đây:

1/ Tổng Tấn Công và Nổi Dậy Tết Mậu Thân diễn ra tại nhiều tỉnh, nhiều thành phố trên toàn miền Nam, cớ sao chỉ có Huế mới xảy ra sự cố nghiêm trọng ấy? Ai chịu trách nhiệm về sự sai lầm đẫm máu ấy? Địa phương hay Trung Ương?

2/ Đảng Cộng Sản Việt Nam vẫn tiếp tục khẳng định vai trò đầu tàu trong cuộc cách mạng giải phóng dân tộc sao không công khai xin lỗi đồng bào Huế một lần và dứt điểm? Trong cuốn hồi ký Huế Xuân 68, ông Lê Minh, nguyên Phó Bí Thư Khu Ủy Trị Thiên, Tư Lệnh mặt trận Thừa Thiên Huế đã bày tỏ một cách chân thành suy nghĩ và trách nhiệm của mình đại thể như sau:

“Rốt cuộc là đã có những người bị xử lí oan trong chiến tranh. Dù lí do cụ thể thế nào thì trách nhiệm vẫn là thuộc về lãnh đạo, trong đó có trách nhiệm của tôi. Nhiệm vụ bây giờ là cách mạng phải minh oan cho gia đình con cái của những người đã chết. Trong hoàn cảnh như vậy, trong khi pháp luật cách mạng chưa hề có ý định xử lí họ vào tội chết, có một người phải minh oan cho một người, có một trăm người phải minh oan cho một trăm người. Đó chính là lẽ phải và tình thương, quần chúng sẽ thông cảm và không bao giờ lẫn lộn trắng đen.” (Huế Xuân 68 – Thành Ủy Huế 1988)

Ở phần mở đầu của hồi ức, ông Lê Minh cũng đã viết: Phần riêng, tôi cũng muốn được gởi theo đây một vòng hoa khiêm tốn thành kính tưởng niệm những người đã nằm xuống, kể cả những người bị tên bay đạn lạc trên mảnh đất của thành phố Huế bất khuất cách đây hai mươi năm.

Lời của ông Lê Minh, tuy đã được in trong tập sách do Thành Ủy Huế xuất bản từ năm 1988, nhưng đến nay ý tưởng chân thành và dũng cảm ấy vẫn chỉ là của cá nhân ông. Đảng bộ Cộng Sản Thừa Thiên Huế vẫn chưa thấy động tĩnh gì, mặc dầu các hội nghị và kỷ niệm chiến thắng Mậu Thân đã được tổ chức nhiều lần tại Huế từ bấy đến nay.

Chu Sơn

bài đã đăng của Chu Sơn

Phần Góp Ý/Bình Luận


Xin vui lòng bày tỏ trách nhiệm và sự tương kính trong việc sử dụng ngôn ngữ khi đóng góp ý kiến. Da Màu dành quyền từ chối những ý kiến cực đoan, thiếu tôn trọng bạn đọc hoặc không sử dụng email thật. Chúng tôi sẽ liên lạc trực tiếp với tác giả nếu ý kiến cần được biên tập.

Lưu ý: Xin vui lòng bỏ dấu tiếng Việt để giúp tránh những hiểu lầm đáng tiếc từ độc giả trong việc diễn dịch ý kiến đóng góp. Bài không bỏ dấu sẽ không được hiển thị. Xin chân thành cám ơn.

2 Bình luận

  • 1mitee says:

    Tôi cảm thấy bài trả lời của Chu Sơn chỉ làm độc giả càng không tin vào những gì ông viết trước đây. Góp ý của Hỏa Diệm Sơn đã nói lên cái không thật trong tình bạn giữa Chu Sơn và Ngô Kha khi hầu như không biết gì về anh chị em của Ngô Kha!

    Về vụ thảm sát Tết Mậu Thân thì lập luận của ông Chu Sơn chỉ chỉ chứng tỏ tư cách của một “trí thức thiếu lương thiện – intellectual dishonesty” khi ông cho rằng “người Huế bị giết chết trong biến cố Mậu Thân là nạn nhân chiến tranh của cả đôi bên. Bên nào giết nhiều bên nào giết ít khó mà xác quyết được.” Ông Chu Sơn đến thời điểm này và ở tuổi cuối đời mà vẫn lập lại những lời chối tộị láo khoét mà chế độ Hà nội lâu nay vần dùng trong những buổi lễ “mừng chiến thắng Mậu Thân” thì thật đáng thương hại! Trong khi đó thân nhân ở Huế chỉ có thể lặng thinh tưởng niệm cha, anh, con, chú mình đã chết oan dưới bàn tay của những anh hùng cách mạng đó.

    Quyển sách “Biến Động Miền Trung” của tác giả Liên Thành, cựu trưởng ty Thừa Thiện – Huế giai đọan 1966-1972 có lẽ là quyển tiếng Việt trình bày đầy đủ nhất về Têt Mậu Thân. Những trí thức “cách mạng” ở Huế như Lê Văn Hảo, anh em Hoàng Phủ Ngọc Tường, Hoàng Phủ Ngọc Phan, Nguyền Đắc Xuân, Bà Đào Thị Yến, cựu hiệu trưởng trung học nữ Đồng Khánh lúc đó, cha con Nguyễn Đóa, Nguyễn thị Đoan Trinh, rốt cục đếu là những kẻ gây chết chóc cho bạn bè, lương dân ở Huế. Theo quyển sách đó, tổng cộng số nạn nhân trong các mộ tập thể tìm được là 5327 xác chết, và khoảng 1200 người mất tích đến nay vẫn chưa tìm được xác.

  • Hoả Diệm Sơn says:

    Theo tôi:
    1. Ông Chu Sơn không thẳng thắn, thiếu thành thật khi nói: “người Huế bị giết chết trong biến cố Mậu Thân là nạn nhân chiến tranh của cả đôi bên. Bên nào giết nhiều bên nào giết ít khó mà xác quyết được.” Ông thừa biết, nếu ông ở Huế vào “biến cố Mậu thân” thì đã chứng kiến cảnh Việt Cộng giết hại dã man người dân Huế nhiều gấp hàng trăm lần người chết vì tên bay đạn lạc! Chính vì tội ác chống lại nhân loại này (có khác gì tập đoàn Pôn Pốt sau này đâu) mà người cộng sản Việt nam, đến tận bây giờ không dám thừa nhận việc làm ác ôn, man rợ của mình mà tìm mọi cách đùa đẩy, lấp liếm như “mèo dấu c.”

    2.Là một cán bộ Việt cộng, hoạt đông móc nối mà ông Chu Sơn rất mơ hồ về tung tích của gia đình Ngô Kha và thân nhân của Ngô Kha, điều đó (thiếu sự thân tình) làm tôi nghi ngờ toàn bộ nội dung bức thư viết trên giấy trà Tam Hỷ và bao hương mà Ngô Kha gởi cho Chu Sơn không hẳn là chính của Ngô Kha! Chỉ có Chu Sơn là biềt rõ thực hư mà thôi.

@2006-2025 damau.org ♦ Tạp Chí Văn Chương Da Màu
Log in | Entries (RSS) | Comments (RSS)