- Tạp Chí Da Màu – Văn chương không biên giới - https://damau.org -

‘Thằng Mô-đi’ và người nữ Việt Nam (kỳ 2/3)


 

VoDinh-ThanhModi-B2-H1

 

 

Người nữ trong mỹ thuật Việt

Có lẽ vì ảnh hưởng Trung-hoa, tổ tiên ta không để lại một nền hội họa vẽ người và vật. Trong khi các nghệ sĩ phương Bắc (đặc biệt từ đời Tống, một thời với đời Lý bên ta) để lại những công trình sáng tạo trong tinh thần Lão Trang (văn nhân họa, sơn thủy) thì ở Việt-nam hội họa chỉ đóng vai trò trang trí với những khuôn mẫu và ước lệ nhất định. Từ những hình người và chim trên mặt trống đồng Ngọc Lũ, mấy ngàn năm trôi qua… mãi đến đời hậu Lê, mới thấy có chân dung của mấy bà hoàng hậu để thờ ở lăng vua Lê Thái Tổ và đền vua Lê Thánh Tông ở Lam-sơn. Nói là chân dung chứ thật ra các tượng và tranh ấy là những hình ảnh tưởng tượng, tượng trưng, có tính cách thờ phượng, không biểu hiện dáng người nét mặt của những nhân vật bằng xương bằng thịt.

Gần với thời chúng ta hơn, nghệ thuật bình dân (1) đóng góp những tranh tứ bình (tranh truyện Kiều, tranh Tố Nữ, truyện Phương Hoa), những tranh tứ phủ (bốn bà thần tượng trưng Trời, Đất, Nước, Người) với trình độ nghệ thuật…khá thấp, theo thiển ý! Người nữ Việt chỉ thật sự hiện diện kể từ ngày những nghệ sĩ vô danh của ngành mộc bản dân tộc sản xuất hàng loạt các hình ảnh thô thiển nhưng cực kỳ thú vị.

Trong khi mộc bản Hàng Trống như các tranh Tố Nữ, tranh Bà Chúa Thượng-ngàn còn nặng ảnh hưởng trang trí của Bắc phương, thì mộc bản Đông-hồ nổi sắc với những tác phẩm mà chắc rằng bạn đọc đã từng làm quen rồi: Hứng dừa, Đánh ghen, v.v… Người nữ Việt trong tranh là người nữ quê mùa, cục mịch, nhưng là những con người thật. Trong Hứng dừa, chàng leo lên cây hái trái, nàng đứng dưới đất vén váy nhìn lên. Hứng dừa? Hứng cái gì chứ hứng dừa thế quái nào được. Thế nào người nghệ sĩ bình dân cũng tủm tỉm cười khoái trá khi vẽ và khắc tranh này. Trong Đánh ghen, người nữ còn sống động hơn. Người đàn bà đánh ghen mặc yếm nâu xấn tới, một tay chống hông, một tay giang cao, nắm chặt…cái kéo, hai mũi nhọn hoắc! Nàng kia, tóc xổ tung, còn yếm thì rớt mất từ lúc nào, lộ cả ngực và rốn. Anh đàn ông đa tình đưa ra một tay như cản ngăn kẻ tấn công, tay kia còn úp lên vú của người đẹp!

Để qua một bên những khuôn thước đạo đức và tục lệ xã hội đương thời, phải công nhận rằng cái nét trào lộng, phóng túng của người nghệ sĩ bình dân tuy có phần thô lậu đó nhưng quả là độc đáo. Tuy nhiên, nhìn từ một góc độ thẩm mỹ hơn, những người nữ này vì phải đóng những vai trò cười diễu có hậu ý vẫn chưa phải là hình ảnh tiêu biểu cho đàn bà con gái Việt-nam. Phải nhờ đến các họa sĩ tiền chiến, thế hệ được đào tạo ở trường Cao-đẳng Mỹ-thuật Hà-nội, các bà các cô mới xuất hiện đông đảo, hương sắc tưng bừng. Quê có, tỉnh có, chèo đò hái rau có mà nhàn nhã thanh lịch cũng có. Tô Ngọc Vân, Nguyễn Đỗ Cung, Trần Văn Cẩn, Nguyễn Gia Trí, Lương Xuân Nhị, Nguyễn Phan Chánh, Lê Phổ, Vũ Cao Đàm, Nguyễn Tường Lân…là thế hệ sinh vào đầu thế kỷ này, là hàng ngũ tiên phong của giới tạo hình Việt-nam hiện đại. Họ cũng là những người đầu tiên phải đụng đầu với vấn nạn của nền hội họa mới. Họ đi trước mở đường, nhưng họ thiếu trang bị. Hành trang và vũ khí phòng thân của họ quá ít oi. Sau lưng họ không có “quý nhơn” theo phò trợ. Không có những Nguyễn Trải, Nguyễn Bỉnh Khiêm, Nguyễn Gia Thiều… Trước mặt họ không có những Nguyễn Du, Hồ Xuân Hương, Nguyễn Công Trứ… Bây giờ, mấy thập niên sau, quay nhìn lại, chúng ta thấy nổi bật những gì ở những người nữ trong tranh của thời ấy? Mơ hồ! Những thiếu phụ, thiếu nữ không có…trọng lượng. Những cái cớ để thao túng đường nét và bố trí màu sắc, hơn là những thực thể sinh động. Những cô nàng hứng dừa và đánh ghen (hay bị đánh ghen) không chen chân được vào nền hội họa mới lúng túng giữa hội họa kể chuyện (genre painting) của Tàu và Ấn tượng họa của Pháp.

Cách mạng tháng tám 45, văn nghệ kháng chiến, những năm khói lửa, rồi hiệp định Genève 54. Trong suốt thời gian này, thời cuộc và lối sống thay đổi đã nhiều, mà người nữ Việt-nam đổi thay cũng lắm. Trong khi nét bút cực kỳ tình tứ của Trần Văn Cẩn từng vẽ phụ bản cho Thơ Thơ của Xuân Diệu đã chuyển đi từ “lá liễu dài như một nét mi” qua những nữ bộ đội thì ở miền nam vĩ tuyến 17 dường như có một sự cô đọng tạo thành một hình ảnh người nữ Việt chưa hề có từ trước. Có một mẫu số chung giữa các thế hệ sanh đầu thế kỷ như Lê Phổ, Vũ Cao Đàm (đã sang Pháp từ lâu, trước Genève), sanh những năm 20 như Thái Tuấn, đầu thập niên 30 như Duy Thanh, Ngọc Dũng, cuối thập niên 30 đầu thập niên 40 như Nghiêu Đề, Trịnh Cung, Đinh Cường, Nguyễn Trung, Nguyên Khai… Mẫu số đó là người nữ trong họa phẩm của họ. Đến đây có thể bạn đọc đã nhận diện được người nữ này: hình ảnh “người đẹp” Việt-nam rất quen thuộc trong các cuộc triển lãm, trên các bìa sách báo, trong các bức minh họa, phụ bản. “Người đẹp” có dáng dấp mảnh dẻ nhưng sống mạnh, sống dai. Sau 75, nàng vẫn xuất hiện đều đều, không những trong các tác phẩm của các họa sĩ đã thành danh trước ngày tị nạn, vượt biên, di cư mà còn trong nét vẽ của những tay họa sĩ trẻ hôm nay ở nước ngoài như Vũ Thái Hòa, như Cao Bình Minh… Mới đây (1990), tình cờ được thấy hình màu in lại tác phẩm của một Trịnh Công Sơn, nhạc sĩ kiêm họa sĩ, và biết rằng nàng vẫn còn hiện diện tại Sài-gòn sau 15 năm dâu biển.

Dường như hình ảnh người nữ này phát xuất từ một số khuôn mẫu chung: khuôn mặt thon dài, rất dài, có khi đến độ phải nói là dài thoòng; mắt lớn, u huyền, mơ màng, ngơ ngác, lắm khi không có cả con ngươi; chiếc cổ cao, rất cao, cao quá cỡ; cái miệng nhỏ như một nụ hồng, nhỏ xíu. Xuống nữa là đôi vai gầy, xuôi. Xuống nữa là tấm thân mình hạc vóc mai, mỏng manh như chỉ vừa đủ sức để khoác lên chiếc áo dài sương khói…

Với những hình thức và màu sắc đôi chút khác nhau ở mỗi tay cọ, hình ảnh người nữ này xuất hiện đều đều. Từ những năm tiền chiến đến bây giờ một nửa thế kỷ trôi qua, hình ảnh người nữ nổi bật nhất, quen thuộc nhất, và có lẽ được đại đa số quần chúng lưu tâm đến tranh ảnh ưa thích nhất, vẫn là người nữ này. Nàng trẻ mãi không già trong khi ngoài đời, các “em là gái trong song cửa” (2) đã có chắt có chít, các thiếu phụ trẻ sau hiệp định Genève đã thành bà nội bà ngoại, có người chồng chết, chồng ở tù, thân cò lặn lội, dày dạn phong sương, các thiếu nữ lớn lên trong vùng quốc gia đã quen thuộc với áo thun, quần jean… Tất cả đổi thay mà người nữ Việt trong hội họa qua 50 năm vẫn giữ được mãi nét yểu điệu cố hữu. Nếu bạn đọc cho phép dùng một vài chữ nghĩa thời thượng thì người đẹp trong tranh, mặc dù qua bao thay đổi, vẫn ngọc ngà e ấp, vẫn sầu mộng hao gầy, vẫn lãng đãng liêu trai!

Từ các tranh thờ, tượng thờ, gọi là “chân dung” của các hoàng hậu nhà Lê, và các cô gái quê trong tranh mộc bản bình dân, bây giờ chúng ta mới có một hình ảnh tiêu biểu, một thứ prototype, của người nữ Việt. Chúng ta có thể tự hỏi: Bởi vì đâu sau một nửa thế kỷ máu lửa, những cô gái con đẻ của thế hệ Lê Phổ (sinh năm 1906) vẫn còn đây với chúng ta? Chẳng những họ vẫn còn đây, tuồng như họ còn “e ấp” hơn, “hao gầy” hơn, “liêu trai” hơn.

Hiển nhiên, họ vẫn còn đây vì có những họa sĩ tiếp tục đưa họ lên mặt tranh. Hiển nhiên, bởi vì quần chúng ưa chuộng họ. Bởi vì họ “đẹp như mơ”. Họ là những giấc mơ. Mơ về một thế giới khác. Người nam ngắm họ mà quên đi cuộc sống hàng ngày, quên đi cuộc sống dật dờ toan tính, ù lì áo cơm… Người nam ngắm họ mà mộng du vào một cõi u huyền xa vời đó đây lãng đãng những “Bao Tự mặt sầu bi” (3), những “Ly Cơ hình nhịp nhàng” (3). Trong khi đó, người nữ ngoài đời thấy họ đẹp đẽ như vậy mà không thể đành lòng ganh ghét cho được. “Hao gầy” như thế, “liêu trai” như thế, họ không phải là những địch thủ đáng ngại. Những nàng con gái da thịt mơn mởn phì nhiêu như của Renoir mới đáng ngại, những cô vahinés ở Tahiti ngực trần rốn hở nằm ngồi hớ hênh trong nắng trưa nhiệt đới của Gauguin mới đáng ngại. Người nữ ngoài đời hơi sức đâu mà đề phòng những người nữ trong tranh: Xa vắng đến độ tẻ nhạt, thanh cảnh đến độ gầy gò, mộng mơ đến độ “bước đi sẽ dứt, động hờ sẽ tan” (3).

Những người nữ trong tranh này hiện diện trong hội họa Việt-nam từ trước 1945 cho đến bây giờ, quả là những hình ảnh “đẹp như mơ”. Đẹp như mơ, nhưng mơ không đẹp. Mơ như một sự tránh né, lẩn lút, đào tẩu. Mơ để khỏi phải trực diện với thực tại. Mà thực tại thì cớ sao phải tránh né. Nếu bậc hiền giả, dày công tu học, có thể nói “ta bà là niết bàn”, thì người nghệ sĩ cũng có thể cố gắng thấy được rằng thực tại tầm thường xấu xí đó nhưng thực tại cũng đẹp đẽ tuyệt vời. Như “thằng Mô-đi” đã thấy. Một số nghệ sĩ hàng đầu của giới tạo hình Việt-nam hiện đại đã không lãnh hội được bài học đó ở “thằng Mô-đi”. Mặc dù chính hắn là người đã có ảnh hưởng lớn lao và lâu dài nhất trên nghệ thuật vẽ phụ nữ của họ.

 

Mô-đi và hình ảnh người nữ Việt

Tháng tư 1958, Galerie Charpentier, một trong những họa viên có uy tín nhất tại Pháp, mở của đón chào quan khách yêu tranh đến thưởng ngoạn 100 họa phẩm Modigliani. Chưa bao giờ người ta từng thấy một cuộc trưng bày tranh “Modi” đồ sộ, đầy đủ như thế. Chẳng những khách yêu tranh tại thủ đô Paris và Pháp quốc mà đông đảo người mê “Modi” ở ngoại quốc cũng lũ lượt kéo về. Một biến cố văn học nghệ thuật quốc tế. Hôm khai mạc triển lãm, vị khách danh dự là một người đàn bà. Không phải phu nhân Tổng thống, hay phu nhân Thủ tướng. Không phải một nữ sĩ tài danh, một minh tinh thượng thặng của màn ảnh hay sân khấu. Cũng không phải người đẹp của một vị tỷ phú hào hoa yêu tranh. Đó là một người đàn bà xa lạ.

Người đàn bà trạc tứ tuần, nhan sắc tầm thường, có vẻ yếu ốm. Đặc biệt chăng là khuôn mặt gầy, thon dài, đôi mắt đen sâu. Nàng là Jeanne Modigliani, con gái của “Mô-đi” và Jeanne Hébuterne. Khi cha mẹ qua đời, nàng mới lên ba. Trong giờ phút huy hoàng của một đại danh họa quá cố, giới quyền quý và văn học nghệ thuật đến “triều phục” trước những tác phẩm của cha mình. Trong buổi khai mạc đầy đủ các khuôn mặt rực rỡ nhất của “le loup Paris”, Jeanne hiện diện như một nét buồn hiu.

Jeanne không có khuôn mặt của một người đàn bà đài các. Hay óng ả yêu kiều. Hay ngọc ngà diễm lệ. Nét mặt nàng giống mẹ, và gợi nhớ hình ảnh những người nữ trong tranh của cha.

Amedeo Modigliani (đọc là Mô-đi-gia-ni) sinh năm 1884 (bốn năm sau Picasso, một năm trước ngày kinh đô Huế thất thủ) tại Livourne, Ý-đại-lợi. Tuổi thiếu niên, ốm yếu, hay bệnh, học hành thất thường. Bắt đầu vẽ chơi lai rai trong một thời gian dưỡng bệnh. Theo vài lớp vẽ ở trường Mỹ-thuật. Năm 1906, 22 tuổi, giã từ quê hương, phiêu lưu sang Paris, kinh thành ánh sáng thu hút những con thiêu thân đam mê. Ảnh hưởng Gauguin, Lautrec. Lao mình vào cuộc sống nghệ sĩ giang hồ ở Montmartre. Gặp nhà điêu khắc lớn gốc Lỗ-mã-ni, Constantin Brancusi, nghe lời khuyên của đàn anh, theo đuổi điêu khắc, chịu ảnh hưởng điêu khắc Hắc Phi, ảnh hưởng đã cấu tạo nên những khuôn mặt dài thoòng về sau. Năm 30 tuổi, bỏ điêu khắc, quay về với hội họa. Rượu chè ma túy liên miên. Năm 33 tuổi, gặp Jeanne Hébuterne, con gái một gia đình trung lưu, Công giáo. Jeanne bỏ cả, theo “Mô-đi” mặc dù gia đình chống đối dữ dội và từ bỏ. “Mô-đi” bị lao nặng, càng tệ vì rượu và hachisch. Mất ở Paris tháng giêng 1920, chưa đầy 36 tuổi, trong một nhà thương miễn phí dành cho dân bần cùng. Người ta kể lại rằng trên xe cấp cứu chở vào bệnh xá, “Mô-đi” luôn miệng rên la “Italia! Cara Italia!” (Ý-đại-lợi! Ý-đại-lợi thương yêu!). Được tin dữ, Jeanne tức tốc vào nhà xác, ôm hôn thây chồng, rồi về nhà cha mẹ, lên tầng năm, nhảy ra cửa sổ. Jeanne, đứa con gái duy nhất, ba tuổi, một mình ở lại trên đời! (Còn tiếp 1 kỳ)

(Washington D.C. 1991)

(Trần Vũ đánh máy lại tháng 10-2019 từ bản in trên Tạp chí Văn Học số 63 tháng 5-1991, trang 18 đến 32.)

 

Chú thích của Võ Đình:

(1) Đã nhiều năm nay, từ dân gian vẫn được thông dụng, trong nghĩa nghệ thuật dân gian (arts populaires, folk arts). Chúng tôi thiển nghĩ từ bình dân rõ ý hơn.

(2) Lưu Trọng Lư

(3) Xuân Diệu

 

VoDinh-ThanhModi-B2-H2

Tranh Trịnh Công Sơn

 

VoDinh-ThanhModi-B2-H3

Tranh Modigliani

bài đã đăng của Võ Đình