Trang chính » Hội Họa, Nghệ Thuật Email bài này

Hòa nhập cùng Van Gogh

clip_image002_thumb.jpg

 

clip_image002
Hội trường SVN West San Francisco nơi trình chiếu Immersive Van Gogh khi còn trống.
(Ảnh vangoghsf.com)

clip_image004

clip_image006

clip_image008

Hình toàn cảnh của vài cảnh phóng họa tranh Van Gogh trong buổi trình chiếu Immersive Van Gogh
tại phòng hội SVN West San Francisco (formerly The Fillmore West),
10 South Van Ness Ave., San Francisco, ngày 28/04/2021. (Ảnh Trùng Dương)

 

Cuối tháng 4 vừa qua, cùng với cô Út và thằng cháu ngoại 15 tuổi, chúng tôi đi dự cuộc triển lãm – đúng ra là một buổi trình chiếu – tranh phỏng họa được điện tử hóa (digitally reproduced) của danh họa Van Gogh ở San Francisco, như một chào đón dịp gần-hậu đại-dịch luôn thể.

Tên chính thức của chương trình là Immersive Van Gogh (IVG) – tạm dịch là “hoà nhập cùng Van Gogh,” một bộ môn nghệ thuật chỉ mới xuất hiện gần đây nhằm phối hợp hội họa với khoa học và kỹ thuật điện tử. Gọi là trình chiếu, thay vì triển lãm, vì đây là một cuộc trưng bầy khác với một cuộc triển lãm nghệ phẩm thông thường trong đó người xem đứng hay ngồi chiêm ngưỡng các tác phẩm nghệ thuật đã hoàn tất được trưng bầy, một cách thụ động với những cảm nghiệm rất riêng tư.

Nghệ thuật hoà nhập, hay Immersive Art (IA), còn có tham vọng dẫn dắt người xem vào hành trình hình thành một tác phẩm nghệ thuật, từ những lát cọ khởi đầu trên khung vải, như trong trường hợp tác phẩm Van Gogh qua IVG. Mục đích là tạo cho người xem một cơ hội thưởng ngoạn bằng mọi giác quan cũng như đi vào bề dầy của hành trình sáng tạo. Thay vì thưởng ngoạn, nhà thực hiện IA hy vọng người xem trở thành một phần của tác phẩm nghệ thuật.

Quả vậy, người xem IVG dù muốn cũng không thể thụ động, mà không thấy bị lôi cuốn vào trong tác phẩm. Không chỉ một khung hình mà nhiều khung hình nối tiếp xuất hiện trên bốn bức tường bao quanh người xem và cả trên sàn phòng. Cũng không chỉ trước một tác phẩm đã thành hình, mà còn cả hành trình thực hiện tác phẩm đó. Mà hành trình thực hiện một tác phẩm của Van Gogh diễn ra bao gồm cả việc đối phó với các diễn biến của thời tiết và cả côn trùng vo ve có lẽ bị mùi sơn dầu lôi cuốn — do đấy mà khi mới vào buổi trình chiếu, người xem bỗng thấy hình ảnh côn trùng bò khắp phòng quanh mình.

Đấy là chưa kể phần âm thanh vốn tác động có lẽ còn mạnh hơn cả hình ảnh. Có thể nói là trong hơn 35 phút của cuộc trình diễn, mọi giác quan của người xem không ngừng hoạt động. Chẳng thế mà nơi trang nhà của IVG San Francisco, khán giả được cảnh báo trước là cuộc trình chiếu có những lúc ánh sáng chói chang có thể ảnh hưởng tới người nào nhạy ánh sáng, cũng như những ai vốn không chịu được những vầng sáng chuyển động quanh mình.

Tôi đọc biết về cuộc trình diễn IVG này từ giữa năm ngoái trong khung cảnh biệt lập của đại dịch Covid. Buổi trình diễn đầu tiên của loại nghệ thuật hòa nhập này diễn ra ở Paris, song chỉ thu hẹp vào tác phẩm Đêm Sao Sáng/Starry Night do Atelier des Lumière sản xuất, dựa vào công trình sáng tạo của Massimiliano Siccardi, một đạo diễn sân khấu và chuyên viên nghệ thuật điện tử (digitally visual art). Khi công ty Lighthouse Immersive ở Toronto, Canada mời được nhóm Siccardi sang thực hiện một chương trình bao gồm hơn về Van Gogh, thì vừa lúc xẩy ra đại dịch Covid. Thay vì hủy bỏ, Lighthouse quyết định xúc tiến khai mạc với chương trình IVG drive-in. Sau, vào mùa hè năm ngoái, khi được phép Lighthouse mở thêm phòng trình diễn rất Covid ở chỗ người thưởng ngoạn phải mang khẩu trang và được chỉ định vào một trong những vòng tròn vẽ cách nhau 6 feet. Cũng vậy là điều kiện phải theo – mang khẩu trang và cách ly – trong chương trình ở San Francisco.

Chương trình IVG về San Francisco trình chiếu từ giữa tháng 3 và sẽ kéo dài tới ngày 6 tháng 9. Lịch trình lưu diễn của IVG dự trù tại 19 thành phố tại Bắc Mỹ và tại Dubai.

Phối hợp với phần âm nhạc của nhà soạn nhạc Luca Longobardi, IVG cho người xem dịp thưởng ngoạn một số những tác phẩm nổi tiếng của Van Gogh được tái tạo bằng kỹ thuật điện tử, chuyển động trên bốn bức tường và cả trên sàn nhà, gói trọn người xem vào trong cảnh trí của những tác phẩm như “Bữa Ăn Khoai” (The Potato Eaters, 1885), “Đêm Sáng Sao” (Starry Night, 1889), “Hoa Hướng Dương” (Sunflowers, 1888), “Phòng Ngủ” (The Bedroom, 1889), và nhiều nữa. Những lát cọ có khi quằn quại, cuồn cuộn vũ bão, nói lên tâm trạng cô đơn cùng tận trong cuộc phấn đấu với tâm bệnh mà Van Gogh đã trải qua suốt quãng đời ngắn ngủi nhưng vẫn đầy niềm thiết tha với cuộc đời sinh động đầy mầu sắc của hoạ sĩ. Tranh Van Gogh, tự chúng đã sinh động, nay như được thêm sức bởi kỹ thuật hoạt họa điện tử, nên càng trở nên sống động hơn.

Tưởng tượng trong vỏn vẹn 35 phút ngần ấy hình ảnh (trên 60 ngàn khung hình thực hiện từ 400 bức ảnh) phối hợp với ánh sáng, âm thanh, với cả một lần tiếng hát Edith Piaff qua bản “Non, je ne regrette rien” trỗi lên tràn ngập phòng – Không, ta không tiếc gì hết… kể cả những gì ngươi đã gây ra cho ta, tốt cũng như xấu… Đau đớn gì thì cũng vậy thôi… Muộn phiền, lạc thú, ta không còn cần đến chúng nữa… Nợ nần đã trả xong, đã quét sạch, đã cho vào quên lãng… Quét sạch đi những cuộc tình… quét sạch vĩnh viễn… Ta sẽ làm lại từ đầu…

Sau đây là một số hình ảnh chụp tại nơi trình chiếu IVG ở San Francisco:

 

clip_image010 clip_image012 clip_image014

clip_image016 clip_image018

clip_image020 clip_image022

clip_image024 clip_image026

clip_image028 clip_image030
Ảnh Trùng Dương

 

Chúng tôi rời phòng trình diễn để nhường chỗ cho lứa khán giả tới vào xem.

Con gái hỏi: “Mẹ thấy sao?”

“Choáng ngợp!” tôi đáp.

Không choáng ngợp sao được khi trong vòng nửa tiếng tôi thấy mình bị bao quanh bởi “500 ngàn cubic feet hình chiếu, 90 triệu pixels, 60 ngàn khung hình rút ra từ 400 hình ảnh, 40 máy chiếu, 30 máy phóng thanh, 510 feet kèo trần nhà và 8 miles dây điện,” theo trang nhà IVG San Francisco.

Chưa kể, vì muốn lưu giữ kỷ niệm nên vừa xem, tôi vừa chụp/thu hình, vừa ghép nhặt so sánh trong đầu những hình ảnh vần quấn xung quanh với ký ức về các tác phẩm của người họa sĩ đã tạo ảnh hưởng sâu sắc nơi tôi ở tuổi mới lớn. Tất nhiên các nhà thực hiện IVG phỏng họa, thêm thắt ít nhiều, song vô cùng sống động, góp phần tô đậm thêm bản sắc của tranh Van Gogh. Họ quả đang làm mới kinh nghiệm thưởng ngoạn các danh tác nghệ thuật qua kỹ thuật điện tử.

Thằng cháu ngoại, thuộc thế hệ điện tử, nhìn màn trình diễn IVG một cách bình dị hơn bà ngoại vốn dĩ cồng kềnh những hành trang dĩ vãng.

“Cháu thích cách các máy chiếu dọi lên tường và sàn nhà những tác phẩm nghệ thuật đầy sinh khí,” cháu nói. “Cháu có thể nói là chương trình rất hùng vĩ và, trên một khía cạnh nào đó, thư dãn nữa.”

Thằng cháu chưa hề biết Van Gogh là ai – quá xưa với thế hệ nó. Nhưng chắc chắn nó không thể quên hơn nửa tiếng đắm chìm trong những bức họa chuyển động như quấn quýt quanh người xem.

Tiếc là một trong nhưng bức tôi thích nhất, “Ruộng Lúa Mì Và Bầy Quạ” (Wheatfield with Crows, 1890), mà nguyên tác hiện được trưng bầy tại Viện Bảo tàng Van Gogh ở Amsterdam, Netherland, đã chỉ được chiếu thoáng qua. Ban sản xuất cho biết không muốn, trong bối cảnh đại dịch Covid, gợi nhớ tới sự kiện nhà danh họa đã, theo huyền thoại, tự sát vì bệnh trầm cảm sau khi hoàn tất bức này.

[TD2021/04]

 

Các links trong bài:

Immersive Van Gogh San Francisco
https://www.vangoghsf.com/

How Did This Grasshopper End Up Trapped in a Vincent van Gogh Painting?
https://www.smithsonianmag.com/smart-news/how-did-grasshopper-end-trapped-van-gogh-painting-180977227/

Atelier des Lumières – Starry Night
https://www.youtube.com/watch?v=BbgrHnbgoDU

IVG Creative Team & Producers
https://www.vangoghsf.com/creative-team/

Lighthouse Immersive
https://www.facebook.com/LighthouseImmersive/

The world’s first drive-in art exhibit is coming to Toronto | Your Morning
https://www.youtube.com/watch?v=fRSrvMbEIGQ

Chương trình IVG – Lịch trình lưu diễn
https://www.immersivevangogh.com/

Edith Piaf, “Non, je ne regrette rien”
https://www.cnet.com/videos/immersive-van-gogh-puts-you-inside-the-artists-paintings/

Wheatfield with Crows
https://www.vangoghmuseum.nl/en/collection/s0149V1962

Inside Immersive Van Gogh
https://www.ludwig-van.com/toronto/2020/08/31/feature-inside-immersive-van-gogh/

bài đã đăng của Trùng Dương

Phần Góp Ý/Bình Luận


Xin vui lòng bày tỏ trách nhiệm và sự tương kính trong việc sử dụng ngôn ngữ khi đóng góp ý kiến. Da Màu dành quyền từ chối những ý kiến cực đoan, thiếu tôn trọng bạn đọc hoặc không sử dụng email thật. Chúng tôi sẽ liên lạc trực tiếp với tác giả nếu ý kiến cần được biên tập.

Lưu ý: Xin vui lòng bỏ dấu tiếng Việt để giúp tránh những hiểu lầm đáng tiếc từ độc giả trong việc diễn dịch ý kiến đóng góp. Bài không bỏ dấu sẽ không được hiển thị. Xin chân thành cám ơn.

@2006-2023 damau.org ♦ Tạp Chí Văn Chương Da Màu
Log in | Entries (RSS) | Comments (RSS)