Trang chính » Chuyên Đề, Dịch Thuật, Du Lịch, , Sang Việt ngữ Email bài này

Ghost Train to the Eastern Star – On the Tracks of the Great Railway Bazaar – Chương 11: Chuyến xe lửa đêm đi Jaipur

♦ Chuyển ngữ: 0 bình luận ♦ 3.12.2021

(Trích Ghost Train to the Eastern Star – On the Tracks of the Great Railway Bazaar)

 

 

Chương 11

Chuyến xe lửa đêm đi Jaipur

 

 

Kapoorchand, một ông đáng kính khoảng 60 tuổi, đang làm đúng điều tôi đang làm, với cùng một lý do. Ông sống ở Jodhpur; ông cần đến Jaipur. Ông ngồi khoanh chân trên giường, hơi vặn vẹo, nói: “Xe lửa là tốt nhất,” và khi ông thấy tôi lúi húi với nệm giường của tôi, ông nói: “Đừng đụng tới. Cu li sẽ làm. Trách nhiệm của họ. Họ phải làm giường cho ông. Họ phải thức ông dậy đúng giờ. Họ phải bưng trà cho ông.”

Giọng ông làm ông thành một người nói oang oang ngoạn mục. Tôi chờ nghe thêm. Hình như chúng tôi là hai người duy nhất trong khoang. Tôi sắp xếp đồ đạc của mình đâu vào đấy: chai nước, thức ăn đã mua ở khách sạn, cuốn sổ ghi chép, tờ Hindustan Times hôm đó, cuốn The Great Mutiny tôi có, và bản Tóm tắt Lịch trình Hoả xa Ấn Độ.

Kapoorchand chú ý tới bản lịch trình. Ông nói: “Máy bay có thể không cất cánh. Hoặc là nó có thể thả ông xuống Delhi thay vì Jaipur. Hoặc là ông có thể phải đợi nhiều tiếng.” Ông mỉm cười nhìn ra thềm Ga Jodhpur ngoài cửa sổ. “Xe lửa sẽ đi đúng giờ. Nó sẽ đến đúng giờ. Tôi sẽ bàn công việc của tôi rồi tôi sẽ đi chuyến xe đêm về lại Jodhpur.”

Ông đưa tôi tấm danh thiếp của ông, ghi ông là kế toán viên hữu thệ của công ty Jain & Jain.

“Ông bận không?”

“Quá bận. Tôi đi khắp Ấn Độ, nhưng luôn luôn đi xe lửa.”

Tôi hỏi: “Gauhati?” Chỗ đó ở tuốt phía Assam, phía đông bắc Ấn Độ.

“Tôi tới đó rồi.”

“Manipur?”

“Rồi.”

“Darjeeling?”

Câu trả lời tới rồi cho một chục chỗ xa xôi khác mà tôi hỏi. Trong lúc chúng tôi nói về những nhà ga xa tắp, một ông mặc quân phục len vào khoang, chào hello, và bắt đầu xích va ly của ông ta vào cây cột của giường tầng trên.

Tôi hỏi: “Có cần không?” Xe lửa rúc còi lúc tôi nói, và chúng tôi lên đường.

Kapoorchand nói: “Phòng xa thôi,” ông nhìn đồng hồ đeo tay của ông, mỉm cười vì xe lửa khởi hành đúng từng phút.

Lúc anh lính leo lên giường phía trên tôi – hành khách lớn tuổi hơn, như tôi, được ở giường dưới – Kapoorchand đưa tôi sợi dây xích và cái móc lấy trong va ly của ông mà ông mang dư theo. Nhưng tôi không dùng. Tôi có rất ít thứ trong túi xách, và tôi thường nhét cái cặp của mình dưới gối, vì nó đựng sổ thông hành và thẻ tín dụng và sổ ghi chép và khoảng 1.500 đô la tiền lẻ.

Kapoorchand hỏi: “Ông biết đạo Jain chứ? Tôi theo đạo Jain. Tôi thiền ba tiếng mỗi ngày. Nhưng tôi sẽ làm hơn nữa. Tôi có hai người anh từ bỏ trần tục. Họ đi lang thang. Họ không mang giày. Họ cùng nhau đi hàng cây số.”

“Ông có thích kiểu sống như vậy không?”

“Thích lắm chứ.” Ông cao, thân thiện, tóc bạc, rõ ràng là một doanh gia – tín đồ đạo Jain nổi tiếng về đời sống tinh thần và là doanh nhân nhạy bén. Ông mặc y phục sang trọng đối với một hành khách đi xe lửa, sơ mi trắng dài tay hồ cứng, quần xanh, đeo đồng hồ đắt tiền. Ông nói ông cũng muốn từ bỏ trần tục. “Năm hay sáu năm nữa tôi cũng sẽ làm. Tôi sẽ đi lang thang. Tôi sẽ khám phá chính mình.”

“Rồi ông sẽ sống ở đâu?”

“Tôi sẽ sống trong linh hồn tôi.”

Ông cho tôi tập sách mỏng về Jain có tựa đề Tình huynh đệ hoàn vũ, tôi lật xem lúc ông ngồi ăn thức ăn trong cái hộp nhỏ của ông. Tập sách đầy lời khuyên minh triết – nhân bản, tình huynh đệ giữa loài người, làm việc thiện. Tôi đọc một lát, xem báo, và chép lại cuộc nói chuyện của tôi với Bapji. Anh lính ngáy; đêm xuống, dù chưa khuya. Kapoorchand hình như nao nức thảo luận về đời sống tâm linh. Có lẽ vì mới ăn xong nên ông nói về mặt tinh thần của thức ăn.

Ông nói: “Hành tỏi là tệ nhất. Nó kích thích tính dục. Nó làm cho giận dữ.”

“Tôi đâu có biết.”

“Bạn tôi lúc đi du lịch không có vợ theo thì không bao giờ ăn hành.” Ông đếm các loại rau trái trên ngón tay. “Cà rốt. Các loại củ. Tôi không ăn, vì nó giết cây sống. Tôi chỉ ăn phần trên.”

“Khoai?”

“Một số người ăn. Nhưng tôi – không. Trong khoai có nhiều sinh vật sống.”

“Sinh vật sống, chẳng hạn như…?”

“Vi khuẩn và mốc. Tại sao nó phải chết vì tôi?”

Vì lý do này, tín đồ Jain thường đeo mặt nạ, để khỏi hít vào bất kỳ sâu bọ nào có thể bay lơ lửng gần miệng họ; và họ khoát mặt nước để xua đi – cái gì? bọ nước? lăng quăng? – trước khi uống. Đó là cách diễn giải nghiêm ngặt luật Không Sát Sinh: không giết bất kỳ cái gì, kể cả ruồi và mốc.

“Trái cây tốt, nhưng … chuối có thể hơi rắc rối. Tùy theo lúc nào trong ngày.” Ngón tay cảnh cáo của ông giơ lên. “Buổi sáng thì chuối là vàng. Buổi chiều là bạc. Tối là sắt. Không nên ăn chuối buổi tối. Sữa chua cũng không ăn lúc tối, nhưng ăn lúc sáng là tốt.”

Tôi nói: “Nhưng món ăn Ấn Độ nhiều gia vị.”

“Không tốt. Ớt và đồ chua tạo sự giận dữ. Nó làm tăng bản tính độc ác.”

Tôi thấy ông thích dạy tôi, vì có cả đống chi tiết trong đời sống Ấn – luôn luôn hiện hữu hàng kho giáo thuyết, điều răn, bài học, đặc trưng – biến người Ấn thành kẻ độc thoại. Động cơ của họ có vẻ mô phạm, không để cải đạo bạn mà là để nhấn mạnh rằng bạn biết rất ít về cuộc sống.

Tôi ăn thức ăn tôi mang theo và mời ông. Ông có vẻ bối rối, nhưng nhận. Ông nói: “Tôi thật xấu hổ. Tôi không mời ông cái gì vì ông đang viết. Nhưng bây giờ ông mời. Đây là khiếm khuyết của tôi. Ông là gương tốt.”

“Ông khen quá lời.”

Kapoorchand chợt nói: “Bắt tay tôi.” Tôi với qua khoang xe lửa lúc lắc để bắt tay ông. Ông nói: “Ông quảng đại. Tốt. Tôi có nhiều thuyết về bắt tay. Nếu ông làm thế này” – ông đưa bàn tay thõng thượt ra – “ông không quảng đại. Ông là kẻ lừa bịp. Hay có thể ông chỉ có con gái. Có lần tôi bắt tay một người như vậy rồi hỏi ông ta, ‘Ông có bao nhiêu con gái?’ Ông ta nói, ‘Ba’. Rồi ông ta hỏi, ‘Tại sao ông không hỏi về con trai?’” Kapoorchand ngưng lại, cho tôi thưởng thức giây phút ấy. “Tôi nói, ‘Vì ông không có con trai.’ Ông ta ngạc nhiên hỏi, ‘Làm sao ông biết?’”

“Làm sao biết?”

“Cái bắt tay yếu. Tinh trùng yếu không thể có con trai.”

“Còn thuyết nào nữa không?” Tôi tự nhắc mình rằng ông này là kế toán viên hữu thệ trên đường đi Jaipur để suốt một ngày xem xét các mục chi thu trong cuốn sổ cái của một công ty.

“Còn nhiều. Ai tức giận mà không tỏ sự giận dữ của mình ra sẽ mang bệnh. Nhiều người chết vì ung thư. Họ nén giận dữ trong cơ thể họ và nó giết họ.”

“Có thể.”

“Ông có thuyết nào không, ông Paul?”

“Tôi có một thuyết là nhà không nên cao hơn cây dừa.”

“Tốt. Tôi có cái haveli[1] hơi xa đây. Kích thước khiêm nhường.”

“Tôi có một thuyết nữa là chẳng có cái gì quan trọng.”

Kapoorchand nhìn tôi đăm đăm, có vẻ lo ngại.

Cảm thấy mình đã làm ông sửng sốt (tôi chỉ đơn giản hoá điều Leonard Woolf[2] đã viết), tôi nói: “Và đôi khi tôi nhận thấy khi một người nhìn mình và đang nói láo, thì anh ta sờ mắt hay mặt anh ta.”

Kapoorchand nói: “Ra là vậy! Trần gian có quá nhiều điều không thật. Đó cũng là một lý do nữa để tôi sẽ trở thành sadhu, sống khổ hạnh. Hai anh tôi đã làm rồi. Cha tôi là ông thánh.” Ông lục lọi ví và rút ra tấm ảnh nhỏ đã mờ. “Ảnh cha tôi đây.”

Dù mờ và đen trắng, tấm ảnh cho thấy một người có khuôn mặt hiền lành, râu bạc, đội khăn trắng.

“Thoạt tiên cụ chờ mấy năm. Khi cụ thấy tôi đã ổn định, cụ nói cụ sẽ trở thành thánh nhân. Cụ sống như ông thánh 15 năm.”

“Cụ bắt đầu thế nào?”

“Cụ đến tôi. Cụ nói, ‘Hãy săn sóc mẹ của con.’ Tôi vâng lời. Tôi vẫn còn chăm sóc bà. Rồi cụ từ bỏ tất cả những gì trần thế. Cụ bỏ giày, chỉ đi chân trần. Ngủ trên sàn. Không sở hữu thứ gì. Cụ trở thành sadhu, thánh nhân. Cụ đi lại trên đôi chân trần. Y phục giản dị, sống với cộng đồng guru nơi hẻo lánh, đi nơi này nơi khác, nhiều khi đi bộ 15 cây số một ngày. Cụ không đến tôi, nhưng tôi có thể đến thăm cụ, nếu cụ cho phép.”

“Cụ có hạnh phúc không?”

“Rất hạnh phúc.”

Rồi Kapoorchand giải thích về một nhánh của đạo Jain, hệ phái Digambara, từ bỏ cả quần áo. Họ sống trong rừng, trần truồng, cả chục năm mới xuất hiện trước công chúng một lần để làm một cuộc tập trung tinh thần lớn gọi là Kumbh Mela, với nghi lễ tắm trong sông Hằng và các dòng sông khác.

“Ông có kể là ông thiền.”

“Ba tiếng mỗi ngày, vào giấc sáng. Tôi tụng kinh Jain. Tôi cầu nguyện.”

“Xin ông đọc cho tôi một lời cầu nguyện. Tôi muốn ghi xuống.”

Ông đọc, đúng ra là tụng,

Tôi tha thứ vạn vật.

Xin vạn vật tha thứ cho tôi.

Tôi làm bạn với vạn vật,

Và không thù hằn ai.

Không lâu sau ông đi ngủ. Trong lúc ghi chép, tôi nghĩ: Ông này là bạn đồng hành tuyệt vời.

*

Ga đầu mối Jaipur lúc nửa đêm có đầy người, nhưng ở Ấn Độ khó phân biệt hành khách với dân ở lậu. Ngay cả lúc trời chưa sáng đã có kẻ nói léo nhéo và người uống trà dưới ánh đèn chói loà, nhiều nhóm gia đình quây quanh nồi thức ăn, cả đống người ngủ, duỗi dài như xác ướp, hay như xác chết trong túi đựng xác. Kẻ khác đang bàn cãi về vé xe, và bình minh còn lâu mới tới.

Lời chia tay của Kapoorchand là: “Gọi một đứa cu li.”

Tôi để ông miệt mài theo đuổi sự cao thượng của ông. Tôi không cần cu li. Tôi cần tắc xi. Một nhóm dắt mối và tài xế kéo tay áo tôi, theo tôi ra ngoài. Tôi chọn người già nhất trong bọn, giả định rằng đó là kẻ đáng tin nhất, và chúng tôi thoả thuận giá trước khi tôi lên chiếc xe cũ kỹ của ông. Ông chở tôi vào bóng đêm, nhưng giữ lời. Và ngay cả vào giờ đó tôi cũng được đón tiếp ở khách sạn, với một ly nước trái cây, và một căn phòng ấm cúng; tôi ngủ say.

Lần trước tôi đã ở khách sạn này, Rambagh Palace, nơi có các hành lang cẩm thạch lớn vang vang, nhưng hồi đó nó trơ trụi hơn. Tới sáng tôi thấy bây giờ nó xa hoa hơn.

Một bà Ấn ở Rambagh Palace bảo tôi: “Cho tới khi gần hai mươi tuổi tôi mới thấy bên trong nhà ga xe lửa, mới đi xe lửa hay lên một chiếc xe buýt.”

Bà mới ngoài bốn mươi, được dưỡng dục tốt trong một gia đình tốt, luôn luôn đi học bằng xe có tài xế riêng. “Tôi chưa hề thấy một người nghèo. Tôi chưa hề thấy một khu ổ chuột. Tôi chưa bao giờ dùng phương tiện chuyên chở công cộng. Tôi không biết cách mua vé. Nhà tới trường, trường về nhà – theo khuôn khổ đó. Nhưng một hôm tôi nổi loạn. Tôi sắp 17 hay 18. Tôi bảo tài xế, ‘Tôi đi bộ về nhà.’ Ông ấy lái xe theo tôi. Ông ấy sợ cho tôi, và sợ cha tôi la. Nhưng đi bộ về nhà, rồi về sau đi xe lửa, cuối cùng tôi thấy Ấn Độ thật sự là gì. Tôi quá sững sờ. Tôi hoàn toàn không biết có người nghèo như thế ở Ấn.”

Trong chợ và tiệm đồ cổ ở Jodhpur tôi gặp một số tranh vẽ ngược trên kính mà tôi thích, có một bức làm tôi mê mẩn. Bức vẽ một vũ nữ Ấn, dáng điệu uốn éo, cố ý khêu gợi, có thể là giữa hay cuối thế kỷ 19, với chữ mực Tàu viết bằng bút lông trên tấm gỗ phía sau, trong cái khung mục nát. Tôi không ước giá nó. Tôi mê, đúng ra là yêu nó. Một cảm giác cũ.

Bản năng của kẻ sưu tập, cũng là lòng thèm muốn mạnh mẽ, bắt đầu từ cái nhìn thoáng qua một vật, và mỉm cười nhận biết. Kỹ thuật vẽ phía sau tấm kính, để thấy hình khi xem phía trước, bắt nguồn từ Âu châu (là cách rẻ hơn và nhanh hơn kính màu); nhưng tác phẩm này có phong cách Trung Hoa, hình vẽ thế tục và khêu gợi bất thường. Người Âu thế kỷ 18 đưa kỹ thuật này vào Ấn Độ, và nó phát triển mạnh. Cùng lúc đó hoặc sớm hơn, người Tàu học vẽ ngược trên kính từ các tu sĩ dòng Tên ở Trung quốc, và một số nghệ nhân Tàu lang thang cuối cùng đến Ấn và sáng tác những bức hình thế tục này. Họ đã vẽ chân dung vua chúa và vũ nữ, và sự tích trong Ramayana, và các nghệ nhân Ấn bắt đầu sáng tác tranh vẽ ngược trên kính – họ vẽ Krishna và Shiva, Ganesh và Hanuman – bằng màu sắc rực rỡ, tô điểm thêm vàng và bạc.

Điều làm tôi mê là những bức tranh này tuy xuất sắc nhưng không được quý trọng theo nghĩa cổ điển, chưa được người mua lắm tiền ưa thích. Nó là vật được trìu mến trong một gia tộc bình dị, được bàn tay nào đó sáng tác, một kẻ có nhiệt tình và tài hoa.

Tôi mua bức tranh vũ nữ (có lẽ do một hoạ sĩ Tàu ở Gujarat vẽ) rồi kiếm thêm. Kiếm thêm không dễ, nhưng tôi thích sự đa dạng mà tôi đã gặp – tôn giáo, huyền bí, khêu gợi – và tìm thấy chúng ở những nơi không ngờ.

Đi du lịch với ý nghĩ tìm tranh vẽ trên kính chẳng hạn (cũng có thể là tìm bình vôi, đồ dệt, khoen tai bộ lạc, dao găm Deccan, hay bộ tay cầm bằng đồng đúc để khiêng kiệu) ta có thể làm một cuộc nghiên cứu tài tử bằng cách cứ lang thang ở các hàng quán. Nhưng một niềm vui khác khi du lịch ở Ấn là nhởn nhơ trong các tiệm đồ cổ, trong chợ và trong viện bảo tàng, trò chuyện với người bán và nhà sưu tập và kẻ am hiểu. Sau khi nhìn hàng trăm bức vẽ, bụi bặm, nứt nẻ, rút ra từ trong ngăn kéo và gác xép và tủ, bạn bắt đầu biết cách xem, biết phân biệt thật với giả, món đẹp với món cố làm một cách vội vàng.

Trên căn gác xép ngột ngạt của một tiệm trong chợ Jaipur, gần mặt tiền màu hồng đầy cửa sổ của Hawa Mahal – Lâu đài Gió – ông Kailash cho tôi xem mấy bức vẽ trên kính. Chúng quá lộm cộm, nứt nẻ và có vẻ bỏ bê không thể thật, nhưng khi tôi chỉ những chỗ nứt, ông nạt tôi.

“Giống như cơ thể con người vậy, sar! Ông có chân, mắt cá chân, đầu gối, cùi chỏ, tất cả dính với nhau, nhưng tất cả cũng tách rời. Không đúng sao, sar?”

Tôi nói: “Đúng.”

Kailash Sahib dí bức hoạ vào mặt tôi và nói: “Thần thánh tạo ra chúng ta như vậy. Bức hoạ giống như cơ thể. Nó cần – cái gì? Ừ, giải phẩu! Bình thường thôi, sar. Mà hình này hiếm. Nếu không bị nứt thì bộn tiền, nhưng tấm này rẻ.”

Sau một hồi mặc cả tôi mua nó, và Kailash Sahib nói vài tháng nữa sẽ gửi đi cho tôi.

“Ông may mắn kiếm được tấm tranh đẹp như vậy. Xin ông làm ơn viết vào sổ khách hàng.”

Tôi viết tên và, Chúng tôi mặc cả. Cả hai đều được cuộc.

“Ông cũng gặp may là hôm nay là ngày đầu tiên của lễ Gangaur. Ra khỏi đây ông có thể gặp đám rước. Tới Toà Thị chính đi, tuyệt lắm.”

Lễ Gangaur mừng cuộc kết hôn của Shiva và Parvati, hạnh phúc hôn nhân của họ là nguồn cảm hứng cho các cặp vợ chồng Ấn và những kẻ nổi tiếng “làm tình dữ dội tới nỗi rung động vũ trụ, và thần thánh phải sợ.” Lễ này kéo dài 18 ngày trong tháng Chaitra (tháng Ba và Tư). Hầu hết lễ của Ấn Độ đều ồn ào và gây xáo trộn giống như mọi lĩnh vực khác trong cuộc sống Ấn, vì thế dân ngoại như tôi khó biết khi nào đám rước thật sự bắt đầu hay kết thúc. Điều tuyệt diệu của lễ này là xe hơi và xe tải bị hướng qua đường khác, tránh đám rước, để đoàn diễn hành không bị gián đoạn qua Lâu đài Gió, đài thiên văn cổ, và hang cùng ngõ hẻm cũng như các đại lộ của kinh thành.

Bốn chục voi, vẽ hoa và dấu hiệu Ấn giáo bằng phấn màu, quấn vải đỏ, khăn lụa phất phới trên cặp ngà voi. Vũ nữ múa điệu gợi cảm, lắc mông dưới bộ váy cuồn cuộn; một đứa con trai đi cà khêu cao năm thước; kèn đồng Ấn chơi đảo phách chói tai; đàn trâu đeo ách kéo xe chở súng đại bác; và bốn con lạc đà cõng súng lớn trên bướu. Xe bốn bánh hai mui và xe ngựa sơn phết chở người thổi sáo, rồi đàn ngựa vênh váo, rồi lại tới voi và vũ nữ và ban nhạc, cuối cùng là cái kiệu có ảnh Parvati (“ngài ngự trên dãy núi”).

Người xem bắt đầu ném tiền xu vào ảnh và những kẻ khiêng cái kiệu dài ba thước có bốn tay cầm lớn, mỗi bên tay cầm có hai người khiêng. Họ cố che đầu tránh đám mưa tiền xu, và ngay khi họ đi qua thì người ta tranh nhau cướp các đồng xu văng khỏi Parvati và đầu của bọn khiêng kiệu – lại một cảnh hỗn loạn nữa, người lớn đẩy trẻ con qua một bên để giật lấy tiền xu trên đường.

Khi đó tôi lẻn ra và đi với đám người rải rác trên đường phố không xe. Đi bộ sảng khoái và hữu ích. Tôi dừng lại uống bia Kingfisher lúc hơi mát ban đêm toả xuống. Đến một phố rộng tôi gặp tiệm thuốc tây, vào mua thuốc bổ, một chai thuốc ngủ và thêm thuốc cho bệnh đau khớp thỉnh thoảng quấy rầy – tổng cộng 170 rupee, 4,20 đô la. Thuốc ở Ấn mua rẻ hơn kẹo, và ít khi cần toa.

Khoảng một dặm sau một chiếc xích lô máy sà đến bên cạnh tôi và nói: “Lên đây, sar. Tôi đưa ông về.”

*

“Hoàng hôn, các toà nhà chen chúc trong hẻm núi Galta tối lại. Một con khỉ khọt khẹt, nhảy qua cành đa trên đầu ông Gopal, kéo nhánh cây xuống nghe một tiếng xoẹt. Chúng tôi vào cổng, băng qua sân tới các toà nhà đổ nát, mặt tiền nhà có những bức bích hoạ sặc sỡ vẽ cây và người. Một số bôi lem luốc không nhận ra hình gì và bị sơn đè lên; tường bị đục bỏ từng mảng … Các bức hoa văn của ngôi đền bị dán bích chương, đục phá lem nhem, tiểu tiện, bị nguệch ngoạc hàng chữ Devanagri[3] lớn quảng cáo các doanh nghiệp Jaipur. Trên vách có tấm bảng men xanh, cảnh cáo du khách bằng tiếng Ấn và tiếng Anh ‘cấm mạo phạm, bôi bẩn, vẽ vạch hay lạm dụng vách tường’. Chính tấm bảng cũng bẩn: tróc sơn như bị gặm. Xa xa, con lộ lát đá hẹp dần tới một cầu thang dốc đục vào vách đá của hẻm núi. Trên đỉnh là ngôi đền quay mặt về cái ao nước đọng đen ngòm…”

Đoạn này chép lại đúng nguyên văn trong cuốn The Great Railway Bazaar, không cần dấu ngoặc kép vì đền khỉ ở hẻm núi Galta không thay đổi gì nhiều từ khi tôi đến thăm lần trước cách nay đã 33 năm. Nó lớn hơn nhưng cũng vẫn đổ nát, xưa cũ: kiểu Ấn là như vậy. Thay vì ông Gopal, lần này tôi gặp Mohan. Mohan muốn chỉ cho tôi hình phép lạ không hiểu sao đã in lên mặt vách đá của một ngôi đền cheo leo tít bên trên.

Người ta đã đào một ao nước mới, nên bây giờ có hai ao, một cho đàn ông và con trai, ao mới là zenana – khuê phòng – dành riêng cho phụ nữ mặc sari, cho kín đáo, nhưng cả hai ao đều nhơm nhớp nhầy nhụa, vì thế đem lại hiệu quả trái ngược. Đám con gái sáu bảy tuổi trần truồng tung toé nước. Cả hai ao đều tràn nước có vẻ bẩn, khách hành hương vùng vẫy trong ao, tắm và uống – giống một buổi tối nóng bức ở hồ bơi công cộng hơn là một ngày ở đền thiêng, bọn con trai cười và vung vẩy nước, nhào lộn, mấy đứa bơi và súc miệng ở dòng nước chảy ra từ miệng con bò bằng cẩm thạch chạm.

Thấy tôi ghi chép trong sổ, một thằng bé trườn ra khỏi ao và nói: “Sar, cho cây viết.”

“Tại sao cháu muốn xin?”

“Cháu đi học, sar.”

Tôi cho nó cây viết dư rẻ tiền ở khách sạn, rồi lên cầu thang theo Mohan.

Tôi nói: “Khỉ, tôi ghét khỉ.”

Mohan nói: “Khỉ thiêng,” như thể vì vậy chúng không đáng ngại khi nhe răng ra với tôi. Mấy chục năm trước tôi tưởng chúng là baboon – khỉ mõm chó, nhưng đây là loài khỉ nâu rhesus, lớn nhỏ, lông xơ xác, mắt quỷ quyệt. Có lần thấy đàn khỉ như thế, Paul Bowles[4] viết “đít chúng giống như mặt trời lặn trên tấm lịch của ông chủ tiệm tạp hoá.”

Đền khỉ thiêng giống cái hang trên đỉnh hẻm núi. Tôi leo lên, như tôi đã leo bao nhiêu năm trước, và gặp một thầy tu ngồi chồm hổm gần đó, tôi để cuốn sổ và cây viết của mình bên ngoài – mang giấy bút vào điện trong có vẻ là báng bổ.

Nhưng ngay khi đi vào tôi lập tức nghe: “Sahib! Sahib!”

Con khỉ lớn nhất đã lấy cắp cuốn sổ nhỏ và cây viết của tôi. Tôi la lên, con thú buông cuốn sổ, nhưng nó nhảy đi khoảng ba thước rồi gặm đầu cao su của cây viết.

Tôi ném đậu phọng cho nó. Nó vứt cây viết và nhào tới đậu phọng.

Mohan nhận xét chuyện tôi cho khỉ ăn: “Thiện nghiệp.” Rồi anh chỉ cho tôi vết mờ trên vách đền. “Hình Hanuman[5] là phép lạ. Ông thấy hình hiện tự nhiên trên đá.”

Vách đá lồi lõm được vẽ phác màu cam viền bên ngoài đầu và vai khỉ.

Mohan nói: “Sáu trăm năm không kém.”

Từ điểm cao này tôi có thể thấy đền Galta lớn hơn trước rất nhiều. Hình như ngôi đền bụi bặm trong hẻm núi bây giờ là một khu lớn nhiều đền. Tít trên đỉnh là đền thờ mặt trời của tín đồ Surya. Khạc nhổ và tung toé nước – lúc nãy dứt khoát cấm theo lời của tấm bảng diễu dở – bây giờ được phép, cũng như la hét và bơi lội trong hồ, và cảnh phụ nữ quấn sari ướt sát người và đàn con gái nhỏ trần truồng cười đùa ở mép ao nom như tiên nữ chốn thủy cung.

Lúc tôi trở lại ngang họ, các bà đang thả những đĩa nhỏ bồng bềnh trên mặt nước, mỗi đĩa cắm một ngọn nến – deepak, lửa thiêng theo đức tin Ấn giáo – trong khi một con diệc màu trắng và nâu đang kiếm ăn trên một bệ thấp, thỉnh thoảng nhúng mỏ xuống nước.

Mohan nói: “Hanuman là thần của tôi. Tôi tụng puja mỗi ngày trong miếu nhà tôi trước khi làm việc. Vợ tôi cũng vậy. Con gái tôi cũng vậy.”

Người Ấn khoe đất nước họ đã thay đổi rất nhiều. Hiện đại hơn, giàu hơn, “ngay cả phu xích lô cũng có điện thoại di động”, vân vân. Nhưng ở hẻm núi Galta tôi thấy không có gì thay đổi. Nó lớn hơn nhưng vẫn dơ bẩn như cũ; nhiều người hơn, nhiều khỉ hơn, vẫn lòng mộ đạo cũ.

Rồi một hôm sau bữa ăn trưa ở Jaipur, tôi quyết định ra đi. Nhờ xe lửa, ra đi dễ. Tôi tới nhà ga, xe lửa đang đợi. Tôi lên. Xe lửa lăn bánh. Tôi biến mất.

 


Chú thích:

[1] Một loại biệt thự ở Ấn, chung quanh là phòng nhìn vào sân ở giữa.

[2] Leonard Woolf (1880 – 1969), nhà văn Anh, chồng nhà văn Virginia Woolf.

[3] Còn gọi là chữ Devanagari hay Nagari, một loại mẫu tự của Ấn và Nepal.

[4] Paul Frederic Bowles (1910-1999), nhà văn, nhạc sĩ Mỹ, sống ở Morocco từ năm 1947 đến khi mất. Câu trên trích trong lá thư ông viết ở Ceylon ngày 17/4/1950, in trong cuốn In Touch – The Letters of Paul Bowles (nxb Farrar, Straus and Giroux, New York, 1994).

[5] Hanuman là con khỉ trung thành của hoàng tử Rama trong trường ca Ramayana.

bài đã đăng của Paul Theroux

Phần Góp Ý/Bình Luận


Xin vui lòng bày tỏ trách nhiệm và sự tương kính trong việc sử dụng ngôn ngữ khi đóng góp ý kiến. Da Màu dành quyền từ chối những ý kiến cực đoan, thiếu tôn trọng bạn đọc hoặc không sử dụng email thật. Chúng tôi sẽ liên lạc trực tiếp với tác giả nếu ý kiến cần được biên tập.

Lưu ý: Xin vui lòng bỏ dấu tiếng Việt để giúp tránh những hiểu lầm đáng tiếc từ độc giả trong việc diễn dịch ý kiến đóng góp. Bài không bỏ dấu sẽ không được hiển thị. Xin chân thành cám ơn.

@2006-2023 damau.org ♦ Tạp Chí Văn Chương Da Màu
Log in | Entries (RSS) | Comments (RSS)