Trang chính » Hình bìa nghệ thuật của Da Màu, Thư Tòa Soạn, Tòa Soạn Email bài này

Tuần lễ 27.09 – 03.10. 2021: Nghệ sĩ Ragnar Kjartansson và “Những Bài Hát Lãng Mạn của Chế độ Gia Trưởng”

Guggenheim-concentric-view_thumb.jpg

 

Guggenheim concentric view     Musicians - Romantic Songs of the Patriarch 

Năm 1943, Hilla Rebay, nữ giám đốc và đồng sáng lập viên của viện bảo tàng Guggenheim đề nghị kiến trúc sư Frank Lloyd Wright thiết kế một “đền thờ của tâm hồn” để bảo tồn và phổ biến bộ sưu tập nghệ thuật đáng kể của đại thương gia Do Thái Solomon R. Guggenheim. Đầu tháng 7 vừa qua, dự án trình diễn “Những Bài Hát Lãng Mạn của Chế độ Gia Trưởng” (“Romantic Songs of the Patriarchy,” July 2-5, 2021) — một tác phẩm công phu của nghệ sĩ Ragnar Kjartansson (gốc Iceland) — đã biến viện bảo tàng hình trôn ốc (cũng có thể làm ta liên tưởng đến thành Cổ Loa và cái chết thảm khốc của Mỵ Châu?) thành một “đền thờ của tâm hồn bị tra tấn.”

Đứng, ngồi ở các “trạm trình diễn” cùng khắp viện bảo tàng là các nhạc sĩ phụ nữ và LGBQT diễn tả từng bài tình ca nổi tiếng qua nhiều thể loại — pop, rock, country, blues, v.v.,  đã được chọn sẵn, và được soạn như một liên khúc ở cùng một phím nhạc. Nếu khán giả bước đến gần hơn thì sẽ nghe thấy thông điệp của những lời ca dai dẳng gần như nhất quán: “Em cứ để tôi làm nhục em/ Em cứ để tôi xâm phạm em” (từ bài “Closer” của Nine Inch Nails) hoặc “Anh kéo em tới gần/Nhưng em vẫn dằng co/ Em nói em chẳng chịu/Nhưng em ơi anh biết em nói dối.” (bài “Fire” của Bruce Springsteen).

Guggenheim performance platforms

Dự án trình diễn sau đó đã làm Kjartansson phải tự xét lại khuynh hướng “nữ quyền” của mình; vì tuy sáng kiến để các nhạc sĩ lặp lại liên tục lời ca trong 90 phút mỗi ngày ở mọi góc, xó, quang đãng cũng như khuất lấp trong không gian của viện bảo tàng chính là cách ông muốn thử thách thông điệp đàn áp phụ nữ của những bài hát này, cách Kjartansson chỉ tuyển chọn phụ nữ và các nhạc sĩ LGBQT rồi bắt họ “lao động” qua việc hát ra rả những lời ca “tán gái” truyền thống trước sự thờ ơ hoặc hiếu kỳ nhất thời của quần chúng đến viện bảo tàng xem tranh, đã gây phản ứng mạnh cho một số nhạc sĩ tham gia. Ngoài cực hình phải thi sức hát những lời ca mà sự lặp lại đã làm cho họ thấm thía cách áp đảo tinh thần kể như tự động và vô thức của nền văn hóa gia trưởng, việc các nhạc sĩ dần dà cảm thấy như bị một nghệ sĩ đàn ông da trắng điều khiển chỉ để ông ta chứng minh cái nhìn “cởi mở” của mình, đã làm họ nổi giận và … muốn nổi loạn. Một nhạc sĩ trong nhóm đã rút lui vì không muốn bị làm nô lệ “cứu thế” cho ngài gia trưởng. Sau một buổi đối thoại với các nhạc sĩ, Kjartansson đã xin lỗi về khuynh hướng nữ quyền chưa được gột sạch duy ngã của mình. Một số nhạc sĩ khác, tuy cũng cảm thấy bị cưỡng bức tinh thần vì dự án trình diễn này, công nhận đây là một thử nghiệm/bài học vô giá.

Nhưng sau kinh nghiệm vừa qua, không biết rồi đây dự án có còn được lập lại hay không, vì bài học “vô giá” này cũng có thể bị coi như một chiến thắng Pyrrhic – gây tổn thương cho tinh thần và thể xác của nghệ sĩ trình diễn chỉ để lên án một điều khá hiển nhiên về vấn nạn kỳ thị giới tính, nhưng lại không đưa ra một giải pháp nào? Đây không phải là lần đầu tiên Ragnar Kjartansson khởi xướng dự án này. Những Bài Hát Lãng Mạn của Chế độ Gia Trưởng đã được trình diễn tại Trung Tâm Phụ Nữ (The Women’s Building), San Francisco, vào tháng 11 năm 2018 với sự tham gia của 20 nữ nhạc sĩ. Lần đó dự án được chào đón như một liều thuốc trị độc cần thiết – do đã xảy ra trong không khí của phong trào Me Too vừa nổi dậy.


Nữ nghệ sĩ trình diễn tác phẩm của ban nhạc Younger Youngest cho Những Bài Hát Lãng Mạn của Chế độ Gia Trưởng tại Trung Tâm Phụ Nữ (The Women’s Building) (San Francisco, 11/9-11/11, 2018)

Tuần này Da Màu xin giới thiệu với bạn đọc những sáng tác và nhận định thời sự qua những quan điểm của kẻ lạ (như con khỉ Shinagawa của Murakami), của người đàn bà và đất nước bị bỏ rơi, sự im lặng cũng như những phương cách định nghĩa, chấp nhận, hoặc đối kháng uy quyền.

***
Trong tuần:

“Mỹ Rút Quân Khỏi Afghanistan”
(3 kỳ) – nhận định của Francis Fukuyama, Ken Moriyasu, và Mặc Lý
“Người Săn Đuổi Cô Đơn”- truyện ngắn của Nguyễn Đức Tùng
”Khỉ Shinagawa Tự Bạch”-
truyện ngắn của Haruki Murakami/ Trần Thị NgH. chuyển ngữ

Tuần tới: Ghi chép về hành trình hội hoạ của Trùng Dương, truyện ngắn của Tru Sa, phỏng vấn với Haruki Murakami do Petra Mayer thực hiện/Trần Thị NgH. chuyển ngữ

Phần Góp Ý/Bình Luận


Xin vui lòng bày tỏ trách nhiệm và sự tương kính trong việc sử dụng ngôn ngữ khi đóng góp ý kiến. Da Màu dành quyền từ chối những ý kiến cực đoan, thiếu tôn trọng bạn đọc hoặc không sử dụng email thật. Chúng tôi sẽ liên lạc trực tiếp với tác giả nếu ý kiến cần được biên tập.

Lưu ý: Xin vui lòng bỏ dấu tiếng Việt để giúp tránh những hiểu lầm đáng tiếc từ độc giả trong việc diễn dịch ý kiến đóng góp. Bài không bỏ dấu sẽ không được hiển thị. Xin chân thành cám ơn.

@2006-2023 damau.org ♦ Tạp Chí Văn Chương Da Màu
Log in | Entries (RSS) | Comments (RSS)