Trang chính » Biên Khảo, Nghiên Cứu, Nhận Định, Phê Bình, Tư Liệu, Tự Lực Văn Đoàn- Phong Hóa- Ngày Nay Email bài này

Tự Lực Văn Đoàn Văn học và cách mạng (24)

0 bình luận ♦ 29.04.2021
clip_image004.jpg

Khái Hưng xây dựng tiểu thuyết hiện đại trên Phong Hóa

Về tiểu thuyết, trước Hồn bướm mơ tiên, ngoài Bắc có Tố Tâm của Hoàng Ngọc Phách và trong Nam, năm 1932 đã có 18 tác phẩm của Hồ Biểu Chánh. Nhưng tiểu thuyết Hồ Biểu Chánh hầu như không có ảnh hưởng ra Bắc, vì người Bắc không thích đọc tiếng Nam, lấy cớ không hiểu, hoặc chê “thô thiển không phải văn chương” và thứ hai, Hồ Biểu Chánh chuyên viết lối hiện thực xã hội trong suốt hành trình dài hơn nửa thế kỷ tiểu thuyết của ông.

Tự Lực Văn Đoàn khai trương tiểu thuyết trên Phong Hóa, sau đó, một số tác giả khác cũng viết tiểu thuyết như Nguyễn Công Hoan với Cô giáo Minh (1936), Tắt lửa lòng (1936), Vũ Trọng Phụng, Giông tố (1937), Ngô Tất Tố, Tắt đèn (1939), tuy giá trị khác nhau nhưng đều nằm trong lối hiện thực xã hội tả chân.

Tiểu thuyết Tự Lực Văn Đoàn khác biệt ở chỗ: ngoài ý nghiã xã hội, còn có văn chương tư tưởng, tức là tiểu thuyết trong nghiã toàn diện của nó. Chính hệ thống tiểu thuyết văn chương tư tưởng với những đề tài khác biệt, chủ yếu của Khái Hưng, đã ảnh hưởng sâu xa đến cách viết của những người đi sau, như Nguyễn Tuân, Mai Thảo trong cách xây dựng mỹ học tiếng Việt, Dương Nghiễm Mậu trong hiện thực hiện sinh, Đinh Hùng Hoài Điệp Thứ Lang trong tiểu thuyết lịch sử…

Dưới đây là danh sách truyện dài của Khái Hưng Nhất Linh trên báo Phong Hóa trong hơn ba năm xuất hiện, từ 1933 đến 1936:

Hồn bướm mơ tiên, của Khái Hưng, từ PH số 20 (4-11-32), đến PH số 29 (6-1-33).

Thế giới cũ mực tầu giấy bản, của Nhị Linh (Khái Hưng) từ số 24 (2-12-32) đến 35(24-2-33).

Bông cúc vàng của Khái Hưng, từ số 30 (13-1-33) đến số 35 (24-2-33).

Nửa chừng xuân của Khái Hưng, từ số 36 (1-3-33) đến số 63 (8-9-33).

Gánh hàng hoa của Khái Hưng và Bảo Sơn (Nhất Linh) từ số 66 (29-9-33) đến số 88 (9-3-33).

Đời mưa gió của Khái Hưng và Nhất Linh, từ số 89 (16-3-34) đến số 112 (24-8-34).

Số đào hoa của Khái Hưng, từ số 110 (10-8-34) đến số 119 (12-10-34).

Đoạn tuyệt của Nhất Linh, từ số 124, 16-11-34, đến số 149 (17-5-35).

Tiêu Sơn Tráng Sĩ của Khái Hưng từ số 129 (21-12-34) đến số 184 (24-4-36).

Trống mái, của Khái Hưng, từ số 152 (6-9-35) đến số 173 (7-2-36).

Đi Tây, của Nhất Linh, từ số PH số151 (31-8-35) đến PH số 181 (3-4-36).

Địa vị của Khái Hưng

Là người anh cả trong Văn Đoàn Tự Lực, Khái Hưng sinh năm 1896, Tú Mỡ, 1900, Nhất Linh 1906, Hoàng Đạo, 1907, Thế Lữ, 1907, Thạch Lam, 1910 và Nguyễn Gia Trí, khoảng 1910.

Khái Hưng bao giàn cả tờ báo: Ngoài việc viết tiểu thuyết đăng hàng tuần, ông còn viết truyện ngắn, phụ trách các mục thường thức như Văn học, Phụ nữ, Những hạt đậu dọn (nhặt sạn văn chương, ký Nhát Dao Cạo, Hàn Đãi Đậu), viết xã luận, kịch, truyện vui, tiểu luận, làm thơ trào phúng, dịch thơ chữ Hán, chữ Pháp, làm câu đối, điểm báo, điểm sách, đôi khi vẽ tranh châm biếm… Tóm lại, việc gì ông cũng làm được.

Khái Hưng và Nhất Linh là hai cột trụ của Tự Lực Văn Đoàn, trên hai cương vị khác nhau.

Huy Cận, xuất hiện trên Ngày Nay số Xuân 96 (30-1-38) với bài thơ Chiều xưa, lúc đó Phong Hóa bị đình bản được một năm rưỡi, đã nhận định khá đúng tình hình:

Trong Tự Lực Văn Đoàn, Nhất Linh là người chỉ đạo, nhưng Khái Hưng là lực lượng có thể nói là nền móng. Sức sáng tác dồi dào của anh, sự hoan nghênh của công chúng lúc bấy giờ đối với những tác phẩm của anh là chỗ dựa chính cho sự tồn tại của báo Ngày Nay và của nhà xuất bản Đời Nay (Huy Cận, Hồi ký song đôi).

Khảo sát tiểu thuyết trên Phong Hóa và Ngày Nay, ta mới thấy Khái Hưng ngự trị bằng tác phẩm không chỉ trên Phong Hóa mà cả văn đàn miền Bắc, từ năm 1933 với Hồn bướm mơ tiênNửa chừng xuân. Liền sau đó là Gánh hàng hoa Đời mưa gió, viết chung với Nhất Linh, tiếp đến Trống máiTiêu Sơn tráng sĩ, đều là những tác phẩm giá trị.

Nguyễn Hiến Lê nhớ lại: “Tôi nhớ những năm đó các bạn nội trú của tôi ở trường Công chính chuyền tay nhau đọc say mê những chuyện Nửa chừng xuân, Hồn bướm mơ tiên… trong tờ Phong Hóa.”[1]

Nhạc sĩ Nguyễn Hiền, ghi lại: “Thanh niên và thiếu nữ theo tân học say mê đọc “Hồn bướm mơ tiên,” tiểu thuyết đầu tay của Khái Hưng như cơn gió mát đi vào tâm hồn tuổi trẻ đang tìm hiểu về tình yêu lãng mạn”[2]

Nhưng có lẽ ta nên đọc thêm vài câu nữa của các nhà văn, nhà phê bình thời đó, để hiểu xem Khái Hưng đã được đón nhận như thế nào.

Trần Thanh Mại, nhà phê bình, viết về Hồn bướm mơ tiên: “Quyển thứ nhất của Tự Lực Văn Đoàn, thứ nhất của ông Trần Khái Hưng, Hồn bướm mơ tiên, có lẽ là quyển thứ nhất trong văn nghệ nước ta đáng để lại cho hậu thế”[3]

Nguyễn Triệu Luật, nhà văn chuyên viết truyện lịch sử:

Văn ông hơn người ở chỗ bình dị, trôi chảy, không dùng khóe văn vụn vặt, không khoe chữ như các ông văn sĩ khác. Văn ông như cô con gái có duyên thầm, không cười mà người ta trông thấy vẻ tươi, không khóc mà người ta đoán được vẻ buồn kín đáo và lặng lẽ. Các vai chuyện của ông -nhất là các vai chính- thảy đều có một cái nhân cách thanh cao tao nhã. Các thiên tiểu thuyết của ông thảy đều có vẻ cao siêu khác thường.
Kẻ viết mấy giòng này đã nhiều lần phải nghiêng mình kính chào ông một nhà văn mới khởi sắc trên văn đàn” (Phụ nữ thời đàm số 23, ngày 14-5-34).

Union Indochine viết:

Còn có gì lạt lẽo bằng truyện một cậu tham trẻ, con nhà “đại gia” yêu một cô gái quê nhu mì, con một nhà nho nghèo chết sớm, và chị một cậu học sinh đau ngực. Thế mà nghệ thuật của Khái Hưng đã khéo dàn xếp được câu truyện rất tầm thường ấy và đã khiến thoi chì của cuộc đời thường nhật trở nên vàng trong một thiên tiểu thuyết kiệt tác….

Những nhận xét trên đây, có còn đứng vững tới hôm nay hay không? Ta cần đọc và phân tích lại những tác phẩm chính đã kê khai trên đây, qua lăng kính phê bình thời nay.

Hồn bướm mơ tiên

Hồn bướm mơ tiên đăng trên Phong hóa từ số 20 (4-11-32) đến số 29 (6-1- 33).

Nguyễn Tường Bách ghi nhớ kỷ niệm một ngày đi chơi chùa Bắc Ninh:

Rời chùa Phật Tích, theo con đường nhỏ, chúng tôi rẽ sang chùa Bách Môn gần đồi Lim… Cũng nằm trên sườn đồi, có đường rộng dẫn vào, chùa Bách Môn kém bề cổ kính; có nhiều cửa to nhỏ ra vào, nhưng đếm đi đếm lại cũng không đủ một trăm.
Song, ngôi chùa này đã được Khái Hưng để ý và chọn làm nơi chàng trai trẻ Ngọc đã gặp chú tiểu Lan trong mối tình của cuốn tiểu thuyết đầu tay.
Liên tưởng đến truyện ngày xưa, Lê Thánh Tôn đã gặp một nàng tiên tại một ngôi chùa nào đó. Câu thơ được truyền tụng tới nay:
“Gió thông đưa kệ tan niềm tục,
Hồn bướm mơ tiên lẩn sự đời”[4]

Chùa Bách Môn[5], trên núi Khán Sơn, xã Việt Đoàn, huyện Tiên Du, tỉnh Bắc Ninh, là một trong 10 chùa lớn được Trần Trọng Kim ghi lại trong Phật Lục[6] có lối kiến trúc đặc biệt, dựng khoảng 1136-1137. Thời Trịnh Sâm, được bà Chúa Chè (Tuyên phi Đặng Thị Huệ) chọn làm nơi ăn chay niệm Phật, sau khi bị thất sủng; nên chùa được xây dựng hoành tráng, trăm cửa. Chùa Bách Môn bị tiêu diệt năm 1949, vì tiêu thổ kháng chiến. Năm 1992 dựng chùa mới.

clip_image002

Chùa Bách Môn xưa, ảnh Võ An Ninh, Khuất Tân Hưng sưu tầm

Khái Hưng trong Nửa chừng xuân còn dẫn Mai, Lộc và Huy trở lại picnic ở chùa, lần này ông ghi cảnh chùa kỹ hơn:

Về phiá hữu sườn đồi choai choải giốc xuống một cái thung lũng hẹp, có cái lạch nhỏ chia đôi hai thửa ruộng chạy dài. Về phía tả đi ngược lên ngọn đồi, các vườn giải thành bậc ruộng, đất vàng. Trong vườn mọc um tùm mà không thành luống, thành hàng, biết bao là các thứ cây: nào mít, nào đào, nào bưởi, nào cam. Thỉnh thoảng trong đám lá xanh lại nhô ra vài cái mái nhà lợp lá gồi màu nâu thẫm. Bức tường đất ngăn những nương vườn cao ấy với đường đi thì hình như chỉ có để làm vì, hoặc để trang điểm cái cảnh thôn giã ấy cho tôn thêm vẻ đẹp mà thôi. Vì không những tường đã thấp, mà nhiều chỗ lại bỏ hổng như để mời khách qua đường bước lên chơi”. Đến gần: “Chùa làm kiểu chữ khẩu, bốn mặt như nhau, bốn góc có bốn gác chuông, cách kiến trúc rất giản dị mà rất kiên cố.” (PH số 45)

Năm 1936, Nguyễn Gia Trí vẽ chùa trên bìa báo Ngày Nay số 26 (20-9-36), có lẽ cũng đúng ở vị trí mà Khái Hưng đứng ngắm chùa trong Nửa chừng xuân. Chùa nay đã hóa thành thiên cổ, nhưng may mắn chúng ta còn giữ lại hồn cốt nghệ thuật và văn chương dưới tên Long Giáng trong Hồn bướm mơ tiên.

clip_image004

Chùa Bách Môn dưới mắt Nguyễn Gia Trí, Ngày Nay số 26 (20-9-36)

Hồn bướm mơ tiên không chỉ là tiểu thuyết đầu tiên của Tự Lực Văn Đoàn, mà còn là câu chuyện đầu tiên của nhiều thứ khác:

– Với tên Hồn bướm mơ tiên, Khái Hưng bước vào tiểu thuyết bằng ngả cao sang nhất: ngả thơ. Thơ cổ. Ông đã đụng tới hồn Việt lâu đời, ông đã thắp nén hương dâng người xưa, những người đã từng bước, từng bước, xây dựng nền văn hóa Việt.

Hồn bướm mơ tiên đã quét sạch lối văn biền ngẩu cổ điển để đưa tiểu thuyết vào thời hiện đại.

Hồn bướm mơ tiên là tác phẩm tiểu thuyết đầu tiên không có cốt truyện, không tình tiết éo le, mà chỉ là cuộc đối thoại dài giữa hai người: Lan và Ngọc, một cấu trúc rất mô-đéc, sau này mới có.

Hồn bướm mơ tiên đưa văn hóa Bắc Ninh vào tiểu thuyết: âm giai quan họ thấm vào mỗi chữ, mỗi câu, tung lên không gian, tạo nên một “không khí ca dao quan họ” trong gió mây, đồng ruộng.

Hồn bướm mơ tiên đưa nghệ thuật trình diễn vào tiểu thuyết: dáng dấp đào Mơ, thị Màu, thị Kính… như ẩn như hiện dưới sân chùa.

– Khái Hưng đưa lịch sử vào tiểu thuyết: Long Giáng là dấu ấn thiêng liêng của Thăng Long trên nền đất Phật. Văn Khôi công chúa, trốn cuộc hôn nhân định đặt, đến quy y, đặt chùa lên ngôi vương giả.

-Chú Lan, hậu thân công chúa, hiện lên trong không gian cao khiết, quyến rũ lạ thường: “Trong làn không khí yên tĩnh, tiếng chuông thong thả ngân nga, như đem mùi thiền làm tăng vẻ đẹp cảnh thiên nhiên. Lá cây rung động, ngọn khói thướt tha, bông lúa sột soạt như cảm tiếng gọi của Mâu Ni muốn theo về nơi hư không tịch mịch” (NN số 20).

Một thi pháp mới vừa xuất hiện, giao hòa cỏ cây, tiếng chuông, mùi thiền, hồn Văn Khôi, dáng Thị Màu, trong bối cảnh tình yêu nơi cửa Phật, tạo ra một thứ chữ tẩm văn hóa lịch sử trong mỗi câu, mà tôi xin gọi là mỹ học thiền vị.

Hồn bướm mơ tiên có tính chất bí mật của trinh thám, thứ trinh thám biết trước thủ phạm của Colombo: Gặp Lan, Ngọc đã nghi ngay: “Sao ở vùng nhà quê mà lại có người đẹp trai đến thế nước da trắng mát, tiếng nói dịu dàng, trong trẻo như tiếng con gái” và chàng cũng tán ngay: “Hay tôi xin phép cụ ở lại chùa tu với chú nhé?” Sự nghi ngờ mỗi phút mỗi tăng: “Phải, nếu hắn là gái thì hắn cần gì phải làm thế để che giấu ta chứ… Đích rồi, chính hắn là gái.” Ngọc dùng mọi mưu kế để lật tẩy Lan, nhưng luôn luôn bị Lan lật lại, nên cuộc chiến gần như bất phân thắng bại. Mỗi lần thua, càng gieo thêm vào lòng Ngọc sự ham muốn: hắn là trai hay gái? Nghệ thuật pha trộn tu-tục tuyệt vời chính chỗ này: sự tìm kiếm trinh thám Colombo, khiến Ngọc mãi mãi là thanh niên và Hồn bướm mơ tiên không thể nào già, vì những gì Ngọc-Lan sống trong cảnh chùa, trong ngôn ngữ và hành động, chính là hiện hữu, hiện hữu trẻ trung đầy sáng tạo, rất thật; khiến người đọc mỗi lần đọc lại tác phẩm lại khám phá một thứ gì mới trong cái hài hước, cái oái oăm, hóm hỉnh, mà lần trước mình chưa thấy.

Mục đích của Ngọc là khám phá Lan là gái. Nhưng khi đến đích rồi, thì tất cả xoay chiều, từ hài hước chuyển sang bi đát, chia ly.

Có người cho rằng Việt Nam không có tác phẩm “lớn”. Đúng. Hồn bướm mơ tiên phải là bé, bé lắm vì là cuốn sách mỏng dính. Nhưng văn chương không thể lấy bề dày mà đo được. Hồn bướm mơ tiên tuy bé nhưng bé hạt tiêu, chỉ với một mớ chữ nhỏ đủ gói trọn tâm hồn và lịch sử văn hóa một dân tộc: mộc mạc như cuộc sống nâu sồng của chú Lan, cao sang như công chúa Văn Khôi, đến Thị Kính, Thị Màu, những người phụ nữ không tuổi, trọ dưới mái chùa Long Giáng, hiện lên với chúng ta, qua một thoáng chữ.

Có người lại nói: bây giờ đọc lại Tự Lực Văn Đoàn thấy lỗi thời. Tôi không chắc họ có thì giờ “đọc lại” nên đã nhờ sự chỉ giáo của thành kiến, bởi chữ Việt của Khái Hưng, nhất là trong Hồn bướm mơ tiên, lại viết theo lối truyện không có chuyện, rất mới, bằng lối văn đơn sơ tối đa mà Trang Tử từng nhắc tới trong Nam Hoa Kinh như một điều kiện văn chương toàn bích, cho nên, nếu ai có thì giờ đọc lại hay đọc lại, vẫn thấy sống động, trẻ trung, không lỗi thời, phủ bụi, sau 90 năm xuất hiện.

Thế giới cũ mực tầu giấy bản của Nhị Linh (Khái Hưng) đăng trên Phong Hóa từ số 24 (2-12-32) đến số 35 (24-2-33)[7], chỉ là tác phẩm thứ yếu của Khái Hưng, một tự truyện về bảy, tám năm học chữ Nho. Cách viết nhẹ nhàng, có duyên, thuật lại cảnh một cậu bé (Nhị) Linh sáu tuổi được cha mẹ mời thày đồ về dạy chữ Nho, câu đầu tiên thày bảo: “Nhồi tư tưởng thánh hiền vào bộ óc dốt nát cũng ví như cất nóc cho nhà”. Từ đó ngày ngày cậu được thày nhồi “tư tưởng thánh hiền” cật lực:

Học đi! Thiên là giời! Tôi sợ cuống quýt, không nhìn vào sách mà chỉ chú ý tới cây roi mây, cất giọng nhè nhè đọc đi đọc lại đến mấy chục lần: A… thiên là giời, thiên là giời a… a… Thày lại quát: -Trỏ tay vào mặt chữ chứ. Tích là cho…Tôi vội vàng theo đầu ngọn roi trỏ vào chữ thứ hai: Tích là cho, tích là cho… Khi tôi học hết chữ thứ tám thày bắt tôi học lại hai câu bốn chữ: Thiên tích thông minh: giời cho thông sáng. Thánh phù công dụng: Thánh giúp công dùng. Tôi đã toan hỏi thày công dùng là gì, nhưng trông thấy ngọn roi mây mấp máy lại thôi. May sao như thày đọc thấu ý nghĩ của tôi, khoan thai giảng nghĩa rằng:
– Giời cho thông sáng, thánh giúp công dùng nghiã là mày mới vỡ lòng thì ông giời cho mày sự thông sáng và ông thánh giúp mày sự công dùng để mày có thể hiểu được đạo thánh hiền.
Tôi cũng không hiểu nhưng vẫn không dám hỏi… Rồi suốt bảy tám năm giời, cứ như thế, thày tôi, cái roi và tôi, tuy không ai hiểu ai mà luôn luôn vẫn phải hiểu nhau. (NN số 27)

Trong ba năm đầu, cậu bé đã học thuộc lòng: quyển Hán, quyển Huệ (bộ Bắc sử) và toàn bộ tứ thư: Đại học, Trung dung, Luận ngữ, Mạnh tử: “tôi chỉ học như con vẹt, tuy học thuộc lầu lầu, nhưng chẳng hiểu là trong sách thánh hiền dạy gì? Lời thày giảng nghiã thì lại y như lời thánh hiền khiến tôi càng mờ mịt. (NN số 28).

Điều tra sự thật, ta thấy sau đây là những nguyên do chính đưa đến sự “phản kháng” của trò Linh sau này:

Chính vì bị nhồi nhét tư tưởng thánh hiền như nhồi dồi, nên cậu bé Linh sau này đâm ớn thánh hiền. Lại còn chuyện ông thày luôn luôn nhắc đến việc “tam thê xuất thế” của đức Khổng mà “thày lại không bao giờ giảng cho nghe vì cái lẽ gì mà các bà vợ khốn nạn kia đã bị đuổi. Tôi lạ một điều nữa là thày đồ tôi học rộng đạo thánh hiền, thế mà rất vô ơn đối với phụ nữ, thực ra công giúp thày ra khỏi vòng nguy nan là ở hai người đàn bà. Một người là bà đồ [tần tảo buôn bán nuôi con] và một người nữa là mẹ tôi, vì chính mẹ tôi đã giục cha tôi đi rước thầy về dạy cho anh tôi.” (NN số 26).

Tôi chắc những chuyện lặt vặt ấy đã là mầm mống của cuộc “cách mệnh” đánh đổ nho học và bênh vực phụ nữ của cậu Linh sau này.

Nửa chừng xuân ra đời trở thành best-seller ngay, tiền bán sách được dùng gây quỹ cho giải thưởng văn chương Tự Lực Văn Đoàn và tiền diễn kịch Nửa chừng xuân giúp học sinh nghèo[8].

Khái Hưng xây dựng Mai, và Nhất Linh xây dựng Dũng, hai nhân vật tiêu biểu cho một thời đại, không ngừng ở trong tâm người đọc, dù ở thế hệ nào. Mai đã được Lê Thị Lựu đưa vào bức tranh bất hủ của bà, sáng tác tại Pháp, thập niên 60, mà chúng tôi đã mạn phép đặt tên là Nửa chừng xuân.

Nửa chừng xuân ba chữ của Nguyễn Du, rút trong câu thơ Nửa chừng xuân thoắt gẫy cành thiên hương, bắt đầu một định mệnh: Định mệnh Mai, người con gái thấm nhuần đạo đức Khổng Mạnh, trong buổi giao thời.

Nửa chừng xuân là truyện một cô con gái nhà nghèo quyết định nuôi em ăn học để nên người hữu ích cho xã hội, như lời cha dặn. Mai không là gái tân thời biết chữ Tây. Mai chỉ biết chữ Hán và chữ quốc ngữ. Quyết định tự lập ở Mai, là do tiết khí nho phong, chứ không do ảnh hưởng chủ nghĩa cá nhân Tây phương và những quyết định của Mai sau đó, cũng do ảnh hưởng nho giáo.

Ở bước đường cùng, Mai được Lộc giúp đỡ. Đối với Mai đó là cái ơn phải trả. Và khi Lộc hỏi cưới, Mai nhận lời ngay, vì yêu Lộc và nhất là để trả ơn ân nhân như trong các truyện cổ. Khi biết Lộc đưa người mẹ giả đến hỏi mình, dù biết, Mai vẫn nhận lời. Quyết định lấy Lộc với bất cứ giá nào, chỉ có một lý do chính đáng: trung thành giữ lời hứa và đền ơn. Sau này, khi đã bị bà Án đuổi đi, Mai vẫn trung thành với Lộc, thủ tiết với chồng. Đó là những nền móng của đạo Nho.

Bà Án biết Lộc lén lút lấy Mai, bèn dùng quỷ kế chia rẽ hai vợ chồng. Màn đấu trí đầu tiên xẩy ra: Mai phải cúi đầu van xin bà tha thứ và chấp nhận nàng, bà Án ra lệnh: nếu chịu về làm vợ bé Lộc thì được. Mai trả lời dứt khoát: “Bẩm bà lớn nhà con không có mả đi lấy lẽ“. Lời cứng đầu tiên, trước khi đại bại. Phải bỏ đi.

Bà Án không phải là người hoàn toàn xấu, bà là người mê muội, vì yêu con thái quá, tìm đủ mọi lỗ hổng trong đạo nho mà bà có thể xài làm vũ khí tấn công kẻ dám “làm hại” đời con bà.

Năm năm sau, qua nhiều thăng trầm, bà Án một lần nữa lại tìm đến Mai, trong thất thế, đánh trận chót: cướp lại đứa cháu trai, vì vợ Lộc hữu sinh vô dưỡng: hai lần sinh con trai đều chết cả. Cuộc đấu trí thứ nhì xẩy ra. Bà định chính danh một bà Án, đòi lại cháu đích tôn. Không được, vì con Mai mang họ mẹ, có dính gì đến bà đâu. Bà bèn dí tiền. Hạ sách. Lần này, ở thế thượng phong, Mai đã cho bà Án hiểu thế nào là sự ê chề tuyệt vọng của một con người.

Hai màn đấu trí và màn tả bé Ái chơi ô tô là, là ba màn chính trong truyện, cho thấy nghệ thuật đối thoại và miêu tả của Khái Hung đã đạt đỉnh cao: Khái Hưng tả ai cũng được, nhưng khi ông tả bé Ái năm tuổi, chơi ô tô trong vườn, thì thực là tuyệt bút: sự ngây thơ thông minh, hóm hỉnh của bé Ái, việc nó đẩy bà Án ra và giơ tay quệt má sau khi bà ôm hôn nó, càng làm bà thèm nhỏ rãi đứa cháu đích tôn mà bà đã đầy đọa, xóa sổ từ khi còn trong bụng mẹ. Chỉ cần một màn này cũng đủ thấy nghệ thuật tả chân của Khái Hưng điêu luyện đến mức nào.

Ở đây không có sự tranh chấp cũ mới, mà là sự đối đầu giữa hai người đàn bà cùng thế hệ cũ: là cuộc giao tranh giữa lòng nhân hậu bác ái và lòng ích kỷ độc ác, là chuyện ác giả ác báo trong đạo Phật.

Trong Nửa chừng xuân, là một Khái Hưng trung dung, chưa quyết định con đường tranh đấu cho cuộc sống mới, ông chỉ đưa ra bộ mặt toàn diện xã hội với bức chân dung Mai nổi trội của người phụ nữ buổi giao thời, độ lượng, hy sinh, thấm nhuần những cái hay của nho học, tìm cách sống tự lập, đưa gia đình qua khỏi nghịch cảnh. Mai sẽ trở thành biểu tượng của người phụ nữ thời Tự Lực Văn Đoàn.

Gánh hàng hoa in trên Phong Hóa từ số 66 (29-9-33) đến số 88 (9-3-33), Khái Hưng viết chung với Bảo Sơn (Nhất Linh), tác phẩm tiếp tục con đường Nửa chừng xuân, trong bối cảnh thơ mộng của một làng trồng hoa. Vợ chồng Minh Liên đang sống trong hạnh phúc: vợ làm nghề bán hoa nuôi chồng đi học. Ngày Minh thi đỗ, ăn khao với các bạn, uống rượu say, ra về bị ngã dập trán, vết thương động đến mắt. Minh mù. Tác phẩm chiếu vào hoàn cảnh một người đang sáng trở thành mù, hiệu ứng như thế nào? Một đề tài mới lạ, và cũng là tác phẩm đầu tiên Khái Hưng Nhất Linh đưa nội tâm và tiểu thuyết, tìm đến những nhận xét tinh vi về sự biến đổi tâm hồn khi đôi mắt không còn sáng.

Trong Gánh hàng hoa, tính hy sinh nhẫn nại, lòng đại lượng bao dung của Liên tự nhiên như ăn và thở, Khái Hưng Nhất Linh đưa Liên, như cô em gái Mai vào tiểu thuyết, khiến bất cứ ai có người chị hiền cũng có thể thấy ở Liên hình ảnh chị mình: suốt đời hy sinh cho gia đình. Liên không được học nhiều, những thứ triết lý Liên nói ra khuyên chồng đều là triết học thực nghiệm, thứ triết học bình dân nằm trong suy tư, trong tục ngữ. Một hôm, Minh đang ngồi một mình, bỗng

Thoáng ngửi thấy hương thơm sực nức, Minh mơ màng như đương sống trong cảnh mộng. Chàng chớp mau cặp mắt, đăm đăm ngẫm nghĩ.

Không chàng không mơ mộng. Cái mùi thơm vẫn như ở bên chàng, mà chàng lại có thể tách bạch ra được rằng trong đó có hoa móng rồng, hoa hoàng lan, hoa mộc, hoa sói và hoa ngâu. Chàng mỉm cười vì chàng chợt nhớ đến lời nói của Liên mấy tháng trước: là khi mắt ta không trông thấy thì thính quan của ta càng tăng lên. Trong lòng ngờ vực, Minh đưa tay ra sua ở trước mặt, thì đụng phải tay Liên. Chàng giật mình hỏi:

– Cái gì thế?

Tiếng cười khanh khách của Liên đáp lại:

Em tặng mình bó hoa.

Cử chỉ, hành động của Liên thường âm thầm, tế nhị, như thế. Khái Hưng Nhất Linh đã tạo ra một nhân vật cực kỳ mẫn cảm để chống chọi với những khổ đau ác độc của cuộc đời: người chồng vừa thi đỗ, đầy tương lai, tự nhiên bị mù, co cụm trong mặc cảm với những cơn giận giữ cay nghiệt, ghen tuông vô lý, tưởng tượng ra những cảnh ái ân tội lỗi giữa vợ và người bạn thân nhất hết sức giúp mình, rồi khi sáng mắt trở lại, để trả thù đời, lao như điên vào cuộc sống trác táng trụy lạc. Minh là nhân vật đầu tiên của Khái Hưng Nhất Linh có một đời sống nội tâm phức tạp. Sau này hai ông sẽ dựng nên những nhân vật khác, như An trong Gia đình (Khái Hưng), Nhung trong Lạnh lùng (Nhất Linh), Dũng trong Đôi bạn (Nhất Linh), Hạnh của Khái Hưng, Trương trong Bướm trắng của Nhất Linh, Cảnh trong Băn khoăn của Khái Hưng. Đó là giai đoạn hai của tiểu thuyết Tự Lực Văn Đoàn trên Ngày Nay. Lúc đó những nhà văn cùng thời với họ vẫn chưa bước vào địa hạt tiểu thuyết nội tâm.

Đời mưa gió in trên Phong Hóa từ số 89 (16-3-34) đến số 112 (24-8-34) Khái Hưng viết chung với Nhất Linh, là một tác phẩm hoàn toàn đi trước thời đại: đào sâu mối tình giữa một thày giáo trường Bưởi, đạo mạo, ghét đàn bà và một cô gái điếm. Một tác phẩm như vậy làm sao tránh khỏi sự lên án, thậm chí người lên án còn là một nhà mác-xít như Trương Tửu.

Tuyết sinh sau Mai, và Liên, nhưng vẫn là ba chị em, không cùng tính nết, định mệnh. Nếu hai người chị, hoàn toàn sống trong lễ giáo nho phong, thủ tiết chờ chồng, dù chồng phũ phàng tệ bạc. Tuyết theo tây học, có phản ứng quyết liệt ngay từ đầu: thà bỏ cái gia đình chồng khốn nạn, bỏ con, để đi vào đời mưa gió, còn hơn ở lại làm tôi mọi cho sự ngu dốt và tán tận lương tâm.

Tuyết không chỉ là một cô gái điếm, sống nhờ nhân tình, mà nàng còn tự do, nàng là biểu tượng của cái đẹp, không để ai trưng dụng, không dành riêng cho một người, mà nàng đến với mọi người, lúc nào nàng muốn. Bởi vì Tuyết đã khắc vào trái tim sắt đá của nàng một câu trâm ngôn: “Không tình, không cảm và chỉ coi những lạc thú ở đời như các vị thuốc trường sinh” (PH số 96). Mới đầu, thấy Chương ngây thơ, trong sạch, Tuyết ví Chương như một “cô thiếu nữ, một cô gái đồng trinh“, nàng quyến rũ chơi. Bởi vì nàng “chỉ biết có một thứ ái tình: ái tình xác thịt” (PH 98). Nhưng tất cả những định kiến vững như đồng về chủ nghiã xác thịt, rồi cũng sụp đổ trước tình yêu chân thật, dần dần chiếm trọn thể xác tâm hồn.

Tác phẩm đặt vấn đề: một người con gái đã sa ngã, còn có thể đứng dậy được không? Câu trả lời dường như là không. Không. Ở xã hội. Ở con người. Ở người yêu. Mà Không, ở cả chính mình. Tất cả những gì toát ra trong mọi chi tiết hành động, suy nghĩ của Tuyết và Chương, trong cuộc yêu, cuộc sống, dài gần ba năm, đứt quãng bởi những lần bỏ đi, chứng tỏ tất cả đều không buông tha họ, nhất là chính họ.

Đời mưa gió, vì vậy là tác phẩm đau thương nhất trong thời kỳ văn học 1932-45. Nỗi đau của Tuyết, không phải là nỗi đau của Thị Mịch bị hiếp dâm, của chị Dậu bị cường hào đàn áp, mà đến từ chính nội tâm con người, nỗi đau nguyên thủy, vì vậy, nó có giá trị trường kỳ, bất tử.

Đoạn tuyệt của Nhất Linh in trên Phong Hóa từ số 124 (16-11-34), đến số 149 (17-5-35).

Trên trang đầu cuốn sách Đoạn tuyệt, ghi những dòng: “Tặng Khái Hưng, tác giả “Nửa chừng xuân” nhà văn cùng một quan niệm với tôi về xã hội hiện thời; tặng các thanh niên nam nữ đã từng chịu những nỗi khắt khe của cuộc xung đột mới cũ”. Nhất Linh.

clip_image006

Đoạn tuyệt, PH số 124

Phát súng đầu tiên báo hiệu cuộc đấu tranh mới cũ của Tự Lực Văn Đoàn là Đoạn tuyệt. Tác phẩm tạo cuộc chiến trong dư luận, vì nội dung không nhân nhượng với chế độ đại gia đình, quyết tiêu diệt cảnh mẹ chồng nàng dâu, hạ huyệt đạo tứ đức tam tòng. Đoạn tuyệt, khác hẳn Nửa chừng xuân, nó cắt đứt với quá khứ cổ hủ, kích động sự chuyển hóa xã hội, buộc con người phải thay đổi suy nghĩ, trước và sau Đoạn tuyệt.

Trên báo Loa, 8-8-35, được Trương Tửu khen ngợi nồng nhiệt.

Sau này, khi phê phán tác phẩm của mình trong cuốn Viết và đọc tiểu thuyết, Nhất Linh xếp Đoạn tuyệt phạm lỗi lầm thứ tư, nghĩa là có ý định dùng “tiểu thuyết làm một việc gì” (viết luận đề tiểu thuyết)[9] là hỏng. Tôi không đồng ý với Nhất Linh.

Đoạn tuyệt, nếu có dở, dưới mắt Nhất Linh, thì không phải vì đó là một cuốn tiểu thuyết chỉ chuyên chú đến luận đề. Nhận xét này của tác giả đã làm giảm giá trị Đoạn tuyệt không ít. Thực ra, nhà văn có quyền dùng tiểu thuyết làm bất cứ việc gì, miễn là viết haytự nhiên. Đoạn tuyệtLạnh lùng đều chống chế độ cũ với cường độ mãnh liệt như nhau, nhưng Đoạn tuyệt mạnh về hành động, Lạnh lùng mạnh về nội tâm, nên sâu sắc hơn, chỉ đơn giản như thế. Còn phần lớn tiểu thuyết Tự Lực Văn Đoàn, đều viết ra để “làm một cái gì“, tức là có mục đích cải tạo xã hội cả.

Rồi người ta lại trách Đoạn tuyệt dở ở chỗ đã dựng nên cái chết của Thân một cách gò ép. Trách như thế cũng quá đáng.

Đoạn tuyệt không dở như sự nhận định của tác giả và như lời những người khác chê bai. Đoạn tuyệt là tác phẩm thành công đầu tiên của Nhất Linh, được viết với ngòi bút điêu luyện, bố cục chặt chẽ, những chi tiết đan cài một cách có hệ thống, lô-gic, cả đến tai nạn đưa đến cái chết của Thân cũng hoàn toàn có lý, không thấy nét xếp đặt, giả tạo nào.

Cốt truyện rất giản di: Loan và Dũng yêu nhau nhưng không nói ra. Dũng theo cách mạng, ly khai gia đình. Loan bị cha mẹ ép lấy Thân vì hai nhà đã hẹn ước từ trước, nhất là cha mẹ Loan nợ cha mẹ Thân một món tiền lớn. Cuộc hôn nhân thất bại vì Loan là gái mới, phải chịu sự đàn áp ác nghiệt của mẹ chồng, sự đồng loã của chồng và các em chồng. Cuộc xung đột lên tới cực điểm vào một đêm, Loan đang đọc sách trên giường, Thân nằm cạnh chỉ đợi vợ tắt đèn đi ngủ là lẻn xuống nhà dưới với vợ bé. Loan biết thừa, tỉnh bơ. Thân giật quyển sách trên tay Loan vứt đi. Loan cúi xuống nhặt sách lên đọc tiếp như không có gì xẩy ra. Thân phát khùng, giơ chân đạp vợ xuống đất, miệng không ngớt hò hét rủa xả. Loan vừa lóp ngóp bò dạy thì bà Phán nhào vô phòng chửi góp, Loan đáp lại, bà Phán tát con dâu túi bụi. Loan gỡ được, lùi lại phía sau, bà Phán hạ lệnh cho con trai đánh tiếp. Thân hùng hục đấm vào ngực Loan, Loan cố gắng lùi vào góc giường. Bà Phán hạ lệnh: Đánh chết nó cho tôi. Chết đã có tôi chịu. Loan vẫn lùi, Thân tiện tay với được cái lọ đồng trên bàn, sấn lên, Loan hoảng hốt vớ con dao díp rọc giấy trên bàn giơ lên đỡ, Thân như con hổ dữ, giáng cái lọ đồng đập xuống, Loan tránh được nhưng ngã ngửa xuống giường tay vẫn cầm con dao. Thân quá đà, ngã sấp lên người Loan… và con dao.

Xen này được mô tả rõ mồm một từng chi tiết, không chỗ nào sơ hở hay giả tạo.

Văn phong và cấu trúc trong Đoạn tuyệt điêu luyện, khác hẳn với cấu trúc rệu rạo của Nắng thu, Nhất Linh viết trước đó.

Đoạn tuyệt là tác phẩm quan trọng, đánh dấu sự thành công của Nhất Linh trong tiểu thuyết, cùng sự tranh đấu quyết liệt cho đời sống mới của Tự Lực Văn Đoàn và của cả một thời đại.

Đi Tây đăng trên Phong Hóa (từ số 151, 31-8-35, đến số 181, 3-4-36).

clip_image008

Đi Tây của Lãng Du, PH 151

Sau thành công của Đoạn Tuyệt, Nhất Linh viết tiếp Đi Tây, dưới bút hiệu Lãng Du, in trên Phong Hóa cùng lúc với Trống mái của Khái Hưng.

Đi Tây là tác phẩm thứ yếu của Nhất Linh. Lúc đầu, ông muốn viết một truyện để nhại Pháp du hành trình nhật ký của Phạm Quỳnh, nên dưới tít Đi Tây đề thêm: “Hay là Pháp du hành trình Nhật Ký (Lấy nụ cười để che sự thực)” và trong chương đầu, ông dùng giọng hài hước, với những tiểu đề Tập làm bồi, Mưu Gia Cát… để kể câu chuyện sau đây: Sau khi xin phép đi Tây trong ba tháng không được, tôi [Nhất Linh] mới nghĩ ra một kế là xin làm bồi tầu, bèn bảo tình nhân cho mượn cái mâm đồng và hai cái cốc để tập làm bồi… Rồi tôi viết đến 10 đơn xin phép đi Tây mà không được trả lời, mới nghĩ ra một kế, thay vì viết thư cho quan Thống sứ [cai quản Bắc kỳ] tôi cầm đơn thẳng đến quan Công sứ [cai quản tỉnh nhà] nói giọng Tây bồi, xin đi học nghề chụp ảnh.

Ngặt vì Nhất Linh không có tài viết văn hài hước nên truyện ông viết không buồn cười mấy, và cũng chỉ viết giọng này trong chương đầu. Sau đó, ông chuyển sang giọng sầu não kể cuộc chia ly đầy nước mắt với cô nhân tình, hai người cùng nốc cạn bốn chai sâm banh….

Qua cái tít Đi Tây, độc giả chờ đợi một hồi ký viết về thời du học ở Pháp của nhà văn Nhất Linh năm 1927-1930. Chuyến đi ghé qua những cảng Singapore, Colombo, Aden, Djibouti, kênh Suez, Port Said, Stromboli rồi đến Marseille, bao nhiêu danh lam thắng cảnh, mà chỉ vắn tắt có vài hàng cưỡi ngựa xem hoa. Nhất Linh kể chuyện đi Tây nhưng ngại, không muốn để lộ đời tư: Chuyện chia ly với cô nhân tình trật khấc vì ai cũng biết ông Tam đã có vợ ở nhà. Rồi ông lại giấu tên tỉnh Montpellier, nơi ghi tên học, giấu việc chung nhà trọ với Nguyễn Mạnh Tường, những chi tiết nhỏ này làm độc giả thất vọng. Tai sao Nhất Linh không nhân chuyến đi này, viết một cuốn sách giá trị như Hải trình chí lược của Phan Huy Chú? Thật uổng.

Trống mái

clip_image010

Trống mái, PH 152

Tiểu thuyết Trống mái in trên Phong Hóa (từ số 152, 6-9-35 đến số 173, 7-2-36) là tác phẩm có tính cách triết học của Khái Hưng, một tác phẩm mô-đéc, tiếp tục con đường tư tưởng táo bạo đã thấy trong Đời mưa gióHương gây mùi nhớ.[10]

Trống mái là truyện Trương Chi tân thời, là một bản tình ca mùa hè, nhẹ nhàng mà đớn đau, tàn ác, đưa đến cái chết; nhưng tính chất bi đát trong tác phẩm Khái Hưng luôn mỏng như mây thu. Tình yêu ở đây chỉ có một chiều: Vọi, thuyền chài, vô học, yêu tha thiết cô gái tân thời, có học, nhà giầu ra bãi biển nghỉ hè. Nhưng Hiền không yêu anh mà chỉ yêu cái thân thể lực sĩ đẹp tuyệt vời của anh, một thứ tình hoàn toàn vụ thể xác.

Hiền rủ Vọi đến dự buổi tiệc trà ở nhà nàng, với những người bạn sang trọng tân tiến, nghe nàng đánh vỹ cầm. Họ nhìn Vọi như một người rừng man di mọi rợ. Hiền muốn thách thức bọn sinh viên trường thuốc, trường luật, đang mê nàng? Hay nàng chỉ ác với Vọi, như một hành động vô cố?

Vọi nghèo, quê mùa, đi chân đất, không biết chữ, nhưng có kiến thức sâu rộng vể biển cả, về đất trời, nhờ kinh nghiệm sống. Vọi có tâm hồn nghệ sĩ, cao thượng, hiểu thiên nhiên và quý trọng môi trường. Vọi có những nhận xét tinh vi, Vọi nhìn thấy “bàn chân đặt lên cát ướt sáng loáng như bạc” dưới ánh trăng. Mỗi lần Vọi thưa cô, thưa bà là anh dạy cho cho , một bài học về biển cả, khí hậu, động vật, thực vật, môi trường. Bọn trường thuốc, trường luật, bên cạnh anh, chỉ là những kẻ ngây ngô, đần độn. Còn Hiền, nàng là người phụ nữ thông minh, tân tiến, có học, có thể thao, nhưng tâm hồn thị thành, đầy bụi bậm, lạc hậu và phân biệt giai cấp. Trống mái là bản tình ca có ý nghiã đấu tranh giai cấp bảo vệ môi trường sớm nhất của văn học Việt Nam, ở mức độ tinh vi, đẩy thiên nhiên lên vị trí tột cùng, một thứ tạo vật phải được hiểu và kính nể.

Ba câu trích dưới đây cho thấy sự biến thiên không ngừng trong bút pháp Khái Hưng:

– Khi nhìn bướm: “hai con bướm đuổi nhau, gặp nhau rồi lại xa nhau, lúc hiện ra, lúc biến đi, lúc một con vơ vẩn bay tìm bạn: hai điểm hoạt động trong một cảnh hầu hoàn toàn yên lặng như thu lấy tất cả tâm trí của Hiền”. Ở đây Khái Hưng dùng thủ pháp trữ tình thầm lặng: chỉ với hai chữ hoạt động đặt trong bối cảnh hoàn toàn yên lặng, đã đủ thu hút cả tâm trí Hiền, tại sao? Bởi vì, trong không khí yên lặng, sự hoạt động của hai con bướm kích thích trí tưởng tượng của Hiền, thu hút hết tâm trí nàng. Khó có cảnh làm tình nào thanh cao hơn, bay bướm hơn.

– Khi nhìn con thằn lằn: “Trông nó như con tắc kè, nhưng da tắc kè xù xì và xám xịt như da cóc, còn loài thằn lằn ở Sầm Sơn, da lưng mầu nâu tiá điểm những chấm xanh, chấm đỏ. Khi nó chống hai chân trước đứng rình mồi, cái đuôi và hai chân sau rất thấp, ẩn trong cỏ rậm, thì trông nó giống như một con chim sẻ với đôi cánh nâu và cái bụng trắng. Nhất lúc nhảy lon ton đuổi bắt bướm, nó lại càng giống hệt lắm”. Với con thằn lằn, đôi mắt Khái Hưng trở thành ống kính của một nhà khoa học quay phim tài liệu ghi nhận những khía cạnh thơ mộng và chính xác nhất của đối tượng.

– Khi ngắm trăng hạ tuần trên biển: “Rặng đèn điện trên đường cao chiếu ánh xuống những đợt sóng thành những hình trạng rất lạ lùng: Có lúc trông giống một cái tầu bằng kim cương chạy ngang một quãng dài theo ven bờ, rồi vụt biến vào trong đêm tối, chìm đắm xuống đáy biển đen. Có lúc giống một đàn quái vật vẩy dát lân tinh. Chúng gầm hét đuổi nhau, nuốt nhau, biến đi, hiện ra mãi mãi không cùng”. Ở đây, Khái Hưng dùng ánh đèn đường thay ánh trăng chiếu xuống sóng biển, tạo những hình ảnh lạ kỳ chưa từng thấy mà ánh trăng không thể làm được. Đó là những nét trác tuyệt trong văn chương Khái Hưng: ông không chỉ đơn thuần tả một cảnh, mà trong những đoạn văn hay, ông luôn luôn lồng vào câu chữ, một cảnh khác ẩn giấu, khiến người đọc phải vận dụng trí tưởng tượng của mình, mới khám phá ra được. Văn Nhất Linh và Thạch Lam đã rất hay rồi, nhưng họ tả cảnh đơn hoặc đượm tình, chứ chưa đi tới chỗ, tả một cảnh này mà kỳ thực bầy ra một cảnh khác, như Khái Hưng.

Vũ Ngọc Phan khen văn Trống Mái trác luyệnbát ngát, nhưng ông vẫn thấy đây chỉ là cuốn tiểu thuyết lý tưởng và Hiền say mê một chàng “đánh cá ngốc”: “Vọi ngốc đến nỗi nhìn Hiền đánh răng lại tưởng nàng nhuộm răng trắng”. Khổ lắm. Vọi đâu có ngốc. Khái Hưng chỉ muốn đối chất hai thứ văn minh: văn minh nguyên thủy của người đánh cá chưa hề tiếp xúc với xã hội tiêu thụ, và văn minh tân tiến khoa học của người có tên hiền mà lại ác, của bọn răng trắng mà bụng đen. Đối với Khái Hưng, bọn sinh viên thuốc, luật, ở phòng khách nhà Hiền, dùng tiếng Pháp để nói xấu Vọi rồi cười khả ố, bọn đó mới thực là ngốc, mới man di mọi rợ, vô giáo dục.

Tiểu thuyết lịch sử

Trước khi giới thiệu Tiêu Sơn tráng sĩ, tôi muốn nói qua về tiểu thuyết lịch sử:

Trong văn học ta, trừ hai cuốn Nam triều công nghiệp diễn chí của Nguyễn Khoa Chiêm và Hoàng Lê nhất thống chí của Ngô Thì Chí, xuất hiện đầu và cuối thế kỷ XVIII, ta có rất ít tác phẩm tiểu thuyết lịch sử nổi tiếng. Nhưng hai tác phẩm này, phản ảnh lịch sử, do các trí thức cùng thời viết ra, bổ sung cho lịch sử chính thống.

Tác giả Gia Long tẩu quốc cho rằng: “nước ta chỉ mới có lịch sử đại lược” mà dân ta đối với lịch sử nước nhà, thời lại “lơ đãng như kẻ bàng quan, nguội lạnh như người ngoại quốc” vì thế nên ông phải viết lịch sử tiểu thuyết, để có thể “tả đủ các nhơn vật, sơn xuyên, tánh tình ngôn ngữ, tả tới hỉ, nộ, ái ố, trí não tinh thần, tả tới phong cảnh, cỏ hoa…” làm rung động hồn người; vì lẽ đó mà Tân Dân Tử Nguyễn Hữu Ngởi sáng tác Gia Long tẩu quốc, năm 1929. Nhưng thú thật, truyện của tiên sanh dài dòng đọc hơi chán, chỉ những màn tiên sanh tả các trận đánh giáp lá cà là vô cùng hấp dẫn.

Năm 1934, Khái Hưng viết Tiêu Sơn tráng sĩ, sau đó, nhiều loạt tiểu thuyết lịch sử ra đời, như Vua Hàm Nghi (1935), Vua Quang Trung (1940), Triều Tây sơn (1942)… của Phan Trần Chúc, Bà Chúa Chè (1938), Loạn kiêu binh (1939), Chúa Trịnh Khải (1940)… của Nguyễn Triệu Luật, là những tác phẩm thường được gọi là ký sự lịch sử. Loại sách này gần với truyện giải trí, bởi vì văn thì tầm thường mà chi tiết lịch sử cũng đáng ngờ. Những tiểu thuyết lịch sử của Lan Khai như Ai lên phố Cát, Chiếc ngai vàng, Chiếc hột mận… nhiều chỗ khá hấp dẫn, nhưng cũng chỉ gợi trí tò mò, chứ chưa đem lại điều bổ ích tinh thần.

Tiểu thuyết lịch sử phải đến An Tư, Đêm hội Long Trì của Nguyễn Huy Tưởng, thập niên 40, mới được viết công phu, chặt chẽ, văn phong chọn lọc, chữ đẹp và sang; tác phẩm đắc sắc, tạo được không khí thời đại Trần Hưng Đạo, có tư tưởng hậu thuẫn, được sáng tác trong thời điểm tiền kháng chiến chống Pháp, gián tiếp kêu gọi lòng yêu nước của toàn dân. Nguyễn Huy Tưởng viết tiểu thuyết lịch sử với mục đích gần giống Khái Hưng: để kích động lòng người đứng lên chống Pháp.

Năm 1955, Hoài Điệp Thứ Lang tức Đinh Hùng viết Kỳ nữ Gò Ôn Khâu, ta lại có một hình thức hoàn toàn mới vể tiếu thuyết lịch sử, xuất phát từ ánh hưởng Tiêu Sơn tráng sĩ, nhưng là cuốn tiểu thuyết lịch sử bay bướm, lãng mạn, nhiều đoạn văn thơ mộng tuyệt vời. Đinh Hùng, nhà thơ, chiếu ống kính vào những tình tiết bí mật, tìm kho tàng của người Tầu chôn từ thời Mã Viện, xông vào những trận đánh ác liệt của quân đội Mường, Thổ vùng châu Ma Lục, phá quân Nguyên. Kỳ nữ Gò Ôn Khâu xuất quỷ nhập thần, phi ngựa như bay trên vòm trời Việt Bắc, có hấp lực của một tiểu thuyết võ hiệp kỳ tình, nhưng chỉ có tính cách giải trí, ly kỳ, rùng rợi, không mang ý nghiã chính trị và không ẩn giấu một tâm sự não nề như Phạm Thái trong nội tạng Khái Hưng.

Là người đến sau, Nguyễn Mộng Giác hoàn toàn thất bại trong tác phẩm Sông Côn mùa lũ, vì ông không rõ những quy luật của tiểu thuyết lịch sử:

Tiểu thuyết lịch sử nằm trong quy luật thứ ba của tiểu thuyết mà Bakhtin gọi là Thời không gian (chronotope): nghĩa là thời giankhông gian trong tiểu thuyết phải được tổ chức một cách đặc biệt.

– Tiểu thuyết lịch sử, trước tiên, phải tạo được thời giankhông gian lịch sử, tức là phải trình bày được khung cảnh và ngôn ngữ thời bấy giờ. Ngôn ngữ là điểm quan trọng nhất, dôi khi chỉ một mình ngôn ngữ cũng có thể tạo được bối cảnh và hoàn cảnh. Ở đây Nguyễn Mộng Giác lại cho Quang Trung ăn nói như học trò miền Nam trước bảy lăm, cho Huệ tỏ tình rụt rè như Giác thời trẻ, là rất hỏng. Huệ làm sao biết được ngôn ngữ của thế kỷ XX mà nói? Vì thế Sông Côn mùa lũ, dù viết về thời Tây Sơn khởi nghiệp, nhưng không có một chút không khí Tây Sơn nào cho các nhân vật thở và người đọc bị đẩy ra ngoài ngay từ trang đầu.

– Tiểu thuyết lịch sử vẫn theo Bakhtin, có yếu tố chủ chốt là con đường. Phải lấy bối cảnh là con đường, chuyển động, và hành động, phải xuất quỷ nhập thần. Les trois mousquetaires (Ba người ngự lâm pháo thủ) của Alexandre Dumas là một mẫu mực. Nhưng truyện của Dumas, thiên về hành động và âm mưu ly kỳ mà không đi sâu vào tâm trạng con người. Vì vậy, đọc Tiêu Sơn tráng sĩ, là người Việt, ta vẫn thích hơn, vì tác phẩm thấm nhuần văn hóa, lịch sử, địa lý nước ta và văn Khái Hưng đẹp và bay bổng hơn văn Dumas.

– Tiểu thuyết lịch sử phải tạo được mối liên hệ giữa con người và vùng đất lịch sử xẩy ra câu chuyện. Ở đây là vùng Sơn Nam, Kinh Bắc, với những nhân vật thông thuộc từng ngõ ngách, xóm làng, từng khúc sông, bến đò và toàn bộ chùa chiền… như trong túi họ. Sau khi đọc Tiêu Sơn tráng sĩ, nếu bạn lên chơi chùa Tiêu Sơn, chắc chắn bạn sẽ thử tìm xem ngôi mộ nào là cửa hầm bí mật nơi Nhị Nương ra vào tiếp tế cho Quang Ngọc và đồng bạn.

– Tiểu thuyết lịch sử còn phải lột được đời sống con người trong giai đoạn lịch sử ấy, Khái Hưng không những cho ta sống lại những trận đấu, những buổi trà đàm, những bữa rượu trong tửu quán bên đường, những câu thơ ngâm vịnh thanh tao trong gia đình quyền quý… mà ông còn khắc tạc phong cách một nhà thơ lớn cuối thế kỷ XVIII có quan niệm tự do tình ái và đổi mới thi ca: Phạm Thái.

Tiêu Sơn tráng sĩ tiên tri một cuộc lên đường, cũng là cuốn tiểu thuyết lịch sử hay nhất trong văn học Việt Nam, hội tụ những yếu tố chính cần phải có của một tiểu thuyết lịch sử. Tạo được không khí lịch sử cuối thế kỷ XVIII, bởi Khái Hưng thông thạo ngôn ngữ, phong tục và lịch sử thời Lê Mạt, thành thạo việc soạn thảo thư, văn… biền ngẫu.

Tiêu Sơn tráng sĩ

In trên Phong Hóa từ số 129, 21-12-34 đến số 184, 24-4-36), là tiểu thuyết dài nhất của Khái Hưng. Có người cho rằng Tiêu sơn tráng sĩ là truyện về Trần Quang Ngọc, tôi cho là truyện Phạm Thái. Vậy Phạm Thái là ai?

Phạm Thái (1777-1813) quê xã Yên Thường, huyện Đông Ngạn (phủ Từ Sơn, Bắc Ninh). Cha là Phạm Đạt, làm quan nhà Lê tới chức Thạch Trung Hầu, khi Tây Sơn dứt nhà Lê, Hầu khởi binh chống lại, bị thua. Thái nối chí cha, bị truy nã, phải trá hình đi tu ở chùa Tiêu Sơn (thuộc huyện Yên Phong, Bắc Ninh), lấy hiệu là Phổ Chiêu thiền sư. Đồng chí là Trương Đăng Thụ đang làm quan ở Lạng Sơn, cho người đón Thái lên Lạng Sơn, chẳng bao lâu, Thụ mất. Phạm Thái về xã Thanh Nê (thuộc huyện Ý Yên, Nam Định), quê Thụ, viếng bạn và ở lại ít lâu. Cha Đăng Thụ muốn gả con gái là Trương Quỳnh Như cho, nhưng mẹ nàng không ưng. Quỳnh Như tự vận chết, Phạm Thái buồn bã uống rượu li bì, nhận hiệu Chiêu Lỳ, mất năm 37 tuổi[11].

Nguyễn Huy Lượng, trước làm quan nhà Lê, sau thờ Tây Sơn, soạn bài Tụng Tây Hồ phú, ca tụng cảnh Tây Hồ (Hà Nội) ngầm ý tán dương công đức Tây Sơn. Phạm Thái xem, bèn theo đủ số 85 vần của bài ấy, làm Chiến tụng Tây hồ phú, công kích Nguyễn Huy Lượng. Ngoài ra còn soạn nhiều văn thơ nôm và cuốn Sơ kính tân trang (Lược gương kiểu mới) (1804) kể truyện tình của ông với Trương Quỳnh Như[12].

Tiểu thuyết lịch sử là thể loại Khái Hưng ấp ủ từ Phong Hóa, số 1 với Trận đánh phương Nam. Rồi sau đó liên tiếp trên một số truyện ngắn khác như: Véo von tiếng địch (PH số 42, 14-4-33) viết về công chúa Ly Nương, phỏng theo truyện Trương Chi. Hoàng Oanh (PH số 97, 11-5-34) viết về công nương Chiêm Thành họ Số, Chúa Thao (PH số 122, 2-11-34), là con chúa Trịnh. Đầu năm 1935, Khái Hưng đề cập đến cuộc cách mạng dưới thời nhà Hồ, trong truyện ngắn Linh hồn thi sĩ, trên Phong Hóa số 134, số Xuân (30-1-35), viết về thi sĩ Trần Can, tôi trung nhà Trần, làm thơ chống Hồ Quý Ly, bị bắt nhưng được tha với điều kiện từ nay không làm thơ chửi nhà Hồ nữa. Trần Can bằng lòng trong hai năm, rồi một buổi, chàng sáng tác bài trường hận ca kể lại tội ác của vị hôn quân và sự lầm than của trăm họ. Lời cuối, Trần Can dành cho Quý Ly, trước khi uống thuốc độc tự tử:

“Hỡi Hồ Quý Ly! Ta đã để cho ngươi cắt đứt lòng trung với vua của ta, ta đã để cho ngươi chiếm đoạt trái tim vàng của ta. Nhưng còn linh hồn ta, ta cam đoan rằng, muôn nghìn năm không ai ức chế nổi tấm linh hồn tự do của nhà thi sĩ tự do.” (PH số 134, 30-1-35).

Những lời này chính là khúc dạo đầu bản hùng ca Yên Bái, 1930: khi Khái Hưng bị mật thám Tây đến khám nhà đúng đêm giao thừa, và là điểm hẹn của nhà văn với lịch sử.

Tiêu Sơn tráng sĩ vừa là một tiểu thuyết lịch sử, vừa thầm kín xướng lên cuộc “khởi nghiã chống Tây”, dựa theo câu chuyện nổi dậy của Phạm Thái, nhưng Khái Hưng đưa Quang Ngọc lên làm chủ soái, kín đáo đề cao vai trò lãnh đạo của Nhất Linh Nguyễn Tường Tam, và tự mình rút xuống làm em, trong vai trò Phạm Thái, một chiến sĩ thi nhân lỗi lạc.

clip_image012

Tiêu sơn tráng sĩ, PH 129

Tiêu sơn tráng sĩ kết hợp truyện tình Phạm Thái – Quỳnh Như với hành động cách mạng của nhóm tráng sĩ cựu thần nhà Lê: Trần Quang Ngọc giết vị sư dâm đãng trụ trì chùa Tiêu Sơn, rồi cùng Nhị Nương, Phạm Thái và hơn nghìn tráng sĩ, lập đảng Tiêu Sơn, nổi lên chống Tây Sơn. Phạm Thái được điều động đưa bà Lê Hoàng Phi, vợ vua Chiêu Thống lên Lạng Sơn ẩn náu, liên kết với Trương Đăng Thụ, trấn thủ Lạng Sơn lập địa bàn phía bắc. Nhưng Thụ bị đầu độc chết, Thái đưa xác bạn về chôn ở Thanh Nê, quê Thụ, cứu được Long Cơ, vợ Thụ định chết theo chồng, và được Trương Quỳnh Như em gái Thụ, yêu, nhưng khuyên chàng tiếp tục việc lớn. Trong khi Phạm Thái ở Lạng Sơn, hai đảng viên Tiêu Sơn, lợi dụng Quang Ngọc đi vắng, tự tiện đánh úp phủ Từ Sơn. Thua. Đảng bị truy lùng tận diệt.

Phạm Thái về Kinh Bắc mới hay đảng Tiêu Sơn đã vỡ, chàng quay xuống Bắc Thành đúng kỳ thi cống sĩ, gặp lại Nhị Nương và Quang Ngọc. Nhị Nương tổ chức phá trường thi, nhưng bại lộ. Quang Ngọc cử Thái về Sơn Nam lập lại chi đảng. Gặp toàn bọn hủ nho, Thái chán nản trở về Thanh Nê, gặp lại Quỳnh Như, viết tuyệt tác Sơ kính tân trang. Quỳnh Như bị mẹ ép duyên, tự vận trong ngày cưới.

Tiêu sơn tráng sĩ đăng trải dài trên Phong Hóa trong gần hai năm, với những trắc trở lớn: lần đầu Phong Hóa bị đóng cửa ba tháng, lần sau bị đóng cửa vĩnh viễn. Đảng Tiêu Sơn là hình ảnh của đảng Tự Lực. Bốn tráng sĩ Quang Ngọc, Nhị Nương, Phạm Thái, Lê Báo tượng trưng cho bốn cột trụ xây dựng Tự Lực Văn Đoàn. Những thất bại của đảng Tiêu Sơn tiên đoán những thất bại của Tự Lực sau này.

Tây Sơn, dưới thời Quang Toản -10 năm sau khi Quang Trung băng hà- triều đình rối loạn, các quan giết hại lẫn nhau, Nguyễn Vương đánh thúc Quy Nhơn, cựu thần nhà Lê nổi lên ở Bắc. Tây Sơn, đây đồng nghiã với Tây. Và nước Nam dưới thời Pháp thuộc giống như nước Nam đại loạn thời Lê mạt. Tráng sĩ Nhị Nương mưu lược, xuất quỷ nhập thần, xác định tinh thần nam nữ bình quyền mà Khái Hưng luôn luôn chủ xướng. Đảng Tiêu Sơn nổi lên đánh Tây (Sơn) và thất bại, vì chính Khái Hưng và có lẽ cả Hoàng Đạo, cũng đã biết trước, nhưng vẫn phải làm.

Khái Hưng tổng hợp hai tâm hồn thi sĩ và hiệp sĩ của Phạm Thái-Nhị Nương.Tác phẩm biểu dương cái nhìn nghệ thuật của Khái Hưng về cuộc cách mạng chống Pháp của một Văn Đoàn trong giai đoạn tang thương của lịch sử, để kích động việc đứng lên giải phóng dân tộc. Vì vậy, quan niệm đấu tranh của những nhân vật trong đảng Tiêu Sơn chính là quan niệm của Văn Đoàn Tự Lực, như lời PhạmThái:

Ta chỉ nên trông cậy vào sức ta, chứ đừng tưởng mong chờ ai hết[13].

Cuối cùng, thất bại, họ phải chia tay, Quang Ngọc nói với Nhị Nương:

Chúng ta chờ dịp để hành động. Hành động là phận sự của chúng ta. Không hành động thì đời chúng ta không còn có nghĩa gì nữa.

Lúc từ biệt, Nhị Nương do dự:

– Nhỡ không còn được hội ngộ?
– Cũng chẳng sao. Vì linh hồn chúng ta bao giờ cũng ở bên nhau… Vậy thì chúng ta có ở xa nhau đâu? Tình bằng hữu của chúng ta đã thành một sự thiêng liêng”.[14]

Phải chăng đó chính là lời Khái Hưng nói với bạn trong đêm chia tay mùa thu năm 1940, trên căn gác nhà Thạch Lam bên Hồ Tây, trước khi Nhất Linh trốn sang Tầu?

*

Sau khi khảo sát hầu như toàn bộ tiểu thuyết Tự Lực Văn Đoàn đăng trên Phong Hoá, chúng ta có thể kết luận rằng, cũng như đối với truyện ngắn, Khái Hưng đã làm tròn vai trò của người lãnh đạo tiểu thuyết Việt Nam trên con đường mới của nghệ thuật và tư tưởng.

(Còn tiếp)

Thụy Khuê
thuykhue.free.fr


[1] Hồi ký Nguyễn Hiến Lê, Tập I, Nxb Văn Nghệ, California, 1989, trang 269.

[2] Nguyễn Hiền, Tiểu thuyết và truyện ngắn Khái Hưng, in trong Khái Hưng, Kỷ vật đầu tay và cuối cùng I, Phượng Hoàng, California 1997, trang 304-305.

[3] Phụ Nữ thời đàm, 18-12-33.

[4] Nguyễn Tường Bách, Việt Nam một thế kỷ qua, Hồi ký cuốn một, 1916-1946, Nxb Thạch Ngữ, California, 1998, tái bản 2002, trang 81.

[5] Trong bài Chùa Bách Môn, đặc điểm kiến trúc và những giá trị nổi bật, in trên mạng tapchikientruc, Pgs-Ts Khuất Tân Hưng viết rất rõ về kiến trúc cổ của chùa này.

[6] Nxb Lê Thăng, Hà Nội 1940.

[7] Trong đó có truyện ngắn Ông đồ Bể (PH số 32)).

[8] Phong Hóa số 85 (11-2-34), trong khung quảng cáo, ghi: Tiền bán Nửa chừng xuân, tác giả sẽ biếu vào Tự Lực Văn Đoàn. PH 101 (8-6-34) nhắc lại: tiền thưởng giải Tự Lực Văn Đoàn năm 1935, là tiền bán sách Nửa chừng xuân. PH 166 (13-12-35) đăng tin: Tự Lực Văn Đoàn và tác giả cho phép ban kịch Nguyễn Xuân Phúc diễn Nửa chừng xuân để lấy tiền giúp học sinh nghèo ở trường Bảo hộ. PH 185 (1-5-36) quảng cáo Nửa chừng xuân bán đến nghìn thứ chín và Gánh hàng hoa nghìn thứ bẩy. Ngày Nay số 139 (3-12-38) quảng cáo: Nửa chừng xuân bán đến nghìn thứ 15. Về vở kịch, theo lời tường thuật của Lê Ta (Thế Lữ) trên PH số 167 (20-12-35):

“Trong khoảng ba giờ đồng hồ trên sân khấu người ta dựng một cuốn tiểu thuyết “Nửa chừng xuân” thực lớn. Nhà soạn kịch là một tay huyền bí cứ lần lần dở hết trang nọ đến trang kia. Cho nên những cảnh những tình những lời nói trong truyện của Khái Hưng nhất nhất thấy nhắc lại rất đúng (…) Cô Mai (bà Yến Hồ) thực là ngôi sao trong ban kịch Nguyễn Xuân Phúc.Vai này đóng rất tự nhiên. Sự nhẫn nhục, lòng yêu thương, chí quả quyết, thường diễn ra được trong từng cử chỉ, từng lời nói, và -đó là một điều hiếm có- trong sự yên lặng.

Những lúc đối đáp với bà Án, mẹ Lộc, ở hai cảnh thứ ba và thứ sáu là những chỗ người ta thấy rõ tài của bà Yến Hồ. Giọng nói lúc kính cẩn, lúc lo sợ, lúc kiêu hãnh, lúc van lơn, lúc tức giận (…).

Vai đàn bà thứ hai trong “Nửa chừng xuân” là vai bà Án (do bà Lê Hai đóng) cũng đáng khen. Chững chạc, đài các, khôn khéo, cay nghiệt (…) rõ ra một người đàn bà cố chấp của nền nếp xưa.

[9] Nhất Linh, Viết và đọc tiểu thuyết, Đời Nay, 1969, Sài gòn, trang 17.

[10] PH số 127 (7-12-34).

[11] Theo Dương Quảng Hàm, Việt Nam văn học sử yếu, Bộ Quốc gia giáo dục xuất bản, in lần thứ 6, Sài Gòn 1960, trang 304.

[12] Dương Quảng Hàm, Việt Nam văn học sử yếu, Bộ Quốc gia giáo dục xuất bản, in lần thứ 6, Sài Gòn 1960, trang 304.

[13] Tiêu sơn tráng sĩ, Phượng Giang, bản chụp in lại ở Hoa Kỳ, trang 147.

[14] Tiêu sơn tráng sĩ, Phượng Giang, bản chụp in lại ở Hoa Kỳ, trang 418.

bài đã đăng của Thụy Khuê

Phần Góp Ý/Bình Luận


Xin vui lòng bày tỏ trách nhiệm và sự tương kính trong việc sử dụng ngôn ngữ khi đóng góp ý kiến. Da Màu dành quyền từ chối những ý kiến cực đoan, thiếu tôn trọng bạn đọc hoặc không sử dụng email thật. Chúng tôi sẽ liên lạc trực tiếp với tác giả nếu ý kiến cần được biên tập.

Lưu ý: Xin vui lòng bỏ dấu tiếng Việt để giúp tránh những hiểu lầm đáng tiếc từ độc giả trong việc diễn dịch ý kiến đóng góp. Bài không bỏ dấu sẽ không được hiển thị. Xin chân thành cám ơn.

@2006-2023 damau.org ♦ Tạp Chí Văn Chương Da Màu
Log in | Entries (RSS) | Comments (RSS)