Trang chính » Biên Khảo, Điêu Khắc, Giới thiệu nghệ sĩ, Nghệ Thuật Email bài này

Hành trình của Mẹ: Điêu khắc Ron Mueck

0 bình luận ♦ 14.07.2022

Hành trình của mẹ, đó là một hành trình vô cùng đơn độc. Ca dao Việt đã mô tả cái đơn độc đó bằng hai câu đối đơn giản mà vô cùng thấm thía đối với những ai đã từng trải qua: Đàn ông đi biển có chúng có bạn / Đàn bà vuợt cạn một thân một mình.

Đấy là chưa kể nếu chuyện sinh nở không xuông xẻ. Hoặc phải bỏ con, hoặc phải bỏ mẹ, hoặc cả hai vì phức tạp y tế. Tại Mỹ và những nước tân tiến, người cha được khuyến khích hiện diện trong phòng sanh để hỗ trợ cho vợ. Tôi còn nhớ, và thích thú khi nghe một anh bạn đồng nghiệp người Mỹ kể chuyện là sau khi lập gia đình, rồi “chúng tôi mang thai”, thay vì là chỉ có chị vợ của anh mang thai. Tôi hài lòng thấy con trai và các ông bố trẻ thế hệ nó đã bỏ thì giờ ra theo các lớp hướng dẫn sinh nở để giúp các cô vợ của họ.

Từ thai nghén, nghe thân thể mình thay đổi, như thân thể của ai đâu. Tới sinh nở, với những cơn đau đẻ tưởng như vô tận. Và sau đó là những năm dài nuôi con. May mắn thì bà mẹ có người phối ngẫu cùng chia sẻ đoạn đường hậu sinh nở nuôi dưỡng dài cả chục năm này. Không may, một thân một mình nuôi con lấy.

Nhân loại có cả một kho tàng nghệ thuật ca ngợi người mẹ. Không thiếu tranh tượng tô vẽ những hình ảnh mẹ con âu yếm nhau tuyệt vời. Ít ai, nhất là nghệ sĩ thuộc nam giới, theo tôi, diễn tả được những gì thực sự diễn ra trong hành trình của người mẹ với cảm xúc tinh tế, niềm đồng cảm sâu sắc, như điêu khắc gia Ron Mueck.

Trước khi mời bạn bước vào thế giới điêu khắc độc đáo của người nghệ sĩ tạo hình gốc Úc này, tưởng cũng nên duyệt qua hình ảnh về hành trình của Mẹ, khởi đầu là sự kiện Mẹ mang thai.

Hành trình của Mẹ trong nghệ thuật

Ngay cả trong nghệ thuật tạo hình hiện đại, ta cũng thấy ít tranh tượng mô tả người phụ nữ mang thai. Với giới làm nghệ thuật tạo hình cổ điển Tây phương, đó là điều cấm kỵ, không phải do vì tôn trọng riêng tư của người phụ nữ, mà đó là … chuyện đàn bà, không đáng nói tới, chứ đừng nói tới chuyện nghệ thuật hoá hình ảnh đó. Chưa kể là có thể còn… phạm thượng nữa. Vì chẳng phải Đức Mẹ Đồng Trinh không mang bầu mà vẫn có Chúa Hài Đồng đấy sao? Lại vẫn còn trinh tiết nữa.

Chủ bút Angie Kordic của tạp chí nghệ thuật điện tử Widewalls phát hành từ Thụy Sĩ đã làm một cuộc truy cứu về đề tài này, qua bài “Cái đẹp thai nghén trong nghệ thuật từ trường phái Tân thời tới giờ” (The Beauty of Pregnancy in Art from Modernism till Now).

“Trong khi hình ảnh phụ nữ và trẻ em được mô tả rộng rãi xuyên qua lịch sử nghệ thuật, thì hình ảnh mang thai rất hiếm thấy,” ông viết. “Có người đổ tại các quy tắc của nghệ thuật cổ điển, cho là thân thể người đàn bà với cái thai không có chỗ đứng trong nghệ thuật. Trong khi đó, có người đổ tại ảnh hưởng của điều cấm kỵ do niềm tin nơi sự thụ thai tinh khiết của Đức Mẹ Đồng Trinh.”

Tuy nhiên, Kordic, một kiến trúc sư và hoạ sĩ đường phố gốc Serb, tiếp là “dần dà theo thời gian, đề tài này đã tìm được cách leo lên bệ cao và lọt vào các khung hình, dần gỡ bỏ tấm màn che phủ lên sự tranh cãi và nhận thức sai sót về một hiện tượng tự nhiên này.”

Hình ảnh mang thai trong nghệ thuật tạo hình xưa, hàng trên, từ trái: Vệ nữ Willendorf, Autralia, khoảng 25,000 năm truớc Tây lịch, bằng đá limestone; trái giữa, chân dung thương gia Arnolfini và vợ đang mang bầu, sơn dầu, do hoạ sĩ Jan Van Eyck vẽ năm 1434; phải giữa, bức La Donna Gravida (tiếng Ý là người đàn bà mang bầu), sơn dầu của danh hoạ Raphael, vẽ khoảng 1505; và phải, bức danh hoạ Mona Lisa của Leonardo da Vinci, qua kỹ thuật hiện đại chụp bằng hồng ngoại tuyến và 3D, cho thấy có thể hoặc bà đang mang bầu hoặc vừa sanh xong khi bà ngồi mẫu cho da Vinci.

Hàng dưới, hình ảnh mang thai trong nghệ thuật tạo hình xưa, từ trái: Hope II, 1907 by Gustav Klimt; trái giữa, Pregnant Woman (La femme enceinte), 1950-1959, tượng của Picasso; phải giữa, Pregnant Girl, 1960-61, sơn dầu của Lucian Freud; và phải, Vanity Fair magazine cover, August 1991, với bức chân dung diễn viên Demi Moore mang bầu bẩy tháng, do nhiếp anh gia danh tiếng Annie Leibovitz thực hiện.

Hành trình của Mẹ qua các tác phẩm điêu khắc của Ron Mueck

Như đã viết ở trên, tôi chưa thấy nghệ sĩ tạo hình nào diễn tả được những gì thực sự diễn ra trong hành trình của người mẹ với cảm xúc tinh tế, niềm đồng cảm sâu sắc, như điêu khắc gia Ron Mueck. Mời bạn bước vào thế giới độc đáo của điêu khắc gia mà có người ví với danh sư Michaelangelo này.

Điêu khắc gia Ron Mueck sinh năm 1958 tại Melbourn, Úc, hiện định cư tại London.  Ông không hề tốt nghiệp trường mỹ thuật nào, và chỉ mới chính thức bước vào nghệ thuật tạo hình như một nghệ sĩ vào cuối thập niên 1990 sau khi ông tham dự cuộc triển lãm có tên là “Sensation: Young British Artists From the Saatchi Collection” tại Royal Academy ở London.

Bên cạnh những tác phẩm nghệ thuật của các danh tài hiện đại, tác phẩm “Dead Dad / Xác Bố” của một Mueck vô danh, bằng chất silicone và mầu acrylic, lại lôi cuốn khách thưởng ngoạn một cách đặc biệt vì tính cách siêu hiện thực của bức tượng: một xác đàn ông trần truồng, nhỏ hơn người thật, nằm thẳng cẳng, nét mặt thây ma nhợt nhạt, nhăn nheo, chờ khâm liệm.

Lặng lẽ song sâu xa và sắc bén, tác phẩm “Xác Bố” đi thẳng vào lòng người, bất kể đó là một người tò mò hay dửng dưng, với những chi tiết tiếp tục bám lấy trí người xem ngay cả sau khi đã ra khỏi phòng triển lãm. Những chi tiết như những sợi râu xanh đậm lâu ngày không cạo trên cái cằm xanh xao, những móng chân ngả vàng và đôi chân lem luốc  lam lũ.

Nhà báo Sean O’Hagan của tờ The Observer của Anh, trong bài giới thiệu cuộc triển lãm vào tháng 8, 2006 của Ron Mueck tại Luân Đôn, đã hồi tưởng lại về sự xuất hiện lặng lẽ song như một luồng sóng ngầm mãnh liệt của pho “Xác Bố” trong kỳ triển lãm cuối thập niên trước, như sau: “Bao quanh bởi một bầu không khí kích động, những tác phẩm khiêu khích ồn ào của các nghệ sĩ đồng thời nhưng tiếng tăm lừng lẫy hơn, tác phẩm nhỏ bé, gần như một mặc niệm hết sức thân thiết về cái chết, dường như lại trở nên lôi cuốn hơn cả. Đây là một tác phẩm đầy biểu tượng. Hồi ấy, câu hỏi: ‘Bạn đã thấy Xác Bố chưa?’ đã trở thành câu đầu môi chót lưỡi [của nhiều người trong giới nghệ thuật].”

“Ron Mueck đã,” O’Hagan viết, “đạp tung cánh cửa của buổi triển lãm Sensation và nẫng tay trên vầng hào quang vậy.”

Sau cuộc triển lãm “Xác Bố” (đã được một nhà sưu tầm nghệ phẩm tư tại Mỹ mua), Mueck dành toàn thời cho việc sáng tạo. Tác phẩm gây xôn xao kế đó là “Crouching boy / Cậu bé ngồi xổm”, cao cỡ một cái xe buýt hai tầng, được trưng bầy tại cuộc triển lãm Venice Biennale kỳ thứ 49 năm 2001 tại Ý. Trước đó một năm, ông là người thứ năm được National Gallery, London mời cộng tác trong chương trình artist-in-residence. Đây là một chương trình hai năm nhằm tạo điều kiện cho một nghệ sĩ sáng tạo có cơ hội nghiên cứu những tác phẩm trong bộ sưu tầm của viện bảo tàng và sáng tác nên những tác phẩm của riêng mình.

Một số kết quả của thời gian này dẫn tới cuộc trưng bầy vào năm 2003 tại National Gallery, London, với bốn tác phẩm điêu khắc độc đáo của Mueck: “Man in Boat / Thuyền nhân”, tượng một người đàn ông khỏa thân, nhỏ hơn ngươi thường, ngồi khoanh tay lọt thỏm hiu quạnh, dáng như phó mặc, trong một cái thuyền như trôi trong hư không. Và đặc biệt là bức “Mother and Child / Mẹ và Con”, cỡ nhỏ hơn người thường, mô tả một người đàn bà vừa trải qua cuộc “vượt cạn” còn nằm trên bàn sinh, mệt nhọc, tóc bết mồ hôi bơ phờ, song vẫn cố ngóc đầu lên nhìn đứa con sơ sinh cuộn mình nằm trên bụng mình như chưa muốn rời sự bảo bọc trong bụng mẹ, hài nhi còn nối liền với bụng mẹ bằng sợi nhau chưa cắt lòng thòng nhuốm máu hồng.

Cũng trong thời kỳ sinh sống và làm việc tại National Gallery ở London này, ông thực hiện pho tượng “Pregnant Woman” cao 2.5 mét. Lần đầu nhìn thấy hình chụp pho tượng mang tựa đề “Pregnant Woman / Người đàn bà mang thai”, tôi không khỏi sững sờ, choáng ngợp, vì tính cách hiện thực tới độ gần như siêu thực, và đề tài độc đáo: phơi bầy một cách không dấu diếm thân thể một người đàn bà mang thai sắp tới ngày sinh, mà vẫn nói lên được tính chất mong manh, mệt nhọc song dịu dàng của một người đàn bà mang thai khỏa thân đứng cao lớn hơn người thật, hai tay vắt chéo trên đầu như để thêm sức đỡ cho cái bụng bầu to tướng tròn vo, khuôn mặt hơi cúi, nét mệt mỏi, đôi mắt nhắm, cặp môi hé, những lọn tóc lòa xoà trên làn da lấm tấm mồ hôi.

Với khả năng nhạy cảm tinh tế và niềm đam mê cao độ của một nghệ sĩ tạo hình, Mueck đã say sưa một cách hồn nhiên — cái hồn nhiên mà tôi nghĩ có lẽ một phần do ở chỗ ông không hề được nhào nắn trong một khuôn khổ trường ốc giáo điều nào, và do ảnh hưởng từ một thời thơ ấu vây quanh bởi những đồ chơi trong xưởng sản xuất đồ chơi của bố mẹ — mô tả đời sống như ông cảm nhận được, cộng với những nghiên cứu tìm tòi rất công phu để có thể lột tả được những chi tiết rất thực, chẳng hạn, về người đàn bà mang thai, một cách tài tình và sống động.

Thai nghén: “Pregnant Woman”, 2002
https://nga.gov.au/on-demand/ron-mueck/

Sinh nở: “Mother anh Child”, 2002
https://ropac.net/online-exhibitions/51-ron-mueck-25-years-of-sculpture-19962021/

Nuôi dưỡng: “Woman with Shopping”, 2013
https://www.fondationcartier.com/en/collection/artworks/woman-with-shopping

 

Ông Brian Kennedy, khi còn là giám đốc National Gallery of Australia, trong bài nói chuyện vào năm 2004 khi giới thiệu pho tượng “Pregnant Woman” viện bảo tàng vừa mua được, với giá 800,000 Úc kim, đã mô tả khung cảnh xưởng điêu khắc dành riêng cho Mueck tại National Gallery, London, nơi ông thực hiện pho tượng, như sau: “Xưởng điêu khắc nơi Ron Mueck làm việc là một bằng chứng đáng kinh ngạc về mức tận tụy của ông. Tại một góc phòng trên nền nhà là một tấm nệm, nơi nghỉ ngơi đơn sơ của ông sau cả đêm loay hoay với công trình nặn tượng. Một cuốn sách về thai nghén nằm giữa những khúc chân tượng loại bỏ của thời gian chuẩn bị cho pho tượng.”

“Mueck đặc biệt quan tâm tới những chi tiết hiện thực dù nhỏ nhặt tới đâu,” ông Kennedy tiếp. “Đôi chân của tượng đạp vững vàng trên nền nhà, chống đỡ tấm thân mệt mỏi. Từ những móng tay, đầu gối, núm vú, tất cả được diễn tả rất hiện thực một cách tinh vi, kết quả của một công trình nhận xét và nghiên cứu tỉ mỉ.”

Mueck giải thích tại sao pho tượng “Người đàn bà mang thai” nhắm mắt, cho thấy sự cảm nhận vô cùng tế nhị của điêu khắc gia. “Một hôm trong lúc ngồi trong tiệm cà phê của National Gallery [London],” vẫn theo lời kể lại của ông Kennedy, “ông [Mueck] để ý tới một phụ nữ có thai với đôi mắt nhắm nghiền như chìm trong một suy nghĩ riêng tư, cho phép người khác chiêm ngưỡng tình trạng mang thai của mình [mà không cảm thấy bị bối rối].

“Mueck bèn đi tới quyết định là pho tượng của ông cũng sẽ nhắm mắt để có được sự riêng tư , đồng thời vẫn cho phép người xem chiêm ngưỡng hình ảnh mang thai mà ít cảm thấy bối rối trước hình ảnh khỏa thân. Đôi mắt của pho tượng ‘Dead Dad’ cũng nhắm nghiền. Những đề tài hóc búa như chết chóc và mang thai sẽ khó thực hiện hơn nếu đối tượng mở mắt,” ông Kennedy kể.

Nói chung, những tác phẩm điêu khắc của Ron Mueck có cái lớn hơn người thật, có cái nhỏ hơn, không có cái nào bằng người thật. Mueck kể, trong một buổi chuyện trò với phóng viên Sarah Tanguy của tạp chí Sculpture, là ông không bao giờ nặn tượng lớn bằng người thật, bởi vì “Chúng ta đã thấy người thật hàng ngày rồi còn gì.”

Nhưng lớn hay nhỏ thì bức tượng nào cũng được Mueck chăm sóc từ sợi tóc, cái lông nheo, lỗ chân lông, cả những tàn nhang hết sức tỉ mỉ tinh vi, sống động và hiện thực có lẽ hơn cả… hiện thực, với những đề tài của đời sống quanh ta mà nhiều khi chính ta, tuy có hoặc tưởng là đã thấy đấy, song thực ra chưa thực thấy. Những tác phẩm của Ron Mueck không nhiều thì ít gây một phản ứng nào đó nơi người thưởng ngoạn, như thắc mắc không biết “nhân vật” này đang nghĩ gì, nhìn và thấy hay đang trao đổi với nhau những gì, hay các cảm nhận rất riêng tư. Có người đã bật khóc khi ngắm tượng “Xác Bố” vì chợt nghĩ tới bố mình lúc chết.

Tác phẩm của Ron Mueck mang nội dung bao gồm những đề tài muôn thuở, như sinh, lão, bệnh, tử, và các sinh hoạt đời thường.

Mời xem một số tác phẩm tiêu biểu (hình ảnh lấy phần lớn từ các nguồn khác nhau trên Internet).

Một đứa bé gái vừa lọt lòng mẹ to lớn, gấp cỡ nhiều chục lần một hài nhi bằng người thật, cuống rốn còn nguyên chưa cắt lòng thòng, nhuốm máu hồng từ bụng mẹ vẫn còn vương trên da thịt. (“A girl/Một bé gái”, 2006)

Hai bà già nhỏ hơn người thật đứng đối diện nhau nhưng cùng nhìn vào một đối tượng nào đó với cái nhìn soi bói mà người xem không thể biết câu chuyện họ đang trao đổi là cái gì nhưng vẫn không khỏi tò mò thắc mắc. (“Two women”, 2005)

Một phụ nữ, to gấp nhiều lần người thật, nằm trên giường nét mặt còn vương giấc ngủ, ánh mắt bâng khuâng như cố nhớ lại giấc mơ vừa trải qua, hay bị bệnh nằm một chỗ nghĩ tới bao việc phải làm? (“In bed”, 2005)

Một người đàn ông mập mạp, to gấp nhiều lần người thật, trần truồng ngồi thu lu trong một góc phòng triển lãm, nét mặt khắc khoải, vẻ cô độc. (“Big man”, 2000)

Một cậu bé ngoại khổ khom người ngồi xổm, nửa khuôn mặt khuất sau cánh tay tì trên đầu gối, mắt hé dòm ra ngoài. (“Crouching boy”, 2001)

Một cặp trẻ đang thì thầm nhỏ to chuyện gì với nhau. (“Young couple”, 2013)

Một cặp vợ chồng cao niên ngoại khổ nằm dưới cây dù nhiều mầu, với người đàn ông vắt tay ngang trán, đầu gối trên đùi người đàn bà đang cúi xuống với đôi mắt ân cần, thăm hỏi. (“Couple Under Umbrella”, 2013)

Và nhỏ hơn người thật là pho tượng một người đàn ông nằm chết trần truồng, nhỏ nhoi, vô nghĩa, trên một phiến hình chữ nhật mầu trắng trống trải, hiu quạnh. Pho tượng Mueck tạc trong thời kỳ để tang cha, và đã đưa ông vào dòng nghệ thuật chính thống. (“Dead Dad”, 1996-97)

Ron Mueck có tiếng là kín đáo, ít chịu cho phỏng vấn hay giải thích về các tác phẩm của mình, và hầu như chả bao giờ la cà ở những nơi tụ họp của các nghệ sĩ ở Luân Đôn hay trung tâm nghệ thuật nào. Ở nhà điêu khắc tài ba vô cùng nhậy cảm này là một phối hợp độc đáo giữa nghệ thuật làm người bằng sáp và khả năng đem cái nghệ thuật ấy lên cao thêm một bậc, đó là lột tả được cả nội tâm của chân dung tượng, làm chúng trở nên sống động như thể đang trực diện đối thoại trong thầm lặng với người xem, và khiến ta không khỏi không dán mắt vào đó, như thể muốn được đi sâu vào “tâm tư” của pho tượng trước mắt mình.

Và đó chính là điều Mueck mong muốn. “Mặc dù tôi tốn nhiều thì giờ tạc nên bề ngoài [của mỗi bức tượng], thế nhưng chính đời sống bên trong [của chúng] mới chính là điều tôi muốn nắm bắt.” (“Although I spend a lot of time on the surface, it’s the life inside I want to capture,”) Mueck có lần nói.

Một số tác phẩm điêu khắc của Mueck cũng đã gặp những chỉ trích, có lẽ vì nhiều người không thấy thoải mái khi nhìn những pho tượng vừa trần truồng, vừa quá hiện thực với đầy đủ sắc mầu thiên nhiên, khác với điêu khắc truyền thống chỉ có một, hai mầu thường là trắng hay đen, và những cặp mắt trống không. Lại có tượng quá vĩ đại, phô bầy lộ liễu. Điển hình là bức “Pregnant Woman” cao lớn, sừng sững, và “Mother and Child” tuy nhỏ hơn người thường, song, như những bức ngoại khổ khác, vẫn có một sức mô tả vừa mãnh liệt lại vừa dịu dàng, nói lên sự mong manh của người đàn bà có thai sắp tới lúc khai hoa nở nhụy, hoặc vừa trải qua một cuộc “vượt cạn” vất vả, cam go, cho cả mẹ lẫn con, đầy ắp nhân tính.

Ít người đã được thấy tận mắt hình ảnh một người đàn bà mang thai khỏa thân, và nhất là cảnh người đàn bà vừa sanh con, cuống rốn của đứa hài nhi còn nối liền với tử cung của người mẹ như bịn rịn chưa muốn rời khỏi nơi yên ấm đầy bảo bọc trong bụng mẹ. Nhiều người có lẽ  còn coi đó là một điều cấm kỵ, hoặc rất riêng tư của người đàn bà.

Điêu khắc gia Ron Mueck đã cống hiến cho đời những pho tượng hiện thực hơn cả hiện thực, đồng thời khiến ta cảm thấy như cũng được đồng hành với hành trình gian nan song tuyệt đẹp của Mẹ.

[TD 2007, 2010, 2013, 2022/07] 

 

Videos

The Making of Pregnant Woman
https://www.youtube.com/watch?v=pTy5cORM3CI

The World of Ron Mueck
https://www.youtube.com/watch?v=sGB4Ew87ieA

Triển lãm: Ron Mueck 25 Years of Sculpture, 1996–2021
https://ropac.net/online-exhibitions/51-ron-mueck-25-years-of-sculpture-19962021/

 

bài đã đăng của Trùng Dương

Phần Góp Ý/Bình Luận


Xin vui lòng bày tỏ trách nhiệm và sự tương kính trong việc sử dụng ngôn ngữ khi đóng góp ý kiến. Da Màu dành quyền từ chối những ý kiến cực đoan, thiếu tôn trọng bạn đọc hoặc không sử dụng email thật. Chúng tôi sẽ liên lạc trực tiếp với tác giả nếu ý kiến cần được biên tập.

Lưu ý: Xin vui lòng bỏ dấu tiếng Việt để giúp tránh những hiểu lầm đáng tiếc từ độc giả trong việc diễn dịch ý kiến đóng góp. Bài không bỏ dấu sẽ không được hiển thị. Xin chân thành cám ơn.

@2006-2025 damau.org ♦ Tạp Chí Văn Chương Da Màu
Log in | Entries (RSS) | Comments (RSS)