Trang chính » Hình bìa nghệ thuật của Da Màu, Thư Tòa Soạn, Tòa Soạn Email bài này

hình ảnh nghệ thuật tuần lễ 02.05–08.05.2022: Thy Phú và nhiếp ảnh “phản kháng” của cộng đồng Việt tỵ nạn

Warring Visions Cover  Refugee ID photo - Courtesy Hanh Pham  Hoang Tich Dai Trang in 1979 - Dai Trang Woznicki & Carina Huang

Hình (1), trang bìa quyển Warring Visions: Photography and Vietnam của Giáo sư Thy Phú; hình giữa (2) ảnh chụp một gia đình tỵ nạn vừa đến trại trong cuộc triển lãm Vietnam from the Rearview Mirror (Việt Nam Nhìn Từ Kính Chiếu Hậu của viện bảo tàng Wing Luke, Seattle, tiểu bang Washington (courtesy Hanh Pham); và hình (3), ảnh căn cước tỵ nạn của Hoàng Tích Đài Trang (courtesy of Đài Trang Woznicki & Carina Hoang) 

Trong truyện “Mở Tương Lai” của Đặng Thơ Thơ, nhân vật Hồng Trang hiện hồn về dặn người nhà đừng cho bố mẹ cô biết về cái chết của cô trong chuyến vượt biển không thành, mà “nói với các cụ là cô đi thoát rồi, [bằng cách] lấy hình cũ của cô ghép vào hình gia đình bên Úc rồi gửi về cho các cụ xem. Mỗi tháng nói em cô viết một lá thư gửi về thăm nhà …. Trong mười năm trời người nhà làm đúng theo lời trối (sau khi chết) của cô. Những tấm hình gửi về nhà bao giờ cũng có Hồng Trang tươi cười đứng giữa nhiều người. Ai cũng già đi, chỉ có Hồng Trang là vẫn thế.”

Lời trối trong mơ của Hồng Trang tượng trưng cho nỗ lực sáng tạo chống lại uy quyền và số mệnh hà khắc, như một cách viết lại lịch sử của người Việt tỵ nạn. Tương tự, Thy Phú, Giáo sư ngành Truyền Thông (Media Studies) của Đại học Toronto, Canada, vừa ra mắt tác phẩm nghiên cứu Warring Visions: Photography and Vietnam (Những Hình Ảnh Đối Nghịch: Nhiếp Ảnh và Việt Nam) (Duke University Press, 2022).

Qua nỗ lực nghiên cứu này, Giáo sư Thy Phú khai phá vai trò của nhiếp ảnh bằng cách thu thập các hình ảnh từ những cộng đồng phân tán trên khắp lãnh thổ Việt Nam cũng như trong cộng đồng người Việt hải ngoại, được chụp trong thời chiến và và sau chiến tranh, để cho ta thấy những xung đột phức tạp giữa ký ức và dữ liệu. Vì lịch sử về cuộc chiến Việt Nam từ trước đến nay đã được thuật lại–gần như sáo mòn–qua các phim tài liệu và nhiếp ảnh chiến trường của các phóng viên làm việc cho các hãng thông tin Mỹ, tác giả chuyển tầm nhìn nghiên cứu của bà vào các bức ảnh do chính người Việt Nam lưu hành, bao gồm nhiều đề tài, đối tượng, thời điểm và bối cảnh. Cách Giáo sư Thy Phú định nghĩa về nhiếp ảnh chiến tranh cũng được nới rộng, bằng cách tương phản những hình ảnh tuyên truyền của chính quyền miền Bắc–không phân biệt ranh giới giữa cộng đồng và cá nhân–đã chụp những người dân hăng hái góp sức vào công cuộc giải phóng đất nước–do đó đề cao thông điệp chính trị phù hợp với sự mong ước của khán giả khuynh tả quốc tế, với hình ảnh của người miền Nam và cộng đồng tỵ nạn hải ngoại, phần nhiều chú trọng vào gia đình và cuộc sống hàng ngày. Tác giả phân tích rằng không chỉ những hình ảnh được coi là tiêu biểu của chiến tranh, mô tả cảnh tượng bạo lực, đau đớn của những cơ thể Việt Nam bị phá hủy, như ảnh Tướng Loan hành quyết Bảy Lém của Eddie Adams, hay ảnh “em bé Napalm” Kim Phúc trần truồng khóc chạy trên con đường Trảng Bàng của Nick Út, mà chiến tranh cũng hiện diện như bóng ma không hẳn là vô hình trong những hình ảnh của người miền Nam và dân tỵ nạn chụp các sinh hoạt gia đình, đám cưới và những cảnh đời thường trong thời chiến cũng như sau cuộc chiến. Do đó, nhiếp ảnh–ngay cả trước khi kỹ thuật digital có thể biến hóa hiện thực—vẫn có khả năng phản kháng và/hoặc “biên tập lại” hiện thực, biến nạn nhân thành cá nhân chủ động, như truyện “Mở Tương Lai” của Đặng Thơ Thơ đã chứng minh. Tóm lại, qua Warring Visions–tựa sách là một cách chơi chữ trong tiếng Anh vì “warring” vừa có nghĩa là chiến tranh vừa là sự tương phản, đối nghịch–Thy Phú dẫn chứng cách chiến tranh đã và vẫn đang được phổ biến, tuyên truyền, chuyển dụng qua nhiều tầm nhìn, cũng như cách nó được trải nghiệm trong bối cảnh đời thường, và do đó vẫn là một phản ứng đối lại nhưng vẫn thuộc về chiến tranh. Nói chung thì cách định nghĩa/diễn dịch chiến tranh của người dân miền Nam và cộng đồng tỵ nạn vẫn chưa được coi là một hòa giải thực sự giữa người dân và lịch sử/chính quyền.

Cũng vì khái niệm chiến tranh hiện chưa được hòa giải giữa người miền Nam và lịch sử cũng như chính quyền Việt Nam, nên sự kiểm duyệt/bôi xóa/viết lại những điều bị coi là nhậy cảm vẫn còn tiếp diễn. Trong tuần, ký sự “Đi nhặt xác đồng bào Quảng Trị trên Đại lộ Kinh Hoàng” của nhà văn Trùng Dương tưởng nhớ thảm trạng của 50 năm trước, vào mùa hè Đỏ Lửa 1972, khi Đại lộ kinh hoàng–tên gọi một đoạn đường dài khoảng 9 km tại tỉnh Quảng Trị–là nơi hàng ngàn người vừa lính vừa dân đã bị quân Bắc Việt vượt sông Bến Hải thảm sát. Trái lại, theo báo Nhân dân, cơ quan ngôn luận của Đảng Cộng sản Việt Nam, thì đây hoàn toàn là một sự vu khống của chính phủ Việt Nam Cộng hòa, vì biến cố này thật ra là một “hòa chiếm,” do “xe tăng của Bắc quân thậm chí còn bật đèn soi cho binh lính quân đội Sài Gòn chạy trốn và thường dân tản cư … êm ả đến mức người ta đồn rằng đã có một thỏa ước giữa Quân lực Việt Nam Cộng Hòa và Cộng sản.”

Sau gần nửa thế kỷ, chiến tranh hiện chưa chấm dứt vì vấn nạn bóp méo sự thật vẫn xảy ra như cơm bữa và tự do ngôn luận chưa được tôn trọng. Vào ngày 24 tháng 4, bài tham luận của nhà văn Nguyễn Lệ Uyên (Đoàn Việt Hùng) về nhà văn Võ Hồng đã bị Ban Tổ chức loại bỏ vào giờ chót ra khỏi buổi hội thảo quốc gia của Đại học Phú Yên tại Tuy Hòa, do đã sử dụng tài liệu của các nhà văn lấy từ các trang mạng ở nước ngoài, trong đó đáng chú ý là đoạn trích dẫn cho biết nhà văn Nguyễn Mộng Giác mượn 150 trang viết về chiến tranh của hai sĩ quan quân lực Việt Nam Cộng Hòa là Hoàng Khởi Phong với Ngày N+  và Cao Xuân Huy với Tháng Ba gãy súng để đưa vào bộ trường thiên tiểu thuyết Mùa biển động [của nhà văn Nguyễn Mộng Giác]”!

Trong tuần, Da màu xin trân trọng giới thiệu với bạn đọc bài tham luận không-được-thừa-nhận của nhà văn Nguyễn Lệ Uyên.

***

Lịch trình trong tuần

Thầy Bói”  Ngón Tay”-  hai truyện chớp của Nguyễn Đức Tùng
”The Ukraine”-
truyện ngắn của Artem Chapeye / Ngu Yên chuyển ngữ từ bản tiếng Anh của Zenia Tompkins
“Đi nhặt xác đồng bào Quảng Trị trên Đại lộ Kinh Hoàng”-
Ký sự và collage của Trùng Dương
“Gia Tài Của Võ Hồng”-
tham luận của Nguyễn Lệ Uyên
“Chuyên Ba Thành Phố”-
nhận định của Trần C. Trí
“Tác Giả và Dịch Giả” –
tạp ghi/đối thoại giữa Paul Christiansen Trần thị NgH 

bài đã đăng của Đinh Từ Bích Thúy

Phần Góp Ý/Bình Luận


Xin vui lòng bày tỏ trách nhiệm và sự tương kính trong việc sử dụng ngôn ngữ khi đóng góp ý kiến. Da Màu dành quyền từ chối những ý kiến cực đoan, thiếu tôn trọng bạn đọc hoặc không sử dụng email thật. Chúng tôi sẽ liên lạc trực tiếp với tác giả nếu ý kiến cần được biên tập.

Lưu ý: Xin vui lòng bỏ dấu tiếng Việt để giúp tránh những hiểu lầm đáng tiếc từ độc giả trong việc diễn dịch ý kiến đóng góp. Bài không bỏ dấu sẽ không được hiển thị. Xin chân thành cám ơn.

@2006-2023 damau.org ♦ Tạp Chí Văn Chương Da Màu
Log in | Entries (RSS) | Comments (RSS)