Trang chính » Bàn Tròn, Bàn Tròn: Chiến Tranh Việt nam, Bàn Tròn: Nghệ Thuật & Chính Trị, Biên Khảo, Tư Liệu Email bài này

Ngô Kha và Cuộc chuyện trò cuối năm – Phần 2

11 bình luận ♦ 13.07.2009

[tiếp theo Phần I]

Phần II

“ Tuy nhiên Chủ Nghĩa Xã Hội và đảng Cọng Sản có phải là một với nhân dân không? Đó là vấn đề, một vấn đề rất mới và không kém phần khắc nghiệt.

“ Bà dì toi, mạ moi và hết thảy mọi người trong đa số nhân dân thầm lặng đang nói: Hoà bình cái đã, mọi chuyện sẽ tính sau. Chữ “sau” trong câu nói cửa miệng ấy chỉ là một khoảnh khắc. Liền sau cái khoảnh khắc ấy, nhân dân Việt Nam, từ người lãnh đạo cao nhất đến người dân vô danh tiểu tốt, đều sẽ là người Tự Do. Mọi người có trách nhiệm và có quyền tham dự vào việc định hướng cho đất nước mình.

“Moi không có ý định làm rối trí toi khi nêu ra một vấn đề có tính lí thuyết vào cái thời điểm mà những con người hành động như toi cần phải tập trung mọi sức lực để đánh trận cuối cùng. Một vận động viên đang chạy nước rút sắp tới đích, bất cứ sự vướng bận nào cũng là sai lầm không thể tha thứ. Moi biết như thế

“ Tuy nhiên câu hỏi toi đặt ra cho moi, đối với moi, lại là một vấn đề không chỉ là sự lựa chọn có ý nghĩa hành động mà còn là vấn đề thuộc lãnh vực lí thuyết.

“Lên núi hay không lên núi đối với một người đã khẳng định từ đầu là chỉ đi với người Cọng sản các toi đến hết cuộc hành trình Độc lập, Thống nhất và Hoà bình như moi, không chỉ đơn giản như một tiều phu hay một du kích, một cán bộ lên xuống núi vì nhu cầu kinh tế hay vì nhiệm vụ cần phải thi hành.

“Từ lâu vị trí chiến đấu của moi là trường học là đô thị, và mãi cho đến khi kết thúc thắng lợi cuộc chiến tranh, thì vị trí đó cũng không thay đổi. Rất nhiều lúc moi hoang mang, lo sợ trước những đe doạ chết người từ chính quyền Việt Nam Cọng hoà. Và đã có lúc moi đã nghĩ đến việc tạm lánh một nơi nào đó như vào Sàigòn chẳng hạn hay lên chiến khu như đề nghị của các toi. Nhưng vào Sàigòn hay lên chiến khu thì xem như rời bỏ vị trí của mình. Vị trí của moi như thế nào, các toi và chính quyền này hiểu rõ hơn cả moi. Vì hiểu rõ như thế nên cả hai phía đều có hai biện pháp ứng xử khác nhau. “ Phía các toi thì chỉ phối hợp, gợi ý từ xa, các mối ràng buộc không vượt quá quan hệ tình cảm, bạn bè. Và như thế xét trên nhiều mặt có lợi cho phong trào và thoải mái hơn cho cá nhân moi. Về phía chính quyền Việt Nam Cọng hoà, họ thà đối diện với một Việt Cọng, dễ ứng xử và ít nguy hiểm hơn với một kẻ nội thù như moi.

“Một cán bộ Việt Cọng không thể đứng lớp từ trường này qua trường nọ, tháng nọ qua năm kia, trước hàng ngàn học sinh con em của hàng ngàn gia đình đủ mọi thành phần trong thành phố, kêu gọi Mỹ rút quân, phê phán tố cáo chế độ Việt Nam Cọng hoà hiếu chiến lệ thuộc, tay sai, tham nhũng, vi phạm các quyền dân chủ dân sinh. Và trong những trường hợp cần thiết, do yêu cầu của kháng chiến, thì phát động bãi khoá, xuống đường, mitting, biểu tình…, nhân danh là thành viên, là bộ phận của nền dân chủ tư sản và trên lý thuyết được hiến pháp, luật pháp của chế độ Việt Nam Cọng hoà bảo hộ, được dư luận “tiến bộ” trong hệ thống thế giới tự do đồng tình, can thiệp. Và đặc biệt, tạo tác nên một tình trạng rối loạn giữa lòng đối phương, gây chia rẽ hoang mang dao động trong hàng ngũ đối phương, tạo cơ hội cho “phe ta” tấn công đối phương trên cả hai mặt trận quân sự lẫn chính trị.

“ Ở lại vị trí của mình là lí do thứ nhất moi không lên núi.

“ Lí do thứ hai là moi không muốn lún sâu vào guồng máy, mà chắc chắn như đinh đóng cột là đảng Cọng sản sẽ lái đất nước tiến lên Xã Hội Chủ Nghĩa sau khi đã tiến hành thắng lợi cuộc chiến tranh giải phóng. Để chúng ta không nợ nần gì với nhau, và cũng để chúng ta – các toimoi – tránh được một tình trạng khó xử khi mỗi người là một công dân tự do đứng trên cái nền tảng chung là Dân tộc, Đất nước mà thể hiện trách nhiệm và quyền hạn của mình.

“ Chúng ta cùng nhìn về tương lai chứ không phải moi nhìn về tương lai theo ngón tay chỉ đường của đảng Cọng sản.

Toi yên chí là moi không làm rối trí các toi bằng lí thuyết trừu tượng. Có lẽ moi đã lạm ngôn khi dùng các từ: làm rối trí các toi. Moi xin rút lui câu vừa nói. Không ai có thể làm rối trí các toi bằng bất cứ một lí thuyết trừu tượng nào trong cảnh huống đảng Cọng sản là chủ nhân ông của tất cả mọi thắng lợi. Tâm trí các toi đã tràn đầy, viên mãn, không thể nhận thêm bất cứ thứ gì. Và cũng trong cảnh huống ấy, bất cứ thứ gì không phải từ miệng các toi nói, từ tay các toi chỉ cũng đều là tàn dư của đế quốc, thực dân, phong kiến, là CIA mai phục, là phản ứng giai cấp.

“Hay là các toi nói sá gì một cá nhân là moi, một cá nhân còn bảo thủ quá nhiều tàn tích của phong kiến, một cá nhân được đào tạo hít thở trong nền giáo dục văn hoá thuộc địa, một đệ tử của chủ nghĩa tư sản phản động, một trí thức thủ lĩnh của các phần tử tiểu tư sản quá quen với những cuộc xuống đường đấu tranh vì các mục tiêu chiến thuật: dân chủ, dân quyền trong chế độ “Mỹ Nguỵ”. Moi là một tên phản động mới trong cuộc cách mạng Xã Hội Chủ Nghĩa.

Moi chấp nhận hết tất cả mọi thuộc từ tệ hại mà các toi dành cho moi, bới các toi đã sáng chế những ngôn từ ấy chẳng phải để mà chơi. Người Cọng sản rất nghiêm túc trong tất cả các cuộc đấu tranh của mình. Ngôn từ cũng là súng đạn, gươm giáo trong các cuộc đấu tranh ấy. Moi chấp nhận hết, bởi moi biết các toi không thể nhìn trí thức, nhìn quần chúng, nhìn đất nước, nhìn thế giới theo một nhãn quan nào khác sau một cuộc trường chinh nhọc nhằn khổ nạn đến như vậy. Moi chấp nhận hết, vì moi biết sẽ không có bất cứ sức mạnh nào có thể làm các toi thay đổi mục tiêu của mình. Trừ thực tế.

“ Các toi đã có những kinh nghiệm từ vụ Nhân Văn giai phẩm, do vậy mà các toi sẽ không để cho một tình trạng tương tự xảy ra ở miền Nam sau chiến tranh. Moi cũng có những hiểu biết về vụ Nhân Văn giai phẩm, từ các cuộc nổi dậy ở Budapest hồi 1956, ỏ Nga hồi Stalin, ở Trung quốc thời cách mạng Văn hoá, ở Tiệp khắc hồi 1968 … Do vậy mà moi cũng sẽ không làm bất cứ việc gì để cho tình thế thêm rối ren đổ vỡ không cần thiết. Đất nước, Dân tộc cần hàn gắn, nghỉ ngơi, hoà hợp sau chiến tranh.

“Một triều đại bắt đầu cũng như một mũi tên được bắn đi từ cây cung. Mũi tên bay xa hay gần tuỳ theo sức bật của cung thủ, tuỳ theo lực hút của đia cầu và cũng tuỳ theo tác động của thời khí. Đời sau muốn học lịch sử, có thể tránh được những kinh nghiệm xương máu.

“ Cung thủ trong trường hợp này là đảng Cọng sản, một đảng đã hình thành, tôi luyện, lớn lên cùng Dân tộc, với Đất nước suốt bốn mươi năm chống ngoại xâm và thắng lợi vang dội trước những kẻ thù xâm lược giàu mạnh, hung hãn nhất của thời đại. Một đảng như thế, một cung thủ như thế khi đã quyết thì tất nhiên Chủ Nghĩa xã Hội nhất định phải bắt đầu song hành với cuộc chiến tranh giải phóng và sẽ thừa thắng xông lên liền sau khi nền độc lập được vãn hồi, thống nhất được thực hiện. Cũng như mũi tên nhất định sẽ bay đi từ đôi tay của người cung thủ.

“ Không gì, không ai có thể cản trở, làm thay đổi quyết tâm của đảng Cọng sản trước tình và thế này.

Moi sẽ làm gì, sẽ sống ra sao trong cái đất nước Xã Hội Chủ Nghĩa của người Cọng Sản các toi?

“ Và không chỉ có moi, mà hàng mấy chục triệu người Việt Nam, kể cả những người đã góp từng giọt máu, từng hạt lúa, từng đứng chung với các toi trong một chiến hào sẽ đặt câu hỏi này.

Toi thử hình dung một đa số tuyệt đối chỉ được quyền nhìn theo hướng ngón tay chỉ của một thiểu số, đi đứng nằm ngồi, cử động chân tay, làm việc, suy nghĩ, nói năng, cảm xúc, vui buồn theo mệnh lệnh và sự ban phát của một thiểu số, thì đó là cái gì vậy?

“Mỗi lần nghĩ về một ngày nào đó không xa, là một cán bộ giáo dục đến trường đến lớp với những giáo trình đã được soạn sẵn, moi chỉ có việc đọc nguyên xi từ đầu đến cuối không sót một câu, không sai một chữ, không thiếu một dấu phết (dấu phẩy) và moi sẽ cho điểm tốt, điểm xấu các học trò mình theo tiêu chí đó, moi ớn lạnh cả người.

“Không, nhất định moi không thể là một cán bộ giáo dục và học trò moi không thể là những cái băng cassette chỉ biết thu phát những gì moi đọc, moi kiểm tra.

“ Không, nhất thiết moi không là cán bộ gì cả, moi là một thầy giáo, một trí thức như ông nội moi muốn, như đám học trò moi đã tin yêu, như mạ moi đã từng chăm sóc, che chở và hy vọng.

‘Trong chiến tranh moi là một thầy giáo kháng chiến ở cương vị của mình. Và trong hoà bình moi sẽ là một thầy giáo, một trí thức tham dự với ý thức tự do và niềm tự hào vào công cuộc xây dựng đất nước, xây dựng con người. Học trò moi, bạn bè cùng thế hệ của chúng và những thế hệ tiếp theo sẽ là những con người tự do. Chúng sẽ hạnh phúc nhiều hơn moi, bởi điều kiện và bối cảnh chúng sống sẽ tốt hơn những gì moi đã trải nghiệm. Đáng buồn, đây chỉ là cuộc viễn mơ.

“Thực tế là, trong đất nước Xã Hội Chủ Nghĩa nhất định sẽ tới theo như ý chí của đảng Cọng sản, nếu không là thầy giáo, là trí thức, moi có thể làm được gì?

“Làm tổ trưởng tổ hợp tác thợ hớt tóc ư?

“Làm quản lý hợp tác xã mua bán ư?

“Bửa củi, xách nước, lau sàn trong nhà của các cán bộ lãnh đạo để đổi lấy miếng bánh từng ngày như bác sĩ Zivago của Boris Pasternak ư?

“Hay gánh phân, bắt ốc, chăn trâu như Quang Dũng, Hữu Loan, Trần Dần, Lê Đạt, Phùng Quán, Hữu Đang ư …?

“ Cả những việc ấy cũng chẳng để dành cho moi nữa, bởi thù ngoài đã quét. Đặng cá, thì bẻ câu thôi.

“Đất của nhà Chu. Trời của nhà Chu. Trăm họ của nhà Chu. Thóc của nhà Chu. Rau trên núi Thú Dương cũng là của nhà Chu …

“ Vậy thì còn gì cho kẻ sĩ như Bá Di, Thúc Tề sống nữa?

“ Không chỉ có Bá Di, Thúc Tề, không chỉ có những người như moi mà tất cả hàng chục triệu người thuộc thành phần chính trị thứ ba hôm nay, và là mấy chục triệu người Việt Nam ngày mai trên mọi miền đất nước sẽ không có một cuộc sống bình thường, bình dị như họ đã hằng ao ước trong suốt hàng trăm năm nô lệ, nếu đảng Cọng sản, bằng ý chí của mình, quyết gắn kết Dân tộc với Chủ Nghĩa Xã Hội.

“ Giành lại đất nước, dành lại trăm họ trên đầu ngọn súng. các toi thuờng nói một câu đại loại như thế. Câu nói này chỉ đúng một nửa. Cuộc chiến tranh nhân dân mà đảng Cọng sản phát động và lãnh đạo đến thắng lợi cuối cùng không chỉ nhờ có súng đạn. Nhưng khi tàn cuộc chiến tranh nhân dân các toi sẽ biến câu nói chỉ đúng một nửa ấy thành chân lí, thành kim chỉ nam: Cai trị đất nước, ổn định trăm họ cũng trên đầu ngọn súng thôi. Nếu không dùng súng đạn thì lấy gì sai bảo trăm họ như một bầy nô lệ?. Lời nói thật thà và thẳng thắn này sẽ khiến toi phẫn nộ, căm giận, mà chưa làm toi hết lí lẽ:

— “ Bọn chủ nô sử dụng nô lệ để thoả mãn lòng tham và những lợi ích riêng tư của chúng. Đảng Cọng sản quản lí con người, sử dụng sức lao động và tất cả mọi tài sản khác vì mục đích chung. Mục đích sẽ biện minh cho phương tiện. Không thể đánh đồng bọn chủ nô với đảng Cọng sản được. Chỉ có bọn phản động mới cá mè một lứa như thế”.

“ Tạm thời moi tin lời toi. Vì bây giờ là chiến tranh. Tất cả sức người, sức của đều dồn cho kháng chiến. Đến khi hết chiến tranh, đất nước đi vào làm ăn xây dựng, lấy gì để bảo đảm cái chí công vô tư trong lòng người Cọng sản? Lấy gì để hạn chế lòng tham và sự lạm quyền nơi người Cọng sản khi chính người Cọng sản áp đặt lên nhân dân cái quyền toàn diện và tuyệt đối của mình? Học thuyết đức trị cực đoan đã phá sản ngay từ khi thầy Khổng còn tại thế. Và cái học thuyết pháp trị nửa vời của nhà Tần đã đào mồ chôn cả lí thuyết gia và con cháu của bạo chúa. Thương Ưởng, Hàn Phi Tử và cả Tần Nhị Thế đều cùng chung số phận. Sau Khổng Tử hơn 2500 năm, sau Tần Thuỷ Hoàng gần 2300 năm mà người Cọng sản các toi chỉ biết thi hành một thứ chính trị vá víu giữa đức trị cơ hội (khi nào cần thì nói chuyện đạo đức) và bê nguyên xi cái pháp trị nửa vời (mọi người bình đẳng trước pháp luật trừ Tần Thuỷ Hoàng — trừ đảng Cọng sản).

“ Vì khẳng định quyền lãnh đạo toàn diện và tuyệt đối của mình mà trong chiến tranh chống ngoại xâm, đảng Cọng sản đã đẩy một bộ phận quần chúng rời khỏi hàng ngũ kháng chiến, thậm chí còn có một bộ phận khác chạy hẳn về phía xâm lược.

“ Một mai khi đất nước Độc lập, Thống nhất, trước sự lãnh đạo toàn diện và tuyệt đối của đảng Cọng sản, nhân dân không biết chạy đi đâu nữa cả — vì nhiều lí do, trong đó có lí do run sợ trước bạo lực cách mạng — họ trở thành thầm lặng một thời gian, cho đến khi không còn chịu được nữa thì chuyện gì sẽ xẩy ra, chắc toi biết được rồi: Đất nước suy sụp và e rằng không tránh được nội chiến.

“ Nghĩ đến nội chiến mà moi run bắn cả người, cũng như khi moi nghĩ về Chủ Nghĩa Xã Hội vậy.

“ Cái vòng luẩn quẩn — nội chiến — ngoại xâm — độc lập — nội chiến … luôn là một định mệnh khắc nghiệt ám ảnh đất nước dân tộc mãi vậy sao?

“ Chắc là toi sẽ phùng mang trợn mắt phun vào mặt moi nhiều thứ cho hả giận. Trong rất nhiều trường hợp ngôn ngữ chưa đủ để bày tỏ nỗi sân si của con người. Toi nghĩ: làm gì mà một đảng đã trải qua nhiều chặng đường oanh liệt như đảng Cọng sản, một đảng đã đưa đường chỉ lối cho nhân dân đánh thắng liên tiếp hai tên thực dân đế quốc giàu mạnh hung tợn nhất thời đại mà để cho đất nước rơi vào tình trạng suy sụp và nội chiến? Lòng tốt của đảng đâu? Trí thông minh và tài thao lược của đảng đâu? Niềm tin, dũng khí và nghị lực của đảng đâu? Súng đạn, phương tiện quân sự nhiều vô số kể của hai thế giới, của hai phe gom lại sau chiến tranh để đâu?

“ Những câu hỏi toi đặt ra không khó trả lời cho toi và cho cả moi.

“ Đối với toi, câu trả lời đã có trước khi câu hỏi được đặt ra: Câu trả lời đã có từ khi đảng Cọng sản được thành lập và được củng cố vững chắc qua từng giai đoạn của cuộc kháng chiến trưòng kỳ và những thắng lợi vinh quang. Bây giờ thì toi khẳng định thêm một lần nữa:

“ Khó như đánh Tây, đuổi Mỹ mà đảng còn làm được. Còn việc gì khó hơn mà đảng không làm được?

“Câu nghi vấn khẳng định của toi không thuyết phục được moi. Moi đồng ý đánh Tây đuổi Mỹ rất khó. Bản thân moi vô cùng cảm phục và biết ơn những người Cọng sản đã chỉ đường dẫn lối cho cả dân tộc trong hai cuộc kháng chiến. Nhưng ở đời còn những việc khó chứ không chỉ có hai việc như toi thường kể lể. Giành thiên hạ khó đã đành. Nhưng trị thiên hạ đâu phải là việc dễ? Ai bảo là đánh được Tây, đuổi được Mỹ thì có thể làm bất cứ công việc gì là nói càn. Toi nhìn lại lich sử đời Tây Sơn mà coi. Ai chống ngoại xâm giỏi bằng Quang Trung Nguyễn Huệ? Nhưng ổn định việc nhà thì ông bó tay.

“ Vả lại, việc khó là việc có thể làm được. Người này không làm được, lúc này không làm được thì người kia, lúc khác làm được. Lấy ví dụ việc đánh Tây, suốt gần 80 năm kể từ khi thực dân Pháp đô hộ Việt Nam, rất nhiều phong trào yêu nước, nhiều cuộc nổi dậy mưu cầu độc lập nhưng đều thất bại. Đến khi ông Hồ Chí Minh, đảng Cọng Sản xướng xuất và lãnh đạo thì thành công. Đảng Cọng sản và dân tộc đã làm một việc khó. Cực kỳ khó. Đuổi Mỹ là một việc cực kỳ khó thứ hai.

“ Tuy nhiên có những việc ở ngoài khả năng khó dễ. Có những việc không thể làm được. Bất cứ ai cũng làm không được, kể cả đảng Cọng sản.

“ Việc không làm được moi muốn nói ở đây là việc xây dựng Xã Hội Chủ Nghĩa.

“ Căn cớ duy nhất là: Dù đảng Cọng sản có quyết tâm đến thế nào đi nữa mà nhân dân không đồng tình cũng đành chịu.

“ Tại sao nhân dân không đồng tình?

“ Lý do đơn giản và dễ hiểu là khi đảng lãnh đạo toàn diện và tuyệt đối thì không ai còn một chút quyền tự do nào nữa cả.. Tự do kinh tế: không, mà tự do tinh thần cũng không nốt. Các toi bao giờ cũng nhắc lại câu nói của cụ Hồ là “ không có gì quí hơn độc lập — tự do ”. Cái khái niệm Độc Lập, Tự Do mà ông Hồ nêu lên không chỉ là tương quan giữa các quốc gia dân tộc, mà còn hàm chứa trong các mối quan hệ giữa người và người trong cùng một nước.

“ Tục ngữ có câu: Có thực mới vực được đạo. Trong chế độ Xã Hội Chủ Nghĩa ở Nga, ở Tàu và ở miền Bắc, việc “thực” nằm trong tay đảng, việc “đạo” nằm trong đầu của đảng, thì nhân dân chỉ còn là một bầy đàn được nuôi sống chứ không phải là những người có quyền được sống. Các nhóm từ được nuôi sốngquyền được sống có nội dung khác nhau một trời một vực. Đó là sự dị biệt giữa bọn tay sai và người kháng chiến. Bọn tay sai được nuôi sống bởi bọn cướp nước, bọn xâm lược. Còn người kháng chiến thì chiến đấu để giành quyền được sống cho dân tộc trong đó có mình.

“Và chăng, không những chỉ có nhân dân mới không đồng tình, mà rồi trong đảng Cọng sản lần hồi cũng sẽ có những người không đồng tình với Chủ Nghĩa Xã Hội. Bởi mục đích, động cơ đầu tiên của người Cọng sản là giải phóng dân tộc, giải phóng nhân dân. Không có lí do gì một khi dân tộc được giải phóng mà nhân dân lại bị nhốt cả. Khi đảng Cọng sản giành lấy quyền lãnh đạo toàn diện và tuyệt đối trong xây dựng Xã Hội Chủ Nghĩa là đã nhốt nhân dân rồi. Điều bi đát là người nhốt, và người bị nhốt, mới hôm qua thôi, đã cùng ở chung một chiến hào chống xâm lược.

“ Dường như Marx đã nói đâu đó rằng trong các chế độ, các xã hội người nhốt người, người áp bức bóc lột người – không ai thành người cả. Nô lệ không đã đành. Ông chủ cũng không.

“ Thế đó, bởi tuyệt đại đa số nhân dân muốn làm người tự do cho nên nhất định đảng Cọng sản không làm được Xã Hội Chủ Nghĩa.

“Tuy nhiên có một việc rất khó, khó không thua chống Tây, đuổi Mỹ mà đảng Cọng sản có thể làm được, và chỉ có đảng Cọng sản mà thôi, là giải phóng mình, giải phóng nhân dân ra khỏi cơn mộng du tập thể, trả lại độc lập tự do cho nhân dân, để Chủ Nghĩa Xã Hội, lí tưởng Cọng sản và đảng Cọng sản Việt Nam tồn tại trong ký ức Dân Tộc và Nhân Loại những dấu ấn tráng lệ một thời. Thời cơ là một yếu tố quan trọng trong việc tranh thiên hạ và cả trong việc cai trị thiên hạ.

“ Lần bị bắt gần đây nhất, trước khi được trả tự do, moi có gặp Liên Thành tại văn phòng của nó. Nó mời moi hút thuốc, uống nước và nói chuyện. Câu chuyện đại ý như thế này:

“ Tôi đã từng là học trò của thầy không phải nửa chữ, một chữ mà những hai niên khoá. Thầy dạy tôi môn Quốc văn lớp đệ ngũ mỗi tuần sáu giờ và môn công dân mỗi tuần một giờ ở lớp đệ tứ.

“ Vì nghĩa thầy trò nên tôi tha cho thầy về lần này, và chỉ lần này thôi. Tôi là trưởng ty cảnh sát, trách nhiệm của tôi là bảo vệ an ninh trật tự, bảo vệ sự tồn tại của chế độ trong cương vị của mình. Những năm còn trên ghế nhà trường, tôi đã không nghe lời thầy như các học trò khác để chống phá chế độ. Tôi có những lí lẽ của tôi. Mấy năm trở lại đây chúng ta lại gặp nhau trong một cảnh ngộ tại ty cảnh sát này. Tôi ra lệnh bắt thầy, và thầy là tù nhân của tôi. Tôi đã làm hết sức mà không lay chuyển được quyết tâm của thầy. Thôi thì việc ai nấy làm, đường ai nấy đi. Tôi nói lại: Lần này trả tự do cho thầy vì nghĩa cũ. Thầy nhớ cho, chỉ lần này thôi. Từ đây về sau nếu thầy cứ tiếp tục cùng với đám học trò của thầy tiếp tay cho Cọng sản chống phá chế dộ, tôi sẽ không nương tay. Tôi cũng muốn nói với thầy điều này trước khi thầy ra về: Có bao giờ thầy tự hỏi trong chế độ Cọng sản mà thầy đang góp hết sức để cho mau tới đó, họ sẽ đối xử ra sao với những người tự tung tự tác như thầy đã hành xử trong chế độ này?…”

“ Những gì Liên Thành mô tả về chế độ Cọng sản không mới mẻ gì đối với moi. Ở một khía cạnh nào đó – khía cạnh tiêu cực – trong chế độ Cọng sản – moi còn biết nhiều hơn nó, một kẻ chống Cọng điên cuồng — tất nhiên nhiều hơn toi, một kẻ đến với chủ nghĩa Cọng sản như một tin đồ tôn giáo.

“ Trước đây đã có lúc moi xếp toi bên cạnh Liên Thành để xem giữa hai người có cái gì giống nhau, có cái gì khác nhau? Moi nhìn qua nhìn lại thấy không có gì giống nhau cả. Gia cảnh, tính tình, xu hướng sống, thái độ sống, khác nhau nhiều quá.

“ Nhưng rồi sau cái ngày rời ty cảnh sát với những lời tuyệt tình của Liên Thành, moi mang máng thấy có cái gì giống nhau giũa hai người. Lúc đầu mang máng thôi. Càng về sau càng sáng tỏ. Cái giống nhau giữa hai người khác biệt như nước với lửa các toi,moi không thể sống với ai được cả.

“ Với Liên Thành là lúc này, lúc nó níu kéo một cách tuyệt vọng một thế lực phi lí và bạo tàn: bọn xâm lược Mỹ.

“ Với các toi chưa phải là lúc này, mà đợi đến khi Mỹ cút — Nguỵ nhào, và đảng Cọng sản đưa cả nước tiến lên Xã Hội Chủ Nghĩa.

“ Một người khi đã biết trước cái chết không thể tránh khỏi như moi, lâm thế toi, toi sẽ sử dụng cái tự do cuối cùng của mình như thế nào?

“— Để cho Liên Thành nó giết vì mục tiêu cá nhân, hèn nhát của một tên tay sai cùng đường?

“— Hay để cho các toi giết nhân danh cái thiện, cái tiến bộ, cái lí tưởng, cái tất yếu Xã Hội Chủ Nghĩa ? Người Cọng sản khi bất đắc dĩ phải giết ai đó thì đương nhiên y là một tên tồi tệ, một tên không đáng sống, một tên làng bỏ họ từ.

“ Thiếu gì những chi tiết trong đời moi để các toi sử dụng các cơ quan truyền thông mà các toi độc chiếm để rao truyền trong khắp thiên hạ ở cái thành phố nhỏ bé này, ở cái miền Nam tội nghiệp này rằng cái tên Ngô Kha có bao nhiêu vấn đề nghiêm trọng. Các toi chỉ cần thêm, bớt, sửa đổi một vài chi tiết là moi sẽ có một lí lịch xứng đáng với bất cứ mức độ trừng phạt nào.

“ Chẳng hạn gia đình nội ngoại mấy đời phong kiến quan lại

“ Chẳng hạn anh em họ hàng làm tướng Nguỵ ác ôn.

“ Chẳng hạn chửi Mỹ Nguỵ thẳng thừng, xúi giục học trò bãi khoá xuống đường mà chỉ bị bắt qua quít rồi vẫn tiếp tục đi dạy lãnh lương.

“ Chẳng hạn chỉ cần lật ngược cái biện chứng: Yêu nước tất yêu Chủ Nghĩa Xã Hội, không yêu Chủ Nghĩa xã Hội là không yêu nước. Mà từ không yêu nước đến Việt gian, đến CIA mai phục mấy hồi?

Toi biết không, vào những thời điểm phong trào lên cao, moi ít khi về nhà vào buổi tối vì sợ bọn cớm phục ở những góc đường vắng . Moi ở lại đâu đó. Ở trụ sở Tổng hội, ở thư viện Đại học, ở nhà một vài người bạn hay nhà một đứa học trò mà bọn cớm ít nghi ngờ nhất. Nhà Vĩnh Phối chẳng hạn. Nhà Đức Di Lặc ở tiệm buôn Nam Hải chẳng hạn. Nhà bà dì toi ở An Cựu chẳng hạn. Sáng hôm sau moi về nhà rất sớm lúc trời còn mờ tối. Bà chị moi mở cửa. Mạ moi chờ sẵn phía sau. Chị moi nói suốt đêm bà không ngủ, cứ đi tới đi lui, thắp hương van vái trước bàn thờ. Đợi moi dựng xe xong, mạ moi ôm chầm lấy moi, đưa tay sờ đầu sờ mặt, nắn nót tay chân xem có sức mẻ u bướu gì không? Mấy năm nay bà vẫn như thế, Tuổi già sức yếu, mắt kém, lòng thương và nỗi lo cho sự an nguy của moi càng tăng vì tình thế, vì sự đe doạ của nhà cầm quyền càng khắc nghiệt. Nhưng thương và lo cho moi là một khía cạnh, mà không can ngăn và chừng mực nào đó khuyến khích moi dấn thân vào cuộc tranh đấu là khía cạnh khác của tâm can bà. Không riêng gì những bà mẹ Huế như mạ moi, mà hầu hết rất nhiều bà mẹ Việt Nam mà lịch sử đã tôi luyện qua hàng ngàn năm khổ nạn đã không xem đứa con là của riêng một mình mình, một gia đình mình. Và đặc biệt đã không giản lược nó thành một của báu mãi mãi cần được nuôi sống cần được bảo vệ trong vòng tay của mình. Năm trước một người bà con trong họ, tướng Ngô Du, đến thăm và gợi ý với mạ moi là bằng cách nào đó khuyên can để moi trở lại làm một giáo sư bình thường, một kẻ ăn cây nào rào cây đó, và nếu muốn đi con đường chính trị thì anh em có thể giúp nhau …

“Trước đó đã nhiều lần qua những người thân trong họ, Ngô Du cũng gởi lời đại loại như vậy. Lần này mạ moi nói thẳng với Ngô Du: “Cám ơn ông tướng đã quan tâm đến tình thâm máu thịt. Nhưng câu tục ngữ ông tướng vừa nhắc hoàn toàn không đúng cho anh Ngô Kha nhà ni, và xin lỗi ông tướng tui có nói khó nghe thì ông cũng không nên chấp người già. Cả ông tướng và cả Kha nhà ni chỉ có một cây cần phải rào, cần phải giữ, cần phải chăm bón là cây Việt Nam. Ông tướng tuổi với anh Tú nhà ni. Hồi nhỏ các anh chơi với nhau rất thân. Lớn lên mỗi người mỗi ngã. Ông tướng đi lính cho Tây. Anh Tú nhà ni đi theo Việt Minh đánh Tây. Bây giờ ông làm tướng ăn lương Mỹ. Anh Tú không biết sống chết nơi nào, đang ở miền Bắc hay vào Nam đánh nhau với Mỹ, với ông tướng. Tui là mẹ, gần hai mươi năm nay tui chỉ mong nước nhà thống nhất, anh Tú nhà ni trở về, anh em thôi đánh nhau.Từ mấy năm nay anh Kha nhà ni có làm việc gì đó gây hại cho ông tướng, làm ông tướng không bằng lòng, làm cho tui ngày đêm lo lắng mất ăn mất ngủ, nhưng xét cho thấu tình đạt lí thì cả anh Tú, anh Kha nhà ni đều cùng làm một việc như ông tướng đã nhắc nhở: “ ăn cây nào, rào cây đó”.

“ Có điều cái cây theo ý ông tướng khác với cái cây của ông cha và anh em nhà ni. Tui già quá rồi, ông tướng thì trăm công nghìn việc, chắc là họ hàng chẳng có dịp gặp nhau lần nữa. Tôi nói lần cuối cùng để cám ơn ông tướng và cũng để ông tướng thôi vướng bận với những tính toán tình cảm chẳng đến đâu….”.

“ Cuối cùng Ngô Du không thuyết phục nửa, mà doạ dẫm:

“ Rứa bác không sợ tai hoạ xảy ra cho anh Ngô Kha bất cứ lúc nào ạ?

“ Tui sợ, sợ lắm. Sợ đêm sợ ngày, sợ tháng sợ năm. Thương con đứt ruột, nhớ con khô gan, nhưng làm sao bây chừ. Tui đẻ chúng ra, tui nuôi chúng lớn để chúng làm người. Mỗi người sống và chết theo cái mệnh của mình. Ông tướng có cái mệnh của ông tướng. Anh Tú, anh Kha nhà ni có cái mệnh của anh Tú, anh Kha nhà ni. Tui chưa hề nghĩ đến việc khuyên anh Kha nhà ni bắt chước ông tuớng mà “ăn”, mà “rào” cái cây khủng khiếp lủng lẳng bom đạn Mỹ ấy. Con Hùm chết để da, con Người ta chết để tiếng. Có bà mẹ nào không muốn con mình được sống yên lành. Nhưng không phải vì sự yên lành ấy mà bà mẹ lại đi xúi con mình ham sống, sợ chết, bất chấp để tiếng xấu muôn đời sau …”

Moi sinh năm1935, năm ni xấp xỉ cái tuổi mà Khổng Tử bảo là không hoài nghi về mình nữa. Moi chưa biết hết các khái niệm của từ bất hoặc của ông thầy vĩ đại này. Nhưng sau gần mười lăm năm bước vào cuộc hành trình nhiều lận đận lắm chông gai, khổ nạn để đi tìm và khẳng định thân phận kẻ sĩ, và đặt kẻ sĩ là mình ấy ở giữa đất nước vào cái thời điểm rất khó có một hình dung từ ngắn gọn để mô tả cho chân xác. Moi không hề bắt chước bà Huyện Thanh Quan và đám hủ nho Bắc Hà vào đầu thế kỷ 19 để chỉ thấy đất nước như là Một vũng Tang thương nước lộn trời, cũng không nhớ tiếc cái quá khứ huy hoàng một đi không trở lại của giai đoạn thịnh thời nhà Hậu Lê. Moi cũng không còn muốn bắt chước Cao Bá Quát mà mộng mị Quyết xoay bạch ốc lại lâu đài. Moi ý thức rất rõ cái hạn chế lich sử, cái hạn chế địa chính trị, cái hạn chế trình độ văn minh, nhất là sức sống của tuyệt đại đa số nhân dân trong một đất nước vừa mới vượt thoát nô lệ, chiến tranh trong lạc hậu và đói nghèo.

Moi nghĩ, sau chiến tranh, vấn đề lớn nhất và huyết mạch không phải là học thuyết này, ý thức nọ, mà là tiếp tục củng cố nền độc lập quốc gia, bước đầu đặt nền móng cho các quyền công dân cơ bản làm cốt lõi để phát triển đầy đủ các quyền con người. Không phải ngày một ngày hai mà làm được cái công việc thiên nan vạn nan này. Cái công việc mà ở nước Pháp, ở châu Âu, ở cái nôi của chế độ Cọng hoà và nền sản xuất đại công nghiệp phải mất hàng hai trăm năm kể từ 1789,và phải kinh qua không biết bao nhiêu sai lầm, tội ác (bóc lột, đàn áp lao động, tiến hành chiến tranh thực dân, xâm lược, và gây ra hai cuộc chiến tranh thế giới).

“Cũng như thế, thống nhất đất nước, lập lại hoà bình không chỉ là vấn đề lãnh thổ, vấn đề chấm dứt chiến tranh với các thế lực thù địch, thiết lập quan hệ hữu hảo với bên ngoài, mà cốt lõi phục hồi sức dân, hoà hợp với các thành phần quần chúng trong tình thương yêu, trong ý thức công bằng, tôn trọng lẫn nhau, xoá bỏ tận gốc rễ sự phân biệt các thành phần quần chúng (thứ nhất, thứ hai, thứ ba) là tàn dư của những thực tế các sách lược và biện pháp chiến tranh của cả hai bên. Và đặc biệt là từng bước giải thể các khái niệm tuyệt đối và toàn diện của đảng cầm quyền. Có làm như vậy mới đáp ứng các nguyện vọng sâu xa nhất của nhân dân và thực hiện lí tưởng, hoài bão của người Cọng sản như lời tuyên bố của Chủ Tịch Hồ Chí Minh trong bản tuyên ngôn Độc lập và như ba mục tiêu của chính phủ Việt Nam Dân Chủ Cọng Hoà: Độc lập — Tự do — Hạnh phúc.

Toi thấy đó, khi đảng Cọng sản thực hiện chuyên chính vô sản, khẳng định vai trò vị trí thống soái của mình trong việc lãnh đạo quốc gia, quản lí và điều hành đất nước theo con đường Xã Hội Chủ Nghĩa một cách toàn diện và tuyệt đối thì có thể đạt được các mục tiêu mà moi vừa nêu ra không?

“ Dĩ nhiên là không rồi.

“ Chắc chắn là toi sẽ chẳng thấy ở nơi lập luận của moi một chút sự thật và thiện chí nào, bởi vì vào lúc ấy, lúc các toi say sưa với chiến thắng, các toi không muốn nghe bất cứ một tiếng nói nào, không muốn thấy bất cứ một thứ ánh sáng nào ngoài tiếng nói và ánh sáng của chủ nghĩa Marx – Lenin, của đảng Cọng Sản vô địch. Và tất nhiên các toi gạt phắt qua một bên, hoặc nếu cần thì tiêu diệt moi với những tội lỗi như moi đã cảm nhận và đã nói ở trên. Trong chế độ Xã hội Chủ nghĩa của các toi, hoặc moi sẽ sống như một tên nô lệ, hoặc sẽ bị giết chết như một tội đồ.

Moi nhắc lại, cái giống nhau giữa Liên Thành và toi moi không sống được với ai cả.

“ Tuy nhiên có một cái khác biệt rất sâu sắc về cái chết của một con người là moi, một trí thức, khi bị bọn Liên Thành giết vì quyền lợi cá nhân của nó và quyền lợi của bọn tay sai, quyền lợi của cái cây mà mạ moi mô tả là lủng lẳng bom đạn Mỹ, sẽ có lợi cho phong trào. Các toi sẽ có thêm cái cớ để làm rối loạn sào huyệt đối phương, phát động đấu tranh, tố cáo đối phương phá bỏ hiệp định Paris, giết hại người thuộc lực lượng thứ ba, vi phạm dân chủ, dân quyền.

Toi thấy đấy, cái sống, và cả cái chết nữa, của mỗi người trong cuộc chiến tranh này đều có giá của nó và đều có những tác động khác nhau. Bất cứ một cuộc dấn thân nào cũng đòi hỏi trước hết một chọn lựa trí tuệ, một dũng khí để thực hiện, và một tình yêu vượt qua cái riêng tư, hội nhập vào trong cái chung. Và không chỉ là sự sống, mà là cái chết của một số trường hợp lại đóng góp nhiều hơn cho cuộc kháng chiến. Mạ moi, gia đình moi, bạn bè moi, hàng chục ngàn học trò của moi qua nhiều năm gắn bó, và cũng có thể cả anh Tú moi nữa đang ở đâu đó trên đất nước này, sẽ thương khóc nhớ tiếc moi. Tất cả mọi người trong sâu thẳm tâm can họ, họ đau đớn mất đi một người ruột thịt, một bằng hữu, một ông thầy đã sống mà không để lại điều gì khiến họ phải hổ thẹn.

“ Còn trường hợp thứ hai, nhân danh cái tốt lành, cái tiến bộ, cái vĩ đại của cuộc cách mạng xã Hội Chủ Nghĩa mà các toi sẽ giết moi, lâm thời thì các toi có cái cớ để biện chính cho hành động của mình, để các toi yên tâm trong chốc lát. Ngoài ra không lợi lộc, tốt đẹp gì cho ai cả. không cho các toi, không cho mạ moi và gia đình moi, bạn bè, học trò moi, lại càng không cho cái chung to lớn mà các toi nhân danh.

Moi nhắc lại lần thứ một ngàn, lần thứ một triệu và có thể thì nhiều hơn thế nữa: Marx và chủ nghĩa Cọng sản, đã đóng góp vô cùng to lớn cho sự phát triển trí tuệ nhân loại với phương pháp luận biện chứng và với chất men tôn giáo lí tưởng về một thế giới đại đồng đã thu hút, đã tạo niềm tin, đã tập hợp nhiều phần tử ưu tú của đất nước và nhân loại hình thành nên một đảng, một phe trong điều kiện, thời điểm lịch sử đen tối nhất của dân tộc, đã cùng với dân tộc hoàn thành mục tiêu, khát vọng lớn nhất, cao quí nhất là đánh đuổi ngoại xâm, dành lại Độc lập, thực hiện Thống nhất đất nước. Nhân dân Việt Nam và cả thế giới nữa đã và sẽ ghi nhận chân lí này. Nhưng mục tiêu thứ hai là giải quyết nghèo đói, thiết lập công bằng, tiến bộ xã hội, tạo dựng hạnh phúc cho trăm họ thì cuộc cách mạng Xã Hội Chủ Nghĩa sẽ không giải đáp được gì. Những giải pháp của Thương Ưởng, Hàn Phi Tử đời Tần, Vương An Thạch đời Tống bên Trung Hoa và Hồ Quí Li trong lịch sử Việt Nam đều thất bại trong đau thương và dẫn đến mất nước (trường hợp Hồ Quí Li). Không phải các ngài ấy thiếu thện tâm, thiếu ý chí, thiếu hoài bão khát vọng to lớn, mà các ngài ấy chỉ thiếu một điều là bất chấp trăm họ, lơ mơ về nhân tình thế thái.

“ Thế đó, cái chết của moi và cũng có thể của nhiều người khác nữa sẽ vô ích đối với sự nghiệp cứu nhân dân, cứu nhân loại của các toi. Chỉ một thời gian ngắn sau cái chết của moi thôi, các toi sẽ thấy tài thao lược, ý chí sắt đá, niềm tin vững chắc và cả công nghiệp to lớn của đảng Cọng sản trong chiến tranh không bảo đảm cho sự thành công của cuộc cách mạng long trời lở đất mà các toi đã xốc nổi lùa đẩy nhân dân tiến lên. Và khi ấy, không ai trên đất nước này đau khổ bằng các toi. Và chính các toi đã làm cái việc mà kết quả đi ngược lại những ước mơ, những khát vọng ban đầu của mình: cứu nhân độ thế.

“ Cái chết của moi, đối với mạ moi và đối với đám học trò, bạn bè của moi cũng là một kết cục chẳng hay ho gì, thậm chí còn là một điều sỉ nhục to lớn đối với họ. Mạ moi đã nói với tướng Ngô Du câu tục ngữ: “Con Hùm chết để da, con Người ta chết để tiếng”. Mạ moi dư biết khi moi hay bất cứ ai tham dự vào cuộc đấu tranh là lành ít dữ nhiều. Bà thường đọc nho nhỏ câu thơ của Tố Hữu: Khi dấn thân vô là phải chịu tù đày/ Là gươm kề cổ súng kề vai. Bà nói với Ngô Du cái mệnh của mỗi người là thế. Xuất thân trong một gia đình khoa bảng mấy đời, viết và đọc được chữ Hán, thuộc truyện Kiều không sót một câu, đương nhiên bà hiểu thế nào là mệnh trời theo quan điểm Nho giáo. Tuy nhiên chữ mệnh mà mạ moi dùng khi nói chuyện với Ngô Du không hàm triết lí đạo Nho mà chỉ diễn đạt một khái niệm về sinh mệnh tất yếu của mỗi người Việt Nam trước cuộc chiến tranh chống ngoại xâm. Một mặt bà muốn nói với Ngô Du là cái sống cái chết của một tên lính khố xanh, một viên tướng (như Ngô Du) ăn lương Mỹ giết hại đồng bào, chống lại đất nước dân tộc, hoàn toàn trái ngược với cái sống cái chết của những người kháng chiến. Mặt khác bà chấp nhận cái chết của những đứa con, những giọt máu của bà với điều kiện cái chết ấy không để lại tiếng xấu cho muôn đời sau.

“ Thế đó, khi bà mẹ đồng tình và chia sẻ sự chọn lựa, sự gắn bó sinh mệnh của cá nhân với sinh mệnh của tổ quốc, bà không muốn con bà phản bội lại sự chọn lựa gắn bó thiêng liêng cho dù phải hy sinh. Đạo lí, tâm tình của những phụ nữ như mạ moi là như thế. Tổ quốc là con, là chồng, là anh em, là những con người thuộc về kháng chiến. Và ngược lại những người rụôt thịt và tất cả những gì liên quan đến kháng chiến đều là một phần của Tổ quốc.

“ Mạ moi, những phụ nữ cùng cảnh ngộ, những học trò đã theo moi dấn thân vào những cuộc đấu tranh, sẽ không đủ sức chịu đựng tình trạng chia lìa đổ vỡ giữa con người mà họ hằng thương mến, tin yêu với cách mạng, với kháng chiến mà họ tôn sùng ngưỡng mộ.

Bởi cách mạng, kháng chiến là một thực thể thiêng liêng cao đẹp vượt lên trên hết mọi thứ thiêng liêng cao đẹp mà họ nâng niu, vun xới, bảo vệ và tham dự.

“ Nếu mạ moi, đám học trò moi tin vào các cáo buộc của các toi để cho cái chết của moi danh chính ngôn thuận theo những kịch bản của các toi thì sự mất mát, đau đớn của họ to lớn và sâu nặng biết dường nào. Đó là một khả năng. Khả năng thứ hai là mạ moi, đám học trò của moi không tin vào những lời bịa tạc, vu khống, mạ lị quanh cái chết của moi, thì chính các toi đã vô hình chung nhú mớm cho họ niềm tuyệt vọng và sự sụp đổ tâm hồn.

“Không, nhất định moi không để cho bản thân mình rơi vào cái tình thế bi kịch ấy. Moi phải thoát ra thôi, mặc dầu mỗi lần nghĩ đến sự tàn ác, cái dã man của đám Liên Thành, moi đã vô cùng khiếp sợ.

Moi không có tự do đầu tiên sự ra đời – làm người. Tuy nhiên moi có tự do cuối cùng. Tự do cuối cùng của moi là sự lựa chọn giữa hai cái chết. Khi một con người còn có được sự lựa chọn, cho dù là sự lựa chọn giữa hai cái chết, thì con người ấy chưa phải là kẻ tuyệt vọng.

“ Lời trăn trối cuối cùng của ông nội moi về việc chọn nghề, chọn nghiệp cho anh em moi trước khi nhắm mắt, gợi ý của cha moi về vị trí, chức năng của kẻ sĩ, lương thức của mạ moi về lẽ sống của con người ở đời, sự trong sáng hồn nhiên và khát vọng giá trị của các thế hệ học trò moi và rất nhiều những nguồn mạch sâu kín của mỗi người trong chúng ta ở hai bờ biên giới, ở phía trước phía sau thực tại lịch sử đã chia sẻ cùng moi sự yếu đuối, nỗi khiếp sợ, thôi thúc và thêm sức cho moi dứt khoát chọn lựa cuối cùng này. Moi sẽ chết trên đường của thành phố thân yêu chỉ vì các mục tiêu và khát vọng của dân tộc.

“Mong ước cuối cùng của moi là một lúc nào đó mỏi mệt, rã rời trước cái mù mịt của cơn mộng du sát cạnh mép bờ của vực thẳm, toi sẽ nhớ lại, tìm lại những tờ giấy gói trà Tam hỷ và những bao hương này, đọc lại một lần nữa mấy lời tâm tình của một người bạn sắp chết. Con chim sắp chết cất tiếng hót bi ai. Con người sắp chết nói lời phải chăng. Lời nói phải chăng của moi là trong hoà bình xây dựng, không có quyền lực nào đối với nhân dân là toàn diện và tuyệt đối cả.

“ Nhân dân Việt Nam đã trao cái toàn diện và tuyệt đối cho đảng Cọng sản trong suốt hai cuộc kháng chiến trường kỳ và quá ư gian khổ rồi. Nhân dân đã cống hiến từng hạt gạo, từng giọt máu và cả tự do của họ cho nền Độc Lập, cho Thống Nhất, cho Hoà Bình. Sức mạnh, sự chịu đựng, hy sinh của mỗi con người, mỗi thành phần, và cả cộng đồng chẳng phải bao giờ cũng vô hạn. Đảng Cọng sản vào một thời điểm nhất định đã tập hợp, rèn đúc nên một sức mạnh to lớn từ những người con ưu tú của dân tộc và đã làm hết sức mình cho những mục tiêu cao cả cấp bách của đất nước. Những người con ưu tú của dân tộc không phải là những ông Thánh và sức mạnh của đảng Cọng sản không hề là của kho vô tận, mà đã có lúc đầy, ắt sẽ có lúc vơi.

“Có hạt gạo nào, giọt máu nào trong nhân dân là để tái tạo lại sức mạnh dân tộc, phục hồi lại vóc dáng đất nước, để Dân tộc, Đất nước hội nhập và sống phải chăng với thiên hạ chứ không phải vét hết để xây dựng thiên đường hoang tưởng.

Nụ cười là của nỗi đau
Nước mắt là của mai sau Thiên đường

“ Đã có lúc moi thưởng thức và đồng cảm với toa hai câu thơ này. Cho đến khi Võ Đông kể là toi đã sáng tác nó trong hoàn cảnh nào thì những cảm nhận thẩm mỹ bị tiêu tan hoàn toàn, thay vào đó là những ray rức, đau đớn, thống hối và ở mức độ nào đó, moi đã khinh bỉ, ghê tởm chính mình và cả toi nữa.

“Võ Đông kể vòng vo, chủ ý nêu một ví dụ và không hề nhắm vào ai qua câu chuyện cả. Nhưng sau mấy ngày kiểm nghiệm, moi thấy mình có tham dự vào cái chết của một con người, một thanh niên háo hức sống, một chiến sĩ đã lao vào cuộc chiến tranh với tất cả sự trong sáng và nhiệt tình của tuổi trẻ. Câu chuyện xảy ra vào cuối tháng trước: Một tối không trăng, đội công tác được lệnh từ trên núi về đón một người khách đã hẹn từ thành phố. Đội công tác nằm chờ tại một nơi nào đó ở một xã cận sơn. Một đêm. Hai đêm. Ba đêm. Người khách từ thành phố sai hẹn. Đội công tác lên núi và bị phục kích giữa đường. Người chiến sĩ trẻ tuổi nhất bị thương nặng, đồng đội đưa lên núi và chết sau đó. Lúc bây giờ toi ở trên núi, chứng kiến những tình tiết, những trối trăn và cả những thương tiếc mất mát của anh em đồng đội. Và toi đã làm thơ để bày tỏ khát vọng của mình. Võ Đông thì kể chuyện qua quít cốt để nói vòng vo về những hiểm nguy, khổ nhọc của đội công tác đường dây. Các toi đã không nói thẳng trách nhiệm của moi đối với cái chết của người trẻ tuổi, con trai của một bà mẹ nào đó, là người yêu của một cô gái nào đó, là thành viên của một đơn vị chiến đấu và biết đâu anh ta không phải không là học trò của moi. Moi không trách Võ Đông và cả toi nữa, bởi các toi đang thực hiện nhiệm vụ chính trị của mình. Nhưng moi khinh bỉ toi bởi toi đã nhân cái chết của một con người – cũng có thể là ngàn triệu con người — chỉ để bày tỏ một khát vọng hảo huyền. Không, moi không bao giờ chia sẻ với toi và bất cứ ai về một thiên đường được xây bằng bạo lực, bằng máu và nước mắt. Máu, nước mắt và sự đỗ vỡ đã quá đủ để dành lại nước, dành lại người, dành lại nhà, dành lại cuộc sống phải chăng cho Dân tộc trong cộng đồng nhân loại. Do vậy mà trước đó moi đã đồng tình, chia xẻ với toi về một thái độ lạc quan kiêu hãnh của cả dân tộc chiến đấu để vượt qua đêm dài nô lệ.

“Về phần moi chưa bao giờ như lúc này, moi tự vấn, tự chê trách, tự khinh bỉ mình về sự liên đới của bản thân dẫn đến cái chết của người thanh niên kia. Điều tệ hại trong cung cách hành xử của moi là sự dùng dằng nửa ở nửa đi. Đúng ra moi phải dứt điểm ngay từ đầu, là không đi, là ở lại vị trí chiến đấu của mình…”

[“Bức thư” của Ngô Kha gởi Chu Sơn chấm dứt ở đây – ghi chú của BBT Da Màu]

*

Ở lại vị trí chiến đấu. Trong chiến tranh, ở lại vị trí chiến đấu cho dù bối cảnh và điều kiện có khắc nghiệt như thế nào thì hầu hết người kháng chiến cũng quyết một bước không đi, một li không rời, ngoại trừ trường hợp có lệnh trên hoặc trường hợp chẳng đặng đừng. Trường hợp anh Kha là một ngoại lệ. Mệnh lệnh của anh là chính bản thân anh, là lương thức của anh, là cá tính của anh, là tâm thể anh.

Anh Kha không phải là người của tổ chức, anh không muốn ở trong guồng máy. Lãnh đạo của Thành uỷ cũng không muốn thế. Một thực tế mới nghe qua có vẻ nghịch lí là một người ở ngoài tổ chức của kháng chiến, không nhận bất cứ một mệnh lệnh, một sự chỉ đạo trực tiếp nào của Thành uỷ hay của một cán bộ chuyên trách lại có nhiều hiệu quả hơn bất cứ một cán bộ tuyên truyền nào trong mặt trận đấu tranh chính trị tại các đô thị.

Cả anh Ngô Kha, cả lãnh đạo Thành uỷ đều tận dụng cái tư thế hợp pháp của một công dân dưới chế độ Việt Nam Cọng hoà theo một thế cách, một nghệ thuật, một thủ pháp riêng mà cùng nhằm đến mục đích chung. Đặc biệt người công dân ấy là một trí thức, một nghệ sĩ, một thầy giáo uy tín, thần tượng của hàng năm bảy trăm học trò trực tiếp và hàng ngàn bạn học của họ ở các trường trung, đại học trong thành phố trọng văn chuộng sĩ như thành phố Huế, là một của quí theo sự đánh giá của Thành uỷ, và là con ngựa thành Troie theo sự ví von của chúng tôi. Thành uỷ đã gìn giữ, vun xới, bảo vệ cái của quí ấy theo cách riêng. Cái cách riêng ấy chỉ là một trong ngàn triệu cách riêng mà đảng Cọng sản Việt Nam đã vận dụng theo từng thời đoạn, từng tình huống, từng con người trong suốt quá trình lãnh đạo chiến tranh. Và theo tôi. nếu nhìn xuyên suốt và toàn cảnh thì từng cách riêng hay cả ngàn triệu cách riêng to nhỏ lớn bé khác nhau gộp chung lại, kết hợp lại thành một chỉnh thể vừa khoa học vừa nghệ thuật, vừa ma thuật … Đó là tư tưởng, đường lối, sách lược, là chiến lược, chiến thuật và thủ đoạn chiến tranh của người lãnh đạo kháng chiến: Đảng Cọng sản.

Tôi xin phép mở một ngoặc đơn để làm rõ thêm tại sao trong chiến tranh chống xâm lược, những người như anh Kha vào một thời điểm nào đó được đánh giá như là một của quí của phong trào đô thị? Và những của quí ấy của phong trào lại nằm ngoài tổ chức? Trong khi đó, bao giờ đảng Cọng sản cũng coi cơ cấu tổ chức như là xương sống, là linh hồn của lực lượng cách mạng? Và nhân trường hợp anh Ngô Kha tôi xin nói rõ hơn cái thế hợp pháp lợi hại như thế nào trong thế chiến quốc — thế xuân thu?

Tôi không trả lời riềng rẽ, mà tôi gộp chung các câu trả lời thành một nhận định vừa khái quát vừa cụ thể:

Thực dân Pháp và đế quốc Mỹ xâm lược nước ta. Đến bây giờ hai mươi năm sau ngày đất nước độc lập, cũng còn nhiều người không đồng tình với nhận định của tôi. Họ nói: làm gì có ngoại xâm. Do vậy mà cũng chẳng có chuyện đất nước độc lập hay không độc lập. Chỉ có người Thiên Chúa giáo đến đây rao giảng tin mừng, người Pháp đến đây để truyền bá nền văn minh của nước mẹ đại Pháp cho dân Anamit ngu dốt, người Mỹ đến đây để giúp đồng bào miền Nam học tập văn minh Hoa Kỳ, truyền bá tư tưởng tự do dân chủ, giúp nước miền Nam chống lại nước Cọng sản miền Bắc xâm lược, vô thần và độc tài. Tôi nhắc lại nhận định này không phải để tranh luận cãi vã với bất cứ ai vào một thời điểm không cần thiết nữa. Tôi chỉ nhắc lại với mục đích là cho dù các sách lược khai hoá, đề huề, tự do dân chủ của thực dân Pháp và đế quốc Mỹ có là chiêu bài là huyền thoại như một học giả gốc gác Thiên Chúa giáo- giáo sư Nguyễn Văn Trung- đã vạch mặt và tố cáo thì nó vẫn có một phần thực chất của nó. Chẳng hạn thực dân Pháp thi hành chính sách ngu dân nhưng cũng mở trường học, cho phép mở nhà xuất bản, phát hành sách vở báo chí. Theo như lập luận của ông Trung thì việc mở trường học, cho phép nhà xuất bản, phát hành báo chí là huyền thoại, còn chính sách ngu dân là thực chất. Chính nghĩa Quốc gia của Bảo Đại là huyền thoại, sách lược khai thác thuộc địa của thực dân Pháp là thực chất. Trong thời thuộc Mỹ các chính quyền từ Ngô Đình Diệm đến Nguyễn Văn Thiệu đều có một Hiến pháp Cọng hoà và Dân chủ, nhưng từ đường lối đến biện pháp chủ yếu là phát xít và độc tài. Cũng theo lập luận của ông Trung thì Hiến pháp Cọng hoà Dân chủ là huyền thoại, và độc tài phát xít là thực chất. (thành thật mà nói cuốn sách Chủ Nghĩa Thực Dân — Thực Chất và Huyền Thoại của giáo sư Nguyễn Văn Trung và những sách báo có nội dung tương tự của các trí thức, các linh mục tiến bộ trong đạo Công giáo đã giúp chúng tôi rất nhiều trong công tác phong trào đô thị). Điều tôi muốn nhấn mạnh tiếp theo : sách lược, phương pháp cách mạng của đảng Cọng sản là, một mặt tiến công trực tiếp vào thực chất của Chủ nghĩa Thực dân Đế quốc, đồng thời tương kế tựu kế lấy gậy ông đập lưng ông, sử dụng các chiêu bài, các huyền thoại của đối phương làm vũ khí chống lại chúng. Các cuộc vận động đấu tranh dân chủ dân sinh hồi năm1936, phong trào Hoà Bình hổi 1954, 1955, 1956… phong trào Thanh niên, học sinh, sinh viên Sàigòn góp sức cùng phong trào Phật giáo từ 1963 – 1966, Phong trào phụ nữ đòi quyền sống, phong trào Dân tộc Tự Quyết, phong trào chống độc tài quân phiệt, phong trào Tự do báo chí và các cuộc xuống đường ăn xin của ký giả Sàigòn, phong trào đòi thi hành hiệp định Paris, phong trào Nông dân trên khắp miền Nam đấu tranh trong suốt hàng chục năm với nhiều mục tiêu, hình thức khác nhau… là những ví dụ điển hình cho chiến lược gậy ông đập lưng ông. Nhận định của đảng Cọng Sản và sách lược tiến công địch bằng vũ khí địch chứng tỏ rằng trong các chiêu bài, các huyền thoại mà đối phương sử dụng vì mục tiêu cướp nước và nô lệ dân tộc ta, có một mức nào đó yếu tố tích cực của nó.

Như thế bản thân chế độ chính trị Việt Nam Cọng hoà qua các thời kỳ từ Ngô Đình Diệm đến Nguyễn Văn Thiệu hàm chứa hai yếu tố mâu thuẫn đối nghịch, mà xoắn xít, gắn bó với nhau như hai nguyên lí âm dương: yếu tố huyền thoại và yếu tố thực chất. Yếu tố thực chất là độc tài phát xít, lệ thuộc, bè phái, cá nhân. Yếu tố huyền thoại là thể chế Cọng hoà Dân chủ lý tưởng.

Chế độ Cọng hoà là chế độ không có vua, là chế độ của dân, do dân và vì dân. Không có một quyền lực nào áp đặt trên đầu trên cổ nhân dân cả. Thay vì Vua làm chủ tuyệt đối và vĩnh viễn trong chế độ quân chủ phong kiến, thì chế độ Cọng hoà do dân làm chủ thông qua hiến pháp, luật pháp do những cơ quan dân cử làm ra. Hiến pháp do Quốc hội Lập hiến và luật pháp do quốc hội Lập pháp. Hiến pháp là giềng mối, là các nguyên lí hình thành nên cốt lõi, huyết mạch và diện mạo quôc gia. Luật pháp là cụ thể hoá giềng mối và các nguyên lí dó bằng những văn bản luật pháp qui dịnh các quyền hạn nghĩa vụ công dân, chức năng nhiệm vụ các cơ quan công quyền… Mọi công dân đều bình đẳng trước pháp luật, mọi công dân đều có quyền tự do bất khả nhượng như tư hữu, ngôn luận, tín ngưỡng, cư trú, làm ăn, đi lại, phát biểu, truyền bá tư tưởng bằng các phương tiện truyền thông… Và các nghĩa vụ… Theo đó các cơ quan công quyền như Lập pháp, Hành pháp, Tư pháp được phân lập, quyền hạn và trách nhiệm của từng cơ quan cũng được qui định rạch ròi, minh bạch để tránh lạm quyền và dẫm đạp lên nhau. Có thể nói trong chế độ Dân chủ Cọng hoà quyền lực tối cao là luật pháp. Các cơ quan công quyền và người đứng đầu của nó chỉ là kẻ được uỷ nhiệm, thừa hành và chịu sự ràng buộc chế tài bởi Hiến pháp, luật pháp và kể cả tai mắt của nhân dân thông qua quyền lực thứ tư: Báo chí. Chế độ Dân chủ Cọng hoà là sản phẩm của xã hội công nghiệp, kinh tế, văn hoá, khoa học kỹ thuật phát triển, là nhu cầu tất yếu vừa là động lực thúc đẩy sự tiến bộ, giàu mạnh của châu Âu, Bắc Mỹ (Hoa Kỳ) và nhiều nước khác. Các nước phương Tây (cụ thể liên đới với Đông Dương, Việt Nam là thực dân Pháp và đế quốc Mỹ) sử dụng nó (chế độ Dân chủ Cọng hoà) làm chiêu bài (huyền thoại), mồi nhử, và một bộ phận người Việt Nam làm công cụ tiến hành xâm lược, khai thác, can thiệp vào nội tình Việt Nam, đàn áp nhân dân Việt Nam.

Bản thân thể chế Dân chủ Cọng hoà xét theo các nguyên lí hàm chứa trong đó không có điều gì là xấu nếu không nói là một thể chế mang nhiều yếu tố tích cực, tiến bộ, nhân bản, phản ảnh những ước mơ, nguyện vọng sâu xa nhất của đại đa số nhân loại bị bóc lột, áp chế. Tuy nhiên nó là sản phẩm của một trình độ văn minh, là nhu cầu của đại đa số quần chúng đã đạt được các nhận thức và khả năng của trình độ văn minh ấy.

Nó không phải là món hàng xuất nhập cảng. Và một khi là mồi nhử, là chiêu bài, là huyền thoại của bọn cướp nước và tay sai thì nó trở nên nguy hiểm. Nó là con dao trong tay của lũ sát nhân. Luật số 10/59 đặt Cọng sản ra ngoài vòng pháp luật của tập đoàn Ngô Đình Diệm, luật bầu cử, ứng cử, luật báo chí thời Nguyễn Văn Thiệu là những ví dụ điển hình cho sự lương lẹo, vận dụng tuỳ tiện thể chế Dân chủ Cọng hoà vào các mục tiêu bất chính của bọn cầm quyền Việt Nam Cọng hoà.

Những người có gốc rễ sâu xa với phong kiến và não trạng tôn giáo Trung cổ như Ngô Đình Diệm và anh em nhà ông có thể là hoàng đế, là lãnh chúa, nhất thiết khó có thể là công dân bình thường của một nước Cọng hoà.

Những con người xuất thân từ lính khố xanh khố đỏ như Nguyễn Cao Kỳ, Nguyễn Văn Thiệu, Trần Thiện Khiêm khi được người Mỹ trao cho quyền lực thì thể chế Dân chủ Cọng hoà trở thành những cản trở, những trói buộc trước những tham vọng, những thèm khát vô độ của một bọn quân phiệt.

Một nghịch lí trong bối cảnh chính trị miền Nam từ 1954 – 1975 là có một thể chế Dân chủ Cọng hoà và một chế độ Việt Nam Cọng hoà cùng tồn tại như hai nguyên lí âm dương cực kì bất quân bình do người Mỹ áp đặt, chài mồi, nhào nặng và vận hành.

Sự có mặt của quan thầy, đồng dôla, binh lính bom đạn Mỹ và các tập đoàn độc tài phong kiến, quân phiệt phát xít từ Ngô Đình Diệm đến Nguyễn Văn Thiệu, tự bản chất không những chống lại đất nước, nhân dân Việt Nam mà còn chống lại các nguyên lí cơ bản của thể chế Dân chủ Cọng hoà.

Suốt quá trình vận động và lãnh đạo kháng chiến, đảng Cọng sản Việt Nam đã phân biệt được, và trong chừng mực nào đó, đã tách rời một bộ phận quần chúng ( thường gọi là nhân dân) ra khỏi quĩ đạo phi nghĩa của các chế độ, chính quyền, các tập đoàn tư bản bóc lột, xâm lươc và tay sai. Sự phân biệt và các sách lược thích ứng đã thuyết phục, thu hút sự đồng tình, ủng hộ của đông đảo nhân dân miền Nam, những thành phần tiến bộ trong nhân dân Pháp, nhân dân Mỹ và nhân dân thế giới cho chính nghĩa và sự nghiệp giải phóng của dân tộc Việt Nam.

Tuy nhiên người Cọng sản nói chung, đảng Cọng sản Việt Nam nói riêng đứng trên quan điểm Marxisme và những hạn chế do những vận động khách quan của tình hình chính trị thế giới trong suốt năm mươi năm giữa của thế kỷ 20 đã không phân biệt hai thực thể khác nhau là thể chế Dân chủ Cọng hoà với các chế độ, các nhà nước, các tập đoàn kinh tế chính trị nhân danh thể chế đó. Có thể ví : thể chế Dân chủ Cọng hoà là nguyên lí cơ học,. còn việc chế tạo máy hơi nước, đóng tàu thuỷ, vận hành, lèo lái và sử dụng với những mục đích khác nhau là cả một lịch sử của rất nhiều người từ kỹ sư, thuyền trưởng, chủ tàu và lái tàu. Chẳng phải vì máy móc trục trặc, tàu gặp nạn hay tàu lọt vào tay bọn cướp biển mà huỷ bỏ luôn phát minh lí thuyết của ngành cơ học?

Không thể phủ nhận một thực tế là thể chế Dân chủ Cọng hoà sản sinh ra chủ nghĩa Tư bản, chủ nghĩa Tư bản sản sinh ra chủ nghĩa Phát Xít, chủ nghĩa Thực dân Đế quốc, chủ nghĩa Thực dân Đế quốc sản sinh ra các chính quyền phụ thuộc độc tài. Tuy nhiên không nên vì cái biện chứng đơn giản ấy mà gộp chung các thứ trên làm một thực thể duy nhất để giải quyết vấn đề độc lập dân tộc và xây dựng đất nước bằng cuộc tổng tiến công tiêu diệt luôn thể chế Dân chủ Cọng hoà. Cũng có thể có thêm một liên tưởng nữa: thể chế Dân chủ Cọng hoà là rừng, chủ nghĩa Tư bản và các thứ tệ hại từ đó phát sinh như hùm beo, lang sói, rắn rít. Và như thế không nên vì hùm beo, lang sói, rắn rít xâm hại, đe doạ mà đốt luôn cả rừng. Bởi rừng không chỉ sinh sản ra hùm beo, lang sói, rắn rít. Vả lại các ác thú và sinh vật độc hại không mãi mãi đe doạ và là hiểm hoạ của con người. Mà rồi con người có thể khống chế, ngăn chận, chuyển hoá và sử dụng nó. Bằng chứng là nhờ có chủ nghĩa Marx – Lénin, cách mạng Xã Hội Chủ Nghĩa phong trào lao động trên bình diện toàn cầu, phong trào chống phân biệt chủng tộc mà thế giới Tự Do Dân Chủ đã chuyển hóa để ngày có một bộ mặt nhân bản hơn.

Ở miền Nam trước năm 1975, học sinh trung học, sinh viên các trường đại học Văn khoa, Luật khoa, trường Khoa học chính trị kinh tế (ở Đà Lạt), trường Quốc gia hành chánh đều được truyền đạt và nghiên cứu với những trình độ khác nhau các kiến thức cơ bản của học thuyết Tư sản Dân quyền, thể chế Dân chủ Cọng hoà. Đương nhiên việc truyền bá các kiến thức học thuật này không ngoài các mục đích chính trị phản động của giới cầm quyền. Nhưng không phải vì vậy mà những nguyên lí nền tảng của thể chế Dân chủ Cọng hoà bị xuyên tạc, vo tròn bóp méo hay tô hồng chuốc lục. Vả lại chính quyền phản động và lạc hậu không dại gì tuyên truyền rộng rãi thể chế này, bởi vì thực chất họ là những người chỉ lợi dụng nó làm chiêu bài và huyền thoại. Họ rất sợ một sự so sánh giữa huyền thoại và thực chất.

Họ sợ Cọng sản đã đành, đồng thời họ cũng sợ nhân dân nhân danh các nguyên lí của thể chế Dân chủ Cọng hoà đấu tranh chống lại họ.

Phải chăng nội dung và phương pháp của mặt trận chính trị trong suốt cuộc chiến tranh chống xâm lược Mỹ tại các đô thị miền Nam không ngoài các ngưyên lí của thể chế đó: Độc lập Dân tộc, Dân quyền Tự do, Dân sinh Hạnh phúc.

Thể chế Dân chủ Cọng hoà trong điều kiện tình hình đặc biệt ở miền Nam Việt Nam và quần chúng của nó trở thành nạn nhân của hai ý đồ, hai chủ lực tương tranh:

—- Một bên là đế quốc Mỹ và các tập đoàn phụ thuộc biến nó thành mồi nhử, thành chiêu bài, thành huyền thoại để thực hiện các mục tiêu phi nghĩa, đen tối và tàn ác.

—- Một bên là đảng Cọng sản xem nó là mục tiêu chiến thuật, là đồng minh giai đoạn để tiến hành chiến tranh giải phóng. Sau chiến tranh gíải phóng, thể chế Dân chủ Cọng hoà trở thành đối tượng nguy hiểm nhất của cách mạng Xã Hội Chủ Nghĩa.

Nắm vững ngọn cờ Độc lập Dân tộc, sáng tạo vận dụng đúng đắn, thực hiện hữu hiệu tư tưởng chiến lược chiến thuật và ma thuật của chiến tranh nhân dân, chiến tranh cách mạng, đảng Cọng sản Việt Nam đã từng bước thay đổi tương quan lực lượng địch – ta trên khắp các mặt trận. Ở đây tôi chỉ chú ý một chuyển hoá rất quan trọng của những con người thuộc chế độ Việt Nam Cọng hoà, thuộc ý thức hệ Dân Chủ Cọng hoà và đông đảo quần chúng của họ. Họ nhích lần từng bước về phía trung lập, tả khuynh hay ngã hẳn về phía kháng chiến. Họ là kháng chiến xanh và cũng có thể là kháng chiến đỏ.

Kháng chiến xanh là kháng chiến không Cọng sản. Người kháng chiến xanh chấp nhận sự lãnh dạo của đảng Cọng sản, đứng chung chiến hào vớí người Cọng sản hoặc là kẻ đồng hành trên mặt trận chống Mỹ và các tập đoàn phụ thuộc Việt Nam Cọng hoà. Họ, có người công khai, có người im lặng không đồng tình với người Cọng sản về cuộc cách mạng Xã hội Chủ nghĩa sắp tới. Ở trong tổ chức hay ngoài tổ chức, họ chỉ đi với người Cọng sản đến hết đoạn đường giải phóng dân tộc.

Anh Ngô Kha là người kháng chiến Xanh ở ngoài tổ chức. Ở miền Nam Việt Nam vào giai đoạn cuối của cuộc chiến tranh Việt Mỹ xuất hiện khá nhiều người thuộc loại Ngô Kha. Họ là những nhân sĩ trí thức, những nhà hoạt động xã hội, tôn giáo, hoạt động chính trị trong và ngoài nghị trường ( nhóm dân biểu Đối lập ở hạ nghị viện), họ lợi dụng thế hợp pháp, và các quyền công dân có hạn chế nào đó, tham gia tích cực và vô cùng linh hoạt, phong phú các phong trào chống Mỹ và chế độ Sài Gòn nhằm góp phần chấm dứt chiến tranh đem lại Độc lập, Thống nhất, và Hoà bình cho đất nước. Họ làm báo hợp pháp, báo lậu, hội họp đình công, họ hình thành hoặc tham dự các tổ chức công khai, biến tướng, họ cùng với học sinh, sinh viên và các thành phần quần chúng tiến bộ xuống đường, biểu tình, bãi khoá, tổ chức các sinh hoạt văn hoá, văn nghệ lành mạnh và cách mạng. Ở Huế các báo Tự Quyết, Mặt trận Văn Hoá Dân Tộc Miền Trung, các tổ chức Cứu Đói, phong trào Phụ Nữ Đòi Quyền Sống, phong trào Học sinh, Sinh viên, phong trào Tự Quyết của những năm từ 1969 – 1972 đều có sự đóng góp của Ngô Kha trong các vai trò chủ chốt hay thành viên tích cực. Xin đóng ngoặc đơn

Điều cần lưu ý đặc biệt là về phía các vị lãnh đạo phong trào, các cấp uỷ (ví như Thành uỷ Huế…) và các nhân vật tham gia đấu tranh trong các phong trào đô thị mà ở ngoài tổ chức đều âm thầm thoả thuận một nguyên tắc giao tiếp, hợp tác, cộng tác mà mỗi bên có những lí do riêng. Đó là làm hết sức bám giữ thế hợp pháp và vị trí chiến đấu của các nhân vật này, tôn trọng tính chất độc lập và tự do của họ để phát huy hiệu quả, tác dụng, đồng thời tránh cho họ các cảm nhận bị lãnh đạo chỉ đạo. Anh Ngô Kha thường khẳng định vị trí chính trị của mình: Moi neutre, (moi không màu sắc, không nhãn hiệu . Moi trung lập)

Để thấy được lợi hại của một nhân vật kháng chiến xanh ở ngoài tổ chức, ta thử làm một so sánh giữa ông ta với một cán bộ đảng viên hoạt động phong trào đô thị cùng tầm cở (khả năng, vị trí xã hội, nhiệm vụ công tác):

—- Người cán bộ đảng viên có tầm hoạt động nhỏ hẹp hơn (bởi đã bị đặt ngoài vòng pháp luật), Người kháng chiến ở ngoài tổ chức đi lại tư do hơn, tiếp xúc rộng rãi, nói năng thoải mái hơn. Trường hợp anh Ngô Kha chẳng hạn. Anh có hàng năm bảy trăm học trò và những quần chúng bạn bè đông đảo trong thành phố. Anh hô hào chống đuổi Mỹ và tập đoàn lệ thuộc công khai. Anh phê phán thẳng thừng sự lập lờ, nước đôi của những nhóm chính trị tham vọng và cơ hội …

—- Người cán bộ đảng viên khi bị địch bắt thường âm thầm chịu đựng, không ai can thiệp. Người kháng chiến xanh ở ngoài tổ chức khi bị địch bắt chừng nào đó được pháp luật bảo vệ, được các tổ chức xã hội, nhân đạo can thiệp và sẽ là cái cớ để phát động đấu tranh, gây rối loạn trong lòng địch.

—- Người cán bộ đảng viên khi bị địch bắt có thể làm vỡ lỡ kế hoạch công tác, đổ bể tổ chức, gây tổn thất cho phong trào cho đồng chí đồng đội. Trong khi đó người kháng chiến xanh ở ngoài tổ chức khi bị địch bắt sẽ không dẫn đến những tổn thất trên.

Xét trên khía cạnh công tác kháng chiến là thế. Còn xét trên sự tính toán riêng của mỗi bên (lãnh đạo kháng chiến và ngưòi kháng chiến xanh ngoài tổ chức) thì cả hai tuy không nói với nhau rạch ròi và chính thức nhưng đều hiểu ngầm là sự liên hệ, gắn bó, phối hợp với nhau không vượt quá giới hạn là kẻ đồng hành, sau chiến tranh không còn duyên nghiệp nợ nần gì với nhau nữa. Một bên không muốn là chi tiết của guồng máy. Còn bên kia cũng không muốn trong guồng máy do mình vận hành có kẻ xa lạ về ý thức hệ (vô sản và tư sản). Đó là chuyện về sau. Và chuyện về sau cũng chẳng phải đơn giản như vậy. Bởi hiện thực cuộc sống là một cuộc vận động thường trực và biến hoá không lường.

Trước mắt, họ liên hệ, gắn bó, phối hợp với nhau như thế nào để cùng đạt được hiệu quả công tác tốt nhất?

Trước hết, cấp uỷ hay một cán bộ lãnh đạo chuyên trách chọn trong số cán bộ của mình một vài người có điều kiện thuận lợi (uy tín, đức tính, khả năng…) tiếp cận và thiết lập các mối quan hệ bạn bè với đối tượng ( chính khách, nhân sĩ, trí thức, sĩ quan, công chức cao cấp, chức sắc tôn giáo, nhà doanh nghiệp…). Khi độ tin cậy đã chín mùi, người cán bộ được giao nhiệm vụ “thổ lộ trong chừng mực nào đó gốc gác của mình (người của kháng chiến), cũng chừng mực nào đó gởi gắm đường lối chính sách và trao đổi một số công việc. Tất cả không vượt quá ranh giới bạn bè tâm giao, tôn trọng tự do độc lập và sự lựa chọn khuynh hướng tư tưởng, chính trị của nhau”. Tuy vậy chẳng phải bao giờ cũng có sự đồng thuận và hợp tác suông sẽ giữa hai bên.

Trong hồi ký của một người gốc gác của thể chế Dân chủ Cọng hoà và đồng thời là một người thuộc chế độ Việt Nam Cọng hoà (làm báo, làm dân biểu quốc hội từ 1962 – 1975) – ông Lý Quí Chung – có một chương khá thú vị: Người của Mặt Trận. Tôi xin lược trích môt vài đoạn:

—- “ Trong suốt thời kỳ hoạt động của tôi trước năm 1975, tôi không có môt cuộc tiếp xúc chính thức nào với người MTDTGPMN. Tôi chỉ biết được ai trong số những người có quan hệ với mình là cán bộ Cọng sản sau ngày 30 tháng 4 năm 1975. Còn trước đó tôi chỉ đoán mò như trường hợp Nguyễn Vạn Hồng ( tức nhà thơ Cung Văn) vì anh đọc cho tôi nghe tác phẩm “ Thăm lúa” của nhà thơ Trần Hữu Thung và nói bài thơ này đoạt giải thưởng ở Vacxava (Ba Lan). Anh Hồng vô tình để lộ tông tích của mình hay là sự cố tình vì đã đánh giá được thái độ chính trị của tôi? ”

—- “ Nhưng có một người từ đầu năm 1975 đã để lộ tông tích của mình là người của Mặt Trận. Tuy không nói thẳng ra “tôi là người Mặt Trận”, nhưng cái cách anh Huỳnh Bá Thành trình bày quan điểm chính trị của mình, đặc biệt với hiệp định Paris,cùng những gọi ý về phương pháp đấu tranh chống Thiệu, rồi sau cùng là những tuyên truyền trực tiếp về các chính sách của MTGPMN đối với trí thức … khiến cho tôi không thể kết luận khác hơn: anh là người của Mặt Trận… Thực tâm mà nói tôi không tìm kiếm ở những chuyện kể của anh Thành một bảo đảm chính trị hay an toàn cá nhân cho mình sau này.Vả lại tôi không nghĩ mối quan hệ giữa tôi và anh Thành là sự móc nối chính thức. Chưa bao giờ Huỳnh bá Thành đặt thẳng vấn đề làm việc cho Mặt trận với tôi. Có anh Thành hay không có anh Thành tôi vẫn chọn lập trường chính trị mà tôi đã chọn. Trước khi hoạ sĩ Ớt để lộ anh là người của Mặt trận, tôi đã dấn thân vào con đường chính trị của mình”.

—- “ Nhưng điều không thể chối cãi là từ khi có những cuộc trao đổi với anh Thành, tôi cảm thấy mình bớt cô đơn”… (Lý Quí Chung — Hồi ký Không Tên, trang 315- 316)”.

Ngô Kha và Trịnh Công Sơn ở Huế hay Lý Quí Chung ở Sàigòn và nhiều người khác nữa ở miền Nam vào giai đoạn cuối của cuộc chiến tranh là những người kháng chiến xanh ở ngoài tổ chức theo nhận định của tôi (Có nhiều người không đồng tình với nhận định này). Cái giống nhau giữa họ là thế. Tuy nhiên họ có những khác biệt rất cơ bản.

—- Người này là một chính khách (Lý Quí Chung), người kia là một trí thức, một kẻ sĩ (anh Ngô Kha).

Một chính khách (người làm chính trị) có thể là một trí thức,và cũng có thể không. Thông thường là không. Bởi quan tâm của người làm chính trị là quyền lực. Những điều anh ta nghĩ, những việc anh ta làm là tranh chấp quyền lực, là mưu lược, là thủ đoạn giành nắm thiên hạ. Có người làm chính trị vì lí tưởng (trong trường hợp này chính khách và trí thức là một). Có người làm chính trị vì quyền lợi. Có người vì cả hai cùng một lúc. Hoặc có người lúc trai trẻ thì vì lí tưởng, khi về chiều thì lợi quyền. Thậm chí có người khi ra đi thì yêu nước, khi về lẽo đẽo theo sau chân giặc. Có người đi kháng chiến vì Độc lập Tự do và Hạnh phúc của trăm họ, khi hoà bình lập lại thì mọi thứ là của riêng mình mình, đảng mình, trăm họ chỉ còn có việc tuỵêt đối tin tưởng, trung thành và vâng lời. Trong lịch sử Việt Nam cận hiện đại hầu như tuyệt đa số người làm chính trị đều như thế cả.

Người trí thức thì trái lại. Ở đâu bao giờ anh ta vẫn là anh ta, không là ai khác: không chính khách, không quí tộc, không tư sản, không công nhân… Người trí thức sống trong, sống giữa cộng đồng với tất cả hiện thực của nó. Anh ta nhìn ngắm, quan sát, suy nghĩ, nhận định, phê phán xã hội, và khi cần thì xuống đường, lên chiến hào, vào tù hay ra pháp trường.

Dưới con mắt các nhà nước đương quyền — người trí thức là kẻ nhiễu sự, tọc mạch, xoi bói, nói nhiều và như thế là đáng ghét, là nguy hiểm và cần phải loại trừ.

Người làm chính trị có thể thay trắng đổi đen, trước sau bất nhất nhưng vẫn là nhà chính trị.

Người trí thức khi đã thay đổi hay bị tình thế vượt qua, nghĩa là từ bỏ hoặc không thể thực hiện các sứ mệnh, các phẩm hạnh của mình, anh ta không còn là trí thức nữa.

Tôi không mô tả Ngô Kha như một người không hề có tham vọng, tính toán riêng tư cho cá nhân mình, đặc biệt vào thời kỳ anh tham gia phong trào Phật giáo. Tuy nhiên sau khi đọc thư của anh, và nhất là khi biết anh không còn nữa, mỗi lần nhớ nghĩ về anh, tôi củ soát lại những ký ức liên quan đến anh và hỏi han những người cụ thể đã từng tiếp giao với anh như Lê phước Á (Tâm) Nguyễn hữu Châu Phan, Bửu Chỉ, Thái Ngọc San, Nguyễn duy Hiền và rất nhiều bạn bè, học trò anh còn ở lại, tôi có đầy đủ những thông tin làm chất liệu để vẽ nên chân dung môt Ngô Kha với cuộc hành trình lận đận bi tráng và vô vọng của một con người có học từng bước tự rèn luyện, đấu tranh với chính mình, với lịch sử, để sống và chết như một kẻ sĩ, một trí thức giữa cái thời buổi mà các huyền thoại, các chiêu bài qua đấu tranh, hoặc qua thử thách bởi những tiến bộ của nền văn minh nhân loại đã bị, hoặc tự phô bày bộ mặt thật hoặc gần thật của nó: lạc hậu, lỗi thời, thẩm chí phản động, biến chất, thoái hóa.

Trở lại vấn đề quan điểm và thái độ của Thành uỷ. Dù anh Ngô Kha không là người của tổ chức, nhưng vì lí do là “của quí”, và những tính toán khác, nên Thành uỷ có sự quan tâm đặc biệt. Thành uỷ chỉ đạo cho các đường dây mật báo theo dõi sát sao thái độ của địch đối với anh và chỉ thị cho các đầu mối trách nhiệm bảo vệ anh tích cực. Thông thường là gợi ý để anh giảm nhẹ cường độ tấn công đối phương, tránh các khiêu khích không cần thiết, hoặc nằm yên môt thời gian làm như bỏ cuộc. Mấy tháng trước khi hiệp định Paris ký kết, Thành uỷ nhận được những tin tức vào loại nguy hiểm đối với anh Kha và những anh em khác như Bửu Chỉ, Nguyễn Duy Hiền…, nên khẩn trương mời các anh lên chiến khu. Nhưng anh Kha đã không đi. Phần cuối bức thư anh Kha viết cho tôi để nhắc lại sự kiện ấy. Sự kiện xảy ra vào đầu tháng 11 năm 1972. Lúc bấy giờ tôi không có mặt trên núi Truồi như anh Kha đã viết. Tôi chỉ biết sự việc qua lời kể của chị Hoà, người chủ căn lều bên bờ sông Truồi. Chị Hoà là cơ sở thuộc địa bàn lõm ở Nam Phổ Cần của Thành uỷ. Tôi nghe chuyện kể của chị khi tôi ghé chờ đội công tác để lên núi Truồi. Sau đó còn nghe anh Lê Công Cơ, anh Võ Đông kể lại sự kiện ấy. Anh Lê Công Cơ được lệnh của Thành uỷ từ căn cứ cùng đội công tác về đón anh Ngô Kha ở trạm Truồi. Chi Phạm Thị Xuân Quế có nhiệm vụ trao lời mời của Thành uỷ đến anh Kha. Anh Võ Đông có nhiệm vụ chở anh Kha về địa bàn lõm theo kế hoạch. Từ địa bàn lõm anh Kha sẽ được đội công tác hộ tống lên núi Truồi, nơi anh Lê Công Cơ đang chờ. Cả ba người: chị Hoà – anh Cơ – anh Đông — mỗi người kể lại câu chuyện theo thực tế tiếp cận, cách nhìn và cảm nhận riêng. Cái chết của người thanh niên, đội viên của đội công tác chỉ là một phần của câu chuyện dài mà chị Hoà nói với tôi suốt cả buổi tối. Câu chuyện dài về nhiều thế hệ trong một gia đình nội ngoại, đặc biệt là quãng đời xanh trẻ của một thiếu nữ nông thôn đã trải nghiệm qua hai cuộc kháng chiến. Hai câu thơ lục bát mà anh Kha đã dẫn trích để đay nghiến, xỉ vả tôi chỉ là sự chín rụng tự nhiên sau buổi tối ngồi nghe chuyện và nhìn ngắm sắc diện đổi thay theo từng đoạn kể trên khuôn mặt người phụ nữ đã tham dự, đã gắn bó, đã cống hiến tất cả tuổi thanh xuân của mình cho khát vọng Độc lập — Thống nhất của đất nước và cho một thế giới ngày mai mộng mị.

Nụ cười là của nỗi đau
Nước mắt là của mai sau thiên đường

Hai câu lục bát là một ký hoạ chân dung của chị Hoà qua mắt nhìn của tôi vào buổi chiều tối bên cạnh con sông Truồi. Con sông đã tiếp nhận đã hoà tan quá nhiều máu và nước mắt của không biết bao nhiêu con người ở hai bên bờ sông Truồi và của không ít những đứa con của nhiều miền đất nước trong suốt chiều dàì lịch sử mở mang, xây dựng và giữ gìn bảo vệ đất nước. Người chiến sĩ thuộc đội công tác đã bị thương rồi chết trong chuyến đón hụt anh Ngô Kha là một thanh niên sinh ra và lớn lên ở Hà Nội, là đứa cháu ngoại của Huế chứ không phải là học trò của anh Kha như anh đã nghĩ tưởng. Một trong những điều trăn trối của người chiến sĩ trong vòng tay đồng đội trước khi nhắm mắt là anh ân hận không còn dịp vào Huế để tìm về, để thăm ngắm ngôi nhà rường với bàn thờ tổ tiên ông bà, với vườn tược cây cối, với những con đường, những ngôi trường, những chiếc cầu, những chùa miếu lăng tẩm hai bên bờ con sông mà mặc dù xa cách mấy chục năm vẫn còn thơm ngát trong ký ức của người phụ nữ đã sinh ra anh.

Tôi biết khi nhìn ngắm bức chân dung này, anh Ngô Kha chẳng có cảm nhận nào trái ngược với những rung động của tôi. Việc xỉ vả đay nghiến tôi khi nhắc lại hai câu thơ lục bát chỉ là một cái cớ. Tuy nhiên nó là một cái cớ ít gần với “hiện tượng” nhất trong số rất nhiều những cái cớ đầy rẫy trong bức thư anh viết cho tôi. Tôi đọc thuộc lòng cái thư của anh mỗi khi có dịp trong những ngày đi làm lực lượng thứ ba ở Sàigòn. Tôi đã gặm nhấm những đay nghiến và xỉ vả ấy. Cho rằng những đay nghiến xỉ vả ấy là những cái cớ là chưa thành thật thẳng thắn nếu nhìn vấn đề theo một cách khác. Trong chừng mực nào đó tôi rất xứng đáng nhận nhiều hơn nữa những đay nghiến xỉ vả không chỉ của một anh Ngô Kha. Những ngày lặn lội đi làm lực lượng thứ ba ở Saigòn tôi học được một triết lí, một biện chứng thâm trầm từ một thành ngữ dân gian thịnh hành ở Nam bộ: —- Zậy mà không phải Zậy.

—- Anh Kha ơi! không phải vậy – mà vậy, phải không anh?

Thế đó, anh Ngô Kha đã không lên núi theo lời mời của Thành uỷ. Anh ở lại, bị bắt và bị giết mấy ngày sau khi hiệp định Paris được công bố. Cấi chết đối với anh hình như là một tất yếu. Anh biết thế nào rồi cũng xảy ra. Anh đã khiếp sợ, nhưng đồng thời anh không né tránh, trốn chạy. Có thể nói anh đã tiếp cận với nó từng giây từng phút, và anh đã tiếp nhận nó như một định mệnh. Thậm chí như trong thư anh đã viết cho tôi rằng anh có cả “một tự do để chọn lựa”. “Liên Thành nó giết anh lúc bây giờ là hợp lí và dễ coi hơn”.

Phần tôi, tôi đã hình dung được chiều hướng phát triển phần đời còn lại của anh sau cái đêm chúng tôi trò chuyện ở An Cựu. Do vậy mà tôi đã không ngỡ ngàng khi được tin chúng trút lên đời anh nỗi căm thù điên dại. Tôi đã không ngỡ ngàng, nhưng tôi đã choáng váng và nỗi đau thương mất mát thì mỗi lúc mỗi sâu nặng và gia tăng sau khi biết đích xác là anh không còn nữa.

Tôi trở lại Huế một tháng hơn sau khi thành phố thay ngôi đổi chủ. Anh em bạn bè, bà con thân thuộc của tôi một số thì hăm hở bước nhanh chân, góp vội tay vào con đường và vận hội mới. Một số khác thì tả tơi tan tác như những con chim nhỏ trước cơn bảo dữ. Nhiều lúc tôi một mình ngó tới ngó lui, ngó qua ngó lại, quanh quẩn ra vào như một kẻ lạc loài, một kẻ bị lưu đày trên cái mảnh đất mà mình đã góp phần dành lại được, giữa một bối cảnh ngột ngạt rã rời tăm tối khổ đau và vô vọng mà chính mình đã tiếp tay. Ở đâu tôi cũng bắt gặp anh Kha cả. Những gì anh nói với tôi trong đêm cuối cùng của chúng tôi ở An Cựu, những gì anh viết thêm trên những tờ giấy gói trà Tam Hỷ và bao hương tôi nhận được từ Sàigòn mấy ngày sau khi anh bị bắt cứ trở đi trở lại trong tâm thức tôi như một cuộn băng quay vòng, quay vòng, không có khởi đầu và cũng không có kết thúc suốt hơn hai chục năm trời. Trong hơn hai chục năm ấy nhiều lúc tôi đã nghĩ là sự lựa chọn đầy tính cách bi kịch của anh xem ra lại là một hành động chẳng đặng đừng. Như thế mà lại là hay. Như thế mà lại là yên.

Cái chết của Ngô Kha mãi cho đến thời điểm này, chưa có một thông tin nào bảo đảm sự chính xác mười phần.

Có người bảo là anh bị dánh vào đầu bởi một cái búa. Tên đặc vụ tay chân của Liên Thành nói là “bửa cái đầu của thằng trí thức xem thử nó có gì khác với những cái đầu mà y đã từng bửa trong những cơn nóng giận suốt cả cuộc đời làm nghề chống Cọng”*.

Thông tin thứ hai mô tả khúc cuối của vở kịch đẫm máu mà tụi Liên Thành đã dàn dựng: “ Ngô Kha bị đánh nhừ tử từ nhiều phía bởi bốn năm tên đặc vụ. Tóc tai, mặt mũi, tay chân, áo quần tả tơi bê bết máu. Anh nửa tỉnh nửa mê, chúng đem dặt anh nằm ngữa nửa trong nửa ngoài trên sàn một chiếc xe jeep lùn của quân đội Mỹ, hai chân dang ra và bị cột chặt vào chân ghế, đầu rơi thòng gần mặt đất, hai tay thì buông thỏng, thỉnh thoảng chới với như cố nắm víu một cái gì. Tài xế được lệnh lái xe theo một kỹ năng đặc biệt do những tâm trí đặc biệt sáng chế ra. Đoạn đường từ một ngôi nhà giành riêng (của ty cảnh sát) tại khu An Lăng đến cánh đồng An Cựu lồi lõm mấp mô. Xe chạy lúc nhanh lúc chậm, lúc đột ngột dừng lại, lúc chồm tới, giật lui bất thình lình. Cái đầu của nạn nhân thỉnh thoàng va đập bì bộp vào mặt đường. Cái chết không thể đến nhanh. Cái chết đến từ từ để cho sự đau đớn đạt đến đỉnh điểm và kéo dài bất tận…”. Tên Liên Thành nói với đám tay chân của nó: “Để cho cái ông thầy ăn cơm Quốc gia thờ ma Cọng sản này nếm trọn, nếm đủ thế nào là kẻ sĩ, là trí thức mà ông đã rao giảng không biết mệt mỏi cho đám học trò hết năm này đến năm khác. Với bọn Cọng sản thì không có chuyện hoà bình, hoà giải hoà hợp gì hết. Chỉ có cái chết mà thôi; bọn chúng chết hay chúng ta chết. Có lẽ bài học từ cụ Diệm sau hiệp định Genève, tau phải giỏi hơn các đồng nghiệp lúc bây giờ…”

Thế đó, đối với Liên Thành – một người Quốc gia – thì anh Ngô Kha là kẻ tiếp tay cho Cọng sản, mà đã tiếp tay hay Cọng sẩn thì chỉ có giết mà thôi. Và giết thế nào cho xứng đáng với những tội lỗi, những rắc rối mà anh đã gây ra cho chúng.

Còn đối với Ngô Kha thì anh đã có một tự do để chọn lựa: Chết dưới tay người Quốc gia để khỏi bị giết bởi những người Cọng sản mà có lúc anh đã đi cùng trong cuộc hành trình giành lại Đất nước.

Chu Sơn

bài đã đăng của Chu Sơn

Cancel


Xin vui lòng bày tỏ trách nhiệm và sự tương kính trong việc sử dụng ngôn ngữ khi đóng góp ý kiến. Da Màu dành quyền từ chối những ý kiến cực đoan, thiếu tôn trọng bạn đọc hoặc không sử dụng email thật. Chúng tôi sẽ liên lạc trực tiếp với tác giả nếu ý kiến cần được biên tập.

Lưu ý: Xin vui lòng bỏ dấu tiếng Việt để giúp tránh những hiểu lầm đáng tiếc từ độc giả trong việc diễn dịch ý kiến đóng góp. Bài không bỏ dấu sẽ không được hiển thị. Xin chân thành cám ơn.

11 Bình luận

  • Cung Tích Biền says:

    Gởi Anh Lam Kiều,

    Vi mấy mươi năm không liên lạc được với nhau, lại không biết địa chi cũng như e mail cua anh nên tôi không thể có vai lời cảm ơn anh đã đọc TN Nhạc Điệu Của Bầy Ong. Anh có thể gõ đôi dòng qua Cung Tich Bien thăm hỏi nhau. Ở đây là đất chung, tôi không tiện tâm sự riêng tư.

    Giáo sư Ngô Kha động viên vào Võ bị Thủ Đức khóa 16.[1963] Tôi khóa 17 nên có gặp nhau tại quân trường.

    Anh biết, hầu hết quý vị mà anh Chu Sơn đề cập trong bài [cũng như các anh trong bài của họa sĩ Trịnh Cung có đề cập trước đây] là những người Bạn,tôi quen biết khá lâu, cả Tả lẫn Hữu.Tôi có thể hiểu [đương nhiên là có chừng mực]và viết về họ, để độc giả có thêm một số chi tiết riêng. Nhưng hôm nay, vẫn là một thời đoạn khá tệ nhị. Một thời đại mà những Sự Thật, những điều lương thiện vẫn còn bị bôi xóa, hoặc bị tráo đi bằng một…Âm bản khác.

    Thân mến thăm.

    Tôi trân trọng xin lỗi quý độc giả mạng, vì thư này có tính cách như một thư riêng giửa tôi và anh Lam Kiều.

  • Lam Kieu says:

    Giáo Sư Ngô Kha là người yêu nước,
    Trái với TCS, giáo sư Ngô Kha đã trình diện nhập ngũ theo lệnh động viên, trở thành sĩ quan trừ bị Thủ Ðức, tôi không nhớ khóa mấy, ông cũng như những quân nhân Phật Tử khác thuộc QÐI tham gia vào cuộc đấu tranh Phật Giáo dưới quyền của Tướng Thi,sau khi Phật Giáo thất bại, bi đầy đi Phú Quốc một thời gian rồi thuyên chuyển về SÐ18 ở LK. Khi tôi gặp lại giáo sư Ngô Kha ( tôi là học sinh QH Huế) thì thầy mang cấp bậc Thiếu Úy thuộc TÐ1/43, sau đó không lâu thầy được biệt phái về Bộ Giáo Dục và về dạy lại ở trường QH Huế.Thầy yêu nước theo lập trường dân tộc, chống nô lệ ngoại bang.Phong cách sống lãng mạng ảnh hưởng trào lưu hiện sinh của Pháp mà phần lớn trí thức đô thị Miền Nam bị ảnh hưởng, đồng thời bị ảnh hưởng phong trào phản chiến Mỹ, không phải cái gì cũng là Cọng Sản cả. Gia đình thầy rất nề nếp nho phong, thầy không theo CS được.Chính bác Ngô Du, anh ruột của thầy cũng bị CS sát hại trong Tết Mậu Thân.Có thể ông Chu Sơn đã thêm mắm dặm muối vào để có lợi cho phía CS của ông chăng ? Chúng tôi , một số cựu học sinh QH của thầy rất bàng hoàng khi nghe Liên Thành thủ tiêu thầy Ngô Kha, và có thể sau 30/4/75 có người muốn lập công với CS đã thêu dệt thêm, vì cho tới bây giờ vẫn còn trong bí ẩn.
    Lam Kiều

  • Hoàng Huy says:

    Đọc bài viết, tôi thấy có vẻ Chu Sơn viết thay cho Ngô Kha vì một bài dài như vậy làm sao nhớ hết ?
    Nhưng dù sao tôi cũng thấy thấp thoáng quan niệm chung của trí thức Huế trong gia đoạn đó: không thích CS nhưng không chông mà còn có cảm tình vì tình tự dân tộc, về điểm này người CS đã thành công. Cái chết của Ngô Kha có liên hệ trực tiếp đến Liên Thành. Mong Liên Thành hiện còn sống nên nói rõ để lịch sử khỏi mù mờ suy đoán.

  • La Lan says:

    Bất cứ người bình thường nào khi đọc xong “Bức thư gởi Chu Sơn của Ngô Kha” cũng đều nghĩ đây là “sáng tác” cũa Chu Sơn viết ở thời điểm này mà giả bộ như là Ngô Kha viết từ hơn ba mươi năm về trước! Bức thư thật sự của Ngô Kha có lẽ rất ngắn, trên vài “tờ giấy gói trà Tam Hỷ và bao hương”. Còn “Bức thư” dài tràng giang này chỉ để phân bua những điều ai cũng biết, thí dụ như làm nhiệm vụ quốc tế vô sản mà cứ cãi ong óng là chống xâm lăng… Dù vậy “thư” củng cho thấy Ngô Kha cảm nhận được chuyện phe ta thế nào cũng giết anh nên thôi thì thà là để “Chính quyền này — bọn Liên Thành — giết moi thì hợp lý và dễ coi hơn” . Vả lại, theo lời kể của Ngô Kha thì Liên Thành hành xử rất rất là có “Công Dân Giáo Dục”, rất là “Quốc Văn Giáo Khoa Thư” rất là “Tôn sư trọng đạo” thì có lẽ chuyện “bửa đầu” hay “đập đầu” phải thuộc về những người mà Ngô Kha cho là nếu giết anh thì không hợp lý mà cũng chẳng dễ coi chút nào.

  • bắc phong says:

    u uẩn Ngô Kha

    trên bao hương giấy trà tam hỷ
    viết tâm thư gửi bạn thâm giao
    bao nhiêu năm khơi từ ký ức
    bạn kể ra như máu lệ trào

    đọc biết một người sống đau khổ
    phấn đấu với mớ dây thần kinh
    lúc nào cũng chằng chịt mâu thuẫn
    khó làm sao định nghĩa đời mình

    nhất là thời chiến tranh tàn bạo
    sống với các thế lực hận thù
    bầm dập trong tư thế hoạt động
    ở nội thành không bỏ vào khu

    sống ám ảnh mình sẽ bị giết
    bởi bên này hay phía bên kia
    cũng là thứ định mệnh nghiệt ngã
    cô đơn trong tuyệt vọng hoài nghi

    cuối cùng chết bi thương bóng tối
    rồi được phong liệt sĩ anh hùng
    thành hình ảnh tuyên truyền chế độ
    một mẫu người cộng sản kiên trung

    biết người chết nếu mà còn sống
    có bất mãn nhà nước hiện hành
    đàn áp dân độc tài chuyên chính
    vì tự do dân chủ đấu tranh

    bắc phong

  • Minh Ngọc says:

    Bài viết cho thấy ông Ngô Kha đã từng được ông Liên Thành tha chết vì tình nghĩa thầy trò, không có lý gì để ông Liên Thành phải dùng kiểu giết người ghê rợn dành cho ông Ngô Kha sau này, có chăng nó gợi nhớ cho tôi hình ảnh hai ông bà già địa chủ bị đấu tố rồi bị cày cho mất đầu sau khi được chôn đến cổ của Chúng Tôi Muốn Sống . Có nhiều lý do để ông Ngô Kha được các đồng chí của ông ấy đưa qua bên kia thế giới của người hiền là :
    Ngô Kha đã biết quá nhiều bí mật, biết tổ chức nằm vùng của các đồng chí mình. Nay lại không theo các ông ấy lên núi, thì chính Ngô Kha đã mang cái án vào người . Hơn nữa, nếu NK chết thì không những bảo toàn bí mật mà còn lại làm cho những người ở Huếc căm thù công an mật vụ Thiệu Kỳ ác ôn . Một công hai chuyện .

  • HoaiTu says:

    * Thứ nhất tôi thắc mắc về Damau: Tại sao mò được những bài như thế này để đăng nhưng bài của Liên Thành thì không thấy đâu trong đây ? Như vậy là rộng đường dư luận đấy sao ? Và trong tiêu đề viết:

    “Bài viết, được chia làm hai phần do độ dài của nó, chủ yếu là việc kể lại, hoàn toàn dựa trên ký ức của Chu Sơn, nội dung bức thư của nhà thơ Ngô Kha, một phiên bản lịch sử liên quan đến chiến tranh Việt Nam của một cá nhân, gởi chính tác giả. Cũng theo Chu Sơn, bức thư được viết tại An Cựu, Thừa Thiên vào ngày 28.01.1973. Không lâu sau đó, Ngô Kha bị bắt và được cho rằng bị thủ tiêu bởi chính quyền Việt Nam Cộng Hòa. Ban biên tập Da Màu mong bài viết sẽ được đọc, phân tích, và đóng góp bởi đông đảo bạn đọc. ”

    Cách chấm câu sau ngày tháng này , rồi câu “Không lâu sau, …. ” có thể đánh lận con đen như là một yếu tố chứ không phải lời Chu Sơn .

    * Về bài của Chu Sơn . Một bài “kể lại” rất ư là chi tiết, rất chi li của Chu Sơn mà cho thấy Chu Sơn có trí nhớ “thần thánh” như biệt hiệu của đảng .

    – Cứ cho là Chu Sơn có trí nhớ vạn năng, tôi xin trích từ Chu Sơn, Liên Thành, Việt nam “Cuộc chiến 1946-1954” ghi chép thực về việc đoàn Cố vấn Quân sự Trung Quốc viện trợ Việt Nam chống Pháp, Hồ sơ mật của lầu năm góc, Ho Chi Minh a Life.

    – Chu Sơn kể là Ngô Kha nói :“ Với Liên Thành là lúc này, lúc nó níu kéo một cách tuyệt vọng một thế lực phi lí và bạo tàn: bọn xâm lược Mỹ.

    Mỹ xâm lược hay Tàu, Nga xâm lược đều đáng chỉ trích . Nhưng cũng lịch sử cho thấy ở Nam Hàn và Bắc Hàn, Mỹ “xâm lược Nam Hàn nên giờ họ thành một cường quốc Kinh Tế trong khi Bắc Hàn, Tàu, Nga xâm lược thì họ được gì ? Có lẽ nói như thế Ngô Kha đội mồ lên mà cãi lộn với cái tên hậu sinh tôi vì Tàu và Nga của Ngô Kha và Chu Sơn không xâm lược . Xin trích dẫn:

    Trích tập tài liệu: Ghi chép thực về việc đoàn Cố vấn Quân sự Trung Quốc viện trợ Việt Nam chống Pháp, trang 60, cơ sở Truyền thông xuất bản 2009 (đây là những cố vấn Tàu sang Việt Nam giúp Hồ Chí Minh đánh Điện Biên Phủ và huấn luyện Việt Minh). “Trong tất cả các bài viết của La Quý Ba, Trương Quảng Hoa, Vu Hóa Thảm, Vương Nghiên Tuyên, Độc Kim Ba trong tập tài liệu thì đều bàng bạc cho thấy sự viện trợ quân sự cho Việt Nam là do tinh thần chủ nghĩa Quốc Tế vô sản. Xin trích dẫn lời nói của Mao Chủ tịch:
    “Không phải tôi muốn cử các đồng chí đi Việt Nam mà là chủ tịch Hồ Chí Minh yêu cầu. Ai bảo Cách mạng chúng ta thắng lợi trước thì phải giúp đỡ người ta, đó gọi là chủ nghĩa Quốc tế. Các đồng chí đến Việt Nam, trước hết phải giúp Việt Nam thắng trận.”

    Trích Ho Chi Minh, A Life, William J Duike, trang 430 (Xin giữ nguyên ngôn ngữ) “Ho was fulsome in his praise of the new government in Beijing and its wise leadership, suggesting strongly that his government and party would follow the Chinese model. By now, he had become a master at the art of flattering his benefactors by implying that their advice and experience would be taken to heart in the new Viet Nam.”

    Trích Ho Chi Minh, A Life, William J Duiker, trang 432
    “Chinese advisers were intimately involved in the planning and execution of the border offensive, a role that would become subject to controversy between the two allies following the end of the Viet Nam war. Viet Nam sources credit Vo Nguyen Giap and other Viet Minh military strategist with coordinating the campaign…

    Whatever the truth of the debate, after the campaign was over, Chen Geng returned to China and was assigned to command PLA units operating in Korea before his departure from the Viet Bac, he sent detailed criticisms of Vietminh battlefield performance to his superiors in China. As Chen reported to his Chinese superiors, Vietminh troops lacked discipline and battlefield experience and were not ready to engage in major operations, while their commmanders did not have sufficient concern for the welfare of their troops and were reluctant to report bad news to theirs superiors.”

    Đảng đã cõng rắn về nhà từ khuya rồi bác Chu Sơn và Bác Ngô Kha ạ . Thêm vào tài liệu Ngũ Giác Đài sau đây :

    Trích Hồ sơ mật của lầu năm góc, tập san Trình Bày, trang 52 “Thế nhưng, chính quyền Truman lại cũng hất hủi những lời kêu gọi của Hồ Chí Minh. Vào tháng tám và tháng chín 1945, bản thuật ký kể lại, trong lúc các lực lượng của Hồ Chí Minh kiểm soát Hà Nội, ông đã gửi tới tổng thống Truman một lời thỉnh nguyện qua Văn phòng Dịch vụ chiến thuật OSS, cơ quan đi trước C.I.A, yêu cầu chấp thuận cho Việt Nam một quy chế như Phi Luật Tân trong một giai đoạn giám hộ trong khi chờ đợi độc lập. Từ tháng 10-1945 cho tới tháng hai năm sau, bản thuật ký tiếp, Hồ Chí Minh đã viết ít nhất là 8 lá thư cho TT Truman hoặc cho Bộ Trưởng ngoại giao, chính thức kêu gọi Hoa Kỳ và Liên Hiệp Quốc can thiệp chống lại thực dân Pháp.”

    Cho thấy chẳng những đảng cõng rắn Mỹ không xong, nhảy sang cõng rắn Tàu .

    – Ngô Kha qua lời kể Chu Sơn “ Bọn chủ nô sử dụng nô lệ để thoả mãn lòng tham và những lợi ích riêng tư của chúng. Đảng Cọng sản quản lí con người, sử dụng sức lao động và tất cả mọi tài sản khác vì mục đích chung. Mục đích sẽ biện minh cho phương tiện. Không thể đánh đồng bọn chủ nô với đảng Cọng sản được. Chỉ có bọn phản động mới cá mè một lứa như thế”

    Như những trích dẫn bên trên thì những bậc trí thức ưu tú như Ngô Kha hay Chu Sơn cố vẽ cho mình một triều đại tuyệt mỹ, thiên đàng giữa nhân gian còn bất cứ những gì chung quanh chỉ là nô lệ là bóc lột dù chẳng nô lệ cũng phải dùng biện chứng pháp của Karl Marx để cho nó là nô lệ . Hiện thực xảy ra cho người dân ở các nước XHCH cho đến 1973 (ngày Ngô Kha mất) đã cố tình không được nhìn thấy .

    – Ngô Kha qua lời kể Chu Sơn “ Với Liên Thành là lúc này, lúc nó níu kéo một cách tuyệt vọng một thế lực phi lí và bạo tàn: bọn xâm lược Mỹ.”

    Liên Thành trong Trinh Cong Son và những hoạt động nằm vùng (http://biendongmientrung-lienthanh.blogspot.com/2009/05/trinh-cong-son-v-nhung-hoat-ong-cs-nam.html) đã viết :

    “Trịnh Cung và một vài người đã nói trong Mậu Thân 1968 Trịnh Công Sơn bị cộng sản giết hụt.

    “Ai giết hụt Trịnh Công Sơn ? Hoàng Phủ Ngọc Tường? Hoàng Phủ Ngọc Phan? Nguyễn Đắc Xuân?

    “Ba tên ác quỷ này khi đó đang ở cánh Bắc của trận đánh Huế. Tức vùng chiến trận Quận I và Quận II. Cả ba đang say sưa lấy máu tươi, giết đồng bào vô tội, làm gì có thì giờ để mà sang quận III, nơi Trịnh Công Sơn trú ngụ? Mà nếu có qua được Quận III chăng nữa, thì cũng chỉ để ôm nhau vui mừng, cùng hát bài: “Như có bác Hồ trong ngày vui đại thắng”. Vì Trịnh Công Sơn với bọn này “vừa là đồng chí, vừa là anh em mà”

    “Tôi khi đó là Phó Trưởng Ty CSĐB, và là Quận Trưởng quận III, vùng Trịnh Công Sơn trú ngụ. Vì vậy tôi biết rõ chuyện nầy lắm, xin đừng bịa đặt. …….

    “Ngoài ra, toán theo dõi cũng phát hiện được một số các cơ sở trong tổ chức trí vận thuộc tổ chức Học sinh-Sinh viên Giải Phóng thành phố Huế cũng có liên lạc chặt chẽ với Trịnh Công Sơn như:

    “Huỳnh Sơn Trà, SV Y Khoa. Đặng Văn Sở, Đại Học Sư Phạm. Lê Thanh Xuân SV Luật Khoa. Trần Hoài, Đại Học Sư Phạm Việt Hán. Giáo sư Ngô Kha, Đinh Cường, Trần quang Long, Trần Vàng Sao, Bửu Chỉ, và nhiều nữa….

    Cho thấy Liên Thành vì sự tàn bạo CS và những người như TCS, HPNT, NHNP, Ngô Kha mà chống giữ lại phần bờ cõi . Và như đã trích dẫn bên trên về Đạn Hàn thì dù cho các tư tưởng lớn như Ngo Kha, TCS, HPNT, HPNP chọn con đường giết người không cùng tư tưởng như đảng và Hồ Chí Minh, để biên minh cho tất cả chỉ là rác thì người dân mong thà là rác như Nam Hàn còn hơn .

    Nói chung, bài của Chu Sơn dong dài nhưng không có một điểm hiện thực nào mà chỉ là những hình vẽ truyền lại từ HPNT, HPNP, TCS về một bức tranh mà bút cọ không vẽ được, để phán án cho những ai không tưởng tượng được như họ

  • Phan Đức says:

    Đọc hết 2 bài viết gọi là thư của Ngô Kha gửi Chu Sơn, tôi xin góp vài ý kiến thẳng thắn như sau và xin được đưa ra một số nghi ngờ dựa trên bài viết nói trên.

    – Trường hợp Ngô Kha có lẽ là một bi kịch của người trí thức cầu toàn và lý tưởng hóa vượt thực tế chính trị VN.
    Vượt thực tế? Đúng vậy, ông suy nghĩ về nước VN hoàn toàn ở ngoài vòng tranh chấp giữa 2 hệ thống ý thức Tư bản và Cộng sản giữa thời chiến tranh lạnh khởi đi từ cuối đệ Nhị thế chiến 1945. Cứ theo suy nghĩ của ông thì nước ta hình như nằm ngoài hành tinh này nên phải “miễn dịch” với cuộc chiến tranh lạnh chăng?

    -Nếu đúng như bài viết này thì Trịnh Công Sơn, anh rể của Ngô Kha, không thể là tác giả thư gửi Ngô Kha (một thành phần Xanh) với những từ ngữ sặc mùi xã hội chủ nghĩa cho em rể mình được. Nhà thơ Thái Ngọc San (thành phần Đỏ) đã từng nghi ngờ việc này qua bài viết “TCS không phải là tác giả thư gửi Ngô Kha”.

    -Tại sao Ngô Kha trăn trở về việc lựa chọn cái chết với 1 trong những người tưởng “đồng chí” mà không phải đồng chí của mình. Rồi cái chết không có bằng chứng gì đáng tin cậy qua bài viết trên, chỉ là có người cho là… hay theo kịch bản thế này v.v… Có nên nghi ngờ NK phải trở thành “thánh tử đạo” sau Hoà đàm Paris không?

    Một chi tiết nhỏ không biết đúng hay sai là Trịnh Vĩnh Thúy hay Trịnh Vĩnh Thụy?
    Còn H.P. Ngọc Phan lầm tưởng NK là em ruột tướng Ngô Dzu nhưng thật ra là em bà con.

  • Hoài Quốc Việt says:

    Có một điều mà nhiều bài báo viết về Ngô Kha thường nhần lẫn đó là chuyện họ cho là tướng Ngô Dzu là bà con với Ngô Kha . Thật ra Ngô Kha có một người anh ruột tên là Ngô Du ( em của Ngô Tú, hiện ở Đà Lạt) , sĩ quan quân đội VNCH . Ông này có gia đình và vợ con ở tại số 42 Bạch đằng . Ông Du bị Việt cọng bắt và chôn sống với nhiều người khác sau lưng chùa Tăng Quang Tự trong dịp tết Mậu Thân . Hiện nay vợ và con ông này đang ở Sài Gòn và phần mộ của ông cũng đã được cải táng vào Nam theo gia đình .
    Theo tôi được biết qua lời kể của chị gái của ông Ngô Kha là bà Ngô Thị Trang thì Ngô Kha thường bày tỏ với bà là ông chống chính quyền VNCH nhưng cũng không thích Cọng Sản vì ông ta biết cách mà Cọng sản sẽ đối xử với tầng lớp trí thức yêu dân chủ tự do như thế nào qua các sự việc ở miền Bắc . Một điều nữa là , cũng theo lời bà Trang , mẹ của bà không có tinh thần chống chính quyền miền Nam như bài viết này thể hiện .Vì vong linh của người đã khuất tôi xin làm rõ những điều trên.

  • Minh Ngọc says:

    Có bằng chứng nào cho thấy ông Liên Thành giết ông Ngô Kha hay không? Không loại trừ khả năng chính Ngô Kha bị chính các đồng chí của ông ta thủ tiêu . Theo ông Hoàng Phủ Ngọc Phan thì anh ruột của Ngô Kha là ông Ngô Dzu, là 1 vị tướng của VNCH . Đọc cuốn Biến Động Miền Trung của Liên Thành để biết được một phần nào của quá khứ .

  • Nguyen Thanh Tung says:

    Thật tội nghiệp Ngô Kha ! Đã hiểu rõ Cộng sản đến thế mà còn mơ hồ hành vi .

@2006-2023 damau.org ♦ Tạp Chí Văn Chương Da Màu
Log in | Entries (RSS) | Comments (RSS)