Trang chính » Biên Khảo, Nhận Định Email bài này

Văn Chương Nobel 2008: Chìa Khóa và Nhà Tù

Đinh Từ Bích Thúy

Dayadhvam: I have heard the key
Turn in the door once and turn once only
We think of the key, each in his prison
Thinking of the key, each confirms a prison ….
T.S. Eliot, The Waste Land

Horace-Engdahl-in-the-Swedish-Academy Trong buổi phỏng vấn ngày 30 tháng 9, 2008, ông Horace Engdahl, nhà phê bình văn chương Thụy Điển và bí thư của Hội Đồng Tuyển Chọn Giải Văn Chương Nobel, đã phát biểu rằng, “Âu Châu vẫn là trung điểm của nền văn chương thế giới.” Ông nói Hoa Kỳ không xứng đáng được chức vị quan trọng này vì những nhà văn Mỹ “bị ảnh hưởng quá nhiều bởi những xu huớng phổ quát, bình dân của họ.” Ông nói tiếp, “Nước Mỹ quá biệt lập, quá tự kỷ. Người Mỹ không dịch nhiều [văn chương từ những xứ sở khác] và họ không tham dự vào cuộc đại đối thoại về văn chương [với thế giới]. Sự kém hiểu biết của họ đã ngăn chận họ lại.”

Ngày hôm sau, trong một cuộc phỏng vấn với tờ báo Anh Quốc, The Guardian, ông Engdahl có vẻ dè dặt, “phải phép” hơn. Ông nói Hàn Lâm Viện Thụy Điển theo sát quy luật của Alfred Nobel–nhà sáng lập giải thưởng hiện có giá trị 1.3 triệu Mỹ kim—là không có vấn đề kỳ thị quốc gia khi phát giải văn chương Nobel. Ông nói thêm, “Chuyện chúng tôi đánh giá những nhà văn Hoa Kỳ, hoặc so sánh toàn diện văn chương Hoa Kỳ với những nền văn chương khác, thật ra không ảnh hưởng gì lắm đến sự tuyển chọn của chúng tôi.”

Tuy vậy, sau lời tuyên bố của ông Engdahl, không ai “dại” đủ để đánh cuộc hay quả quyết rằng một nhà văn Hoa Kỳ, như Philip Roth hoặc Joyce Carol Oates, có thể thắng giải Văn Chương Nobel năm 2008. Dễ ăn tiền đánh cuộc hơn nếu người ta đặt cọc vào tên của một nhà văn mà phần đông “độc giả bình dân” chưa bao giờ đọc, hay nếu đọc thì cũng đã đọc từ cả mấy thập kỷ trước (vì sách của họ không còn in hay bán trên thị trường Mỹ), hoặc chưa bao giờ được xuất bản trong tiếng Anh. Ladbrokes, cơ quan đánh cuộc bên Anh, đã xuất bản tên “ứng cử viên” đứng đầu danh sách Văn Chương Nobel–với tiền cuộc 1 ăn 3–là nhà văn Claudio Magris (Ý), tiếp sau, 1 ăn 4, là nhà thơ Adonis (Syria). Nhà văn Haruki Murakami (Nhật Bản) cũng đứng trong danh sách này, nhưng ở tỉ lệ 1 ăn 10.

Theo quan điểm của nhóm cynic, thì giải Văn Chương Nobel chỉ là một trò hề, hay hoàn toàn dựa trên những yếu tố chủ quan, không có tính cách khoa học mà thường đi theo xu hướng thiển cận của thời đại hay chính trị–vì vậy lời nhận xét của ông Horace Engdahl cũng có thể hiểu như chuyện “gậy ông đập lưng ông,” hay cũng chỉ là cách Hàn Lâm Viện Thụy Điển muốn tạo sự chú ý về một truyền thống —như truyền thống thi Hoa Hậu—đã trở thành tẻ ngắt hoặc lỗi thời. Trong những năm gần đây, nhiều nhà văn được giải Văn Chương Nobel thường chống chính sách Hoa Kỳ, khuynh tả, hoặc đối lập những chế độ độc tài. Harold Pinter, kịch gia người Anh đoạt giải năm Nobel năm 2005, đã nhiều lần lên tiếng chống chính sách ngoại giao Hoa Kỳ ở Iraq. Những vở kịch hay nhất của Harold Pinter không phải là những tác phẩm đương thời mà thật ra đã được xuất bản từ hơn 40 năm trước, trong một hoàn cảnh xã hội không phức tạp và đa văn hóa như xã hội ngày hôm nay. Signor Fo, kịch gia và diễn viên Ý, người đoạt giải Nobel năm 1997, được quần chúng chú ý nhiều hơn qua những hoạt động chính trị có chiều hướng khuynh tả hoặc agit-prop. Ngay những nhà văn đồng hương với Signor Fo cũng nghĩ văn chương ông có phần “nhẹ ký” và ông chưa hẳn là một “văn hào” theo nghĩa “đúng” của một văn hào là người nghệ sĩ và nhà cách mạng văn chương với những ảnh hưởng phổ quát và sâu xa không những trong một thời đại mà còn mãi về sau.

Thật ra, ba nhà văn Hoa Kỳ–trong số tổng cộng 10 nhà văn Hoa Kỳ được giải Văn Chương Nobel trong lịch sử hiện đại, hiện nay cũng không được người Mỹ coi là những nhà văn kỳ cựu của truyền thống văn chuơng Hoa Kỳ. Pearl Buck (đoạt giải Văn Chương Nobel năm 1938 với tác phẩm The Good Earth và John Steinbeck (đoạt giải Văn Chương Nobel năm 1962 với tác phẩm The Grapes of Wrath) hiện giờ chỉ được coi là những nhà văn “bình dân” và “giản dị”—thích hợp với chương trình trung học Đệ Nhất cấp chứ chưa “tinh vi” đủ để được mổ xẻ ở trình độ đại học hoặc ở cấp tốt nghiệp văn chương sau chương trình đại học (post-graduate studies). Toni Morrison, nữ văn sĩ da đen đoạt giải Văn Chương Nobel năm 1993, mặc dù được những giới độc giả di dân và feminist trong nước Mỹ ái mộ, vẫn chưa hoàn toàn đuợc chấp nhận như một nhà văn hàng đầu trong truyền thống văn chương Hoa Kỳ hiện nay vì văn chương và tư tưởng trong những tác phẩm của bà chưa “sâu sắc” hoặc chưa “triết lý” đủ.

Điều trớ trêu là Ernest Hemingway–hiện nay được số đông độc giả công nhận là “nhà văn tiền vệ” và “bố già” của cả hai truyền thống văn chương Hoa Kỳ và văn chương quốc tế, đã có lúc bị Hàn Lâm Viện Thụy Điển coi là một nhà văn best-seller quá phổ quát, quá “thương mại” để xứng đáng được giải Văn Chương Nobel. Nhưng rồi Hemingway cũng đoạt được giải Văn Chuơng Nobel năm 1954, khoảng hai thập kỷ sau khi hai tác phẩm nổi tiếng nhất của ông, Tạm Biệt Vũ Khí (A Farewell to Arms)Chuông Gọi Hồn Ai (To Whom the Bells Toll) đã được xuất bản ở Mỹ và dịch ra nhiều thứ tiếng trên thị trường quốc tế.

Ngoài những văn hào tiền phong (theo đúng nghĩa “văn hào” và “tiền phong”) như Tolstoy, Mark Twain, James Joyce, Marcel Proust, Vladimir Nabokov, Jorge Luis Borges, W.H. Auden, và vô số những “siêu tinh” văn chương khác đã bị Hàn Lâm Viện Thụy Điển có lẽ cố tình “bỏ quên” trong thế kỷ 20, ranh giới giữa những nhà văn “biệt lập/tỉnh lỵ” và “quốc tế” cũng là một ranh giới hoàn toàn chủ quan, ảnh hưởng bởi xu hướng văn chương, nghệ thuật và chính trị. Khái niệm về văn chương như “một cuộc đại đối thoại với thế giới” cũng tùy thuộc vào chuyện nhà văn có may mắn quen biết hay được sự ủng hộ của thành viên trong hội đồng tuyển chọn người thắng giải. Hội đồng tuyển chọn—như ban biên tập của bất cứ một tờ báo văn chương nào–thường có nhiều khuynh hướng khác biệt về văn chương, dựa trên nhân sinh quan của mỗi người. Nhà thơ

Pablo Neruda chỉ đoạt giải Nobel khi Artur Lundvist, dịch giả Thụy Điển của ông, được bầu vào Hàn Lâm Viện và từ cương vị này đã vận động hết mình để Neruda được thắng giải. (Trong khi đó, ông Lundvist đã cực lực chống chuyện nhà văn Graham Greene được nhận giải Nobel—mặc dù khuynh hướng chính trị của Graham Greene cũng “tả” nghiêng ngửa như Neruda. Cuối cùng, Graham Greene cũng là một nhà văn bị Hàn Lâm Viện Thụy Điển “bỏ quên” lúc sinh thời.) Goran Malmquist, giáo sư văn chương Trung Hoa ở Đại Học Stockholm và thành viên trong Hàn Lâm Viện –cũng là dịch giả người Thụy Điển của nhà văn Trung Hoa Cao Hành Kiện (người đoạt giải Văn Chương Nobel năm 2000 với tiểu thuyết Linh Sơn)——cũng đã vận động hết mình để Cao Hành Kiện được thắng giải. Trong khi đó, một thành viên khác, ông Knut Ahnlund, đã phản đối bằng cách rút tên ra khỏi Hàn Lâm Viện khi nữ văn sĩ Áo Elfriede Jelinek thắng giải Nobel năm 2004. Ông phê bình Jelinek thậm tệ, “văn mụ ta là cả một mớ dâm thư đùn ứ, lại chẳng có cấu trúc nghệ thuật gì ráo trọi.” Nói chung–ngoài một vài trường hợp ngoại lệ–hội đồng tuyển chọn giải Văn chương Nobel thường có cái nhìn của các nhà … hàn lâm trong tháp ngà. Các thành viên đã không nhất trí khi bàn cãi về vấn đề có nên phản đối tập thể chuyện nhà văn Salman Rushdie bị nhóm Hồi giáo quá khích niêm án fatwa vào năm 1989.

Tuy nhiên, Horace Engdahl không hoàn toàn sai lệch khi nhận định rằng Hoa Kỳ có phần “biệt lập” và “tự kỷ.” Như ông đã phát biểu, nước Mỹ “chưa dịch đủ các văn chương của những nước ngoài.” Tỉ lệ sách nước ngoài dịch sang tiếng Anh chỉ khoảng 3% so với tổng số sách xuất bản hàng năm ở Mỹ. (Theo thống kê của tờ New York Times, trong năm 2007 chỉ có độ 600 cuốn sách đuợc dịch sang tiếng Anh). Những nhà văn Mỹ đang bị Hàn Lâm Viện “tảng lờ”—như Philip Roth (viết nhiều về kinh nghiệm tình dục của các nhân vật Do Thái đàn ông da trắng) và John Updike (viết nhiều về môi trường xã hội của dân da trắng trung lưu theo đạo Tin Lành của miền Đông nước Mỹ), cho dù được coi là những nhà văn lớn của Hoa Kỳ, cũng không phản ảnh kinh nghiệm đa văn hóa của Hiệp Chủng Quốc là xứ cưu mang của những nhà văn di dân hoặc tị nạn chính trị.

Có lẽ văn chương di dân của Hoa Kỳ sẽ là nơi mà cuộc “đại đối thoại” với thế giới sẽ được diễn tiến trong những thập kỷ tiếp nối. Nhà văn Junot Diaz, người thắng giải Pulitzer Prize với tác phẩm Cuộc Đời Huyền Diệu Ngắn Ngủi của Oscar Wao (The Brief Wondrous Life of Oscar Wao), đã thử nghiệm với hai ngôn ngữ Anh-Tây Ban Nha, tiếng lóng của bọn du đãng, và huyền thoại để viết về kinh nghiệm của người di dân từ nước Công Hòa Dominic. Nhà văn Cáp Kim (Ha Jin), người đoạt giải National Book Award năm 1999 với tiểu thuyết Chờ Đợi (Waiting), đã vượt thoát Cách Mạng Văn Hóa của Trung Hoa để viết về tâm trạng người lưu vong trên đất Mỹ. Ngoài ra, Annie Proulx (nhà văn Mỹ, gốc Pháp, xuất xứ Gia Nã Đại, đoạt giải Pulitzer năm 1993 với tác phẩm The Shipping News) và Denis Johnson (nhà văn Mỹ, gốc Đức, quê quán Munich, đoạt giải National Book Award năm 2007 với tác phẩm Tree of Smoke) cũng là hai nhà văn rất sắc bén trong cách mô tả những khía cạnh đa diện của Hoa Kỳ, từ những bờ tuyết băng giá của Newfoundland tới những chuyến du lịch ngập ngụa ma túy của tên nghiện thuốc. Nói chung, cuộc “đại đối thoại” giữa những nhà văn di dân và thế giới bên ngoài—tuy là những tạp âm của Tháp Babel—không phải vì thế mà trở nên “tự kỷ” hay “biệt lập”—nhưng chính ra phản ảnh môi trường và tâm trạng chung của những nhà văn xuyên bờ cõi—mọi vỡ vụn, tách rời trong cái nhìn đều nẩy sinh thêm mối tương giao hoặc “đồng cảm” với những mất mát khác, trong vô số những hoàn cảnh khác. Đó chính là sự quyến rũ vĩnh hằng của văn chương—khả năng khơi động và phục hồi ký ức, ngôn ngữ, bất kể không gian và thời gian.

bài đã đăng của Đinh Từ Bích Thúy

@2006-2023 damau.org ♦ Tạp Chí Văn Chương Da Màu
Log in | Entries (RSS) | Comments (RSS)