Trang chính » Sáng Tác, Tùy bút Email bài này

NGÀY TẾT, NHỚ…HƯƠNG VỊ BÁNH TỔ

Vậy là lại năm hết, Tết đến rồi!

Làm gì thì làm, dù lớn hay nhỏ, đã được Ông Trời cho làm con người, thì dù ở đâu trên trái đất nầy đi nữa, người ta vẫn mong ước đến…Tết, dù là Tết…Tây hay Tết…Ta.

Nói đến ngày Tết là nói đến một sự bắt đầu mới mẻ, nói đến sự vui mừng của sum họp, đoàn viên. Cho dù Tết có thể làm cho bạn thêm…tuổi, thêm…già đi nữa, thì ngày Tết vẫn đem lại cho bạn một cái gì đó vui vui, hay hay, thích thích, với một cảm giác lâng lâng khó tả.

Tết cũng là dịp để mọi người được nghỉ ngơi, xả hơi sau một năm dài làm việc mệt nhọc, vất vả; hầu lấy lại sức lực để tiếp tục làm việc trong năm mới cho hiệu quả.

Khi còn nhỏ thì mình mong Tết sớm đến để được mặc áo mới quần mới, để được ăn những bữa ăn ngon có cá, có thịt cho…đã, vì cả năm đâu dễ gì có được những bữa ăn có cá ngon, thịt nhiều như ngày Tết đâu. Ông bà ta đã nói “Có đói cũng ngày Tết, có hết cũng ngày mùa” mà.

Khi lớn lên và nhất là khi tuổi về già, thì mỗi lần Tết đến, dù không còn…háo hức, khí thế như thời còn trẻ; nhưng những ký ức Tết tuổi thơ xưa vẫn ùa về trong tâm hồn đem lại cho ta bao cảm xúc đáng yêu đáng nhớ về một thời tuổi nhỏ ở một làng quê miền Trung nước Việt tuy nghèo vật chất, nhưng lại giàu tình cảm. “Đất Quảng Nam chưa mưa đà thấm. Rượu Hồng Đào chưa nhấm đà say” mà lị! “Chưa mưa đà thấm, chưa nhấm đà say” thể hiện cái sự nhạy cảm, thể hiện một tình cảm dạt dào yêu thương giữa người và người với nhau đó bạn!

Cứ mỗi lần Tết đến, Xuân về, là những ký ức về Tết tuổi thơ lại hiện về trong tâm thức.

Một trong những ký ức khó quên ấy với tôi là…hương vị bánh tổ ngày Tết.

banh-to-hoi-an-ivivu-1

Có thể nói một cách không sợ…sai rằng, ngày Tết ở quê tôi, ngoài bánh tét là loại bánh không thể thiếu ra, thì bánh tổ là loại bánh được rất nhiều người yêu thích.

Nếu không phải là người Quảng Nam, thì chắc bạn sẽ khó biết bánh tổ là loại bánh như thế nào và được làm bằng gì?

Người Quảng Nam quê tôi không ai là không biết câu: “Bánh tét, bánh tổ, bánh nổ, bánh in.” Như tôi đã thưa, ngày Tết ở quê tôi, loại bánh được ưa thích số một chính là bánh tét, thứ nhì là bánh tổ, thứ ba là bánh nổ, và thứ tư là bánh in. Đó là những loại bánh làm nên…hương vị Tết xứ Quảng đáng yêu đấy bạn ạ!

Tại sao gọi là…bánh tổ?

Xin thưa, sở dĩ người ta gọi là bánh tổ, vì nó được làm trong một cái rổ nhỏ bằng tre, nhìn giống như…tổ chim, nên người ta gọi là…bánh tổ.

Nguyên liệu để làm bánh tổ gồm có bột nếp thơm đã xay thật nhuyễn, có pha nước gừng cho có mùi thơm và cay cay. Dung dịch nước đường sệt sệt, nhớ phải là đường bát đen làm từ cây mía rất phổ biến ở vùng Quảng Nam mới ngon và mới đúng màu nâu nâu vàng vàng đặc trưng của bánh. Tất cả hợp chất bột nếp, nước gừng, nước đường cho trộn thành một hợp chất thật dẻo, thật nhuyễn, nói như cách người Quảng thường nói là dẻo queo, dẻo quẹo; rồi đem đổ vào cái rổ nhỏ (là cái rọ đan bằng tre, rộng chừng nửa gang tay, cao bằng ngón tay út), bên trong rọ có lót lá chuối xanh kỹ lưỡng. Xong xuôi, đem cho vào nồi mà dưới đáy nồi có lót một lớp vỉ tre cao lên cho bánh khỏi thấm nước bên dưới. Rồi sắp bánh lên đó, hấp chín bằng hơi nước. Khi chín lấy ra, trước khi đem phơi cho khô, thì rải trên mặt bánh một ít mè đã rang cho thơm và đẹp. Bánh tổ có thể để dành ăn và…tiếp khách dài ngày trong suốt dịp Tết.

Khi hấp bánh tổ, để biết bánh chín hoàn toàn hay chưa, người dân quê tôi dùng chiếc đũa đâm vào trên mặt bánh, nếu thấy bột không trào lên là được. Sau khi chín thì bánh được vớt ra, không quên rắc lên bề mặt một ít hạt mè, sau đó mang ra phơi nắng cho khô để có thể giữ bánh ăn được trong suốt dịp Tết, có khi đến cả tháng sau, vẫn không bị hư.

Bánh tổ Quảng Nam khác với bánh tổ của người Hoa ở Chợ Lớn, Sài Gòn. Bánh tổ của người Hoa ở Chợ Lớn tuy cũng làm bằng bột nếp, nhưng làm với đậu đỏ và đường tán, hoặc đường cát trắng, hay đường phèn. Có hai loại là bánh tổ màu vàng và bánh tổ màu trắng. Và trên mặt bánh có in chữ “Phúc” màu đỏ.

Ăn bánh tổ cách nào cho ngon?

Người dân quê tôi thường ăn bánh tổ theo ba cách:

Dễ nhất và đơn giản nhất là…ăn sống. Lấy một tổ bánh ra, đem cắt lát mỏng vừa phải, xếp vào đĩa cho đẹp và cùng ăn và uống trà. Vị ngọt thanh của đường bát, vị cay cay của gừng, vị thơm của nếp và vị bùi bùi của mè quyện nhau tạo nên một…hương vị Tết dung dị, gần gũi, thân thương đến lạ!

Cách thứ hai…cầu kỳ hơn là cắt bánh tổ ra từng lát mỏng tùy thích, bếp than lửa đỏ sẵn, sắp từng lát bánh lên vỉ than rồi…nướng. Bạn sẽ cảm nhận được một mùi thơm nồng nàn của mùi nếp, mùi đường bát rất hấp dẫn. Nếu ăn kèm với bánh tráng gạo nướng giòn thì sẽ thêm vị ngon, giòn, dẻo rất…ấn tượng.

Cách…thú vị nhất và…hấp dẫn nhất, là cắt bánh tổ ra từng lát mỏng ưng ý, rồi bắt chảo dầu lên cho sôi, bỏ những lát bánh tổ đã cắt vào và chiên giòn. Khi chiên, bạn sẽ cảm nhận được mùi thơm ngát của lát bánh phồng rộp, bay lên mũi mới cuốn hút làm sao.

Khi thấy lát bánh vàng ươm và rộp đều, thì vớt ra cho vào đĩa, và vừa ăn vừa uống trà nóng, thì thiết tưởng không còn thú vị nào hơn.

Nếu hỏi bánh tổ ở đâu ngon nhất vùng Quảng Nam?

Có lẽ không gì hơn là lấy câu đúc kết lâu đời từ người dân quê nhà để trả lời:

“Nem chả Hòa Vang
Bánh tổ Hội An
Khoai lang Trà Kiệu
Thơm rượu Tam Kỳ.”

Xa quê đã gần chục năm rồi, mỗi lần Tết đến, tôi vẫn không thể nào quên được không khí Tết quê nhà, mà một trong những điều không thể quên được đó là nhớ hương vị bánh tổ.

Gần những ngày Tết, trước sân nhà của người dân quê tôi đều có những nong, nia (đồ làm bằng tre để đựng lúa phơi cho khô) phơi bánh tổ vàng óng cả một góc sân, như mời gọi Tết đến Xuân về. Bên cạnh bánh tổ, thì còn có nia phơi bánh in, bánh nổ nhìn thật thích mắt.

Khi Tết đến, đi thăm người thân, bạn bè, đâu đâu cũng được…thưởng thức đủ loại bánh “cây nhà lá vườn” từ đôi bàn tay khéo léo của người dân quê tôi làm nên, như bánh tét, bánh chưng, bánh ú, bánh in, bánh nổ, và chắc chắn không thể thiếu một loại bánh rất bình dị mà đầy hương vị là bánh tổ.

Khi những ngày Tết đi qua, từ Mồng Mười tháng Giêng trở đi, một trong những loại bánh còn có thể…níu kéo Tết ở lại lâu hơn với người dân quê tôi, đó chính là…bánh tổ.

Không thể nào quên được sau những buổi đi học về, với không khí se se lạnh của mùa Xuân, thấy Mẹ đang lui cui chiên bánh tổ trong bếp thơm lừng, rồi đổ ra đĩa và mời cả nhà bắt đầu…thưởng thức. Từng lát bánh tổ màu vàng đục phồng rộp thật hấp dẫn vị giác. Thoáng một chốc, đĩa bánh tổ chiên đã…sạch quẹt (tiếng Quảng Nam, nghĩa là…sạch trơn), không còn lấy một lát. Thế là Mẹ lại đi lấy ổ bánh tổ khác để chiên vậy.

Mùa Xuân mới đang về, và Tết lại đến. Lại thêm một mùa Xuân nữa xa quê hương yêu dấu. Lại một cái Tết nữa xa nhà. Và hương vị Tết quê lại ùa về trong tâm thức.

Ôi, hương vị bánh tổ của ngày Tết thơm một mùi thơm mộc mạc, gần gũi làm mình thêm nhớ quê hương, nhớ người thân, bè bạn biết bao!

Nhớ lắm hương vị Tết quê nhà!

California, Tết 2023, Tết thứ tám xa quê nhà Quảng Nam!

bài đã đăng của Nguyễn Đình Liễu

Phần Góp Ý/Bình Luận


Xin vui lòng bày tỏ trách nhiệm và sự tương kính trong việc sử dụng ngôn ngữ khi đóng góp ý kiến. Da Màu dành quyền từ chối những ý kiến cực đoan, thiếu tôn trọng bạn đọc hoặc không sử dụng email thật. Chúng tôi sẽ liên lạc trực tiếp với tác giả nếu ý kiến cần được biên tập.

Lưu ý: Xin vui lòng bỏ dấu tiếng Việt để giúp tránh những hiểu lầm đáng tiếc từ độc giả trong việc diễn dịch ý kiến đóng góp. Bài không bỏ dấu sẽ không được hiển thị. Xin chân thành cám ơn.

@2006-2023 damau.org ♦ Tạp Chí Văn Chương Da Màu
Log in | Entries (RSS) | Comments (RSS)