Trang chính » Câu chuyện Nghệ thuật, Điện Ảnh, Giới thiệu tác phẩm, Nghệ Thuật, Tưởng Niệm Bùi Bích Hà Email bài này

“Thế nào mới thật là một câu thơ?”

0 bình luận ♦ 26.08.2021
1555657388_thumb.jpg

 

1555657388

 The Kindergarten Teacher https://youtu.be/S7Tpamr2P4w

 

Bắt đầu từ câu hỏi: “Thế nào mới thật là một câu thơ?” do một ai đó trong nhóm chúng tôi nêu ra, khiến cả nhóm chợt bừng lên khí thế bàn về THƠ. Thư qua thư lại như chim én mùa xuân, dẫn tới cuốn phim The Kindergarten Teacher.

Các bạn tôi đã xem phim, đều tán thưởng tài năng diễn xuất của cậu bé 5 tuổi, được xem là nhân vật chính trong câu chuyện, “đóng phim mà như không đóng phim,” rất thật, rất tự nhiên, rất tự tin, rất nhập vai, nhất là khi cậu bé đọc hai bài thơ làm ngẫu hứng.

Tôi là người tự nghĩ biết nghe thơ và yêu thơ từ bé nhờ sinh ra và lớn lên ở Huế, thành phố rất thơ của một đất nước rất thơ và có nhiều thi sĩ. Nên tôi háo hức, muốn xem cuốn phim để được nghe giải thích “Thế nào mới thật là một câu thơ?”

Cuốn phim là sản phẩm của Pie Films, được công chiếu ra mắt thế giới tại Liên hoan Phim Sundance ngày 19/1/2018 và tại Liên hoan Phim quốc tế ở Toronto ngày 6/9 trước khi chính thức phát hành tại Mỹ ngày 12 tháng 10, cùng năm đó. Đạo diễn Sara Colangelo kiêm tác giả kịch bản viết lại từ cốt truyện của Nadav Lapid trong cuốn phim cùng tên của Do Thái bốn năm trước, xoay quanh cảnh đời, tâm sự, hành xử của một cô giáo dạy trẻ lớp vỡ lòng ở Staten Island, một thành phố đảo vắng vẻ nằm ở cực nam New York. Cô giáo Lisa Spinelli có một hôn nhân thấm đẫm tình yêu nhưng buồn tẻ. Chồng cô mặn nồng, săn sóc vợ trong cuộc sống thường nhật với những câu hỏi lập đi lập lại như một cái đĩa hát cũ, nhìn vợ hàng ngày nhưng không thấy, không chạm vào được nỗi lòng thầm kín của cô. Cô cũng có hai đứa con, một trai một gái ở tuổi vị thành niên, gắn bó với mẹ nhưng không gần gũi nhau trong cảm nghĩ nên giữa ba mẹ con có một khoảng cách làm cô thất vọng và bất mãn. Thời gian của cô như một bức tranh không màu sắc, chia đều một nhịp điệu giữa nhà và lớp học. Buổi sáng tới lớp khi chưa có ai khác, cô ngồi nhìn vẩn vơ bàn ghế xếp hàng ngay ngắn và im lặng. Cô xê dịch một chậu hoa cho nó hướng về mặt trời qua khung cửa sổ mở rộng để bắt đầu một ngày như mọi ngày.

Một hôm tan lớp, trong khi các bé khác đã được người nhà đón về, cô giáo trông thấy bé Jimmy chưa có ai đón, đang đi qua đi lại một mình và lẩm nhẩm đọc cái gì nghe như một câu thơ. Cô dừng bé lại và hỏi có phải bé vừa đọc một câu thơ không nhưng bé thực sự không biết nó đọc cái gì, chỉ thấy tự nhiên muốn nói ra như thế thôi. Cô yêu cầu bé đọc lại những gì nó vừa đọc để cô ghi xuống và cô bất ngờ nhận ra đúng là một bài thơ. Cô mừng rỡ, thích thú bắt gặp tài năng thiên bẩm nơi cậu học trò tí hon. Ngay lập tức như bị sức hút của nam châm, cô tự trao cho mình cái trách nhiệm chăm sóc mầm thơ sáng láng của đứa bé, bảo vệ và giúp nó phát triển. Cô hỏi cô giữ trẻ vẫn đưa đón bé Jimmy, xem có bao giờ nghe bé đọc thơ nó làm không? Cô lại ân cần dặn cô giữ trẻ làm ơn chép lại giùm cô những bài thơ khi thằng bé ngẫu hứng đọc lên. Cô giữ trẻ vâng lời nhưng tỏ thái độ không coi trọng chuyện thơ phú, khiến cô giáo lo lắng là cô ta sẽ cản trở hay thậm chí, hủy hoại tiềm năng của đứa trẻ mà cô xem là thần đồng thi ca.

Bản thân là người yêu thơ, làm thơ, đang tham dự một hội thơ hàng tuần bàn luận về thơ nhưng thơ cô làm không được tán thưởng. Trong một cuộc họp thường lệ khác của Hội Thơ, cô giáo đọc hai bài thơ của Jimmy nhưng để mọi người tưởng là thơ cô làm, kỳ này cả hội không ngớt lòi khen, đặc biệt ông Hội trưởng bị mê hoặc ngây ngất tầng mây. Ít hôm sau, ông mời cô đến để đề nghị cô đọc hai bài thơ ấy trong buổi đọc thơ sắp tới ở Manhattan. Hai người cùng ngồi trên cái ghế dài, mắt trong mắt nhau và có một lúc họ gần nhau đến mức họ như bị hút vào nhau và ông bất ngờ đắm đuối hôn cô giáo. Có vẻ như điều này không do ông chủ ý nên ông buông cô giáo và quay mặt đi, khuỵu chân xuống cái ghế bên cạnh rồi vội vàng phân bua xin lỗi. Tuy vậy, lửa đã bùng lên đâu đó trong sâu thẳm cả hai người và ngọn lửa mau chóng nhập vào nhau, họ cùng hối hả bỏ hết quần áo lăn ra sàn nhà. Cuộc ân ái tình cờ như một liên hoan thơ trùng trùng giai điệu giữa hai tâm hồn đồng cảm, giải tỏa cho cả hai những xúc cảm chất chứa tràn đầy đến với họ từ tình yêu những câu thơ đẹp, huy hoàng, choáng ngợp, xâm chiếm họ, không để chỗ cho một chút băn khoăn hay ngập ngừng.

Cơn mưa rào qua đi, mỗi người tiếp tục lộ trình đã chọn. Cô giáo Lisa nghĩ cô là người duy nhất nhận thức chân tài của bé Jimmy, cô có bổn phận phải loại bỏ mọi yếu tố tiêu cực xung quanh có thể ngăn trở bé phát triển, thậm chí hủy hoại tài năng bé do thiếu hiểu biết và tôn trọng. Cô tìm gặp bố của Jimmy, một doanh gia thành công, để nói cho ông biết về đứa con có nhiều thiên bẩm giá trị của ông. Tuy rất vui về sự thật này nhưng ông vẫn muốn con trai ông khôn lớn bình thường như mọi đứa trẻ khác, học hành đến nơi đến chốn và có một tương lai bình ổn. Để được đích thân gần gũi và uốn nắn Jimmy, cô giáo dèm pha nhằm loại bỏ cô giữ trẻ đưa đón Jimmy mỗi ngày, viện cớ cô ấy không chăm sóc Jimmy đúng mức mà thường trễ hẹn; và cô đã đạt mục đích. Nhân dịp này, cô thu xếp cho Jimmy có cơ hội tham dự buổi đọc thơ trên sân khấu Thơ ở Manhattan thay vì lẽ ra Jimmy phải đến một buổi đấu bóng chày.

Niềm vui thỏa và hạnh phúc chắp cánh cho cô giáo đi như bay giữa phố sá New York đèn đuốc sáng choang đêm cũng như ngày, tay giắt Jimmy y phục chững chạc, tung tăng đến nơi trình diễn Thơ.

Đến lượt họ, cô giáo đẩy học trò ra sân khấu, trò đứng trước, cô đứng sau, microphone hạ thấp ngang tầm Jimmy. Cậu bé diễn xuất tuyệt vời, hồn nhiên, tự tin, dạn dĩ, trôi chảy. Bé đã dứt tiếng mà thính phòng vẫn yên lặng. Cô giáo lo sợ nhìn quanh nhưng cô không phải chờ đợi lâu, cử tọa sực tỉnh, xì xèo trao đổi rồi ồn ào tán dương.

Jimmy đọc bài thơ:

“Anna is beautiful,
beautiful enough for me.
The sun hits her yellow house,
it’s almost like a sign from God”

Một người hỏi: “Anna là ai?”

Jimmy điềm đạm trả lời: “Là bất cứ ai mà mình yêu mến. Với tôi, là cô phụ giáo.”

Đến đây, khán giả thấy cô giáo Lisa bưng mặt bước nhanh ra khỏi sân khấu. Có người đoán là cô thất vọng vì Jimmy không chọn cô. Có người đoán là cô thất vọng vì Jimmy không coi trọng tài năng của bé nên không quan tâm đến sự chăm nom, dìu dắt tận tình của cô. Suốt cuốn phim có những chi tiết phức tạp, mù mờ, có thể suy diễn theo nhiều cách nên nhiều nhà phê bình quốc tế kết luận đây là một cuốn phim không dễ xem và không dễ “embrace,” tạm dịch là đón nhận. Lát sau, khi gặp lại cô giáo sau buổi diễn, Jimmy nét mặt ái ngại, khẩn khoản hỏi cô: “Tại sao cô giận con?” nhưng cô không trả lời. Ngoài ra, ông Hội trưởng hội thơ vô cùng bất bình khi biết cô không phải là tác giả hai bài thơ kia.

kindergarten-teacher

Cô giáo và Jimmy trên đường về sau buổi đọc thơ

 

Cuộc vui kéo dài, buổi tối đã muộn nên Lisa không kịp đưa Jimmy về nhà. Thêm nữa, khi biết cô giáo đã cáo ốm cho Jimmy ở lớp bóng chày rồi tự ý đưa Jimmy đi dự Hội Thơ, Bố Jimmy quyết định rút bé ra khỏi trường mẫu giáo bé đang học. Như người vừa thấy cánh diều thể hiện giấc mơ đời mình đang bay bổng tầng không bỗng dưng trôi tuột khỏi tầm tay, nhìn xuống chân vấp đá chẩy máu, cô giáo lặng lẽ uống chén đắng thực tế đời ban cho. Không ai biết cô nghĩ gì, chỉ thấy cô đi chợ mua nhiều thức ăn chuẩn bị làm bữa cơm tối thật ngon mà cô ân cần mời từng đứa con cố gắng thu xếp thì giờ riêng, ăn một bữa cơm đoàn tụ gia đình đã lâu lắm không có. Bữa cơm diễn ra như cô mong muốn giữa chồng con. Sau bữa ăn, con trai đứng bên cạnh giúp mẹ rửa bát đĩa và trò chuyện, tưởng chừng như chưa bao giờ có sự ngăn cách khiến cô thường buồn tủi và uất ức.

Sáng hôm sau, chuyển cảnh cho thấy cô giáo y phục tề chỉnh, đứng nhìn qua cửa kính phòng ngủ bình minh đang hừng sáng ở chân trời. Cô đứng một lúc lâu, quay lưng lại ống kính thu hình nên khán giả không biết cô buồn vui thế nào? Khi rời chỗ, cô sà vào giường ôm hôn chồng thắm thiết nhưng ông ngái ngủ, chỉ ậm ừ rồi co mình ngủ tiếp. Cô giáo kéo cái vali nhỏ ra khỏi căn nhà vẫn đang ngủ say, lên xe lái về hướng nhà Jimmy. Cô đậu xe ở xa, theo dõi cha con Jimmy ra khỏi nhà, rồi lái theo họ tới trường mới của bé. Đợi bé đã vào hẳn bên trong, cô đến bên cái hàng rào sắt và thấy Jimmy đang chơi bóng với chúng bạn. Cô lên tiếng gọi, Jimmy bỏ quả bóng và chạy ra. Cô chỉ cho bé cách nâng cái cần khóa bên trong để mở cửa rào. Bé làm theo lời cô và lách mình ra ngoài. Cô bế bé trên tay rồi rảo bước đến chỗ đậu xe. Yên vị xong, cô cho bé biết cả hai người sẽ đi chơi hồ để Jimmy được bơi lội thỏa thích. Đang vui đùa giữa thiên nhiên và sóng nước, Jimmy chợt ban hiệu lệnh: “Con có bài thơ!” Chỉ chờ có thế, Lisa hối hả lội vào bờ, hối hả lấy giấy bút ghi chép.

Cả hai trở về khách sạn. Sau khi lấy quần áo sạch cho Jimmy tắm, đến lượt cô giáo. Tới đây, kịch bản có nút thắt bất ngờ: giữa tiếng nước phun rì rào từ vòi sen, cô giáo vẫn nghe tiếng động dường như là cửa phòng tắm bị khoá bên ngoài. Kinh hãi. Khó hiểu. Cô tắt nước vòi sen, run rẩy hỏi vọng ra: “Con làm gì vậy, Jimmy? Con mở cửa ra đi!” (Tôi hơi ngạc nhiên về chi tiết này vì thường thì cửa phòng tắm đóng/mở từ bên trong.) Jimmy không mở cửa mà sử dụng điện thoại để báo tin với cảnh sát là bé đang bị bắt cóc, xin giải cứu. Cảnh sát yêu cầu Jimmy định vị nhưng bé không biết mình đang ở đâu nên trả lời: “Em không biết. Chỗ này có nhiều cây mọc ở biển lắm.” Cô giáo lòng tan nát, nói vọng ra: “Con cho họ biết mình đang ở nhà trọ…phòng 114.” Điện thoại chấm dứt. Cô giáo van vỉ tiếp: “Con mở cửa cho cô thay quần áo vì cảnh sát sắp tới.”

Kịch bản kết thúc với cảnh người nữ cành sát bế Jimmy để vào xe và tiếng cậu bé thảng thốt cất lên: “Tôi có bài thơ!” nhưng bây giờ không có ai nghe và quan tâm xem cậu nói gì nữa…

Là một phụ nữ sinh trưởng trong một xã hội Á đông nệ cổ, tôi hiểu thế nào là cuộc sống bị khuôn vào một mẫu mực mà tôi không thể nào chối cãi, mà tôi phải tuân thủ để sống còn nếu tôi không muốn tự diệt. Đem tâm sự này vào phim The Kindergarten Teacher, tôi nghĩ tôi hiểu được tâm lý và hành động của Lisa: hết sức nâng đỡ bất cứ ai có một giấc mơ riêng trong đời họ. Nếu cho là Lisa có những ước mơ không toại, và nay thấy nơi người khác một khả năng thể hiện trong tầm tay, nên cô đã hành động quá đà thì có lẽ cũng không sai. Nhân danh một người không phải là mình để đòi hỏi, thì động cơ của cô có thể trong sạch hơn và ít đáng trách hơn chăng?

Tuy nhiên, tôi hết sức bất ngờ khi đọc được một cách nhìn khác qua lời bình phẩm nội dung phim, phù hợp với xã hội tôi đang sống và thời điểm cuốn phim ra đời hơn: đó là tình trạng lạm dụng trẻ em ngày càng tinh vi, đến mức kẻ lạm dụng cũng không ngờ mình đã phạm tội! Dù là với thiện ý, hành vi muốn độc quyền sở hữu một đứa bé có tài năng tiềm ẩn to lớn, thực tế cũng là một hình thức cưỡng chiếm lợi ích cho chính bản thân mình, tiếng Việt nôm na gọi là “phỗng tay trên.” Chúng ta đang sống trong một thời đại mà các giá trị thực dụng lên ngôi nên trẻ con không còn tuổi thơ và đời không còn chỗ cho huyền thoại hay những giấc mơ thần tiên nữa. Những điều xấu tốt theo nhau như bóng với hình, và niềm tin vào sự hướng thượng vô vị lợi có lẽ phải cần xét lại.

Có lẽ còn một nhận định cuối cùng tóm gọn ý nghĩa của cuốn phim, đó là quyền Tự Do tuyệt đối của con người và khả năng sử dụng tự do ấy trong lựa chọn của mình đi kèm với lòng dũng cảm chấp nhận trả giá cho lựa chọn ấy.

Mọi người đều nói nước Mỹ là xứ sở của cơ hội. Cơ hội quý giá nhất cho mọi ai phải chăng là Tự Do định đoạt cuộc sống của mình? Có vẻ như điều này không dễ nhưng nước Mỹ vẫn không ngừng mê hoặc và cứ mãi là vùng đất hứa cuốn hút những phận người vô vọng nhất!

Cuối cùng, kẻ viết bài này xin muôn vàn tạ lỗi vì bài điểm phim chỉ mượn chủ đề Thơ làm nguyên cớ nên hình như đã không trả lời câu hỏi “Thế nào mới thật là một câu thơ?”






bài đã đăng của Bùi Bích Hà

Phần Góp Ý/Bình Luận


Xin vui lòng bày tỏ trách nhiệm và sự tương kính trong việc sử dụng ngôn ngữ khi đóng góp ý kiến. Da Màu dành quyền từ chối những ý kiến cực đoan, thiếu tôn trọng bạn đọc hoặc không sử dụng email thật. Chúng tôi sẽ liên lạc trực tiếp với tác giả nếu ý kiến cần được biên tập.

Lưu ý: Xin vui lòng bỏ dấu tiếng Việt để giúp tránh những hiểu lầm đáng tiếc từ độc giả trong việc diễn dịch ý kiến đóng góp. Bài không bỏ dấu sẽ không được hiển thị. Xin chân thành cám ơn.

@2006-2023 damau.org ♦ Tạp Chí Văn Chương Da Màu
Log in | Entries (RSS) | Comments (RSS)