- Tạp Chí Da Màu – Văn chương không biên giới - https://damau.org -

Thay Lời Tựa Cuốn Ba Chị Em

Có thể nói, sách tiếng Việt của người Việt Nam Hải ngoại đang ở trong buổi hoàng hôn, vì thế hệ của những nhà văn một thời vang bóng của Việt Nam Cộng Hoà đã lần lượt ra đi gần hết, những người còn lại hầu như đã rửa tay gác bút. Trong khi đó người viết mới bằng tiếng Việt lại vắng bóng, năm thì mười họa mới thấy một cây viết mới xuất hiện trên văn đàn Hải ngoại.

Hiện nay, ở Hải ngoại chỉ còn lại một nền văn chương lão hoá, giống như ngọn đèn cạn dầu sắp tắt. Sở dĩ tôi ví von như vậy vì người viết ở Hải ngoại ngày càng ít đi, ít đến độ có thể đếm được trên đầu ngón tay, đồng thời số lượng độc giả gần như biến mất không còn nữa.

Tôi nhớ nhà văn Ngọc Cường có viết trong phiếm luận “72 Năm Nhìn Lại” một đoạn như sau: “Ngày nay quý độc giả ghé qua tòa soạn báo Người Việt ngay chỗ hành lang, sẽ thấy trên tường, đầy rẫy sách bày bán, người viết có thể nhiều hơn người đọc”.

Tôi mạo muội góp ý với ông Ngọc Cường: “Người Viết ở Hải ngoại không còn nhiều lắm đâu, làm gì có chuyện đầy rẫy, tuy ít như vậy nhưng số lượng người viết vẫn còn nhiều hơn người đọc”. Đó là điều tôi muốn chia xẻ với nhà văn Ngọc Cường.

Thực vậy, theo con số thống kê của Wikipedia thì năm 2017, có hơn 4 triệu rưỡi Việt kiều sống rải rác khắp mọi nơi trên thế giới, trong đó chỉ riêng ở Hoa Kỳ đã có hơn 2 triệu 2 trăm ngàn. Và, Quận Cam thuộc miền Nam của tiểu bang California có tròm trèm gần 2 trăm ngàn người Việt sinh sống. Với một số dân đông đảo như vậy nhưng ở Quận Cam chỉ còn lại hai tiệm sách. Hai tiệm sách cho hai trăm ngàn dân, quả thật là một con số hết sức khiêm nhường.

Trong buổi hoàng hôn của một nền văn chương lão hoá như vậy, nhà văn Ngọc Cường một thân một mình lửng thững đi vào nơi gió cát, đi mà không một chút e dè ngại ngùng, chuyện ông đang đi giữa hoàng hôn.

Năm 2014, ở vào cái tuổi 67, đang đứng trước ngưỡng cửa Cổ Lai Hy, thay vì trút bỏ mọi lo toan nhọc nhằn để an hưởng tuổi già thì ông Ngọc Cường lại cầm viết. Ở cái tuổi này mới bắt đầu viết, rõ ràng là đã quá muộn. Biết là muộn nhưng tại sao ông vẫn viết? Câu hỏi đặt ra, phải chăng có một động lực nào đó đủ mạnh để thúc giục ông viết. Riêng cá nhân tôi, tôi tin là có.

Với sức viết khá mạnh, trong vòng 4 năm, nhà văn Ngọc Cường cho ra đời ba tập truyện: năm 2014 BÈO GIẠT, năm 2016 HỆ LỤY, năm 2018 BÂNG KHUÂNG. Tất cả ba cuốn sách trên đều do Nhà xuất bản Người Việt phát hành. Và hôm nay, năm 2020 giữa cơn đại dịch COVID 19 có một không hai trong lịch sử, nhà văn Ngọc Cường cho ra đời tác phẩm thứ tư: BA CHỊ EM.

BA CHỊ EM là tập truyện gồm có bảy truyện ngắn và một phiếm luận của nhà văn Ngọc Cường vẫn do Nhà Xuất Bản Người Việt phát hành năm 2020. Trong tập truyện này, hình như truyện “Ba Chị Em” là truyện tác giả ưng ý nhất cho nên ông đã lấy tên truyện ngắn này đặt cho tên sách.

Sau đây tôi xin lướt qua vài truyện ngắn trong tập truyện BA CHỊ EM.

Truyện “Người Bạn Vong Niên”, nói về ba người bạn học ở trường Luật, sau 20 năm xa cách, họ gặp nhau ở Cali.

Truyện “Hai Buổi Chia Tay ở Gard du Nord””, ba người bạn ngày xưa cùng học Đệ nhất Chu Văn An Sài Gòn. Sau khi đậu Tú tài toàn phần, hai người sang Pháp du học, người ở lại đi lính. Mấy chục năm sau họ gặp lại nhau ở Pháp với hai lần chia tay tại Gare Du Nord.

Truyện “Ký Ức Huyền Ảo”, với nhân vật chính tên Ân, âm thầm yêu một nữ sinh Văn khoa ở Sài Gòn, mối tình câm này đeo đẳng anh ta hơn 40 chục năm.

Phiếm luận “72 Năm Nhìn Lại”, nhân vật xưng tôi lúc nhỏ học trường Tây, đậu Tú tài toàn phần vào lúc 17 tuổi, băn khoăn trước ngưỡng cửa Đại học, động viên vào Thủ Đức, sĩ quan Quân Lực Việt Nam Cộng Hoà, học tập cải tạo, sang Mỹ tốt nghiệp Đại học, công chức tại tỉnh nhỏ ở tiểu bang Ohio. Sống yên lặng, trôi theo vận mệnh cho đến cuối đời chợt nhìn lại không biết mình là ai.

Nhà văn Ngọc Cường đã tẩn mẩn tỉ mỉ viết về những kinh nghiệm của cuộc sống, những đổi thay mà ông đã trải qua trong suốt hơn bảy chục năm hiện diện trên cõi đời, từ lúc còn là cậu học sinh trung học, sinh viên đại học rồi đi lính cho đến ngày mất nước, tiếp theo là những năm tháng sống lưu vong nơi xứ lạ quê người. Trong suốt cuộc đời tỵ nạn, cùng với vợ con sống hơn 40 năm trong một tỉnh nhỏ của tiểu bang Ohio nước Mỹ, hình như lúc nào nhà văn Ngọc Cường cũng BÂNG KHUÂNG về thân phận ăn nhờ ở đậu của mình, thân phận của những giề lục bình trôi nổi trên sông với vị trí thấp kém của tấm thân BÈO GIẠT, để rồi sau đó tấp vào bờ lau, bãi sậy, mà những HỆ LỤY của nó nếu có sẽ là câu hỏi muôn đời không có câu trả lời. Giống như nhân vật xưng tôi trong phiếm luận “72 Năm Nhìn Lại” của nhà văn Ngọc Cường, khi viết xong cuốn truyện, ông băn khoăn tự hỏi, không biết ai là tác giả.

Với cái nhìn đầy chủ quan của một người ngoại cuộc, tôi tin rằng đó là nguyên nhân sâu xa, thầm kín, khiến nhà văn Ngọc Cường bắt đầu cầm bút khi ông ta sắp bước vào cái tuổi Cổ Lai Hy.

 

 

 

bài đã đăng của Huy Văn Trương