- Tạp Chí Da Màu – Văn chương không biên giới - https://damau.org -

“Tiếu Ngạo” Cùng “Bảy Chữ Ngàn Câu” Tập Thơ Thứ 11 Của Nguyễn Lương Vỵ

Thời mới lớn, hạnh phước lớn của chúng tôi là mỗi chiều tối được cùng mấy người bạn văn nghệ kéo nhau ra bãi biển nằm nói chuyện trên trời dưới đất. Có khi cùng những ngọn gió nam non ngủ thiếp luôn dưới trăng sao.

Đó cũng là cách chúng tôi khoản đãi những anh em sáng tác ở xa về (đa phần thuộc diện trốn quân dịch hoặc đào ngũ). Ở bờ biển không phải sợ bị xét giấy, và chúng tôi đều chưa có ai làm ra tiền để có thể vào quán xá!

Thời điểm này, cả tôi cũng như Lê Phiên Vươn (Lê Xuân Tiến) và Hồ Ngạc Ngữ, khi gửi bài đăng báo đã không còn ghi sau bút danh dòng ngoặc đơn “Thi văn đoàn Hồn Quê – Quy Nhơn” như trước nữa. Các tạp chí mới ra đời lúc này đều dành nhiều “đất” cho văn nghệ. Người sáng tác tìm cách thể hiện theo nhiều khuynh hướng. Và lứa chúng tôi đã bắt đầu làm thơ tình, có nhiều cảm xúc xã hội, hoặc nhiều chất suy tư. Lên trung học đệ nhị cấp, những bạn nhiều tuổi, nếu muốn, đã có thể ứng tuyển vào các khóa đào tạo cấp tốc để ra làm giáo viên tiểu học tại các trường mới mở dành cho người “tản cư” về ven đô thị. Chiến tranh ác liệt ngày một lan rộng, nên cách làm này giúp cho người có sức học yếu sớm có được tiền lương, lại khỏi lo mai kia: “rớt tú tài anh đi trung sĩ!”.

Người bạn mới

Một buổi sập tối mùa thu năm 1966, Hồ Ngạc Ngữ ra bãi biển một bạn mới là Nguyễn Lương Vỵ. Anh này nhỏ con, mới từ Đà Nẵng vào nhập học cùng lớp với Ngữ tại trường Trung học Kỹ thuật. Ở hệ trường này, học sinh ngoài ưu tiên học bổng, còn được tăng tuổi năm học. Nếu lỡ không được lên lớp, thì được “học đúp” lại chứ không phải đi quân dịch ngay như các trường phổ thông. Do vậy nên dù là trường kỹ thuật, vẫn có nhiều học trò mê sáng tác văn chương!

Nguyễn Lương Vỵ cùng năm sinh với tôi và Tiến, nên không thuộc dạng bị sức ép về tuổi tác. Nhưng anh vào Quy Nhơn một mình, việc ăn ở phải nương nhờ một gia đình bà con. Ai nhìn kỹ, có thể nhận ra nét mặt anh như đang giấu niềm u uẩn. Trong đời riêng, chàng trai này chắc có nỗi niềm chi đó. Nhưng chúng tôi không quan tâm lắm đến đời tư, bởi Hồ Ngạc Ngữ khi giới thiệu đã nói: “Tay này làm thơ dữ (nhiều) lắm; dù không hay đăng báo nhiều như tụi mình, nhưng thơ khá vững, lại sành sỏi về niêm luật!”

Những năm tháng này, nhiều thanh niên chịu ảnh hưởng của trào lưu “hiện sinh”. Một số người do chưa hiểu sâu ý nghĩa mấy chữ “duy ngã độc tôn” của nhà Phật, nên dù mới làm được dăm ba bài thơ, đã tự vỗ ngực xưng là “thiên tài”. Họ phát ngôn khinh bỉ mọi giá trị tinh thần trên thế gian. Là những ngòi bút từng được “mài giũa” qua các “bút đoàn” tự lập (riêng tôi, Tiến và Ngữ từ năm 1965 đã có bài được tuyển chọn vào sách tuyển tập sáng tác tuổi học đường in ở Sài Gòn), thì được thêm một người bạn thơ mới như Vỵ, là đáng mừng xiết bao.

Chúng tôi thường trao đổi văn thơ qua lại trong nhiều đêm ở bờ biển. Nhưng suốt hai năm trời, Nguyễn Lương Vỵ vẫn không gửi bài vào Sài Gòn để được đăng ồ ạt như chúng tôi. Mãi đến năm 1969, khi sắp lấy bằng tú tài, anh ta mới “xuất chiêu”. Và ngay lần gửi đầu tiên, bài thơ tứ tuyệt “Nửa Đêm Thức Dậy Nhìn Mây Trắng” của Vỵ đã được Bán nguyệt san Văn đăng rất trang trọng. Lớp cầm bút ở Quy Nhơn đều khá trầm trồ. Chơi thân cùng chúng tôi, nên Vỵ cũng không ưa các màn thời thượng, như tham dự các màn trình diễn để tự “lăng-xê” mình qua các buổi đọc thơ ở quảng trường, quán xá… Khi vào Sài Gòn học đại học, tôi với Lê Xuân Tiến và Nguyễn Lương Vỵ cùng thuê chung một gác trọ. Thân nhau cật ruột đến vậy, nhưng riêng về đường sáng tác, thì mỗi người lại tự đi theo hướng mình chọn. Không ai thèm chen vào để tâng bốc hay dè bỉu bản thảo của bạn mình, trước khi nó được đưa ra công chúng (đăng báo)!

Như khoảng trời riêng

Thoắt đó mà đã hơn 50 năm kể từ đêm chúng tôi quen và kết bạn với nhau. Đầu tháng 12.2016, nhận được tập thơ thứ 11 của Nguyễn Lương Vỵ mang tựa đề T(i)ếu Ngạo Giang Hồ. Sách mới vừa in xong bên Mỹ, được người quen cầm về. Tôi vui lắm, dù trước đó đã được đọc bản thảo qua đường truyền để viết đôi lời cảm nhận in trên sách. Vui, vì dù biết sách xuất bản ngày nay tại hải ngoại chỉ in ra với số lượng qua đặt hàng với nhà phát hành toàn cầu (như với Công ty bán hàng trực tuyến Amazon), nhưng giấy mực vẫn có mùi hương quyến rũ riêng, nhất là khi biết nó mang những bài thơ hay. Những gì tinh túy nhất tôi đã viết trong lời cảm nhận rất cô đọng in trong sách (cùng một số bằng hữu quý thơ Vỵ). Có phải do vậy mà ở bài đọc sách này, tôi lại cố tình nói lan man?

Xin thưa, không hẳn vậy đâu! Là người hoàn toàn không theo lập luận “một với một là hai” − nhưng dù chỉ nói trời trăng mây nước đi nữa, thì trong thơ ca vẫn thấp thoáng bối cảnh hiện tiền mà người viết đã và đang sống, phải gánh chịu hoặc được thụ hưởng. Về năm tháng, chúng tôi đều đang ở ngay khúc giữa của điểm nhấn “60 năm cuộc đời” và cột mốc tuổi “xưa nay hiếm”! Ngay ở bài Lời Thưa mở đầu tập, tác giả cũng đã nói như vậy:

quá sáu mươi lăm gần bảy chục
cổ lai hy lục đục xếp hàng
kẻ trước người sau lau nếp gấp
thời gian chớp tắt đủ dư vang

Những người có tin ở vòng xoay tương tác “Thiên-Địa-Nhân” cũng cho rằng khi đã vào tuổi 60, thì số mệnh ít còn ảnh hưởng tới nhân thân nữa. Nhà thơ cũng không nằm ngoài sự chi phối đó. Tôi nghĩ rằng đó là một nhận định xác đáng. Vị thầy được nhiều người phương đông tôn là “Vạn thế sư biểu” cũng đã khuyên rằng: “Lục thập nhi nhĩ thuận” − Tuổi 60 thì nên nghe những lời đáng lọt vào tai!

“Nghe” thì như vậy, nhưng còn lời mà ta nói (hoặc viết) phải làm sao cho người khác lọt vào tai?

Các tiến bộ khoa học kỹ thuật, loại thịnh hành và đang phổ biến nhất thời đại là công nghệ thông tin, đã làm thay đổi nhiều mặt sinh hoạt và có khi làm biến đổi cả trí tuệ của con người. Cái thế giới ảo có khi lại là sự đánh lừa. Nhưng hiểm họa nhất lại là sự lẫn lộn giữa cái thực và cái ảo. Sự “lẫn lộn” ấy ngày xưa có khi tạo nên bản sắc mỗi người làm thơ, nhưng hiện tại có khi nó được sử dụng cho cái ác, như nhằm vinh danh cho cõi “đại đồng”! Tuồng ảo hóa đã bày ra đấy! Từ Facebook, nhiều người có thể mỗi ngày công bố ra khoảng 4-5 bài thơ. Thơ đã thành một dạng thông tin. Người Việt lại đang có xu hướng đối đáp hay vịnh sự vật bằng những câu vần vè và cho đó là thơ. Người ta bình nhiên lấy ca dao tục ngữ và những câu thơ nổi tiếng đưa vào phát ngôn hoặc sáng tác của mình. Nên thơ chẳng còn là cái đáng trân trọng. Thế giới “đại đồng” mà, không cần phân biệt ai là “tác giả”, là nhà sáng tạo nghệ thuật gì nữa hết?!

Khi đã vào tuổi 60, đáng mừng là Nguyễn Lương Vỵ đã chọn được cách thể hiện để người đọc thấy thơ mình “nhĩ thuận”. Tuổi sắp vào đời, đêm ở bãi biển Quy Nhơn anh “nhớ trăng khô hết máu”. Màu ánh trăng dâng lên thành “Huyết Âm”(tên một tập thơ Vỵ in cách nay khoảng 15 năm khi mới qua Mỹ sống) ám ảnh anh suốt từ thời ấy. Trải qua nhiều khổ lụy và cô đơn (nhà thơ nào chẳng cô đơn!), hình như từ mốc 60 tuổi trở đi, anh đã tìm ra và hạnh phúc lớn, với “Khoảng Trời Riêng” của mình: lâu lâu hội ngộ với 2 cô con gái đã lớn của mình. Anh đã nói với con về thơ trong 2 khổ 7 và 8 của bài thơ mang tựa đề trên:

7.

con hỏi cha làm thơ nhiều không?
thiệt tình hồn vía mãi ruổi rong
thơ bám trong xương trong máu gọi
khỏe thì ngồi gõ phím thong dong

8.

con hỏi cha nhưng cha chẳng hiểu
thơ ghiền cha hay cha ghiền thơ
hiểu chết liền niêm hoa vi tiếu
cha lắc đầu rồi cười vu vơ

Cái bàn phím mà anh “gõ thong dong”, trong thực tế là những “phím đen”, lắm khi nó được tác giả gõ khá âm thầm, để biến cái ảo thành cái thật!

Từ cái mốc 60 tuổi, khi ở nước ngoài cũng như trong nước, nhiều người làm thơ Việt vẫn chao đảo đi tìm “cái mới” cho thơ. Bằng cách lẫn lộn âm điệu, chữ nghĩa; hoặc phỉ báng thế giới cảm xúc, cho rằng thơ phải đưa lên sự kiện tựa những bản tin. Thì Nguyễn Lương Vỵ lại trở mình chuyên tâm vào tìm lại nét đẹp của ngôn ngữ Việt. Anh có sự gần gũi với cái đẹp của thơ thời thơ Chữ Nôm sơ khai, với Trần Nhân Tông, Nguyễn Trãi, Nguyễn Bỉnh Khiêm… Cổ điển và hiện đại hòa tan nhau trong một âm điệu rất… tan. Như trong khúc thứ 3 của bài thơ “Tan Sương Đầu Ngõ”:

Tan tan tan là tan tan tan
Còn chút hơi vẫn réo hồn đàn
Ấm lạnh đời hư thương cốt nhục
Độc cô đất khách lụy trần gian
Thế thái hãi hùng khôn xiết kể
Nhân tình kinh khiếp chẳng nên bàn
Thèm mộng về thăm năm tháng cũ
Tan tan tan là tan tan tan…

Gọi là khúc, đoạn hay tách ra thành một bài riêng cũng được. Có thể nói đây là một tuyệt tác trong dòng thơ hôm nay.

Vài ghi nhận

Như tựa đề phụ của thi tập (Bảy Chữ Ngàn Câu), Ở tập thơ thứ 11 này, Nguyễn Lương Vỵ dùng thể thơ cổ điển cách tân. Nhiều bài riêng lẻ theo bố cục nghiêm chỉnh của thể thơ 7 chữ 8 câu như thơ Đường. Các cặp “thực” và “luận” có câu chữ đối nhau nghiêm chỉnh. Ở chương “Cổ Điển Và Hiện Đại”, tác giả lại dùng thể thất ngôn cổ phong, có lúc giống như những lời tự vịnh, có khi lại là một bài hành. Các nhà thơ trong giai đoạn 1965-1975 ở Miền Nam trước đây vẫn thường dùng cách thể hiện đó.

Phần cuối tập là chương “Niệm Khúc Nắng Không Màu”, gồm những bài liên khúc sáu-tám, cứ một bài 8 câu, hoặc có khi chỉ 6 câu. Thơ lục bát của Nguyễn Lương Vỵ trong tập như một biến thể của thơ bảy chữ. Bài “Cuối Tuyết” mở bài bằng câu “dẫn”, được ghi chú của Bùi Giáng, như nguồn cảm hứng: “Ngờ đâu cuối tuyết còn xa vô cùng”. Ba khổ trong bài thơ có hai câu đầu là điệp khúc: Tuyết còn xa tuyết còn xa… Bài thơ cho thấy Nguyễn Lương Vỵ đã cố tránh, và tránh được, kiểu lục bát “tự nhiên nhi nhiên” của Bùi Giáng. Bài thơ “Cuối Tuyết” khá hay, lại dễ nhớ. Nhưng một số bài lục bát khác được cố tình lẫn vào lối “hành” của thơ bảy chữ, nên tác giả chưa tạo được dấu ấn lục bát riêng, như đã làm được với thể 7 chữ trong tập này.

Nhắc đến Bùi Trung niên Thi sĩ, nhân tiện, tôi muốn đưa ra nhận xét riêng của mình về cái “rốt ráo” của nhà thi sĩ này: Bùi Giáng đã xem cuộc đời, và cả việc làm thơ, như là một sự “giỡn chơi”. Vì mọi thứ trên đời dưới mắt nhà thi sĩ, phải chăng đều phù phiếm và hư ảo. Nhưng ở đó, cái đẹp vẫn là ước mơ rốt ráo đến cuối đời, như nghiệp chướng số mệnh của người thi sĩ! Qua Bảy Chữ Ngàn Câu, Nguyễn Lương Vỵ cũng đang có những hạnh phúc viên mãn với cuộc chơi −  T(i)ếu Ngạo Giang Hồ. Chữ T(i)ếu ở đây có dấu ngoặc đơn ( ) hai bên chữ i, hay không có cũng được, bởi cái lẽ vô thường của cuộc đời.

Như thế, thì những người yêu thơ như chúng ta, hôm nay đọc được tập thơ “Bảy Chữ Ngàn Câu” này, thấy thật vui sao.

Sài Gòn, 08.12.2016

Võ Chân Cửu