Trang chính » Biên Khảo, Nghiên Cứu, Nhận Định, Phê Bình, Tư Liệu, Văn Học Miền Nam Việt Nam 1954-1975 Email bài này

Một Bức Ảnh, Bảy Nhân Vật: Nhà Xuất Bản Kim Anh trong Tình Cảnh Xuất Bản tại Miền Nam (Kỳ 2)

clip_image003_thumb.jpg

 

4. Ký giả Lê Phương Chi và Nhà Xuất bản Thái Phương

Lê Phương Chi [tên thật Lê Thanh Cảnh, còn có bút hiệu khác Lê Thanh Thái] tiếp nối công việc phỏng vấn văn nghệ sĩ và tường thuật các buổi sinh hoạt trong làng văn nghệ cho tạp chí Bách Khoa sau khi Nguiễn Ngu Í lâm bệnh nặng hơn, không viết được nhiều như trước. Ông làm thơ, viết truyện ngắn từ cuối những năm 50. Chuyện cái đồng hồ con Ngựa–về nhà giáo /nhà cách mạng Nguyễn Hữu Hoàn, thân phụ Nguiễn Ngu Í– được nhà văn Bình Nguyên Lộc giới thiệu như sau:

-[…] Nhà văn Miền Trung biết giữ biệt sắc địa phương hơn nhà văn Miền Nam, đọc họ lên thấy rõ Miền Trung ngay: Bùi Hiển, Võ Phiến và nay là Lê Thanh Thái .… [Bình Nguyên Lộc, “Lời giới thiệu của Bình-Nguyên-Lộc”, …”Qê Hương”… -Tập A, trang 38, Nguiễn Ngu Í, Ngê-Bá-Lí-Tân-Fong-Hiệp Chủ trương, Nhà Xuất bản “Núi Cú-Hòn Bà”, Sài gòn, 1969]

Nhờ quen biết với Nguyễn Thị Thụy Vũ, ông được mời vào Nhà xuất bản Kim Anh nhưng rời khỏi ngay sau đó. Đầu năm 1969, ông lập Nhà xuất bản Thái Phương sau khi đã có kinh nghiệm trình bày và thông thạo thủ tục in ấn. Bìa sau cuốn Vòng tay học trò cho thấy tên các tác phẩm do Thái Phương xuất bản và dự định xuất bản như Về trong sương mù (1968), tác phẩm đáng lẽ do Kim Anh xuất bản:

clip_image002

Vòng tay học trò, Nguyễn Thị Hoàng, bìa sau, in lần thứ tư
Thái Phương tái bản, 1969-1970
Tài liệu của/từ Nguyễn Trường Trung Huy

Nếu tôi không lầm, Mắt Việt dưới trời Âu (Minh Quân) được Trí Đăng xuất bản với tên Trời Âu qua mắt Việt (1970), nhưng Cúi Mặt (Bùi Đăng, cuối năm 1969) là một tác phẩm đặc biệt, nhất là trong cuộc đời ngắn ngủi của nhà xuất bản và vị trí khiêm nhượng của Lê Phương Chi nếu so sánh với các nhà xuất bản đương thời.

Đó là một truyện dài từ kinh nghiệm của một nhà giáo bị quân Cộng sản nằm vùng giam giữ vào cuối năm 1965 cùng với nhiều người khác tại Miền Trung.

4.1 Cúi mặt và Bùi Đăng (Khuê), người tù “cải tạo” trước 1975

Khác với thường lệ, truyện dài Cúi mặt được nhà văn Đỗ Tiến Đức, Giám đốc Nha Điện Ảnh Việt Nam Cộng Hòa (1969-1972), chọn làm phim ngay từ khi ông đọc từng kỳ trên Bách Khoa Thời Đại, không phải sau khi đã được Thái Phương xuất bản và phát hành sau Tết Canh Tuất, 1970:

-[…] tôi đã được đọc cuốn Cúi Mặt của anh Bùi Đăng từ lúc in từng kỳ trên Bách Khoa […] Xét về nội dung bằng một con mắt nhà nước thì Cúi Mặt còn là một cuốn truyện chống Cộng rất tế nhị và sâu sắc […] Khi tôi chọn truyện xong thì giao cho anh Đạo diễn Thân Trọng Kỳ thực hiện […] Xét tổng quát thì giữa truyện và phim không có điểm nào khác nhau xa. Chỉ có đoạn kết thì chúng tôi cho vai chính một hành động để phim không bị xuyên tạc là “làm lợi cho địch” hoặc “phản chiến”.…[Đỗ Tiến Đức trả lời Thế Nhân, “CÚI MẶT, từ truyên đến phim (qua các cuộc đàm thoại với BÙI ĐĂNG và ĐỖ TIẾN ĐỨC”, Bách Khoa Thời Đại Số 321, trang 38-39, ngày 15.5.1970]

Theo Hồ Trường An, một người rất thân cận với Lê Phương Chi, thì Lê Phương Chi biết trước dự định này nhờ cộng tác với Bách Khoa và quen thuộc với Đỗ Tiến Đức (bằng cớ là đã dự định tái bản Má Hồng) nên nhân cơ hội xúc tiến việc xuất bản. Do đó, Hồ Trường An còn nói với tôi, Cúi mặt tuy có giấy phép xuất bản vào năm 1969 mà tới năm 1970 mới phát hành được. Một mẩu tin trên Bách Khoa Số Xuân Canh Tuất xác nhận lời Hồ Trường An về thời điểm Thái Phương sửa soạn xuất bản, nghĩa là đồng thời với việc Nha Điện Ảnh sửa soạn trình chiếu Cúi mặt :

-Truyện dài “Cúi mặt” của Bùi Đăng […] đã được quay thành phim, nay đương cắt, ráp phim và chuyển âm thì nhà xuất bản Thái Phương cũng lại hoàn tất việc ấn loát tác phẩm và sẽ cho ra mắt bạn đọc vào hạ tuần tháng 1/70.… [Tràng Thiên, “Thời sự văn nghệ”, Bách Khoa số 313-314, ngày 15.1-1.2.1970]

Ngoài ra, theo mục “Sách báo mới”, Bách Khoa Số 315 (trang 81, ngày 15.2.1970), Cúi mặt đã được phát hành và “đã được Nha Điện ảnh phóng tác để quay thành phim vào cuối năm 1969”. Tiếp đó, độc giả được biết thêm sách có “Tranh bìa của họa sĩ Phạm Tăng, 214 trang, giá 150đ. .” (Bách Khoa số 316, trang 4 ngày 1.3.1970).

Như vậy, Cúi mặt do Giám đốc Nha Điện Ảnh Đỗ Tiến Đức chọn lựa từ cốt truyện khi xuất hiện trên Bách Khoa đến góp phần tuyển lựa đạo diễn và tài tử sửa soạn quay thành phim. Cũng theo Đỗ Tiến Đức, Nha Điện ảnh cung cấp tài chính, nhân sự, phương tiện và hoàn thành trong 1 tháng 15 ngày.

Có lẽ phim được trình chiếu vào khoảng giữa tới gần cuối năm 1970 nên mới có thể dự thi Giải Văn học Nghệ thuật năm 1970 của Tổng Thống Nguyễn Văn Thiệu. Phim này đoạt 3 giải khi Hội đồng duyệt giải công bố vào năm 1971: “Đạo diễn xuất sắc nhất” cho Thân Trọng Kỳ, “Nam Tài tử xuất sắc nhất” cho Cao Huynh và một “giải khuyến khích” cho Lý Quốc Mậu.

Nếu muốn, độc giả có thể đọc Cúi mặt trên Viet Messenger, có lẽ là nơi duy nhất giữ nguyên khi số hóa cuốn truyện, hơn thế nữa, với bìa của Phạm Tăng, một họa sĩ lừng danh và tên nhà xuất bản Thái Phương trên bìa. Tôi muốn nhắc đến Cúi mặt xuất hiện trên Việt Messenger cũng chính vì lý do đó. Bìa Cúi mặt tóm tắt nội dung cuốn truyện: một người tù gầy gò đang cúi mặt, chân mang xiềng, một tay ôm đầu, tay kia cầm chiếc cuốc. Anh ta đứng bên cạnh hàng rào kẽm gai. Đó là hình ảnh thực của tác giả Bùi Đăng Khuê và nhân vật chính Quang trong truyện.

clip_image003

Bùi Đăng, Cúi mặt
Bìa Phạm Tăng
Tài liệu của Diễn đàn Việt Messenger

Cô Kim Vui, tuy cũng xuất hiện trong Cúi mặt, nhưng đoạt giải “Nữ Tài tử xuất sắc nhất” cho phim Chân trời tím. Đỗ Tiến Đức và Thân Trọng Kỳ đã chứng tỏ sự khéo léo và uy tín của họ khi mời được một minh tinh lộng lẫy và tài năng như cô trong ngân khoản giới hạn của chính phủ. Cô đóng vai Xuân, một người đàn bà trở nên điên loạn vì con chết cháy trong một vụ ném bom, nhưng vẫn bị bắt chỉ vì chồng là lính Việt Nam Cộng hòa tử trận.

Hành trình làm phim cũng bất thường như hoàn cảnh ra đời của tác phẩm đã gây nên cảm hứng đó nếu tổng hợp tin tức từ tác giả và Đỗ Tiến Đức. Bùi Đăng và truyện dài Cúi mặt xuất hiện bắt đầu trên Bách Khoa Thời Đại từ số 274, ngày 1.6.1968 đoạn kết thúc vào số 282, ngày 1.10.1968. Ông, tên thật Bùi Đăng Khuê, phát biểu về thân thế và lý do sáng tác khi được phỏng vấn:

-[…] Tôi bị Việt Cộng bắt trong một buổi đi dậy vào tháng 12-1965 và được quân đội Đồng Minh giải cứu và (sic) tháng 10-1966. Bị bắt và được tự do cùng vào ngày mồng 4 trong tháng cả ![…] Tôi bị gọi nhập ngũ khóa 2/68 sĩ quan trừ bị, bị rớt sau 9 tuần huấn luyện ở Quang Trung, tôi mãn khóa hạ sĩ quan trừ bị ở Đồng Đế và được đi học lớp Hạ sĩ quan Truyền tin Binh đoàn. Ra trường tôi phục vụ ở một đơn vị tác chiến (Trung đoàn 6 Sư đoàn 2 Bộ Binh) […] Tôi bị thương trong một cuộc hành quân tại Quảng Ngãi. Viên đạn xuyên qua bụng và làm bể mất một chút gan […] Cúi mặt là tác phẩm đầu tiên, trước đó tôi chưa hề viết bao giờ. Tôi đặt tên là Cúi mặt trước hết vì tôi không yêu chiến tranh. Đó là lẽ dĩ nhiên, chẳng ai yêu chiến tranh cả. Sống trong một nước chiến tranh, thật là khó mà ngước mặt lên được. Cúi mặt còn là một hình thức chấp nhận dù là bắt buộc phải chấp nhận. Hình ảnh cúi mặt cũng mô tả được một trạng thái âm thầm không phơi bày được…” [ Thế Nhân, “CÚI MẶT, từ truyện đến phim (qua các cuộc đàm thoại với BÙI ĐĂNG và ĐỖ TIẾN ĐỨC, Bách Khoa Thời Đại Số 321, ngày 15.5.1970]

Tôi muốn nói tới truyện Cúi mặt vì một lý do bất thường: Nếu độc giả, bất cứ từ Miền Nam hay Miền Bắc, đọc truyện này mà không được báo trước tác giả đã viết vào quãng 1968 thì nhiều phần tin rằng đang đọc hồi ký của một người tù “cải tạo” Miền Nam sau 1975. Đó chính là giá trị lịch sử của nó.

Quang, nhân vật chính, chỉ là một anh nông dân bị xung vào đội quân dân vệ tại xóm làng nơi gia đình sinh sống. Cũng như những người dân vệ khác, Phương không tình nguyện đi lính. Chung quanh Quang, trước và trong khi bị “Chính phủ Giải Phóng Miền Nam” bắt, đa số tù nhân cả đàn bà lẫn đàn ông cũng chỉ và vẫn là nông dân.

Trong Cúi mặt, người bị bắt hay đúng hơn, bị Mặt Trận Giải Phóng Miền Nam bắt cóc, phải xây trại tù giam chính mình, bị di chuyển không được báo trước và bị buộc làm việc quá sức. Cũng như tại các trại tù cải tạo sau 1975, cơn đói triền miên hành hạ người tù khiến họ không thể bảo toàn nhân phẩm. Chưa hết, sự hành hạ về thể xác không thể so sánh với nỗi khủng hoảng tinh thần:

-Tôi bị giam hơn ba tháng, rồi vì hồi đó quân đội đồng minh mở nhiều cuộc hành quân tới những vùng núi âm u, chúng tôi bị di chuyển luôn. Thời gian này, thay vì cùm hai chân, chúng tôi bị còng hai tay và bị cột chằng người này với người nọ […] Tù nhân luôn luôn được sống trong ảo giác một lối thoát tốt đẹp. Ảo giác này được kèm theo một hình phạt duy nhất là cái chết. Thứ kỷ luật này được thi hành một cách tỉ mỉ, kỹ lưỡng. Người nào bị chết là thường bị chết một cách nhọc nhằn…, [Bùi Đăng trả lời Thế Nhân, sđd, trang 36]

Trong truyện, sức đề kháng tự nhiên của Quang, nhân vật chính theo đạo Công giáo, đã bị đánh gục bằng thủ đoạn hạ nhục của cai tù và nhiều tháng ròng bị giam giữ. Người tù bị khủng bố bằng những thủ đoạn tinh vi nhắm buộc họ nhận những tội “tày trời” vượt quá vị trí thấp kém trong xã hội sau khi tâm trí nạn nhân đã bị hoảng loạn. Mong được thả, Quang, một anh dân vệ hiền lành, tự nhận những tội ác bịa đặt đến mức phi lý như “hiếp dâm”, “tra tấn” và “cướp của của những người dân lành”, những tội ác tiêu biểu do Đảng Cộng sản sáng tạo. Cuối cùng, tuy “lao động” hết sức “nhằm chứng minh đã tự “cải tạo”, Quang vẫn “chết nhọc nhằn” sau khi hy vọng được phóng thích bị tước mất một cách tàn nhẫn.

Theo tác giả, tác phẩm của ông không phải hồi ký, nhưng hãy đọc vài đoạn sau đây, những đoạn gợi lại bất cứ một hồi ký nào của một người tù Miền Nam bị tù “cải tạo” sau 1975:

-[…] Ông Sáu đợi cho mọi người hoàn toàn im lặng mới cất tiếng nói chậm rãi và rõ ràng:- ‘ …Bà con đây ít nhiều đều là những người có tội lỗi đối với nhân dân, được nhân dân đưa đi cãi (sic) tạo để rửa sạch những lỗi lầm đó. Bà con đừng thấy những khó khăn cách mạng gặp phải ngày hôm nay mà đã vội giao động tư tưởng để nghĩ rằng cách mạng đã thua […] Cách mạng lùi một bước để tiến hai bước. Bà con hãy tin rằng cách mạng không thể nào thua được. Dãy Trường Sơn này còn Cách mạng còn. Cách mạng còn, đất nước không thể nào rơi vào vòng nô lệ được…’  [Bùi Đăng, “Cúi mặt”, Bách Khoa Thời Đại số 275, trang 48, ngày 25. 6. 1968]

-[…] Ông Sáu xòe tay đặt lên tập hồ sơ, giọng dịu xuống: – “Anh làm thành khẩn hai lần rồi, anh vẫn ngoan cố không khai. Chính sách cách mạng là khoan hồng, cách mạng chỉ muốn anh giác ngộ, người Việt phải trở về với người Việt. Tôi sung sướng khi bắn được một thằng Mỹ nhưng tôi lại đau lòng khi phải bắn anh, anh là người Việt, anh cùng màu da với tôi, anh nói và hiểu thứ tiếng tôi nói, tại sao tôi lại bắn anh? Không, không bao giờ tôi bắn anh, tôi chỉ muốn giết thằng Mỹ trong đầu anh. Anh đừng để mình đổ máu một cách vô lý về thằng Mỹ ấy, nó là kẻ thù của ta nó cướp nước ta .… [Bách Khoa Thời Đại số 279, trang 68, ngày 15. 8. 1968]

-[…] Ngày đầu tiên người ta thấy đói và tưởng mỗi người có thể ăn được đến cả chục phần ăn, ngày thứ hai người ta mới nhận ra cái cảm giác đã có ngày hôm qua là điều không thực. cái đói khác hơn nhiều, ruột gan cồn cào như có cả ngàn con kiến đang bò, mắt mũi hoa lên, người váng vất trong một thứ cảm giác khó chịu của sự mệt mỏi. Sang ngày thứ ba thì cơn đói thực sự trở thành một kẻ thù ghê gớm. Tay chân như mất hết hơi sức, người nọ ngồi đương (sic) mắt nhìn người kia chẳng ai buồn mó máy gì cả. Lá quế ăn mãi đâm đắng miệng. Quang ăn nhiều đến nỗi dộp cả lưỡi. Mưa gió vẫn không ngớt. Suốt ngày khí núi bốc lên mờ mịt. Trong ba ngày liền quần áo mọi người chẳng lúc nào khô ráo….” [Bách Khoa Thời Đại số 276, trang 47, ngày 1. 7. 1968]

-[…] Những đêm đi kích nhớ con, Quang muốn chiến tranh mau dứt để trở về nhà ôm con ngủ mỗi tối, không còn phải nghe tiếng súng nổ vu vơ, không phải ngủ bờ ngủ bụi. Nhưng Quang tự hiểu lòng ao ước của mình bao giờ cũng chỉ nguyên vẹn là một thứ mong mỏi hão huyền. Dầu Quang, dầu Nhi, dầu tất cả dân chúng ở cái xã này, xã khác có mong mỏi nhiều hơn nữa cũng chẳng thay đổi được gì. Chiến tranh còn hay dứt tùy thuộc những người trong dinh Độc Lập, trong tòa Ngũ Giác, ở Hà Nội, ở Bắc Kinh. Quang sẽ còn phải trông thấy những cánh đồng bỏ hoang, cỏ mọc trên những miếng đất nứt nẻ, những lủy (sic) tre mập mờ sau ánh lửa, những người đàn bà tóc xổ rũ rượi, những đứa nhỏ chít khăn tang gào lên vì đói. “Chiến tranh thật thảm khốc mà Việt Cộng là kẻ chủ mưu”, Quang nghĩ vậy và chính ra dô, truyền đơn yết thị cũng thường nói thế; Quang vẫn được đọc và vẫn được nghe. “Bọn côn đồ Cộng phỉ âm mưu thôn tính miền Nam”, cái câu ấy không biết Quang đã nghe bao nhiêu lần. Quang nghĩ tới một bọn người nghèo đói, lam lũ và độc ác lén lút mang chiến tranh về làng xóm khuấy trộn cuộc sống yên vui của mọi người.  Những bản thông tin, những hình ảnh hàng tuần dán ngoài góc chợ với những cảnh chết chóc, phanh thây, moi ruột làm Quang lâu dần lẫn lộn Việt Cộng với tử thần. Tử thần thật gớm ghiếc nhưng cũng thật gần gũi trước mặt, sau lưng. Tử thần có đôi mắt loài mèo ẩn ở cuối một rặng tre, đầu một con đường mòn, sau một đụn rạ, ven một bờ mương, v.v…[…] Đồn dân vệ bị tấn công […] Quang thấy cần một sự yên tỉnh (sic) và bước về phía nhà thờ. Quang […] tiến về phía bàn thờ. Bức tường (sic) Chúa bị xô đổ bể nát, khúc đầu lăn lóc trong một góc tường lẫn với đám kính bể. Bó hoa trắng rơi vương vãi trên sàn xi măng giữa những chân đèn đồ lễ. Uy quyền của Chúa đã dừng bước trước cánh tay của bọn vô thần… [Bách Khoa Thời Đại số 277, trang 48-49, ngày 15. 7. 1968]

-[…] Quang cầm tờ giấy có những dòng chữ nhảy múa. Quang hiểu mình đang đứng trước một giờ phút nghiêm trọng. Quang muốn đưa trả lại tờ giấy và nói: “Không tôi không nhận, không bao giờ phạm những tội này”. Nhưng sau đó, Quang nghĩ mình không thể nằm hoài trong kỷ luật để mỗi sáng ngồi ngóng lên cơ quan. Nước mắt trào ra dàn dụa, Quang cầm bút ký nhiều lần vào từng mặt giấy theo tay chỉ của ông Ba […] Quang nhắm mắt lại, cảm giác đau đớn của hôm nào sống lại. Quang lại muốn nói với Quang, với bất cứ ai là Quang không hề phạm vào những tội lỗi ghê tởm ấy, Quang đã hiếp dâm một người con gái? đã tra tấn, đã cướp của của những người dân lành? Làm sao hôm đó Quang đã có thể can đảm nhận những tội nặng nề như thế? Quang tự nhủ: “Mình không làm những tội ấy lương tâm mình không cắn rứt mình, như vậy được rồi.… [ Bách Khoa Thời Đại số 280, trang 63, ngày 1. 9. 1968]

Cúi mặt được chuyển thành phim và phát hành vào năm 1970, chỉ 2 năm sau cuộc tống tấn công Mậu Thân, sau cuộc thảm sát tại Huế với biểu tượng cầu Tràng Tiền gẫy đổ và chưa đầy 5 năm trước khi Việt Nam Cộng Hòa thua trận. Kinh nghiệm của giáo viên vô tội Bùi Đăng Khuê sẽ được lập lại với hàng trăm ngàn “tù cải tạo” khác.

Ngày nay, đọc lại thứ truyện tiên tri này, tôi tự hỏi: Ngoài trại giam tác giả, còn bao nhiêu trại giam nào nữa? Còn bao nhiêu người bị bắt, bị giết, bị bỏ mạng vì đói, vì ốm đau, vì vượt ngục hay mất tích trong rừng núi âm u? Đồng thời, một thực tại đầy mỉa mai diễn ra ngay tại Sài gòn với đám người, kể cả một số nhỏ thanh niên, sinh viên học sinh, hoạt động nằm vùng rất đắc lực cho Cộng sản. Đảng Cộng Sản sử dụng nhiều chiến thuật trong cuộc chiến tâm lý. Họ miêu tả quân nhân Việt Nam Cộng Hòa như những kẻ hiếu sát và kêu gọi đoàn kết để đuổi “Đế quốc Mỹ” ra khỏi Miền Nam. Cùng lúc, họ dùng miếng mồi “hòa bình” và “thống nhất” để hứa hẹn một tương lai an lành vì họ biết dân chúng hai miền đã mòn mỏi vì chiến tranh.

4.2 Cúi mặt chứng kiến một góc lịch sử Việt Nam Cộng Hòa

Giám đốc Nha Điện Ảnh Đỗ Tiến Đức đã nói rất rõ tại sao ông chọn và thuyết phục được cấp chỉ huy cho phép chuyển Cúi mặt thành phim vì “chống Cộng rất tế nhị và sâu sắc”:

-[…] Từ trước, điện ảnh nhà nước đã sản xuất những cuốn phim với cái công thức là phải có vài anh cán bộ răng đen mã tấu, hoặc vổ răng, khù khờ lớ ngớ đứng chìa lưng cho quân ta bắn hoặc bóp cổ. Hoặc cán bộ cộng sản phải là những tên giết người không gớm tay. Cái lối tuyên truyền kiểu đó theo tôi nguy hại lắm. Thứ nhất là tạo cho quần chúng cái định kiến là cộng sản hung bạo. Vậy thì khi gặp Cộng sản, nó nói cái gì thì ráng mà nghe, mà không theo thì sợ nó phơ mất mạng. Thứ hai là khi sau đó, sống với cộng sản, thấy chúng dân vận lại biết tâm-lý chiến hơn cả cán bộ thông tin tâm lý chiến của ta thì lúc đó người dân đổi lập trường mấy hồi. Phim Cúi mặt tức truyện Cúi mặt đã đưa ra một mẫu người Cộng sản khác hẳn. Lúc nào cũng khoan dung, cũng ngon ngọt, nhưng nếu cần thì chỉ một cái búng tay đánh chóc một cái là xong một mạng ngay… [Đỗ Tiến Đức trả lời Thế Nhân, sđd, trang 39]

4.2.1 Dân vận tại Sài gòn: Tổng Hội Sinh Viên Sàigòn trá hình

Ngay từ 1954, Đảng Cộng sản đã sửa soạn thanh toán Miền Nam bằng cả chiến tranh ngoài tiền tuyến lẫn tâm lý chiến tại hậu phương và ngoại quốc. Đỗ Tiến Đức, một người Miền Bắc di cư và hoạt động trong chính quyền nhiều năm, lại càng am hiểu sức mạnh của tâm lý chiến: “chúng dân vận lại biết tâm-lý chiến hơn cả cán bộ thông tin tâm lý chiến của ta thì lúc đó người dân đổi lập trường mấy hồi“.

Trước đó mươi năm, cuối năm 1960, Đảng Cộng sản Việt Nam dựng Mặt Trận Dân tộc Giải Phóng Miền Nam Việt Nam. Dân vận thuộc nỗ lực hàng đầu. Oái oăm thay, mặt trận dân vận mở đầu, theo tôi, tại ngay Miền Bắc vì họ cần thuyết phục dân chúng Miền Bắc hy sinh vượt bực cho mưu toan đó.

Một thí dụ điển hình là cuốn 49 Lá thơ Miền Nam gửi ra kêu cứu Miền Bắc lập lại những “tội ác” của quân nhân Việt Nam Cộng hòa như hãm hiếp, cướp bóc, đốt nhà gồm cả thiêu sống trẻ con, ăn thịt lính Miền Bắc:

-[…] Sách viết vào năm 1959 để chuẩn bị đưa quân vào xâm lăng Miền Nam, trước khi Miền Bắc thành lập Mặt Trận Giải phóng Miền Nam. Nội dung quyển sách bịa đặt tuyên truyền nói về tội ác của quân dân Miền Nam trong 49 lá thư Miền Nam kêu cứu Miền Bắc, toàn những chuyện bịa đặt vu khống, đại khái như: -Chuyện lính Miền Nam đói quá […]Một tên lính chạy đến giựt lấy quả cam của đứa trẻ […] -Quân đội miền Nam đi hành quân, trong lúc ngồi nghỉ, gặp một con trai học sinh 6 tuổi đi học về, lính trêu chọc nó, đem nó trói vào gốc cây gần đó, lấy lá khô, bỏ chung quanh nó, rồi châm lửa đốt đứa trẻ. Nó khóc và kêu la “mẹ ơi, nóng quá” […] Kể những chuyện bịa đặt là Miền Nam đói nghèo khổ sở bị Mỹ Ngụy […] bóc lột đến nỗi không có cái bát mà ăn, phải ăn bằng gáo dừa.… (“Lính Miền Bắc không thể đào ngũ”, Lược sử Quân Lực Việt Nam Cộng Hòa, trang 836, Nhà Xuất bản Hương Quê, Hoa Kỳ, 2011]

Một trong những tổ chức hoạt động hàng đầu tại hậu phương (thủ đô Sài gòn) phục vụ cho mặt trận dân vận sẽ là Tổng Hội Sinh Viên Sài gòn, một tổ chức không đại diện cho toàn thể sinh viên, nhưng đã bị lũng đoạn, biến thành nơi trú thân cho cán bộ, nằm vùng và cảm tình viên cho Đảng Cộng Sản cũng như Mặt Trận Giải Phóng Miền Nam. Bên cạnh họ, nhóm nhà văn cán bộ mai phục trong giới báo chí Sài gòn cũng sẵn sàng tiếp sức.

Vào năm 1970, khi Cúi Mặt được xuất bản về “tình tiết” “giữa một nhóm người trong một trại giam của Cộng sản ở Miền Trung” (Bách Khoa Số 315 và Số 316), cuộc chiến chống Đảng Cộng Sản đã tới hồi quyết định. Người cộng sản ra mặt đẩy mạnh cuộc chiến tranh tâm lý và dân vận ngay tại thủ đô Sài gòn hầu gieo rắc những tin tức bất lợi cho Việt Nam Cộng Hòa, nhất là với giới truyền thông ngoại quốc.

Tổng hội Sinh Viên Sài gòn, một tổ chức đắc lực của họ lúc ấy đã có đủ sinh viên học sinh nằm vùng và thân Cộng, tồ chức một cuộc “triển lãm sinh hoạt sinh viên học sinh” với chủ đề “Văn hóa Dân tộc”. Cuộc triển lãm này không những được tổ chức ngay tại Đại học Văn Khoa mà còn được chính phủ “giúp đỡ vật chất cũng như tinh thần” theo Bản “Lời cảm tạ” (sđd, trang 91).

Qua các chi tiết trong cuốn giai phẩm, người ta có bằng chứng đây chỉ là cuộc vận động bạo động bằng thứ ngôn ngữ chuyên chở lý luận đặc Cộng sản hay hướng Cộng tương tự trong Cúi mặt với những cán bộ cai tù:

-[…] Công trường chiều nay em về góp bảo (sic) /Máu làm sơn áo lụa làm cờ” [“Gian hàng Tổng đoàn Học sinh”, sđd, trang 20]

clip_image005

Giai phẩm Văn hóa dân tộc-ĐẶC BIỆT KỶ NIỆM Tuần lễ triễn lãm sinh hoạt SVHS, bìa trước
Ngày 31.10.1970-Ngày 7.11.1970
Tài liệu của Đại học Cornell, Hoa Kỳ

Họa sĩ-sinh viên Luật khoa Bửu Chỉ, từng bị Chính phủ VNCH tống giam, góp mặt với 3 tác phẩm: “Ngày quật khởi”, “Người Da vàng và ngựa” (được chọn làm bìa sau giai phẩm), “Đợi ngày lên” và ‘Trên cánh đồng tháng tám”.

Bức sau cùng– đã “gây sự chú ý nồng nhiệt của mọi người”, theo lời Ban tổ chức — sử dụng 2 hình ảnh tuyên truyền đặc trưng của Cộng sản: xiềng xích và sức cần lao trong máu và lửa, 2 màu đỏ tượng trưng cho bạo động:

clip_image007

Giai phẩm Văn hóa dân tộc-ĐẶC BIỆT KỶ NIỆM Tuần lễ triễn lãm sinh hoạt SVHS
Bửu Chỉ, Người Da vàng và ngựa, bìa sau
Tài liệu của Đại học Cornell, Hoa Kỳ

-“Trên cánh đồng tháng tám” của Bửu Chỉ; một cánh đồng hừng hực lửa đỏ như máu trong người, tất cả những hình ảnh sống động của những người chen vai sát cánh bứt bỏ xiềng xích và tay liềm cầm lưỡi hái với sức cần lao đang điệp trùng vươn tới trong thế sẵn sàng kháng cự, chiến đầu và chống trả.… [“Phòng hội họa báo chí Huế”, sđd, trang 12]

Tuy thế, tác giả những bức tranh này chưa bao giờ bị cưỡng bách lao động và khủng bố tinh thần trong tù Miền Nam như các nhân vật trong Cúi mặt. Ông bị chính phủ bắt giam từ năm 1972 và ra khỏi tù vào tháng 4.1975. Trước và trong khi bị giam, ông vẫn có đủ tự do và chất liệu để vẽ rất nhiều bức tranh nhỏ bằng bút sắt mực Tàu, đa số khoảng 16cm x 17cm, nhắm miêu tả cảnh bắt bớ, giam cầm song song với ước vọng được thấy Việt Nam thống nhất và hòa bình. Tranh ông quanh quẩn trong mấy chủ đề chính buộc vào chủ đích tố cáo chính phủ Miền Nam. Trong tranh ông, trẻ em tàn tật gầy gò rách rưới chống nạng hay bị trói bên cạnh máy bay, xe tăng, các đại pháo sẵn sàng nhả đạn, người tù nhìn qua song sắt; nữ tù trong trại giam; người dân hoảng sợ trước cảnh người khác bị tra tấn; chim bồ câu trên nền trời sáng vv…

Bức tranh nổi tiếng nhất của ông với giới truyền thông ngoại quốc có lẽ là bức Người nữ tử tù. Một người đàn bà rất trẻ, tóc dài, ngồi quay lưng, nửa mặt hơi cúi xuống hướng nhìn đứa con trai khoảng vài tuổi nép bên phải. Hai tay cô bị trói ngoặt sau lưng bằng vài vòng dây thừng. Bức này được minh họa cho bài “Caged by Saigon/ Bị (chính phủ) Sài gòn giam giữ” trên nhật báo The New York Times, số ra ngày 27.9.1973.

Người nữ tử tù cũng là 1 trong 10 bức tranh của Bửu Chỉ trong poster có tên “Inside Thieu’s Prison/Trong ngục tù của Thiệu” “American Friends Service Committee/Hội đồng Phụng sự-Hiệp Hội Thân hữu Hoa Kỳ” phát động “Chương trình Đông dương” xuất bản hầu bán gây quỹ (giá 10 xu 1 tấm, 60 xu 10 tấm/ 4 mỹ kim 100 tấm). Hội đồng này thuộc Giáo phái Quaker, một giáo phái chống sự tham dự vào Chiến tranh Việt Nam và vận động ngưng viện trợ cho VNCH. Tuy vậy, bức tranh không đồng phục với vẻ nghèo đói của các bức khác vì cả hai mẹ con đều mập mạp. Đứa trẻ khôi ngô tóc cắt ngắn gọn gàng, không có vẻ gì là đang… bị giam tại Sài gòn trong ngục tù của Thiệu, mà còn làm tôi liên tưởng tới hình ảnh nhi đồng rạng rỡ trong các tranh vẽ thời Phục Hưng.

Người ngoại quốc có thể bị lừa với những tin tức từ các bài báo và sản phẩm trên, nhưng chúng ta Miền Nam (tôi rất tự tin được dùng chữ “chúng ta” ở đây) đều biết một cách tương đối chính xác rằng những người tù trong tranh đều từ nhóm sinh viên học sinh biểu tình hay nằm vùng bị bắt. Tôi quan sát thấy trong 4 bức có người tù trên poster này, thì 2 bức vẽ 2 người tù thanh niên và 3 bức vẽ tổng cộng 4 người tù thanh nữ.

Và oái oăm thay, hệt như trường hợp Cúi mặt, nếu đại đa số các bức tranh này bị che ngày hay năm sáng tác, tôi có thể tưởng lầm rằng chúng đã được Bửu Chỉ vẽ sau 1975, diễn tả cảnh đánh đập trong các trại tù cải tạo, vẻ mặt uất hận của hàng trăm ngàn quân dân cán chính Việt Nam Cộng Hòa bị bắt giam, cảnh đói khổ cùng cực của dân sau khi bị xua đi Kinh tế mới, cảnh phụ nữ, ông cháu cũng bị giam sau khi vượt biên thất bại, cảnh người dân oằn xuống trong móng vuốt của công an lẫn cái đói vv.Và chim bồ câu hòa bình vẫn còn là ước mơ khi tác phẩm thời Việt Nam Cộng hòa còn bị cấm. Có phải vì vậy nên cho tới nay vẫn còn những bài báo kêu gọi “hòa giải” “quên hận thù” từ phía chính phủ Cộng sản Việt Nam và công thần của họ?

Ngoài các cuộc triển lãm nghệ thuật, Tổng Hội Sinh Viên Sài gòn thượng dẫn còn can dự vào Phong trào Hát cho đồng bào tôi nghe do nhạc sĩ Tôn Thất Lập lãnh đạo. Lời bài hát minh chứng ông can dự, dù có trả lời ra sao sau 1975, vào việc vận động lật đổ chính phủ VNCH, kêu gọi một cuộc cách mạng đòi hỏi máu, máu và máu của người Miền Nam. Những lời hát sau đây trích trong Cánh chim từ vùng lửa đỏ sẽ cho thấy lời nhận xét trên có căn cứ:

-“…Hỡi chị em ơi, Ta phải phất cờ trên đầu lũ giặc […] Đêm nay ta đi trên Trường sơn.Ta mơ về Việt Bắc. Cho hòa thêm hồng một giòng máu giặc/…Con đường Bắc Nam chim ca thống nhất…”[Tôn Thất Lập, “Từ sông Hương nhớ về sông Hát”, Cánh chim từ vùng lửa đỏ: Nhạc Tôn Thất Lập & Thơ Nhất Uyên, Trang 9-11, Bìa và phụ bản ảnh nghệ thuật Phạm Trọng Chánh, Tác giả trình bày, Hội Sinh viên sáng tác xuất bản – Nhà in Sudest Asie ấn hành, Paris, Tháng 12 Năm 1974]

-” … Có phải sáng mai nào khi nghe hai tiếng miền Nam. Anh đang mơ cánh chim từ vùng lửa đỏ. Quê hương ta một dải sông dài. Đã bao năm rồi nặng tình máu đổ. Từ lao tù vang lên tiếng hát […] Mẹ bây giờ ôm con chết đói […] Đã có sức sống đánh đổi với xích xiềng. Đã có sức sống chôn vùi những bạo quyền. Vì tự do chúng ta cùng xây lại Miền Nam… …”[Tôn Thất Lập, “Nhớ về Miền Nam”, sđd, trang 12-13]

-“…Đồng lúa cháy giữa giòng đạn giặc…”[Tôn Thất Lập, “Lúa reo trên khắp đồng bằng”, sđd, trang 18]

-“…Sưu Cao! Thuế nặng mười mấy năm giữa đô thành này. Dân ta nghèo chỉ còn đôi tay […] Đồng bào hãy đứng lên…”[Tôn Thất Lập, “Ngày lao động vùng lên”, sđd, trang 20-21]

-“…Hòa bình nuôi cây xanh […]Trên quê ta nắng đã dậy màu cờ […]Đêm liên hoan phố phường đỏ sáng […]Vai chen vai ca bài thống nhất…”[Tôn Thất Lập, “Đồng lúa reo”, sđd, trang 24-26]

-“…Trên khắp phố phường thắm máu người hy sinh cho nước nhà mai này chúng ta hát bài thống nhất…” [Tôn Thất Lập, “Thanh niên ơi phố phường gọi ta đó”, sđd, trang 33]

-“…Ta băng qua tiến chiếm pháp đình chiếm luôn công viên cùng chung trận tuyến. Ta thề tiến đấu tranh cùng đồng bào ta. Ta chia quân qua chiếm Hạ Viện. Rồi băng băng lên chợ Bến Thành…”[Tôn Thất Lập, “Không thể ngồi yên/Lời 2”, sđd, trang 30]

Ngoài nhạc và thơ, tuyển tập còn kèm nhiều bức ảnh đã dự phần “Triển lãm nhiếp ảnh nghệ thuật sinh viên” trong ngày “Hát cho đồng bào tôi nghe”-Mủa Giáng sinh Hòa bình 1969 do Tổng Hội Sinh Viên Sài Gòn tổ chức vào năm 1969 [sđd, trang 34]:

Đợi ngày hòa bình: một em bé trai khoảng 10 tuổi, mặc mỗi một chiếc quần cụt, ngồi một mình dưới gầm cầu ngó mông lung [trang 27, sđd].

.

clip_image009

Đợi ngày hòa bình
Triển lãm Nhiếp ảnh Nghệ Thuật THSVSG (Tổng Hội Sinh Viên Sài Gòn), 1969

Cơm áo giữa đô thành: một người ngồi thổi sáo trên nền đất, chụp từ dưới vai xuống, mang khăn rằn. Ống sáo chỉ thẳng vào nón là ngửa rách, bên trong lác đác vài đồng cắc với 2 mảnh lá. Tôi chỉ hơi ngạc nhiên là hai bàn tay nâng ống sáo có những móng đủ dài, chải chuốt, xem ra không phải của một người cực khổ phải tìm miếng ăn bằng cách này [trang 34, sđd].

Khuôn mặt chiến tranh trong đêm hỏa châu: Những tia sáng hỏa châu trên nền trời đen [trang 35, sđd].

Chết cho ai: một thánh giá bằng gỗ in bóng trên nền đất cỏ dại [trang 55, sđd]

Một tuyển tập gồm những bài hát ngập ngụa máu và lửa, khích động nông dân “vùng dậy”, cổ võ thanh niên tại thành thị bạo động cướp chính quyền, “chiếm Hạ Viện” nhân danh “cách mạng” vv. nghĩa là thứ ngôn ngữ và chủ trương của Mặt Trận Giải Phóng Miền Nam trong tay Đảng Cộng sản, dù có thể tác giả không cố ý.

Trong mọi cuộc tranh đấu kể cả nằm vùng, chân dung người lính Việt Nam Cộng Hòa, chiếc khiên che đỡ Miền Nam, đương nhiên bị phác họa một cách thảm hại, kể cả như một thứ tay sai của người Mỹ. Thí dụ như thư ngỏ của ông Joseph Marie Hồ-huệ-Bá, thành viên Mặt trận Giải Phóng Miền Nam, 1962 (3):

-BỨC THƠ của ông Joseph Marie Hồ-huệ-Bá Thầy giãng (sic) và Giáo sư Chủng viện Cù lao Giêng, đương kiêm (sic) Ủy viên Ủy ban Trung Ương Mặt trận Dân tộc Giải phóng miền Nam Việt nam, đại diện cho đồng bào Công giáo kính chúa yêu nước ở Miền Nam Việt Nam.

Kính gởi
Quí vị linh mục, tu sĩ và anh chị em tín đồ Công giảo trong miền Nam Việt-nam nhằm “ngày Chúa giáng sinh lần thứ 1962.

[…] Mười tháng qua, có ngót 1.000 đồng bào bị bọn xâm lược Mỹ và tay sai mổ ruột moi gan, lấy mật ra “nhấm rượu” trong số trên 7.000 người tay không mà phần đông là đàn bà và trẻ thơ không phải biết lượng hay giáo, Bắc hay Nam đã bị chúng hành hình… (Ở xã Châu-hòa, tỉnh Bến-tre) giữa ngọn lửa giết người của Mỹ Diệm, em bé giãy giụa kêu Chúa, gọi mẹ hết sức thảm thiết trong tiếng cười sặc sụa điên cuồng của lũ cố vấn Mỹ và tay sai khát máu .… [Joseph Marie Hồ-huệ- Bá, ngày 1.tháng 12.1962, Vietnam Center and Sam Johnson Vietnam Archive, Texas Tech University]

Bởi thế, khi tử trận, họ bị dân chúng bỏ rơi một cách buồn rầu lẻ loi với lá quốc kỳ, đại diện cho VNCH, cũng thảm hại không kém:

-[…] Một tác phẩm diễn tả đám tang của người sĩ quan trong quân đội VNCH: quan tài nằm trơ vơ phủ bên lá quốc kỳ 3 gạch đỏ ủ rũ và một quang cảnh vắng vẻ, hoang tàn, hoàn toàn u tịch…” [“Phòng Tranh Mỹ Thuật, sđd, trang 14]

Ngày nay, dĩ nhiên một số chúng ta có thể tự hỏi về những cuộc triển lãm trá hình nghệ thuật thượng dẫn tổ chức ngay tại trung tâm Sài gòn; nhưng cũng ngày nay, nhìn lại, nếu Việt Nam Cộng Hòa tạo được vô số thành quả tồn tại mãi mãi là nhờ chủ trương tự do, dù có khi thiệt hại cho cuộc chiến đấu lúc bấy giờ. Hãy lấy thêm một thí dụ về sản phẩm của quyền tự do đó.

Năm 1966, một bức tranh họa 3 người lính Việt Nam Cộng Hòa, cũng do Tổng hội Sinh viên Sài gòn tổ chức, xuất hiện trong buổi triển lãm riêng của họa sĩ Rừng, một nghệ sĩ tài năng qua tiểu sử hội họa cũng như qua nhận xét riêng tôi sau lần được hân hạnh gặp gỡ ông vào cuối tháng 10. 2021. Nhà phê bình Huỳnh Hữu Ủy có thể nhớ không đúng về thời gian, nhưng chắc chắn không lầm khi miêu tả bức tranh:

-[…] Chúng ta nhớ đến hai tấm tranh mang tính tố cáo khá cao trong kỳ triển lãm riêng của anh ở Phòng Thông Tin Đô Thành năm 1966 do Tổng Hội Sinh Viên Sài Gòn tổ chức: Bức Vòng hoa chiến thắng vẽ ba người lính, một người đội nón sắt, một người đội mũ nồi đỏ, một đội mũ nồi đen, chiếm lấy toàn bộ bình diện tấm tranh. Ba người lính mang ba vòng hoa chiến thắng mà mỗi vòng hoa được kết bằng những bông hoa kỳ dị, mỗi bông hoa là một đầu lâu con người. Và trên tấm nền tranh nhợt nhạt thiếu sinh khí, gợn lên hai xác chết trần truồng rất bi thảm của hai em bé Việt Nam.… [Huỳnh Hữu Ủy, Nghệ Thuật Tạo Hình Việt Nam Hiện Đại, Nhà Xuất bản VAALA, 2008, Hoa Kỳ-Đăng lại trên Diễn Đàn Học Xá (Trần Văn Phê) http://www.hocxa.com/Hoa/HoaSi/Rung&HoangDangNhuan_HuynhHuuUy.php#null]

Quân nhân thuộc Quân Lực Việt Nam Cộng hòa đội nón sắt. Binh chủng Nhẩy Dù đội mũ nồi đỏ. Binh chủng Thiết giáp đội mũ nồi đen. Nghĩa là bức tranh này chỉ có người lính Miền Nam, không hề có sự hiện diện của người lính Miền Bắc (và Đảng Cộng sản Việt Nam). Ai giết “hai em bé Việt Nam” “hai xác chết trần truồng rất bi thảm”? Trong khi 3 người lính VNCH “chiếm lấy toàn bộ bình diện tấm tranh” “mang ba vòng hoa chiến thắng mà mỗi vòng hoa được kết bằng những bông hoa kỳ dị, mỗi bông hoa là một đầu lâu con người”?

Họa sĩ Rừng, phát biểu về hoàn cảnh và quan niệm sáng tác, xác nhận nội dung bức tranh Vòng hoa chiến thắng trong cuộc phỏng vấn của Huỳnh Hữu Ủy:

-[…] Tôi sinh ra và lớn lên trong một giai đoạn lịch sử trầm luân của đất nước, điều đó tác động vào sự sáng tạo của tôi. Rồi từ lúc bắt đầu có ý thức, đất nước càng ngày càng lún sâu vào chiến tranh. Một cuộc chiến triền miên, nuốt mất của tôi và bao thanh niên khác một thời tuổi trẻ. Trong suốt giai đoạn này, nghệ thuật của tôi là sự giải tỏa ấn ức nội tâm của một con người ý thức về sự bất lực của mình trong cuộc chiến tranh ý thức hệ đẫm máu, dai dẳng của dân tộc. Một mặt khác, do ảnh hưởng sai lệch của triết hiện sinh trong thời gian ấy. Quan niệm đời người phi lý, sống cho hiện tại… đã ám ảnh tôi rất nhiều, mà nó lại phù hợp với tâm trạng của đa số thanh niên. Thanh niên thời ấy chỉ có hai con đường để chọn. Thi vào đại học hay các trường chuyên nghiệp. Đậu thì được hoãn dịch trong vài năm, rớt thì khăn gói vô Quang Trung, Đồng Đế là những quân trường rồi ra mặt trận. Tình trạng bế tắc không có lối thoát. Nếu muốn kể thêm thì còn một ngả nữa là… lên rừng. Vậy thôi. Phòng triển lãm cá nhân đầu tiên của tôi tại Sàigòn năm 1963 có một giai thoại. Các bạn họa sĩ kế cho tôi chuyện có một cảnh sát viên vào phòng tranh của tôi, xem một lúc, ông ta rút súng ra bắn lên trần nhà đùng đùng. Một người đàn bà có mang gần đến ngày sinh vào xem tranh xong, ra đến cửa chị sanh rớt. Người cảnh sát xem tranh tôi xong hóa điên. Người đàn bà thì trụy thai! Vậy đấy. “Vòng Hoa Chiến Thắng” vẽ ba người lính mang ba chùm sọ người, “Bào Thai Đen” vẽ một người đàn bà có mang, qua quang tuyến thấy một nhóc mỹ đen đã triển lãm trong dịp này.… [Huỳnh Hữu Ủy, “Nói chuyện với họa sĩ Rừng: hành trình 40 năm đến với mỹ thuật”, Tạp chí Văn – Chủ nhiệm & Chủ bút Nguyễn Xuân Hoàng) Số 19, tháng 7.1998- http://www.hocxa.com/Hoa/HoaSi/Rung-HanhTrinh40NamDenVoiMyThuat_HuynhHuuUy.php]

Tôi tôn trọng cách nhìn của Rừng về người lính VNCH, nhưng nhận xét của ông dẫn đến sai lầm về thanh niên Miền Nam cùng thời: “Thanh niên thời ấy chỉ có hai con đường để chọn […] Tình trạng bế tắc không có lối thoát. Nếu muốn kể thêm thì còn một ngả nữa là… lên rừng…” [Họa sĩ Rừng, sđd]

Thực tế cho thấy Thanh niên thời ấy không “chỉ có hai con đường”, lên rừng, biến thành cán bộ nằm vùng như thí dụ về nhóm người thuộc Tổng hội Sinh viên Sài gòn thượng dẫn hoặc như Tôn Thất Lập đã thoát ra ngoại quốc. Một con đường khác mà nhiều người chọn là tình nguyện “đi lính” hay trở về Việt Nam sau 1975 chiến đấu như Trần Văn Bá, Chủ tịch Tổng hội Sinh viên tại Pháp. Trường hợp Y sĩ Thiếu tá Nguyễn Văn Quý trước 1975 là một thí dụ khác. Ba người sau đây–Y sĩ Thiếu Tá Nguyễn Văn Quý, sinh viên du học Trần Văn Bá và ký giả Đinh Quang Anh Thái–từ ba hoàn cảnh, xuất xứ hoàn toàn khác nhau là bằng chứng để nhìn lại một tuổi trẻ Miền Nam tình nguyện chống Cộng, bảo vệ quyền phát biểu và tự do sáng tác có khi cho chính những người không có cảm tình, dửng dưng, thậm chí vu báng hay đứng hẳn sang phía đối nghịch muốn tiêu diệt họ.

4.2.2 Thanh niên Miền Nam tình nguyện chống Cộng sản

A. Mặc áo giáp, đầu đội nón sắt để thay thế áo choàng mổ-Nhật ký An Lộc

Y sĩ Thiếu tá Nguyễn Văn Quý có đủ điều kiện hoãn dịch. Ông có thể lợi dụng sự ngoại lệ rồi nghiễm nhiên an hưởng phú quý. Ngược lại, ông tình nguyện trở thành một y sĩ tiền tuyến. Tôi xin được mạn phép trích một số đoạn và hình ảnh trong cuốn Nhật ký An Lộc-86 ngày của một bác sĩ giải phẫu tại mặt trận nhắm cho thấy phần nào sự chiến đấu của người lính Miền Nam mà ông là một phần tử:

-[…] Tôi tốt nghiệp Y Khoa Đại Học Sài Gòn năm 1967. Theo luât lệ lúc bấy giờ tôi sẽ được miễn dịch khi học xong, không phải nhập ngũ vì là con trai độc nhất của một quả phụ. Nhưng bản tính tôi hơi làm biếng về việc nộp giấy tờ, đơn từ này nọ rắc rối. Đồng thời tôi thấy các bạn bè đều lên đường làm nghĩa vụ quân sự, ở lại một mình nó làm sao ấy. Vả lại tính tôi cũng thích phiêu lưu nên quyết định không nộp đơn xin miễn dịch mà nhập ngũ khóa 10 Y Sĩ trưng tập năm 1968. Tôi cảm thấy rất hài lòng đã đứng về phía quốc gia dân tộc chống lại một chế độ độc tài đảng trị, đã làm cho dân tộc tôi phải điêu linh khốn khổ trong mấy chục năm trời .… [Bác sĩ Nguyễn Văn Quý, Nhật ký An Lộc-86 ngày của một bác sĩ giải phẫu tại mặt trận, trang 11, Văn Nghệ xuất bản, Hoa Kỳ, 2002]

Bác sĩ Quý tòng sự tại Bình Long, nơi ông chịu trận tại Mặt trận An Lộc suốt 86 ngày. Trong điều kiện cực kỳ giới hạn, thiếu thốn, còn bị pháo kích liên miên, ông đã giúp nhiều người tái sinh:

-[…] Tổng kết ra, tôi đã mổ được 254 trường hợp đại giải phẫu. Chết mất sáu người ngay tại mặt trận, còn số tử vong của những thương binh đã được di chuyển về các bệnh viện khác, tôi không tài nào biết được… [ Bác sĩ Nguyễn Văn Quý, sđd, trang 375]

Ông cùng toán y tế và toán giải phẫu chữa trị cho binh lính, dân chúng lẫn thương binh Cộng sản bị bắt tại An Lộc. Thị trấn này sẽ được đồng nghĩa với một trong những trận đánh tàn khốc nhất chiến tranh Việt Nam.

An Lộc địa sử lưu chiến tích/Biệt Cách Dù vị quốc vong thân

Một tấm ảnh làm tôi cực kỳ cảm động là tấm chụp “Toán giải phẫu cấp cứu Bệnh viện Tiểu khu Bình Long” cho thấy 7 quân nhân gồm đủ sĩ quan và hạ sĩ quan. 4 người đội nón sắt. Tất cả đều mặc áo giáp. Ngoài ra còn có các nữ y tá như các cô Bích, Thìn, Trí, Mỹ, Lâm và cô Đào vv…

clip_image010

Toán giải phẩu cấp cứu Bệnh viện Tiểu khu Bình Long (sđd, phần Phụ Lục Hình ảnh)
Y sĩ Đại Úy Nguyễn Văn Quý chụp “nên không có trong hình

 

clip_image012

Tôi đứng trong khu hành lang trại ngoại khoa. Trại bị trúng pháo liên tiếp, banh càng không còn làm ăn gì được nữa” (sđd, phần Phụ Lục Hình ảnh)
Y sĩ Đại úy Nguyễn Văn Quý (hình trên cùng)

Cuốn này đã tuyệt bản mà hình như tác giả không tái bản. Một cuốn nhật ký 445 trang ghi lại cõi chiến trường kinh hoàng. Ông chuyên về giải phẫu ruột, có lần đã phải dùng dây nilon buộc bao cát khử trùng để may vết thương dưới da khi “đóng bụng” (trang 283, 339, sđd). Bệnh viện khan hiếm nước, mất điện. Bác sĩ và nhân viên phụ tá phải đội nón sắt (chiếc nón mà Rừng đã vẽ) để cứu người, kể cả thương binh Cộng sản. Nếu có vòng hoa nào thì đó là mạng sống chính họ để đổi lấy mạng sống bệnh nhân; nếu có “đầu lâu” hay “sọ người” nào thì đó cũng của chính họ, đã xẩy ra rồi với nhiều y sĩ Quân Y và nhân viên khác, nếu bị trúng đạn:

-[…] Mọi người trong toán mổ đều mặc áo giáp, đầu đội nón sắt để thay thế áo choàng mổ […] Máy phát điện đã bị pháo kích hư từ đêm qua […] Mặc áo giáp mổ vừa nặng vừa nóng. Trong phòng mổ, không có máy lạnh, chỉ có một cửa sổ thông hơi […] Phòng mổ bây giờ không còn một giọt nước[…] Những khăn mổ dùng rồi, dính máu không có nước giặt[…] Ngay đến nước rửa vết thương còn không có lấy đâu nước ra giặt đồ…”[sđd, trang 200]

-[…] Tôi sửa soạn khâu lỗ thủng đầu tiên. Vừa khâu được một mũi, tôi nghe một tiếng hú của hỏa tiễn rít ngang trời[…] Qua mảnh kính vỡ của phòng mổ[…] Tôi kêu thượng sỹ Lý lấy thêm Catgut 3.0. Chưa nói dứt lời, một tiếng nổ nữa vang lên thật gần làm rung chuyển phòng mổ. Mảnh đạn và đất đá văng lên mái tôn nghe rào rào như mưa. Bụi trên trần nhà rơi xuống. Tôi hét cô Bích lấy khăn mổ đậy ruột lại. Cô lúng túng làm rơi khăn xuống đất. Tôi xòe hai bàn tay che lấy đống ruột[…] Chúng tôi toán giải phẫu đành đứng trơ mình chịu trận Hai trái nữa nổ bên trường trung học. Chúng tôi không thể nào bỏ bệnh nhân đi tìm chỗ núp trong trường hợp này. Bệnh nhân sẽ chết. Chúng tôi đành liều đứng làm việc như thường [.…] Vừa làm tôi vừa nói để mọi người quên sợ:

-Quý vị yên trí đi, mình làm công việc cứu người, trời không để hỏa tiễn rơi trúng đâu. Nếu địch có nhắm trúng đây, trời cũng lái nó ra chỗ khác chơi. Phải không cô Bích?

-Vâng ạ, nhưng tay bác sĩ khâu còn hơi run run thì phải.
-Sức mấy mà run, người hùng làm sao run tay được.

Tôi nói móc lại:

Không biết lúc nãy ai sợ quá đánh rớt cả khăn xuống đất nhỉ?

Mọi người cùng cười quên hết nỗi lo sợ vừa qua.… [sđd, trang 87-89]

Ông cũng là chứng nhân của việc lính Miền Bắc lái xe tăng bị xiềng, chết theo tăng trong trận chiến An Lộc:

-[…] Tôi thấy một bộ xương người ngay chỗ của tài xế. Chiếc xương sọ gục xuống bên tay lái. Cổ xương chân trái có một sợi dây xích cột vào cần lái xe. Mọi hồ nghi của tôi về việc này trong giây phút đó đã được hoàn toàn giải tỏa… [sđd, trang 368]

Tôi đã đọc hồi ký chiến trường của vài bác sĩ Hoa Kỳ phục vụ tại Miền Nam, nhưng từ bác sĩ Miền Nam như cuốn này thì rất hiếm. Mới đây, tôi tình cờ thấy Nhật ký An Lộc-86 ngày của một bác sĩ giải phẫu tại mặt trận của Bác sĩ Nguyễn Văn Quý đã được số hóa tại đây:

NHẬT KÝ AN LỘC (Bác sĩ Nguyễn Văn Quý)

Tôi có cảm tưởng bản số hóa này được chính tác giả giao vì chứa đựng nhiều hình ảnh màu rõ ràng và xen kẽ vào từng chương thay vì đen trắng rồi dồn vào phần cuối như cuốn sách đã xuất bản mà tôi có. Từ nay, một tài liệu quan trọng về Chiến tranh Việt Nam sẽ sẵn sàng cho người nghiên cứu, như ông đã linh cảm ngay khi mở đầu:

-Thực ra, trước đây, tôi không có ý định giới thiệu cuốn sách này với mọi người. Nhưng sau những dịp nói chuyện với một số bạn trẻ cỡ 30, 40 tuổi, tôi thấy họ không biết gì về cuộc chiến đấu chính nghĩa của quân dân Miền Nam chống lại sự xâm lăng của Cộng sản phương Bắc, do đó tôi thấy rất có lý để nhiều người cùng đọc. Hơn nữa sau biến cố 30 tháng 4, nhiều tài liệu của miền Nam đã bị hủy hoại cùng những hình ảnh cũng như những dữ kiện của cuốn sách này cũng là một đóng góp nhỏ của một quân y sĩ trong thời điểm lịch sử đó… [Bác sĩ Nguyễn Văn Quý, “Về tập nhật ký này”, sđd, trang 10]

Tới đây, tôi có thể kết luận rằng, trong mọi cuộc chiến, sự thật sẽ tự tìm vòng hoa của nó. Cúi mặt, chuyện người tù Miền Nam trong trại giam Cộng sản và Nhật ký An Lộc-86 ngày của một bác sĩ đội mũ sắt khi giải phẫu tại mặt trận— chuyện người lính chống giữ kiêm chữa trị cho bệnh nhân và thương binh hai bên–là những đóa hoa trên vòng hoa ấy.

B. Đội đá vá trời: Trần Văn Bá (1945, Sa-đéc-1985, Sài gòn)

Pháp vốn đại diện cho phần đất thuộc giới khuynh tả nhộn nhịp, từ triết gia đến sinh viên, nên sinh viên Miền Nam du học không nhiều thì ít đã có kinh nghiệm với họ. Hồi đó, tôi thường được đọc nhiều bài ca ngợi giới sinh viên Việt Nam khuynh Tả, nhưng rất ít được biết về phía Quốc gia. Cho tới khi gặp Trần Văn Bá. Năm 1973, theo học Phân khoa Khoa Học thuộc Đại học Sài gòn, tôi tham dự Chương trình Sinh Hoạt Sinh Viên Hè 1973 do Phủ Tổng Ủy Dân Vận tổ chức. Đinh Quang Anh Thái và tôi là đồng Trưởng Khối Liên Lạc, một trong 6 khối thuộc Ban Điều Hành.

clip_image014

Trần Văn Bá, Chủ tịch Tổng Hội Sinh Viên Việt Nam tại Pháp Phát biểu tại Phi trường Tân Sơn Nhứt
Khối Liên Lạc đón tiếp Phái đoàn Ân châu, ngày 1.8.1973
Tài liệu của Đinh Quang Anh Thái

Trần Văn Bá có giọng nói hiền hòa che giấu sự quả quyết sẽ được chứng tỏ sau này. Khi gặp và nghe giới thiệu, ông cười, một nụ cười thoảng rất nhanh làm như đã đợi gặp chỉ để hỏi:

-“Có chắc chị Trưởng Khối Liên Lạc không? Chỉ có chị ‘Nguyễn Thị Tạ Cúc’ thôi.”

clip_image016

Nhóm sinh viên thuộc Văn phòng Liên lạc Sàigòn đang họp tại trụ sở chuẩn bị cho một cuộc tiếp đón sắp tới.”
Nguyễn Tà Cúc, đồng Trưởng Khối, thứ ba từ trái qua, ngồi quay lưng trong hình
Kỷ yếu Sinh hoạt Sinh viên Hè 1973, trang 11-Tài liệu của Đinh Quang Anh Thái

Ông rút mảnh giấy nhầu đưa tôi xem. Tên tôi đã bị đánh máy sai thành “Nguyễn Thị Tạ Cúc”. Khi tôi nhắc Đinh Quang Anh Thái làm chứng, ông lại có một nụ cười thoảng qua khác:

-“Tôi tin. Gặp chị bữa rồi. Chị như vầy mà “tạ” nỗi gì. Mà sao ‘Tà’?”

Có một lần, nghe giọng một anh chàng ngâm nho nhỏ sau lưng “Cô không dám đi mau. Sợ chàng chê không giàu…”, tôi cố tình bước mau hơn. Người đi sau, chính là Trần Văn Bá, cũng bước mau hơn. Một cuộc “đi mau” không chính thức bắt đầu. Tôi nhớ lại lần qua căn cứ Bastogne, trèo lên ngọn đồi Tà luông, cũng có một ai “đuổi” sau lưng như vậy. Sau này, tôi tiếc đã không quay lại để, nếu là Trần Văn Bá, sẽ thách thức ông xem ai tới đích trước.

clip_image018

Thăm đồi Tà Luông, Căn cứ Bastogne, 1973

Trần Văn Bá có máu khôi hài một cách thầm lặng cũng như nét cười của ông trước đám đông. Một lần nghe tôi hỏi lại nghĩa một chữ tiếng Pháp mà phát âm trật, ông ghẹo:

-“Không biết nói tiếng Pháp, vậy chớ biết nói tiếng Nam không?”

Tôi đã biết sanh quán của ông khi sửa soạn tiếp đón các phái đoàn “hải ngoại”:

-“Không biết nói tiếng Sa-đéc, nhưng biết nói tiếng Nam.”

Ông không bỏ qua:

-“Nói thử nghe coi.”

-“Đèn nào sáng bằng đèn Sa-Đéc/Gái nào đẹp bằng gái Nha Mân/Anh thả ghe câu lên xuống mấy lần/Thương em đứt ruột, nhưng tới gần lại run“, rồi hỏi lại “Run chưa?”

Ông cười ngất. Có lần, ông hỏi “Chị nói giọng Hà nội hả?” Tôi biết ngay đã gặp “kỳ phùng địch thủ”. Có lẽ ông đã tìm hiểu về tôi và các sinh viên “quốc nội” trong Ban Điều Hành. Tôi thú thật: “Cũng không biết nữa. Chắc giọng Bắc di cư.”

Tôi ít có dịp gặp trừ phi ông muốn gặp ai đó, cần tôi kiếm dùm, nhưng những lần gặp ngắn ngủi cho thấy lý do ông được bầu làm Chủ tịch Tổng Hội Sinh viên tại Pháp: luôn lo lắng cho người khác. Ông muốn tôi, “liên lạc viên lạnh lùng, lạc lõng, lẻ loi, lâu lâu đi lạc”, hoặc bất cứ sinh viên nào, không cảm thấy bị lạc lõng hay lẻ loi, vì không phải ai cũng thoải mái ở đám đông như ông.

Rồi năm 1986, tôi nghe tin ông bị Chính phủ Cộng sản xử tử hình. Ông trở về Việt Nam ngày 6.6.1980, gia nhập lực lượng võ trang chống nhà cầm quyền Cộng Sản. Bị bắt ngày 9.9.1984. Bị Tòa án Nhân Dân Tối Cao, Thành Phố Hồ Chí Minh xét xử trong phiên tòa từ ngày 14 đến ngày 18 tháng 12. 1984 tại Sài gòn về tội “biệt kích làm gián điệp” cùng nhiều người khác như Mai Văn Hạnh, Lê Quốc Quân và Hồ Thái Bạch. Bị tuyên án tử hình ngày 18.12.1984. Bị hành quyết cùng đồng đội Hồ Thái Bạch và Lê Quốc Quân ngày 8.1.1985.

Mươi năm sau, khi làm Trưởng Ủy ban Nhà Văn Bị Cầm tù, Trung Tâm Văn bút Việt Nam Hải ngoại, có thêm phương tiện, tôi đã cố hỏi anh chị em bên Pháp hay tìm trong các bản báo cáo nhân quyền về cái chết tại pháp trường cũng như sau đó của ông nhưng không tìm thấy gì hơn.

Nhà văn/ký giả Oliver Todd, dành tặng cuốn Tháng tư tàn nhẫn-1975/ Sự sụp đổ của Sài gòn (Cruel Avril1975/ La Chute de Saigon) cho Chantal Charpentier và tưởng nhớ Trần Văn Bá:

clip_image020

A la mémoire de Tran Van Ba, pour Chantal Charpentier”
Oliver Todd, Cruel Avril- 1975/ La Chute de Saigon
Nhà Xuất bản Robert Laffont, Paris, 1987

Ông dành 3 trang trong chương cuối “‘Đội đá vá trời’/Casser de cailloux pour recourdre de ciel” thuật lại quãng 5 năm, từ tháng 4.1975 tới tháng 6.1980 và những ngày cuối của Trần Văn Bá tại Miền Nam. Tại biên giới Thái Lan, Trần Văn Bá nửa vui nửa rầu rầu, tâm sự với người anh Trần Văn Tòng tới thăm: “Em đang đội đá vá trời.” (trang 426, sđd). Không có bức hình nào cho người ta biết Trần Văn Bá bị dẫn ra pháp trường. Chỉ có bức hình chụp cảnh ông và bạn đồng tù đứng trước vành móng ngựa vì tội “biệt kích gián điệp”.

Tôi đã có dịp nhìn thấy bức ảnh. Tất cả mặc quần áo tù màu đen. Ông đứng thứ hai từ trái qua, người thấp nhất, tóc hói hơn một chút, vẻ mặt trầm ngâm nhưng không sợ hãi. Không có tin tức xác thực ông đã chết thế nào. Cũng theo Oliver Todd, Đại sứ Hồ Văn Lâu từ chối tiếp bà thân mẫu Trần Văn Bá.

Hai sinh viên thượng dẫn cùng có lúc cư ngụ tại Paris trước 1975 và cùng trở về Việt Nam sau 1975. Trần Văn Bá thành huyền thoại. Tôn Thất Lập thành…Tôn Thất Lập, một chú dế tàn hơi không còn nỉ non bài ca chống đàn áp. Màu đỏ nhuộm máu và lửa của trại cải tạo, của những chuyến vượt biển vượt biên, của nạn đói ngay tại Sài gòn trong thời Cộng sản không thấy tái hiện như loạt tranh biểu dương bắp thịt cùng quả đấm trong tranh Bửu Chỉ đã xuất hiện trong Miền Nam tự do. Một thời đấu tranh “chống Đế quốc Mỹ và Ngụy” đã bị hỏa thiêu bằng chính ngọn lửa và sức lao động vô ích của họ.

C. Đinh Quang Anh Thái: Muốn hòa giải phải sòng phẳng với quá khứ

Tôi sẽ kết thúc phần này với Đinh Quang Anh Thái, một thanh niên xem ra “thường thường bậc trung”, trưởng thành trong xã hội Miền Nam, trừ chiều cao là không “bậc trung” chút nào. Ông là một trong những người con trai của một gia đình trung lưu người Bắc di cư vào Nam.

Tôi còn nhớ, trong nhóm bạn hữu từ nhiều trường Trung học công tư, lúc nào ông cũng tế nhị và hào phóng. Nhờ ông, tôi mới biết và tham dự Chương trình Sinh Hoạt Hè 73. Nhận tôi vào cùng Khối Liên Lạc, tôi hiểu ông muốn che chở cho cô bạn hơi nhút nhát. Ngay từ hồi đó, mới hơn mười chín đôi mươi, ông đã chín chắn, một loại người của đám đông với tài ăn nói hoạt bát, thêm tác phong nghiêm chỉnh, rất nghiêm chỉnh.

clip_image022

Sinh viên xin lưu bút kỷ niệm
Trung Tướng Ngô Quang Trưởng viết vài giòng “lưu bút ngày xanh”tặng Đinh Quang Anh Thái, một trong nhiều sinh viên tham dự xin ông “lưu bút kỷ niệm
Bãi Tiên Sa, Đà Nẵng, tháng 8.1973
Kỷ yếu, trang 61-Tài liệu của Đinh Quang Anh Thái

Tuy là đồng Trưởng Khối, ông bận rộn hơn tôi nhiều, một thứ “thủ lãnh” không chính thức vì kiêm trách nhiệm hướng dẫn cả đoàn. Chiều cao quá khổ càng làm ông nổi bật hơn. Các cuộc du hành của chúng tôi thường nhắm tới những địa điểm quân sự như Trường Võ bị Quốc gia, Trường Đại học Chiến tranh Chính trị hay đồn lính. Đó cũng là lý do tôi muốn tham dự chương trình này hầu có dịp chứng kiến sự chiến đấu của Miền Nam một cách toàn vẹn hơn. Chúng tôi ì ạch trèo lên đồi Tà Luông cùng vài anh lính hộ tống, ai cũng nhuộm một màu bụi đỏ nhờ nhờ. Chuẩn tướng Lê Văn Thân thình lình xuất hiện bằng trực thăng, bộ quân phục không gợn một hạt bụi, thẳng nếp như vừa lấy từ tiệm “hấp tẩy nỉ sẹc”, đôi giầy bốt- đờ- sô (bottes de saut) bóng loáng “nẩy sao” (mượn chữ Hồ Trường An).

Trái lại, Trung tướng Ngô Quang Trưởng, trong vài lần tôi được gặp, có vẻ phong trần. Ông vui vẻ một cách trầm tĩnh, dè dặt một cách tự nhiên, ân cần một cách kín đáo. Tôi tự hỏi, Có khi nào đám sinh viên náo nhiệt hay bọn trẻ nhiệt huyết hăm hở như chúng tôi gợi ông nhớ đến thời hoa niên Tuổi hoa hồng kiêu hãnh của ta ơi!/ Tình đã hẹn ở trên đường nắng mới ? [Đinh Hùng].

Hồi đó, Đinh Quang Anh Thái và tôi còn có dịp thỉnh thoảng gặp nhau qua người bạn lính đóng tại Rừng Sác, sào huyệt Việt Cộng, chỉ cách Sài gòn vài chục cây số, nổi tiếng nguy hiểm. Nhiệm vụ ghi chép giúp tôi chứng kiến thêm nhiều nếp nhăn trên khuôn mặt chiến tranh. Tôi đã có dịp nhìn sững một mầu xanh thăm thẳm chờ đợi bên dưới chiếc trực thăng bay trên sông Lòng Tảo, lòng ngổn ngang những mối u tình. Tiếng cánh quạt, tiếng gió, bức thảm nước bên dưới tỏa ra rồi hút lại khi phi công bất ngờ thay đổi độ cao, một không gian rưng rức khép vào vài mạng sống giữa muôn trùng gió nước. Khi phi công bay quá sát mặt thảm nước, tôi có cảm tưởng chỉ cúi xuống đã có thể nhúng tay vào khối lỏng di động ấy. Sau này, mỗi lần đọc thơ Tô Thùy Yên là mỗi lần tôi bị đẩy về khoảng xanh đầy ma lực ấy:

Chiếc trực thăng bay là mặt nước
Như cơn mộng nhanh
Phá Tam Giang, phá Tam Giang
Bờ bãi hỗn mang, dòng bát ngát
Cát hôn mê, nước miệt mài trôi
Ngó xuống cảm thương người lỡ bước
Trời nước mông mênh, thân nhỏ nhoi
Vì sao ngươi tới đây?
Hỡi gã cộng quân sốt rét, đói
Xích lời nguyền sinh Bắc, tử Nam
Vì sao ta tới đây?
Lòng xót xa, thân xác mỏi mòn…

[Tô Thùy Yên, Chiều trên Phá Tam Giang]

Đêm 29.4. 1975, trên một chiếc xà lan chờ ra biển lớn, tôi thầm cầu nguyện cho ông và người bạn lính. Cả hai đều bị giam từ 6 tới 10 năm sau 1975.

Sau 1975, tôi gặp lại Đinh Quang Anh Thái lần đầu tại tòa soạn một tờ báo Việt ngữ tại Quận Cam.

Ôi cố hương xa nửa địa cầu,
Nghìn trùng kỷ niệm vẫn theo nhau…

(Thanh Nam, Mưa đêm trừ tịch)

Theo tiểu sử trên các cuốn , ông gia nhập Mặt trận Dân tộc Tiến bộ, phổ biến tờ báo Toàn dân Vùng dậy sau 1975. Ông bị bắt vào tháng 3. 1978 và được thả vào tháng 2.1984. Vượt biển tháng 6. 1984. Sang Hoa Kỳ, ông làm nhiều nghề trước khi tham dự giới truyền thông từ đài truyền thanh tới tuần báo hay nhật báo. Chức vụ cuối là Phụ tá Giám đốc Công ty Nhật báo Người Việt.

Trong hơn 25 năm hành nghề, đi nhiều gặp nhiều, ông có dịp phỏng vấn hay quen biết nhân vật trong chính trường của xã hội Miền Bắc và Miền Nam trong nước hay ngoài nước. Ông là một trong những ký giả tiên phong phỏng vấn được thành phần trí thức đối kháng như Dương Thu Hương, Hà Sĩ Phu… Ông dễ dàng nhận được sự tin cậy của cộng đồng người Việt tại Đông Âu, các xa nhân (tỵ nạn hay trốn đi qua miền tự do bằng xe lửa) hay tường nhân (vượt tường Bá Linh khi bức tường này bị sụp đổ) để viết phóng sự về họ.

Từ 2018 đến 2021, ông đã xuất bản 3 cuốn , tổng cộng hơn 700 trang.

clip_image024

Độc giả có thể đồng ý hay không đồng ý với phát biểu của nhân vật được phỏng vấn hoặc các bài tựa bạt, nhưng tôi có thể nói rằng phần tường thuật và kinh nghiệm của chính ông có thể tin cậy được. Những nhận xét tinh tế của một người trẻ từng hoạt động, đi tù nhiều năm, có lúc bị giam chung với những người nổi tiếng thế hệ trước như Hổ Hữu Tường, càng khiến 3 cuốn có giá trị ở chỗ đưa được chân dung, đôi khi phức tạp, của nhiều nhân vật xuất thân và hoạt động từ hai miền Nam Bắc một cách công bằng. Sự phán đoán sẽ thuộc về độc giả. Một trong những thành công khác của ông là giúp hoàn thành cuốn Tuyển tập Thơ, Tô Thùy Yên.

Về hưu, ông vẫn làm việc và hiện bình luận về các vấn đề Việt Nam cùng Thế giới trong Câu chuyện trong ngày, một chương trình phát hình trên You Tube cùng sự hợp tác của Nhà Sách Tự Lực.

Cuộc đời trôi đi, khi nhanh, lúc chậm. Từ thuở xuân xanh cho tới lúc Tuyết sương nhuốm nửa mái đầu hoa râm (Nguyễn Du, Truyện Kiều), thế hệ chúng tôi đã bước trên nhiều chiếc cầu gập ghềnh của một thời đang và sau tao loạn. Tôi trích dẫn một phần phát biểu của ông về trách nhiệm của những người lãnh đạo chính phủ Cộng sản Việt Nam nếu họ muốn “hòa hợp hòa giải dân tộc” nhân Ngày 30 Tháng 4:

[…] Sau khi đất nước chia đôi rồi, các ông bắt đầu tổ chức các trận đánh gọi là “giải phóng Miền Nam”. Bao nhiêu đồng bào đã chết oan khuất trong trận Mậu Thân do các ông[…] Trong trận đánh 1972, đồng bào của chúng ta đã bỏ phiếu bằng chân chọn tự do[…] Các ông đã kéo pháo bắn vào đoàn người tỵ nạn đó[…] Rồi sau năm 1975, các ông đã lừa cả một Miền Nam, bao nhiêu triệu người đã mất tuổi trẻ, tiêu tán cuộc đời, gia đình tan nát tại những trại cải tạo của các ông; rồi bao nhiêu đồng bào mình đã phải chạy ra biển để tìm lẽ sống. Cao Ủy Tỵ Nạn Liên Hiệp Quốc nói có nửa triệu người Việt Nam đã chết trên biển để đổi lại cộng đồng đang sống hiện nay […] Để rồi có người trong nước bảo rằng Cộng đồng Việt nên quên đi ngày 30/4, đừng gọi nó là Ngày Quốc Hận nữa, đừng gọi là Tháng Tư Đen nữa.

Không! Không bao giờ!

Các ông phải xét lại và các ông muốn nói tới chữ hòa hợp hòa giải dân tộc thì việc đầu tiên các ông bà đang lãnh đạo chế độ hiện nay phải sòng phẳng với quá khứ cái đã. Ngày nào quá khứ đó không được sòng phẳng, oan khiên của những người chết tức tưởi trong cuộc chiến vừa qua, trong đó có những bộ đội, trong đó có cả những cán bộ bị các ông đẩy vào chiến tranh Miền Nam, vì các ông nói với họ, các ông lừa mị họ, các ông che mắt họ rằng Miền Nam đang bị rên xiết dưới gọng kềm Đế quốc Mỹ và ‘đám Ngụy tay sai’. Cho đến khi đồng bào Miền Bắc đi vào trong Nam rồi họ mới thấy[…].

Đọc đi, chính các ông đọc đi! Các ông đọc thấy những nhà văn trong Đảng của các ông về cái sự đau đớn của họ vì đã bị các ông lừa mị. Và họ đã nói gì khi nhìn thấy đồng bào trong Nam?[…] Cá nhân tôi, hôm nay là ngày 30 tháng 4, dân tộc chúng ta đã kết thúc một cuộc chiến tranh. Không ai muốn chiến tranh hết […] nhưng điều đó không có nghĩa là dân tộc Việt Nam cứ cúi đầu chịu đựng nữa khi tập thể lãnh đạo họ không dám sòng phẳng với quá khứ…” [Đinh Quang Anh Thái, “Muốn hòa giải phải sòng phẳng với quá khứ”, ngày 21.4.2021 https://www.youtube.com/watch?v=br9vN-ZcEl4]

Phải chăng người ra đi thường nghĩ tới quá khứ vì họ chỉ có chừng đó? Không hẳn. Tôi nghĩ quá khứ không đồng nghĩa với một thứ của hương hỏa cho người thoát thân may mắn, như một rương châu báu lâu lâu mang ra ngắm nghía hòng tự an ủi. Tuy thế, chính vì rương châu báu nên có kẻ bèn vu cho đó là hàng mã một cách không “sòng phẳng”. Đối lại, cộng đồng tỵ nạn, từng liều mạng với cơn sóng dữ Biển Đông hay biên giới hãi hùng, sẽ tiếp tục, qua con cháu của họ, ghi lại lịch sử cùng với rương châu báu ấy.

(Còn tiếp)

___________________________________
Chú thích

3. “Buc tho cua ong Joseph Marie Ho Hue Ba goi qui vi linh muc, tu si, va anh chi em tin do cong giao trong mien Nam Vietnam nhan ngay Chua giang sinh lan thu 1962, 23127065001. 01 January 1962, Box 27, Folder 065, Douglas Pike Collection: Unit 05 – National Liberation Front, Vietnam Center and Sam Johnson Vietnam Archive, Texas Tech University, https://www.vietnam.ttu.edu/virtualarchive/items.php?item=23127065001, Accessed 19 Aug 2022.”

bài đã đăng của Nguyễn Tà Cúc

Cancel


Xin vui lòng bày tỏ trách nhiệm và sự tương kính trong việc sử dụng ngôn ngữ khi đóng góp ý kiến. Da Màu dành quyền từ chối những ý kiến cực đoan, thiếu tôn trọng bạn đọc hoặc không sử dụng email thật. Chúng tôi sẽ liên lạc trực tiếp với tác giả nếu ý kiến cần được biên tập.

Lưu ý: Xin vui lòng bỏ dấu tiếng Việt để giúp tránh những hiểu lầm đáng tiếc từ độc giả trong việc diễn dịch ý kiến đóng góp. Bài không bỏ dấu sẽ không được hiển thị. Xin chân thành cám ơn.

3 Bình luận

  • Long Nguyen says:

    Ca khúc thời VNCH

    Phần tôi, tôi rất cổ võ sự trở lại của mọi sản phẩm văn hóa Miền Nam. Đó là 1 cách hữu hiệu giúp Ngôn ngữ Việt phục hồi phần ngữ vựng tốt đẹp … (trích, NTC)

    Yup! Tôi cũng nghĩ như vậy. Theo tôi, ngoài văn học, rất may là người Việt còn có khá nhiều ca khúc thời VNCH để lại. Lời trong hầu hết ca khúc ấy rất tình và thơ. Trong điều kiện người Việt sinh hoạt nước ngoài, những lyrics ca khúc này vô hình trung rất tiện lợi khi nghe, tôn vinh nét đẹp, duyên và tình của VN. Xét về mặt văn chương. Nó đúng là văn chương. Chân thiện mỹ. Bằng cớ là nó đã và đang sống hùng hồn, nó hiện hữu, không thể thiếu trong đời sống của người dân VN hải ngoại và quốc nội.

    Phố đêm đèn mờ giăng giăng,
    màu trắng như vì sao gối đầu ngủ yên.
    Phố đêm nhiều lần suy tư
    khi nhở còn trong đời
    những ngày thương tích lớn.
    (Phố Đêm, ca khúc Tâm Anh)

    Hôm xưa tay nắm tay nhau anh hỏi tôi rằng:
    “Những gì trong đời ta ghi sâu vào tâm tư
    không tan theo cùng hư vô,
    không theo tháng năm phai mờ
    tình nào tha thiết anh ơi?”
    (Chiều Thương Đô Thị, ca khúc Song Ngọc, Hoài Linh)

    Ai biểu anh làm thinh
    Ɛm ngỡ anh vô tình
    Ɲgàу xưa đôi bên thật thân
    Mẹ khuуên anh sang học chung.

    Anh viết thư thật haу
    Anh viết văn rất tài
    Ðọc nghe rưng rưng trời mâу
    Ɲgẩn ngơ em quên học bài
    (Ai Biểu Anh Làm Thinh, ca khúc Trầm Tử Thiêng)

    Có một dạo, giới ca nhạc VN gọi các ca khúc bolero thời VNCH là nhạc sến nhạc muồi gì đó. Bây giờ theo thời gian hình như lối gọi này cũng gần như biến mất.
    Họ không biết, các nhạc sĩ thời đó thích chọn các điệu nhạc Latin như bolero, cha cha cha, rumba, tango vì vô hình trung các thể điệu này theo nhịp chẵn 2/4 và 4/4. Hơi nhanh, tiết tấu rộn rã, có phần hợp với bài bản cổ nhạc VN, hợp với ca dao câu chẵn lục bát. Và tính yêu thích hát và múa của âm nhạc dân gian VN.
    Tôi thấy như vậy. Điều này cũng có thể nghiên cứu dưới khía cạnh văn hóa và âm nhạc.

    Cảm ơn nhà văn Nguyễn Tà Cúc, mong được đọc công trình nghiên cứu về ngôn ngữ ca khúc Song Ngọc trên Da Màu.

  • Long Nguyen says:

    Ngôn ngữ và chủ trương của Mặt Trận Giải Phóng Miền Nam

    “Một tuyển tập gồm những bài hát ngập ngụa máu và lửa, khích động nông dân “vùng dậy”, cổ võ thanh niên tại thành thị bạo động cướp chính quyền, “chiếm Hạ Viện” nhân danh “cách mạng” vv. nghĩa là thứ ngôn ngữ và chủ trương của Mặt Trận Giải Phóng Miền Nam trong tay Đảng Cộng sản, dù có thể tác giả không cố ý.” (trích, NTC)

    Có như vậy thật. Có một loại ngôn ngữ rất đặc thù của VC. Bây giờ thì sau gần 1/2 thế kỷ VC cai trị VN người Việt đã quá quen thuộc với loại ngôn ngữ hiện hành. CSVN là tổ chức lãnh đạo độc tài độc đảng và toàn trị. Thì dĩ nhiên ngôn ngữ cũng phải toàn trị. Phải mới, văn hóa mới. Mới nghĩa là cách mạng. Cách mạng nghĩa là đảng CS. Mà đảng CSVN thì gắn chặt sinh mệnh với CSTQ. Tôi gọi rất gọn (và chính xác theo sách vở văn bản của VC) là VC. VC = đảng CSVN. ở VN, đảng CS đồng nghĩa với chính quyền, chính phủ và nhà nước.

    Rất nhiều người trong lĩnh vực văn học ngoài nước và trong nước không đồng ý với luận điểm: tiếng VC. Theo họ không có cái gọi là tiếng VC, chỉ có tiếng VN của thời đại mà thôi. Tùy họ. Vì họ đang “đồng hành” với VC bằng cách này hay cách khác. Ý của họ là muốn “xây dựng.” Tốt. Tôi thì chả muốn xây dựng hoặc đánh đổ. Tôi không muốn giống VC. Không xài tiếng VC. Thế thôi.

    • Nguyễn Tà Cúc says:

      A- Chú thích bổ sung cho 2 tấm ảnh trong Phần B. Đội đá vá trời: Trần Văn Bá (1945, Sa-đéc-1985, Sài gòn)
      1) Khối Liên Lạc/Văn Phòng Liên Lạc Sinh Viên Quốc Nội và Hải Ngoại tại Sài Gòn:
      Từ trái sang phải và từ dưới lên, ngược chiều kim đồng hồ:
      -Hàng nữ: 2 cô thành viên và Nguyễn Tà Cúc.
      -Hàng nam: thành viên Nguyễn Cường, Nguyễn Diên, Hoàng Thọ Phồn và Hồ Trọng Hùng
      2) Thăm đồi Tà Luông, Căn cứ Bastogne, 1973- Từ trái sang phải:
      -Hàng trước: Trung tá Hoàng Mão-Trung đoàn trưởng Trung đoàn 3 Sư đoàn 1 Bộ binh, nhạc sĩ Ngô Mạnh Thu, sinh viên Đinh Quang Anh Thái,
      -Hàng sau: Các sinh viên tham dự.
      Xin cảm ơn ký giả Đinh Quang Anh Thái đã chú thích hộ. Giờ này, những bạn đầy lý tưởng đã gánh vác công việc trong Khối ở đâu? Cho tôi gửi lời thăm các bạn.
      B- Ngôn ngữ Việt Nam Cộng Hòa
      Tôi đố độc giả và ông Long Nguyễn đoán được ai là tác giả những câu (hát) sau đây trước khi đọc tới chú thích:
      “…Những giọt máu đến ngày trổ bông/* Dân ta tắm máu tươi*. Tuổi trẻ Việt nam ngồi vào chiếc xe lăn/Nhớ chân tay nào đã cách xa thân mình* Chính chúng ta phải có mọi quyền/Đứng lên đòi thống nhất quê hương* Đứng lên đòi thống nhất quê hương/… Một giòng cuồng lưu/Mở đời tự do/Nhà tù hò reo/ Khi đất này địa ngục dựng lên/Chính chúng ta dành lấy mọi quyền/Quyền chối từ chém giết anh em/… Anh em quyết lòng/Đứng lên !* Ngày nào dân ta đi dựng cờ/Một đời âm u sẽ sáng loá/Bao năm dân ta cúi đầu chờ/Hèn mọn thân trai không dám nhớ* Xây cách mạng dựng đời người mới/Dân ta thề quyết lòng giữ nước/…Xin dân tộc hãy vùng lên * Việt Nam ơi xin hãy vùng lên/Ngày mai đây dưới bóng cờ thiêng * Ðã đến lúc cách mạng tiến lên/Cho đất này chợt dậy đấu tranh …”[Trịnh Công Sơn, Ta phải thấy mặt trời, Nhân Bản phát hành, 7.000 cuốn, Sài gòn, 1969- https://www.tcs-home.org/songs/albums/T06%5D
      Nhiều độc giả sẽ ngạc nhiên, phải không? Vâng, đó chính là Trịnh Công Sơn sử dụng loại ngôn ngữ đầy máu và bạo động thuộc Mặt Trận Giải Phóng–cùng một loại ngôn ngữ âm nhạc của Tôn Thất Lập và ngôn ngữ hội họa của Bửu Chỉ– nhắm vận động thanh niên nam nữ và người dân Miền Nam giúp Đảng Cộng Sản Việt Nam lật đổ chính phủ VNCH.
      Tôi đang hoàn chỉnh bài viết về nhạc sĩ Song Ngọc nên có phần so sánh ngôn ngữ Quốc gia khi đặt song song với ngôn ngữ Việt Cộng/Đảng Cộng sản VN giới hạn vào thời gian trước 1975 và tác động của cả hai sau 1975. Tôi muốn chứng minh khi Đảng Cộng sản thiêu đốt hay bắt bớ sản phẩm văn hóa Miền Nam, họ không chỉ thiêu hủy tác phẩm mà còn tiêu diệt cả tính chất của một ngôn ngữ đọc-viết-nói đã tồn tại trong một quốc gia đã chống lại họ. Ngôn ngữ cũng là một thứ vũ khí để thuyết phục, để đe dọa, để tấn công và nhất là để truyền tín hiệu như thí dụ Trịnh Công Sơn. Khi ông viết những bài nhạc đó, ông đã gửi tín hiệu rằng ông theo và cổ võ cho Cộng sản dù tôi cho rằng sẽ đánh giá ông quá cao nếu kết luận Trịnh Công Sơn có lý tưởng hay tham vọng chính trị (như chứng minh trong bài viết về Song Ngọc).
      Không chỉ ngôn ngữ-Viết, họ đã muốn tiêu diệt ngôn ngữ-Nói là giọng Hà Nội, một thành phố tiểu tư sản cũng có khi “đồi trụy” và cũng chống lại họ như Sài gòn. Sách của tác giả bị cấm, dân Hà Nội bị buộc dọn ra những vùng đèo heo hút gió, có khác gì dân Sài gòn và Miền Nam bị đuổi ra vùng Kinh tế Mới? Dẫn đến sự suy vi của giọng Hà Nội đến nỗi người Sài gòn phải ám chỉ “giọng Hà Nội 2 nút hay 9 nút”.
      Nhưng sau nửa thế kỷ, loại ngôn ngữ như những bài nhạc thượng dẫn của Trịnh Công Sơn và của nhiều nhạc sĩ Miền Bắc đã biến mất trong khi bài Chiều thương đô thị (Song Ngọc) với ngôn ngữ Miền Nam do Quán quân Thần tượng Bolero Phương Ý hát đã đạt được hơn triệu rưởi khán giả chỉ trong 2 năm. Mặt khác, có dịp tiếp xúc với giới nghiên cứu và bạn hữu trẻ trong nước ngày nay, tôi nhận thấy họ viết tiếng Việt rất chính xác và phong phú. [Ở đây, tôi chỉ có thể góp ý vắn tắt về việc sử dụng ngôn ngữ trong lãnh vực nghiên cứu.]
      Phần tôi, tôi rất cổ võ sự trở lại của mọi sản phẩm văn hóa Miền Nam. Đó là 1 cách hữu hiệu giúp Ngôn ngữ Việt phục hồi phần ngữ vựng tốt đẹp từng xây dựng được trong quá khứ trong khi vẫn có thể tiến lên theo dòng chẩy của tương lai mà không bị ám ảnh chính trị chỉ huy hay hướng dẫn.-

@2006-2023 damau.org ♦ Tạp Chí Văn Chương Da Màu
Log in | Entries (RSS) | Comments (RSS)