- Tạp Chí Da Màu – Văn chương không biên giới - https://damau.org -

bố già yêu quí: liệu Kim Chính Vân có ít điên hơn bố?

LTS: Đây là bài tổng kết/lược dịch từ bài nhận định “Daddy Dearest: Is Kim Jong Il’s son any less insane?” của Joshua Kurlantzick, đăng trên tạp chí The New Republic ngày thứ Sáu,12 tháng 6 năm 2009. Joshua Kurlantzick là chuyên gia trong lĩnh vực Trung Quốc được quỹ Carnegie của Hoa Kỳ tài trợ. Ông cũng là phóng viên của tạp chí The New Republic ở Á Châu và bình luận gia thường trực cho báo Time.  Bài tổng kết của Đinh Từ Bích Thúy cũng đề cập những chi tiết từ loạt bài đăng trên Asia Times về Bình Nhưỡng (Pyongiang Watch) của Aidan-Foster Carter, biên khảo viên trong lĩnh vực xã hội Triều Tiên hiện đại hiện làm việc ở đại học Leeds, Anh quốc; và bài Dear Leader, on A Platter của phóng viên Washington Post Anthony Faiola.

kim jong with flower

Chân dung vĩ đại cùa Kim Chính Nhật và thân phụ Kim Nhật Thành trước vô số những chậu hoa thu hải đường (begonia)–loại hoa được chọn làm quốc hoa của Bắc Hàn–vào dịp sinh nhật thứ 62 của Kim Chính Nhật ngày 16 tháng 2 năm 2003

Từ nhiều năm qua, nguồn xác thực nhất đã “bật mí” sự kín mít của chế độ Bắc Hàn là Kenji Fujimoto, người đầu bếp sushi cũ của lãnh tụ Kim Chính Nhật. Fujimoto (không phải tên thật của ông) đã làm việc cho gia đình họ Kim gần 20 năm, từ 1982 đến năm 2001—là năm ông đào tẩu Bắc Hàn bằng cách trốn thoát sang Trung Quốc. Hai năm sau, vào tháng 6 năm 2003, Fujimoto xuất bản ở Nhật quyển hồi ký Tôi là Đầu Bếp của Kim Chính Nhật. Hồi ký này không phải là lần đầu một đầu bếp của vị lãnh tụ kính yêu đã tiết lộ những chi tiết thâm cung bí sử về chính quyền Bắc Hàn.

Vào tháng 8 năm 2001, Ermanno Furlanis, một đầu bếp người Ý chuyền về việc sưu tầm và thử nghiệm công thức pizza ở Bắc Ý Đại Lợi, đã đăng loạt hồi ký trên tờ Asia Times, về kinh nghiệm được cử sang Bắc Hàn 3 tuần lễ trong năm 1997 để huấn luyện nhân viên nhà bếp Bắc Hàn làm pizza cho Kim Chính Nhật. Hồi ký của đầu bếp Ermanno Furlanis đọc như du ký của Marco Polo vào cuối thế kỷ 20. Trong khi người dân Bắc Hàn bị đói khát, thiếu thốn những yếu tố căn bản của đời sống, và ngay những người dân ở vùng đô thị Bình Nhưỡng cũng có một cuộc sống sơ khai, ai khá thì có con dê sữa cột trước nhà, hay có gà vịt làm phương tiện cung cấp thực phẩm, Kim Chính Nhật có cả một trung tâm sưu tầm phương thức nấu nướng hoàn cầu ở trên một con tàu lớn, ở một vùng biển cách xa Bình Nhưỡng độ 200 cây số, trang bị với những tiện nghi tối tân, nơi bất cứ những lương thực xa xỉ, như rượu và phó mát Tây, ngay đến một lò nướng bằng đất để làm pizza, cũng có thể được cung cấp chỉ với một cú điện thoại. Tuy nhiên, Furlanis–được khen tặng qua món pizza xúc-xích của ông (món pizza al salamino mà ông tự tin sẽ được là món “pizza không biên giới” cho các lãnh tụ chính trị cứng đầu của Trung Hoa, Hàn quốc và Do Thái cũng như Palestine )–chưa bao giờ được chứng kiến tận mặt Kim Chính Nhật, ngoài phút được thoáng nhìn vị lãnh tụ đi trên cầu tàu qua khung cửa sổ, với “vòng eo vĩ đại có lẽ cũng nghiêng ngửa với quyền thế của ngài.” Ngược lại, Fujimoto, qua 20 năm gần gụi, đã có dịp được quan sát cận kề con người thật của Kim Chính Nhật.

Một đầu bếp sushi Nhật xuất xứ ở Đông Kinh, Fujimoto thăm viếng Bắc Hàn lần đầu năm 1982, đáp ứng đơn tuyển việc được phổ biến qua một công ty thương mại Nhật Bản “cần một đầu bếp sushi Nhật có kinh nghiệm, lương 5,000 đô la một tháng.” Đến năm 1988 ông trở thành đầu bếp sushi phục vụ độc nhất Kim Chính Nhật, người thích cá tươi đến nỗi đòi hỏi Kenjimoto phải biết cắt cá làm sao để làm miệng cá còn mấp máy thở, với “đuôi còn quẫy mạnh” trước khi vị lãnh tụ kính yêu bỏ miếng cá vào mồm. Một năm sau, vai trò của ông được nới rộng thành một “người bạn” của lãnh tụ: Fujimoto và Kim Chính Nhật đi cỡi ngựa, bắn súng, trượt nước. Vì thế, Fujimoto xác nhận tin đồn được nhiều người lan truyền đầu thập niên 1990: Kim Chính Nhật đã bị một tai nạn ngã ngựa trầm trọng vào năm 1992, bị thương ở sọ, ở xương cổ và ngất đi trong nhiều giờ.

Fujimoto cũng nêu ra nhiều điều đáng chú ý trong sách. Ông nói vào năm 1995, Bắc Hàn có một tai nạn nguyên tử: chất phóng xạ bị thoát ra ngoài lò làm nguyên tử, làm nhiều công nhân bị lâm bệnh, và nhiều người bị rụng răng. Kim Chính Nhật không tỏ một phản ứng nào trước sự việc này. Từ năm 1989 Kim Chính Nhật đã tâm sự với Fujimoto rằng Bắc Hàn sẽ dễ bị nguy hại nếu không chế tạo vũ khí nguyên tử.

Theo Fujimoto, Kim Chính Nhật đã biểu lộ nhiều tình cảm hơn vào năm 1994, khi bố ông, Kim Nhật Thành, qua đời. Lúc đó Kim Chính Nhật lâm bệnh trầm cảm, ở lì trong phòng ngủ trong một thời gian dài. Một lúc nào đó vợ Kim Chính Nhật khám phá ông có giữ một khẩu súng lục trong phòng và lên tiếng mắng ông, “Anh có điên không chứ?”

Fujimoto xác định cuộc sống xa xỉ của nhà họ Kim mà đầu bếp Furlanis đã miêu tả trước đây. Súp bào ngư cá mập—loại cá mập hiếm—có trong thực đơn bốn ngày một tuần; sushi một ngày trong tuần, và súp thịt chó mỗi đêm Chủ Nhật (không kể mấy món thịt chó “đặc biệt” vào mùa hè). Kim Chính Nhật rất nhậy cảm về cách nấu nướng của mọi thức ăn. Tuy là người Đại Hàn, vị lãnh tụ kính yêu không thích ăn những món cay, và rất tinh về chuyện đầu bếp thay đổi công thức hay gia vị.

Nhà báo Joshua Kurlantzick kể lại lần đầu ông gặp mặt đầu bếp Fujimoto:

Lúc tôi gặp Fujimoto ở Đông Kinh mấy năm trước đây, trông ông giống như một tên phu khuân vác. Người ông cục mịch, chắc nịch, khuôn mặt thì sần sùi. Giữ vai trò đầu bếp, Fujimoto là một nhân chứng sắc sảo trong triều đình Kim Chính Nhật. Ông biết rõ những chuyện tranh dành quyền lợi ở hậu trường.

Theo ông Kurtlantzick, từ lâu lắm rồi, Fujimoto đã cảm nhận thế lực ngày càng mạnh của Kim Chính Vân, con trai út của Kim Chính Nhật. Cậu trai trẻ rất khắng khít với ông bố, tình cha con giữa hai người là một sự gắn bó hiếm quý. Nhìn qua, Kim Chính Vân có vẻ là một thanh niên hòa nhã, hiếu thảo và hết mực kính trọng bố. Fujimoto tuy nhiên chỉ coi những đặc tính này là bề ngoài. Ông cảm nhận rằng Kim Chính Vân trong lòng cũng “độc ác” và “cứng như sắt.” Trong hồi ký, Fujimoto mô tả Kim Chính Vân trong một đoạn làm người đọc thấy lạnh mình, “Lần đầu Kim Chính Vân bắt tay tôi, cậu bé mới mấy tuổi đầu nhìn tôi chằm chằm với ánh nhìn thâm hiểm, đầy vẻ thù hận, làm như tôi là một tên quân phiệt đã tàn sát dân tộc cậu. Tôi không bao giờ quên được ánh nhìn từ đôi mắt Thái Tử.”

Như đã biết, Kim Chính Nhật, người nắm quyền Bắc Hàn từ khi bố là Kim Nhật Thành qua đời, đã trải qua ít nhất một cơn đột quỵ, và vì thế trong nhiều năm nay đã chú tâm vào việc tìm người kế vị. Theo tin gần đây thì Kim Chính Nhật đã chọn con trai thứ ba là Kim Chính Vân, hiện nay mới được 26 tuổi. Mặc dù chưa có một lời tuyên bố chính thức từ chính quyền, người ta đã thấy những dấu hiệu rõ rệt: học sinh mọi nơi bắt đầu nhắc đến Kim Chính Vân trong những bài hát ở nhà trường; thư gửi đến các viên chức ngoại giao và nội bộ Đảng Cộng sản huy động mọi người “tỏ lòng thành” với Kim Chính Vân.

kim-jong-un

Ảnh của Kim Chính Vân, được đầu bếp  sushi Kenji Fujimoto chụp năm cậu 11 tuổi

Có lẽ những xáo trộn trong nội bộ đã gây khủng hoảng và tăng vẻ gây hấn của Bắc Hàn trên diễn đàn quốc tế trong nhiều tháng vừa qua. Liệu vị lãnh tụ mới của Bắc Hàn sẽ kết thúc thời kỳ đen tối và mở ra một chương sử mới? Hiện giờ chúng ta biết rất ít về người thanh niên sẽ đứng đầu Giang Sơn Kín Mít. Chúng ta phải phân tích những manh mối hiện có để xem Kim Chính Vân có thật sự độc ác như ông đầu bếp sushi kể lại hay không.

Nhà báo Kurlantzick nhớ lại buổi phỏng vấn với Fujimoto trước khi quyển hồi ký của người đầu bếp ra đời:

Lần đầu tiên được nghe tên Kim Chính Vân từ môi Fujimoto, tôi lúc đó không có khái niệm gì. Bức ảnh duy nhất của cậu là một tấm hình đen trắng mờ nhạt, [được Fujimoto] chụp từ lúc cậu độ 11 tuổi; cho ta thấy một cậu bé hiền hòa, với khuôn mặt to lớn và đôi môi dầy như ông bố. Khác với anh cả là Kim Nhật Nam, người được gọi là “Gấu Mập” dùng giấy thông hành giả [để đi chơi điếm] ở Tokyo và bị cảnh sát Nhật phát giác rồi trục xuất về nước, Kim Chính Vân chưa bao giờ tạo dư luận qua những sự việc bê bối hay những phát biểu trước công chúng. Đời sống giáo dục của cậu được phủ kín; người ta đồn cậu theo học trường Quốc Tế ở Berne, Thụy sĩ dưới một tên giả, nhưng chưa ai có thể xác định được chuyện này. Trong nhiều năm, ngay cả những chuyên gia theo dõi tình hình Bắc Hàn cũng không biết gì về sự hiện hữu của Kim Chính Vân.

koh young hee

Kim Chính Vân là con trai của Cao Anh Cơ (Koh Young-Hee) vợ thứ ba, và cũng là người vợ được sủng ái nhất của Kim Chính Nhật, đã qua đời năm 2004 lúc 51 tuổi vì bệnh ung thư vú. Cao Anh Cơ  là người Đại Hàn, sinh ở Osaka, Nhật Bản rồi sang định cư ở Bắc Hàn vào đầu thập niên 1960 và vào thập niên 1970 được tuyển làm vũ công trong đoàn nhạc nghệ Mansudae ở Bình Nhưỡng. Bà được Kim Chính Nhật để ý tới trong buổi trình diễn ca nhạc tại một buổi dạ tiệc riêng của ông. Kim Chính Nhật mang bà về ở trong một biệt thự mặc dù lúc ấy ông đã có vợ chính và một bà vợ bé. Hiện nay vẫn chưa ai biết rõ nếu Kim Chính Nhật đã chính thức kết hôn với Cao Anh Cơ, tuy vậy bà được coi như Đệ Nhất Phu Nhân của Bắc Hàn cho đến lúc mất, và theo Kenjimoto là người đàn bà duy nhất dám chống lại Kim Chính Nhật. Cao Anh Cơ sinh được hai con trai, Kim Jong Chul (năm nay 28 tuổi) và Kim Chính Vân. Theo Fujimoto, Kim Jong Chul bị bố coi là có tính tình ủy mị, lèm nhèm, “giống con gái,” không đủ tài lãnh đạo. Ngược lại, Kim Chính Vân được bố mẹ cưng chiều từ bé. Cậu biết uống rượu mạnh như bố.

Chuyện bố Kim thích thưởng thức rượu cognac Tây ở những bữa tiệc trác táng trong hoàng cung là điều Fujimoto biết rất rõ. Ở một buổi tiệc thâu đêm suốt sáng, vị lãnh tụ kính yêu của Bắc Hàn đã ra lệnh bắt Fujimoto phải cạo sạch lông mu—đây là một cách đùa cũng có mục đích hạ nhục người đầu bếp, ngụ ý Fujimoto chỉ là một thái giám của triều đình, cho dù có thân cận với đế vương đến đâu đi nữa. (Chính vì chuyện thấy mình bị làm gia nô vô hạn định cho gia đình họ Kim—dù được trọng vọng và được Kim Chính Nhật cưới cho vợ Đại Hàn–mà Fujimoto đã đào tẩu về Nhật qua chặng Trung Quốc sau khi viện cớ nói với họ Kim ông phải đi mua những con nhím biển thật tươi để mang về làm món ăn đặc biệt cho vị lãnh tụ kính yêu).

Những điểm tương tự giữa bố Kim và con trai út cũng vượt ra ngoài giới hạn những đam mê sở thích. Dư luận trong giới thượng lưu Bắc Hàn xác định rằng Kim Chính Vân là một con người tàn ác, lạnh lùng, độc đoán—tóm lại, cậu hoàn toàn có đủ tư cách để điều khiển một tiểu quốc gulag thích chơi trò dập dình vũ khí nguyên tử với các cường quốc. Vì vậy, theo Fujimoto, những điều tương quan giữa hai bố con chính là lý do Kim Chính Nhật đã thiên vị Kim Chính Vân.

Nhưng theo sự quan sát của những nhà bình luận quốc tế, cho dù Kim Chính Vân có giống Kim Chính Nhật thế nào đi nữa, thế lực của gia đình nhà Kim thật sự đã bị chi phối từ lâu. Kim Nhật Thành, bố Kim Chính Nhật và người thiết lập chính quyền Bắc Hàn, đã thống trị giang sơn này bằng cách đẩy thế lực quân sự ra vòng ngoài. Trước khi Kim Chính Nhật lên kế vị bố, ông đã nghĩ mình khôn ngoan trong đường lối củng cố chính sách độc tài chuyên chế của nhà họ Kim qua cách làm thân với những viên chức quân đội có thế lực và bằng chuyện cung cấp những món ăn ngon và nhiên liệu tốt cho quân đội, trong khi cả nước bị lâm vào nạn đói. Ông Chang Song-Taek, 62 tuổi, người đứng đầu lực lượng tình báo của Bắc Hàn và một viên chức trong Đảng Lao Động, là em rể của Kim Chính Nhật vì ông lấy em gái của họ Kim là bà Kim Kyong-hui. Chang Song-Taek được cho là người mà lãnh tụ kính yêu tin cẩn nhất cho đến năm 2003 và từng được mô tả là là “người đàn ông số hai ở Bắc Hàn.” Nhưng vào năm 2003, theo tin đài BBC Việt ngữ, sau khi tìm cách gây quá nhiều ảnh hưởng chính trị, ông Chang bị Kim Chính Nhật “thanh trừng” và bị đi cải tạo. Nhưng trong những năm gần đây, vì tình trạng sức khỏe của Kim Chính Nhật, ông Chang lại được đưa trở lại vào bộ phận hành chính của Đảng Lao Động và một nguồn tin mới đây khẳng định ông có quyền lực thực sự và sẽ nhậm chức “quan nhiếp chính” khi Kim Chính Vân lên ngôi. Cũng nhiều người nghĩ rằng Kim Chính Vân, vì tuổi còn trẻ, sẽ nhượng bộ nhiều quyền lực cho các viên chức quân đội lão thành. Khác với Kim Chính Nhật, người đã bỏ ra hơn một thập niên để mua chuộc các tướng tá quan trọng trong quân đội Bắc Hàn, Kim Chính Vân chưa có đủ thời gian hay tuổi tác để vun đắp những quan hệ bạn bè với những nhân viên có thế lực.

Hay có thể Thái tử Kim sẽ mở ra một thời đại đổi mới? Những nhà bình luận Hoa Kỳ đã từ lâu khẳng định rằng có một nhóm ôn hòa trong quân đội Bình Nhưỡng hiện đang mong muốn những cải cách kinh tế giống như Trung Hoa. Và, cho dù điều này sẽ không xảy ra, it nhất việc quân đội Bắc Hàn có ảnh hưởng trong guồng máy chính trị sẽ kềm hãm được những chuyện điên rồ từ một vị lãnh tụ độc tài có bản tính đồng bóng của một đứa bé hư. Nhưng đây có lẽ cũng chỉ là chuyện mơ tưởng. Điều đáng hy vọng nhất là sự thăng thiên của vị lãnh tụ mới sẽ giảm bớt những đe dọa nguyên tử từ Bắc Hàn—có lẽ những gây hấn này cũng là cách để củng cố thế lực chính trị cho Kim Chính Vân.

Dù sao đi nữa, biết đâu thế giới đang đánh giá thấp cậu trai trẻ họ Kim. Mười lăm năm trước, khi bố cậu lên ngôi, phần đông những nhà bình luận chính trị đã phỏng đoán rằng vị lãnh tụ thích ăn chơi và mập bự này sẽ khó tồn tại vì sớm muộn gì sẽ cũng có một cuộc đảo chính quân đội. Nhưng từ lúc lên cầm quyền, Kim Chính Nhật đã đào tạo vũ khí nguyên tử bất chấp qui luật hay hình phạt quốc tế, và thành công trong cách chế ngự quân đội đồng thời duy trì vị trí gần như vĩnh cửu của mình. Nếu con trai của Kim Chính Nhật, với cả một kho vũ khí nguyên tử mà cậu có toàn quyền (và tùy hứng) xử dụng, đã thừa hưởng cá tính “kính yêu” của ông, thử tưởng tượng bao nhiêu chuyện cậu sẽ có dịp tung hoành, hay làm tan tác.

bài đã đăng của Đinh Từ Bích Thúy

1 Comment (Open | Close)

1 Comment To "bố già yêu quí: liệu Kim Chính Vân có ít điên hơn bố?"

#1 Comment By Lan Huong On 15/06/2009 @ 6:18 am

Không ai giầu ba họ
Chẳng ai khó ba đời
Hy vọng nó không điên
Như bố và ông nó

LH