- Tạp Chí Da Màu – Văn chương không biên giới - https://damau.org -

RỪNG , HỘI HOẠ HIỂN LINH NGƯỜI MẸ

 

ME-TINH-NHAN Từ thế giới “ Phiêu du mộng tưởng “, bay lượn “Trên tầng thanh khí “ – không phải sao kim, sao hoả hay những tinh tú, thiên hà xa xăm – mà đích đến của Rừng lại là “Người mẹ” huyền nhiệm trên mặt đất.

Chưa bao giờ màu sắc trong tranh của Rừng lại rực rỡ, thắm tươi như thế. Ngay cả khi Rừng sử dụng màu xanh trong suốt, ta vẫn bắt gặp nhịp đập của dòng máu nóng của đam mê đang cuộn chảy bên dưới những hình thể, những đường nét sắc, mềm, nhẹ nhàng nhưng đầy ắp sức sống.

Hình tượng “Người nữ” khoả thân được Rừng khắc hoạ tỉ mỉ, chắt lọc dưới nhiều gam màu tươi, nóng, bỏng cháy, rạo rực. Những màu sắc được soi chiếu bằng thứ ánh sáng huyền ảo, vì lòng ngưỡng mộ, vì một tình cảm ngây ngất đắm say. Người ta có cảm tưởng Rừng đã dồn hết sức lực vào đường nét, vào màu sắc để thể hiện một cách sâu sắc nguồn sống huyền nhiệm chất chứa bên trong tấm thân ngà ngọc của “người nữ”, “người mẹ”, mà với Rừng,là cội nguồn, gốc rễ của sự sống, luôn cháy bỏng trong từng phân vuông da thịt, không ngừng cuộn chảy để sinh sôi, lớn dậy và bùng vỡ trong hoan lạc.

Những năm 80 của thế kỷ trước, Rừng đã từng sáng tác nhiều tranh khoả thân. Hình tượng “người nữ” đã được Rừng thể hiện bằng những đường nét đắm say, thơ mộng và đầy sức sống. Những”Mẹ đất”, “Bình minh mới”, “Khoả thân sen”, “Khoả thân trăng”, “Khoả thân mùa thu”… một thời đã làm nên phong cách tranh khoả thân của Rừng. Nhưng, những khoả thân nữ của Rừng ngày ấy được đặt bên cạnh những “Dâng lửa”, “Chiến tranh và tôi”, những “Hamlet”, “Cây giọt lệ”, “Mắt lưng trời”. Đó là nét đẹp Rừng bắt gặp ở phía bên kia của ý thức nóng bỏng về một cuộc sống bị dằn xé trong mối quan hệ đa đoan, tục lụy.

Giờ đây, mọi thứ đã khác. Hình tượng khoả thân nữ đã được Rừng đưa lên vùng ánh sáng rạng rỡ của năm sắc cầu vồng, giữa vũ trụ đầy trăng sao, giữa rừng hoa lá, cây trái tươi xanh rực rỡ, được phủ lên màu huyền ảo gần với màu sắc của tôn giáo. Rừng là một tín đồ đang quì gối trước linh tượng Yoni, cảm nhận mặc khải huyền nhiệm của tình yêu, sự sống, là hoá thân của Thuợng đế và sáng tạo. Cuộc triển lãm “Tạ ơn người mẹ”, vì vậy,là buổi yến tiệc màu sắc lộng lẫy, là nghi lễ tôn vinh nguồn suối uyên nguyên, nguồn suối mà Rừng uống mê say như men rượu với tất cả lòng ngưỡng mộ thiết tha. Dục tính đã được chuyển hoá thành rượu nồng, đã kết tinh thành hoa trái, đã được thăng hoa thành tình yêu thần thánh. “Người nữ” dưới mắt Rừng đi từ tuổi thanh xuân, mộng mơ đến yêu đương, sinh sôi, nuôi dưỡng và viên thành ở đỉnh cao của cái Ðẹp, cái Chân, cái Thiện. Dường như Rừng đã dùng màu sắc, nghệ thuật hội hoạ để vẽ lại bài “Diễm ca” trong Kinh Thánh: “Rốn em tựa chung rượu tròn chẳng bao giờ cạn. Bụng em như lúa mì vun lên đầy ắp, hoa huệ bao quanh…” Những khoả thân “Tạ ơn người mẹ” của Rừng, vì vậy, không thể đặt bên bất cứ loại tranh nào khác. Vì nó đã thành một tượng đài lộng lẫy, hoành tráng,  không phải để trình diễn, giải bày mà để cung nghênh, ngưỡng vọng.

Dù thế nào, buổi lễ “Tạ ơn người mẹ”, bữa tiệc lớn đầy màu sắc của Rừng cống hiến cho chúng ta cũng đã để lại ấn tượng choáng ngợp, mạnh mẽ, sâu sắc. Và chắc chắn đây là cái mốc đánh dấu một bước ngoặt lớn của Rừng trên con đường sáng tạo.

Mong rằng đây không phải là bước ngoặt cuối cùng, vì đối với Rừng, một họa sĩ dám dấn thân, đích đến của nghệ thuật luôn luôn ở phía trước.

HỒ TỊNH TÌNH – 7/2009

bài đã đăng của Hồ Tịnh Tình