Trang chính » Biên Khảo, Nghiên Cứu, Tư Liệu Email bài này

Tự Lực Văn Đoàn: Văn học và cách mạng (1)

5 bình luận ♦ 1.12.2020
clip_image002_thumb.jpg

1- Ngòi bút đứng lên

Chỉ cái chết của ý tưởng là đáng sợ… là đáng phàn nàn… Còn cái chết của người!

Khái Hưng

Tới ngày nào bị bắt buộc phải gác bút thì lúc đó nhà văn sẽ phải cầm súng.

Jean-Paul Sartre

clip_image002 clip_image004
Bìa Phong Hóa số 1 & Bìa Phong Hóa số 14

Người ta không viết cho kẻ nô lệ. Nghệ thuật văn xuôi liên hệ với một thể chế duy nhất mà nó còn giữ được ý nghiã trọn vẹn: đó là dân chủ. Khi cái này bị đe dọa, thì cái kia cũng bị đe dọa theo. Tranh đấu bằng ngòi bút, nhiều khi cũng chưa đủ. Tới ngày nào bị bắt buộc phải gác bút thì lúc đó nhà văn sẽ phải cầm súng. Như thế, bất cứ anh đến với chữ nghĩa bằng phương tiện gì, dù anh có những tư tưởng như thế nào, văn chương cũng vẫn dồn anh ra mặt trận. Viết tức là một cách nào đó muốn có tự do, và nếu anh đã bắt đầu, thì dầu muốn dầu không, anh phải dấn thân [1].

Những lời Jean-Paul Sartre viết năm 1948 trên đây tại Paris, phản ảnh thực tại của phong trào văn học và cách mạng duy nhất ở Việt Nam: Tự Lực Văn Đoàn.

Khởi đầu, họ chỉ là những thanh niên yêu văn chương nghệ thuật, mới tập viết văn hoặc đang học vẽ, nhưng chỉ trong vài năm, họ đã trở thành những tên tuổi hàng đầu của nền văn học và hội họa nước nhà. Họ đã tạo được một phong trào đổi mới văn chương tư tưởng, cải tiến xã hội chưa từng thấy. Ẩn dưới chiều sâu của cuộc cải cách văn chương và xã hội là mục đích giải phóng dân tộc khỏi vòng nô lệ.

Khi chính quyền thực dân dùng sự kiểm duyệt khắt khe để triệt hạ sức phản kháng bằng ngòi bút, những người cầm đầu Tự Lực Văn Đoàn đã bỏ văn nghệ để cầm súng. Đó là lịch sử của nhóm Tự Lực, quy tụ chung quanh bốn thành viên chính: Nhất Linh, Khái Hưng, Hoàng Đạo và Nguyễn Gia Trí. Đây cũng lịch sử của một tình bạn lạ lùng giữa Khái Hưng và Nhất Linh, từ những bước đầu thành lập Tự Lực Văn Đoàn. Nguyễn Gia Trí là người ra đi cuối cùng, sau khi các bạn đã lần lượt nằm xuống.

Ta thử tưởng tượng: dưới thời Pháp bị Đức đô hộ, Paris có một tờ báo trào phúng hàng tuần, kiểu Le Canard enchainé (Con vịt bị xích) ngoài những tiểu thuyết của Stendhal, Balzac… còn in tranh hài hước của Picasso, Braque… kèm với những bài xã luận chính trị nẩy lửa bàn về quyền làm người, để chống lại chế độ Đức quốc xã đang thống trị trên nước Pháp.

Tờ báo tưởng tượng này chính là ảnh thực của hai tờ tuần báo Phong Hóa Ngày Nay, trong thời điểm 1932-1940, tại Hà Nội, đã quy tụ những ngòi bút tài ba nhất của thế hệ: Khái Hưng, Nhất Linh, Hoàng Đạo, Thạch Lam… và của các họa sĩ hàng đầu: Nguyễn Gia Trí, Tô Ngọc Vân … cùng những tác giả nổi tiếng khác, hợp lực cộng tác để xây dựng một nền văn nghệ quốc ngữ mới, đưa dân tộc ra khỏi hai vòng nô lệ: nô lệ hủ tụcnô lệ thực dân, với những mục đích chính:

– Phát triển và đổi mới nền văn học quốc ngữ.

– Phê bình đạo lý Khổng Mạnh, chống chế độ đại gia đình, loại bỏ hủ tục, mê tín, dị đoan.

– Xây dựng một xã hội tân tiến.

– Tranh đấu chống thực dân, đòi tự do dân chủ.

Họ đã liên kết văn chương với hội họa vào cuộc tranh đấu chống chính quyền thuộc địa, trên bình diện văn hóa, trước. Khi cuộc chiến bằng ngòi bút bị bức tường kiểm duyệt chận lại, họ quay sang cầm súng, sau. Đó là thực chất của phong trào Tự Lực Văn Đoàn.

Trong tám năm, từ 1932 đến 1940, Tự Lực Văn Đoàn hoạt động không ngừng trên khuôn khổ của hai tờ tuần báo:

Phong Hóa, số 1 (ra ngày 16-6-1932), do Trần Khánh Giư (Khái Hưng) chấp bút từ số 1 đến số 13 (8-9-1932). Từ Phong Hóa số 14 (22-9-1932) Nguyễn Tường Tam (Nhất Linh) làm Giám đốc tới số 190 (5-6-1936) thì bị rút giấy phép, phải đình bản hẳn.

Ngày Nay từ số 1 (30-1-1935) đến số 224 (7-9-1940) do Nguyễn Tường Cẩm, Nguyễn Tường Tam, Trần Khánh Giư, Nguyễn Tường Lân (Thạch Lam) thay phiên nhau làm Giám đốc.

clip_image006 clip_image008

Ngày Nay số 1  &  Ngày Nay số 16

Con đường đấu tranh của Tự Lực Văn Đoàn, thể hiện trên ba bình diện: Chính trị, trào phúngvăn chương, từ Phong Hóa số 14 (22-9-1932) đến Ngày Nay số 224 (7-9-1940), là số cuối cùng.

Toàn bộ sưu tập Phong Hóa Ngày Nay đã được công bố, từ ngày 12-9-2012, trên một số website trong và ngoài nước, qua các thư viện điện tử: Người Việt Online, Diễn Đàn.org, Viện Việt Học… ở hải ngoại, và thư viện một số đại học trong nước. Nhờ cố gắng của năm người: Phạm Phú Minh, chủ biên báo mạng Diễn Đàn Thế Kỷ; Nguyễn Trọng Hiền, con trai họa sĩ Le Mur Nguyễn Cát Tường; Nguyễn Tường Giang, nhà thơ, con trai nhà văn Thạch Lam; Phạm Thị Thảo (bút hiệu Phạm Thảo Nguyên), con dâu nhà thơ Thế Lữ; và Thành Tôn, nhà thơ.[2]

Nhờ bộ sưu tập này, không những chúng ta có thể đọc trực tiếp những tác phẩm văn chương của Khái Hưng, Nhất Linh, những bài nghiên cứu chính trị của Hoàng Đạo, xem tranh hài hước châm biếm khuynh đảo của Nguyễn Gia Trí, để hiểu rõ công lao xây dựng văn chương quốc ngữ và tranh đấu cách mạng của Tự Lực văn đoàn.

*

Năm 1938, Mặt trận bình dân (Le Front populaire) do Léon Blum cầm đầu, mất quyền lãnh đạo nước Pháp, chính sách cai trị ở thuộc địa khe khắt hơn, Nhất Linh cùng Khái Hưng, Hoàng Đạo, Nguyễn Gia Trí, lập đảng Hưng Việt, sau đổi thành Đại Việt Dân Chính.

Tháng 9 năm 1939, đại chiến thứ nhất bùng nổ, chính quyền thực dân bắt giam những người đối lập và phát động chính sách kiểm duyệt nghiệt ngã. Ngày Nay không còn đất vẫy vùng, những người cầm đầu Tự Lực Văn Đoàn quyết định bỏ bút, cầm súng.

Năm 1940, tổ chức cách mạng của họ bị phát giác. Những người chủ chốt bị truy nã. Ba thành viên nòng cốt: Nguyễn Tường Long (Hoàng Đạo), Nguyễn Gia Trí và Trần Khánh Giư (Khái Hưng), lần lượt bị bắt trong tháng 9 và tháng 10 năm 1941. Riêng thủ lãnh Nguyễn Tường Tam (Nhất Linh) trốn thoát sang Tàu.

*

Cho tới nay, khi viết về Tự Lực Văn Đoàn, các tác giả thường chỉ chuyên chú đến khía cạnh văn chương, không mấy ai để ý đến khiá cạnh chính trịtrào phúng, là hai địa bàn quan trọng khác, tạo thành thế chân vạc trong chiến lược giải phóng dân tộc bằng ngòi bút của Tự Lực Văn Đoàn.

Đặc biệt phần trào phúng, bắt đầu trên Phong Hóa từ số 14 (22-9-1932) và trở thành căn cước thứ thứ ba của tờ báo, bên cạnh chính trịvăn chương. Khi Phong Hóa bị rút giấy phép phải đình bản hẳn sau số 190 (5-6-1936), toàn bộ ban biên tập chuyển sang báo Ngày Nay số 16 (12-7-36), và trên đầu tờ báo (exergue) này, Nhất Linh chia nội dung làm hai phần:

1- Ngày Nay Tiểu Thuyết

2- Ngày Nay Trông Tìm

Gần hai tháng sau, tới Ngày Nay số 25 (3-9-36), Nhất Linh lại đổi exergue một lần nữa, ông chia báo làm ba phần:

1- Ngày Nay Trông Tìm

2- Ngày Nay Trào Phúng

3- Ngày Nay Tiểu Thuyết

Chữ Trông tìm tuy có nghĩa  tìm kiếm khoa học, mở rộng hiểu biết, nhưng ở đây thầm ngụ ý chính trị. Mục Trông tìm do Hoàng Đạo phụ trách, với những bài chính luận, trình bày cho độc giả hiểu thế nào là tự dodân chủ, và ông viết những bài xã luận quyết liệt, đòi các quyền: tự do ngôn luận, tự do lập đảngquyền làm người.

Điều này chứng tỏ kể từ tháng 9 năm 1936, Nhất Linh đã đưa vị trí tranh đấu chính trị, do Hoàng Đạo phụ trách, lên hàng đầu. Ông đặt châm biếm, trào phúng, do Nguyễn Gia Trí phụ trách, sang hàng thứ nhì, và đưa văn chương tiểu thuyết… của Khái Hưng, Nhất Linh xuống hàng thứ ba. Không phải ông coi thường văn học, mà do đòi hỏi của tình thế: sự thay đổi này gắn bó mật thiết với tình hình chính trị. Ngày 3-5-1936, Mặt Trận Bình Dân (Le Front Populaire) lên cầm quyền ở Pháp, có chính sách cởi mở đối với những nước thuộc địa, quyền tự do báo chí được nới rộng hơn, bỏ cơ quan kiểm duyệt. Nhất Linh, Khái Hưng, Hoàng Đạo và Nguyễn Gia Trí bèn lợi dụng tình thế, viết và vẽ mạnh hơn, trực tiếp phê bình chính sách đàn áp của thực dân và cương quyết đòi tự do dân chủ. Báo Ngày Nay trong giai đoạn này, đã thực hiện những số “để đời” với bút vẽ trào phúng của Nguyễn Gia Trí.

Tự Lực Văn Đoàn đã đạt những thành quả không thể chối cãi được trong thời điểm 1932-1938:

Về mặt văn học, khai phá nền văn chương quốc ngữ: giới thiệu và phổ biến Thơ Mới, đặt nền móng cho Tiểu thuyết và Truyện ngắn Việt Nam, trên báo Phong Hóa.

Về mặt tranh đấu chính trị, nổi trội nhất là ba năm, từ 1936 đến 1938, trên báo Ngày Nay: khi Hoàng Đạo trở thành lý thuyết gia của Tự Lực Văn Đoàn và Nguyễn Gia Trí công khai vẽ tranh châm biếm với bút hiệu RIGT (trước đó vẽ không ký tên hoặc ký nhiều tên khác nhau), chủ ý kết hợp ý nghĩa châm biếm trong tranh với nội dung chính trị của Hoàng Đạo. Từ đó, Nguyễn Gia Trí phụ trách toàn bộ hý họa và minh họa tờ Ngày Nay. Phải nhận rõ công việc này mới có thể hiểu tại sao Nguyễn Gia Trí bị đánh đập tàn nhẫn khi bị Pháp bắt năm 1941, và vai trò quan trọng của ông trong Tự Lực Văn Đoàn.

Thế Lữ, rút dần khỏi Tự Lực Văn Đoàn, ra làm kịch với Đoàn Phú Tứ từ năm 1937. Tháng 10-1938, ông lập ban kịch Thế Lữ.

Sang năm 1939, Nhất Linh, Khái Hưng vì hoạt động chính trị, viết ít hơn trước, Nguyễn Gia Trí bận công tác đảng, vắng mặt, Tô Ngọc Vân thay thế. Chất lượng tranh hài hước trên Ngày Nay kém sút đi nhiều, vì tuy Tô Ngọc Vân là họa sĩ tài ba, ông vẽ tranh châm biếm không sắc bén như Nguyễn Gia Trí.

Cuối năm 1939, sau khi chiến tranh thế giới bùng nổ, chính quyền thuộc địa thay đổi thái độ, truy lùng và bắt bớ đối lập, gia tăng kiểm duyệt. Ngày Nay bị cắt nhiều đoạn, nhiều bài.

Các thành viên chính của Tự Lực phải lui vào bóng tối, chỉ còn một mình Thạch Lam xoay sở, ít người viết, tờ báo nghèo nàn đi. Đây là thời kỳ Tự Lực Văn Đoàn bắt đầu tan rã.

Ngày 7-9-1940 Ngày Nay ra số 224, số báo cuối cùng.

Mùa thu năm 1940, Nhất Linh chạy sang Tàu.

Ngày 16-9-1941, Hoàng Đạo và Nguyễn Gia Trí bị bắt.

Ngày 31-10-1941, Khái Hưng bị bắt. Cả ba bị giam ở Vụ Bản đến năm 1943.

Ngày 27-6-1942 Thạch Lam mất vì bệnh lao.

Hoạt động văn học của Tự Lực Văn Đoàn chấm dứt. Nhưng hoạt động cách mạng còn kéo dài thêm một thời gian nữa.

*

Từ trước đến nay, sự nghiên cứu Tự Lực Văn Đoàn thường chỉ xoay quanh và đề cao Nhất Linh, coi ông là người đã “sáng tạo” ra Tự Lực Văn Đoàn, nhất là sau khi ông tự vận, sự độc tôn Nhất Linh không còn giới hạn.

Sự thực, Tự Lực Văn Đoàn là một tập hợp bẩy người: Nhất Linh, Khái Hưng, Hoàng Đạo, Nguyễn Gia Trí, Thạch Lam, Thế Lữ, và Tú Mỡ, nhưng chỉ có bốn cột trụ: Nhất Linh, Khái Hưng, Hoàng Đạo, Nguyễn Gia Trí. Nếu thiếu một trong bốn người này thì Phong Hóa Ngày Nay, không thể là Phong Hóa Ngày Nay như chúng ta đã biết.

Trong cuốn sách này, chúng tôi dựa vào những điều đã viết và vẽ trên hai tuần báo Phong Hóa Ngày Nay, trong tám năm, từ tháng 9-1932 đến tháng 9-1940, và trên báo Ngày Nay kỷ nguyên mới từ số 1 (5-5-1945) đến số 16 (18-8-1945), một phần những số báo Việt Nam chúng tôi có được và trọn bộ báo Chính Nghĩa, cùng những tài liệu rời khác, để thử tìm lại:

– Hành trình của Tự Lực Văn Đoàn, con đường văn nghệ và cách mạng.

– Làm sáng tỏ vai trò của Khái Hưng, Nhất Linh, Hoàng Đạo và Nguyễn Gia Trí.

– Giới thiệu các tác phẩm cuối cùng của Khái Hưng, sau khi Tự Lực Văn Đoàn tan rã.

– Sự bôn ba hải ngoại của Nhất Linh, Hoàng Đạo và Nguyễn Gia Trí từ 1946 đến 1950.

Khi nói đến Tự Lực Văn Đoàn hay Phong Hóa Ngày Nay, là chúng ta nói đến một tổ chức văn nghệ nhất quán của một nhóm người có tư tưởng đổi mới xã hội và giải phóng dân tộc.

Nhất Linh Nguyễn Tường Tam là người lãnh đạo Tự Lực Văn Đoàn và đảng Hưng Việt, sau đổi thành Đại Việt Dân Chính, sau cùng hoà nhập với Việt Nam Quốc Dân Đảng.

Khái Hưng là cột trụ chính, quán xuyến tất cả những tờ báo Phong Hóa, Ngày Nay, Ngày Nay kỷ nguyên mới, Việt Nam, Chính Nghĩa. Ông cũng là người xây dựng nền móng tiểu thuyết và truyện ngắn hiện đại Việt Nam.

Hoàng Đạo là người khai trương lý thuyết dân chủ, nhân quyền một cách có hệ thống và toàn diện, lý thuyết của Hoàng Đạo vượt xa Phan Chu Trinh, bởi ông thâm hiểu Tây học và luật học.

Thạch Lam khích động lòng yêu nước, nhưng không trực tiếp hoạt động.

Thế Lữ và Tú Mỡ không tham gia chính trị, giữ khoảng cách với văn đoàn, khi hiểm nguy.

Xuân Diệu chỉ là thành viên từ cuối 1938, năm 1939 góp bài ít hẳn đi, năm 1940, ngừng hẳn.

Khái Hưng, Nguyễn Gia Trí ở trong tổ chức văn hóa và chính trị này từ lúc phát sinh đến hồi kết thúc cùng với Nhất Linh và Hoàng Đạo, là bốn cột trụ xây dựng Tự Lực Văn Đoàn, một tổ chức tranh đấu giải phóng dân tộc bằng con đường nghệ thuật và tư tưởng.

(còn tiếp)

Thụy Khuê
thuykhue.fr.fr


[1] Jean-Paul Sartre, Qu’est-ce que la littérature, Folio Essais, 1993, t. 72.

[2] Theo Phạm Phú Minh trong bài Việc điện toán hóa báo Phong Hóa Ngày Nay: Những ý nghĩ lãng mạn giữa một ngày mùa đông, in trong Kỷ yếu Triển lãm và Hội thảo về báo Phong Hóa Ngày Nay và Tự Lực văn đoàn, Nxb Người Việt, Cali, 2014, trang 290-295.

bài đã đăng của Thụy Khuê

Phần Góp Ý/Bình Luận


Xin vui lòng bày tỏ trách nhiệm và sự tương kính trong việc sử dụng ngôn ngữ khi đóng góp ý kiến. Da Màu dành quyền từ chối những ý kiến cực đoan, thiếu tôn trọng bạn đọc hoặc không sử dụng email thật. Chúng tôi sẽ liên lạc trực tiếp với tác giả nếu ý kiến cần được biên tập.

Lưu ý: Xin vui lòng bỏ dấu tiếng Việt để giúp tránh những hiểu lầm đáng tiếc từ độc giả trong việc diễn dịch ý kiến đóng góp. Bài không bỏ dấu sẽ không được hiển thị. Xin chân thành cám ơn.

5 Bình luận

  • Trần Thiện Huy says:

    Nói chuyện xưa mà chơi… Hồi năm (hình như) 1941, báo Phong Hóa và báo Loa đang sỉ vả nhau; báo Loa đăng ảnh cô Băng Tâm, một người có giao tình rộng rãi trong giới văn nghệ lên trang bìa. Cô này có quán kem ở Hà Nội đặt tên là Ngọc Hồ quán. Tú Mỡ bèn làm thơ đăng trên Phong Hóa chế diễu như sau:

    BỠN CÔ NGỌC HỒ

    Tưởng băng trắng muốt, tuyết trong veo,
    Tuyết lấm băng nhơ rõ chán phèo.
    Tiết sạch coi nhàm, trăng gió nhởn,
    Hoa tàn rử mãi bướm ong theo.
    Hồ tù ngán nỗi con rồng lộn,
    Ngọc vết thương tình kẻ cố đeo.
    Nhắn khách Băng Tâm ai đó tá,
    Mỹ danh hai chữ, nghĩ buồn teo!

    (Xin chú ý 2 câu 5-6)

    Dù sợ mang tiếng vạch lá tìm sâu, nhưng theo thiển ý, một tờ báo cộng tác với nhà thơ có tư cách như thế, và đăng được loại văn chương như vậy để thỏa lòng thù ghét đồng nghiệp… mà mơ dùng “trào phúng” để giải phóng dân tộc, thì khiến người ta không khỏi chạnh lòng thương hại cho đương sự được giải phóng.

    • Báo Phong Hoá số 190 là số cuối cùng ra ngày 5-6-1936. Báo Loa hình như đóng cửa trước đó.
      Vậy nếu bài thơ này (của Tú Mỡ hay cuả ai) làm năm 1941, thì chắc đăng trên báo khác. Mong Trần Thiện Huy tìm rõ xuất xứ, là đã đăng trên báo nào, ngày nào? Rất cám ơn.

      • Trần Thiện Huy says:

        Thưa chị Đặng Thơ Thơ,

        Trước kia tôi vẫn có tài liệu về vấn đề này, nhưng hôm nay tìm lại thì chẳng thấy đâu. Vậy xin cho khoảng 1 tuần để sưu tập lại.

        Trước mắt, ta nhận thấy bài thơ trên được đăng trong tập thơ Giòng nước ngược 2, xuất bản năm 1941 (xin lỗi tôi lầm, đó là năm xuất bản tập thơ) do nxb Đời nay của TLVĐ ấn hành, ở trang 150. Tuy rằng chuyện đó không phải bằng chứng thỏa đáng cho điều tôi phát biểu ở trên, nhưng tạm thời xin cung cấp để độc giả hiểu rằng tôi không phải kẻ có ác ý vu khống, dù có thể đã lầm lẫn về sự kiện.

        Sau 1 tuần nếu tôi không thể bổ sung tài liệu thì xem như tôi đã có thái độ không cẩn trọng khi tuyên bố, và vì vậy, xin chịu lỗi với người đọc. Cũng xin lỗi vì thái độ có vẻ gay gắt quá đáng; chỉ xin người đọc thông cảm rằng trước nay tôi rất dị ứng với thói nói tục trong văn chương.

      • Trần Thiện Huy says:

        xin bổ sung thêm, “Giòng nước ngược” cũng là tên của mục thơ trào phúng do Tú Mỡ chuyên trị trên Phong hóa; tập thơ mang tên này thường được hiểu như là tập hợp của những bài thơ Tú Mỡ từng đăng trên Phong Hóa. Tuy nhiên, đó cũng chỉ là 1 bằng chứng yếu; hiện giờ tôi không thể nói chắc chắn được bài thơ trên đã đăng trên Phong Hóa vào thời điểm nào.

  • black raccoon says:

    Nhất Linh, văn chương và dấn thân

    Nhất Linh văn chương là sự nghiệp của tiểu thuyết. Nhất Linh dấn thân là hành tung của chính trị.

    NL trong khi xuất bản Đoạn Tuyệt, mà nhiều người cho rằng là quyển tiểu thuyết hiện thực xã hội tiêu biểu của văn chương dấn thân hay cách mạng.

    Nhưng mà dấn thân cách mạng gì? Nội dung Đoạn Tuyệt, theo sự diễn giải, là sự xung đột trong hủ tục cưới gả. Xung đột giữa quan điểm hôn nhân cũ và mới. Xung đột giữa Đông và Tây. v.v…
    Theo tôi, hãy nên đọc ĐT như là một tác phẩm văn học. Nếu không, sẽ bị kẹt nhiều thứ, mà không có ích lợi gì cho sự nghiệp văn chương của Nhất Linh. Này nhé:

    – Quý vị đừng quên cùng thời điểm với Đoạn Tuyệt (1935) thì Nhất Linh vẫn có các tác phẩm văn chương Nắng Thu (1934), Hai Buổi Chiều Vàng (1934 -1937), Bướm Trắng (1939)

    – Nếu bảo rằng tư tưởng tự do trong hôn nhân theo Tây Phương là cách mạng so với tục lệ, tập quán thành hôn của lễ giáo VN (theo Nho Giáo) thì e có hạn hẹp quá hay chăng. Nếu mà nói cách mạng trong hôn ước thì có lẽ VC cách mạng nhất. Không phải sao, VC đã từng đơn giản hóa thủ tục đến mức tối đa, chỉ cần đứng dưới cờ đảng + bình trà + đĩa bánh ngọt là có quyền động phòng.

    Quý vị có lẽ không quên, xét về ý thức thôi, thì người Việt cũng đã có tư tưởng tự do trong phối ngẫu từ những 2000 năm trước. Truyện huyền sử Công Chúa Tiên Dung và Chữ Đồng Tử là gì, chẳng là ý thức tốt đẹp của tự do cá nhân chọn lựa duyên lành cho mình hay sao ? Và Bích Câu Kỳ Ngộ, cả Truyện Kiều nữa, ý thức kết duyên cùng kẻ tâm đầu là gì ?

    Và lịch sử đã chứng minh, lễ nghi trong thành hôn của người Việt vẫn trường tồn và còn mang ý nghĩa và nét đẹp của nó.

    http://huynhhuuduc.blogspot.com/…/truyen-tho-bich-cau…

@2006-2023 damau.org ♦ Tạp Chí Văn Chương Da Màu
Log in | Entries (RSS) | Comments (RSS)