- Tạp Chí Da Màu – Văn chương không biên giới - https://damau.org -

Tự Lực văn đoàn văn học và cách mạng (36)

 

Ngày Nay truyện ngắn
Thạch Lam

Thạch Lam 2

 

Thạch Lam là một trường hợp đặc biệt, chỉ với 32 năm sống (1910-1942), 10 năm cầm bút, để lại ba tập truyện ngắn, một tập tuỳ bút, và một tập tiểu luận, đều mỏng, nhưng phong cách sáng tác của ông đã ảnh hưởng sâu rộng đến nhiều nhà văn Việt Nam.

Thạch Lam phụ trách việc đọc và chọn lựa giải Tự Lực văn đoàn, tìm tài năng mới. Ông còn viết lời hoặc bài giới thiệu những tác giả trẻ có tài, như Nguyên Hồng, Nguyễn Tuân, Bùi Hiển, Hồ Dzếnh…

Loạt phóng sự Hà Nội ban đêm viết cùng với Tràng Khanh, đầu năm 1933 [1] mở đường cho thể loại phóng sự xã hội trên Phong Hóa, Trọng Lang sẽ kế tiếp trên Ngày Nay; cùng với loạt phóng sự tùy bút Trên đồi Lim, Nghe hát quan họ một đêm ở Lũng giang, Xoè của các cô nàng, Phong dao Mường[2], sau này Nguyễn Tuân viết tùy bút Sông Đà chịu nhiều ảnh hưởng.

Phong Hóa số 160 (1-11-35) có mục Giọc đường, ghi lại những điều trái tai gai mắt nhìn thấy ở dọc đường. Giọc đường chính là tiền thân của Hà Nội băm sáu phố phường.

Thạch Lam viết khoảng 35 truyện ngắn [3]. 31 truyện được in dần thành ba tập: Gió đầu mùa (Đời Nay, 1937), 14 truyện[4], Khái Hưng viết Tựa; Nắng trong vườn (Đời Nay, 1938), 12 truyện[5]Sợi tóc (Đời Nay, 1942), 5 truyện [6].

Thạch Lam viết kỹ và đều tay, từ Đói, truyện hay đầu tiên, in trên Ngày Nay số 7 (5-4-35) đến truyện sau cùng Sợi tóc, in trên số 203 (16-3-40), hầu như có rất ít khoảng cách về giá trị.

Vũ Ngọc Phan cho rằng, phải đến tập Sợi tóc Thạch Lam “mới tiến một bước khá dài”. Tức là phải đến 4 truyện ngắn cuối cùng, Thạch Lam mới “tiến”, tôi e ông viết vội, hoặc ông không đọc kỹ, nên đã coi nhẹ hai tập truyện đầu. Ông không nhắc đến Nhà mẹ Lê coi Người đầm, Đứa con, Bóng người xưa, Hai đứa trẻ, đều là những truyện tầm thường.

Tiếc rằng, về sau, nhiều người viết về Thạch Lam cũng lấy ý của nhà phê bình họ Phan làm mốc. Sinh thời, truyện ngắn của Thạch Lam in ra, bán đã không chạy; sau khi mất, lại được họ Vũ đánh giá như thế. Thạch Lam thật không may.

Nói thẳng ra, tác phẩm của Tự Lực Văn Đoàn đều ít nhiều như thế cả, dù bán chạy hay không chạy: ngoài Bắc thì bị khai trừ trong một thời gian dài vì lý do chính trị, trừ Thạch Lam, được nhìn nhận, vì cho là “nhà văn của giai cấp vô sản” và chết sớm, không dây đến chính trị. Trong Nam cũng không khá hơn: giáo sư Thanh Lãng trong bộ sách đồ sộ Bản lược đồ Văn Học Việt Nam, giáo trình cho sinh viên Đại Học Văn Khoa, coi Tự Lực văn đoàn là một ổ chuyên chửi bới, những việc cải cách xã hội của họ, vua Bảo Đại làm trước cả rồi. Nhà nghiên cứu thời danh Nguyễn Văn Xuân, tự hào đã đọc hết Phong Hóa, Ngày Nay, trên báo Văn số tưởng niệm Hoàng Đạo 107-108 (15-5-68) cho rằng những việc Hoàng Đạo làm “còn sút kém xa phong trào Duy Tân” và Tự Lực văn đoàn cũng chỉ viết được những “truyện tình không hạ cấp”. Nhà văn Thế Uyên, thuộc gia đình Nguyễn Tường, cũng đánh giá thấp, cho rằng chỉ có Thạch Lam còn đọc lại được, chứ văn Khái Hưng, Nhất Linh không đọc lại được. Báo Văn làm nhiều số tưởng niệm, nhưng đọc ra, ngoài Dương Nghiễm Mậu, còn là rất nhiều bài ca tụng thân thế, bề ngoài, phần lớn đều đồng ngầm một ý: văn chương Tự Lực Văn Đoàn đã lỗi thời, không đọc lại được nữa. Nói chung là người viết thường chép lại nhau, cái ý của Thế Uyên, không thể đọc lại, rất có “thẩm quyền” vì là con cháu Tự Lực văn đoàn, nên người ta có thể đường hoàng phê bình Tự Lực văn đoàn mà không cần đọc lại, bài viết vẫn có giá trị!

Từ thời kỳ đổi mới, trong nước bắt đầu “đánh giá lại” Tự Lục Văn Đoàn và từ năm 2000, có khuynh hướng tập hợp những bài viết về Tự Lực Văn Đoàn, trong Nam, ngoài Bắc, in thành sách, nhưng chủ yếu cũng chỉ xoay quanh Nhất Linh, Khái Hưng. Thạch Lam dường như vẫn còn được ít người chú ý.

1. Truyện ngắn Thạch Lam

Thạch Lam đã dành một thời gian dài để “tập” viết truyện ngắn, bắt đầu với Một cảnh quê, in trên Phong Hóa số 63 (8-9-33); một năm sau, trên Phong Hóa số 117 (28-9-34) mới có truyện thứ hai Cung Hằng lạnh lẽo; rồi đến năm sau nữa, trên Phong Hóa số 156 (4-10-35), mới có truyện ngắn thứ ba Cô áo lụa hồng, với kỹ thuật viết khá hoàn chỉnh, nhưng không sâu bằng truyện đầu.

Một cảnh quê dù còn vụng về, đã cho thấy chí hướng của tác giả: chiếu ánh sáng vào một bà góa và người bõ già, ngày ngày cuốc đất làm vườn nuôi ba đứa con thất nghiệp, mảnh đất đã cằn, không còn một giọt sống:

Một năm lụt, một năm bão đã làm cho vườn bà tiều tụy. Bao nhiêu, hồng, đào, mận, chết hết cả. Bây giờ chỉ còn lại những gốc nhãn trơ, cành lá sơ sác [xơ xác]. Mà đã một năm, hai năm, ba năm nay…
Bà cúi mình xuống, nghiến răng cuốc đám cỏ giẫy trơ… Cái đời bà trước đã khó nhọc, vất vả… bây giờ lại vất vả khó nhọc, đã lâu lắm rồi – mà cứ như thế mãi mãi, hết ngày nọ sang ngày kia, mãi mãi không hết…
(PH số 63)

Nhìn xuống những thân phận trơ gầy, chết mòn, là khuynh hướng Thạch Lam, sau trở thành định hướng, cho tới dòng chữ cuối cùng.

Cùng trong số báo Phong Hóa 63 này, có truyện ngắn Hai lần chết của Thế Lữ, khác hẳn: Thế Lữ kể một án mạng kép rùng rợn: một kẻ giết bạn để hưởng gia tài, người bạn nằm trong quan tài lật nắp ra được, giết lại hung thủ, nhưng cuối cùng cũng tự tử chết: y bị chết hai lần.

Dường như đường đi của nhà văn thường được họ vạch ra trước cả.

Thạch Lam viết không nhiều, một phần vì cẩn thận, một phần vì cuộc đời ông quá ngắn ngủi, nhưng đối với văn chương, nhiều ít, ngắn dài, không có nghĩa lý gì.

*

Ngày mới

Thạch Lam chỉ viết một truyện dài duy nhất, cũng có thể coi là truyện vừa, in trên Ngày Nay, từ số 66 (4-7-37) đến số 92 (2-1-38). Ngày mới không phải là tác phẩm quan trọng, và đôi chỗ còn sơ hở, nhưng đáng chú ý vì là tự truyện, với chủ đề lấy nhau vì tình, trong bối cảnh phố quê An Lâm có nhiều nét giống phố huyện Cẩm Giàng.

Trường và Trinh yêu nhau, nhưng Trinh nhà nghèo, Bà Hai, mẹ Trường đã dạm một đám khác giàu hơn. Chỉ với câu: “Trường lặng yên nhìn cái thân hình mềm mại của Trinh trên nền cành lá: nàng bận một chiếc áo trắng mỏng, trên vành khăn nhung, trong mái tóc đen có giắt mấy bông hoa sói”, Thạch Lam đã ngỏ cho biết Trinh là ai, bởi hai chi tiết đôi mắt đen láymái tóc đen có giắt mấy bông hoa sói, đã xác định Trinh chính là cô Sói, vợ Thạch Lam.

Ngày mới chống lại hôn nhân dàn xếp của gia đình, nhưng Thạch Lam, không xoáy và sự cưỡng bách của người mẹ, mà khảo sát tâm hồn Trường, kẻ nhất quyết lấy vợ vì tình. Nhưng chính Trường cũng không thoát khỏi sự cám dỗ mà chàng tưởng mình ở trên, kỳ thực, Trường cũng thích giàu sang phu quý nhưng không dám nói ra. Cục diện đấu tranh ở đây, không phải là tự do chống lại cưỡng bức, mà là cuộc nội chiến của Trường, sau khi lấy vợ nghèo, phải phấn đấu với chính mình, để thoát khỏi sự thèm muốn, thoát khỏi cái tàn ác của kẻ thất thế.

Trong bài tựa Gió đầu mùa, Khái Hưng cho rằng Thạch Lam can đảm trong Ngày mới, là ý ông muốn nói: Thạch Lam dám viết hết những ý nghĩ tối tăm, điên cuồng của mình trong cơn thèm giầu, đổ tội lên đầu vợ, trở thành nhẫn tâm, tàn ác với con, chỉ vì nghèo. Tài năng của Thạch Lam lộ rõ trong Ngày mới: Chỉ với một bữa cỗ, ông đã phác họa xã hội Việt Nam thu nhỏ với những chân dung đặc thù qua vài nét vờn, nhưng linh động và chính xác (NN số 69).

Cái xã hội thu nhỏ này cũng là hình ảnh gia đình Trường, với bà Hai, người mẹ, và Xuân, anh cả. Bà Hai là người suốt đời không từng biết tình yêu là gì, như trăm ngàn phụ nữ Việt thời ấy. Lấy chồng là việc phải làm, hai vợ chồng sống cạnh nhau là không tránh khỏi, gia đình chỉ có nghiã: cùng nhau đồng ý đẻ con và buôn bán làm ăn để đạt tới cái mục đích hai bên cùng mong ước là làm giầu.

Xuân con cả, cũng lấy vợ dàn xếp như thế, dần dần đâm chán, chê vợ, chọn đường ích kỷ, quyết sống cho mình: hàng tháng Xuân xí cho mẹ một món tiền nhỏ, còn phần lớn tiền lương, dành để ăn chơi đàng điếm, giống các bạn cùng sở, con nhà giàu, thường lấy thêm tiền nhà đi nhảy đầm, cô đầu, thuốc phiện.

Trường muốn thoát khỏi cái vòng oan trái đó, làm trái lời mẹ, cưới người mình yêu. Nhưng Trinh nghèo, Trường phải bỏ học dở dang để đi làm nuôi vợ. Lương ít, Trường oán vợ con, trở nên tàn nhẫn. Cả hai anh em Xuân và Trường đều bị bế tắc nhưng có hai thái độ dứt khoát khác nhau. Thạch Lam muốn trình bày hai vấn đề cốt lõi:

– Trong cuộc hôn nhân cưỡng ép: hai người không yêu nhau phải sống trọn đời bên nhau, lạnh lẽo, không hồn.

– Trong cuộc hôn nhân “tự do”: sự nghèo đói có thể giết chết tình yêu, đẩy con người đến chỗ tàn ác, vô nhân đạo.

Trường may mắn có tình yêu, nhưng lại mơ thiên đường giàu sang phú quý; chỉ đến khi ngộ được hạnh phúc là ở chính mình, chàng mới thoát khỏi đường hầm.

*

Đói

Sở trường của Thạch Lam là truyện ngắn, tác phẩm giá trị đầu tiên là Đói.

Đói [7] là một truyện ngắn sâu sắc và hoàn chỉnh cả về bút pháp lẫn tư tưởng.

Đói chứng tỏ lòng can đảm của tác giả vì cho tới bấy giờ chưa mấy ai dám lục lọi trong đời sống nội tâm của mình những điều “đáng khinh” như thế. Cái tên Sinh, nhân vật chính của tác giả V.S. (Việt Sinh), chứng tỏ Thạch Lam không muốn giấu diếm gốc gác câu truyện: Việt Sinh viết về chính mình.

Sinh thất nghiệp đã lâu. Hai vợ chồng Mai, Sinh đói đã hai hôm. Bỗng Mai gặp bà Hiếu, người quen cho mượn tiền mua thức ăn đem về. Sắp ăn, Sinh tình cờ nhìn thấy tờ giấy có mấy dòng chữ hẹn, rơi ra, chứng tỏ Mai nói dối để che việc “bán thân nhơ nhớp”. Cực kỳ tức giận, Sinh đuổi nàng.

Chỉ với một lượng chữ nhỏ, Thạch Lam đã đem hết các trạng thái thể xác và tâm hồn Sinh bày ra trong trận giao tranh một mất một còn: cái đói thể xác và tính cao thượng, quyết tử không phân thắng bại.

Chàng hất cả mấy món đồ ăn xuống đất… Không ai thèm ăn những khốn nạn này”.

Nhưng rồi:

Một cơn gió hắt hiu thổi đến làm cho chàng rùng mình. Bỗng nhiên tất cả người chàng chuyển động: chàng vừa thoáng ngửi thấy cái mùi thơm và béo của những miếng thịt ướp và mỡ còn dính ở tay.Cơn đói lại nổi dậy như cào ruột, xé gan, mãnh liệt, át hẳn cả nỗi buồn (…)
Sinh cúi xuống nhìn gói đồ ăn tung toé dưới bàn; chàng lấm lét đưa mắt nhìn quanh, không thấy Mai đứng đấy nữa… Khẽ đưa tay như ngập ngừng, sợ hãi, Sinh vơ lấy miếng thịt hồng hào.
Sinh ăn vội vàng, không kịp nhai, kịp nuốt. Chàng nắm chặt miếng thịt trong tay, nhơ nhớp mỡ, không nghĩ ngợi gì; luôn luôn đưa vào miệng…” (NN số 8)

Tinh thần cao thượng thắng hiệp đầu, Sinh tàn nhẫn đuổi vợ: “Cô đi ngay đi, đi ra khỏi cái nhà này, tôi không muốn nhìn mặt cô nữa”, và lấy tay gạt phắt đồ ăn xuống đất.

Nhưng cái đói quật lại cú cuối cùng, nó thắng, Sinh mất hết: sự cao thượng độn thổ, nhân cách tiêu ma, chỉ còn con ma đói đang xực hết phần hồn, phần trí, của chàng.

Khó có thể hiểu tại sao một chàng trai mới 25 tuổi đầu mà đã viết được những dòng “kinh khủng” như vậy.

Như trên đã nói, Khái Hưng là người đầu tiên nhận ra chân tài ấy của Thạch Lam, trong bài Tựa cuốn Gió đầu mùa, năm 1937, ông viết:

Thành thực, đó là đức tính không có không được của nhà văn. Ở Thạch Lam, sự thành thực lại trở nên sự can đảm. Đọc nhiều đoạn văn của Thạch Lam, tôi rùng rợn cả tâm hồn vì sự thành thực (những đoạn tả trong truyện Ngày Mới).
Tôi xin thú thật rằng những điều nhận xét gay go về mình, và những người sống chung quanh mình, tôi cũng thường có, song vị tất đã dám viết ra. (…) Tôi vẫn ao ước cái can đảm ấy, nhưng không sao có được; cái can đảm mà tôi thấy ở Tolstoi, mà trong đám văn sĩ mới nước ta tôi thấy ở Thạch Lam.

Khái Hưng không có mặc cảm thuộc địa và cũng không có mặc cảm gì cả, nên ông mới “dám” so sánh cái can đảm của Thạch Lam với cái can đảm của Tolstoi một cách tự nhiên, ông không coi mình là con giun con dế bên cạnh những nhà văn Âu Mỹ. Sự thành thực, là đức tính đầu tiên của Thạch Lam mà Khái Hưng nhận ra.

*

Trở về

Trở về là truyện ngắn thứ hai in trên Ngày Nay (số 18, 26-7-36), xác định bút pháp bình tĩnh lạnh lùng và tinh vi, đã có trong Đói: Trở về viết về chuyến thăm mẹ của Tâm, một thanh niên đã thành đạt, có vợ giàu, muốn xoá cái dĩ vãng hàn vi.

Trở về làng cũ, Tâm thấy “Mấy đứa trẻ nhà quê trần truồng và đen sạm đương chơi khăng ở vệ đường. Khi thấy chàng đi qua, chúng đưa những cặp mắt bẩn thỉu nhấp nháy nhìn và chùi tay giây bùn vào bắp chân. Nghĩ đến thủa nhỏ, chàng cũng chỉ là một đứa bẩn thỉu như những đứa trẻ này”. Vào nhà, Tâm cất tiếng gọi. Người mẹ bước ra.

Khi nhận ra con, bà cụ ứa nước mắt:
– “Con đã về đấy à?”
– “Vâng, chính tôi đây – Tâm hơi khó chịu, ngoảnh mặt đi chỗ khác:
– Bà vẫn được mạnh chứ?” (…)
– Bà ở đây có một mình thôi à?
Bà cụ cảm động đến nỗi không nói được. Sau cùng, bà ấp úng:
– “Vẫn có con Trinh nó ở đây với tôi“.

Qua cách xưng hô: ban đầu người mẹ gọi Tâm là con, nhưng người con có địa vị, đổi giọng, gọi mẹ bằng , xưng tôi, khiến người mẹ cũng phải xưng tôi và gọi “ông ta” bằng cậu; Thạch Lam đã dựng xong bức tường ngăn cách trong lòng Tâm: Tâm, cái tên mà người mẹ đặt với ước vọng con mình sẽ có một tấm lòng, nhưng bà đã thất bại, Tâm con bà nay đã tán tận lương tâm. Sự thay đổi cách xưng hô của Tâm với mẹ, làm thay đổi toàn bộ cục diện tình cảm, như ta đã thấy trong Anh phải sống của Khái Hưng: khi Thức đổi cách gọi vợ, từ mình sang mày; lần đầu, tỏ sự lo lắng phẫn nộ cực điểm; lần thứ hai, Thức gọi vợ là mày, tỏ tình yêu vĩnh quyết. Nay thấy lại sự thay đổi cách xưng hô này trong Trở về, ở một chỗ trọng yếu, tôi nghĩ Thạch Lam đã chịu ảnh hưởng của Khái Hưng: dùng một tiếng xưng hô nhỏ để diễn tả một biến đổi lớn trong lòng người.

Cậu Tâm bây giờ là người khác, không còn là con bà cụ nữa, cậu không thiết tha gì với cảnh nhà, lơ đãng nghe mẹ kể chuyện người làng, chỉ nghĩ đến người vợ giàu đang đợi ở quán ăn, cậu đưa cho mẹ 20 đồng bạc rồi vội vã ra về, mặc bà cụ van nài cậu ở lại ăn cơm. Và đây là màn chót: Đang cùng vợ dạo chơi phố chợ, “tự nhiên, Tâm giật lùi lại: một bà cụ già khom lưng dựa bên một cô con gái, đi ra phía nhà ga“. Biết là mẹ ra ga chờ để tiễn mình, hoảng hốt, Tâm giục vợ quay lại lối cũ, lên xe hơi, bắt tài xế đánh xe về ngay Hà Nội:

Khi đến chỗ quặt quá ga, bỗng nhiên, Tâm thoáng thấy đứng bên cạnh đường, một bà cụ già khom lưng dựa vào một cô con gái mà xe chạy bắn bùn lên quần áo. Trong một giây, Tâm thấy cặp mắt đen láy của cô gái quê mở to như ngạc nhiên rồi theo rõi mắt mình.

Những vết bùn bắn trên quần áo người mẹ già và Trinh, chính là những vết tâm hồn Tâm đã nhuộm bùn không thể rửa sạch được.

Những toan tính trong đầu Tâm, khó có thể nói Thạch Lam đã trải qua, nhưng chắc chắn ông đã hành động như một diễn viên thượng thặng: mỗi lần lên vai, là một lần chui vào da thịt và đầu óc nhân vật để tìm đến hồng tâm sự thực.

*

Đứa con đầu lòng

Đứa con đầu lòng (NN số 31) viết tháng 10 năm 36, con gái đầu lòng Thạch Lam cũng sinh năm 36. Truyện bắt đầu từ lúc Tân bồn chồn đợi chờ trong căn phòng nhà hộ sinh. Giá trị không chỉ ở chỗ tác giả viết rất thật về biến chuyển tâm tư một người có con đầu lòng, mà còn ở chỗ Thạch Lam đã viết được mối giao cảm giữa hai thực thể cha-con, không trong tư thế tình yêu đã nẩy nở, mà ở trạng thái sơ khai, chưa thành hình, ở những tiếp xúc đầu tiên, lúc đứa bé mới là một dúm thịt đỏ hỏn vừa rời bụng mẹ. Thạch Lam đã cấy bút trong đầu để ghi lại những phản xạ, những tình cảm tiêu cực nhất của người cha, không ai dám nói ra.

Thay vì thấy con ra đời, lòng chàng phải “tràn đầy hạnh phúc” như… mọi người, thì Tân lại có cảm giác ngang phè: “cái rúm thịt động đậy, cái mầm sống nhỏ mọn và yếu ớt kia, hình như không có một chút liên lạc gì với chàng cả.” Thậm chí, Tân còn phát biểu linh tinh:

– Ừ… Nhưng sao cái đầu nó dài thế nhỉ. Tôi trông nó thế nào ấy. Mà hình như một mắt to, một mắt nhỏ“, làm phật lòng vợ. Vợ nhờ đỡ đầu đứa bé cho nàng tắm, Tân cũng gắt nhặng lên.

Quen tính ích kỷ của một kẻ sống độc thân, không bị ai phiền hà; lấy vợ là đã phải san sẻ rồi, cãi nhau luôn; đứa bé hoàn toàn là “kẻ ngoại lai” từ đâu rớt xuống như một dúm thịt động đậy, nên Tân cảm thấy nó không có một chút liên lạc gì với chàng cả. Viết những điều này, Thạch Lam phải phanh mình ra dữ lắm, mới thấy được. Thực vậy, ngay cả người mẹ, sau khi sinh con, cô đỡ dơ nó ra, cũng có cảm giác trống rỗng, mệt mỏi, thấy nó xấu xí, bẩn, chưa yêu nó được, nhưng người mẹ không dám nói cho ai biết và giấu cả mình. Tân cũng thế, nhưng cảm giác trống rỗng ở người cha kéo dài hơn. Và tình yêu chỉ bắt đầu lúc Tân được đứa bé “dạy” cho mình biết, sau khi nó đã được tắm rửa sạch sẽ, nằm bú tí mẹ, “trông nó hồng hào như đánh phấn, nó ầm ừ trong miệng rất có vẻ bằng lòng. Và nhìn đứa trẻ ngây thơ nằm trong lòng mẹ, Tân cảm thấy lần đầu cái thiêng liêng sâu xa của sự sống, và nhận thấy chính nhiều cái bé nhỏ, hèn mọn hàng ngày nó phá hoại cuộc đời”.

Thạch Lam đã điều tra đến gốc gác tình yêu: lúc ta sinh ra đời, hai người yêu quý ta nhất là mẹ cha, nhưng tình yêu ấy nẩy nở như thế nào, có tức thì không? Thạch Lam đã thấy được con đường tiệm tiến của tình yêu, chậm và chắc, và ông chỉ ra manh mối: chính cái dúm thịt động đậy dã dạy cho con người biết yêu thương, từ lúc nó chào đời.

*

Một cơn giận

Một cơn giận, in trên NN số 39 (20-12-36), bắt đầu bằng một cảnh rất tầm thường: một người đang có chuyện bực mình, gặp chiếc xe tay, mặc cả:

“- Xe đi không? Bốn xu về gần nhà bò Yên Phụ”

Người phu xe nài nỉ:

“- Thầy cho sáu xu.
– Không, bốn xu là đáng giá rồi!

Người kéo xe cứ đi theo lải nhải mãi, khách cáu tiết nhất định không trả thêm, cuối cùng phu xe chịu giá bốn xu, nhưng vẫn ấm ức cằn nhằn:

– “Từ đây về đấy thầy cho được bốn đồng xu thật rẻ quá!”

Chiếc xe lại tồi tệ, lòi cả xương sống xương sườn, gỗ đập vào lưng, khách càng cáu tiết:

“- Xe khổ thế này mà còn đòi cao giá!”

Người phu xe cãi lại: “Xe thế này mà thầy chê thì còn thế nào nữa!”

Khách càng lộn ruột: “Thôi câm họng đi, đừng lải nhải nữa!”

Bỗng có tiếng quát, một người đội xếp Tây đi xe đạp, theo sau một đội xếp ta:

– “Ê! Đứng lại!”
Người kéo xe dừng chân… anh ta quay lại tôi hớt hải van xin:
-“Lạy thày…thày nói giúp con… thày làm ơn.
Dưới ánh đèn tôi thấy mặt anh xe tái mét!
Những vết răn in sâu xuống trên gương mặt già nua hốc hác, chân tay người khốn nạn ấy run bật lên và tôi thấy cái rung động chuyển cả vào chiếc thân xe
.

Dĩ nhiên là “thày” không giúp gì cả, lời van xin của người phu xe không làm “thày” động lòng mà còn làm “thàyghét thêm. [Khu này cấm xe kéo, anh ta không được quyền kéo xe trong khu này, mà chỉ có thể kéo xe đi qua khu này thôi]. Viên cảnh sát hỏi bằng tiếng Pháp:

“- Người này kéo ông từ trong phố ra hay ông đi khứ hồi?”

Trong cơn giận ngùn ngụt, khách trả lời:

“- Tôi đi từ phố hàng Bún”.

Người cảnh sát mời khách xuống và nhìn anh phu xe:

“- Allez! Đi về bót!”

Toàn cảnh chỉ có thế, nhưng hậu trường phức tạp và đau đớn bội lần.

Trước hết về phía người khách:

Cơn giận của tôi đã hết rồi… Tôi rùng mình nghỉ đến số phận của anh xe khốn nạn. Ba đồng bạc phạt: Anh ta sẽ phải vay cai xe để nộp phạt, nhưng ba đồng bạc ấy bao giờ anh trả xong, sau những ngày nhịn đói bị cai xe hành hạ đánh đập và thù hằn.

Lòng hối hận bắt người khách tìm đến xưởng xe, dò hỏi tên và địa chỉ người phu bị phạt đêm ấy. Rồi khách tìm đến căn nhà lụp xụp, xiêu vẹo quá ngã tư Khâm Thiên,” một bà già ngồi ở mép một chiếc giường tre mục nát kê ở sát tường. Sau lưng bà này, một người đàn bà ngồi ôm trong lòng một vật gì hơi động đậy”.

Khách phải giảng giải mãi: “Không cụ cứ nói thật cho tôi biết. Tôi đến để giúp bác ta chứ không có ý gì khác”. Bà cụ mới kể:

“Hôm ấy, cai nó phải đem tiền lên nộp phạt để chuộc xe về. Chú nó đã xin khất với cai để rồi trả dần số tiền đó. Nhưng nó nhất định không nghe, bắt phải trả một nửa ngay. Khốn nạn, thì lấy đâu ra mà trả, thế là bị nó lột quần áo đánh một trận thừa sống thiếu chết thầy ạ. Khi về đây lê đi không được nữa. Thế mà nó còn bắt mai phải trả ngay.”
Người đàn bà ngồi trong cất tiếng ốm yếu nói theo:
– “Nó còn bảo nếu không trả nó sẽ bắt lấy thẻ.”
– “Thế bây giờ bác ta đâu?”
Bà cụ trả lời:
-“Đi ngay từ hôm ấy, mà không biết đi đâu?”

Chỉ một đoạn này thôi, ta cũng thấy đầy đủ cuộc đời khốn khổ của người phu xe, hơn cả tập phóng sự Tôi kéo xe của Tam Lang. Đứa bé hấp hối trong tay người mẹ, vì sài đã ba hôm không có thuốc, được mô tả bằng năm chữ “một vật gì hơi động đậy”. Nhưng cái giọng bà cụ nhẹ nhàng kết luận câu chuyện mới làm chao đảo tất cả:

Thật cũng là cái vạ, nghe đâu chú nó nói hôm ấy tại người khách đi xe không biết nói với người đội xếp thế nào mới bị bắt, chớ không cũng chẳng việc gì.

Khái Hưng nói đến sự thành thực của Thạch Lam làm ông rùng rợn cả tâm hồn, là ở chỗ này đây: vì ông tin rằng người chủ động trong truyện “Một cơn giận” có thể chỉ là Thạch Lam. Khó cãi Khái Hưng ở điểm này bởi chỉ có Thạch Lam mới cảm thấy và dám viết hết những cảm xúc, những ý nghĩ và hành động xấu xa của mình, không giấu giếm, che đậy. Chính ở chỗ ấy, Thạch Lam cho chúng ta những xúc động, những đau đớn, khác người. Đọc truyện này chúng ta bắt buộc phải tự đặt mình vào vai người khách và đón nhận lời của bà cụ “tại người khách đi xe không biết nói với người đội xếp thế nào mới bị bắt” như nói với ta. Câu “không biết người khách nói với người đội xếp thế nào”, vang lên, không như một trách móc, mà là một tha thứ, hơn thế nữa, một biện bác cho cái ác của người khách và cũng là của chúng ta (với những ác lớn, ác nhỏ ta làm, vô tình hay hữu ý). Sự tha thứ này mới làm ta thấm thía, ăn năn, không bao giờ tự tha thứ cho mình được nữa, nhất là khi khách sắp ra về, lại gần người mẹ, mới thấy: Trên cánh tay người mẹ, đứa trẻ chỉ còn là một dúm thịt con đã nhăn nheo.

Đứa bé đã chết.

*

Nhà mẹ Lê

Nhà mẹ Lê (NN số 43, 17-1-37) trở thành biểu tượng một gia đình nghèo đất Bắc, khi truyện này được trích dạy ở trong Nam, sau 1954.

Lần đầu tiên phố huyện Cẩm Giàng được đưa vào tiểu thuyết với tên gọi Đoàn thôn và những con người phiêu bạt từ đâu đến đây, giống như gia đình Nguyễn Tường, được gọi là dân ngụ cư, và lần đầu tiên Thạch Lam bỏ rơi mình để mô tả một gia đình khác: nhà mẹ Lê.

Nhà mẹ Lê là một gia đình một người mẹ với mười một người con“, ba chữ một trong một câu, khiến ta nghĩ đến sự tầm thường, vụng về của người viết, cho học trò học sao được?

Nhưng tiếp đó, lũ học sinh sẽ dần dần bị mê hoặc:

Chừng ấy người chen chúc trong một khoảng rộng độ bằng hai chiếc chiếu, có mỗi một chiếc giường nan đã gẫy nát. Mùa rét thì giải ổ rơm đầy nhà, và mẹ con cùng nằm ngủ trên đó, trông như một cái ổ chó, chó mẹ và có con lúc nhúc.

Hình ảnh “chó mẹ và có con lúc nhúc” đã tạo trong ký ức học trò ấn tượng không thể xóa được, vì trẻ con yêu chó lắm. Rồi đến những ngày đông rét mướt: “dưới manh áo rách nát, thịt chúng nó thâm tím lại vì rét, như thịt con trâu chết.” Lũ trẻ đọc câu này, dưới trời Nam nắng ấm, thấy lạnh tím trong lòng. Rồi “trong ngày hè nóng bức, con bác Lê đứa nào cũng lở đầu” nên bác Lê lấy phẩm xanh bôi cho chúng, “trông mẹ con bác lại giống mẹ con một đàn gà, mà những con gà con người ta bôi xanh lên đầu cho khỏi lẫn”. Sau sự đau đớn xót xa, lũ học trò hồi sinh, vui lên với đàn gà con chíp chíp. Bác Đối, không lần nào đi qua nhà bác Lê mà không bảo: “Bác phải nhớ thỉnh thoảng đếm lại con không quên mất. Bác Lê bao giờ cũng trả lời một câu:Mất bớt đi cho nó đỡ tội“. Bác Lê yêu thằng Hy thứ chín hơn cả vì nó ốm yếu xanh xao nhất nhà. “Bác thường bế nó lên hôn hít, rồi khoe với hàng xóm, nội cả nhà chỉ có nó là giống thầy cháu như đúc. Rồi bác lại ôm con ngồi lặng yên một lát, như để nhớ lại chuyện gì đã lâu lắm.”

Tình yêu con của bác Lê đã đi vào ký ức học trò trong Nam như thế cùng với mùi đất Bắc của Đoàn thôn: “Đất vẫn còn giữ cái nóng buổi trưa và bốc lên một cái mùi riêng, lẫn mùi rác bẩn và mùi cát“.

Rồi mùa rét lại đến. Lần này, đàn con nhịn đói đã suốt buổi, bác Lê đánh liều đến nhà ông Bá, xin ít gạo. Thằng cả gạt đi:

“Ban sáng u đã vào nhà người ta có cho đâu, cậu Phúc lại còn bảo hễ u vào nữa thì cậu ấy thả chó ra cắn”.

Nhưng bác Lê không nghe, cứ đi. Lâu lắm không thấy bác về.

Thằng Hy, lắng tai nghe tiếng chó cắn trong làng rồi bảo chị nó:
– Hình như u về đấy chị ạ….
Bỗng có tiếng chân người rầm rập, đến tiếng gọi, rồi lũ trẻ thấy bác Đối và một người nữa khiêng bác Lê vào trong nhà…
Thằng Hy vừa mếu máo vừa hỏi:
– U làm sao thế u?
Bác Lê nén cái đau giảng cho con biết:
-“Thật cậu Phúc ác quá! Đã không cho thì thôi lại còn thả chó ra đuổi!”

Đêm ấy, bác Lê lên cơn sốt mê đi, bác thấy lại cả đời mình,“không biết cái nghèo đã vào nhà bác từ lúc nào, sinh ra bác đã thấy nó rồi”, bác tự an ủi “nhưng có người mướn làm thì cũng không đến nỗi“, bác không trách ai cả, bác nhớ lại những buổi có việc, bác lĩnh gạo về, những bữa cơm nóng mùa rét, thằng Hy, con Tý vui đùa… bác chết đi trong những hình ảnh đẹp ấy.

Tôi không dám nói đến chữ nghệ thuật ở đây, vì những gì tôi ghi nhớ từ thời học sinh đến bây giờ, gần một đời người, vẫn thấy vượt quá ý nghiã nghệ thuật, vượt trên khả năng phê bình, như thể tình yêu, tình nhân loại bị cướp, bị xé, bị diệt đi bởi năm chữ: Thật cậu Phúc ác quá! Khi phúc ác quá, thì không còn gì nữa, không còn thuốc chữa nữa.

Những cái nho nhỏ của Thạch Lam là vậy. Tôi chưa thấy một nhà văn nào, dù lớn đến đâu, nói ra được như thế. Nên khi người ta bảo Việt Nam không có tác phẩm lớn, không có nhà văn lớn, tôi cho những người ấy không bao giờ lớn được.

Thạch Lam, không phải ai cũng hiểu, Nguyễn Tuân là người bênh vực Thạch Lam, ngay từ năm 1957. Trong bài Thạch Lam [8] viết tháng 10-1957, Nguyễn Tuân khen rằng: “Truyện Nhà mẹ Lê viết cách đây khoảng hai chục năm mà đọc đến thấy đâu như truyện năm ngoái năm kia gì đó. Đọc Nhà mẹ Lê, có lúc cứ tưởng đâu như là Thạch Lam có đi theo một đội phát động nào! Cũng cảnh làm thuê ở mướn. Cũng địa chủ tàn bạo.” Thật may, Thạch Lam mất rồi, không phải đọc những dòng như vậy từ một nhà văn mà Thạch Lam đã hết lòng nâng đỡ, như một vì sao mới rạng.

Gia đình bác Lê ban đầu trông như… cái ổ chó, sau đó lại giống… một đàn gà, bao nhiêu thương yêu âu yếm nằm trong mấy chữ cỏn con này? Bác Lê yêu thằng Hy nhất vì nó giống bố, nhưng ta không biết bố nó đâu, sống chết thế nào? Một mình bác nuôi 11 đứa con, lúc đói quá, bác chỉ tự nhủ “nhưng có người mướn làm thì cũng không đến nỗi” bác có biết oán ai bao giờ? Tại sao lại cho “địa chủ tàn bạo” vào đây? Tại sao có thể chuyển tấm lòng nhân ái bao dung cao cả tuyệt vời thành sự căm thù đẫm máu trong cải cách ruộng đất? Nguyễn Tuân đi lạc đường rồi, bởi Thạch Lam không biết đến hai chữ căm thù, toàn bộ tác phẩm của Thạch Lam chỉ toả ra tình yêu, tình người, tình nhân loại và lòng tha thứ.

*

Người đầm

In trên NN số 83 (31-10-37). Một hôm đi xem chiếu bóng, tác giả gặp “người đầm”.

Hôm ấy là thứ hai, rạp không đông khách, tác giả ngồi ghế hạng nhì, bỗng để ý tới hai mẹ con người đầm ngồi cùng hạng với mình. “Một người Pháp, mà lại một người đàn bà, ngồi ở hạng nhì lẫn với người!”. Chuyện không thể tưởng tượng được! Phải biết nhá: Pháp không ngồi lẫn với người! Bởi vì họ là Pháp, họ ngồi “lô”, nghĩa là ngồi ghế thượng hạng, không chung đụng với người. Người bản xứ.

Những người ngồi xung quanh cũng có cái cảm giác đó, họ tò mò nhìn người đầm, nhưng “nhìn một cách sống sượng và chăm chú quá“, đôi khi lại có tia mắt “lãnh đạm và ác cảm” nữa. “Người đàn bà Pháp hình như cũng nhận thấy thế, nên bà ta cố thu mình cho nhỏ bé lại, và luôn luôn cúi mặt xuống tờ chương trình để trên lòng“.“Thỉnh thoảng bà ôm lấy con ghì chặt vào lòng như se lại, trước cái ác cảm bà đoán thấy ở chung quanh”.

Đứa bé cười hơi to, người mẹ vội ra hiệu bảo con im, “cái nhìn của bà ta rụt rè, e lệ quá, khiến tự nhiên tôi ái ngại và cảm động,” “bà có cái vẻ rụt rè, nhũn nhặn mà ta không thấy ở nhiều người đầm đã sống lâu năm bên này”.

Bà mặc đồ đen, để tang ai? Cha, mẹ hay chồng? Chắc mới sang nên bà quen như bên Pháp mới mua vé hạng nhì.

Có lẽ ở bên ấy, giá vé hạng nhì đối với bà là to rồi. Bởi thế, bà không biết ở xứ này, một người đàn bà Pháp không bao giờ lấy vé hạng ấy.
Khi đèn bật sáng trong giờ nghỉ, bà dắt con đứng dậy, lách khe ghế đi ra.
Đến trước mặt tôi, bà nhìn tôi một cách dịu dàng, và rất lễ phép:
– Xin lỗi ông (…)
Tôi chợt nghĩ đến cái lễ độ nhã nhặn của người Pháp, của những người Pháp thật, những người chưa bị cái hoàn cảnh bên này làm xấu đi.

Một người Pháp thật, một người Pháp biết xin lỗi, Thạch Lam luôn luôn nhẹ nhàng! Chỉ một chữ thật này thôi, đã tẩm bao nhiêu cay đắng. Phạm Duy Khiêm cũng viết trong cuốn La place d’un homme (Vị thế một người) một câu tương tự: “Phải đến đất Pháp tôi mới hiểu được rằng, phải chăng, để trở thành thực dân, một người Pháp phải từ bỏ sự sáng suốt và lẽ công bằng hay là chỉ vì, khi xuyên qua đại dương, người ta đã thu hẹp chân trời lại.

Bằng một chữ, Thạch Lam cho biết đã gặp được một người Pháp thật trên đất Việt Nam!

Nhưng Người đầm ấy là một con chim lạc. Và con chim lạc đàn nào cũng đáng thương. Thạch Lam theo dõi từng cử chỉ của nàng, bao bọc nàng bằng những săn sóc thầm kín, che chở nàng như một người thân vắng bóng, nghĩ hộ nàng những chỗ phân vân, rồi tự nhiên đem lòng thương mến người đàn bà xa lạ ấy. Dường như nàng không cần sự thương hại, nàng cần sự thông cảm. Ánh sáng Thạch Lam tỏa xuống dịu dàng, chính là niềm cảm thông sâu xa giữa ngườingười, giữa người tangười đầm, mà trong cõi viết thủa ấy, mấy ai nghĩ đến, mấy ai đạt được.

Vậy mà Nguyễn Tuân lại vẫn không hiểu, đọc Người đầm, ông có vẻ thinh thích, nhưng cái thích của ông hoàn toàn đi ngược với chủ ý của Thạch Lam, bởi vì ông thấy: “Qua cái hơi văn càng bình thản bề ngoài ấy ta thấy thực dân cái (cũng như thực dân đực) càng trở nên kệch cỡm, nó dị dạng tới mức phải cho nó cút đi khỏi cái chân trời chung của cả tác giả lẫn độc giả”.

Viết những dòng này Nguyễn Tuân thực đã hoàn toàn lột xác, ông đã bỏ rơi nét chữ thanh cao huyền diệu của người tử tù, để đi theo sự kệch cỡm chữ đang thịnh hành. Nguyễn Tuân đã chỉ còn là… một thời vang bóng.

*

Hai đứa trẻ

In trên NN số 122 (7-8-38). Phố huyện sắp về đêm:

Tiếng trống thu không trên cái chòi của huyện nhỏ; từng tiếng một vang ra để gọi buổi chiều. Phương tây đỏ rực như lửa cháy và những đám mây ánh hồng như hòn than sắp tàn. Giẫy tre làng trước mặt đen lại và cắt hình rõ rệt trên nền trời.

Hai đứa trẻ chung nhau cái hoàng hôn tuyệt sắc và vô tận ấy. Nhà nghèo, mẹ bận hàng xáo, dặn con ngồi coi hàng tạp hoá, tối ngủ lại trông hàng. Xung quanh chúng, vài người bán hàng chia nhau một bóng đêm và những vì sao lấp lánh trên trời. Thạch Lam chiếu ống kính về con phố vắng, nghèo nàn:

Chợ họp giữa phố vãn từ lâu. Người về hết và tiếng ồn ào cũng mất. Trên đất chỉ còn rác rưởi vỏ bưởi, vỏ thị, lá nhãn và bã mía. Một mùi âm ấm bốc lên, hơi nóng của ban ngày lẫn mùi cát bụi quen thuộc quá, khiến chị em Liên tưởng là mùi riêng của đất, của quê hương này.

Đó là phố huyện Cẩm Giàng, bởi cái “không khí” ấy không lẫn đi đâu được.

Hai đứa trẻ sẽ ảnh hưởng sâu rộng đến nhiều nhà văn đi sau. Bởi nó hoàn toàn “mô-đéc”, nghiã là không có chuyện gì cả: hai chị em Liên, An ngồi trên chiếc chõng trước cửa để “trông hàng”, thực ra chúng chỉ ngắm người qua lại, vì “cửa hàng” là một tạp hóa nhỏ xíu, mẹ dặn phải đóng khi nghe tiếng trống thu không, hồi chiều rồi, làm gì có “truyện” mà kể?

Truyện ở đây, là sự giao cảm giữa đất trời và con người, là cách kết hợp ánh sáng và bóng tối tuyệt vời của nhà đạo diễn, phối hợp âm thanh và màu sắc, làm cho phố đêm trở nên huyền diệu trước mắt hai đứa trẻ. Ngồi đấy, chúng nhìn thấy tất cả những chuyển động chung quanh:

Đầu tiên là “thằng cu bé xách điếu đóm và khiêng hai cái ghế trên lưng từ trong ngõ đi ra”, đi sau là mẹ nó, chị Tý “đội cái chõng trên đầu và tay mang không biết bao nhiêu là đồ đạc: tất cả cái cửa hàng của chị”. Hai mẹ con chị Tý chập tối nào cũng dọn “cả một cửa hàng” từ nhà ra như vậy, để bán vài bát nước chè và dăm ba điếu thuốc lào cho mấy người thợ về khuya.

Rồi không gian đen dần lại, chỉ còn ánh sáng trên cao:

Đường phố và các ngõ con dần dần chứa đầy bóng tối…
… những bóng người về muộn, lừ lừ đi trong đêm.
Vòm trời hàng ngàn ngôi sao ganh nhau lấp lánh, lẫn với vệt sáng của những con đom đóm bay là trên mặt đất hay len vào cành cây. An và Liên lặng ngước mắt lên nhìn các vì sao để tìm sông Ngân Hà và con vịt theo sau ông Thần Nông. Vũ trụ thăm thẳm bao la đối với tâm hồn hai đứa trẻ như đầy bí mật và xa lạ, và làm mỏi trí nghĩ, nên chỉ một lát hai chị em lại cúi nhìn về mặt đất, về quãng sáng thân mật chung quanh ngọn đèn lay động trên chõng hàng của chị Tý. Về phía huyện, một chấm lửa khác nhỏ và vàng lơ lửng đi trong đêm tối, mất đi, rồi lại hiện ra. An trỏ tay bảo chị:
– “Kìa, hàng phở của bác Siêu đã đến kia rồi.”

Tôi chắc khi viết nhũng dòng này, Thạch Lam đã nghĩ đến truyện ngắn Les étoiles (Những vì sao) của Alphonse Daudet, đoạn anh mục đồng kể cho cô chủ nhỏ Stéphanette nghe sự tích các vì sao, vì Thạch Lam đã dịch truyện này sang tiếng Việt, dịch hay lắm (NN số 51).

Hai đứa trẻ ngước mắt lên trời, nhìn sao một lát, mỏi cổ, mỏi mắt chúng quay xuống đất, thấy chuyển động thứ nhì: từ xa lại, gánh phở của bác Siêu, bắt đầu bằng một chấm lửa di động trong đêm tối, mất đi, hiện ra… và khi bác đã đến gần “bóng bác mênh mang ngã xuống một vùng và kéo dài đến tận hàng rào hai bên ngõ“.

Gia đình bác Sẩm đến sau cùng với cái thau sắt trắng đựng tiền. “Vợ chồng bác Sẩm góp chuyện bằng mấy tiếng đàn bầu, bần bật trong yên lặng“.

Ngồi trên chõng, trong bóng tối, hai đứa bé nhìn những chuyển động ấy, chúng đếm những vì sao trên trời đang nhìn xuống những con đom đóm bay là trên mặt đất, để tạo ra một cuộc sống hiện thực đầy mộng tưởng: Những đốm lửa trong đêm, dù là ánh đom đóm, ánh đèn của chị Tý hay ánh lửa của bác Siêu đều gợi trong lòng chúng những rung động thiêng liêng tựa những ánh diêm châm trong đêm đông buốt giá làm bừng lên những giấc mơ của đứa bé trong cổ tích Andersen.

Hai đứa nhỏ và những người nghèo quanh chúng không sở hữu gì ngoài bóng đêm và các vì sao, riêng chị em Liên có thêm một bảo vật nữa: hàng đêm, chúng đợi con tàu đi qua, để được nhìn những toa chở ánh sáng Hà thành lại, nhưng rồi chỉ một chớp mắt, “chiếc tầu đi vào đêm tối, để lại những đốm than đỏ bay tung trên đường sắt. Hai chị em còn nhìn theo cái chấm nhỏ của chiếc đèn xanh treo trên toa sau cùng, xa xa mãi rồi khuất sau rặng tre.”

Chuyến tầu Hà Nội. “Hà Nội xa xăm, Hà Nội sáng rực”

Hai chị em Thế và Lân, đúng vậy, Liên chính là Nguyễn Thị Thế và An chính là Nguyễn Tường Lân, mỗi đêm, chờ tàu chở ánh sáng kinh đô về. Hà Nội, nơi gia đình, vì sinh kế phải cách xa, Hà Nội “một vùng sáng rực và lấp lánh”. Hà Nội này sẽ sống lại trong những ánh lửa Hà Nội của Mai Thảo, một thời xa cách, sau này.

Còn đêm tối, và những đốm sáng chập chờn sẽ đem hạnh phúc đến những cuộc đời không nhiều may mắn khác:

Đêm tối đối với Liên quen lắm, chị không sợ nó nữa. Tối hết cả con đường thăm thẳm ra sông, con đường qua chợ về nhà, các ngõ và làng lại sẫm đen hơn nữa. Giờ chỉ còn ngọn đèn con của chị Tý, và cái bếp lửa của bác Siêu, chiếu sáng một vùng đất cát, trong cửa hàng, ngọn đèn của Liên, ngọn đèn vặn nhỏ, thưa thớt từng hột sáng lọt qua phên cửa.

“Từng hột sáng lọt qua phên cửa” sẽ sống lại trong văn Hồ Dzếnh, như thể những hột sáng Thạch Lam gieo, dù mỏng manh đến mực nào, vẫn có thể lọt sàng rơi sang những tâm hồn nhạy cảm khác.

*

Tối ba mươi

In trên Ngày Nay số 149, Báo Xuân, 15-2-39.

Đúng tối ba mươi, Thạch Lam dẫn ta vào căn buồng số 12, một phòng “săm”, nơi Liên và Huệ ở và tiếp khách. Liên vừa đi sắm tết về, hai tay lễ mễ những gói giấy, khó khăn lắm mới mở được cửa. Huệ ngủ vùi chưa dậy. Hai chị em sẽ ăn tết với “những thức ăn rẻ tiền mua hấp tấp ở các hiệu Khách trước giờ đóng cửa đêm ba mươi”.

Không khí pha trộn thiêng liêng và ô uế, cô đơn và gắn bó, truyền thống và buông thả của hai tâm hồn bị gia đình bỏ rơi nhưng vẫn bám víu vào tổ tiên như một cứu cánh. Hai chị em “còn nhà đâu nữa mà về”: Huệ, mẹ chết, cha lấy vợ khác, không biết ở đâu. Liên còn cha mẹ, nhưng từ lúc bỏ nhà đi, không dám về. Thức ăn bày cúng đầy đủ cả, nhưng họ loay hoay mãi với cái bát hương:

Trên chiếc bàn rửa mặt đầy vết bẩn. Liên đã đặt đĩa cam quýt, cái bánh chưng và thiếp vàng. Mấy gói lạp xưởng và gói giò cũng để ngay bên. Các đồ cúng nghèo nàn bỗng bày lộ ra trước mắt hai người. Huệ tìm lấy thẻ hương. Nàng quay lại hỏi Liên:
– Chị có mua gạo không?
– Có, gạo đây. Nhưng để vào cái gì bây giờ?
Hai chị em nhìn quanh gian buồng, nghĩ ngợi. Liên bỗng reo lên:
– Để vào cái cốc này này. Phải đấy, rất là…
Nàng im bặt dừng lại. Hình ảnh ô uế vừa đến trí nàng. Cái cốc bẩn ở góc tường, mà cả đến những khách chơi cũng không thèm dùng đến, nàng định dùng làm bát hương cúng tổ tiên?

Người ta có thể bỏ con, đuổi con khỏi nhà, không tìm kiếm, không ân hận, nhưng những đứa con không có nhà mà về nữa, vẫn không bỏ tổ tiên, không quên ngày tết, không xóa quá khứ…

Thạch Lam nhắc ta điều này: đã có con thì không thể bỏ, bởi dù có bỏ, có đầy đọa thế nào, nó cũng không bỏ tổ tiên, bỏ quá khứ của nó được. Sự ô uế ở đây không đến từ cái cốc bẩn trong một phòng săm, mà là sự ô uế tâm hồn của những kẻ bỏ con, con gái, giữa đường, đẩy nó đến cái nghề giang hồ ô uế.

Thạch Lam thường nhìn xa, nhìn sâu hơn người khác, khiến đọc ông, ta luôn luôn có cảm giác đớn đau, mà không biết tại sao, do ai gây ra. Có người cho rằng ở đây ông tả cảnh hai cô gái giang hồ cô đơn trong đêm giao thừa thật khéo; đúng vậy, nhưng không chỉ có khéo, có vậy, đằng sau căn buồng săm ấy, là sự nhẫn tâm tàn ác của một người cha bỏ con, con gái, đi lấy vợ khác và một gia đình có đứa con, con gái, bỏ đi không dám trở về.

Thạch Lam luôn luôn trách nhẹ nhàng kín đáo, như cơn gió thoảng và càng nhẹ nó càng lay động tim ta lâu dài.

*

Cô hàng xén

Đăng trên Ngày Nay số 133 (22-10-38) và số 134 (29-10-38). Cô hàng xén tóm gọn một đời phụ nữ mà Trần Tiêu sẽ dùng cả một cuốn tiểu thuyết dày để diễn tả trong Chồng con. Trần Tiêu và Thạch Lam không có gì giống nhau và truyện ngắn cũng khác truyện dài, tuy nhiên Cô hàng xénChồng con đều hướng về thân phận những cô gái quê miền Bắc, ở nhà phục vụ gia đình, lấy chồng hầu hạ nhà chồng đến tàn hơi, cạn lực.

Tâm không có nhà. Suốt ngày Tâm ở ngoài đường, nhà Tâm là đường và chợ. Đến tối Tâm mới được về nhà:

Tâm bớt mệt hẳn khi nhìn thấy cây đa và cái quán gạch lộ ra trong sương mù…
Cô sắp về đến nhà rồi, gánh hàng trên vai nhẹ đi…
Tâm vội vã bước mau. Trước đình, sân gạch rộng đầy bóng tối và yên lặng…
Tất cả cái tối tăm rét mướt, và cánh đồng hoang vắng cô để lại ở ngoài. Đây là nhà rồi.

Đây là nhà rồi, bốn tiếng reo vang trong đầu Tâm như một hy vọng: Tâm đã đến nơi, Tâm sẽ được nghỉ, sẽ hết những nặng nhọc rét mướt bên ngoài. Nhưng không phải thế, vào nhà, Tâm lại sa vào những đòi hỏi khác: Quà của chúng em đâu chị?

Tâm chỉ được nghỉ vài giờ khi thiếp đi trong giấc ngủ, rồi tỉnh dậy lại tiếp tục chặng đường hôm sau, hệt như hôm trước…

Ta đi theo Tâm một đoạn đời, len lỏi cả vào những giây phút bí mật của cô gái dậy thì, đêm khuya vụng trộm soi gương, lấy son thoa lên môi, thấy mình xinh đẹp. Rồi Tâm được cậu giáo Bài, thư sinh nho nhã, Tâm đã thầm yêu, hỏi làm vợ. Tâm lấy chồng, bà Tú, mẹ Tâm phải làm hàng xáo nuôi con. Còn Tâm, bây giờ gánh vác cả hai giang sơn: nhà chồng đã hẳn, mà còn phải ăn bớt tiền buôn bán của mình, lén cho em ăn học. Cậu giáo Bài theo gương ông Tú, cha Tâm, cũng không dạy học nữa, giao khoán gia đình cho vợ, giữ nhiệm vụ hạch tiền.

Truyện ngắn Thạch Lam làm tôi nhớ đến truyện ngắn Tchékhov, họ giống nhau ở một điểm là thường hay tả những người đàn bà tầm thường, ý nghĩ của họ cũng rất tầm thường, nhưng cái tầm thường ấy luôn luôn chở cái bi đát. Nhưng ở Tchékhov (hoặc Khái Hưng) cái bi đát chỉ đến trong đoạn kết, còn ở Thạch Lam cái bi đát len vào truyện ngay từ đầu, trong những chi tiết, những cử chỉ nhỏ nhặt: Cả một xã hội phụ quyền đè nặng lên vai Tâm, từ nhỏ, với ông Tú, người cha, bỏ dạy học, phó mặc giang sơn cho vợ con, rồi đến giáo Bài, người chồng, cũng theo chân bố vợ, cũng bỏ dạy học, ẩn náu trong sự lười biếng, vô trách nhiệm. Thạch Lam tế nhị nhắc lại đời Tâm như một hơi thở dài nhè nhẹ, mong cái bi đát dàn trải ra, sẽ giảm đi… Có khi đến kết, Thạch Lam còn làm cho nó nhạt thêm chút nữa, để câu chuyện đỡ thương tâm, như trong Nhà mẹ Lê, ông không nói đến số phận 11 đứa con sau khi mẹ chết, ông bỏ lửng chúng vào lòng độc giả, và kẻ có lòng sẽ ước mong chúng được những người nghèo trong phố chợ chia nhau cưu mang, như họ đã lo cho bác Lê cỗ ván mọt chôn cho đỡ tủi.

*

Sợi tóc

Sợi tóc là truyện hay cuối cùng của Thạch Lam in cùng với bài tùy bút đầu tiên của Hà nội băm sáu phố phường, trên Ngày Nay số 203 (16-3-40).

Sợi tóc nhắm vào một cử chỉ, nếu ta làm cái cử chỉ đó, ta sẽ trở thành kẻ cắp.

Được người bạn giầu mời đi ăn, đi hút, ta thám thính, dò hỏi, đưa ra bao nhiêu giả thuyết, lập luận, nếu… nếu… từ lúc ta nhìn thấy người bạn rút ví tiền, trong có một xấp giấy bạc trăm, mà ta nghèo kiết xác. Chỉ cần hai tờ cũng đủ đổi đời. Ý tưởng chiếm đoạt manh nha, nhưng mới chỉ có trong đầu, làm sao thực hiện được? Bỗng như có thần trợ giúp, người bạn cầm nhầm áo của ta, đem vào phòng trong ngủ với cô nhân tình. Khi ta đứng lên về, mặc áo, mới thấy cái ví của bạn! Làm gì đây? Cả một bộ tham mưu tư tưởng họp gấp trong đầu: nếu ta chỉ rút có hai tờ, rồi vào phòng đổi lại áo, làm sao hắn biết được? Mà có biết thì hắn cũng chỉ nghi cô nhân tình ăn cắp, chứ đâu dám nghi cho mình? Cuộc họp tham mưu chấm dứt, dẫn đến chiến tranh khốc liệt giữa hai bên thiện, ác, mà ranh giới chỉ là một sợi tóc. Thạch Lam không có ý đạo đức ở đây, vì đạo đức thường giả dối, không giáo dục được kẻ trưởng thành. Thạch Lam chỉ muốn trỏ cho ta thấy cái sợi tóc phân chia ranh giới giữa lương thiện và bất lương, nếu không để ý, con người sẽ không nhìn thấy, sẽ dẫm lên, mà không biết.

*

Hà nội 36 phố phường

In trên Ngày Nay từ số 201(2-3-40) đến số 223 (31-8-40), là những bài viết cuối cùng của Thạch Lam. Những bài viết này, chắc Thạch Lam không ngờ sau sẽ có ảnh hưởng lớn như vậy. Bởi vì trước ông, chưa ai nhìn Hà Nội như thế cả. Sau ông, người ta thi nhau, nào Vũ Bằng, nào Tô Hoài, nào Nguyễn Tuân, đều dùng Hà Nội làm vốn văn chương.

Những bài tuỳ bút ngắn này được Khái Hưng, sau khi ra tù, tập hợp lại, viết tựa và in thành tập sách mỏng Hà Nội băm sáu phố phường, bài tựa ghi ngày 20-7-43, lúc đó Thạch Lam mất đã được một năm (Thạch Lam mất ngày 27-6-42).

Thạch Lam không tôn vinh Hà Nội theo lối sử thi rồng lên phượng xuống. Thạch Lam yêu Hà thành thấm thía, âm thầm như lời Khái Hưng. Những điều Thạch Lam viết về Hà Nội thường trách nhiều hơn khen, mà chỉ nhỏ nhẹ thủ thỉ, vẫn chữ của Khái Hưng, chứ không đao to búa lớn bao giờ.

Thạch Lam chú ý đến những cái rất nhỏ của Hà Nội: như sự sính tiếng Tây trên các bảng hàng, thôi thì đủ kiểu, nào là tiếng Tây bồi của các bác thợ may đến tiếng Tây ít bồi của nhà báo, tiếng Tây pha ta trên các cửa hàng tơ lụa. Bạn muốn thấy đủ kiểu tiếng Tây, chỉ cần đọc Thạch Lam, sẽ hiểu được ảnh hưởng lớn lao của văn hóa mẫu quốc thời ấy như thế nào. “Nhưng ngẫm kỹ ra thì cũng chẳng nên lấy làm lạ, vì ở một xứ có tờ báo (nghiã là do hạng trí thức viết) dịch Hôtel de Ville là Khách sạn của thành phố, và Stars à Hollywood là dân tộc Stars ở Mỹ Châu, thì các ông chủ hiệu trên kia kể còn là giỏi nhiều”. Bây giờ cũng chưa hết đâu, tiếng Mỹ đã thay tiếng Tây rồi, đúng là người mình thời nào cũng thích lệ thuộc cả.

Cách Thạch Lam trình bày các món ăn Hà Nội là độc nhất, sau này Vũ Bằng, Nguyễn Tuân, Tô Hoài, đều bắt chước, nhưng không ai viết được như Thạch Lam, vì họ không thành thật bằng Thạch Lam.

Đây là bát phở:

Nước thì trong và lúc nào cũng nóng bỏng, khói lên nghi ngút. Rau thơm tươi, hồ tiêu rắc, giọt chanh cốm ngát, lại điểm thêm môt chút cà cuống thoảng nhẹ như một nghi ngờ. Mà nhân tâm tùy thích, nhà hàng đã khéo chiều: ai muốn ăn mỡ gầu, có, muốn ăn nạc, có, muốn ăn nửa mỡ nửa nạc cũng có sẵn sàng (NN số 207, Quà Hà Nội).

Trước đây tôi đã viết về cách Khái Hưng “tẩm” văn hóa Việt vào mỗi chữ, mỗi câu trong Hồn bướm mơ tiên nên khi đọc, ví dụ như tới chữ chùa Long Giáng, là ta thấy cảnh “rồng xuống” hay tới màn “cô Thi” chạy đàn bên chú tiểu Lan, là ta thấy cảnh Thị Màu tán Tiểu Kính Tâm. Không những Khái Hưng khai sinh lối văn trong sáng, mà ông còn nâng cao tiếng Việt, “tẩm” chữ bằng văn hóa lịch sử; cách viết ấy rất cao, không phải ai cũng làm được.

Trong Hà nội băm sáu phố phường ta lại thấy cách “tẩm” ấy, nhưng Thạch Lam tẩm tình người vào các món ăn bình dân, ví dụ đây là bát bún ốc:

Có ai buổi trưa vắng hay buổi chiều, đêm khuya, đi qua các nhà cô đầu và các chị em thanh lâu, thấy họ ăn cái quà ấy một cách chăm chú và tha thiết đến đâu không? Nước ốc chua làm nhăn các nét mặt tàn phấn và mệt lả, miếng ớt cay làm xoa xuýt những cặp môi héo hắt, và khiến đôi khi rỏ những giọt lệ thật thà hơn cả những giọt lệ tình (NN số 208, Vẫn quà Hà Nội).

Tất cả những món quà Hà Nội, từ món ta như bánh cuốn, xôi lúa, cơm nắm, tiết canh, lòng lợn, phở, bún ốc, miến lươn, bún chả, bánh giầy giò, bánh ít, cốm, bánh cốm, bánh xu xê … đến những món Tàu như phán sì thoòng, chí mà phù, mìn páo, súi ìn, sa cốc màng … Thạch Lam đều mở thêm không gian tình người chung quanh các món ăn ấy, khiến người đọc sau khi “ăn” xong, không những thấy đọng lại trong hồn dư vị đắng cay của những con người đã từng ăn món ấy trước đó, mà còn chia sẻ cả những nhọc nhằn vất vả, cảm thấy cả những cô đơn, vô vọng trên những tấm thân gày, đã làm ra những món ăn ấy:

Ðêm khuya nữa … ở các con đường vắng, một bóng người lủi thủi đi, một chấm lửa nhỏ lung lay theo từng bước. Chậm chạp và thong thả, bác hàng quà đi nhẹ như chân ma, thỉnh thoảng cất lên một tiếng rao khe khẽ, ngắn và chóng chìm vào quãng tối. Giầy giò… giầy giò .…
Tiếng rao buồn thảm, yếu ớt và uể oải như hàm một mối thất vọng không cùng. Cái đời tối tăm ấy ở những đường phố xa, hẻo lánh như không còn mong mỏi chút gì. Cả cái thứ quà của bác ta cũng vậy: mấy khoanh giò nguội, mấy chiếc bánh giò chua ăn lạnh như sương trên mồ người chết. Cho nên bác cứ đi như thế, lẩn lút ở các ngõ tối đêm khuya, chả mong bán được mà cũng chả mong ế, lặng lẽ và chán nản như một linh hồn có tội … (NN số 209, Mìn páo và Giầy giò…)

Trong bao nhiêu năm, khi định đi du lịch đến những thành phố có một lịch sử ngàn năm như Thăng Long, tôi đều mong tìm được một cuốn sách nhỏ như Hà Nội băm sáu phố phường, nhưng không dễ. Hà Nội may mắn có Thạch Lam.

*

2. Ảnh hưởng của Thạch Lam

Hà Nội băm sáu phố phường dẫn đến một hiện tượng đáng chú ý: sau Thạch Lam, người ta thi nhau viết về Hà Nội. Sau Thạch Lam, thể tùy bút được phát triển. Và cũng sau Thạch Lam, người ta thi đua viết về món ăn. Nguyễn Tuân, Vũ Bằng, Tô Hoài, Nguyễn Công Hoan… đều ở trong khuynh hướng ấy.

Năm 1954, người Bắc di cư vào Nam, ai ai cũng đem theo phần thèm, phần nhớ Hà Nội của mình. Lợi dụng tình thế, Vũ Bằng viết cuốn Miếng ngon Hà Nội không ngại ngần khiêng cả một phần Thạch Lam vào sách, đôi khi chép nguyên y những thành ngữ của Thạch Lam: nhẹ như một nghi ngờ; nhân tâm tùy thích; ngon từ mùi thơm, từ nước chấm ngon đi… nhưng họ Vũ lém lỉnh quá và hay phóng đại, làm sao sánh với Thạch Lam được?

Nguyễn Tuân chịu ảnh hưởng cái mỹ học tiếng Việt của Tự Lực văn đoàn và loạt phóng sự miền núi: Trên đồi Lim, Xoè của các cô nàng, Phong dao Mường của Thạch Lam khi viết tùy bút Sông Đà.

Mai Thảo, người cực lực muốn đánh đổ Tự Lực văn đoàn, nhưng lại là người chịu ảnh hưởng Tự Lực nhiều hơn cả trong nhóm Sáng Tạo, không kể Doãn Quốc Sỹ viết lại hoàn toàn giọng văn Tự Lực. Mai Thảo chịu ảnh hưởng “tinh thần” của Thạch Lam trong truyện ngắn và tùy bút. Hà Nội, một vùng sáng rực và lấp lánh mà Thạch Lam nhìn từ toa tầu, sẽ sống lại trong Mai Thảo, Hà Nội những ánh lửa đã tắt, nhìn trên máy bay xuống; và những đêm trăng trên sồng Hồng của Mai Thảo đều có Thạch Lam trong thuyền.

Tuy nhiên, Nguyễn Tuân và Mai Thảo, từ ảnh hưởng Thạch Lam, họ đã xây dựng nên một nền mỹ học tiếng Việt độc đáo của riêng mình. Cũng chính Thạch Lam, là một trong những người đầu tiên nhận ra giá trị của Nguyễn Tuân, khi Vang bóng một thời vừa được nhà Tân Dân xuất bản, Thạch Lam đã viết trên Ngày Nay số 212:

Nguyễn Tuân là một nhà văn có tài năng đặc biệt, một nghệ sĩ có lương tâm, ở người đó chúng ta có thể đặt những hy vọng tốt đẹp nhất về sự nghiệp.”[9]

Nhưng người chịu ảnh hưởng Thạch Lam sâu sắc nhất là Nhất Linh. Ông đã viết cuốn Viết và đọc tiều thuyết ở Sài Gòn, phỏng theo cuốn tiểu luận Theo Giòng của em, bởi Thạch Lam là người đầu tiên nghĩ đến cấu trúc văn chương, đến ý thức sáng tạo, mục đích của nhà văn và giải thích bí quyết sáng tác như thế nào, trước Nhất Linh. Khi Nhất Linh sáng tác Xóm Cầu Mới, tác phẩm lớn sau cùng của ông, ông cũng đã dựa vào em, để vẽ bản đồ Xóm Cầu Mới qua truyện ngắn Bên kia sông và ông xây dựng những nhân vật ở Cẩm Giàng qua ba truyện ngắn chủ chốt của Thạch Lam: Nhà mẹ Lê, Cô hàng xén Hai đứa trẻ.

Trong những nhà văn trẻ “chịu ơn” Thạch Lam vì đã được ông giới thiệu tận tình, tôi muốn kể lại câu chuyện của Hồ Dzếnh, như một kết từ.

Người mẹ của Hồ Dzếnh, giống như những bà mẹ Việt Nam “đều phải đau khổ từ lúc lọt lòng” với “những tiếng thở dài mất tăm trong đêm tối, những mái đầu bù rối nghiêng xuống bổn phận hàng ngày, tầm thường và nhỏ mọn”[10].

Tôi chắc Hồ Dzếnh đã chịu ảnh hưởng Thạch Lam, khi viết những dòng này và kết hợp nỗi buồn của mẹ với nỗi buồn của người cha Minh hương, để dựng nên tác phẩm tuyệt vời Chân trời cũ, một thế giới riêng của những “người đàn bà buồn khổ sàng từng hạt tấm xuống nong, trong khi trời chiều sàng từng giọt hoàng hôn xuống tóc”[11]

Hồ Dzếnh kể lại câu chuyện Thạch Lam đọc truyện ngắn Người chị dâu tôi của ông trên báo, thấy thích, nhắn Như Phong nói Hồ Dếnh đến toà soạn Ngày Nay để nhận “bức khen do ông viết” nhưng Hồ Dzếnh tự ái không đến.

Một hôm đáp chuyến xe lửa từ Hải Phòng về Hà Nội. Tôi [Hồ Dzếnh] thấy một hành khách lên nửa đường từ ga Cẩm Giàng, tới ngồi cạnh tôi”, lúc đó tôi đang đọc lại tập bản thảo còn lấy tên là Người chị dâu tôi, thì người ấy hỏi mượn. Khi tàu từ từ dừng ở sân ga Hà Nội, người ấy ướm hỏi xem có thể mượn về nhà đọc được không, một tuần sau sẽ trả. Tôi cho mượn vì còn một bản nữa ở nhà, ghi vội địa chỉ của mình, không kịp hỏi địa chỉ người kia. Đúng một tuần sau, anh đến trả lại cho tôi thật, niềm nở bắt tay tôi và ngụ ý nếu muốn anh sẽ viết cho bài tựa, và anh tự xưng tên anh: Thạch Lam. Tôi vừa ngạc nhiên vừa xúc động mạnh.
Khi tôi đem bản in bài tựa cuốn Chân trời cũ đến cho anh xem lại, thì tôi chỉ thấy một quang cảnh vắng ngắt, một chiếc giường nhỏ trống trơn. Đợi một lát sau, tôi mới thấy bóng chị Thạch Lam lặng lẽ bước ra, đầu vấn khăn tang, nghẹn ngào cho tôi hay là anh đã mất được hơn một tháng!
Hóa ra bài tựa anh viết cho tôi mới hôm nào, lại là những nét chữ cuối cùng của anh- Sợi tóc đã bay đi, nhưng duyên tơ còn vương lại
.”[12]

Hồ Dzếnh là người xứng đáng được Thạch Lam tặng những dòng chữ cuối cùng, vì trong văn chương ta, sau Thạch Lam, Nguyên Hồng, Hồ Dzếnh là người hoàn toàn thành thực.

(Còn tiếp)

Thụy Khuê
thuykhue.free.fr


[1] In từ PH số 37, 10-3-33 đến PH số 60, 18-8-33.

[2] Trên đồi Lim (PH số 33, 10-2-33), Nghe hát quan họ một đêm ở Lũng giang (PH số 34, 17-2-33), Xoè của các cô nàng, (PH số 77, 15-12-33), Phong dao Mường (PH số 78, 22-12-33).

[3] 1- Một cảnh quê (PH số 63, 8-9-33); 2- Cung Hằng lạnh lẽo (PH số 117, 28-9-34); 3- Cô áo lụa hồng (PH số 156, 4-10-35); 4- Đói (NN số 7, 5-4- 35 và số 8, 16-4-35); 5– Trở về, NN số 18 (26-7-36); 6- Những ngày mới (NN số 19, 2-8-36); 7– Duyên số, (NN số 23, 30-8-36); 8- Một đời người, NN số 26, 20-9-36; 9– Đứa con đầu lòng, NN số 31, 25-10-36; 10– Trong bóng tối buổi chiều, NN số 35, 22-11-36; 11- Một cơn giận, NN số 39, 20-12-36; 12– Nhà mẹ Lê, NN số 43, 17-1-37; 13– Cái chân què NN số 57 (2-5-37); 14– Người lính cũ, NN số 61, 30-5-37; 15– Gió lạnh đầu mùa, NN số 62, 6-6-37; 16– Hai lần chết, NN số 65, 27-6-37; 17– Tiếng chim kêu, NN số 60, 23-5-37; 18- Người đầm NN số 83, 31-10-37; 19- Nắng trong vườn, NN số 92 (2-1-38); 20- Đứa con, NN số 95 (23-1-38); 21Thuý Mai, truyện vừa, NN số 96, 30-1-38, số 97, 18-2-38 và số 98, 20-2-38; 22– Bóng người xưa, NN số 99, 27-2-38; 23– Bên kia sông NN số 100, 6-3-38; 24– Cuốn sách bỏ quên, NN số 119, 17-7-38; 25– Đêm sáng trăng NN số 120, 24-7-38; 26- Hai đứa trẻ, NN số 122, 7-8-38; 27- Một bức thư, NN số 124, 21-8-38; 28– Buổi sớm, NN số 126, 4-9-38; 29– Bắt đầu, NN số 131, 8-10-38; 30– Tiếng sáo NN số 132, 15-10-38; 31– Cô hàng xén, NN số 133, 22-10-38 và số 134, 29-10-38; 32– Tình xưa, NN số 136, 12-11-38 và số 137, 19-11-38; 33– Tối ba mươi, NN số149, 15-2-39; 34– Dưới bóng hoàng lan, NN số 158, 22-4-39; 35– Sợi tóc, NN số 203, 16-3-40.

[4] Gió đầu mùa: Cô áo lụa hồng (PH số 156); Đói (NN số 7 và 8); Trở về (NN số 18) ; Những ngày mới (NN số 19), Duyên số (NN số 23); Một đời người (NN số 26); Đứa con đầu lòng (NN số 31); Một cơn giận (NN số 39); Nhà mẹ Lê (NN số 43); Cái chân què (NN số 57); Tiếng chim kêu (NN số 60); Người lính cũ (NN số 61); Gió lạnh đầu mùa (NN số 62); Hai lần chết (NN số 65).

[5] Nắng trong vườn: Trong bóng tối buổi chiều (NN số 35); Người đầm (NN số 83); Nắng trong vườn (NN số 92); Đứa con (NN số 95); Bóng người xưa (NN số 99); Bên kia sông (NN số 100); Cuốn sách bỏ quên (NN số 119); Đêm sáng trăng (NN số 120); Hai đứa trẻ (NN số 122); Buổi sớm (NN số 126); Bắt đầu (NN số 131) Tiếng sáo (NN số 132).

[6] Sợi tóc: Cô hàng xén (NN số 133 và 134); Tình xưa (NN số 136, và 137); Tối ba mươi (NN số 149); Dưới bóng hoàng lan (NN số 158) và Sợi tóc (NN số 203).

[7]Đói ký VS (Việt Sinh), in trên NN số 7 (5-4-35) và số 8 (16-4-35).

[8] Tuyển tập Nguyễn Tuân, tập II, nxb Văn Học, Hà Nội, 1982, in lại trong Tự Lực văn đoàn trong tiến trình văn học dân tộc, nxb Văn Hóa Thông tin, Hà Nội, 2000, trang 437-444.

[9] Thạch Lam, Phê bình Vang bóng một thời của Nguyễn Tuân, NN số 212 (15–6-40).

[10] Ngày gặp gỡ, trong tập Chân Trời Cũ, in lại trong Hồ Dzếnh Tác Phẩm Chọn Lọc, nxb Văn Học, Hà Nội, 1988, trang 31.

[11] Người chị dâu tôi, trong tập Chân Trời Cũ, trang 42.

[12] Hồ Dzếnh, Với Thạch Lam, Hà Nội mùa thu 1986, Tạp chí Sông Hương số 31 tháng 5-6/1988, in lại trong Tự Lực văn đoàn trong tiến trình văn học dân tộc, Nxb Văn Hóa Thông Tin, Hà Nội, 2000, trang 506-511.

bài đã đăng của Thụy Khuê